Xây dựng hệ giá trị để khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam hiện nay

Với chủ trương “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, việc xây dựng và thực thi hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị gia đình Việt Nam với những giá trị tốt đẹp được lan tỏa sẽ góp phần khắc phục, đẩy lùi những mặt hạn chế, những “thói hư tật xấu”, hướng đến xây dựng, hình thành những con người mới để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

HỆ GIÁ TRỊ VỚI VIỆC XÂY DỰNG, HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH CON NGƯỜI

Hệ giá trị là sự tập hợp của nhiều giá trị tốt đẹp được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, thể hiện khát vọng, mong ước của con người hướng đến lý tưởng, mục tiêu cao cả.

Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ người dân Việt Nam không ngừng sáng tạo để thích ứng với điều kiện tự nhiên và những đòi hỏi cấp bách của tình hình chính trị, xã hội, từ đó hình thành, đúc kết lên những phẩm chất, đức tính tốt đẹp, những mong ước, khát vọng, nghĩ suy của con người về vận mệnh, tương lai quốc gia, dân tộc, về bản sắc của nền văn hóa và những nét đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình, dòng họ.

Với những đặc điểm riêng về điều kiện môi trường sống, thường xuyên đối diện với những khó khăn, bất trắc của các hiện tượng thời tiết cực đoan lũ lụt, hạn hán, thiên tai, mất mùa; những cuộc tấn công, xâm chiếm của các thế lực hùng mạnh đến từ phương Bắc, phương Tây. Điều kiện, hoàn cảnh đó đã hun đúc lên những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…

Trong mọi giai đoạn, thời kỳ lịch sử, con người là tài sản, là vốn quý và là nguồn nhân lực quan trọng bậc nhất quyết định đến sự thành bại của quá trình thịnh suy, hưng vong của quốc gia, dân tộc. Con người là hạt nhân, là thành tố quan trọng để làm nên gia đình, vun đắp bản sắc nền văn hóa dân tộc cũng như định hình, kiến tạo hệ giá trị quốc gia. Ở đây, con người là chủ thể sáng tạo, thực hành, gìn giữ, vun đắp và trao truyền hệ giá trị. Và khi giá trị được hình thành sẽ kiến tạo môi trường, không gian văn hóa với những giá trị nhân văn, tiến bộ. Những giá trị đó được thi lan tỏa sẽ góp phần nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành những đức tính, phẩm chất, lối sống, nhân cách tốt đẹp cho con người.

Như vậy con người là chủ thể sáng tạo, mang vác, chuyên chở và phản ánh sinh động hệ giá trị, đồng thời giá trị cũng là mạch nguồn, là bầu khí quyển, là nền tảng tinh thần nuôi dưỡng và hình thành lên những con người mới. Những giá trị của quốc gia, dân tộc, của nền văn hóa và hệ giá trị gia đình dù ở cấp độ, không gian nào đều có tác động, chi phối đến hành vi, nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người. Mối quan hệ giữa con người và hệ giá trị là mối quan hệ biện chứng, đa chiều, đan xen, thẩm thấu và tác động, chi phối lẫn nhau.

Sự hình thành hệ giá trị trải qua quá trình lịch sử lâu dài, do nhiều thế hệ chung sức, đồng lòng sáng tạo, vun đắp lên. Những giá trị đó được cộng đồng thừa nhận, tôn vinh và quyết tâm gìn giữ, bảo vệ. Hệ giá trị bao gồm những giá trị tốt đẹp, là niềm ước ao, mong mỏi, là khát vọng và mục tiêu hướng đến.

Việt Nam ở ngã ba đường thông thương quốc tế, cửa ngõ đi vào khu vực Đông Nam Á, vị trí địa chính trị đó khiến trong lịch sử, Việt Nam từng bị nhiều nước lớn xâm lăng, đô hộ. Truyền thống lịch sử, điều kiện cư trú, canh tác, lao động, sản xuất đã hình thành lên những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam. Qua thời gian, những khát vọng, niềm tin, những mong ước bình dị của con người về quốc gia, dân tộc, về nền văn hóa, về gia đình đã kết tinh thành những giá trị thiêng liêng, cao quý.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24-11-2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Việc nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, một mặt góp phần hình thành lên những con người mới có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Đồng thời việc xây dựng, triển khai có hiệu quả hệ giá trị sẽ khắc phục được những mặt hạn chế của con người Việt Nam hiện nay.

NHỮNG MẶT HẠN CHẾ CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, BCH Trung ương Đảng khóa XI (2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đề ra nhiệm vụ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”(1). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(2). Như vậy trong quá trình đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những đức tính, phẩm chất tốt đẹp, con người Việt Nam cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải khắc phục.

Bàn về tính cách người Việt ở cả hai phương diện tích cực và hạn chế, vào những thập niên đầu thế XX, học giả Đào Duy Anh trong công trình Việt Nam văn hóa sử cương cho rằng: “Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp. Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn, cực khổ và hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa. Não sáng tạo thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo”(3).

Trong một số công trình nghiên cứu về hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng bên cạnh những phẩm chất, đức tính tốt đẹp tạo thành hệ giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam thì trong quá trình chuyển đổi mô hình xã hội, từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang nhịp sống hiện đại, công nghiệp, một số người Việt cũng bộc lộ những thói hư, tật xấu. Trong đó có những tật xấu cần được nhận diện và đẩy lùi như: Bệnh thành tích; thói dựa dẫm; bệnh nói xấu sau lưng; bệnh hình thức, bệnh sĩ diện, háo danh; bệnh bè phái, thiếu hợp tác; tật ham vui; bệnh vô cảm, chặt chém; thói tò mò; bệnh đối phó; bệnh hám lợi; bệnh lề mề, chậm chạp; bệnh sùng ngoại; bệnh tự ti; bệnh sống bằng quan hệ; bệnh thiếu ý thức pháp luật; thói tùy tiện, cẩu thả; thói kiêu ngạo; thói khôn vặt, láu cá; bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm; tật ăn cắp vặt…

Sinh thời, khi đề cập đến những “căn bệnh” mà cán bộ, đảng viên dễ mắc phải, trong nhiều tác phẩm như Sửa đổi lối làm việc (1947), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đó là những “căn bệnh”: chủ quan, hẹp hòi, ba hoa, chủ nghĩa cá nhân, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, háo danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, quan liêu, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại, bệnh cận thị, tị nạnh, xu nịnh a gua, kéo bè kết cánh, hữu danh vô thực, nể nang, cẩu thả, xa quần chúng, hình thức, ích kỷ, hủ hóa, thiếu ngăn nắp, tự cao tự đại…

Việc chỉ ra những căn bệnh đó xuất phát từ những bất cập trong công tác cán bộ và do chính một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, không giữ vững lập trường và lý tưởng cách mạng. Những căn bệnh đó cần được khắc phục, sửa chữa qua công tác phê bình và tự phê bình, tự soi, tự sửa, đồng chí phê bình lẫn nhau để cùng nhau tiến bộ, từ đó có nhiều đóng góp vào công tác xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Người nói: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”(4).

He gia tri la su tap hop cua nhieu gia tri tot dep duoc sap xep theo thu tu uu tien min - Xây dựng hệ giá trị để khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam hiện nay

Với cái nhìn biện chứng, khách quan, Người cho rằng: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh nặng, không chết cũng lê lết quả dưa”(5). Đồng thời khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(6).

Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan về thực trạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những mặt bất cập, hạn chế, những “căn bệnh” mà không ít cán bộ, đảng viên mắc phải, Nghị quyết Trung ương bốn khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra nhiều tật xấu mà cán bộ dễ mặc phải như: tệ quan liêu, cửa quyền; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ; phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống; bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng; nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình;  tham vọng chức quyền; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”; đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan…

Những bất cập, hạn chế đó trở thành lực cản cản trở con đường phát triển của dân tộc, đất nước; làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa; làm suy giảm niềm tin và sự gắn kết bền chặt giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền.

Để khắc phục thực trạng trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc xây dựng, triển khai và vận dụng hiệu quả hệ giá trị sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của con người theo những khuôn mẫu, chuẩn mực tốt đẹp của cộng đồng, xã hội, hướng đến những giá trị của chân, thiện, mỹ.

HỆ GIÁ TRỊ VỚI VIỆC KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Chức năng của hệ giá trị là định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của cá nhân và cộng đồng. Vì thế việc nghiên cứu, xác định và triển khai hiệu quả hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị gia đình trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành chuẩn mực, đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Có thể ví hệ giá trị như ngọn đuốc, ánh sáng soi đường, nơi hội tụ của ý chí, niềm tin, khát vọng, hướng con người đến những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp. Những giá trị đó sẽ góp phẩn đầy lùi những hiện tượng, hành vi phản giá trị, phản nhân văn, những cái “xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi…”; thắp sáng những giá trị nhân văn, cao đẹp.

Hệ giá trị được xây dựng, định hình và thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội sẽ tạo tấm màng lọc, “bức tường thành” vững chắc để ngăn chặn từ sớm, từ xa những luồng tư tưởng thâm độc, những xuất bản phẩm kém giá trị, những âm mưu xảo quyệt của thế lực thù địch.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế của con người Việt Nam, việc tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa hệ giá trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hệ giá trị cần được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động, hấp dẫn, có ý nghĩa thiết thực, được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, trên môi trường mạng xã hội; lồng ghép trong các chương trình, hoạt động giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, làm thay đổi nhận thức của con người theo hướng tiến bộ, tốt đẹp, văn minh.

Voi moi ca nhan can y thuc sau sac ve trach nhiem cua ban than voi gia dinh cong dong min - Xây dựng hệ giá trị để khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam hiện nay

Với mỗi cá nhân, cần ý thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân với gia đình, cộng đồng; gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống và bảo vệ những giá trị thiêng liêng, cao quý của quốc gia, dân tộc. Khi mỗi người ý thức sâu sắc về bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, thấy được mối quan hệ, gắn bó bền chặt, không thể tách rời giữa bản thân với gia đình, xã hội, quốc gia thì họ sẽ xác định cho mình con đường, mục tiêu và lý tưởng tốt đẹp để phấn đấu, cống hiến, vươn lên.

Để hệ giá thực sự phát huy hiệu quả, trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển, giúp con người nhận diện và tránh xa cái xấu, cái ác, bảo vệ lẽ phải, sự công bằng, bên cạnh việc phát huy tinh thần tự nguyện của mỗi cá nhân trong học tập, tiếp thu những nội dung cốt lõi của hệ giá trị thì việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật, những quy ước thành văn mang tính bắt buộc về bảo vệ, gìn giữ và phát huy hệ giá trị cần được đẩy mạnh, tăng cường, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức của người dân.

Các cơ quan, bộ ngành và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc triển khai, thực thi hệ giá trị. Có chế tài và biện pháp mạnh để xử lý những hành vi, hiện tượng vi phạm, chà đạp và đi ngược lại hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bên cạnh việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là tinh thần, ý thức thượng tôn pháp luật, khát vọng sáng tạo, cống hiến vì sự giàu đẹp của quốc gia, dân tộc.

Hệ giá trị được biểu hiện cụ thể trong hành vi mỗi cá nhân. Vì thế để gia tăng tầm ảnh hưởng của hệ giá trị, những thế hệ đi trước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thực thi tốt tinh thần nêu gương sáng, có lời nói, hành động, cử chỉ đẹp, tạo thành những chuẩn mực, khuôn mẫu để mọi người học tập, noi theo.

Khi những giá trị nhân văn, tốt đẹp được lan tỏa, chiếm ưu thế trong đời sống xã hội thì cái xấu, cái ác và những hành vi lệch chuẩn sẽ bị đẩy lùi, không có cơ hội để trỗi dậy, hoành hành.

Việc nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là sự cụ thể hóa chủ trương, quyết sách lớn của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng như hưởng ứng tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng đến xây dựng, hình thành chuẩn mực tốt đẹp của con người Việt Nam.

Bên cạnh việc phát huy những phẩm chất, đức tính tốt đẹp thì hệ giá trị cũng cần phải khắc phục được những bất cập, hạn chế của con người Việt Nam, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện tốt khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

—————— 

Chú thích

(1) Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nguồn:https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-chin-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-2500

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 143

(3) Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 24

(4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 294, 301

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây