Việt Nam sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc công bằng

Việt Nam đang khẩn trương triển khai các cam kết tại COP26; đồng thời sẽ nỗ lực ứng phó với biến đối khí hậu trên nguyên tắc công bằng.

Nỗ lực thực hiện cam kết tại COP 26

Chính phủ Việt Nam đã và đang khẩn trương triển khai các cam kết tại COP26; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng với năng lượng tái tạo chiếm hơn 33,7% sản lượng điện quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Việt Nam đang khởi động đàm phán với các nước Nhóm G7 để thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; đồng thời cũng đang xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho các ngành nông nghiệp, giao thông vận tải và sử dụng đất đồng thời tăng tỷ lệ hấp thu carbon của rừng; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế, phi carbon hóa vận tải biển và triển khai phương tiện giao thông không phát thải, giảm phát thải khí mêtan trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý chất thải.

Trong dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, Việt Nam sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc công lý, công bằng, dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Do vậy, giải pháp cấp bách trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đưa ra ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Phi carbon hóa cần ưu tiên số 1

Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu; có cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng phát triển kinh tế ít phát thải. Phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Đồng thời, tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất.

Để đạt được khát vọng cam kết tại COP26, các chuyên gia thế giới đã khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào 5 nhóm vấn đề ưu tiên: Phi carbon hóa cần là ưu tiên số 1; có lộ trình để đạt đến trạng thái phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua những nỗ lực liên ngành, huy động sự tham gia của toàn xã hội; ưu tiên lĩnh vực năng lượng điện; điện khí hóa phương tiên giao thông đường bộ; phối hợp giữa tất cả các ngành để đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa.

Như vậy, việc Việt Nam có đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong bảo vệ môi trường.

Được biết, để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, ngay sau COP26 đã có hơn 50 quốc gia cam kết mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính nhằm duy trì sự ổn định về năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó nhiều quốc gia đã và đang có những hành động thực tiễn để cùng các quốc gia trên thế giới hướng tới giảm phát thải ròng (net zero) tới năm 2050. Đáng chú ý trong lĩnh vực giao thông, các quốc gia tăng cường sử dụng phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo bằng việc đầu tư cho lắp các trạm sạc điện và kỳ vọng tới năm 2030 các phương tiện giao thông sẽ sử dụng năng lượng điện, giảm bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu.

Thanh Tâm

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây