Triệu Việt Vương với sự nghiệp dựng nước và giữ nước

Triệu Việt Vương với sự nghiệp dựng nước và giữ nước
Triệu Việt Vương trong tranh dân gian Đông Hồ.

Triệu Việt Vương với sự nghiệp dựng nước và giữ nước

Triệu Quang Phục, người huyện Chu Diên (Khoái Châu, Hưng Yên), ông sinh giờ Dần, ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn (524). Cha ông là Thái phó Triệu Túc, bà mẹ tên là Nguyễn Thị Hựu. Triệu Quang Phục (sau này xưng vương lấy hiệu là Triệu Việt Vương) đã trị vì nước Vạn Xuân từ năm 548 đến năm 571.

Năm 541, Triệu Quang Phục tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế (Lý Bí) được trao chức Tả tướng quân. Tháng 5 năm 545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy lại sang đánh Vạn Xuân. Lý Nam Đế thua trận, lui vào động Khuất Lạo. Trước khi mất, Lý Nam Đế trao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục. Nhận sự ủy thác, Triệu Quang Phục đem quân về xây dựng căn cứ ở đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Sự kiện này trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi “Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc, không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết”.

tvv2 min - Triệu Việt Vương với sự nghiệp dựng nước và giữ nướcGiáo sư Sử học Lê Văn Lan nghiên cứu bài vị của Vua Triệu Việt Vương tại Đền hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên). Ảnh: HỮU TÍNH

Có được căn cứ địa hiểm trở, Triệu Quang Phục đã sử dụng lối du kích, ngày ngày ông đều cùng quân sĩ luyện tập. Ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đêm đến dùng thuyền độc mộc đem quân tập kích bất ngờ vào các doanh trại và các cuộc hành binh của quân Lương. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Quang Phục thuộc đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày tuyệt không để lộ khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là Dạ Trạch vương”. Lối đánh này mang lại hiệu quả cao, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, làm cho uy thế của Triệu Quang Phục ngày càng lừng lẫy, người dân tôn ông là Dạ Trạch vương.

Triệu Quang Phục xưng vương lấy hiệu là Triệu Việt Vương, tiếp tục cùng bách tính Vạn Xuân dựng nước và giữ nước. Nhân cơ hội nhà Lương suy yếu, Triệu Việt Vương mở một loạt cuộc tấn công vào quân Lương và thu về toàn thắng. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở. Như thế chỉ trong vòng 8 năm (542-550), Lý Bí, Triệu Quang Phục đã hai lần đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước. Nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, tưởng như bị tiêu diệt hoàn toàn, lại được độc lập và có điều kiện tiếp tục dựng xây”.

Năm 557, Lý Phật Tử, người họ hàng của Lý Nam Đế, từ động Dã Năng kéo quân về gây chiến với Triệu Việt Vương. Sau nhiều lần đánh nhau bất phân thắng bại, hai bên giảng hòa, chia nhau đất đai, lấy bãi Quần Thần (vùng Thượng Cát, Hạ Cát, thuộc Từ Liêm, Hà Nội) làm địa giới. Lý Phật Tử chủ động xin kết hôn mối thông gia với Triệu Quang Phục. Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Vua nghĩ rằng Phật Tử là người họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quần Thần cho ở phía Tây của nước, [Phật Tử] dời đến thành Ô Diên (xã ấy có đền thờ thần Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy)”. Triệu Quang Phục đã gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang là con trai của Lý Phật Tử để tỏ tình hòa hiếu với nhau.

Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ tiến quân đánh úp. Quân Triệu Việt Vương thua chạy về phía cửa sông Đáy, cùng đường ông phải tự tử tại cửa biển Đại Nha (khu vực Độc Bộ, Nghĩa Hưng, Nam Định). Người đời sau lập nhiều đền thờ ông. Hiện nay, trong đền Hóa Dạ Trạch ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, ngoài thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, còn phối thờ Triệu Quang Phục. Tại xã An Vĩ, huyện Khoái Châu có một đền thờ riêng Dạ Trạch vương và các vị tướng phù giúp ông đánh giặc. Đây là ngôi đền duy nhất ở tỉnh Hưng Yên thờ vua Triệu và đang được nâng cấp. Hằng năm, ngày 12-8 âm lịch-ngày Triệu Quang Phục tế cờ ra trận đánh giặc, người dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới vị thành hoàng của làng.

Lịch sử đã lùi xa, những gì còn lại về thân thế của Triệu Việt Vương đáng để hậu thế kính ngưỡng và cảm phục vị anh hùng dân tộc.

MINH ĐẠO 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây