Xin tạ chỗ ta nằm – Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Xin tạ chỗ ta nằm - Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa - VSD Văn Học

XIN TẠ CHỖ TA NẰM

tôi sẽ cố gắng sống qua thời đại này
không một lời than thở
vẻ đẹp của đời người, nếu không ai chia sẻ với, thì
tôi sẽ giữ kín bên trong cho đến ngày
không còn tôi nữa.
(Hoàng hôn, 1972 – Lê Văn Ngăn)

Hoàng Tư Thiện sinh năm 1946 tại làng Thanh Khê, nay thuộc Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
Trước 1975, dạy học, làm thơ. Thơ đã đăng trên các báo và tạp chí: Khởi hành, Văn, Ngôn Ngữ, Đối Diện. Sau 1975, hội viên Hội Nhà văn Thành phố Đà Nẵng, thơ đăng trên các báo, tạp chí: Đất Quảng, Non Nước, Thanh Niên, …
Giải thưởng thơ, tạp chí Đất Quảng, 1987; Giải thưởng thơ, tạp chí Non Nước, 2004. Qua đời năm 2004 do tai biến mạch máu não.
Tác phẩm: Trăng khuyết, NXB Đà Nẵng, 2005               

Thơ Hoàng Tư Thiện xuất hiện vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Hoàng Tư Thiện cô độc cho đến cuối đời, tự nhận mình là đứa con hoang nhiều thương tích, muốn nằm xuống một hiên đời yên ấm của nhân gian, song nào được ! Mênh mang buốt giá của kiếp nhân sinh ! Trước ngày mất không lâu, Hoàng Tư Thiện viết bài thơ Chiêu hồn, tặng các bạn thơ và nghĩ về đời mình:

Ta rồi ngả xuống hiên đời chật chội
Này chiếu chăn xin tạ chỗ ta nằm
                                         (Chiêu hồn)

Giống như Ngô Kha:

Con đi đã bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
thi sỹ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu
                               (Ngụ ngôn của người đãng trí)

Trên con tàu cuối cùng của đời người, không một bến đỗ, hoang liêu, thơ Hoàng Tư Thiện là thứ bè trầm, một khúc nhạc lặng thầm về tình yêu, khát vọng, dẫu có lúc cũng muốn làm những con sóng dào lên, không chịu ngủ yên, chống lại

“những hồi chuông ngụy tín”. Trước 1975, cũng như các nhà thơ xứ Quảng, Hoàng Tư Thiện ước mơ quê hương thanh bình, liền một giải. Hiện thực về một đất nước phân chia, chiến tranh kéo dài, vì thế, ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ:

Cây giữ đất và đê điều giữ nước
Mến thương con, hoa quả giữ mùa
Cơm áo sông Hồng mở đường Nam tiến
Nghĩa phù sa, máu đỏ như thơ….
            (Đất nước mến yêu, con có mặt)

Đó là những dòng thơ viết vào đầu 1970, có hình ảnh đê điều của miền bắc, có “phù sa”, “hoa quả giữ mùa” của phương nam nắng gió, có sông Hồng, có bàn chân Nam tiến của những lưu dân trên con đường mở cõi, “gánh theo bao tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Nguyễn Khoa Điềm).

Bài thơ Rộng vô cùng tình nghĩa nhân dân, viết năm 1972, dài 30 câu, với nhiều địa danh thân thiết: Cửa Thuận, cửa Hàn, Đồng Nai, sông Bé, Trị Thiên, Nam Ngãi, Bình Long, Ba Lòng… Tình cảm nhà thơ trải dài theo dọc đường tổ quốc, cho đến cuối trời, nơi “Phù sa về chín cửa thênh thang”. Vào thời điểm khốc liệt của chiến tranh, trái tim nhà thơ đi về phía đất nước, mong hòa bình, vì thế, khi đọc bài thơ, ta không thể không rung động trước những hình ảnh mến thương của quê mẹ :

Quê mẹ bao la sông dài biển rộng
Đường ngược đường xuôi cửa Đại cửa Hàn
Đường đến nhà em cau vườn ấp bẹ
Hai họ ăn trầu tính chuyện trăm năm

Đất xới cho anh chén cơm gạo lứt
Ngát thơm tình xóm dưới làng trên
Bát nước qua đò con chưa kịp uống
Mẹ đã rót thêm ánh mắt dịu hiền

Quê mẹ con đi sông dài biển rộng
Thuyền vó đơm câu cửa Thuận, cửa Hàn

Thuyền ai đến Đồng Nai, sông Bé
Phù sa về chín cửa thênh thang…

Cuối cùng, đó là mong ước chân thành của nhà thơ, một đứa con miền Trung: Núi với sông, thịt xương liền một dải / Đường Bắc Nam gần thêm bước nữa / Rộng vô cùng tình nghĩa nhân dân…

Hoàng Tư Thiện luôn có những dòng thơ chân thành về đất nước. Trên Tuyển tập thơ văn Ngôn Ngữ, số 1 – 1972, bài Về như biển sóng, một bài thánh ca vừa trong lành về một ước mơ,”thấy phúc âm rạng rỡ chân người“, “chất ngất những lâu đài sáng tạo“, vừa bi phẫn “nhức nhối đời ta: dấu đinh thánh giá“, về một “kiếp người vội mỏi trăm năm“, vì thế, mới có:

cơn giận dữ cuốn trời phất tới
đất chuyển mình đi, đồi núi rung chuông
Anh nô nức một lần sống lại
mang trái tim cả nước lên đường
trái tim em
                   lòng yêu Chúa
                                     amen

Anh về thăm những cánh đồng quê hương thời trai tráng
với tất cả trăng sao mùa gặt
Con đường lúa gạo hồi sinh
niềm vui những ngày tháng mới
Con đường lộc non phơi phới
bước chim vang khắp lá cành
                    (Về như biển sóng)

Khúc ca ngày về viết vào năm 1973, là bài thơ lục bát chân chất, trong trẻo, hiền như “đất nâu’, xinh như “mạ cắm bùn sâu”, đẹp như bông lúa trổ bông, có “mo cơm trắng, ấm chè tươi”, có “mùi hương nếp mới”, có “rơm vàng quấn quít chân son”, có tiếng gà gáy mái hiên, có “mẹ hiền như cụm mía mưng”, có “bến cũ đò đưa”. Hai câu cuối cùng bâng khuâng bao nỗi nhớ:

Người đi nắng sớm mưa trưa
Sương giăng đầu núi câu hò cuối sông

Hơn mươi năm sau, Hoàng Tư Thiện rời cõi tạm, mơ ước ngày nào, như ở hai câu thơ, cũng chỉ là mơ ước:

Đường đến nhà em cau vườn ấp bẹ
Hai họ ăn trầu tính chuyện trăm năm

Hoàng Tư Thiện vẫn một mình, lẻ bóng. Thương thật.

Trên Giai phẩm Văn, số tháng 11 năm 1974, mục Mỗi kỳ giới thiệu một tiếng thơ mới, bài thơ Ngày đứa con hoang trở về của Hoàng Tư Thiện được trang trọng giới thiệu. Bài thơ có 9 khổ, 624 từ, số chữ, số câu của mỗi khổ có độ dài khác nhau. Đây là bài thơ dài nhất trong các bài thơ đã công bố. Nhân vật trữ tình xưng “tôi” xuyên suốt cả bài thơ:

tôi là người ở lại / tôi chờ đúng đêm nay / tôi đứng trông mây xám kéo màn / tôi ngồi xuống và thật đều hơi / tôi cấy quả tim hồng xuống đất đen / mỉm cười cùng đám đông tôi nằm ngủ / tôi bẻ cong cánh tay loài rắn dịu mềm / tôi là người ở lại như dòng sông kia chảy mãi / và xin cùng làm chứng cho tôi

Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Văn chọn và giới thiệu như thế, nếu không tìm thấy nơi tác giả một nguồn sáng mới. Bài thơ có dấu vết của bút pháp ấn tượng. Trường phái ấn tượng bắt nguồn từ châu Âu, với ba đại diện là các họa sĩ Claude Monet (1840 – 1926), Pierre Auguste Renoir (1841 – 1919), Camille Pissarro (1830 – 1903). Bằng bút pháp ấn tượng, Hoàng Tư Thiện chọn những thời khắc của mùa, chiếu rọi vào đó những đổi thay của ánh sáng, chấm phá đôi nét, qua đó, bày tỏ những mẩu đối thoại nội tâm, có màu sắc: hồng / đen / vàng, có thời khắc: buổi hoàng hôn / mưa trưa / chiều nắng / gió buổi sáng / nắng buổi chiều / ngày đông tận / mầm đông trong nỗi hàn tháng hạ / ngày phấn vàng ngõ trước / giờ phút thật ngọt ngào. Yếu tố thời gian qua biểu tượng “dòng sông” trong “ngày đứa con hoang trở về”, đứa con:”cấy quả tim hồng xuống đất đen /cúi soi đường thăm thẳm đêm đen”:

– quả tim hồng rạo rực buổi hoàng hôn
tôi thức giấc với mưa trưa chiều nắng
-tôi chờ đúng đêm nay
khi chỉ còn mặt trời, sự sáng
cúi soi đường thăm thẳm đêm đen
-có những vì sao ngậm ngùi làm chứng
hãy sáng lên đóm lệ con tin
-gió buổi sáng giục tôi xuôi buồm hạ bạn
dòng sông vỗ về bên hai mạn thuyền:
-nắng buổi chiều bám vai thuyền ngần ngại
nguồn sông còn uốn khúc trong tôi:
có phải đây là chốn nghỉ ngơi
sao linh hồn mày mọc cánh ?
-cổng vẫn khép nghìn năm phẳng lặng
mà lòng như phiến thạch trời đêm
-tôi là người ở lại như dòng sông kia chảy mãi
tắm dăm ba lần một khúc quên
-bởi có mầm đông trong nỗi hàn tháng hạ
sau cơn hồng thủy, cuộc hồi sinh
-ngày phấn thông vàng ngõ trước
lứa mơ già, hồng cốm theo sau

Đây là bài thơ lạ nhất trong thơ Hoàng Tư Thiện. Sự trôi chảy của thời gian, ngủ bên bờ con nước đợi triều dâng / tôi là người ở lại / tôi là người ở lại như dòng sông kia chảy mãi / tắm dăm ba lần một khúc quên  như lặp lại ý của triết gia cổ đại Heraclitus (535 –  475 BC): “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Hoàng Tư Thiện đã thấy mình là “người ở lại” (hai lần lặp lại) bên dòng – sông – thời – gian, “dòng sông kia chảy mãi”, đã thấy “mầm đông trong nỗi hàn tháng hạ”. Tháng hạ mà đã thấy “mầm đông”, đã thấy “nỗi hàn”, giống như Basho (1644-1694) trong bài Nguyên đán:

Ngày đầu năm
Tư duy về cô tịch
Chiều thu.

Bài thơ viết vào ngày đầu năm nhưng cái cô tịch của chiều thu đã xuất lộ. Thiên nhiên, vạn vật đều ở trạng thái biến động, luôn thay đổi, không bao giờ tồn tại vĩnh viễn. Ba yếu tố chính trong bài thơ được khắc họa: yếu tố thứ nhất: con người (tôi), yếu tố thứ hai: dòng sông, yếu tố thứ ba: thời gian, trôi đi, chảy mãi:

với dòng sông cuồn cuộn trở về
trăm nhánh mỏi, sóng nghiêng đầu bạc
ùn vào lòng tôi bể biếc mênh mông
cơn bão dữ những ngày đông tận

Những dòng cuối của bài thơ, phảng phất ý tưởng của một nhà thần bí Dòng Cát Minh: “Đừng để lòng bối rối, đừng sự hãi lo âu, phù vân sẽ qua mau”:

trong dòng sống khát khao này
hãy kiên tâm chờ đợi
và xin cùng làm chứng cho tôi

Ba phạm trù: Con người – Dòng sông – Thời gian xoắn quyện vào nhau, biểu tượng của thay đổi, dịch chuyển, từ đó, dẫn đến những biến động, va đập, tác động

đến đời sống tâm tình và nghĩ suy khiến người nghệ sĩ Hoàng Tư Thiện lạc giữa các chiều kích, dẫn đến những kinh nghiệm thơ ca đầy xao xuyến:

– quả tim hồng rạo rực buổi hoàng hôn
tôi thức giấc với mưa trưa chiều nắng

– đêm ôi đêm mở mắt kẻ tật nguyền
có những vì sao ngậm ngùi làm chứng

– cổng vẫn khép nghìn năm phẳng lặng
mà lòng như phiến thạch trời đêm

– ngày phấn thông vàng ngõ trước
lứa mơ già, hồng cốm theo sau

Hơn mươi năm sau (2004), Hoàng Tư Thiện rời cõi tạm, mơ ước ngày nào, như ở hai câu thơ, cũng chỉ là mơ ước:

Đường đến nhà em cau vườn ấp bẹ
Hai họ ăn trầu tính chuyện trăm năm

Trên báo Thể Thao Văn Hóa Cuối tuần, số 18 (143) thứ sáu, 29-4-2010 giới thiệu thơ Hoàng Tư Thiện, Nguyễn Hữu Hồng Minh viết: “Nhà thơ Hoàng Tư Thiện là một tên tuổi không xa lạ với người yêu thơ Quảng Nam – Đà Nẵng. Thơ anh viết không nhiều nhưng đã viết thường ngôn ngữ chắt lọc, hình tượng độc đáo được nhiều độc giả yêu thích… Rất tiếc anh mất sớm khi tuổi đời còn trẻ”.

Hoàng Tư Thiện vẫn một mình, lẻ bóng. Những ai đã đọc thơ Hoàng Tư Thiện đều thấy, thấp thoáng đâu đó, suốt một đời làm thơ, niềm mơ ước thiêng liêng nhất: một bến đỗ an bình. Thế nhưng, nhà thơ vẫn cô độc trên con đường nhân sinh thăm thẳm. Thương thật !

Tháng 10-2019
HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây