Vĩnh biệt nhà thơ Thạch Quỳ – một nhân sĩ tiêu biểu của xứ Nghệ

Vĩnh biệt nhà thơ Thạch Quỳ - một nhân sĩ tiêu biểu của xứ Nghệ
Nhà thơ Thạch Quỳ. Ảnh: Quốc Khánh

Nhà thơ Thạch Quỳ vừa qua đời vào lúc 4h10’ ngày 10/12/2022, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh ngày 8/8/1941 tại thôn Đông Bích, tổng Thuần Trung, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nay là thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Thân phụ là người thông thạo Hán học, thân mẫu tuy không biết chữ nhưng lại thông thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, truyện Kiều… Năm 1960, ông học ngành Sư phạm Toán tại trường Đại học Vinh. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông có một thời gian làm giáo viên Toán cấp 3 tại Nghệ An; sau đó công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng được đào tạo tại Trường Viết văn Nguyễn Du; Trường Viết văn Goorki (Liên Xô cũ).

Năm 1967, ông ra tập thơ đầu tiên: “Sao và đất”. Tiếp đó, là “Tảng đá nhành cây” (1973), “Điệu hát nguồn sống và đất” (1978), “Nguồn gốc cơn mưa” (1978), “Con chim tà vặt” (1986), “Cuối cùng vẫn một mình em” (1986), “Đêm Giáng sinh” (1990); “Bức tường” (2009), “Người lặn biển” (2018) “Tuyển thơ Thạch Quỳ” (2018)…

Nhà thơ Thạch Quỳ có nhiều năm cống hiến và được ghi nhận với Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và nhiều giải thưởng Văn học nghệ thuật cao quý do Trung ương và địa phương trao tặng: Giải Ba cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1973; giải A Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc, năm 2006; giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần 3; giải B, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ IV (giai đoạn 2005 – 2010); Giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ VI, giai đoạn 2015 – 2020.

Về bút danh Thạch Quỳ, ông từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn đăng trên Báo Nghệ An: “Ở quê tôi có núi Quỳ nhỏ bé, khiêm nhường, chẳng mấy ai biết đến. Nếu như đó là núi Hồng Lĩnh, hay núi Thái Sơn, hay đỉnh Phan-xi-păng chẳng hạn, thì chắc chắn tôi không dám lấy tên những trái núi lớn lao, hùng vĩ đó để đặt bút danh cho mình. Như trên đã nói, tôi rất yêu đá, tuổi thơ chăn trâu, kiếm củi ngày nào chẳng ở cùng đá núi. Tôi cũng ví mình như một hòn đá của trái núi nhỏ bé ấy thôi. Cái tên Thạch Quỳ cũng khiêm nhường và bình dị vậy thôi. Không có gì đặc biệt, không có gì đáng phải để ý cả”.

Nhà thơ Thạch Quỳ là tác giả bài thơ “Với con” nổi tiếng, đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, số đầu tháng 6.1979. Cuối năm 1980, báo Nhân Dân đã in lại bài thơ “Với con” kèm theo ảnh và tiểu sử tác giả. Bài thơ được đông đảo bạn đọc yêu thơ trân trọng.

Năm 1988, Thạch Quỳ được Hội Nhà văn Việt Nam bầu chọn là 1 trong 10 nhà văn tiêu biểu được cử sang Liên Xô học tập theo lời mời của Hội nhà văn Liên Xô.

Con người tự nhận mình khiêm nhường và bình dị, “không có gì đặc biệt, không có gì đáng phải để ý cả”, nhưng đã để lại cho đời một di sản thi ca lớn lao. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt nhà thơ Thạch Quỳ – một nhân sĩ trí thức tiêu biểu của xứ Nghệ.

Bài thơ “Với con” của Thạch Quỳ:

“Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.
Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!
Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.
Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con”.

(1979).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây