Triển vọng kinh tế Thủ đô năm 2023

Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và các khâu đột phá, chú ý tính hai mặt của chính sách, thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế Thủ đô.

Năm 2023, cùng với cả nước, Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và các khâu đột phá, chú ý tính hai mặt của chính sách, thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế Thủ đô trực tiếp và gián tiếp góp phần giữ vững sự ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, gắn với khai thác các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu, sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả phản ứng chính sách, phản ứng thị trường thích ứng với các biến động và khó khăn trong nước và quốc tế. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trien vong kinh te Thu do nam 2023 min - Triển vọng kinh tế Thủ đô năm 2023

Đặc biệt, với sự tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”thành phố đặt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: GRDP tăng khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; Giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022…

Về dịch vụ, thành phố sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với phát triển các mô hình kinh tế mới, tăng sức mua và bình ổn thị trường, gắn với kế hoạch hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô và gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung – cầu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát triển thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt và mạng lưới kinh doanh thương mại hiện đại bao phủ cả khu vực ngoại thành. Quản lý tốt các chợ, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm và quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, không để lợi dụng tăng giá. Tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng trên 10%…

Để đạt mục tiêu năm 2023 thu hút 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế (khoảng 2,1 triệu khách có lưu trú), 19 triệu khách du lịch nội địa, Thành phố tập trung nâng cao năng lực của các khu, điểm du lịch; nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch và tăng kết nối từ trung tâm Thành phố đến các làng nghề, các khu và điểm du lịch trọng điểm gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng sinh thái; đẩy mạnh chuyển đổi số và truyền thông, tuyên truyền, quảng bá du lịch Thủ đô, với thông điệp xuyên suốt là “Hà Nội – Đến để yêu” và “Hà Nội – Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”…

Về công nghiệp, thành phố tiếp tục các chính sách ưu đãi tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ và khoảng 30-35 sản phẩm công nghiệp chủ lực; sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Xây dựng và thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu và cổng thông tin kết nối doanh nghiệp công nghiệp thành phố Hà Nội; Đề án chuyển đổi số cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và hoàn thành chỉ tiêu 100% cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc gia.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giống chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng rau, hoa, cây cảnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ; Phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh; giữ ổn định tổng đàn lợn khoảng 1,6-1,8 triệu con, bò sữa 15 nghìn conbò thịt 135-145 nghìn con; gia cầm 38-40 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 80%; diện tích thủy sản24,5 nghìn ha và sản lượng 135 nghìn tấn. Phát triển thêm các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị theo cơ chế “Liên kết 4 nhà”, thêm 26 xã nông thôn mới nâng cao và 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, tập trung vào các chỉ số thành phần còn thấp; thực hiện hiệu quả các giải pháp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ ưu đãi về thuế, phí, tín dụng… Giải ngân tối đa gói tín dụng ưu đãi cho vay theo chương trình của Chính phủ và các chương trình cho vay kết nối ngân hàng – doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch theo kế hoạch.

Tiếp tục xây dựng hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, tài sản công… Nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng nền tảng số vào sản xuất, kinh doanh. Phát triển kinh tế số, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30% vào năm 2025; thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực…

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh công tác quy hoạch. Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy;, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Năm 2023, thành phố sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng của Trung ương trên địa bàn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế;

Khai thác có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường; công khai, minh bạch trong điều hành hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, nhất là giá xăng dầu, điện, nước; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; Xây dựng và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; tiếp tục phát triển đồng bộ, bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ.

Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, tăng cường hiệu quả phối hợp và trách nhiệm trong xử lý công việc; tổ chức đánh giá định kỳ cán bộ, công chức gắn với công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật và bổ nhiệm cán bộ.

Thường xuyên kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tiếp công dân; thực hiện tốt Luật tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tổ chức xác minh, tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, không để trở thành “điểm nóng”, gây mất an ninh trật tự. Nghiêm túc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

Đặc biệt, cần đề cao năng lực và trách nhiệm công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu và một bộ phận cán bộ các cấp còn hạn chế; nhận diện và khắc phục tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Thành phố; tình trạng ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc và thiếu phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã; đồng thời, sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, cũng như vướng mắc trong các quy định về đấu thầu; cải thiện tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động….

TS.Nguyễn Minh Phong

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây