Giới thiệu khái quát thành phố Hội An

thành phố Hội An - Tỉnh Quảng Nam

Giới thiệu khái quát thành phố Hội An

Thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, có tổng diện tích tự nhiên 61,71 km2, nằm bên bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn, ở vị trí địa lý từ 15o15’26” đến 15o55’15” vĩ độ Bắc và từ 108o17’08” đến 108o23’10” kinh độ Đông; cách quốc lộ 1A khoảng 9 km về phía Đông, cách thành phố Đà Nẵng 25 km về phía Đông Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 50 km về phía Đông Bắc.

Phần đất liền của thành phố có diện tích 46,22 km2 (chiếm 74,9% tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố), có hình thể gần giống như một hình thang cân, đáy là phía Nam giáp huyện Duy Xuyên với ranh giới chung là sông Thu Bồn, phía Tây và phía Bắc giáp huyện Điện Bàn, phía Đông giáp biển với bờ biển dài 7 km. Hạt nhân trung tâm đô thị Hội An là các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô; trong đó có Khu phố cổ rộng chừng 5km2 đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (ngày 04/12/1999).

Cách đất liền 18 km là cụm đảo Cù Lao Chàm với diện tích 15,49 km2 (chiếm 25,1% tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố), ở vị trí tọa độ : 15o52’30’’ đến 16o 00’00’’ Bắc và 108o24’30’’ đến 108o34’30’’ kinh độ Đông. Cù Lao Chàm bao gồm nhiều hòn đảo lớn nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Ông, Hòn Tai, Hòn Lá, Hòn Khô (Khô Mẹ, Khô Con), Hòn Nồm. Các hòn đảo này quần tụ thành hình cánh cung hướng mặt ra Biển Đông, như bức bình phong che chắn cho đất liền. Cù Lao Chàm- Hội An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (ngày 26/5/2009).

Ngoài lợi thế nằm gần sân bay Chu Lai của Quảng Nam và cảng hàng không quốc tế hiện đại Đà Nẵng, Hội An còn có một ưu thế đặc biệt với vị trí nằm trên “Con đường di sản văn hóa miền Trung” bao gồm: Hội An- Mỹ Sơn- Huế. Đây được xem là điều kiện khách quan thuận lợi giúp Hội An thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

Vị trí tiếp giáp biển Đông và cụm đảo Cù Lao Chàm- Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã tạo cho Hội An có thêm lợi thế về khai thác du lịch biển đảo. Các bãi biển An Bàng, Cửa Đại cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3 km về phía Đông được bình chọn xếp hạng trong danh sách 50 bãi biển đẹp nhất trên thế giới. Đặc biệt, 7 km bờ biển Hội An nằm trên trục con đường biển “5 sao” nối từ phía Nam hầm đèo Hải Vân (Đà Nẵng), dọc theo vành đai bờ biển Liên Chiểu- Thuận Phước, qua bán đảo Sơn Trà và xuôi theo bãi biển Non Nước về phố cổ Hội An. Và trong tương lai gần sẽ kết nối với các vùng ven biển phía Nam dọc theo dòng Trường Giang vào đến Quảng Ngãi.

Ngoài ra, Hội An còn nằm trong chuỗi đô thị ven biển dài hơn 500 km vùng duyên hải miền Trung, là cơ sở quan trọng để thiết lập và mở rộng các liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng. Khu vực lân cận Hội An đã và đang hình thành các khu kinh tế, khu cảng phi thuế quan, các khu đô thị mới với quy mô lớn. Phía Bắc có khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô gắn liền với Di sản văn hóa thế giới kinh thành Huế, thành phố Đà Nẵng đang được đô thị hóa nhanh và đóng vai trò động lực của khu vực. Phía Nam có cảng Kỳ Hà, khu kinh tế mở Chu Lai, khu công nghiệp Dung Quất. Các khu kinh tế và đô thị này đều có cảng nước sâu, hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không thuận lợi.

11 - Giới thiệu khái quát thành phố Hội An

Với vị trí địa lý và quan hệ liên vùng, thành phố Hội An là trọng tâm của cụm động lực phía Bắc vùng Đông của tỉnh Quảng Nam, có quan hệ mật thiết với thành phố Đà Nẵng- vừa là đô thị lớn nhất Miền Trung, vừa là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước; là điểm đầu tuyến của hành lang Bắc trong chiến lược kết nối phát triển Vùng Đông- Vùng Tây tỉnh Quảng Nam, cùng với Đà Nẵng kết nối Đông Tây theo trục Quốc lộ 14B qua cửa khẩu Nam Giang của hành lang kinh tế EWEC2 và vùng kinh tế Tây Nguyên theo đường Hồ Chí Minh. Về đối nội, Hội An nằm trong Cụm động lực phát triển số 1 của Quảng Nam, là vùng giao thoa giữa Hành lang phát triển Bắc Quảng Nam (kết nối Vùng Đông Quảng Nam với các huyện Tây Bắc (Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang) tương đối dồi dào tài nguyên, nguyên liệu) với Vệt ven biển Quảng Nam.

Hành chính Hội An thời kỳ 1975 đến nay

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Hội An là thị xã thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, gồm có 3 phường Minh An (sáp nhập các ấp Hội An, An Hội, Minh Hương) Sơn Phong, Cẩm Phô và 6 xã là các xã Cẩm Hà, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Châu.

* Ngày 25 tháng 7 năm 1978, Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 131-BT “Về việc phân vạch địa giới hành chính một số xã thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng”, trong đó: “Thành lập trên Cù Lao Chàm một xã mới lấy tên là xã Tân Hiệp thuộc thị xã Hội An. Xã Tân Hiệp gồm các đảo Hòn Lao, Hòn Lá, Hòn Khô, Hòn Mê, Hòn Dài, Hòn Tai và Hòn Ông”. (Ghi chú: Trong văn bản ghi là Hòn Mê nhưng trong thực tế tên gọi này không có mà là Hòn Mồ- BBT)

* Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10, phê chuẩn việc tách Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1997. Hội An là thị xã trực thuộc tỉnh Quảng Nam.

* Ngày 16 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số: 71/1999/NĐ-CP:
– Thành lập phường Thanh Hà thuộc thị xã Hội An trên cơ sở 613 ha diện tích tự nhiên và 8.779 nhân khẩu của xã Cẩm Hà. Địa giới hành chính phường Thanh Hà: Đông giáp phường Cẩm Phô; Tây giáp huyện Điện Bàn; Nam giáp xã Cẩm Kim; Bắc giáp xã Cẩm Hà và phường Tân An.
– Thành lập phường Tân An thuộc thị xã Hội An trên cơ sở 73,5 ha diện tích tự nhiên và 4.233 nhân khẩu của phường Cẩm Phô; 74 ha diện tích tự nhiên và 775 nhân khẩu của xã Cẩm Hà. Phường Tân An có 147,5 ha diện tích tự nhiên và 5.008 nhân khẩu. Địa giới hành chính phường Tân An: Đông giáp phường Sơn Phong; Tây giáp xã Cẩm Hà; Nam giáp phường Cẩm Phô và phường Thanh Hà; Bắc giáp xã Cẩm Hà và xã Cẩm Châu.
– Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính: Xã Cẩm Hà có 613,1 ha diện tích tự nhiên và 5.023 nhân khẩu, Phường Cẩm Phô có 99,5 ha diện tích tự nhiên và 10.137 nhân khẩu.

* Ngày 12 tháng 1 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định Số 20/2004/NĐ-CP:
– Thành lập phường Cẩm Châu thuộc thị xã Hội An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Cẩm Châu. Phường Cẩm Châu có 570,30 ha diện tích tự nhiên và 8.610 nhân khẩu. Địa giới hành chính phường Cẩm Châu: Đông giáp xã Cẩm Thanh; Tây giáp các phường Tân An, Sơn Phong; Nam giáp xã Cẩm Nam; Bắc giáp các phường Cẩm An, Cửa Đại.
– Thành lập phường Cửa Đại thuộc thị xã Hội An trên cơ sở 314,07 ha diện tích tự nhiên và 4.875 nhân khẩu của xã Cẩm An. Phường Cửa Đại có 314,07 ha diện tích tự nhiên và 4.875 nhân khẩu. Địa giới hành chính phường Cửa Đại: Đông giáp biển Đông; Tây giáp phường Cẩm Châu và xã Cẩm Thanh; Nam giáp huyện Duy Xuyên; Bắc giáp phường Cẩm An.
– Thành lập phường Cẩm An thuộc thị xã Hội An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số còn lại của xã Cẩm An. Phường Cẩm An có 290,46 ha diện tích tự nhiên và 4.765 nhân khẩu. Địa giới hành chính phường Cẩm An: Đông giáp biển Đông; Tây giáp xã Cẩm Hà; Nam giáp các phường Cẩm Châu, Cửa Đại; Bắc giáp huyện Điện Bàn.

* Ngày 3 tháng 4 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 602/QĐ-BXD công nhận Hội An là đô thị loại 3.

* Ngày 8 tháng 3 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định Số: 33/2007/NĐ-CP:
– Thành lập phường Cẩm Nam thuộc thị xã Hội An trên cơ sở toàn bộ 454,94 ha diện tích tự nhiên và 6.035 nhân khẩu của xã Cẩm Nam. Phường Cẩm Nam có 454,94 ha diện tích tự nhiên và 6.035 nhân khẩu. Địa giới hành chính phường Cẩm Nam: Đông giáp xã Cẩm Thanh; Tây giáp phường Minh An; Nam giáp xã Cẩm Kim, xã Duy Vinh; Bắc giáp phường Minh An, phường Sơn Phong và xã Cẩm Châu.
– Sau khi thành lập phường Cẩm Nam: Thị xã Hội An có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các phường: Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Thanh Hà, Tân An, Cẩm Châu, Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Nam và các xã: Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Tân Hiệp.

* Ngày 29 tháng 1 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/NĐ-CP thành lập Thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số và các đơn vị hành chính thuộc thị xã Hội An.
Cơ cấu hành chính của thành phố hiện nay gồm 9 phường: Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tân An, Thanh Hà, Cẩm Châu, Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Nam (gồm tổng cộng 55 khối phố) và 4 xã: Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà, Tân Hiệp (gồm tổng cộng 23 thôn).

 

Phần thưởng và danh hiệu cao quý 

1) Thành tích chiến đấu chống ngoại xâm

Ngày 22-8-1998, cán bộ và nhân dân Hội An được Nhà nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân”. Ngoài ra, trong toàn thành phố có 9/13 xã phường (xã Cẩm Thanh, phường Cẩm Châu, xã Cẩm Hà- bao gồm phường Thanh Hà trước khi chia tách, xã Cẩm An- bao gồm phường Cửa Đại và xã Tân Hiệp trước khi chia tách, xã Cẩm Kim, phường Cẩm Nam), 2 đơn vị lực lượng vũ trang của Hội An (đại đội 2 bộ đội địa phương, Đội an ninh vũ trang), 25 cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 203 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

2) Thành tích lao động xây dựng quê hương
Ngày 24-8-2000, cán bộ và nhân dân Hội An được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Ngoài ra, có 3 đơn vị (Công ty Du lịch- Dịch vụ Hội An, Trường THCS Kim Đồng, phường Minh An) và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu này.
3) Thành tích bảo tồn và phát triển văn hóa
– Ngày 19-3-1985, khu phố cổ Hội An được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa quốc gia.

– Ngày 12/8/2009, Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt:

– Với đầy đủ các giá trị, bề dày về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và công năng nổi trội mang tính toàn cầu, ngày 04/12/1999, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới với 2 tiêu chí:
+ Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật, có sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.
+ Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

– UNESCO tiếp tục trao tặng cho Hội An nhiều giải thưởng về các lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy gía trị di sản:

Giải thưởng dự án “Phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa” – 2001

Giải thưởng “Dự án kiệt xuất về bảo tồn khu phố cổ” – 2000

 

Vùng đất Hội An trong các thời kỳ SA HUỲNH VÀ CHAMPA 

Từ đầu Công nguyên đến Thế kỷ XIV

1. Thời kỳ Tiền – Sơ Sử (từ thế kỷ II trở về trước)

Do có đặc điểm địa lý thuận lợi nên trên vùng đất Hội An ngày nay đã xuất hiện những lớp cư dân đầu tiên thời tiền- sơ sử mà những di tích văn hóa Sa Huỳnh là những chứng cứ sinh động. Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại các di chỉ cư trú và di tích mộ táng như Hậu Xá, An Bang, Thanh Chiếm, Trảng Sỏi (thuộc phường Thanh Hà), Xuân Lâm (thuộc phường Cẩm Phô), Đồng Nà (thuộc xã Cẩm Hà) với nhiều loại hình mộ chum đặc trưng, những công cụ sản xuất, công cụ sinh hoạt, đồ trang sức bằng đá, gốm, thủy tinh, kim loại… được lấy lên từ lòng đất có niên đại trên dưới 2.000 năm, tức là vào giai đoạn hậu kỳ Sa Huỳnh. Riêng tại di chỉ Bãi Ông (thuộc xã Tân Hiệp- Cù Lao Chàm) đã phát hiện những di vật, hiện vật có niên đại hơn 3.000 năm, thuộc thời tiền sử.

Đặc biệt, tại các hố khai quật các di chỉ khảo cổ học ở Hội An thuộc thời kỳ này đã phát hiện được hai loại tiền đồng Ngũ Thù và Vương Mãng thời Hán, gốm và những hiện vật sắt kiểu Tây Hán, hiện vật đồng mang dáng dấp văn hóa Đông Sơn (phía Bắc), những hiện vật mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Óc Eo (phía Nam), hoặc đồ trang sức bằng mã não, thủy tinh với công nghệ chế tác tinh luyện có nguồn gốc Ấn Độ, SriLanka, Trung Quốc… Điều này chứng minh cư dân Hội An thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh đã có sự giao lưu rộng rãi với bên ngoài; đồng thời là cơ sở để khẳng định đầu công nguyên đã có nền ngoại thương manh nha hình thành ở Hội An.

2. Thời kỳ Chiêm Cảng của Vương quốc Champa (thế kỷ II – thế kỷ XIV)

 

Dưới thời vương quốc Cham- pa (thế kỷ thứ II đến thế kỷ XIV, nhất là trong các thế kỷ IX- X), vùng đất Hội An lúc bấy giờ có tên gọi là Lâm Ấp phố. Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại) và Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm) trở thành điểm dừng chân quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế. Lâm Ấp phố là một thương cảng phát triển, thu hút nhiều thuyền buôn Ả rập, Ba Tư, Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu lúc bấy giờ là tơ tằm, ngọc trai, đồi mồi, vàng, trầm hương, nước ngọt… Nhiều thư tịch cổ ghi nhận đã có một thời kỳ khá dài, Chiêm cảng Lâm Ấp phố đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc tạo nên sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và trung tâm tôn giáo- tín ngưỡng Mỹ Sơn.
Với những phế tích nền móng kiến trúc Chăm, những giếng nước Chăm và những pho tượng Chăm (tượng Vũ Công Thiên Tiên Gandhara, tượng Nam thần Tài lộc Kubera, tượng Voi thần…) cùng những mảnh gốm- sứ Trung Quốc, Đại Việt, Trung Cận Đông thế kỷ II- XIV và đồ trang sức, những mảnh vật dụng bằng thủy tinh màu nổi tiếng của vùng Trung cận Đông, Nam Ấn Độ…được phát hiện. Những tư liệu này càng làm sáng tỏ giả thuyết từng có một Lâm Ấp phố (thời Cham- pa) trước Hội An (thời Đại Việt), từng tồn tại một Chiêm cảng với nền mậu dịch hàng hải phát triển phồn thịnh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây