Việt Nam cam kết mạnh mẽ, hành động khẩn trương trong ứng phó biến đổi khí hậu

Việt Nam cam kết mạnh mẽ, hành động khẩn trương trong ứng phó biến đổi khí hậu
Trồng rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Ngãi nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

Là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất trước thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực của thách thức này.

Thế giới trước tương lai ảm đạm do nhiệt độ Trái đất tăng

Mới đây, tại cuộc gặp Trưởng phái đoàn các nước Cộng đồng Pháp ngữ để trao đổi về các vấn đề toàn cầu trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã đánh giá cao cam kết, hành động của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. Ông António Guterres bày tỏ đồng tình với các đề xuất của Việt Nam về hợp tác và thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Theo các nhà khoa học, thế giới đang đứng trước thời điểm hết sức đặc biệt trước một tương lai ảm đạm do nhiệt độ Trái đất tăng. Báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ công bố hồi tháng 8-2021 cảnh báo nhân loại chỉ có chưa đến 3 năm để cắt giảm khí thải, qua đó đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo báo cáo của IPCC, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C (so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp) trong vòng một thập kỷ tới và bề mặt Trái đất đã nóng lên 1,1 độ C so với mức ghi nhận vào thế kỷ XIX. Điều này chỉ ra rằng mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015 sẽ khó đạt được và nhiệt độ Trái đất có thể sẽ tăng mạnh ở mức 3,2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Hệ quả là những hình thái thời tiết cực đoan, những đợt thiên tai có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều khiến nhiều giống loài tuyệt chủng hoặc bên bờ tuyệt chủng, hệ sinh thái sụp đổ, các dịch bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ côn trùng, các đợt nắng nóng gây hậu quả thảm khốc, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và giảm năng suất mùa màng xảy ra ngày càng tồi tệ.

Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy những hình thái thời tiết cực đoan như siêu bão gây lũ lụt trên diện rộng, sóng nhiệt và cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy xảy ra ở cả 4 lục địa. Dự báo trong trong những thập kỷ tới, tất cả những hình thái thời tiết này đều tăng, kể cả khi vấn nạn ô nhiễm khí thải carbon, vốn đang chi phối tình trạng biến đổi khí hậu, được các nước tập trung giải quyết và đạt hiệu quả.

Với Việt Nam, chúng ta là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam được đánh giá là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cho việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm. Còn theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…

Đặc biệt, Việt Nam dễ bị tổn thương bởi nước biển dâng, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới có nguy cơ nhất. Hiện tại, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển đang làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam. Không chỉ làm giảm đất canh tác, xâm nhập mặn còn làm cho hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Dự báo đến năm 2100, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập 89.473 ha, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo.

Việt Nam quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu

Chống biến đổi khí hậu đã trở thành mục tiêu của cả nhân loại, bởi như Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) Hoesung Lee cảnh báo: “Chúng ta đang ở ngã ba đường. Các quyết định mà chúng ta đưa ra ở thời điểm hiện tại có thể đảm bảo sự sống cho tương lai”.

Muốn đảo ngược được tác động của biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, thế giới phải giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng khí thải trên toàn cầu cần phải đạt đỉnh vào năm 2025 và sau đó giảm mạnh thì mới có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu đó, thế giới phải chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than đá, đồng thời cắt giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt ở mức lần lượt 60% và 70%. Những tính toán trong báo cáo của IPCC chỉ ra rằng, việc khai thác những cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiên liệu hóa thạch hiện tại đến hết thời hạn sử dụng dự kiến mà không thu giữ khí thải carbon sẽ khiến thế giới không thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Là nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế trong khi lại chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngày 20-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra hồi tháng 11-2021, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; tham gia Cam kết giảm phát thải khí methane; tham gia Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Những cam kết này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại để lựa chọn mô hình phát triển không gây tổn hại cho thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Cam kết của Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá rất cao về sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng cũng rất thực tiễn.

Chỉ hơn 1 tháng sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã có Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu do Thủ tướng làm Trưởng ban, 1 Phó Thủ tướng làm Phó trưởng ban cùng 12 Bộ trưởng là Ủy viên. Việt Nam đang làm hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ cao cả nhưng hết sức khó khăn là bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất cho thế hệ hôm nay và mãi về sau.

Hoàng Sơn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây