Tiềm năng khoáng sản Việt Nam: Phong phú và đa dạng

Tiềm năng khoáng sản Việt Nam: Phong phú và đa dạng

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng về chủng loại gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromít, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bôxit, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, molipden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hoá chất công nghiệp (Apatít, cao lanh, cát thuỷ tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát).

Tr lượng ln, s lượng nhiu

Các kết quả điều tra thăm dò đã ghi nhận sự có mặt 57 loại khoáng sản ở Việt Nam, phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng và mỏ. Đã đánh giá được một số loại khoáng sản có giá trị công nghiệp và trữ lượng dự báo lớn như: Dầu-khí (1,2 tỷ-1,7 tỷ m3); than (240 tỷ tấn), sắt (2 tỷ tấn), đồng (1 triệu tấn kim loại), titan (600 triệu tấn khoáng vật nặng), bôxit (10 tỷ tấn), chì kẽm, thiếc, apatít (2 tỷ tấn), đất hiếm (11 triệu tấn) các khoáng sản làm vật liệu xây dựng (52 tỷ m3) và một số loại khoáng sản khác. Những  mỏ mới có quy mô lớn, có giá trị kinh tế như mỏ đồng Tả Phời (Lào Cai), mỏ đồng Nậm Tia (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), mỏ chì – kẽm Bản Bó và mỏ barit Nà Ke, Chè Pẻn (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), đặc biệt là các phát hiện mới về các sa khoáng titan ven biển có tiềm năng rất lớn, phân bố ở khu vực miền Trung (Bình Thuận, Ninh Thuận); các quặng bauxit, đất hiếm, urani, wolfram, than có trữ lượng lớn hơn nhiều so với con số điều tra trước đây. Kết quả điều tra địa chất khoáng sản thời gian qua đã mở ra triển vọng hình thành một số ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn tới. Nhiều loại khoáng sản đã được khai thác phục vụ cho nhu cầu trong nước và một phần cho xuất khẩu.

 Để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này hiệu quả nhất, Chiến lược phát triển khoáng sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định quan điểm phát triển: Khoáng sản Việt Nam là tài nguyên không tái tạo, có trữ lượng hạn chế, vì vậy, phải được điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, kết hợp phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản; xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản với công nghệ hiện đại, phù hợp điều kiện của Việt Nam, nâng cao hệ số thu hồi khoáng sản và mức độ chế biến sâu khoáng sản; tăng cường và xiết chặt công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, sửa đổi và bổ sung Luật Khoáng sản để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và đầy đủ cho công tác hoạt động khoáng sản.

Đem li ngun thu ln t xut khu khoáng sn

Do tính chất và mục đích sử dụng của từng nhóm khoáng sản, đối với một số loại khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn, Chính phủ giao cho một số doanh nghiệp Nhà nước đảm nhận vai trò nòng cốt, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm nhiệm việc khai thác và chế biến dầu khí; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khai thác và chế biến than và các khoáng sản khác; Tập đoàn Hoá chất Việt Nam khai thác và chế biến khoáng sản hoá chất (apatit); Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Vinacomin khai thác, chế biến quặng sắt chủ; Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp ngành xây dựng, giao thông vận tải khai thác, chế biến vật liệu xây dựng.

Ngoài ra tham gia khai thác, chế biến các điểm mỏ khoáng sản quy mô nhỏ ở các địa phương có rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần. Tổng số các doanh nghiệp khai khoáng (kể cả vật liệu xây dựng) đến nay khoảng 1.100 doanh nghiệp.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng vai trò quan trọng và tích cực trong sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam và nền kinh tế đất nước. Đã cơ bản đáp ứng đủ và kịp thời nguyên liệu cho nền kinh tế quốc dân. Các khoáng sản và sản phẩm chế biến từ khoáng sản đã góp phần xuất khẩu mang về lượng ngoại tệ lớn cho đất nước.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu 20 loại khoáng sản chủ yếu năm 2006 đạt hơn 10 tỷ USD, năm 2007 đạt 10,497 tỷ USD, năm 2008 đạt 13,074 tỷ USD. Hai loại khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là dầu khí và than. Riêng xuất khẩu dầu khí và than năm 2008 đạt gần 12,8 tỷ USD. Năm 2008, than thương phẩm đạt 38,5 triệu tấn; than xuất khẩu đạt 19,5 triệu tấn; 10 tháng đầu năm 2009 xuất khẩu 19,584 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,029 tỷ USD.

 Con số ngoại tệ thu được từ  xuất khẩu khoáng sản sẽ còn tăng hơn nữa nếu như ngành công nghiệp này trong thời gian tới có sự  quan tâm đầu tư công nghệ cao vào khai thác và quản lý tốt công tác khai thác khoáng sản Việt Nam.

Q.Minh

  
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây