Giới thiệu khái quát huyện Đô Lương

Giới thiệu khái quát huyện Đô Lương

Giới thiệu khái quát huyện Đô Lương

I, Điều kiện tự nhiên

  1. Vị trí địa lý

Đô Lương là huyện thuộc khu vực đồng bằng, nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đặc điểm địa hình dạng bán sơn địa. Với tổng diện tích tự nhiên trong địa giới hành chính là 35.008,35 ha. Toạ độ địa lý: 105015′ đến 105045′ Kinh độ Đông và 18055′ đến 19010′ Vỹ độ Bắc.

Địa giới hành chính của huyện được xác định như sau:

+ Phía Bắc giáp huyện Tân Kỳ;

+ Phía Đông giáp huyện Yên Thành và huyện Nghi Lộc;

+ Phía Nam giáp huyện Nam Đàn và huyện Thanh Chương;

+ Phía Tây giáp huyện Thanh Chương và huyện Anh Sơn.

Huyện Đô Lương có 33 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, trong đó thị trấn Đô Lương là trung tâm huyện, vị trí của huyện là giao điểm của các đường giao thông chính như: Quốc lộ số 7, quốc lộ 46 và quốc lộ 15 nên có điều kiện để giao lưu và mở rộng quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội với các địa phương trong và ngoài tỉnh Nghệ An, giữa nước ta và nước bạn Lào.

  1. Địa hình, địa mạo

Huyện Đô Lương là một vùng được giới hạn bởi vùng núi Tây Bắc (huyện Tân Kỳ), vùng núi Tây Nam (huyện Thanh Chương, Anh Sơn) và vùng đồng bằng (huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn).

– Trên cơ sở những đặc điểm về điều kiện địa hình huyện Đô Lương được phân thành 4 vùng với những đặc điểm như sau:

+ Vùng bán sơn địa Tây Bắc gồm 7 xã là: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn và Bài Sơn. Đặc điểm của vùng này là xen kẽ 2 dạng địa hình đồi và thung lũng. Địa hình đồi chạy theo hướng Đông Bắc (từ xã Giang Sơn Tây đến Ngọc Sơn) và dạng địa hình thung lũng (dạng thung lũng lòng chảo có suối chảy qua gồm các xã Giang Sơn Đông, Hồng Sơn, Bài Sơn; dạng thung lũng dốc nghiêng gồm các xã Bồi Sơn, Lam Sơn).

+ Vùng ven bãi sông Lam gồm 7 xã là: Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, Lưu Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn và Thuận Sơn.

+ Vùng đồng bằng (vùng trọng điểm lúa) gồm 14 xã là: Tràng Sơn, Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn, Hoà Sơn, Lạc Sơn, Xuân Sơn, Minh Sơn, Tân Sơn, Quang Sơn, Thái Sơn, Thượng Sơn và thị trấn Đô Lương. Đặc điểm của vùng này là địa hình tương đối bằng phẳng, ở độ cao từ 9m đến 11m, xung quanh có nhiều vùng đồi chia cắt, có hệ thống ngòi lạch của sông Rầu Gang nên dễ thoát nước.

+ Vùng bán sơn địa Đông Nam gồm có 5 xã là Hiến Sơn, Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Trù Sơn và Đại Sơn. Vùng địa hình này đặc điểm là có các dãy đồi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam xen kẽ 2 loại địa hình đồi và thung lũng dốc nghiêng.

– Xét về độ dốc thì diện tích của huyện được phân loại như sau: Độ dốc từ 00 đến 80 có khoảng 22.399 ha – 22.500 ha (chiếm 63%); độ dốc từ 80 đến 150có khoảng 4.271 – 4.500 ha (chiếm 12%); độ dốc từ 150 đến 250 có khoảng 2.491 – 2.500 ha (chiếm 7%) và độ dốc từ trên 250 có khoảng 6.328 – 6.500 ha (chiếm 18%).

  1. Khí hậu

Đô Lương có chế độ khí hậu phức tạp, mang tính chất khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều song phân bố không đều giữa các tháng trong năm, khí hậu được chia làm 2 mùa, đó là mùa Đông và mùa Hè; ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam (gió Lào).

– Nhiệt độ: Nhiệt độ bình quân hàng năm từ 230– 240C; nhiệt độ cao nhất trong năm là 400C- 410C (tháng 7) và nhiệt độ thấp nhất trong năm là 120C (tháng 1).

– Nắng: Số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 1.500 – 1.700 giờ, bình quân trong tháng khoảng 1.668 giờ. Các tháng có nắng nhiều là tháng 5, tháng 6 và tháng 7, bình quân tới 7 đến 8 giờ/ngày. Tháng ít nắng nhất là tháng 2 bình quân có 1,6 giờ/ngày.

– Lượng mưa: Lượng mưa bình quân hàng năm là 1.879 mm, tập trung chủ yếu vào tháng 3; thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 lượng mưa bình quân trên 1.000mm, chiếm 60% lượng mưa cả năm.

Trong những tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 7 năm sau) thì lượng mưa thấp (khoảng 750mm) trong khi đó lượng nước bốc hơi lại lớn do nhiệt độ những tháng này cao vì vậy thường gây hạn hán cho vụ chiêm xuân.

– Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí bình quân 85%; tháng có độ ẩm thấp nhất là 50% (tháng 6, tháng 7) và tháng có độ ẩm cao nhất là 95% (tháng 10, tháng 11).

– Gió, bão: Hàng năm huyện thường phải chịu ảnh hưởng của 2 hướng gió chính là gió Tây Nam và gió mùa Đông Bắc.

Gió Tây Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 9, mạnh nhất từ tháng 6 đến tháng 7. Gió Tây Nam ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ Đông Xuân (thời kỳ ra hoa, thu hoạch), gieo cấy hè thu và vụ mùa.

Gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau, do nhiệt độ không khí xuống thấp, giá rét kéo dài ảnh hưởng đến gieo trồng vụ Đông Xuân.

Tuy có tiềm năng nhiệt lượng phong phú có tác dụng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển cây trồng vật nuôi; song Đô Lương lại nằm trong khu vực Miền Trung nên hàng năm chịu ảnh hưởng từ 4 đến 5 cơn bão đổ bộ vào, gây hiện tượng mưa to kèm với dòng chảy mạnh của các con sông lớn gây lũ lụt, làm tăng các hiện tượng xâm thực bào mòn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân; có những cơn mưa bão, lũ lụt lớn đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản như tốc mái đổ nhà, đổ cây, huỷ hoại mùa màng, làm ô nhiễm môi trường.

  1. Thuỷ văn

Chế độ thuỷ văn của huyện phụ thuộc lớn nhất từ 2 con sông chính là sông Lam chảy qua địa phận huyện Đô Lương khoảng 20 km, sông Đào khoảng 9 km. Đây là những con sông có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế như cung cấp nước chính cho sản xuất nông nghiệp và đồng thời cũng là tiêu thoát nước; phát triển giao thông đường thuỷ, giao lưu khu vực giữa các vùng trong tỉnh, ngoài ra còn tạo môi trường sinh thái, phát triển du lịch… không chỉ riêng cho huyện mà cho cả tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra chế độ thuỷ văn của huyện còn chịu ảnh hưởng bởi sông Khuôn và các khe suối nhỏ như khe ngầm Lam Sơn, Hói Quai (Bồi Sơn), Hói Cấm (Tân Sơn) và các ao hồ… trong khu dân cư.

Chính vì vậy, ngoài những yếu tố thuận lợi thì huyện còn phải chịu ảnh hưởng từ hiện tượng lũ lụt hàng năm do nguồn nước đổ về các sông, khe suối và hồ chứa nên đã gây ngập úng vào mùa mưa.

  1. Điều kiện kinh tế, xã hội:

– Về dân số: Theo kết quả niên giám thống kê 2010 – 2013, dân số huyện Đô Lương cuối năm 2013 là 199.347 người trong đó nữ là 102.164 người. Toàn huyện có 50.906 hộ, lao động trong độ tuổi là 105.726 người rong đó lao độngnữ là 55.904 người. Toàn bộ là dân tộc kinh.

– Theo số liệu của Chi cục Thống kê Đô Lương, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội huyện Đô Lương tính theo phương pháp cũ như sau:

TT Chỉ tiêu ĐVT Năm 2010 Năm 2015 Đánh giá thực hiện
MTQH Thực hiện MTQH MT ĐH XIX Ước thực hiện Ước 2015/QH 2015 (%) ước 2015/ MTĐH (đạt, không đạt) ước 2015/ MTQH (đạt, không đạt)
1 Tốc độ tăng trưởng VA (2011 – 2015) % 14,6 8,8 13,31 13,50 9,6 72,13 k. đạt k. đạt
2 VA bình quân đầu người (HH) Tr. đồng 16,21 15,62 32,89 32,5 30,25 91,97 k. đạt k. đạt
3 Cơ cấu kinh tế 100 100 100 100 100
Nông, lâm, ngư % 29,65 32,32 22,74 25,24 26,67 117,28
Công nghiệp – XD % 23,19 23,23 24,61 28,13 26,68 108,41
Dịch vụ % 47,16 44,45 52,65 46,63 46,65 88,6
4 Tổng thu ngân sách Tr. đồng 123.000 132.619 246.000 183.072 150.600 61,22 k. đạt k. đạt
5 Tổng chi NS Tr. đồng 235.700 330.571 358.520 704.139
6 Tỷ lệ hộ nghèo (TC mới) % 10 15,9 7 5 5 71,43 Đạt Đạt

III. Các nguồn tài nguyên

  1. Tài nguyên đất

Theo tài liệu điều tra nghiên cứu thổ nhưỡng thì trên địa bàn huyện có 5 nhóm đất chính với 06 loại khác nhau, như sau:

– Nhóm đất phù sa: Nhóm đất phù sa được phân bố ở những vùng đồng bằng và thung lũng của các xã vùng bán sơn địa Tây Bắc và Đông Nam của huyện, có diện tích khoảng 15.770 ha, chiếm 44,47% diện tích tự nhiên; trong nhóm đất phù sa có các loại:

+ Đất phù sa được bồi hàng năm có diện tích khoảng 910 ha, chiếm 5,70% nhóm đất phù sa, được phân bố ở các xã dọc theo sông Lam. Đặc điểm của loại đất này là hàm lượng chất dinh dưỡng khá, trung tính, ít chua, thành phần cơ giới nhẹ, thích hợp với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Đất phù sa không được bồi có diện tích khoảng 13.405 ha, chiếm  37,80% được phân bố ở các dạng địa hình khác nhau, trong quá trình phát triển do chịu ảnh hưởng của các quá trình hình thành đất khác nhau nên đã hình thành các loại phụ có tính chất lý, hoá khác nhau, như:

+ Đất phù sa không được bồi, không glây, không kết vón, phân bố ở địa hình vàn, đất có màu xám sẫm hoặc vàng nhạt, gần 50% loại đất này có thành phần cơ giới nhẹ, ít chua, độ phì khá.

+ Đất phù sa không được bồi có sản phẩm Feralitic phân bố ở địa hình vùng cao và các xã bán sơn địa; trong quá trình phát triển bị Feralít hoá, đất có phản ứng chua, nghèo mùn, tốc độ phân giải chất hữu cơ nhanh; loại đất này thích hợp cho trồng lúa, lúa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Đất phù sa không được bồi bị Glây phân bố ở địa hình vùng thấp (thuộc các xã tiếp giáp với sông Khuôn); loại đất này hàng năm thường bị ngập nước, quá trình glây trong đất xảy ra mạnh, đất có màu xám xanh, thành phần cơ giới nặng vì vậy trước khi canh tác cần tháo nước, cày ải đồng thời bón vôi và lân.

– Đất bạc màu có diện tích khoảng 145 ha, chiếm 0,40%; được phân bố ở địa hình vùng cao của các xã tiếp giáp với đồi núi. Do đặc điểm của địa hình nên hàng năm đất bị rửa trôi mạnh, nghèo chất dinh dưỡng, có phản ứng chua, thành phần cơ giới nhẹ, kết cấu rời rạc.

– Ngoài ra trong nhóm đất phù sa còn có đất phù sa lầy úng và đất phù sa ngoài suối phân bố ở địa hình thấp, quá trình glây mạnh, đất lầy thụt; loại đất này chủ yếu phù hợp trồng một vụ lúa chiêm.

– Nhóm đất dốc tụ: Nhóm đất này có khoảng 266 ha, chiếm 0,75% diện tích tự nhiên của huyện; được phân bố ở thung lũng của các xã vùng Tây Bắc, thành phần cơ giới thường trung bình hoặc nhẹ, do sự hình thành của chúng phụ thuộc vào sản phẩm dốc tụ, đất có phản ứng chua, loại đất này thích hợp với trồng lúa.

– Nhóm đất nâu vàng: Nhóm đất này có diện tích khoảng 145 ha, chiếm 0,40% diện tích tự nhiên của huyện; được phát triển trên phù sa cổ và lũ tích, phân bố rải rác thành các giải đồi thấp, lượn sóng thuộc các xã Bồi Sơn, Hồng Sơn, Giang Sơn… loại đất này thích hợp trồng cây công nghiệp dài ngày như chè, trẩu, cam chanh, bưởi, dẻ…

– Nhóm đất Feralít đỏ vàng vùng đồi: Nhóm này có diện tích khoảng 10.420 ha, chiếm 29,39% diện tích tự nhiên của huyện; gồm các loại sau:

+ Đất Feralít đỏ vàng phát triển trên đá vôi: Loại đất này có diện tích khoảng 25 ha; tập trung chủ yếu xung quanh lèn đá vôi thuộc các xã Bồi Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Bài Sơn; đặc điểm đất có tầng dày, ít thịt.

+ Đất Feralít đỏ vàng phát triển trên phiến sét: Loại đất này có diện tích khoảng 9.500 ha, chiếm 26,79% được phân bố ở các xã vùng Tây Bắc và các xã bán sơn địa vùng giữa; đặc điểm là thành phần cơ giới thịt trung bình đến thịt nặng, có khả năng giữ nước tốt; loại này thích hợp trồng cây hoa màu và cây lâu năm.

+ Đất Feralít đỏ vàng phát triển trên đá cát kết: Loại đất này có diện tích khoảng 270 ha, chiếm 0,76% được phân bố ở các xã Đại Sơn, Mỹ Sơn và Minh Sơn; đặc điểm là đất có màu vàng, kết cấu tương đối rời rạc, thấm nước nhanh và dễ bị rửa trôi, đất chua và thành phần cơ giới nhẹ, nghèo mùn, khả năng trao đổi thấp, nghèo chất dinh dưỡng.

+ Đất Feralít đỏ vàng phát triển trên Macma axit: Loại đất này có diện tích khoảng 690 ha, chiếm 1,95%; đặc điểm là đất có màu đỏ đến vàng nâu, tầng đất mỏng, có thể khai thác để trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Đất Feralít xói mòn trơ sỏi đá: Nhóm đất này có diện tích khoảng 7.540 ha, chiếm 21,26%; được phân bố ở các xã đồi núi, đặc điểm là tầng đất dày không quá 30cm có lẫn nhiều sỏi đá, nhiều nơi đá mẹ trơ trên bề mặt; một phần diện tích đã được khai thác trồng chè trong vườn của các hộ gia đình, diện tích còn lại phát triển lâm nghiệp như trồng cây bạch đàn.

  1. Tài nguyên nước

– Nguồn nước mặt: Hệ thống sông suối, mặt nước trên địa bàn huyện có diện tích 1.708,69 ha, chiếm 4,80% diện tích tự nhiên. Nguồn nước mặt dồi dào, phong phú từ các sông như sông Lam, sông Đào, sông Khuôn, các khe, lạch trong các sườn đồi, các ao hồ trong khu dân cư và lượng mưa hàng năm nhiều nên đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất như trồng lúa, màu, trồng cây hàng năm khác… ở tất cả các xã trong huyện và phục vụ đời sống của nhân dân. Tuy nhiên do địa hình và vị trí địa lý nên vẫn xảy ra hiện tượng hạn hán, nhất là vào mùa hè và vùng bán sơn địa Tây Bắc và Đông Nam.

– Nguồn nước ngầm: Cũng rất đa dạng và phong phú, nhân dân vẫn đang khai thác để sử dụng. Ngoài ra còn có nguồn nước khoáng Vĩnh Giang đang lập kế hoạch đưa vào khai thác và sử dụng. Tuy nhiên nguồn nước ngầm cần được quản lý khai thác, đánh giá trữ lượng và chất lượng cũng như yêu cầu bảo vệ môi trường.

  1. Tài nguyên rừng

So với các huyện đồng bằng trong tỉnh thì Đô Lương là huyện có diện tích rừng khá lớn. Phần lớn diện tích rừng là rừng trồng (Thông) đã vào giai đoạn khép tán và phát triển tốt. Đây là vùng nguyên liệu lớn cho sự phát triển chế biến nhựa Thông đem lại giá trị kinh tế lớn cho huyện trong tương lai. Rừng tự nhiên phần lớn là rừng nghèo do hậu quả chặt phá rừng trong những năm trước đây, hiện nay đang được giao, khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi có hiệu quả.

+ Khai thác gỗ, kể cả cho nguyên liệu giấy: 22.500 tấn/năm.

+ Khai thác nhựa thông: 250 tấn/năm.

+ Ngoài ra nhờ có nhiều thuận lợi về giao thông nên hàng năm có một nguồn lâm sản rất lớn từ các huyện miền núi và từ một số nước bạn được nhập khẩu đưa về bằng đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện cho ngành chế biến lâm sản phát triển.

Rừng giữ vai trò quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn đảm bảo phòng hộ, cải tạo môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng, góp phần hạn chế lũ lụt, hạn hán xảy ra ở hạ lưu. Vì vậy cần có biện pháp khai thác, bảo vệ rừng hợp lý.

  1. Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn huyện có tài nguyên khoáng sản đa dạng nhưng trữ lượng và hàm lượng không cao, điều kiện khai thác không thuận lợi, chủ yếu là khoáng sản để chế biến vật liệu xây dựng, như:

– Đá vôi, đá xây dựng tập trung ở các xã như Giang Sơn Tây, Hồng Sơn, Bài Sơn, Nhân Sơn, Đại Sơn, Mỹ Sơn, Trù Sơn… trữ lượng trên 200 triệu m3.

– Đất sét, cao lanh có hàng trăm ha, hàng năm có thể sản xuất hàng chục triệu viên gạch nung.

– Cao lanh tập trung ở xã Đại Sơn, diện tích khoảng 9 ha; đây là nguồn nguyên liệu để làm đồ gốm.

– Cát sỏi tập trung dọc sông Lam thuộc các xã Tràng Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn, Đặng Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Thuận Sơn… có trữ lượng khoảng 20 triệu m3; đặc điểm là cát mịn, tỷ lệ tạp chất ít nên có chất lượng cao trong xây dựng và điều kiện khai thác thuận lợi.

– Nước khoáng ở Vĩnh Giang – xã Giang Sơn Tây, thành phần chủ yếu là Bicacbonat – natri với lưu lượng nước 0,05 lít/s.

Trong những năm qua tình hình khai thác còn thiếu quy hoạch, chủ yếu là khai thác thủ công, tự phát, mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao, việc bảo vệ môi trường chưa đảm bảo.

Trong thời gian tới (đến năm 2020) tỉnh đã thăm dò và có quy hoạch các vùng nguyên liệu gốm sứ ở Trù sơn, Đại Sơn… vùng nguyên liệu đá vôi ở Trù Sơn, Nhân Sơn; hơn nữa Nhà máy xi măng Đô Lương đi vào hoạt động thì khả năng khai thác và sử dụng các loại khoáng sản trên địa bàn huyện sẽ có hiệu quả hơn; hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản sẽ góp phần lớn vào việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện.

  1. Tài nguyên nhân văn

Đô Lương từ lâu có tiếng là hiếu học; nhiều tên đất, tên làng, tên núi thể hiện thái độ trân trọng của nhân dân đối với việc học hành, khoa cử; Người dân ở đây rất quý trọng thuần phong, mỹ tục và biết sáng tạo ra các giá trị văn hoá; nhiều đền, chùa, miếu mạo… được xây dựng qua các triều đại với những nét kiến trúc khá tinh vi… như đền Mượu (ở Bồi Sơn), đình Lương Sơn (ở Bắc Sơn), đình Long Thái (Thái Sơn)… đều gắn với những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ.

Tiềm Năng huyện Đô Lương

Ngày 19/4/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 52 – QĐ/CP, chia tách huyện Anh Sơn cũ thành 2 huyện Đô Lương và Anh Sơn hiện nay. Tên gọi huyện Đô Lương ra đời từ đó, đến nay vừa tròn 48 năm.

Huyện Đô Lương nằm về phía tây tỉnh Nghệ An. Phía bắc giáp huyện Yên Thành; phía đông nam giáp huyện Nam Đàn, Nghi Lộc; phía tây bắc giáp huyện Tân Kỳ, Anh Sơn; phía nam giáp huyện Thanh Chương.

Với diện tích 35.594 ha, Đô Lương có nhiều loại đất đai khác nhau đựơc phân bố trên các vùng: bán sơn địa, vùng đồng bằng, đồi núi và vùng bãi ven sông Lam. Cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú như đá vôi, đất sét, cát, sạn… huyện Đô Lương có hệ thống giao thông thuận lợi gồm sông Lam và các con đường quốc lộ 7, 15, 46… đi qua tạo điều kiện để phát triển một nền kinh tế tổng hợp gồm nông nghiệp, CN- TTCN, thương mại – dịch vụ .v.v.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm, mưa nhiều, nhiệt độ, độ ẩm cao, thuận lợi cho trồng trọt, nhưng thường xuyên phải hứng chịu những tác động khắc nghiệt của thiên nhiên như bão, lụt, hạn hán… Ngoài ra, Đô Lương còn có những khó khăn riêng, xa trung tâm tỉnh, xa các trục đường giao thông lớn về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không…

Cư dân Đô Lương hình thành từ lâu đời và phát triển ngày càng đông đúc, đến cuối năm 2010 có khoảng 20,8 vạn người. Từ xa xưa Đô Lương đã nổi tiếng là đất hiếu học, nhân dân luôn coi trọng việc học hành, khoa cử. Đã có nhiều người, nhiều làng, nhiều dòng họ nổi tiếng về sự đỗ đạt và có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước, làm rạng danh cho quê hương. Đô Lương cũng là mảnh đất có truyền thống văn hoá, nhiều công trình kiến trúc, nhiều áng văn thơ đặc sắc được nhân sáng tạo từ xưa còn lưu truyền cho đến ngày nay, và càng ngày càng được phát huy.

Đô Lương còn là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong tất cả các cuộc kháng chiến chống xâm lược từ xưa đến nay, nhân dân Đô Lương đều hăng hái, tích cực tham gia, có nhiều đóng góp to lớn về nhân tài vật lực, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Đảng bộ Đô Lương nối tiếp truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất giữ vững vai trò lãnh đạo, luôn trăn trở, tìm tòi, chủ động sáng tạo. Sau khi ngày có quyết định tách huyện Đảng bộ đã tổ chức Đại hội lần thứ I, đề ra phương hướng để lãnh đạo nhân dân huyện nhà nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt, chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội ổn định đời sống nhân dân, xây dựng quê hương giàu mạnh…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, nhân dân toàn huyện đã tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăm lo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể, phát triển văn hoá xã hội, củng cố quốc phòng an ninh … Nhờ vậy, mặc dù mới tách huyện, còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong 2 năm 1963-1964, Đô Lương đã giành được nhiều thắng lợi trên các mặt. Kinh tế tiếp tục phát triển, sản lượng lương thực tăng lên 37.021 tấn, văn hoá xã hội có nhiều khởi sắc. Công tác quốc phòng an ninh được giữ vững, giao quân hàng năm đạt trên 1000 người…

Từ năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã gây ra 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đô Lương là một trong những nơi bị đánh phá vô cùng ác liệt, hàng ngàn ngôi nhà dân bị phá huỷ, nhiều kho tàng, công trình bị tàn phá, hàng trăm người chết và bị thương. Tuy vậy với truyền thống anh hùng bất khuất nhân dân Đô Lương đã dũng cảm kiên cường bám làng, bám đồng vừa sản xuất vừa chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ, vừa làm nhiệm vụ chi viện miền Nam. Hàng năm sản lượng lương thực, thực phẩm vẫn không ngừng được tăng lên, các mặt văn hoá, xã hội vẫn phát triển tốt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được chăm lo.

Đất nước thống nhất, đi lên CNXH cùng với cả nước, nhân dân Đô Lương bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để ổn định tình hình kinh tế xã hội, tham gia phong trào chung của Tỉnh. Đó là việc di dân, chuyển dân để tăng diện tích canh tác, củng cố hoàn chỉnh các công trình thuỷ nông, tham gia cải tạo sông đào, cống Hiệp Hoà, đào kênh Vách Bắc, hồ Kẻ Gỗ, khai hoang phục hoá, thâm canh tăng năng suất, mở mang các ngành nghề TTCN – dịch vụ TM… Nhờ vậy, cùng với việc thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư TW về “Khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”, kinh tế huyện nhà trong 10 năm (1975 – 1985) đã có sự ổn định và phát triển. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên. Sau đại thắng Mùa Xuân 1975 chưa lâu, dân tộc ta lại phải đương đầu với 2 cuộc chiến tranh xâm lược từ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Một lần nữa quân dân Đô Lương lại sẵn sàng đóng góp sức người sức của chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hàng ngàn thanh niên lại lên đường, hàng trăm tấn gạo, thực phẩm, chăn chiếu khăn màn được đóng góp để phục vụ chiến đấu.

Tổng kết việc tham gia các cuộc kháng chiến, chống Pháp, chống Mỹ và đấu tranh bảo vệ tổ quốc, Đô Lương đã có hàng vạn gia đình có người đi chiến đấu trong đó có nhiều gia đình có 2-3 người, 5-7 người đi bộ đội. Đô Lương còn đóng góp hàng vạn tấn lương thực, hàng ngàn tấn thực phẩm cho các chiến trường trong 3 cuộc kháng chiến, Đô Lương có 4.051 liệt sỹ, 2.847 thương binh, 1.250 bệnh binh các loại, có 8 cá nhân , 18 tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và 01 tập thể được phong tặng danh hiệu “anh hùng thời kỳ đổi mới”. 63 người được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Nhờ những tính đạt được năm 1996 nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đô Lương được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới đất nước. Dưới ánh sáng đường lối của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Đô Lương đã thực hiện công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước hết là việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đề ra và thực hiện 5 chương trình “5Đ” (Đồng, đồi, đường, điện, đô la); thực hiện NQ 10 của Bộ chính trị… sau đó là thực hiện chương trình “5 hoá” (Công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn; Lục hoá đất trồng đồi núi trọc; Nhựa hoá, bê tông hoá giao thông thuỷ lợi; XHH giáo dục và kế hoạch hoá sân số; Phổ cập hoá phương tiện thông tin nghe nhìn…). Hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó có 5 năm thực hiện “chương trình 5 Đ”, hơn 10 năm thực hiện chương trình “5 hoá”, Đô Lương đã thu được nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực.

– Kinh tế phát triển tích cực. Nếu như năm 1985 tổng sản lượng lương thực đạt 54 ngàn tấn thì năm 2010 là 90 ngàn tấn (có năm đạt 110 tấn). Tổng đàn lợn năm 1985 là 43 ngàn con, năm 2010 là 98.447 con. Đàn trâu bò từ 22 ngàn con lên 54.400 con. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 là 15,77% (có năm đạt gần 19%). Tổng giá trị sản xuất 1995 là 350 tỷ đồng đến năm 2010 là 3.565,09 tỷ đồng. Sản phẩm đầu người năm 1995 đạt 1,8 triệu đồng đến năm 2010 đạt: 19.210.000 đồng.

– Hiện nay huyện Đô Lương có Khu CNN Thị Trấn và khu TTCN Thượng sơn đã đi vào hoạt động, đang đầu tư xây dựng khu CNN Lạc Sơn; các cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Chợ Trung tâm thương mại của huyện cung ứng cho thị trường trong và và huyện với khối lượng hàng hoá lớn đa dạng, là trung tâm thương mại đầu mối có vai trò quan trọng trong việc cung ứng, chu chuyển hàng hoá cho vùng Tây Bắc Nghệ An.

– Văn hoá xã hội có chuyển biết tốt, ngành giáo dục nhiều năm liền được công nhận danh hiệu xuất sắc, ngành y tế có nhiều tiến bộ. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, ngày càng được tăng cường. Cuối năm 2010, toàn huyện có hơn 50 trường đạt chuẩn quốc gia, 32/33 xã, thị đạt chuẩn quốc gia về y tế.

– Công tác ANQP luôn được giữ vững, tình hình chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn được đảm bảo.

– Công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng, từ năm 1963 đến 2010, Đảng bộ đã tổ chức 19 kỳ Đại hội (1963, 1965, 1967, 1969, 1971, 1972, 1973, 1974, 1976, 1977, 1979, 1982, 1986, 1989, 1991, 1996, 2000, 2005, 2010). Qua mỗi nhiệm kỳ, Đảng bộ ngày càng lớn mạnh. Số lượng, chất lượng đảng viên, TCCS Đảng ngày càng được nâng lên. Năm 1963, Đảng bộ có gần 5000 đảng viên, đầu năm 2010 có gần 10.000 đảng viên, từ trên 10 TCCSĐ đạt TSVM lên 58 TCCSĐ đạt TSVM. Đảng bộ Đô Lương hàng chục năm liền được tỉnh công nhận TSVM.

Nhìn lại chặng đường 48 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành, mặc dù phải trải qua vô vàn gian nan thử thách, song với truyền thống anh hùng, bất khuất cần cù, sáng tạo, với những nỗ lực phi thường, Đảng bộ và nhân dân Đô Lương đã lập nên nhiều thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực. Bộ mặt quê hương ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đó là những hành trang quý giá để Đô Lương tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây