Mưa trên đồng À Na Cút – Tác giả: Trần Ngọc Phương

MƯA TRÊN ĐỒNG À NA CÚT

K’ro Lapia, nơi bọn tôi công tác là một thôn của xã Pring Thum, thuộc huyện Choam K’san, tỉnh Prếch Vihia. Gọi là đội công tác K’ro Lapia vì bọn tôi đóng quân tại đây, chứ thật ra đơn vị tôi đảm nhiệm công tác dân vận của cả xã, còn có thêm thôn T’mat Bơi cách K’ro Lapia chừng hơn mười cây số. Hai ngôi làng gần như biệt lập giữa rừng, dân cư thưa thớt, mỗi thôn chỉ chừng vài chục nóc nhà. Đại đa số dân trong xã mù chữ, chính quyền bạn còn quá non yếu, nên ngoài nhiệm vụ đánh địch bảo vệ dân, bộ đội còn tham gia mọi việc của chính quyền. Từ giải quyết các công việc hành chính, đến tổ chức làm kinh tế đời sống cho dân, tất tần tật không thiếu việc gì. Đến cả việc vợ chồng đánh nhau, bỏ nhau dân cũng nhờ đến bộ đội giải quyết.

Thiên nhiên ưu đãi người dân nơi đây. Rừng bao bọc quanh làng. Rẫy và cả đồng ruộng nữa cũng len lỏi giữa rừng. Đất đai màu mỡ, người dân không biết đến phân bón. Ruộng thì cứ đến mùa cày cấy, làm cỏ rồi thu hoạch. Rẫy thì phá rừng mà làm, vài năm đất bạc màu tìm rẫy khác. Đất đai mênh mông, không lo thiếu rẫy.

Có lẽ do ảnh hưởng từ thời Pôn Pốt cai trị, người dân nơi đây, ngoài miếng rẫy làm riêng, còn lại từ làm ruộng, đánh bắt cá, săn thú rừng đều cùng làm theo tổ, có khi làm chung luôn cả làng rồi chia nhau sản phẩm. Quanh làng có nhiều suối, và một con sông chảy qua phía đầu làng. Cá tôm ở các suối sông này rất nhiều, vậy mà chẳng thấy gia đình nào có dụng cụ đánh bắt cá. Cá nhiều, nên cách họ đánh bắt cũng đơn giản lắm. Mỗi tổ làm vài cái rồ băng ở các khe suối. Rồ băng tựa như tấm đăng của người Việt, nhưng lớn hơn rất nhiều, làm bằng tre nguyên cây, bện lại với nhau thành tấm lớn, chiều ngang vừa bằng khe suối. Khi mưa xuống, rồ băng được kéo lên, cá theo nước ngược lên các khe suối này. Nước đầy, hạ rồ băng xuống, đợi nước rút thì bắt cá. Đơn giản vậy mà mỗi đợt nước lên xuống, họ cũng bắt được cả mấy xe bò cá, đem về chia nhau, phần ăn tươi, phần phơi khô, phần làm mắm pro hóc. Cả làng dậy mùi cá mỗi khi có cơn mưa lớn. Chưa kể mỗi khi mưa tới, khắp làng ầm ĩ tiếng ếch gọi bạn tình. Ếch ở đây nhiều đến nỗi dân làng không muốn ăn, chỉ đầu mùa, họ bắt vài con ăn chơi. Vì vậy chúng sinh sản tự do ngày càng nhiều. Bộ đội ở làng cũng ớn thịt ếch luôn vì quá nhiều. Những con ếch mùa mưa béo mẫm, mỡ của nó đủ để rán nó thành món ếch chiên. Dân làng không ăn ếch nhưng lại thích món thịt hin. Hin là tên dân Kh’mer gọi con ễnh ương. Con vật xấu xí có cái bụng chang bang này là món khoái khẩu của họ. Bộ đội cũng bắt chước ăn thử. Quả thiệt thịt của nó thơm ngon hơn thịt ếch. Mỗi con có một miếng mỡ màu da cam, một chùm nhiều cánh xòe ra như một cái hoa. Mỡ nó rán lên mùi rất thơm, đủ để chiên giòn con ễnh ương. Nhớ có lần làm món này cho thằng Cẩn ăn thử, nó cứ đinh ninh là thịt chim mía.

Mùa khô bắt cá lại càng đơn giản. Cả tổ chắn một khúc suối, đập vỏ cây ph’lơng bỏ xuống, chừng nửa tiếng sau cá say, nổi đầy suối, chỉ việc xuống vớt mang về. Cá tôm nhiều và dễ đánh bắt vậy, nên dân làng không cần có dụng cụ bắt cá cũng phải.

Con sông ở đầu làng cá rất nhiều chẳng thấy dân đánh bắt bao giờ. Có lần tiểu đội tôi kiếm được quả US. Tôi, thằng Thuận, thằng Hòa cụt, thằng Quảng rủ thêm thằng Xuân lùn tiểu đội 2 và thằng Bình tà tiểu đội 1, ra sông đánh cá. Có độc nhất một quả lựu đạn mà ném xuống nó im luôn. Đợi một lát không thấy gì, thằng Thuận nói chắc nịch:

– US không thúi đâu, nó kẹt búa đập hay gỉ lò xo thôi.

Tôi hỏi:
-Giờ tính sao?
-Thì lặn xuống tìm chứ tính gì nữa.

-Đù! kéo cả bầy xuống mà nó nổ thì ăn đủ luôn.

Thằng Quảng bình luận. Thằng Thuận trấn an:

-Không sao đâu, nếu nổ thì nó đã nổ rồi.

Vậy là cả bọn kéo nhau xuống lặn. Mấy thằng dân biển giỏi lặn, thì lặn ngoài xa. Tôi và thằng Quảng lặn ở gần bờ. Đúng là mèo mù vớ phải cá rán. Một thằng a ma tơ sông nước như tôi lại mò được. Vừa đưa tay cầm quả lựu đạn giơ lên, đã nghe thằng Thuận hét:Chèn ngón tay vào! Búa đập, búa đập. Cái thằng nhanh thiệt, tôi còn chưa kịp nhận ra quả lựu đạn trên tay mình đang giương búa đập, mà từ xa nó đã thấy rồi. Đưa vội ngón tay cái giữ búa đập, tôi lội vào bờ.

Cả bọn nghiên cứu quả lựu đạn. Đúng như thằng Thuận nói, hiếm khi quả US không nổ, dù tính đến bấy giờ, nó được sản xuất đã mấy chục năm. Quả US này chắc bị ẩm lâu lắm rồi, lò xo giữ búa đập bị gỉ, và mắc kẹt luôn không đập xuống hạt nổ. Sau một hồi bàn tán, đứa thì biểu kéo lên, kéo xuống cho bay lớp gỉ đi rồi thả mạnh. Đứa thì biểu lấy đá đập vào búa trực tiếp cho đủ mạnh mới nổ được. Thằng Thuận quyết định dùng đá đập cho chắc ăn. Chắc nó sợ hạt nổ cũng gần thúi rồi nên đập thiệt mạnh mới ném. Kết quả thật mỹ mãn, quả lựu đạn nổ ngon lành, trắng mặt sông là cá. Hốt về cả một bao đựng gạo, loại bảy mươi kí, và một cặp cá lóc bông lớn chưa từng thấy. Treo hai con cá lóc ở hai đầu một đòn tre để gánh về, mà phần đuôi nó còn kéo lê trên mặt đất.

Đất đai màu mỡ, ruộng đồng mênh mông, cá tôm đầy sông suối, chưa kể sản vật từ rừng. Với người dân nơi đây, rừng như khu vườn chung rộng lớn, cung cấp cho họ rau ăn hàng ngày, thịt thú rừng ăn quanh năm, lá làm thuốc trị bệnh khi đau ốm, đến cả nguyên liệu làm men rượu, men làm à toi cũng là các loại rễ cây lấy từ rừng. Họ không chăn nuôi, cũng chẳng trồng rau vì tất cả đã có rừng cung cấp.

Điều kiện thiên nhiên như vậy nhưng dân làng nghèo xơ xác. Làm mùa nào ăn mùa đó, với họ, không có khái niệm để dành hay tích lũy gì cả. Gặt lúa về, việc đầu tiên là nấu rượu, nấu theo nhu cầu không tính toán cho những ngày sau. Hết gạo đã có củ mài, củ k’đuôch rất nhiều trong rừng. Một cuộc sống vô lo như trẻ thơ.

Và chẳng cần lễ hội gì, cứ có rượu, có à toi thì vài hôm, lại có một tối tổ chức múa hát. Chỉ cần một nhạc công kéo cây đàn nhị, một tay trống đeo một cái trống bằng dây quàng qua cổ. Loại trống vỗ bằng tay, thân đẽo từ nguyên cây gỗ, đầu lớn bịt da, đầu nhỏ để trống. Loại trống này, trước khi qua đây, bọn tôi chưa từng thấy bao giờ. Dàn nhạc chỉ vậy thôi mà cũng đủ rộn ràng. Ca sĩ là các cô gái trong làng, với những bài hát quen thuộc đến độ ca từ và giai điệu của nó, toàn dân trong làng, và cả bộ đội nữa cũng đã thông thuộc. Lần đầu xem dân làng múa hát, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, cái gì đã níu giữ họ lại với đêm ca múa nhàm chán, trên một bãi đất giữa làng đầy bụi bặm, dưới ánh sáng mờ đục của những cây đuốc chành lô khét lẹt mùi dầu rái. Điệu múa phổ biến nhất là roăm vông, từng đôi nam nữ đi vòng quanh, chân đi theo nhịp, tay uốn éo nhìn cũng khá đơn giản. Vậy nhưng để múa được cũng cần phải quen và tay chân cũng phải dẻo một chút thì mới không lạc điệu. Mấy chàng bộ đội lần đầu múa, tay chân cứng quèo, múa mà chân đi cà giật như khỉ mắc phong, tay như đánh võ, cũng giúp cho dân làng được bữa cười sảng khoái. Xen lẫn với các điệu múa truyền thống roăm vông, lăm tơi là điệu nhảy bolero, có biến tấu chút ít. Dân làng còn biết nhảy điệu cha cha cha khi hát bài Mon Khi. Họ chỉ gọi là múa Mon Khi, từng đôi nam nữ đứng đối diện nhau, bước lui tới tựa như nhịp bước của điệu cha cha cha. Đêm múa cứ xoay vòng, các bài hát được lặp đi, lặp lại. Rượu cứ cạn, người cứ hát và từng đôi, từng đôi vẫn múa, vẫn chuyện trò đối đáp cho đến quá nửa đêm.

Sau này, khi ở với dân được khá lâu, hiểu thêm về phong tục tập quán và lối sống của họ, cái nhìn của tôi về những đêm roăm vông cũng dần thay đổi. Những đêm roăm vông với người dân Kh’mer không phải là buổi biểu diễn văn nghệ. Nó là nơi để các chàng trai, cô gái Kh’mer trao gửi tâm tình qua lời ca, điệu múa. Là nơi để các cô gái tự giới thiệu mình, diện những bộ áo váy đẹp nhất mà họ có, khoe dáng qua các điệu múa. Thổ lộ lòng mình qua lời các bài dân ca mộc mạc, qua ánh mắt, nụ cười ướp hơi men với các chàng trai mà họ thầm thương, trộm nhớ. Nó còn là nơi trẻ em vui chơi, người già trò chuyện. Cũng là nơi mà trai góa vợ, gái góa chồng công khai tán tỉnh, trêu ghẹo nhau mà chẳng sợ bị dèm pha, đàm tiếu. Hiểu được vậy tức là đã tự trả lời cho mình, cái gì đã níu giữ họ.

Những đêm roăm vông của dân làng đều đặn diễn ra như từ thủa xa xưa cha ông họ đã từng. Chỉ có cái nhìn của tôi về nó đã khác, phải chăng từ trong máu thịt, trong tâm hồn tôi, đã có một phần Kh’mer hóa? Chẳng riêng gì tôi, các chàng lính ở lâu với dân làng, tiếng Kh’mer ngày càng sành sõi, rượu ngày càng lên đô, đã có thể uống suông hàng lít, thì cái nhìn về dân làng, về những sinh hoạt văn hóa của họ cũng ngày càng gần gũi, thân thiện, mắt các chàng lính nhìn các cô gái Kh’mer ngày càng thấy đẹp. Tôi còn nhớ thủ trưởng Hà, chính ủy trung đoàn, trong một lần nói chuyện với lính tiểu đoàn 2, đã cảnh báo :

– Các đồng chí ở gần dân phải thận trọng trong quan hệ với dân, nhất là với phụ nữ.

Khi nghe ở dưới hàng quân, có tiếng xầm xì khúc khích của lính, thủ trưởng cũng cười và nói tiếp:

– Các đồng chí đừng cười, ngày xưa khi bộ đội ở Tây nguyên đã từng bảo con gái đồng bào đen và khét nắng, nhưng ở lâu thì hết đen, hết khét, có anh còn có con với người ta đấy!

Đúng là kinh nghiệm của một người lính già, chẳng sai tí nào. Nhưng biết làm sao được, bọn tôi khi ấy chỉ là những chàng trai tuổi mới đôi mươi.

Công bằng mà nói các cô gái Kh’mer ở làng không đẹp bằng các cô gái Việt mà tôi từng gặp. Nhưng gái Kh’mer có một điểm chung là mắt rất đẹp. Thật kì lạ, những phụ nữ ở làng, từ gái mới lớn, đến các cô gái lỡ thì, đều sở hữu một đôi mắt to, đen sẫm, với hàng mi cong vút. Những cô gái hồn nhiên, vô tư, không biết trang điểm, nhưng mắt thì long lanh, sâu thẳm như chất chứa bên trong nhiều nỗi niềm thầm kín, hút hồn người đối diện. Mắt đẹp và đa tình, chỉ chừng đó thôi cũng đã là cạm bẫy nhiều hiểm nguy đối với những chàng trai tuổi mới đôi mươi xa nhà, xa quê hương nhiều năm. Những bóng hồng một thủa ở quê nhà, đã mờ phai chẳng còn mấy dấu tích, mà dẫu có còn dấu tích thì cũng như bóng chim, tăm cá, có đấy mà cũng như không.

Từ ngày đơn vị làm thêm miếng ruộng ở cánh đồng À Na Cút, những chàng lính trẻ gốc nông dân, lại có dịp cày sâu cuốc bẫm, công việc đã từng gắn bó với mình ngày chưa vào lính. Đơn vị làm ruộng để cải thiện đời sống bộ đội, và hơn nữa để làm mẫu cho dân biết thâm canh chăm bón lúa. Các cô gái làng lại có thêm dịp gặp gỡ giao lưu với các chàng bộ đội trong những dịp cấy, gặt. Đi cấy, đi gặt mà váy hoa, áo màu cứ như trẩy hội. Nhớ những hôm đi cấy gặp trời mưa, mỗi anh lính lại căng tấm áo mưa che chung với một nàng. Chẳng biết có bao nhiêu chàng lính mang tâm trạng trời không mưa anh cũng lạy trời mưa như lời thơ của Nguyên Sa.

Với các cô gái, bọn chúng tôi giờ đã gần gũi thân quen. Đi làm đồng cùng nhau, múa cùng nhau trong những đêm roăm vông. Gặp gỡ trò chuyện hàng ngày, tình cảm nảy sinh là điều rất tự nhiên. Lại thêm, so với trai làng, các chàng bộ đội có phần đẹp trai, lanh lợi hơn, sao tránh khỏi các cô nàng thầm thương trộm nhớ. Dù biết rằng, kỉ luật quân đội không cho phép bộ đội yêu con gái Kh’mer, nhưng thần ái tình vốn đã bịt mắt và con tim có những lí lẽ của riêng nó.
Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt. Những đôi mắt đẹp và buồn của các cô gái làng trong những đêm roăm vông với ánh nhìn nồng hơi men, pha một chút dỗi hờn, một chút mời gọi đã khiến tim của các chàng lính trẻ nhiều lần lỗi nhịp.

Tình yêu trai gái từ ngàn xưa vẫn vậy, chẳng bao giờ dấu được ai. Các cặp đôi bộ đội, gái làng yêu nhau sớm muộn rồi cũng lộ. Tùy theo nhận định của đơn vị, nếu tình hình chưa có gì nghiêm trọng thì nhắc nhở. Nếu cảm thấy nguy hiểm là lập tức cách li, chàng bộ đội hào hoa nhanh chóng mang ba lô về trung đoàn. Đơn vị tôi đã chứng kiến bao nhiêu là nước mắt chia ly của các cô nàng trong làng.

Sau vài vụ bị lộ, những chàng lính và các cô gái làng có thương nhau chỉ dám thương thầm, giữ kín trong lòng. Tôi vẫn đinh ninh như vậy cho đến tận năm ngoái gặp lại được mấy thằng: Thanh, Xin, Quý là lính cùng đội công tác K’ro Lapia ngày xưa. Nghe bọn nó kể chuyện một đồng đội mới mất, con trai nó từ Kampuchia về chịu tang cha, hay chuyện một đứa khác vừa sang Kampuchia thăm đứa con gái và bầy cháu ngoại của nó.

Thiệt diệu kì! Sức mạnh của tình yêu.

Ngày đó, tôi và cô bé Phờn mười bảy tuổi cũng đã có lần che chung áo mưa trên cánh đồng À Na Cút. Bữa ấy trời mưa như trút, cô bé bạo dạn nép sát vào người tôi như truyền hơi ấm, mà tôi thì hai tay giữ áo mưa, người thẳng đứng như tư thế của người lính trước quân kỳ.

Cô bé ấy bây giờ đã là bà của một lũ cháu nội, cháu ngoại. Trong lũ cháu ấy, chẳng có đứa nào là cháu của tôi.

Đà Nẵng, 22.06.2019

 

QUÂN Y

Cuối tháng mười năm bảy tám, tiểu đoàn tôi tham gia chiến dịch giữ bàn đạp trong đội hình toàn tuyến chốt của trung đoàn. Sau này nghe gọi tên chiến dịch vậy, chứ hồi đó chỉ biết là giữ chốt. Địch vây đánh trung đoàn tôi rất dữ. Cả tiểu đoàn, ba đại đội bộ binh giữ ba chốt. Địch đánh suốt ngày đêm. Trung đội vận tải hết gùi đạn lại cáng thương. Chúng tôi như con thoi đi chốt này cáng thương xong lại gùi đạn cho chốt kia. Ngày mới về đơn vị nghe nói được phân về trung đội vận tải mấy thằng cứ tưởng phen này được học lái xe. Ai ngờ là vận tải bộ.

Lính vận tải tiểu đoàn mà đánh chốt thì vất vả lắm. Suốt ngày đêm phơi mình trên đường đến các chốt, nguy cơ bị cối pháo rất cao. Nhất là những lúc đến gần sát chốt thì bị địch tấn công. Trước khi nhận bọn tôi, lính tháng chín bảy tám, tiểu đoàn đã có một đợt đánh chốt khu hai trăm nóc nhà. Đợt đó lính toàn trung đoàn thương vong nhiều. Thiếu tá V.K rớt nước mắt khi tập trung quân lại chỉ còn có một nhúm. Trung đội vận tải của K2 cũng chỉ còn được hai thằng.

Khiêng cáng thương binh nhiều, bọn tôi quen mặt các bác sĩ, y sĩ của trung đoàn, và chứng kiến tận mắt các y, bác sĩ, y tá, hộ lý của phẫu trung đoàn làm việc.

Gọi là phẫu cho oai chứ chỉ là mấy cái hầm âm. Nơi đây vẫn nằm trong tầm cối pháo của địch. Thương binh từ các tiểu đoàn đưa về liên tục, các bác sỹ chỉ giải quyết cấp cứu, rồi đưa về tuyến sau. Hôm chúng tôi khiêng một đồng đội lính c7 bị thương vào bụng rất nặng, vết thương xé toang da bụng, lòi ra ngoài một đống ruột. Mấy anh lính cũ có kinh nghiệm bảo:Phải nhồi ruột vô lại trong bụng, lấy cái bát sắt úp lên, rồi mới băng. Nhưng máu ra nhiều lắm dù y tá đã tiêm vitamin k. Nhìn đồng đội quằn quại đau đớn trên võng, tôi nghĩ chắc không qua khỏi. Vừa đến phẫu, các bác sĩ bảo khiêng vào phòng mổ ngay.

Phòng mổ là một cái hầm âm khá rộng, trên trần căng mấy tấm tăng để bụi khỏi rớt xuống người thương binh. Chính giữa hầm, đặt hai cái bàn bằng đuy- ra làm bàn mổ. Luôn có hai kíp mổ làm việc đồng thời. Khi tôi khiêng thương binh vào, bác sĩ bảo tôi ở lại, để cùng với hộ lý cởi áo quần cho bệnh nhân chuẩn bị mổ. Chẳng biết là có tiêm thuốc tê thuốc mê gì không, mà tôi thấy anh lính vẫn còn tỉnh, thỉnh thoảng lại la lên. Bác sĩ bảo tôi giữ một bên chân đừng để bệnh nhân vùng vẫy. Tôi trở thành nhân viên phụ mổ bất đắc dĩ.

Bác sĩ mổ chính, sau này tôi mới biết là bác sĩ Mậu, nhanh chóng bắt tay vào việc. Bằng một nhát rạch dứt khoát khá dài, máu trào ra theo vết mổ, người phụ mổ dùng gạc thấm máu. Vết rạch tưởng sâu nhưng chưa đứt hẳn, phải rạch mấy lần nữa mới phanh được bụng ra. Tôi nghĩ thầm chắc là sợ đụng vào ruột gan bên trong. Các bác sĩ thao tác nhanh lắm, cả đống ruột lẫn máu, lẫn cả những thứ trong ruột bị đổ ra được hốt vào một cái khay. Ổ bụng được rửa bằng nước cất. Nhìn bác sĩ Mậu cắt từng khúc ruột rồi may lại, bác sĩ phụ mổ thò tay lau rửa ổ bụng, giống hệt cảnh người ta mổ heo. Những khúc ruột cắt ra, cùng với những mẫu thịt dập nát từ vết thương, được vứt vào một cái thùng. Bây giờ tôi mới để ý, thấy trong thùng có cả một khúc chân còn nguyên bàn chân.

Nhờ trạm phẫu dã chiến ngay trong tầm pháo địch này, mà nhiều thương binh của trung đoàn tôi được cứu sống. Vết thương rách ruột, nếu để lâu rất dễ nhiễm trùng. Trong điều kiện khó khăn ở chiến trường những trường hợp nhiễm trùng như vậy, thường không qua khỏi.

Như trường hợp thằng Nha lính c5, cũng bị thương ở bụng, nhiễm trùng phải mổ đi mổ lại tới năm sáu lần. Các bác sỹ nói rằng mổ nhiều lần rất dễ bị dính ruột. Nó là một trường hợp như vậy. Nghe thằng Phượng kể lại, mỗi lần mổ xong, nó lại hy vọng được sống, viết thư báo tin cho chị. Đọc thư mới biết nó mồ côi, chỉ còn có hai chị em. Thư nó viết cho chị tình cảm lắm, mấy thằng đọc không cầm được nước mắt. Những dòng nó viết, tôi không đọc trực tiếp chỉ nghe kể lại thôi mà vẫn ám ảnh. “Chị ơi! Vậy là em sống rồi, sẽ được về gặp chị và cháu. Em nhớ chị, nhớ cháu quá…”. Nó đã không qua được, ra đi trong nỗi nhớ, khi tuổi đời chưa đến hai mươi.

Không chỉ đạn bom, sốt rét cũng lấy đi không ít sinh mạng của lính. Chưa có thống kê về số lượng người lính trung đoàn tôi từng mắc bệnh sốt rét, nhưng tôi nghĩ, chắc cũng gần trăm phần trăm. Khó mà tìm ra một người lính chưa từng sốt rét ở trung đoàn tôi. Hồi đó thuốc men khan hiếm, cứ sốt rét là y tá phát cho mấy viên thuốc phòng ba của Trung Quốc màu nâu nâu. Uống phòng ba không bớt, mới cho uống chloroquine của Mỹ. Sốt bình thường một tuần hoặc mười ngày là khỏi, nhưng cũng có những trường hợp bị liên tục cả tháng, da xanh mướt, người chỉ còn lại bộ xương. Sợ nhất là những ca sốt rét ác tính, lên cơn co giật mà cấp cứu không kịp là chết ngay. Nhớ đợt chốt cuối tháng mười bảy tám, thằng Đã lính c7, đang ở chốt bị lên cơn ác tính. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một trường hợp sốt rét ác tính. Khiêng nó lên trạm xá trung đoàn, mà phải dừng từng đoạn mỗi khi nó lên cơn co giật. Y tá phải mấy lần tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch một loại thuốc gì đó tôi không biết, nhưng rồi cũng không cứu được. Nó đã chết khi chưa đến trạm xá. Nếu mà ở gần hơn, đến trạm xá kịp thời, có thể nó đã được các bác sỹ cứu. Lính ở rừng, đôi khi những vết thương, những căn bệnh không đáng chết, nhưng do điều kiện điều trị thiếu thốn mọi bề, đành chịu.

Bù cho sự thiếu thốn thuốc men, trang thiết bị y tế, là tấm lòng của các chiến sĩ quân y. Mỗi đại đội có một y tá. Cả đơn vị mấy chục con người, tất tần tật các loại bệnh, đều đến tay y tá đại đội. Cũng chỉ là một chiến sĩ qua một lớp đào tạo y tá ngắn ngày, nhưng vừa làm vừa học, nhiều y tá rất giỏi, xử lý các trường hợp cấp cứu lính bị thương, điều trị lính bị bệnh tại đơn vị rất tốt, lính cũng được nhờ. Lính ở rừng dầm mưa dãi nắng, có khi mặc quần áo ẩm ướt cả tuần, mắc đủ chứng bệnh ngoài da, đặc biệt là hắc lào, dân miền nam gọi là lác, lây lan cả đơn vị. Cái bệnh hắc lào này cứ nhằm chỗ hiểm mà tấn công. Chuyên trị hắc lào có cồn i ốt, nhưng sợ lắm, thoa vào rát thấu trời xanh, nhiều anh sợ quá không tự giác bôi thuốc. Vậy mới có chuyện, chập tối y tá đến từng trung đội, một hai ba cởi quần, từng thằng nằm tô hô trên giường cho y tá bôi thuốc. Vừa bôi thuốc vừa khen chê súng đạn của nhau, cười cho quên rát. Nhiều đứa bị nặng, nguyên cả vùng đỏ hỏn, bôi thuốc vào nghiến răng mà trào nước mắt. Thương anh em, y tá chế ra thuốc từ lá muồng, nấu lên, cô đặc lại thành cao. Cao lá muồng trị lác khá hiệu nghiệm mà lại đỡ rát.

Nhớ hồi ở đội công tác, xuống chỗ y tá Lợi thấy có mấy củ tỏi. Tôi nghĩ bụng: Cái thằng, kiếm đâu ra mà có của quý này. Nhanh tay tôi lượm một củ. Buổi tối, y tá Lợi đến các nhà tiểu đội, nhỏ thuốc phòng cúm. Tưởng thuốc gì hoá ra là nước tỏi, cay xé mũi. Tôi hỏi:

-Thuốc này trung đoàn phát hả đồng hương?

-Trung đoàn phát cho mấy củ tỏi, mình giã ra, pha nước cất, để nhỏ cho anh em. Mới để đó mà thằng nào lượm mất một củ. Tài thiệt!

-Mình lượm chứ thằng nào. Tưởng đồng hương để ăn chớ.

-Thiệt hông? Chưa ăn thì trả lại đây cha nội.

Tôi lục túi lấy củ tỏi trả cho Lợi, may mà hồi chiều ăn cơm rồi mới lấy, chứ không thì làm gì còn với mấy thằng lính tiểu đội tôi.

Bây giờ già rồi, đủ thứ bệnh, mỗi tháng ba lần đến bệnh viện. Các bác sĩ nói: Máy móc chạy mãi cũng hư. Con người ta cũng vậy, đến tuổi sáu mươi mà không bị bệnh mới là bất thường. Bác có thấy cái máy nào hoạt động liên tục sáu mươi năm chưa? Ừ nói vậy nghe cũng có lý. Bác sĩ nói mà không có lý sao được. Nhưng bệnh viện bây giờ, nhiêu khê lắm, đi hoài vẫn không quen. Mỗi khi bị hành bởi mấy cái thủ tục giấy tờ lại nhớ tới các trạm xá của trung đoàn, sư đoàn ngày xưa.

Lính tác chiến đi viện, nếu còn đủ sức thì đi bộ, có khi cả mấy chục cây số mới đến trạm xá trung đoàn. Không đi nổi thì anh em khiêng đi. Để vào trạm xá chỉ cần một cái giấy của y sĩ tiểu đoàn, chẳng dấu má gì cả, thêm cái giấy cung cấp tài chính của quản lý đơn vị để báo cơm là xong. Nhập viện, mọi sự giải quyết tại giường, từ tiêm thuốc, uống thuốc, khám bệnh. Thậm chí nếu bệnh nặng các nhu cầu vệ sinh cá nhân đều được hộ lý chăm sóc. Quần áo cũng được hộ lý giặt cho luôn, thiệt là thiên đường.

Có điều thiết bị y tế hỗ trợ bác sĩ chẳng có gì ngoài cái tai nghe. Bệnh gì cũng bắt mạch, nghe nhịp tim xong, vạch bụng lên sờ nắn và gõ vài cái là xong. Nhớ có lần tôi bị đau bụng ăn vào là đau và nôn mửa. Quân y tiểu đoàn chẩn đoán bệnh dạ dày chuyển lên trạm xá trung đoàn điều trị. Mỗi ngày uống hai lần thuốc nước, vẫn nhớ có một loại đựng trong chai màu xanh rất đẹp rót ra trắng như sữa, y tá nói đây là bismuth và một loại nữa cũng thuốc nước trong có mùi thơm. Mấy ngày đầu cho ăn cháo, sau cho ăn cơm nhão. Nằm bệnh xá trung đoàn đã được một tuần, suốt ngày đi chơi và đánh tiến lên cũng chán. Các lán bệnh nhân nằm trong một rừng cây sao, chẳng nhớ là tháng mấy mà ve về kêu inh ỏi suốt ngày. Bọn ve này có đặc điểm là vừa hút nhựa cây vừa đái cho sướng đời. Nước đái của nó có thể làm ướt cả đầu tóc nếu đi dưới tán rừng hơi lâu. Bọn tôi thường lấy cớ là ve kêu nhức đầu chịu không được để đi chơi.

Trong số các y bác sĩ khám cho tôi có anh Tịnh, nói giọng Bắc, anh chỉ là y sĩ nhưng chuyên môn giỏi. Anh nghe nhịp tim tôi hồi lâu rồi hỏi:

-Có hay bị tức ngực không?

-Dạ có.

-Đau như thế nào, cậu nói tôi nghe.

Tôi trình bày những cơn đau mình thường bị cho anh. Anh lặng yên nghe, chỉ thỉnh thoảng gật đầu mỉm cười.

Mấy hôm sau, tôi được chuyển về bệnh xá sư đoàn điều trị căn bệnh rối loạn thần kinh tim. Lần đầu xuống bệnh xá sư, thương bệnh binh của cả sư đoàn điều trị ở đây, cùng cảnh ngộ làm quen nhau nhanh lắm, biết thêm chuyện ở các trung đoàn bạn. Lính tráng mà, đâu cũng khổ như nhau. Ở được mấy bữa, một chiều vừa ăn cơm xong tôi lững thững đi dạo thì gặp thằng Tân. Tôi và nó cấp ba cùng học một khóa, cùng đi thi đại học Đà Lạt, cùng nhập ngũ một đợt, cùng về tiểu đoàn bộ K2. Chiến dịch giải phóng Kampuchia nó bị thương ở chân, và bây giờ làm quân nhu cho bệnh xá sư đoàn.

Gặp lại Tân, nó dẫn tôi giới thiệu với Chí, y sĩ khoa nội, quê Đức Phong rồi dẫn qua D19 giới thiệu với Phương, quê Đức Nhuận cùng một hội đồng hương Mộ Đức ở loanh quanh đó. Nằm viện mà cứ như đi nghỉ mát. Tối nào cũng đàn đúm bên D19. Có thằng Chí bảo kê nên tôi đi chơi hoài mà các bác sĩ chẳng nói gì. Lính tráng mà tụ tập, thì lúc nào chẳng có rượu. Quân D19 lại còn tìm được cả cần sa. Nhớ thằng Phương người to như hộ pháp, tính phóng khoáng. Nó làm B trưởng, lính thần phục tôn xưng đại ca. Vậy mà uống vài chén rượu, cầm cây guitar lên thoắt cái biến thành nghệ sĩ. Giọng Phương trầm, ấm. Vẫn nhớ hoài một đêm, sau chầu rượu và cần sa, thằng nào cũng ngất ngưỡng, sơ tán hết, chỉ còn tôi thằng Tân, thằng Chí và Phương ngồi lại. Trong cơn say, tiếng đàn và tiếng hát của nó nghe như âm thanh từ cõi xa xăm nào vọng lại. Nó hát “Nha Trang ngày về của Phạm Duy, nghe buồn đến muốn khóc.

Điều trị ở bệnh xá sư đoàn được nửa tháng, bệnh ổn định, tôi được cho về đơn vị chờ chuyển xuống đội điều trị 19 của quân khu. Bây giờ thì chẳng còn nhớ nơi đội điều trị 19 đóng gọi là gì, chỉ nhớ là nó gần một cái chợ và gần binh trạm 8. Đối với lính tuyến một quanh năm ở rừng thì nơi đây gọi là thành phố cũng được. Nhưng bệnh binh thì không được ra ngoài, tôi chỉ được lang thang khu chợ, khi ra viện nằm chờ xe ở trạm 8. Chẳng biết lấy thông tin từ đâu mà mấy đứa ở đơn vị tôi nói rằng ở đội điều trị 19 y tá, hộ lý toàn là nữ, tha hồ mà cưa cẩm mấy em. Đi viện, điều trị bệnh không lo, mà toàn nghĩ đến tán gái. Đến nơi mới biết, đúng là trước đây có, nhưng đã cho về nước gần một năm nay rồi. Y tá nữ đi rồi nhưng những câu chuyện về họ thì vẫn còn. Chẳng biết có hay không, mà bệnh binh thường kể cho nhau nghe câu chuyện anh thương binh bị thương đúng ngay của quý. Mỗi lần thay băng, nữ y tá phải làm đi làm lại mấy lần, vì khi băng thì chặt cứng, băng xong lại lỏng ra.

Đội điều trị của quân khu nên thuốc men và tiêu chuẩn ăn của thương bệnh binh có phần đầy đủ hơn tuyến sư đoàn, trung đoàn. Nhớ hoài chuyện tôi cố gắng nuốt một viên thuốc màu hồng to bằng ngón tay cái, rồi than khó uống với mấy thằng cùng phòng. Mấy thằng nó được bữa cười, rồi bày tôi: “Đó là viên sâm nhung, ăn ngon lắm, anh cứ ăn như kẹo chứ mắc chi mà nuốt.

Thời đó thiếu thốn, bánh kẹo là hàng xa xỉ, mỗi năm may ra dịp tết mới có. Lính thèm ngọt. Phòng tôi nằm có mười một thằng, chia làm hai mâm ăn, luân phiên có một đứa báo cháo đường. Chẳng biết tính theo tiêu chuẩn một ngày ăn bao nhiêu, mà mỗi suất cháo đường có tới cả kí đường, đủ cho mười một thằng uống nước chanh.

Suất ăn của thương bệnh binh ở đây cũng khá, nhiều nhất là thịt heo, thỉnh thoảng có thịt bò, thịt gà nhưng ít khi có cá. Bệnh viện nằm kề một con suối, rất nhiều cá nhỏ. Bọn tôi bèn rủ nhau đi câu, lưỡi câu chế từ kim băng, mồi câu là cơm. Mỗi lần được một con cá bằng ngón tay út, nhưng nhiều thằng câu, cá lại dính liên tục nên chỉ cần câu cỡ một tiếng là có cả xoong cá để ăn. Ở đây, có một loài cá lần đầu tôi thấy, da màu xanh da trời, miệng có viền môi đỏ chót rất đẹp, bọn nó nói đó là cá heo. Thấy con cá đẹp tôi biểu tha cho nó sống. Mấy thằng nói: “Uổng anh ơi! Thịt nó ngon lắm. Gái đẹp mà thịt ngon còn chưa chắc tha, huống gì cá. Anh đúng là lãng xẹt. Cá câu về, xin mỡ nhà bếp để kho. Mỡ ở đây thì muốn bao nhiêu cũng có, trong nhà bếp có cả một thùng phuy bằng đuya ra đựng đầy mỡ heo lẫn cả tóp mỡ, đem kho cá thì ngon tuyệt vời.

Nằm điều trị gần cả tháng mà bây giờ tôi chẳng còn nhớ tên y sĩ, bác sĩ nào. Chỉ nhớ rằng các bác sĩ, y sĩ, y tá ở đây chăm sóc cho thương bệnh binh rất tận tình. Nhưng lại nhớ mấy thằng cùng nằm viện. Mấy cái tên còn lưu lại trong đầu, thằng Nhựt lính trung đoàn 143, quê gốc miền Tây, giọng nói dễ thương, thằng Hương quê ở Quế Sơn, Quảng Nam, nước da trắng khuôn mặt y như con gái, đứa nào cũng muốn ngủ chung. Thằng Thưởng người Bình Định, da vàng khè vì bệnh gan, nhưng thèm rượu.

Thời gian trôi qua, mọi thứ rồi cũng sẽ quên thôi. Còn chăng một tấm lòng người lính nhớ về nhau. Như thơ của Evtushenko: “Hãy nhớ điều tốt thôi, và biết hàm ơn mãi.

Đà Nẵng, 23.08.2019

 

BỮA THỊT BÒ TRÊN CHỐT

Thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời chiến. Chuyện bom rơi, đạn nổ, nhà cháy, người chết chứng kiến hàng ngày. Năm nào cũng rục rịch chạy giặc, tản cư. Đất nước chiến tranh, học sinh ngồi trên ghế nhà trường nhấp nhổm không yên, mười sáu tuổi đã làm lược giải cá nhân, để đến đủ mười tám tuổi nhập ngũ, trừ trường hợp đang học đệ nhất thì được cấp cho giấy động viên tại chỗ tạm hoãn cho đến khi thi xong, rớt thì a lê hấp lên đường. Thời đó thi tú tài không dễ như bây giờ, rớt nhiều hơn đậu. Nhiều anh nhắm sức mình không qua, bỏ học, đăng lính. Thỉnh thoảng trong sân trường xuất hiện mấy anh lính trẻ măng về thăm thầy, thăm bạn. Không khí chiến trận ngập tràn trong những câu chuyện của các chàng lính trẻ.

Ba tôi là lính, đơn vị ông chuyển đến đâu, nhà tôi theo đến đó. Từ Quảng Đức đến Ban Mê Thuột rồi Pleiku. Toàn các tỉnh cao nguyên, biên giới, vùng chiến sự khốc liệt. Nhiều địa danh đã đi vào lịch sử bởi những trận đánh đã diễn ra ở đó quá dữ  dội. Cao nguyên cũng là nơi đóng quân của rất nhiều sắc lính cả Mỹ lẫn Việt. Những năm gia đình tôi sống ở Pleiku, cái thị xã vùng cao bé tẹo “đi dăm bước đã về chốn cũ ngập tràn áo lính. Họ là ai? Là những người lính trên đường ra mặt trận, Pleiku chỉ là quán trọ một đêm, hay những chiến binh từ Toumorong, Đakto, Tân Cảnh, từ Đức Cơ, Pleime trở về sau những ngày đánh nhau ác liệt. Những chàng lính trẻ tương lai mịt mờ bất cần đời kiểu chàng lính, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn:

“Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui…”

Cuộc chiến tác động đến bọn tôi khắp mọi nơi, mọi lúc. Bạn bè tôi, chẳng tìm ra đứa nào mà gia đình không có người đang là lính. Tin chiến sự bọn tôi nghe được, không chỉ trên radio, ti vi mà còn qua một kênh nóng hổi nữa là những người lính từ mặt trận về kể lại. Chuyện những người trong cuộc kể lại thì trung thực hơn, không tuyên truyền thêm bớt, và thường nhuốm màu bi quan, bế tắc, sống không biết đến ngày mai. “Mày có thể thoát trận này, trận nữa, hoặc vài trận nữa nhưng không thể thoát hoài được” Đó là lời của anh Dũng, anh của Tín, một đứa bạn học cùng lớp với tôi, trong một lần về phép, anh dẫn Tín và tôi đi chơi. Bọn tôi tò mò hỏi anh đủ thứ chuyện về đời lính. Đời lính chiến qua lời kể của anh, một thiếu úy dù, nghe buồn tênh.

Tháng 9/78 tôi vào lính, ở quân trường chừng hơn mười ngày, chưa học được cái gì về tác chiến, ngay cả khẩu AK cũng chưa biết tháo lắp đã lên đường về đơn vị, đến nơi mới biết là trung đoàn 95. Nghe thì biết vậy thôi, chứ lính mới mà, đã từng biết đến tên đơn vị nào đâu. Trung đoàn 95, còn gọi là đoàn Mang Giang là đơn vị anh hùng, nhưng chỉ đến khi vào đơn vị, chúng tôi mới biết điều này. Không chỉ vậy, cả những điều mà trước đây bọn tôi biết về chiến tranh, trận mạc, về những sinh hoạt của người lính, đều chẳng có chút gì tương đồng với đời bộ đội, mà tôi sẽ trải qua.

Khác biệt đầu tiên, dễ nhận thấy nhất, đó là sự chịu đựng gian khổ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những người lính ngày trước tôi biết, sau những ngày đánh nhau ngoài mặt trận họ về thành phố “Đốt tiền mua vội một ngày vui”, họ không phải xa nhà biền biệt, mỗi năm bất kì người lính nào, ở đâu đều có bảy ngày phép thường niên. Đời lính của bọn tôi đa phần đều một lần đi, một lần về không phép tắc, xả hơi. Quanh năm suốt tháng ở rừng, tiền mua thuốc rê hút còn không có, lấy gì phá phách,

Cuối tháng mười năm bảy tám, trung đoàn tôi tham gia chiến dịch giữ bàn đạp. Mãi sau này khi làm lý lịch quân nhân để phục viên, bọn tôi mới được hướng dẫn ghi, đợt chốt giữ ở chân cao điểm 312 gọi là chiến dịch giữ bàn đạp. Chứ hồi đó chỉ biết là giữ chốt vậy thôi. Giờ thì có thể hiểu được rằng, vị trí mà ngày xưa chúng tôi chốt giữ, chính là nơi tập kết vũ khí, quân lương và cả lực lượng, để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Kampuchia. Gọi là “bàn đạp dễ gợi cho ta hình ảnh cái bàn đạp xuất phát của vận động viên. Với bọn tôi thì quả là chính xác, từ cái bàn đạp lấy đà này, bọn tôi đã xông lên tận biên giới Thái Lan – Kampuchia. Một cái bàn đạp thần kì, đạp một phát bay mất năm năm, từ cuối bảy tám đến cuối tám ba mới quay về. Có nhiều đứa đạp một phát là bay luôn, không có ngày về.

Hơn năm năm đời lính, chẳng đứa nào có giấy tờ gì, đến cái chứng minh nhân dân cũng không, vì thời đó chưa làm. Chuẩn bị ra quân mới làm lí lịch quân nhân, nhiều mục lắm, nhưng chỉ nhớ mục các trận đánh trực tiếp tham gia, chừa ra một trang rưỡi để ghi. Lính trung đoàn tôi mà ghi đầy đủ từng trận đánh có khi cả quyển sổ mới đủ, vì vậy cán bộ mới hướng dẫn chỉ ghi những trận đánh lớn, tiêu biểu và tên các chiến dịch thôi. Nghĩa là bỏ không ghi những trận nhỏ, lẻ. Nhưng có trận đánh nào gọi là trận nhỏ với người lính đã hy sinh? Dù đó chỉ là trận một tiểu đội phục kích, hay là trận tao ngộ chiến trong một lần tuần tra thì với người nằm xuống đó là ngày định mệnh, trận đánh định mệnh, sao có thể gọi là trận nhỏ?

Người lính, nhà văn Hoàng Dân, đã viết một truyện ngắn, kể về những đồng đội của ông đã hy sinh vào ngày 29/4/75, đặt tên cho truyện ngắn đó là “Chiều vô danh”. Sao lại là vô danh? Dù rằng 30/4/75 là một ngày lịch sử, thì trước nó một ngày cũng chỉ là ngày bình thường, vô danh như bao nhiêu ngày bình thường khác. Vậy thì hy sinh ở cái ngày vô danh 29/4, có khác gì hy sinh ở những ngày, những chiều vô danh khác? Hỏi tức là đã trả lời một phần, rằng nó khác, rất khác. Bởi cái khoảng cách một ngày đó lại là đường biên giữa chiến tranh và hòa bình; giữa sự sống và cái chết; giữa bình yên và vất vả gian lao; giữa chia ly và đoàn tụ; giữa tồn tại và hư vô. Cũng là hy sinh nhưng nỗi đau của người thân dường như lớn hơn rất nhiều lần khi biết con, em họ đã ngã xuống vào buổi chiều trước ngày chiến tranh chấm dứt. Lại nhớ những đồng đội lính 78 hy sinh trận 547. Đánh nhau suốt năm năm, bọn nó đã không đợi được thêm mấy tháng nữa.

Nhắc lại chiến dịch giữ bàn đạp, có lẽ vì nó là chiến dịch đầu tiên trong đời lính của tôi, ấn tượng về nó sâu lắm. Đã mấy mươi năm, mà mỗi lần nghĩ đến cảm xúc vẫn còn như mới. Nhiều hình ảnh vẫn lưu giữ, mường tượng rất rõ ràng. Trung đội vận tải của k2 lúc này toàn lính mới, trung đội trưởng là anh Phùng, trung đội phó là anh Bạo, mới điều từ dưới xê lên. Chỉ có Thanh và Ngang, hai thằng lính tháng 5/78, vừa đôn lên làm tiểu đội trưởng, là đã có tham gia đợt đánh nhau ở khu hai trăm nóc nhà, và các cứ điểm Xa, Xb. Còn lại, mười mấy thằng đều là lính tháng 9/78 chưa một lần đụng trận. Tuyến chốt của tiểu đoàn Hai gồm ba chốt c5, c6, c7, lính vận tải đi về như con thoi từ các chốt này, đến vị trí đóng quân của tiểu đoàn bộ. Hết gùi đạn đến khiêng thương cả ngày lẫn đêm. Nhận bàn giao chốt từ quân 94 lúc bốn giờ chiều, đến khoảng năm giờ địch bắt đầu đánh chốt c7. Lần đầu tiên bọn tôi chứng kiến tận mắt một trận đánh, nó đã diễn ra khi bọn tôi đang gùi đạn, chỉ còn hơn trăm mét nữa là đến chốt. Thật kinh hoàng, những thằng lính mới toanh chưa từng biết mùi súng đạn, đã phải nằm phơi mình cho cối pháo địch dập cấp tập. Sau đợt pháo cối chừng mười lăm phút, địch xung phong. Xen lẫn với tiếng súng đạn bộ binh các loại B40, B41, RPD, AK là tiếng hò hét từng đợt của quân địch, như để uy hiếp tinh thần lính giữ chốt.

Những người lính đang giữ chốt, đa phần cũng là tân binh như bọn tôi, chưa một lần đụng trận, vậy mà đợt xung phong của quân địch như bị khựng lại, khi cách giao thông hào của chốt chừng mười mét. Dưới sự kèm cặp của lính cũ, quân ta đã đợi cho địch vào sâu mới nổ súng. Những phát đạn tầm gần, đã đốn ngã lớp quân địch ở hàng đầu. Khẩu 12 li 7 khóa tầm quét ngang đã hốt tiếp lớp phía sau. Đợt tấn công bị bẻ gãy nhanh chóng, tiếng súng địch như tắt lịm.

Bọn tôi nhanh chóng chạy ùa vào chốt. Từ dưới thông hào nhìn ra, cây cối ở tiền duyên trận địa đổ ngổn ngang, mặt đất bị cày xới nham nhở, đất đỏ và thân cây rừng bị đạn pháo băm vằm, như trộn lẫn vào nhau. Vài xác địch không kịp kéo đi vẫn nằm phơi trên trận địa.

Chúng tôi ngồi chờ y tá băng bó và tiêm thuốc cho thương binh. Giờ thì mặt trời đã lặn, trong bóng chiều, tôi thấy như có sương và cả khói thuốc súng chưa tan, là đà trên mặt đất bao quanh trận địa. Trong làn sương khói chập chờn ấy, mấy cái xác địch khi ẩn, khi hiện, mờ ảo tựa như còn chuyển động. Một khung cảnh thật ám ảnh. Giờ đây khi kể lại chuyện này, trong đầu tôi vẫn hiện lên rất rõ nét những gì đã xảy ra chiều hôm đó. Đạn pháo đã cày nát một vùng rộng lớn. Màu đất đỏ như nhuốm máu trộn lẫn trong màu xanh lá cây, những thân cây vỡ toác, tất cả bị phủ mờ trong sương chiều. Sương của núi rừng mùa mưa, lạnh và ẩm sà xuống sát mặt đất, chìm xuống giao thông hào, len cả vào hầm. Mùi của trận địa sau trận đánh cũng thật ấn tượng. Đó là tổng hợp của nhiều thứ mùi, mùi khói thuốc súng, mùi đất rừng bị đạn cày xới quanh khu vực chốt, mùi rễ cây, thân cây, lá cây bị băm vằm bởi đạn, và mảnh cối, pháo, dường như pha phất trong gió còn có mùi máu, mùi của sự chết chóc.

Về đến vị trí đóng quân, ăn vội miếng cơm, chưa kịp nghỉ ngơi đã có lệnh cáng thương ở chốt c6, c5. Trời tối đen, chúng tôi bám theo đường dây thông tin để đi, nhiều đoạn dốc dựng đứng. Khi lên dốc, người đi trước gần như phải bò để giữ thăng bằng cho cáng thương. Tối đó có bốn ca: hai thương và hai tử. Tôi và Sinh khiêng một tử sĩ đi cuối cùng. Về đến phẫu trung đoàn mới biết mình khiêng thằng Kiều Dương, đồng hương cùng thôn. Nó bị thương ở ngực, dọc đường lúc leo lên dốc cao, xác nó đã rơi xuống vực. Mỗi lần xốc nó lên, vết thương ở ngực lại trào máu, và phát ra tiếng ò như còn sống. Thằng Sinh nhát gan không dám động vào, một mình tôi ôm xác nó máu thấm ướt hết áo. Loay hoay rất lâu, đoàn cáng thương đã đi rất xa rồi mà tôi vẫn chưa đưa được thằng Dương vào võng. Bực quá phải dọa bắn thằng Sinh mới cùng khiêng. Lính Quảng Nam nổi tiếng gan lì sao lại tòi ra một thằng như Sinh, sau chiến dịch, về lại Đức Cơ nó đã đào ngũ. Chưa bao giờ mà lính đào ngũ và tự thương nhiều như những ngày tháng đó, thông tin lên cả đài BBC. Ngẫm cho cùng, con người mà, ai chẳng ham sống sợ chết. Ở chiến trường sống chết cận kề, chỉ cần lui về phía sau là cuộc sống bình yên. Cám dỗ đó không dễ gì vượt qua.

Đặc điểm của giữ chốt, vị trí của mình là tọa độ chết, địch đã căn tầm chỉnh hướng sẵn. Do vậy mà lính chốt liên tục đối mặt với cối pháo. Đi kèm với nó là những đợt tấn công dai dẳng. Bọn lính lác chẳng có thông tin, nghe hóng hớt từ các “tham mưu con thì biết đại khái là địch tập trung quân cả sư đoàn ở hướng trung đoàn mình đảm nhiệm, so sánh lực lượng hai bên, địch chiếm ưu thế áp đảo. Chẳng biết có đúng vậy không, chỉ biết là ác liệt quá, thương vong nhiều quá, không ngày nào không có thương binh, tử sĩ. Suốt một tháng đánh nhau, lính ở các chốt hầu như đã kiệt sức. Những khuôn mặt hốc hác với nước da đỏ quạch màu đất đỏ, mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, tóc râu tua tủa, quân phục lầm đất, ẩm sì hôi hám, rách nát nhiều chỗ vì đã mục. Ngày ba bữa cơm vắt, chẳng mấy khi được ăn cơm nóng. Đói mà chẳng nuốt nổi cơm, vì cơm vắt mà ăn với bột canh, hay sang hơn là ruốc thịt lợn, bao bì ghi vậy nhưng đó chính là thịt heo chà bông. Món thịt chà bông này gây ấn tượng mạnh cho lính vì nó rất mặn. Bốc một nhúm lên giũ nhẹ cho muối rụng bớt rồi mới dám ăn. Chẳng còn chút hương vị nào của thịt, nó giống bông gòn tẩm muối hơn. Để qua cơn đói, may ra còn có chút mì tôm, loại mì không bao bì mà lính gọi là mì ở truồng, nó cùng với món bông gòn kể trên là của hậu cần quân khu Năm sản xuất, đổ nước lạnh vào cho nở ra rồi dốc tuột vào miệng.

Ôi đời lính! Những lúc này sao mà thèm một bữa cơm nóng có bát canh rau, thèm một giấc ngủ yên lành, thèm được tắm, được thay một bộ đồ sạch. Thèm một ngày bình yên không tiếng súng.

Đang lúc đánh nhau tối mắt, tối mũi thì hậu cần trung đoàn cấp cho tiểu đoàn hai con bò, chở thẳng tới trận địa. Bọn tôi dắt bò đi dưới tầm cối pháo của cả quân ta và địch. Mấy con bò chưa quen với tiếng pháo, nhiều lần lồng lên vì sợ. Dắt bò về đến nơi đã có hai anh lính Bắc chờ sẵn, hồi đó có hỏi tên, nhưng bao nhiêu năm qua rồi giờ quên mất. Đây là hai tay chuyên mổ bò cho tiểu đoàn, bọn tôi chỉ là thợ phụ. Đang lúc chiến trận, hai chú bò được tiễn về thế giới bên kia bằng hai phát súng, một cái chết khá nhẹ nhàng. Hai con bò được giải quyết nhanh chóng, chỉ lọc lấy thịt và xương chia về cho các đại đội, phần còn lại là chân, đầu, bộ lòng và da đem chôn.

Mang thịt cho anh nuôi xong, tôi về, vừa nằm nghỉ được một lát thì có lệnh cáng thương ở chốt c5. Tưởng được nghỉ ngơi chút rồi ăn trưa, một bữa trưa rất đáng chờ đợi vì đã quá lâu rồi chưa được ăn bữa nào cho ra hồn. Nhưng lính mà, biết làm sao được, có lệnh là đi, vậy thôi.

Tôi và thằng Công đến, cùng lúc anh nuôi mang cơm lên chốt. Thường thì anh nuôi chỉ mang cơm nước lên chốt vào sáng sớm, nhưng hôm nay là đặc biệt, cơm canh nóng sốt và món thịt bò xào. Lẽ ra bọn tôi sẽ đưa thương binh xuống ngay, nhưng anh chàng thương binh, dù vết thương ở đùi khá nặng vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận ra mùi thịt bò. Anh Vóc bảo: :Chúng mày chờ cho nó ăn miếng thịt. Tội, đói khổ cả tháng nay, có miếng thịt chưa được ăn đã bị thương.” Anh cũng bảo tôi và thằng Công ăn cơm luôn, nhưng tôi và Công đã cương quyết từ chối, dù nước miếng cứ liên tục ứa ra khi nghe mùi thịt bò.

Cáng thương đến phẫu trung đoàn, quay về đã quá trưa, bụng đói cồn cào, hai thằng lục cơm anh em để phần ra ăn. Cơm nguội ngắt, thịt bò xào đã đóng mỡ trắng. Tôi rủ Công mang xuống bếp hâm lại rồi ăn ở đó luôn. Thấy bọn tôi loay hoay hâm thịt, thằng Trò nói: Đưa đây, tao múc thêm thịt nóng cho ăn khỏi thổi lửa hâm. Thằng Trò vục cái vá to vào xoong hai mươi trên bếp, múc cho bọn tôi hai vá thịt đầy bốc khói, và lấy cái xoong năm, múc thêm cho ít canh xương hầm,, rồi giục bọn tôi mang về. Chắc là nó sợ bọn tôi ngồi đó ăn, có người trông thấy phê bình anh nuôi. Đói bụng, nước xương hầm ngọt lịm, húp vào một miếng, trôi đến đâu biết đến đó, tỉnh cả người. Hai thằng ăn sạch phần cơm, thịt lẽ ra phải năm người ăn. Ăn xong lại được ngủ một giấc đến chiều, tỉnh dậy thấy người khỏe hẳn ra. Ồ! Tác dụng của một bữa cơm ngon và đầy đủ dưỡng chất không phải nhỏ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà giữa chiến dịch, hậu cần trung đoàn chở rau đậu bí bầu cùng với hơn chục con bò qua bồi dưỡng cho lính.

Một tuần sau bữa thịt bò, có tin từ các “tham mưu con rằng, quân của trung đoàn 31 sẽ lên phối hợp với trung đoàn mình. Bọn tôi cáng thương về trung đoàn cũng thấy có hiện tượng lạ, quân cao xạ 37 ly kéo lên khu vực của trung đoàn đóng quân, hình như còn có cả đặc công. Chưa biết có chuyện gì nhưng thấy quân ta tăng cường là mừng rồi.

Mấy tên “tham mưu con vậy mà giỏi, quả nhiên có quân 31 lên thật.  Trung đoàn tôi vẫn giữ chốt, còn trung đoàn 31 sẽ là mũi vu hồi từ phía sau quân địch. Hai trung đoàn thiện chiến đã hình thành thế gọng kìm, quân Pốt sợ vỡ mật rút chạy. Cánh quân Pốt bám ở chốt c7 đã chạy không kịp. Bọn tôi được một phen xem quân 31 ép quân Pốt rút xuống thung lũng. Lính c7 mấy hôm trước đi dưới thông hào còn phải khom người, nay đứng thẳng trên hầm chỉ trỏ, khi thấy cảnh quân Pốt chạy dưới thung lũng bị 37 ly chúc nòng bắn tà âm để truy đuổi, hầu như tất cả cánh quân này đều bị tiêu diệt. Nói hả hê thì hơi ác, nhưng với những người lính nằm trong chốt, từng bị chúng ngày đêm quấy nhiễu bằng đủ mọi cách, hết cối pháo lại thay phiên nhau từng nhóm nhỏ tập kích suốt đêm. Bọn Pốt cũng rất ma mãnh, biết rằng quấy phá như vậy sẽ làm cho lính chốt căng thẳng, vì không biết lúc nào bọn chúng sẽ đánh. Quấy phá làm cho lính ta xuống sức, vài ngày sau bọn chúng lại tổ chức đánh lớn, cứ vậy triền miên. Giờ thấy bọn chúng bị lùa chạy như vịt thì hả hê là từ chính xác nhất để diễn tả tâm trạng của quân c7 lúc này. Thật thần kì, mới hôm qua địch còn ngang nhiên gõ xoong nồi, réo gọi quân ta là thiếu nhi Hà Nội, muốn là đánh, không muốn thì nghỉ, chiếm thế thượng phong hoàn toàn. Chỉ trong chớp mắt, vai trò thay đổi, kẻ phải rút chạy bây giờ là quân Pốt. Chẳng biết thế trận đã diễn biến thế nào, các vị chỉ huy đã điều binh khiển tướng ra sao, chỉ biết rằng bây giờ gánh nặng như được giũ bỏ, cả ba chốt của tiểu đoàn đều không còn địch đeo bám, lính tráng được tự do tắm giặt. Được hai ngày nghỉ ngơi, hôm sau cả tiểu đoàn gùi đạn cho k1 đánh. Xong trận đánh này, toàn trung đoàn rút về hậu cứ củng cố. Ai có ngờ rằng đây là lần cuối cùng chúng tôi ở hậu cứ Đức Cơ.

Đà Nẵng, 16.05.2020

 

NGẦM XA EM

Mấy ngày nay Đà Nẵng mưa. Những cơn mưa xối xả như để bù cho đợt nắng nóng kéo dài đã mấy tháng. Ai cũng than khí hậu bây giờ không còn như xưa, mưa nắng thất thường, không theo một quy luật nào, rồi trách ông trời cay nghiệt, không biết thương loài người.

Khổ quá thì người ta kêu trời vậy thôi, chớ ai cũng biết chẳng có trời nào làm, mà chính con người tự hại mình. Người ta ra sức bạt núi, phá rừng, lấp ao hồ sông suối, đến biển cả cũng không tha, bao nhiêu dự án lấn biển, hám cái lợi trước mắt, di hại để lại hàng trăm năm. Ở những quốc gia văn minh còn đỡ, trước khi làm một công trình lớn, người ta rà soát, đánh giá tác động tới môi trường rất kĩ, rồi mới cho thi công. Với những nước mà chính quyền tham nhũng, quản trị kém, thì những đánh giá này bị đồng tiền xô lệch, có cũng như không. Người ta cảnh báo biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng cao do nhiệt độ trái đất tăng lên, băng ở hai cực tan. Nước biển dâng cao thì nhiều vùng đất thấp ngập chìm. Ngày xưa người ta nói biển xanh hoá thành ruộng dâu, bây giờ ruộng đồng trở thành biển cả. Muôn đời vẫn vậy, con người làm sao chống lại thiên nhiên.

Tôi ngồi trong nhà nhìn ra, mưa trắng trời trắng đất, nghĩ toàn chuyện bao đồng. Lại nhớ những ngày mưa tháng mười năm bảy tám. Những ngày đầu đời lính nhiều ám ảnh. Đợt quân bọn tôi rời quân trường sớm, chưa học được gì ngoài mấy bài chính trị và đi đội ngũ. Về đơn vị, thấy chỉ còn lèo tèo vài tên lính cũ. Hỏi, thì được trả lời rằng đã đi công tác xa. Ở thêm mấy ngày, mới biết rằng đồng đội phần thì hy sinh, phần thì bị thương, chứ chẳng ai có công tác gì cả, lính trận mà công tác gì! Càng hiểu thêm vì sao mà bọn tôi phải rời quân trường sớm.

Ở hậu cứ Đức Cơ chừng hơn mười ngày, gọi là huấn luyện, nhưng rất khác với quân trường. Những người lính chiến thực thụ, biết rõ chiến trường cần gì, không lăn, lê, bò, toài, không đi đều, đứng lại, không họp hành, học chính trị triền miên. Việc chính là nghỉ ngơi, bồi dưỡng thể lực. Từ quân trường, ăn đói, giờ giấc o ép, giờ được thoải mái, mấy chàng tân binh dù vẫn biết gian nan và ác liệt đang chờ phía trước, vẫn vui vẻ tận hưởng. Tôi nhớ, dù chỉ mười mấy ngày ở hậu cứ, mà bọn tôi đi nhận bò trung đoàn cấp đến ba lần. Lần sau cùng, cấp hẳn hai con bò to. Đàn bò của trung đoàn hồi đó nhiều lắm, bọn tôi đi nhận bò, mà phải quăng dây bắt phụ với mấy chàng lính tăng gia. Có khi định bắt con này, mà quăng dây trúng con khác cũng ok luôn. Ngoài thịt bò, hậu cần trung đoàn còn cấp cá biển, chở về tiểu đoàn cả xe cá đông lạnh. Lính tráng được vỗ béo, thằng nào cũng lên cân.

Sau mười mấy ngày an dưỡng, toàn trung đoàn ra trận. Hồi đó chỉ biết là đi đánh nhau thôi, chẳng ai thông báo cho mình biết là đi đâu, đánh đấm kiểu gì. Ra trận mà lên xe GMC, xe hồng hà, xe molotova, té ra bộ đội ta đi đánh nhau cũng ngon lành gớm. Dọc đường thanh niên xung phong vẫy chào, hô lớn phiên hiệu trung đoàn 95, chúc thắng lợi! Nhưng chỉ đoạn đường gần biên giới thôi, qua ngầm Ô Gia Đao một đoạn là đường rừng vắng hoe. Tầm ba giờ chiều, toàn đội hình xuống xe hành quân bộ. Đi chừng một tiếng thì đến nơi, nhận bàn giao chốt từ quân chín tư xong, khoảng năm giờ chiều. Vào vị trí chưa ấm chỗ, địch đã đánh. Những chàng tân binh lần đầu tiên biết mùi chiến trận. Trung đội vận tải hết gùi đạn lại khiêng thương, đi lại như con thoi trên các tuyến từ k bộ đến các chốt. Đêm đầu tiên ở chốt đã khiêng mấy tử sĩ, tôi hỏi thằng Thanh:

– Rồi họ đưa xác tử sĩ đi đâu?

