Giới thiệu khái quát huyện Na Hang

huyện Na Hang - Tỉnh Tuyên Quang

Giới thiệu khái quát huyện Na Hang

Na Hang nằm về phía Bắc của Tuyên Quang. Thị trấn Na Hang cách Tuyên Quang chừng 110 km.

Na Hang giáp với các huyện Bắc Mê (Hà Giang) và Bảo Lạc (Cao Bằng) ở phía Bắc, Chợ Đồn (Bắc Kạn) ở phía Đông, Chiêm Hóa ở phía Nam, Bắc Quang (Hà Giang) ở phía Tây

Na Hang nằm trong lưu vực của 2 sông lớn: Sông Gâm bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua núi Đổ xã Thượng Tân huyện Bắc Mê vào địa phận Na Hang với chiều dài 53 km, hướng sông chảy từ Bắc xuống Nam; Sông Năng bắt nguồn từ tỉnh Cao Bằng xuống hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) chảy qua Thác Đầu Đẳng vào địa bàn huyện Na Hang với chiều dài 25 km; hai sông hợp với nhau tại chân núi Pắc Tạ cách thượng lưu đập thuỷ điện 2 km. Ngoài ra 2 con sông Gâm và sông Năng, Na Hang còn có nhiều khe, lạch, suối nhỏ và trung bình.

DIỆN TÍCH VÀ DÂN SỐ

– Diện tích: 1.471,7 km²

– Dân số: 54.742 người (2006).

– Mật độ dân số: 45 người/km2

Na Hang được chia thành 3 khu: A, B, C.
– Đơn vị hành chính:
+ Thị trấn: Nà Hang
+ Xã: Sinh Long, Thượng Giáp, Phúc Yên, Thượng Nông, Xuân Lập, Côn Lôn, Yên Hoa, Khuôn Hà, Hồng Thái, Đà Vị, Khau Tình, Lăng Can, Thượng Lâm, Sơn Phú, Năng Khả, Thanh Tương

Na Hang là nơi sinh sống của các dân tộc: Tày (57,52%), Dao (23,38%), Kinh (9,72%), H’Mông (5,31%), còn lại là các dân tộc khác.

KHÍ HẬU

Na Hang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều. Mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, không khí lạnh, khô hanh ít mưa, có nhiều sương muối cục bộ. Nhiệt độ trung bình năm 230C. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.800mm. Độ ẩm không khí trung bình 85%.

KHAI THÁC TIỀN  NĂNG DU LỊCH

Với diện tích mặt nước rộng trên 8.000 ha cùng với nhiều cánh rừng nguyên sinh và cảnh quan hùng vĩ, Hồ thủy điện Tuyên Quang đang thực sự trở thành điểm đến của nhiều du khách gần xa. Đối với huyện Na Hang, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Na Hang được đông đảo du khách biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thác Mơ, Thác Pác Hẩu, Nặm Me, Khuổi Súng. Rừng đặc dụng Tát Kẻ, Bản Bung rộng trên 21.000 ha, trong đó nhiều loại gỗ quý hiếm như Đinh, Lim, Nghiến, nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới như Vọoc mũi hếch, Gấu, Gà Lôi. Từ khi Công trình Hồ thủy điện Tuyên Quang đi vào hoạt động đã tạo cho Na Hang một vùng hồ rộng lớn kết nối các tuyến đường thủy từ Na Hang với 8 xã khu C của huyện và nối liền với khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn. Tuyến Na Hang nối với huyện Lâm Bình và huyện Bắc Mê của tỉnh Hà Giang. Ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì các đền, chùa như Chùa Pác Tạ, Pác Vãng có từ thế kỷ thứ XIII cũng được trùng tu, khôi phục đã đáp ứng phần nào việc thăm quan, thưởng ngoạn các thắng cảnh và du lịch tâm linh của du khách. Đến Na Hang du khách còn được thỏa sức bơi, tắm mình dưới các thác nước do thiên nhiên ban tặng, bơi thuyền trên hồ đánh bắt cá đặc sản như Cá Chiên, Cá Quất, Cá Chép và hàng trăm loài thủy sản khác, được tự tay chế biến những món ăn vùng cao…

Có thể nói sau 3 năm thực hiện công tác quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2010 – 2013, du lịch huyện Na Hang đã có bước phát triển vững chắc. Nếu như năm 2010 huyện Na Hang chỉ thu hút được trên 22.000 lượt du khách đến thăm quan thì năm 2013 con số này đã phát triển lên 67.000 lượt người. Các công trình phục vụ phát triển du lịch đã được đầu tư nâng cấp. Hệ thống bến, bãi, tua, tuyến du lịch đã được hình thành, chất lượng các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn trên địa bàn đã phát triển đáp úng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Để tiếp tục khai thác những tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch sinh thái, thời gian tới huyện Na Hang tiếp tục làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đến với Na Hang. Song song với đó, Na Hang tiếp tục phát triển hạ tầng du lịch, nâng chất lượng phục vụ du khách nhằm ngày càng thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan; phấn đấu đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XX đã đề ra./.

TIỀM NĂNG LỚN PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI

Na Hang là huyện vùng cao phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang 108km, giáp 3 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn; với gần 20 dân tộc anh em chung sống. Thiên nhiên đã ban tặng cho Na Hang những cảnh vật kỳ vĩ

Na Hang là huyện vùng cao phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang 108km, giáp 3 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn; với gần 20 dân tộc anh em chung sống. Thiên nhiên đã ban tặng cho Na Hang những cảnh vật kỳ vĩ, những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá. Na Hang giàu tiềm năng để trở thành vùng du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn.

Trước kia, đi từ thị xã Tuyên Quang lên Na Hang phải mất cả ngày đường nhưng bây giờ chỉ hơn hai giờ đi xe khách. Trong những năm gần đây Na Hang đã và đang trở thành một trung tâm buôn bán với nhiều hoạt động du lịch sính thái nhộn nhịp. Lãnh đạo đảng bộ và chính quyền tỉnh và huyện đặt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2020 Na Hang sẽ là một thị xã sầm uất và phát triển mọi mặt. Na Hang được biết đến bởi sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng sinh thái và văn hóa phong phú của nhiều dân tộc như: Tày, Dao, Mông, Kinh…

Người Na Hang đã tạo nên một kho tàng văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc, một vùng âm nhạc dân gian độc đáo với những làn điệu Then, Sli, Lượn…cùng với tiếng đàn Tính, tiếng Khèn làm say đắm lòng du khách. Thiên nhiên đã ban tặng cho Na Hang nhiều tài nguyên quý báu, đặc biệt là tài nguyên rừng. Rừng chiếm 84,62% diện tích tự nhiên toàn huyện, có giá trị về kinh tế, có ý nghĩa quan trọng việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái.

Khu Du lịch sinh thái Na Hang là một trong ba khu du lịch được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Phạm vi quy hoạch rộng 150.000 ha, trong đó diện tích lòng hồ là 8.000 ha. Na Hang đang phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Mảnh đất này chính là nơi hội tụ của hai con sông lớn: Sông Gâm và sông Năng với những dãy núi trùng điệp, hùng vĩ ; những hang động huyền ảo và đầy huyền thoại đã đi vào truyền thuyết và thơ ca. Đến Na Hang chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, quý khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung; ghe thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát; thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá trên dưới 10.000 năm)…

Những cánh rừng nguyên sinh của Na Hang có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài Voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật. Bà theo chồng kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng và bị tử nạn. Người dân nơi đây nói rằng, ngôi đền này rất thiêng và du khách khắp nơi thường đến nơi cầu nguyện. Cũng trên đường du ngoạn bằng thuyền, du khách cũng thường ghé thăm và thắp hương ngôi đền Pắc Vãng. Đi dọc sông từ Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc Trâu) gắn với sự tích Tài Ngào.

Dọc đường đến Tân Xuân là gặp thác Nậm Mè (nghĩa là suối mẹ). Thác nước đổ như mái tóc buông xuống rừng cây đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ. Từ đoạn hợp lưu sông giữa Gâm với sông Năng, lại là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ, bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước thật lung linh kỳ vĩ. Những thác Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang thật thơ mộng. Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung có diện tích rừng nguyên sinh 37.000 ha với những loài gỗ quý đinh lim, sến, nghiến… và những loài thú quý hiếm hổ báo, trăn, gấu, voọc mũi hếch… sẽ là khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

Na Hang ngoài phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vùng văn hóa đa dạng, còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt Na Hang có rượu ngô men lá ngon nổi tiếng. Thứ rượu này uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say xỉn. Để làm được thứ ruợu thơm ngon này, phải qua một quy trình rất công phu. Nếu ai đã từng được thưởng thức thứ rượu thơm ngon nơi đây, có lẽ sẽ nhớ mãi cái hương vị đậm đà “khó quên” này. Nói đến Na Hang không thể không nhắc đến công trình thuỷ điện Tuyên Quang nằm trên đại bàn của huyện.

Công trình thủy điện lớn thứ ba toàn quốc này có công suất 342 MW gồm 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 1.295 triệu KW. Thủy điện Tuyên Quang gắn liền với vùng du lịch Na Hang huyền bí và thơ mộng. Đồng chí Hứa Kiến Thiết, Bí thư huyện ủy Na Hang trong buổi làm việc với chúng tôi cho biết, huyện xác định du lịch sinh thái là ngành kinh tế mũi nhọn của Na Hang.

Vài năm gần đây, du lịch đóng góp vào kinh tế của huyện ngày càng tăng và chắc chắn những năm tới đây, du lịch sẽ có đóng góp xứng đáng cho việc phát triển kinh tế – xã hội của Na Hang. Tỉnh Tuyên Quang và huyện Na Hang đã có kế hoạch gìn giữ và bảo tồn những khu du lịch sinh thái, những khu rừng tự nhiên để tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng.

Anh Lê Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang cho biết, sắp tới, Khu du lịch sinh thái Na Hang sẽ hình thành một số phân khu chức năng như Khu lâm viên Phiêng Bung (có sân bay mini, trường đua ngựa, sân gôn, bãi cắm trại…); khu lâm thủy Cọc Vài (gồm khu biệt thự, đảo nuôi thú, khu thể thao mạo hiểm, khu câu cá, bến cảng); khu thể thao trên nước; khu làng văn hóa lịch sử…Tỉnh và huyện đang kêu gọi đầu tư để xây dựng Na Hang thành một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn. Na Hang – một lần bạn đến sẽ không quên

Na Hang còn có rất nhiều nhưng di tích lịch sử được nhà nước công nhận là di tích quốc gia như: Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (Khuôn Hà); hang Phia Muồn (Sơn Phú); đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang); chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân khí H52, thắng cảnh Thượng Lâm (Thượng Lâm),…
Không chỉ độc đáo với những phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, Na Hang còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc như: cá tầm, cá rầm xanh, anh vũ, thịt lợn chua,…. Đặc biệt Na Hang có rượu ngô men lá ngon nổi tiếng. Thứ rượu này uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say xỉn. Để làm được thứ ruợu thơm ngon này, phải qua một quy trình rất công phu. Nếu ai đã từng được thưởng thức thứ rượu thơm ngon nơi đây, có lẽ sẽ nhớ mãi cái hương vị đậm đà “khó quên”. 
Vẻ đẹp hoang sơ mà dịu dàng của vùng đất Na Hang luôn mang đến cho ta cảm giác thật thoải mái và yên lành giữa những lo toan bộn bề giữa dòng đời nhộn nhịp. Chắc hẳn, đối với bất kỳ ai đã từng được một lần đặt trên tới nơi đây, văn hóa, con người và những cảnh đẹp Na Hang sẽ mãi mãi lưu giữ nét đẹp của “bức tranh cô tích” này

TIỀM NĂNG DU LỊCH

Huyện Nà Hang có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia nổi bật là:

* Di tích hang Phia Vài (xã Khuôn Hà) là di chỉ khảo cổ điển hình đã được tìm thấy nhiều công cụ lao động có niên đại cùng thời văn hoá Hoà Bình và bộ di cốt người nguyên thuỷ bán hoá thạch.
* Di tích hang Phia Muồn (xã Sơn Phú) nằm trong khu vực phổ biến là những núi đá phiến sét vôi xen kẽ những núi đất, những dải thung lũng hẹp và những thảm rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Phia Muồn là một di chỉ cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau.

* Di tích đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang) là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai năm 1285. Nơi đây có đền Pác Tạ được dựng lên để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Ngôi đền nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Tạ Sơn huyền sử, là điểm hợp lưu giữa sông Gâm và sông Năng tạo nên một cảnh sắc “Sơn thuỷ hữu tình”. Đây là một ngôi đền thiêng, mỗi khi du khách qua đây đều ghé lại thắp hương cầu nguyện.

* Di tích chùa Phúc Lâm (xã Thượng Lâm) được khởi dựng thời nhà Trần với những phế tích kiến trúc giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật tôn giáo thời Trần về quy mô, kiểu dáng, vật liệu kiến trúc và phong cách điêu khắc, hoạ tiết hoa văn trang trí…

* Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương (xã Năng Khả). Nơi đây là địa điểm tổ chức in tiền đầu tiên của nhà nước cách mạng Việt Nam.

* Di tích Xưởng Quân khí H52 (xã Thượng Lâm) và địa điểm sản xuất diêm tiêu (xã Năng Khả) là 2 cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954.

* Thắng cảnh thác Nặm Me (xã Khuôn Hà) là một con thác lớn tiêu biểu trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m, cao trên 200m so với mặt nước biển với 15 tầng thác lớn, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ với lưu lượng nước khá đều quanh năm. Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thuỷ điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn.

* Thắng cảnh Thượng Lâm (xã Thượng Lâm) với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng và 99 ngọn núi kỳ thú, nguyên sơ bao quanh lòng hồ xanh trong. Nơi đây được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”.

* Thắng cảnh động Song Long là một hang động đẹp, cách mặt nước hồ thuỷ điện trên 200m, lòng hang có nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, hấp dẫn khách đến tham quan du lịch.

Ngoài ra ngay bên thị trấn Nà Hang có thác nước Pác Ban kỳ ảo, thơ mộng, được Bộ Văn hoá -Thông tin xếp hạng là thắng cảnh quốc gia. Thác Pác Ban có chín tầng (5 tầng thác lớn, 4 tầng thác nhỏ). Đây là điểm du lịch sinh thái với thảm thực vật phong phú nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung (Nà Hang) không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi những nét văn hoá riêng với những điệu hát then, hát lượn, hát sli và kho tàng truyện cổ tích truyền miệng phong phú.

Huyện Nà Hang không chỉ có những nét đặc thù về điều kiện tự nhiên hiếm nơi có được, mà còn phong phú bởi nét văn hóa độc đáo của 15 dân tộc, trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh… với những lễ hội Lồng Tông, mừng lúa mới, lễ cấp sắc… vẫn duy trì. Vào mùa xuân không gian tràn ngập màu sắc của thổ cẩm và tiếng khèn Mèo, tiếng đàn tính.

Đến Nà Hang, bạn có thể nghỉ ngơi thư giãn trong những căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá cọ vừa độc đáo vừa dân dã, thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng: cơm lam chấm muối vừng, măng rừng chấm mẻ, canh rau đắng, đặc biệt là rượu ngô được làm bằng men là cây rừng, càng uống càng say lòng; hay thưởng thức món cá đặc sản nổi tiếng: dầm xanh, anh vũ.

KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN NA HANG

 Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang Được thành lập trên quyết định số 274/UB-QĐ ngày 09/05/1994 của UBND tỉnh Tuyên Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang có diện tích 22.401,5 ha nằm trên địa bàn 4 xã Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú, Thanh Tương của huyện Na Hang.

Khu bảo tồn còn khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới ở tình trạng nguyên sinh hoặc ít bị tác động của con người. Trong đó có khoảng 70% là rừng trên núi đá vôi, tuy nhiên còn có những vùng rừng thường xanh còn lại trên các đai thấp (Cox, 19942 ). Đã xác định được trên 2.000 loài thực vật với nhiều loài trong Sách đỏ Việt Nam như Trai (Garcinia fragraeoides), Mun (Diospyrus mollis), Nghiến (Burretiodendron hsienmu), Lát Hoa (Chukrasiatabularis A.juss), Đinh (Markhamia stipulata), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Hoàng đàn, Trầm gió.

Hệ động vật trong khu bảo tồn có độ đa dạng sinh học cao, đã ghi nhận được 90 loài thú, 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài lưỡng cư. Có 13 loài thú trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có loài Voọc mũi hếch sinh sống với quần thể lớn nhất, đây là loài Linh trưởng đang bị đe dọa toàn cầu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tổ hợp rừng trên núi đá vôi Na hang nằm trong hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới Bắc Đông Dương. Tại đây có 8 loài Khỉ hầu bị đe dọa tuyệt chủng mang tính toàn cầu. Vùng phân bố thế giới của loài Voọc mũi hếch và Voọc đầu trắng đều ở trong hệ sinh thái này. Chính vì vậy, Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là trong trong 223 hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới (Olson & Dinnerstein, 19983 ).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây