NASA: Mặt Trời đang ‘rùng mình’ đảo ngược cực từ

Theo NASA, thời kỳ mà Trái Đất dễ hứng những quả pháo sáng, cầu lửa từ Mặt Trời nhất sẽ kéo dài đến sang năm.

NASA và Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) vừa cùng xác nhận Mặt Trời đã bước vào giai đoạn cực đại của chu kỳ thứ 25, là thời kỳ nó sẽ thường xuyên phóng vào Trái Đất và các hành tinh xung quanh nhiều quả pháo sáng, cầu lửa nhất.

Giai đoạn này, được đặc trưng bởi hoạt động từ trường tăng cao, có thể tiếp tục trong năm tới.

Mat Troi khi bung no min - NASA: Mặt Trời đang 'rùng mình' đảo ngược cực từMặt Trời khi “bùng nổ” như hiện nay hoàn toàn khác với thời kỳ yên tĩnh – Ảnh: NASA.

Theo SciTech Daily, Mặt Trời của chúng ta có chu kỳ hoạt động là 11 năm, dao động giữa các giai đoạn hoạt động từ trường thấp và cao.

Vào các giai đoạn đỉnh cao như hiện nay, Mặt Trời sẽ trải qua một cú đảo ngược cực từ: Cực Bắc thành cực Nam và ngược lại.

Điều này được cảm nhận từ Trái Đất thông qua các cơn bão địa từ liên tục và mạnh mẽ. Thời gian vừa qua, Trái Đất đã hứng các cơn bão địa từ rất mạnh.

Đỉnh điểm là vụ việc hồi tháng 5-2024, một loạt các quả pháo sáng và vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) đã tạo ra cơn bão địa từ mạnh nhất trên Trái Đất trong hai thập kỷ qua và có thể là màn trình diễn cực quang đẹp nhất trong 5 thế kỷ.

Tuy nhiên, ông Elsayed Talaat, Giám đốc hoạt động thời tiết không gian tại NOAA giải thích rằng thông báo của cơ quan này và NASA không có nghĩa là đây là đỉnh điểm của hoạt động Mặt Trời mà chúng ta sẽ thấy trong chu kỳ này.

Rất có thể trong các tháng tới hoặc năm tới, Mặt Trời sẽ bùng nổ còn dữ dội hơn.

Nhưng với sự phát triển về mặt công nghệ của người hiện đại, nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thứ, đòi hỏi người Trái Đất phải có sự chuẩn bị.

Hồi đầu tháng 9-1859, hệ thống lưới điện và điện báo toàn cầu đã chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi sự kiện Carrington, một trong những cơn bão địa từ mạnh nhất mà nhân loại từng hứng chịu.

Ngày nay chúng ta không còn dùng điện báo và đã có những phương tiện để bảo vệ lưới điện tốt hơn nhiều.

Thế nhưng chúng ta lại phát minh ra vô số khác có thể bị bão địa từ làm ảnh hưởng: Công nghệ định vị, vô tuyến, các vệ tinh, tàu vũ trụ…

Đối với người dân bình thường, những trục trặc ngắn ngủi do bão địa từ thường không ảnh hưởng gì đến đời sống thường nhật. Nhưng các cơ quan vũ trụ thì rất cần chú trọng dự báo thời tiết không gian.

Vì dụ, dự báo thời tiết vũ trụ rất quan trọng để hỗ trợ tàu vũ trụ và các phi hành gia trong chiến dịch Artemis của NASA.

Khảo sát môi trường vũ trụ này là một phần quan trọng để hiểu và giảm thiểu sự tiếp xúc của phi hành gia với bức xạ vũ trụ.

Ngoài ra, việc dự báo các cơn bão địa từ có khả năng xảy ra cũng giúp các kế hoạch của ngành công nghiệp vũ trụ không bị đổ bể: Năm 2022, SpaceX đã hứng thiệt hại nghiêm trọng khi khoảng 40 vệ tinh Starlink vừa phóng lên đã bị bão địa từ làm rơi ngược lại Trái Đất.

Các nhà khoa học dự đoán rằng giai đoạn cực đại sẽ kéo dài thêm một năm nữa trước khi Mặt Trời bước vào giai đoạn suy giảm, dẫn đến cực tiểu Mặt Trời.

Anh Thư

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây