Xung lực mới cho Hệ giá trị Việt Nam – Tác giả: Nhật Hà

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” khai mạc tại Hà Nội. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại ba điểm cầu: Hà Nội, HuếThành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm không chỉ của gần 500 nhà khoa học, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức tham dự, mà còn của đông đảo người dân Việt Nam về những kết quả do Đảng, Chính phủ đã thực hiện sau một năm triển khai những nhiệm vụ mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) đặt ra. Từ đó, xác định lại những hệ giá trị cốt lõi cần gìn giữ, phát triển để trở thành xung lực mới cho hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bi thu Trung uong Dang Truong Ban Tuyen giao Trung uong Nguyen Trong Nghia min - Xung lực mới cho Hệ giá trị Việt Nam - Tác giả: Nhật HàBí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết hội thảo.

Đi tìm những giá trị cốt lõi

Đã có hơn 80 tham luận được gửi tới hội thảo và được in thành kỷ yếu. Trong đó có 10 tham luận được chọn trình bày trực tiếp tại hội thảo, được chủ tọa, đại biểu đánh giá là đã đi đúng và trúng yêu cầu Hội thảo đặt ra. Do đây đều là những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, quản lý và văn nghệ sĩ đúc kết từ hoạt động thực tiễn mà họ là thành viên tham gia. Cùng với hội thảo, Ban Tổ chức cũng đã bố trí hai phiên thảo luận trực tiếp tại hội trường nhằm làm rõ hơn những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm và còn nhiều ý kiến khác nhau.

Thông thường, một hội thảo mang tính chất hàn lâm và có tầm bao quát rộng như hội thảo này, trong một chừng mực nhất định sẽ khó giữ chân được hết thảy đại biểu đến phút chót. Nhưng Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới đã lập nên kỳ tích khi hội trường không còn chỗ trống. Điều này đã nói lên bản chất quan trọng của hội nghị, của văn hóa là thành tố quan trọng hình thành nên tinh thần cho quốc gia – yếu tố then chốt để chúng ta hình thành, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chính vì vậy, các tham luận dù tiếp cận ở những góc độ khác nhau, nhưng về cơ bản vẫn đều tìm thấy những tiếng nói chung, những quan điểm thống nhất…

Bên cạnh những quan điểm lớn mang tính lịch sử đã được khẳng định, như “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam”. Hội thảo cũng đặt ra nhu cầu nhận diện “những giá trị cao đẹp, bền vững nào trong quá khứ phải được bảo vệ, phát huy để nó không chỉ là di sản nhằm chiêm ngưỡng mà phải trở thành sức mạnh nội sinh trong phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam đương đại và tương lai?…”. Và vấn đề cốt lõi cũng nhanh chóng được nhận diện: Những giá trị cần gìn giữ và bảo tồn, phát huy cho phù hợp với tình hình mới chính là gia đình, là nét văn hóa trong bữa cơm, nếp nhà nhiều thế hệ; là sự giáo dục cộng sinh, chú trọng đến phát triển hài hòa sinh lực và trí lực của người học trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, nhằm tạo ra những thế hệ con người Việt Nam mới năng động, bản lĩnh. Đây cũng chính là liều vacxin giúp chúng ta ngăn chặn và đẩy lùi nhiều hành vi và hiện tượng xã hội đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức, mà còn cả về chuẩn pháp lý.

Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, giả định là nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội… thì hành vi và hoạt động của con người sẽ có căn cứ để điều chỉnh và tự điều chỉnh, xã hội sẽ bớt đi những hiện tượng lệch chuẩn. Việc đưa ra những chuẩn mực cụ thể, cho từng đối tượng cụ thể được xem là cần thiết và cấp bách. Nhưng để “Chuẩn” không là lực cản của sự phát triển cũng đã được làm rõ. Đó là sự giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam, là Xây dựng hệ giá trị văn hóa, Phát triển nhận thức về hệ giá trị quốc gia. Từ đó, góp phần xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị này trong phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.

Khẳng định và nâng tầm giá trị việt

Hội thảo xác đinh rõ nhiệm vụ và đi đến thống nhất nhận định: Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, cũng như sự trăn trở, suy nghĩ của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Hội thảo đã thống nhất được những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong xây dựng các hệ giá trị và làm cơ sở cho quá trình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hoi thao quoc gia min - Xung lực mới cho Hệ giá trị Việt Nam - Tác giả: Nhật HàHội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa: “Trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp, với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thù, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh… Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, xung đột giá trị, thậm chí khủng hoảng giá trị, “sốc” giá trị cũng đã xảy ra càng làm gia tăng thêm tính phức tạp nhưng cũng làm lộ rõ sự cần thiết nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay”. Trong thời kỳ mới với quan niệm mới về một thế giới phẳng,  sẽ khiến cho nhiều giá trị cốt lõi bị lấn lướt, thậm chí bị mai một. Vì vậy, sự chung chung, hô hào theo kiểu cần “giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cần phải thay đổi, bổ sung những “Chuẩn” cụ thể.

GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đã đưa ra một số lưu ý về nguyên tắc xác định giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay: Việc xác định hệ giá trị chỉ nên dừng lại ở những giá trị cốt lõi, trọng điểm, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay; Hệ giá trị quốc gia phải kết hợp hài hòa giữa các giá trị thiết thân của dân tộc với các giá trị phổ quát, tiến bộ của thời đại và nhân loại; Hệ giá trị quốc gia không nên quá cao siêu, xa vời, ít tính khả thi, mà phải có sự cân đối, hài hòa giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo với điều kiện thực hiện và sự đồng thuận của người dân, phải xuất phát từ những mong đợi của nhân dân để họ tự giác chung tay thực hiện…

Phát triển hệ giá trị cốt lõi, trọng điểm từ đó ưu tiên phát triển, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh cho Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới đã được làm rõ, sâu sắc hơn trong cả hai phiên hội thảo, thảo luận trực tiếp tại hội trường. Từ đó, những đặc trưng của một dân tộc, quốc gia đã trở nên rõ ràng hơn. Trên tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng kết và nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới. Những nhóm giải pháp này được xác định là then chốt, nhằm kết hợp và nối tiếp những giá trị truyền thống tốt đẹp, bền vững trong quá khứ với tương lai của dân tộc. Đó không chỉ là sự kết hợp và tổng kết của những giá trị cũ và mới đang hình thành hiện nay mà còn là sự nhân lên những giá trị tốt đẹp đã có, đang có, với những định hướng cụ thể trong tương lai. Đó chính là sức hấp dẫn của hệ giá trị văn hóa, quốc gia đã và đang trở thành động lực thúc đẩy khát vọng hùng cường của quốc gia, dân tộc vốn là mục tiêu mà hội thảo hướng đến và đã thành công.

N.H

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây