Về đất cổ Hoa Lộc

Nằm cách trung tâm huyện Hậu Lộc khoảng 3 km và cách biển khoảng 4 km, Hoa Lộc (Hậu Lộc) là vùng đất cổ với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy Di chỉ văn hóa Hoa Lộc cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Cũng nơi đây, trong kháng chiến, những cô gái Hoa Lộc anh hùng tại trận địa Đông Ngàn đã lập nên kỳ tích, bắn rơi máy bay của đế quốc xâm lược…

Di tich lich su van hoa nghe Yen Trung o lang Hoa Truong Hoa Loc min - Về đất cổ Hoa LộcDi tích lịch sử văn hóa nghè Yên Trung ở làng Hoa Trường (Hoa Lộc) được tôn tạo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân.

Năm 1970, di chỉ khảo cổ học nằm trên địa bàn xã Hoa Lộc tình cờ được phát hiện và sau đó việc khai quật tại đây được các nhà khảo cổ học thực hiện. Đến khoảng cuối những năm 70 của thế kỷ 20, thuật ngữ “Văn hóa Hoa Lộc” được biết đến rộng rãi. Đây là di chỉ tiêu biểu thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, được các nhà khoa học đánh giá là tương đương với các văn hóa khảo cổ khác như: Văn hóa Phùng Nguyên, Bàu Tró…

Tầng văn hóa ở di chỉ khảo cổ học Hoa Lộc được cấu tạo khá nông và đơn giản. Sau lớp đất trồng trọt, các nhà khảo cổ học khi đó đã tìm thấy tại đây số lượng lớn các hiện vật, bao gồm đồ đá, đồ gốm, đồ đồng và cả xương động vật. Trong đó, đồ đá nhiều về số lượng và đa dạng loại hình (rìu, bôn, cuốc, bàn mài…). Đặc biệt, theo cố GS.NGND Hà Văn Tấn, số lượng cuốc đá tìm thấy ở di chỉ khảo cổ học Hoa Lộc nhiều hơn tất cả những địa điểm đã biết ở Việt Nam từ trước tới nay, đồng thời ông cho rằng “không nghi ngờ gì nữa các bộ lạc Hoa Lộc có nền nông nghiệp dùng cuốc phát triển” (theo sách Địa chí Hậu Lộc).

Không chỉ có trình độ chế tác đá khá cao, chủ nhân của văn hóa Hoa Lộc còn thể hiện kỹ thuật làm đồ gốm đáng chú ý. Đồ gốm được phát hiện nổi bật cả ở hình dáng lẫn hoa văn trang trí. Ngoài nồi gốm thông thường, người thợ gốm Hoa Lộc còn tạo ra những chiếc bình có vai gãy hay miệng bình nhiều cánh, hoa văn trang trí tỉ mỉ. Ngày nay, di vật của văn hóa Hoa Lộc đang được trưng bày cả ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Các di chỉ thuộc văn hóa Hoa Lộc nằm trên doi cát ven biển (song song với biển) qua nhiều xã, trong đó trung tâm là Hoa Lộc. Doi cát cao được người xưa tận dụng làm nơi cư trú lâu dài, vừa tránh được sóng biển dâng, gió, cát, lại thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, khai thác biển. Sự xuất hiện người Việt cổ ở Hoa Lộc từ xa xưa, cùng quá trình khai phá đất đai được xem là “khởi nguồn” cho những trang sử đầu tiên của đất và người Hoa Lộc nói riêng và cả vùng châu thổ ven biển phía Bắc xứ Thanh nói chung.

Theo các tài liệu lịch sử và tài liệu lưu giữ tại địa phương, đến thời nhà Lý, Hoa Lộc đã trở thành nơi xóm làng trù mật, dân cư đông đúc. Đặc biệt, đến thời Trần, trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai, Hoa Lộc được xem là “cửa ngõ” – vị trí tiền tiêu của tuyến phòng thủ Phú Tân do Chiêu Minh vương Trần Quang Khải lập dựng để chặn đánh đạo quân Toa Đô. Sách Lịch sử Đảng bộ xã Hoa Lộc viết: “Xã Hoa Lộc và vùng phụ cận đã trở thành chiến trường lớn với những trận đánh ác liệt. Do binh đao loạn lạc, sau chiến tranh vùng đất Hoa Lộc trở thành bãi chiến trường hoang vắng. Chính biến cố này đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Hoa Lộc… Vào những năm cuối thế kỷ XIV, nơi đây được coi là vùng đất rộng người thưa. Năm Hồng Đức thứ 5 Vua Lê Thánh tông ra chiếu cho các phủ, huyện trong nước có ruộng đất bỏ hoang cho phép dân khai khẩn, truyền lại cho con cháu cày cấy sinh sống nộp thuế… Với chính sách này, Hoa Lộc trở thành miền đất hứa để đón nhận nhiều dòng họ và các nhóm lưu dân đến khai phá mở mang xây làng, dựng xóm. Hoa Lộc nhanh chóng trở thành một làng quê trù mật”. Và đến ngày hôm nay, vùng đất Hoa Lộc là nơi quần cư của hơn 50 dòng họ.

Ve dat co Hoa Loc min - Về đất cổ Hoa LộcCổ kính nghinh môn thời Lý trên đất Hoa Lộc.

Không chỉ là vùng đất cổ, đi qua hai cuộc kháng chiến, đất và người Hoa Lộc còn khẳng định truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất trước mọi sức mạnh kẻ thù xâm lược. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân Hoa Lộc hăng hái trong các phong trào thi đua, đóng góp, như: đóng góp 44,5 chỉ vàng (Tuần lễ vàng); 150 kg đồng (Tuần lễ đồng); 370 kg gạo (Hũ gạo kháng chiến)… Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ: “Phải làm cho lực lượng dân quân du kích thành những tấm lưới sắt rộng rãi và chắc chắn khắp mọi nơi, địch vào đến đâu là mắc lưới sắt đến đó”, ngày 15-5-1967, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc đã được thành lập với 14 đội viên do xã đội phó Thăng Thị Sắc làm đội trưởng.

Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc đã xây dựng trận địa chiến đấu Đông Ngàn tại Cồn Cao (gần cầu De). Đây là vị trí thuận lợi cho việc bảo vệ xóm làng, người dân, bảo vệ cầu kênh De, bến đò Thắm; đồng thời có thể dễ đánh chặn máy bay kẻ địch từ biển vào. Chỉ với 3 khẩu súng 12ly7, sau hơn một tháng gian khổ tập luyện, lần đầu tiên Trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã nổ súng bắn rơi máy bay của đế quốc Mỹ ngay sau khi chúng vừa gây tội ác ở bắc cầu Lèn.

Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thưởng Huân chương Quân công hạng Ba tặng “Trung đội gái dân quân Hoa Lộc lập chiến công trong chiến đấu”. Đồng thời, Bác Hồ còn viết thư tay khen ngợi gửi các cô gái dân quân Hoa Lộc. Trong thư Bác viết: “… Bác rất vui lòng khen các cháu đã chiến đấu giỏi và bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ – Bác gửi tặng các cháu một huy hiệu”. Đến ngày 2-11-1968, một lần nữa Trung đội dân quân gái Hoa Lộc lại bắn cháy máy bay phản lực Mỹ. Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Hậu Lộc viết: “Chỉ trong vòng 135 ngày, với 48 viên đạn súng máy, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã lập công bắn rơi 2 máy bay Mỹ”.

Về Hoa Lộc hôm nay, trong không gian của vùng đất cổ Hoa Lộc, bên cạnh những di chỉ văn hóa Hoa Lộc, nghinh môn thời Lý cổ kính, nghè Yên Trung tôn tạo khang trang… cùng những từ đường, nhà thờ dòng họ mang nét đẹp làng quê truyền thống thì còn một diện mạo quê hương Hoa Lộc sầm uất, hiện đại đang trong quá trình trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Phạm Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc, cho biết: “Truyền thống lịch sử, văn hóa là niềm tự hào cũng là một phần sức mạnh nội lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoa Lộc nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh, phát triển”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây