Vài vấn đề trong sáng tác biểu tượng – Tác giả: Hoàng Hoa Mai

Biểu tượng là một phạm trù tư duy văn hóa, phản ánh một ý tưởng để gửi một thông điệp nào đó cho xã hội thông qua nghệ thuật hóa hình ảnh, ký hiệu. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật… cũng đã đưa ra nhiều khái niệm cụ thể như là biểu tượng, biểu trưng, ký hiệu, dấu ấn giai đoạn để tuyên truyền, giới thiệu một sự kiện, một vấn đề nổi bật… của xã hội, địa phương, đơn vị và cá nhân. Tuy nhiên mỗi vấn đề trong xã hội được đưa ra công chúng để quảng bá, tuyên truyền giáo dục, truyền thống cũng là tương đối. Chủ thể gửi thông điệp phải xác định rõ tính chất, quy mô tác dụng và ảnh hưởng của nó đối với cộng đồng, xã hội cần được cụ thể để người xem biểu tượng đó nói lên vấn đề gì. Ví dụ nếu dùng khái niệm biểu tượng, người ta thường để chỉ sự kiện lớn, vấn đề của đất nước hoặc cấp địa phương, tỉnh, thành phố, ngành… Còn khái niệm biểu trưng thường dùng cho chuyên ngành giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trong thương mại, dịch vụ du lịch…

Khue Van cac min - Vài vấn đề trong sáng tác biểu tượng - Tác giả: Hoàng Hoa MaiKhuê Văn các. Ảnh internet

Do vậy muốn có một biểu tượng, chủ thể cần phải xác định trước về nội dung và sự cần thiết để tạo dựng biểu tượng hay là biểu trưng. Trong thực tế có hai loại hình để người ta sáng tạo biểu tượng đó là lấy một vật thể văn hóa, hoặc khái quát hóa các vật nào đó có liên quan đến ý tưởng, nội dung song để tạo hình ảnh ký hiệu phù hợp với nội dung để xác định được cả hai loại này đều khó trong quá trình sáng tạo cấu trúc, bố cục biểu tượng. Vì vậy người sáng tác biểu tượng phải có tư duy thật khái quát giữa ý tưởng nội dung biểu tượng với nghệ thuật tạo hình để người xem dễ hiểu, dễ nhận biết, vì đây là một tác phẩm văn hóa nghệ thuật đích thực. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay có nhiều địa phương tổ chức thi sáng tác biểu tượng là để nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương đó song không mấy tỉnh, thành có thể chọn được biểu tượng để sử dụng đáp ứng với mục đích, yêu cầu được đặt ra ban đầu, vì mấy lý do sau đây:

Thứ nhất là, nhiều địa phương không xác định trước thật cụ thể lấy sự kiện nào, vấn đề gì để làm nội dung biểu tượng mà cứ tổ chức cuộc thi rồi dựa vào kết quả của cuộc thi để lãnh đạo lựa chọn, quyết định. Nếu như vậy sẽ có hai khả năng xảy ra: có kiểu mẫu tượng dự thi đạt được nội dung nhưng hình thức nghệ thuật lại không đạt tính thẩm mỹ.

Thứ hai, có tác phẩm dự thi đạt được yêu cầu nghệ thuật nhưng nội dung lại không đạt yêu cầu. Tình hình đó xảy ra khá phổ biến, buộc ban tổ chức lại tiếp tục mở cuộc thi nhiều lần. Đây là một vấn đề xảy ra ở nhiều tỉnh thành, gây tốn kém, mất thời gian không cần thiết. Lấy ví dụ về việc mở cuộc thi biểu tượng ở Thanh Hóa. Để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Thanh Hóa, hai cuộc thi đã được tổ chức (lần thứ nhất 2013 và lần thứ hai 2018), song chưa có lần nào đạt kết quả như mong muốn. Suy cho cùng là các tác giả không đưa ra được hình ảnh phù hợp với nội dung, tính chất đúng với mục đích, yêu cầu của cuộc thi đã đề ra.

Hiện nay, trong thực tế nhiều tỉnh, thành người ta thường lấy các sự kiện lịch sử, cách mạng tiêu biểu trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, của địa phương thông qua di sản văn hóa, kiến trúc, thiên nhiên để làm biểu tượng.

Bởi vì bất cứ một vật thể di sản văn hóa nào cũng có hai thuộc tính: vật thể và phi vật thể, thuật ngữ cổ gọi là văn vật và văn hiến. Vì vậy muốn lấy một vật thể văn hóa nào đó để làm biểu tượng nhất thiết phải xem xét kỹ lưỡng cả hai thuộc tính nói trên.

Ví như ở Hà Nội, người ta lấy Khuê Văn Các làm biểu tượng vì đây là di sản văn hóa, cũng là chứng tích lịch sử cho việc đào tạo hiền tài của đất nước qua nhiều triều đại, rất cần cho việc giáo dục truyền thống đào tạo nhân tài quốc gia, nhất là thời đại ngày nay. Trên thế giới cũng có nhiều nước chọn các di tích lịch sử để làm biểu tượng như Trung Quốc, họ lấy An Thiên Môn làm biểu tượng vì đây là một minh chứng cho những triều đại phong kiến hùng mạnh vững bền của Trung Hoa. Ở Mỹ họ lấy hình ảnh nhà quốc hội để làm biểu tượng vì chính nơi đây đã diễn ra những sự kiện lớn, những dự luật để điều hành và phát triển kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật mạnh nhất thế giới. Ở Campuchia họ lấy Angcovat để làm biểu tượng vì hình ảnh đó là thể hiện sắc thái quốc đạo, nhân dân hướng thiện, an lành, đoàn kết để đất nước phát triển bền vững… Tất cả những hình ảnh mà các nước nói trên họ đã thể hiện tính chọn lọc sự kiện tiêu biểu để làm biểu tượng. Ở nước ta có nhiều nơi cũng lấy hình ảnh vật thể di sản văn hóa để làm biểu tượng như Hội An, Huế… Tình trạng có nhiều địa phương, bộ, ngành đã mở nhiều cuộc thi nhiều lần và mở rộng đối tượng thí sinh tham dự nhưng cuối cùng cũng không thu được kết quả mong muốn. Bởi mấy lẽ sau đây:

Một là, nghệ thuật tạo hình thể hiện trên biểu tượng bộc lộ mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức không rõ ràng khó hiểu, khó nhận biết.Hai là, hình thức khái quát và điểm nhấn chủ đạo của biểu tượng không rõ, nội dung rườm rà. Người xem không hiểu hình ảnh trên biểu tượng cái nào là chính, phụ, qua đó bộc lộ chính người sáng tác biểu tượng lại không hiểu thuộc tính biểu tượng, đưa nhiều hình ảnh của nhiều sự kiện vào tác phẩm, người xem cảm thấy rối và không hiểu tác giả nói gì. Vì vậy, người sáng tác chỉ cần chọn một hình ảnh sự kiện văn hóa tiêu biểu nhất ở nơi đó để làm biểu tượng mà thôi. Có thể nói, người sáng tác biểu tượng là phải có một nhãn quan nhạy bén về chính trị, văn hóa để tạo ra một sản phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ khái quát cao cho việc tạo hình một biểu tượng đích thực.

Nhiều năm nay, ở các địa phương tỉnh, thành phần lớn là lấy sự kiện lịch sử, thông qua di sản kiến trúc văn hóa, di sản thiên nhiên để làm biểu tượng, nhưng qua các cuộc thi có nhiều tác giả đã không hiểu hết mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa vật thể và phi vật thể nên xảy ra sự bất cập trong việc xác định không đúng mục đích nội dung. Như phần đầu bài viết này đã nói, bất cứ một vật thể di sản văn hóa nào cũng có hai thuộc tính vật thể và phi vật thể. Vật thể là nói đến chiều cao, chiều dài, rộng, trọng lượng, kiểu dáng, thẩm mỹ, chất liệu, kiến trúc, thời gian tồn tại… Còn phi vật thể là nói về phần hồn, ảnh hưởng của nó đối với con người, thiên nhiên và ai là chủ thể sáng tạo ra nó, có thể hiện được tính chân, thiện, mỹ như xã hội mong muốn không. Vì vậy không thể đồng nhất giữa văn hóa vật thể với văn hóa phi vật thể trong việc xác định nội dung cho mục đích của biểu tượng. Trong một địa phương mà có cả di sản văn hóa thế giới và di sản văn hóa quốc gia thì việc xác định nội dung nào là tiêu biểu nhất để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng không nhất thiết phải là di sản thế giới. Do đó người sáng tác biểu tượng không những có kiến thức văn hóa, mỹ thuật mà còn có tư duy chính trị xã hội. Sáng tác biểu tượng là một việc khó không những thể hiện được tính khoa học, tính ước lệ, tính thẩm mỹ cao mà còn giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ biểu tượng đó gửi thông điệp gì để mọi người trong xã hội tham gia thực hiện.

H.H.M

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây