Văn hóa gia đình trong thời kỳ mới

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song từ những khó khăn chồng chất như vậy, chúng ta được chứng kiến những giá trị sống nhân văn tưởng như đã bị lãng quên, nay lại tỏa sáng. Đó là tinh thần tương thân, tương ái, nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách – những giá trị đạo đức được hun đúc chiều dài lịch sử dân tộc. Và, gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị đạo đức đó…

Gia đình hạnh phúc, tạo “rễ sâu, gốc bền” cho xã hội phát triển

Những ngày tháng căng thẳng chống dịch năm 2021, tại ấp 5 xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương có gia đình Đoàn viên trẻ Vũ Văn Tâm, mẹ là Lê Thị Bích Đào và em trai Vũ Giang Hiếu đã không ngần ngại tham gia đội hình tình nguyện hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm vaccin cho người dân trên địa bàn. Đôi khi có thể tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm COVID-19, nhưng các thành viên vẫn không hề lo sợ, vì các thành viên điều ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng và xã hội, mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ của mình với công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Trao đổi với truyền thông, Đoàn viên Vũ Văn Tâm cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 biết là nguy hiểm nhưng ý thức trách nhiệm của bản thân với cộng đồng và xã hội em không thể ngồi yên, em đã liên hệ với Đoàn xã Tân Hưng để đăng ký tham gia đội tình nguyện và vận động thành viên trong gia đình cùng tham gia với mong muốn được cống hiến phần nào đó cho cuộc chiến chống đại dịch, mang lại cuộc sống bình yên vốn có trước đây cho người dân địa phương.

Những việc làm tốt đẹp của Đoàn viên Vũ Văn Tâm cũng như rất nhiều những con người trong đội ngũ bác sĩ, tình nguyện viên, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh… thật đáng được trân trọng, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết, sẻ chia của người dân cả nước trong công cuộc phòng chống dịch. Và không nơi nào khác, chính môi trường gia đình phía sau những cá nhân đó là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Gia dinh doan vien tre Vu Van Tam min - Văn hóa gia đình trong thời kỳ mớiGia đình đoàn viên trẻ Vũ Văn Tâm. (Nguồn ảnh: Cổng TTĐT huyện Bàu Bàng, Bình Dương)

Khi nói về vai trò của gia đình, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã khẳng định: “Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ”. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân – Gia đình (tháng 1/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, những khó khăn và thách thức sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những giải pháp để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam.

Có thể nói, những giá trị đạo đức gia đình truyền thống đến nay vẫn còn những phù hợp trong quá trình xây dựng gia đình hiện đại. Việc phát huy các giá trị đạo đức gia đình truyền thống sẽ góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo “rễ sâu, gốc bền” cho xã hội phát triển. Đề cao giá trị văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của xã hội.

Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

Thẳng thắn nhìn nhận, quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để gia đình Việt Nam nâng cao thu nhập, tiếp cận kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống. Nhưng cùng với đó, sự xung đột giá trị giữa cũ – mới, truyền thống – hiện đại cũng là một quá trình tất yếu.

Các thành viên có nhân cách ứng xử lệch lạc khiến giá trị, lối sống, chuẩn mực ứng xử của gia đình bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng của đời sống gia đình. Sự khủng hoảng này có mối tương quan, liên hệ chặt chẽ với các vấn đề chung của xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn, sự xuống cấp về đạo đức, chuẩn mực ứng xử, lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng…

Chu tich Ho Chi Minh da nhan manh vai tro cua gia dinh trong phat trien xa hoi min - Văn hóa gia đình trong thời kỳ mớiLúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của gia đình trong phát triển xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. (Ảnh minh họa)

Đánh giá về văn hóa ứng xử trong gia đình Việt hiện nay, GS.TS ngành xã hội học Đặng Cảnh Khanh nêu quan điểm: “Văn hóa ứng xử trong gia đình đã bị nhiều người lãng quên, họ chỉ tập trung tới đáp ứng mọi nhu cầu vật chất mà không quan tâm đến suy nghĩ, đời sống tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình. Theo tôi, đã tới lúc cần phải quay trở lại để phục hồi những nét văn hóa ứng xử truyền thống đáng trân trọng như con cháu nhớ đến cội nguồn, biết ơn tổ tiên, gắn bó với gia tộc; con cái hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ có trách nhiệm với con cái; anh chị em có trách nhiệm với nhau… Đây là những giá trị quý báu cần được gìn giữ và phát huy. Chính cái gốc ấy đã giữ cho con người, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt, tạo nên “sức mạnh mềm” cho nền tảng văn hóa và hạnh phúc”.

Cũng chính vì thế, nhiều năm nay, chủ đề của công tác gia đình đều tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 nhiều năm trở lại đây vẫn lấy việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình làm chủ đề trọng tâm.

Trả lời phỏng vấn Báo PLVN, TS. Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm là muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng tế bào gia đình phải phát triển bền vững. Đã nhiều năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 được tuyên truyền sâu rộng hơn, trở thành một ngày kỷ niệm quan trọng của nhiều gia đình, gắn với văn hóa ứng xử trong gia đình, với trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Bộ VHTTDL với chức năng quản lý nhà nước về gia đình tiếp tục hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, các kiện văn hóa gia đình theo chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.

Cũng theo bà Trần Tuyết Ánh, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đang dần tạo nên chuyển biến trong nhận thức, hành động. “Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ VHTTDL đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Bên cạnh các tiêu chí “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” được áp dụng chung cho các thành viên trong gia đình, thì Bộ tiêu chí còn có các tiêu chí cụ thể bao gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.

Sau thời gian thí điểm, Bộ tiêu chí hiện đã được đưa vào thực hiện chính thức trên toàn quốc. Nhiều địa phương triển khai rất sáng tạo, được hàng chục ngàn gia đình đăng ký thực hiện, đang dần tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và hành động góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” – bà Ánh cho biết.

Hồng Minh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây