Xây dựng ĐBSCL thành nơi đáng sống

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội (KTXH), bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những định hướng quan trọng để xây dựng ĐBSCL thật sự là ‘nơi đáng sống’.

Thay đổi tư duy

ĐBSCL được xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 vùng KTXH của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, tổng diện tích khoảng 40.600km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. ĐBSCL là vùng cực Nam của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước (nằm liền kề với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông); kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương.

Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Đây là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% trái cây của cả nước; có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều…

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt rõ mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao và phù hợp với bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Đối với vùng ĐBSCL, mục tiêu phát triển đặt ra nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Kết luận 28-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), các địa phương trong vùng ĐBSCL nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của vùng; tư duy về phát triển vùng có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, KTXH của vùng vẫn còn hạn chế, bất cập, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; người dân nơi đây phần lớn chỉ mới “đủ ăn” mà chưa khá giả; mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước. “Do vậy, việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết 13-NQ/TW sẽ góp phần để ĐBSCL “đứng dậy” làm chủ và “vươn lên” mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

giua vung DBSCL voi TP. Ho Chi Minh va vung Dong Nam Bo mo rong ket noi voi cac nuoc trong khu vuc ASEAN dac biet la tieu vung song Mekong min - Xây dựng ĐBSCL thành nơi đáng sống

Chung sức hành động

Nghị quyết 13-NQ/TW đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong phát triển, lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái tự nhiên. Tăng cường và đổi mới liên kết vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách điều phối phát triển vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là tiểu vùng sông Mekong.

Trung ương xác định phải đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ. Nghị quyết 13-NQ/TW đặt mục tiêu hoàn toàn mới cho vùng ĐBSCL, phấn đấu đến năm 2030, “vùng ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới…”.

Mục tiêu đến năm 2045, “vùng ĐBSCL là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng KTXH đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao…”.

Nghị quyết 13/NQ-TW cũng đề ra đầy đủ, đồng bộ giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Đây được xem là động lực quan trọng để giúp vùng đất “Chín Rồng” cất cánh, xây dựng nơi đây thật sự là “nơi đáng sống” trong tương lai.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL đề ra, vùng ĐBSCL tiếp tục ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, vùng, liên tỉnh, bao gồm: Giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, trung tâm đầu mối về nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

NGÔ CHUẨN

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây