Ngày 2/4/2023, tại thành phố Almaty, Kazakhstan, kỳ họp lần thứ 26 của Ban Chấp hành Liên hiệp các Câu lạc bộ và Hội UNESCO châu Á – Thái Bình Dương AFUCA đã diễn ra với sự tham gia của 13 nước thành viên; đại diện tổ chức UNESCO, đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Câu lạc bộ, Trung tâm, Hội UNESCO Thế giới (WFUCA).
Cuộc họp đã nghe báo cáo của các quốc gia thành viên AFUCA giai đoạn 2021-2022, tổng kết, đánh giá các hoạt động của AFUCA giai đoạn 2021-2022, thông qua sửa đổi bổ sung Điều lệ AFUCA, tiến hành bầu các vị trí lãnh đạo của AFUCA nhiệm kỳ mới, và thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Thế giới lần thứ 10 của Liên hiệp các Câu lạc bộ, Trung tâm, Hội UNESCO Thế giới.
Tại cuộc họp, báo cáo của đoàn Việt Nam được đánh giá cao, gây ấn tượng mạnh với nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, thiết thực trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và thông tin truyền thông, là các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO.
(Từ trái qua phải) Ban lãnh đạo mới của AFUCA Kazakhstan (Nguyên Chủ tịch), Nepal (Phó Chủ tịch), Hàn Quốc (Tân Chủ tịch), Việt Nam (Phó Chủ tịch), Nhật Bản (Tổng Thư ký).
Trong khuôn khổ cuộc họp, ông Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay đã được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Liên hiệp các Câu lạc bộ và Hội UNESCO châu Á – Thái Bình Dương AFUCA.
Việc Việt Nam được giao đảm nhiệm chức vụ này cho thấy vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong phong trào UNESCO phi chính phủ.
Trong 27 năm là thành viên chính thức của AFUCA, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những Hiệp hội quốc gia hoạt động mạnh và đa dạng nhất khu vực, với nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho phong trào UNESCO phi chính phủ. Việt Nam cũng đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch AFUCA từ năm 1999 đến năm 2004.
Việt Nam với cương vị là Phó Chủ tịch AFUCA, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Phong trào UNESCO phi chính phủ thế giới và khu vực, qua đó góp phần thúc đẩy các mục tiêu và lý tưởng cao đẹp của tổ chức UNESCO.