– Về Đức Cơ, trung đoàn mình có một nghĩa trang ở đó.

– Mày tới đó chưa?

– Hỏi gì ớn vậy mày. Ai mà muốn tới đó.

– Ý tao, là mày đã khi nào tới đó làm gì chưa?

– Chưa, nhưng nghe kể là quân số trung đoàn mình ở đó đông lắm, người ta chỉ để bảng số chứ chưa có tên.

Đợt chốt hơn một tháng, riêng k2 đã bổ sung quân số cho nghĩa trang Đức Cơ vài chục, nếu tính cả trung đoàn chắc cũng ngót nghét trăm quân. Khi rút quân về, không bàn giao chốt như khi nhận vị trí từ quân 94. Có lẽ đã có quân bạn chốt sâu hơn về phía trước. Tôi với thằng Thanh ở lại cùng anh Hộ quản lý k bộ, và thằng Trò anh nuôi, chờ xe bốc mấy thứ xoong nồi gạo mắm, ngày hôm sau mới được về. Xe đến ngầm Ô Gia Đao, lại gặp lúc nước lớn phải nghỉ chờ nước rút. Ngày xưa, đọc truyện trong văn nghệ quân đội hay nghe nhắc đến những cái ngầm trên đường mòn Hồ Chí Minh. Tác giả chỉ nói qua, nên chẳng hình dung được ngầm là cái gì. Giờ dừng chân tại đây, ngầm Ô Gia Đao, mới biết rõ ràng, thay vì bắc cầu qua suối, công binh chọn khúc suối cạn, kè đá làm đường luôn dưới lòng suối. Con đường chìm dưới nước nên gọi là ngầm. Bởi vậy, khi nước lớn xe không qua được, mà phải chờ nước rút.

Ngồi nghỉ bên bờ suối, nghe anh em đóng quân ở ngầm kể chuyện, có những đợt mưa dài ngày, xe chở thương binh tử sĩ của sư 307 bị kẹt lại cả hàng dài. Tội nhất là thương binh, nằm trong võng mắc trên xe, phía dưới là xác tử sĩ, vừa chịu đựng đau đớn vì vết thương, vừa phải chịu mùi xác tử sĩ. Nghe kể chuyện mà thương cho đời lính, chết rồi vẫn chưa hết khổ.

Về lại hậu cứ Đức Cơ, lại những ngày dưỡng quân, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Kampuchia. Biết rằng chiến dịch này sẽ gian khổ và ác liệt lắm, nhưng thằng nào cũng nghĩ: “Thà đánh luôn cho đến nơi, tiêu diệt hết bọn Kh’mer đỏ, chấm dứt chiến tranh. Ai ngờ, đánh xong còn phải ở lại giữ. Có người năm năm, có người sáu, bảy năm, còn với trung đoàn tôi, là hơn mười năm đứng chân tại dãy Dang Rek. Mấy tháng đầu còn tưởng chỉ ở lại thời gian ngắn rồi rút quân về. Càng về sau, các trận đánh ngày càng lớn, hậu cứ Đức Cơ cũng đã bàn giao, mới biết chắc chắn rằng, mình sẽ ở lại đất K này cho đến hết đời lính.

Lính tác chiến, thương vong hàng ngày, đường về đến Đức Cơ hàng năm sáu trăm cây, không thể chở xác tử sĩ về được. Vậy là trung đoàn tôi có thêm một nghĩa trang nữa đặt tại S’ro Em, nhưng với lính thì nó là “Xa Em. Một sự ngẫu nhiên S’ro Em đọc thành “Xa Em. Người lính nằm xuống, thân xác về ngầm “Xa Em. Trong số những người lính về ngầm “Xa Em ấy, có biết bao chàng trai trẻ, tuổi đời mới mười tám đôi mươi, chưa một lần được nắm tay con gái, đã có em nào để mà xa.

Có lần tôi gặp Phó, lính c19, ở bệnh xá trung đoàn, nghe nó kể chuyện bốc mộ ở ngầm “Xa Em. Nó tự hào khoe với bọn tôi:

– Ở trung đoàn này chỉ có tụi tao là có tiêu chuẩn xà phòng thơm.

– Dóc mày!

– Thiệt chứ không giỡn đâu, mấy đồng hương cứ hỏi thằng Sáu, quản lí xê mình thì biết.

– Bọn bây là tướng chắc! Ngay cả thủ trưởng trung đoàn còn chưa có.

Mặc cho thằng Phó khẳng định, cả bọn chẳng đứa nào tin, nhưng khi nghe nó kể chuyện hốt cốt liệt sĩ thì mới tin nó nói thật. C19 có một bộ phận chuyên làm công tác này, từ đóng hòm, mai táng tử sĩ, đến bốc mộ liệt sĩ chở về nước. Thằng Phó nằm trong tổ bốc mộ. Nó kể, chôn mới một vài năm, xác chưa phân hủy hết, ớn lắm nhưng nhiệm vụ phải làm chứ biết sao. Nghe đến đây nhiều đứa tò mò:

– Rồi sao? Hốt luôn thịt về à!

– Bậy mày! Chỉ lấy xương thôi, đem rửa kĩ lắm, rửa nước xong còn rửa lại bằng rượu nữa.

– Rượu đâu mà rửa.

– Trung đoàn cấp chứ còn ở đâu nữa.

– Vậy bọn mày có tranh thủ kiếm chút rượu cốt không?

– Mày nói xàm, bọn nó về vặn họng. Tử sĩ toàn trẻ tuổi, nhiều đứa còn trai tân, linh thiêng lắm, làm công tác này phải thành tâm chứ không giỡn được đâu. Cũng thắp hương cúng vái cẩn thận rồi mới làm.

– Bọn bay toàn mấy thằng a ma tơ làm sao biết đường làm, lỡ sót xương hay sắp xương không đúng thì sao?

– Lính c19 chuyên làm chuyện này, người đi trước bày đứa đi sau. Giờ bọn tao thành chuyên nghiệp luôn rồi, thuộc từng cái xương còn hơn bác sĩ pháp y. Bọn mày tưởng hốt thiếu mà yên hả, tụi nó về kêu liền.

– Sao kêu được mày?

– Nó về báo mộng, có đứa còn chỉ chỗ cho mình đào lại để tìm nữa.

– Thiệt hông? Nghe ớn dữ vậy? Sao nói bọn mày chuyên nghiệp rồi mà để sót xương anh em?

– Lính chết mấy khi còn nguyên vẹn, thằng mất chỗ này, đứa gãy chỗ khác. Các trường hợp sót đa số là do xương gãy, mò tìm không thấy, tưởng bác sĩ đã cắt bỏ rồi.

– Mày kể thử một chuyện báo mộng đi.

Thằng Phó im lặng một lúc rồi kể:

Chắc tao là đứa nhẹ vía, nên anh em hay về báo mộng, có đến ba lần, lần nào cũng chính xác. Nhớ nhất là lần bốc thằng H, đồng hương với mình. Bữa đó trời mưa lâm thâm, mới hơn bốn giờ chiều mà trời tối, lại căng tăng che mưa nên càng tối thêm. Sau khi rửa, sắp xương vào quách, thấy xương đùi trái gãy mất một khúc, nghĩ là đã bể nát nên không tìm. Khuya hôm đó tao đang ngủ mơ màng nghe tiếng ai gọi:

– Phó! Mình, H đây.

– Ủa H, sao mày lại ở đây?

– Mấy đồng hương bỏ sót xương đùi của mình, nó rớt trong cỏ phía dưới chân mộ mình.

Tới đây tao giựt mình tỉnh giấc, nhớ rõ từng lời nó dặn luôn. Hôm sau bọn tao kiểm tra, đúng như nó báo mộng, tìm được mỏm đầu xương đùi lẫn trong cỏ.

– Ngủ chung với hài cốt. lại nằm mơ thấy nó về gọi có sợ không mày?

– Lúc đầu cũng sợ thiệt, lâu dần rồi cũng quen. Người ta nói sống sao thác vậy, đồng đội cả mà, chẳng lẽ bọn nó hại mình.

Câu chuyện thằng Phó kể cho mấy thằng bệnh binh, tại bệnh xá trung đoàn năm tám ba, đến nay đã hơn ba mươi bảy năm. Chuyện tán gẫu của lính khi nằm viện thì nhiều lắm, nói dóc với nhau nghe cho vui rồi quên luôn, chẳng hiểu sao chuyện hài cốt tử sĩ vẫn còn nguyên vẹn trong đầu. Có lẽ cái chết của những lính trẻ, trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến trường k, đã tác động mạnh đến tâm tư những người lính chúng tôi ngày ấy, tạo nên những vết hằn sâu trong tâm trí, mấy mươi năm vẫn không phai mờ. Lại nhớ những đồng đội bỏ mình trong rừng sâu của dãy Đăng Rết, thành những hồn ma vất vưởng xứ người, chẳng biết báo mộng cho ai để mang xương cốt mình về quê hương.

Chiều mưa. Những cơn mưa chiều thường làm người ta buồn, một nỗi buồn không duyên cớ. Thoảng nghe như trong gió có tiếng ai hát, trầm hùng, uất nghẹn:

Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh…

Đà Nẵng, 15.10.2020

TRẦN NGỌC PHƯƠNG

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây