ADB: Kinh tế Việt Nam ‘vừa lạc quan vừa thận trọng’, đầu tư công là động lực tăng trưởng chính

ADB: Kinh tế Việt Nam 'vừa lạc quan vừa thận trọng', đầu tư công là động lực tăng trưởng chính

Các đại biểu chủ trì họp báo công bố báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024. (Ảnh: M.Q).

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, đầu tư công sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong năm 2024.

Sáng 11/4, ADB tổ chức họp báo công bố báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024. ABD đã giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài.

Tại họp báo, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của ADB cho biết, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong hai năm đại dịch Covid-19 (2020 và 2021) của Việt Nam vẫn giữ mức dương. Năm 2022, kinh tế phục hồi mạnh mẽ và 2023 đạt tăng trưởng hơn 5% được coi là một thành tích lớn so với hoàn cảnh chung của thế giới.

Trong năm qua, các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, mặc dù đã chậm lại so với 2022. Cầu nội địa tiếp tục phục hồi, nhưng chậm hơn so với kỳ vọng và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,3%, nhỉnh hơn so với 2022.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển sang chính sách tiền tệ hỗ trợ trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc. Thặng dư thương mại đạt kỷ lục, kiều hối lớn đã hỗ trợ thặng dư tài khoản vãng lai, ước tính đạt 5,9% GDP. Tuy nhiên, năm 2023 Việt Nam cũng gặp một số khó khăn do vướng mắc thị trường vốn.

Với xu hướng trên, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6% năm 2024 và 6,2% năm 2025. Lạm phát ở mức 4% trong cả hai năm.

Sự phục hồi tăng trưởng được kỳ vọng tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và nông nghiệp ổn định sẽ giúp quá trình phục hồi từng bước khả thi.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, hỗ trợ tài khóa được tiếp tục và chương trình đầu tư công đáng kể cũng sẽ kích thích tăng trưởng.

Trong năm nay, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, đầu tư công sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Tỷ lệ đầu tư công trong những năm vừa qua tương đối ổn định, đồng thời những tháng đầu năm 2024 cũng nằm trên cùng xu hướng với các năm trước.

“Do đó, có thể ít nhất kỳ vọng vào kết quả sẽ bằng với những năm trước”, ông Hùng nói.

Theo ADB, năm 2024, Chính phủ cũng đã có những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công tốt hơn so với năm trước và có thể trông đợi vào thành tích tốt hơn, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng.

Ngoài ra, các yếu tố về tiêu dùng, chính sách tiền tệ, khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng.

Kinh te Viet Nam 2 min - ADB: Kinh tế Việt Nam 'vừa lạc quan vừa thận trọng', đầu tư công là động lực tăng trưởng chínhCác biện pháp tài khóa là then chốt, với đầu tư công là đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế. (Nguồn: AFP).

Bên cạnh đó, ADB cũng cho rằng, vẫn còn các rủi ro, chủ yếu đến từ bên ngoài như kỳ vọng nền kinh tế thế giới tăng trưởng thấp trong năm 2024 (1,3%) và phục hồi chậm trong năm 2025 (1,5%), thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,7% của năm 2023.

Sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu, thương mại trong năm 2024.

Ngoài ra, các cuộc xung đột địa chính trị như xung đột Nga – Ukraine, xung đột Israel – Hamas, nguy cơ xung đột lớn hơn giữa Israel – Iran, cuộc xung đột trên Biển Đỏ cũng sẽ là yếu tố rủi ro cần phải “để mắt” đến. Hiện những căng thẳng này chưa tác động trực tiếp vào nền kinh tế Việt Nam nhưng đã có ảnh hưởng tới thế giới, làm tăng chi phí vận tải hàng hóa, giá cả.

Về các rủi ro nội tại, theo ông Hùng, tăng trưởng chậm lại làm gia tăng rủi ro về tính dễ đổ vỡ của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt do sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và doanh nghiệp FDI.

Thị trường vốn của Việt Nam còn non trẻ, dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Đồng thời, các yếu tố như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ảnh hưởng tới mùa màng, sản lượng nông nghiệp cũng sẽ có tác động tới tăng trưởng kinh tế trong khu vực và Việt Nam.

Từ những yếu tố trên, ông Hùng đưa ra triển vọng “vừa lạc quan vừa thận trọng”. Nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng tương đối, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nhưng cũng đối mặt với các rủi ro chủ yếu từ bên ngoài.

Ông Hùng cho hay: “Các biện pháp tài khóa là then chốt, với đầu tư công là đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần thực hiện hóa các kế hoạch trên để phát huy sức mạnh”.

ADB nhận thấy, sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Những biện pháp này bao gồm một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công.

Các chuyên gia của ADB gợi ý: “Để duy trì tiến độ, cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định để có thể thực hiện thành công. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại này một cách toàn diện, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”.

Gia Thành

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây