Bài 2: Phát triển du lịch sinh thái là thế mạnh đặc trưng

Bài 2: Phát triển du lịch sinh thái là thế mạnh đặc trưng
Đến Tuyên Quang khám phá vẻ đẹp huyền bí của lòng hồ sinh thái Na Hang (Ảnh: Quỳnh Trang)

Vài năm trở lại đây, việc phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ đã và đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương tại Tuyên Quang quan tâm đặc biệt là các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, văn hóa và ẩm thực.

Minh chứng là tỉnh Tuyên Quang nói chung và các huyện, thị nói riêng, nhất là Na Hang và Lâm Bình đều tập trung đầu tư xây dựng, quy hoạch và phát triển du lịch các loại hình dịch vụ, du lịch với những tiềm năng sẵn có, coi đây là một trong những thế mạnh để thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Khu du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, có tổng diện tích 15.000ha trong đó diện tích mặt nước là 8.000ha. Hồ thủy điện Na Hang với dung tích chứa nước lên đến hơn 2 tỷ m3, công suất 342MW, sản lượng điện hàng năm đạt trên 1.295 triệu KW, là một trong ba hồ thủy điện lớn nhất khu vực phía Bắc. Đến với Na Hang không thể không biết đến ngọn núi Pác Tạ, thác Mơ xinh đẹp. Hình ảnh ngọn núi sừng sững giữa biển nước, trời mây tạo nên sự uy nghi tráng lệ hòa quyện trong đó là dòng thác Mơ uốn lượn nghiêng mình trắng xóa hình thành nên một kiệt tác đồng điệu, hài hòa trong tác phẩm thiên nhiên hùng vĩ và lãng mạn đến vô cùng.

Cùng với sự hội tụ của hai dòng sông trên khu vực lòng hồ thủy điện, sông Gâm và sông Năng, hình ảnh núi dãy Pác Tạ trên dòng sông Gâm (Na Hang), với 99 ngọn núi đã đi vào thơ ca, huyền thoại được ví như “Hạ Long giữa đại ngàn”. Cộng với các địa danh, những sự tích đã đi vào lịch sử nơi bản địa: thác Khuổi Nhi, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, Cọc Vài Phạ, vách Nàng tiên – Chú Khách,… những khu rừng nguyên sinh trải dài theo hai triền sông tạo nên cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, kỳ thú, hình thành nên những tour, tuyến du lịch dã ngoại, ngắm cảnh thiên nhiên bằng du thuyền đầy thi vị.

Duong xuong ben Thuy de di kham pha vung long ho Na Hang min - Bài 2: Phát triển du lịch sinh thái là thế mạnh đặc trưngĐường xuống bến Thủy để đi khám phá vùng lòng hồ Na Hang 

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình mới được công nhận là khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt. Với diện tích bảo vệ hơn 40 nghìn ha, nằm ở 14 xã, thị trấn thuộc hai huyện Na HangLâm Bình; giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang động độc đáo, kỳ thú. Khu bảo tồn có hệ động vật phong phú và đa dạng sinh học về thành phần, chủng loại, cũng như về số lượng cá thể; trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam, đã được ghi trong sách đỏ thế giới. Tại đây có gần 1.200 loài thực vật bậc cao và là khu vực nhiều rừng nguyên sinh có nguồn gen thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên và phong phú về động thực vật là đặc điểm quan trọng để thu hút du khách, các nhà nghiên cứu khoa học, khảo sát thực địa, du lịch địa chất và địa hình, du lịch về nguồn, du lịch khám phá, thám hiểm,… thảm thực vật phong phú với nhiều loại gỗ quý như: Nghiến, đinh, lát, trai….

thac Khuoi Nhi trong long ho Na Hang min - Bài 2: Phát triển du lịch sinh thái là thế mạnh đặc trưngVẻ đẹp giao thoa của non xanh, nước biếc dưới khu vực thác Khuổi Nhi trong lòng hồ Na Hang

Sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các dân tộc tạo nên sức lôi cuốn du khách bởi nét văn hóa bản địa truyền thống vô cùng độc đáo, đặc sắc của nhiều dân tộc được thể hiện qua các lễ hội cổ truyền như: Lễ hội Lồng Tông (người Tày), lễ Cấp sắc, lễ Tơ Hồng, lễ rước Dâu (người Dao) trong trang phục thổ cẩm độc đáo. Bên cạnh đó với các di cốt hóa thạch có niên đại trên 10.000 năm tuổi được khai quật tại các di chỉ khảo cổ hang Phia Vài (Lâm Bình), Phia Muồn (Na Hang) còn được biết đến như một cái nôi của người Việt cổ, hang Nà Thẳm, cơ quan ấn loát đặc biệt của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cùng với đó là các địa danh: đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, chùa Phúc Lâm (nay thuộc xã Thượng Lâm – huyện Lâm Bình) nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật, là nơi thờ Phật nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi sở tại.

Có thể thấy, những tiềm năng, thế mạnh về cảnh sắc thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của nhân dân các dân tộc huyện Na Hang chính là “điểm tựa” để phát triển kinh tế, văn hóa du lịch, đặc biệt là kinh tế du lịch, mô hình du lịch và dịch vụ du lịch; các tour, tuyến du lịch nối liền với các tỉnh lân cận như: huyện Bắc Mê (Hà Giang), huyện Chợ Đồn (Ba Bể), Pắc Nặm (Bắc Kạn)… sẽ càng hấp dẫn và thu hút nhiều du khách trong nước cũng như nước ngoài đến với nơi đây hơn nữa.

Thiên nhiên ưu ái đã ban tặng cho Na Hang một miền quê non nước giao hòa, cùng với đó là sự nồng hậu, mộc mạc, bình dị, chất phác của người dân nơi miền quê sơn cước, tất cả đã khiến cho hầu hết những ai khi đặt chân đến vùng đất này đều mong muốn sẽ quay trở lại để tận hưởng cảnh quan, không khí, ẩm thực để được thư giãn cả thể chất lẫn tinh thần./.

Hà Anh

————

Bài 1: Vẻ đẹp hội tụ của non nước, mây trời

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây