Giới thiệu khái quát huyện Lâm Bình

huyện Lâm Bình - Tỉnh Tuyên Quang

Giới thiệu khái quát huyện Lâm Bình

Ngày 28/01/2011, Chính phủ đã có Nghị quyết số 07-NQ/CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa để thành lập huyện Lâm Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang

Lâm Bình là huyện vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh, trung tâm huyện được đặt tại xã Lăng Can, trên 10 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ ở 75 thôn, bản và trên 30.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 60%; có 08 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên, Xuân Lập, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang;. Huyện có 78.152,17 ha diện tích tự nhiên; trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 2.444,12ha, đất lâm nghiệp 68.985,15ha, trong đó: đất rừng sản xuất 15.810,41ha, rừng phòng hộ 48.771,44ha. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với chăn nuôi đại gia súc, trồng các loại cây công nghiệp như: chè, lạc, bông, cao su…

  1. ĐỊA LÝ

Huyện Lâm Bình ở vùng cao phía bắc tỉnh Tuyên Quang; có vị trí địa lý từ  21029′ đến 22042′ vĩ bắc, từ 104053′ đến 1050‘ kinh đông. Phía đông giáp huyện Nà Hang (Tuyên Quang), đông bắc giáp huyện Bắc Mê (Hà Giang); tây và tây bắc giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang (Hà Giang); nam giáp huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Từ tỉnh lỵ Tuyên Quang đến  trung tâm huyện đi theo hai tuyến:

– Tuyến 1: Dài 150 km, từ tỉnh lỵ Tuyên Quang đi theo Quốc lộ 2A (Tuyên Quang – Hà Giang) đến km 31 rẽ phải theo đường tỉnh 190 qua thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hoá) đến huyện Nà Hang; đi tiếp 40 km đường Nà Hang- Lăng Can.

– Tuyến 2: Dài 123 km, từ tỉnh lỵ Tuyên Quang đi theo Quốc lộ 2A (Tuyên Quang – Hà Giang) đến km 31 rẽ phải theo đường tỉnh 190 qua thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hoá) theo đường tỉnh 188, đi tiếp 55 km đường Chiêm Hóa – Lăng Can.

Địa hình Lâm Bình hiểm trở, có nhiều núi đá vôi, thấp dần từ bắc xuống nam; bị chia cắt rất lớn, nhiều vùng gần như biệt lập, sự gắn kết giữa các vùng dân cư, các điểm KT-XH hạn chế. Nằm trên vòng cung sông Gâm, Lâm Bình có nhiều dãy núi lớn. Núi đất và núi đá xen kẽ lẫn nhau, tạo thành nhiều thung lũng lớn, nhỏ. Huyện có nhiều đỉnh núi cao trên 1000 m, tập trung chủ yếu ở các xã Lăng Can, Xuân Lập, Phúc Yên, dãy núi có đỉnh cao nhất là núi Phia Choóng (thuộc địa phận xã Bình An, cao 1.229m).

Đây cũng là những nơi có địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh, giao thông khó khăn, độ che phủ của rừng còn khá lớn, đó cũng là vùng giàu tài nguyên nhất của huyện. Rừng Lâm Bình có nhiều loại gỗ, dược thảo và muông thú quý, hiếm; đó là thế mạnh kinh tế cơ bản của huyện. Nằm ở thượng nguồn sông Gâm, rừng  có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, hạn chế tác dụng của lũ, lụt đối với vùng hạ lưu.

Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 78.495,51ha; trong đó: Đất nông nghiệp: 71.214,65 ha, chiếm 90,72%, trong đó đất lâm nghiệp: 68.969,78 ha, chiếm 87,86%; đất sản xuất nông nghiệp 2.180,47ha, chiếm 2,78%; Các loại đất khác: 7.280,86 ha, chiếm 9,28%. Diện tích đất nông nghiệp của huyện không lớn, thích hợp với việc phát triển cây lương thực, cây công nghiệp. Có thảm thực vật phong phú để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đất đai, khí hậu một vài nơi cho phép trồng các loại cây ăn quả ôn đới và phát triển nghề rừng.

Sông, suối có tốc độ dòng chảy lớn, nhiều thác ghềnh, thường lũ trong mùa mưa; tuy có gây một số khó khăn trong phát triển KT-XH, song cũng có những tiềm năng kinh tế. Đặc biệt, huyện có diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Tuyên Quang trên 3.500ha, ngoài cung cấp nước phục vụ đời sống, sản xuất, sông suối còn có nguồn thuỷ sản khá phong phú với nhiều loại cá ngon và thuận lợi trong phát triển du lịch, là đường giao thông quan trọng giữa các vùng, đồng thời có thể phát triển thuỷ điện nhỏ và các công trình thuỷ điện lớn. Nhiều thác nước tạo nên những thắng cảnh hấp dẫn.

Do ảnh hưởng của địa hình, khí hậu của Lâm Bình  phụ thuộc vào độ cao và đặc điểm của núi. Vùng cao trên 800m mang sắc thái khí hậu á nhiệt đới, nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng trên 30độ. Vùng thấp dưới 800m mang sắc thái khí hậu á nhiệt đới, nóng, ẩm. Khí hậu trong năm chia làm 4 mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình trong năm là 22độ, độ ẩm không khí khoảng 85%, lượng mưa trung bình 1.800 mm.

Nằm sâu trong nội địa, được che chắn bởi nhiều dãy núi cao, Lâm Bình thường hay có gió xoáy, gió lốc thất thường, không theo chu kỳ. Mùa lạnh nhiều sương, đầu mùa hè hay có mưa đá, mùa mưa thường có các trận lũ ngắn đột ngột.

Nguồn tài nguyên chính là rừng với 68.985,15 ha, rừng có nhiều loài cây gỗ quý: Đinh hương, trai, sến, nghiến,… và có nhiều loại thú quý hiếm, trong đó có loài Voọc mũi hếch, nằm trong danh mục đỏ của thế giới cần được bảo vệ, Ngoài ra còn có các loại khoáng sản: Antimon, vàng… Trữ lượng khoáng sản không lớn, khó khai thác vì địa hình phức tạp, GT-VT khó khăn.

Điều kiện tự nhiên tạo cho huyện những thuận lợi để phát triển nền kinh tế lâm, nông nghiệp. Tuy vậy, sự phức tạp của địa hình gây khó khăn lớn cho phát triển giao thông liên lạc, xây dựng các trung tâm dân cư, kinh tế-văn hóa-xã hội. Những hiện tượng thiên nhiên đã gây tác hại đến phát triển kinh tế như lũ lụt gây hậu quả lớn vào năm 1971 và 1986; rét đậm, rét hại vào năm 2008… Địa hình hiểm trở, dân cư phân tán, trình độ dân trí còn hạn chế, Lâm Bình có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh.

  1. DỰNG ĐẶT CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Đất huyện Lâm Bình ngày nay vốn thuộc huyện Chiêm Hóa và huyện Na Hang. Theo Đại Nam nhất thống chí[2] và các sách địa lý học lịch sử khác: Các đời Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) địa bàn các huyện trên thuộc châu Vị Long. Thời thuộc Minh (1414-1427) là châu Đại Man.  Từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn, châu Đại Man thuộc phủ Yên Bình. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) đổi gọi châu Đại Man là châu Chiêm Hóa, thuộc phủ Yên Ninh (sau đổi là phủ Tương Yên)[3].

Trong thời kỳ Pháp thống trị, châu Chiêm Hóa thuộc Tiểu quân khu Hà Giang (1891-1895), rồi thuộc Tiểu quân khu Tuyên Quang (1895-1900) nằm trong Đạo quan binh 3[4], rồi  thuộc tỉnh Tuyên Quang tái lập ngày 11/4/1900[5].

Tháng 11/1944  châu Chiêm Hóa được chia làm hai châu Chiêm Hóa và Nà Hang. Châu Chiêm Hóa gồm 4 tổng: Cổ Linh, Đài Quan, Vĩnh Gia và Thổ Bình. Châu Nà Hang gồm 3 tổng: Vĩnh Yên, Thượng Lâm và Côn Lôn.

Ngày 26 tháng 2 năm 2011, tại xã Lăng Can (huyện Nà Hang), Tỉnh ủy và UBND  Tuyên Quang tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 28/1/2011 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nà Hang và huyện Chiêm Hóa để thành lập huyện Lâm Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang.

bando lambinh - Giới thiệu khái quát huyện Lâm Bình

Đến năm 2013, huyện Lâm Bình có 8 xã với 75 thôn:

Tên xã Tổ, thôn, bản
 1. Xã Bình An

– Dân số: 3.156

– Số hộ: 687

7 thôn: Nà Coóc, Tống Pu; Phiêng Luông, Tát Ten, Nà Xé, Chẩu Quân, Bản Dạ
2. Xã Hồng Quang

– Dân số: 3.615

– Số hộ: 808

9 thôn: Bản Tha, Nà Nghè, Thượng Minh, Khuổi Xoan, Lung Luông, Thẳm Hon, Bản Luông, Nà Chúc, Pooi
3. Xã Thổ Bình[6]

– Dân số: 5.526

– Số hộ:  1.298

10 thôn: Bản Pước, Bản Phú, Vằng Áng, Bản Piát, Nà Vài, Lũng Piát, Nà Mỵ, Nà Bó, Tân Lập, Nà Cọn
4. Xã Thượng Lâm

– Dân số: 5.474

– Số hộ: 1.249

14 thôn, bản: Nà Bản, Nà Liềm, Nà Đông, Nà Lung, Nà Ta, Nà Tông, Nà Thuôn, Nà Va, Nà Lầu, Khau Đao, Khun Hon, Cốc Phát, bản Bó, Bản Chợ.
5. Xã Khuôn Hà

– Dân số: 3.550

– Số hộ: 778

12 thôn: Lung May, Nà Kẹm,  Nà Thom,  Nà Vàng,  Nà Muông,  Hợp Thành,  Nà Chang,  Nà Thếm,  Ka Nò,  Nà Ráo,  Nà Thảng,  Nà Hu.
6.  Xã Lăng Can[7]

– Dân số: 5.312

– Số hộ: 1.186

12 thôn, bản: Làng Chùa, Nà Khà, Khau Quang, Nặm Chá, Nặm Đíp, Nà Mèn, Đon Bả, Phai Tre (B), bản Kè (A), bản Kè (B), Phai Tre (A), bản Khiển
7.  Xã Phúc Yên

– Dân số: 2.740

– Số hộ: 550

6 thôn, bản: Bản Thàng, bản Bon, bản Tấng, thôn Phiêng Mơ, thôn Khau Cau, thôn Nà Khậu
8.  Xã Xuân Lập

– Dân số: 2.095

– Số hộ: 434

5 thôn: Nà Co, Khuổi Trang, Nà Lòa, Lũng Giềng, Khuổi Củng

 

III. DÂN CƯ

Đến 2013, huyện có 6.990 hộ, với 31.468 nhân khẩu. Trong đó, nam 15.855 người; nữ 15.613 người. Dân số nông thôn: 31.468 người

Cư dân sinh sống trên địa bàn huyện gồm 14 dân tộc, trong đó: Tày 19.354 người, Dao 8.438 người, Kinh 1.016 người, H Mông 2.135 người, Pà Thẻn 419 người còn lại là các dân tộc khác.

  1. LỊCH SỬ

(Xem: Huyện Chiêm Hóa và huyện Nà Hang)

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng:

Stt Họ và tên Năm sinh Dân tộc Quê quán
1 Ma Thị Sao 1924 Tày Xã Hồng Quang

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Lâm Bình có 128 liệt sĩ, 33 thương binh, 17 bệnh binh.

  1. KINH TẾ
  2. Những ngành nghề chính

– Sản xuất nông nghiệp: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 2.180,47 ha, các cánh đồng phần lớn nhỏ, hẹp, phân tán dọc các triền đồi, một số cánh đồng rộng nằm ở các xã: Thượng Lâm, Thổ Bình, …Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện tuy không lớn song mầu mỡ, thích hợp với việc phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng các loại cây ăn quả ôn đới.

– Lâm nghiệp: Toàn huyện có 68.969,78 ha đất lâm nghiệp. Rừng có nhiều loại gỗ, thảo dược và muông thú quý, hiếm.

  1. Những thế mạnh của huyện:

Nông lâm nghiệp thủy sản: Điều kiện tự nhiên của huyện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như: Bông, chè Shan, lạc… Chăn nuôi đại gia súc như: Trâu, bò, ngựa, dê …Các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Dầm xanh, Anh vũ, cá lăng, cá Chiên; nuôi cá Tầm trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Độ che phủ rừng đạt trên 70%, có nhiều loài cây quý hiếm như: Đinh hương, nghiến, trai, sến…

          Công nghiệp: Công nghiệp khai khoáng, chế biến nông, lâm sản…
 Du lịch:

          * Du lịch tâm linh: di tích chùa Phúc Lâm, đền Pú Bảo…

          * Du lịch sinh thái:  Lâm Bình có rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, bảo tồn được nhiều loại động vật quý hiếm; danh thắng 99 ngọn núi, thác Nặm Me…là tiềm năng để phát triển.  Vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang: Hòn Cọc Vài, thác Khuổi Slung, động Song Long, hang Phia Vài, xưởng Quân khí H52.

          * Du lịch văn hóa: Hàng năm, vào tháng Giêng có lễ hội Lồng tông ở Thượng Lâm, Lăng Can với các hoạt động: Lễ xuống đồng, hội tung còn, đánh pàm, đánh yến, đẩy gậy, kéo co; biểu diễn then, cọi, quan làng của người Tày; hát páo dung của người Dao; thổi khèn lá, múa khèn của người Mông, lễ nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn ở Hồng Quang, lễ giã cốm của dân tộc Tày. Năm 2012, lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

          * Du lịch danh lam thắng cảnh: Lâm Bình có danh thắng 99 ngọn núi, Cầu Da (xã Thượng Lâm).

  1. Một số kết quả về kinh tế

Tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt 17.375 tấn. Năng suất lúa 56,2 tạ/ha, năng suất ngô 38,7 tạ/ha. Hệ số sử dụng đất 2,1 lần. Diện tích cây chè đạt 247,3 ha,.. Đang triển khai một số cây trồng mới, như: Lúa lai, ngô lai; cây bông được trồng ở các xã: Thượng Lâm, Lăng Can, Phúc Yên, Khuôn Hà, …Trong thời gian tới, chú trọng phát triển cây công nghiệp hàng hoá: Lạc, chè, mía và một số cây dược liệu.

Đàn trâu có 8.312 con, đàn bò 1.345 con, đàn lợn có 23.476 con. Thực hiện Dự án ương nuôi cá giống thả hồ chứa nước thủy điện Tuyên Quang. Đang triển khai những vật nuôi mới như: Cá tấm, cá lăng, cá rô phi đơn tính, phát triển 56 lồng cá trên hồ thủy điện, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản năm 2013 đạt 331 tấn.

– Lâm nghiệp: Song song với khai thác, huyện thực hiện việc trồng, khoanh nuôi, tái sinh rừng, tập trung vào các loại cây chủ yếu: Quế, lát, mỡ, keo, …Sau khi thực hiện giao đất, giao rừng, toàn huyện có 68,985 ha rừng. Độ che phủ rừng đạt trên 70%.

Công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 1994) đạt 10.140 triệu đồng.

Thủ công nghiệp

Những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống:

– Nghề trồng bông chủ yếu ở các xã: Thượng Lâm, Lăng Can, Phúc Yên, Khuôn Hà, sản phẩm là bông, vải sợi.

– Nghề dệt thổ cẩm ở các xã: Thượng Lâm, Lăng Can, Phúc Yên, Khuôn Hà, sản phẩm là chăn, gối, địu, quần áo, khăn, túi thổ cẩm.

– Nghề đan lát mây, tre, giang ở xã Lăng Can, sản phẩm là: Mành cọ, khay, giỏ, đĩa,  …

– Nghề gò, hàn, rèn ở các xã Thượng Lâm, Xuân Lập, Bình An với sản phẩm là dao, cuốc, xẻng, cày, bừa và các sản phẩm khác..

– Nghề mộc ở các xã Thượng Lâm, Lăng Can, Thổ Bình với sản phẩm là gỗ, ván, tủ, giường, bàn ghế…

– Các ngành nghề mới: Khai thác sỏi, cát ở xã Lăng Can, khai thác đá ở Thượng Lâm, Lăng Can; sản xuất gạch không nung chỉ ở các xã Lăng Can, Thổ Bình…

Dịch vụ, thương mại

Huyện có 03 chợ để trao đổi, mua bán các mặt hàng tiêu dùng và 16 điểm bán hàng chính sách xã hội. Các chợ tiêu biểu là:

– Chợ Thượng Lâm (trung tâm xã Thượng Lâm) họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Hàng hoá tiêu biểu bán tại chợ là quần áo, giầy, dép, hàng nông sản, lương thực, thực phẩm.

– Chợ Lăng Can (trung tâm xã Lăng Can) họp vào thứ 7 hàng tuần.

– Chợ Hồng Quang (trung tâm xã Hồng Quang) họp vào thứ 5 hàng tuần.

Giao thông vận tải

 – Đường bộ:

 

TT

 

Tên đường

 

Số hiệu đường

 

Chiều dài (km)

Bề rộng mặt đường (m) Bề rộng nền đường (m)  

Điểm đầu điểm cuối

Cầu, tràn, ngầm
I Quốc lộ 279 5 5 8 Đi qua xã Hồng Quang
II Đường tỉnh
1 ĐT.185 58 3,5 7,5 Từ cầu Chóm (xã Năng Khả) đến đỉnh  đèo Khau Cau (xã Phúc Yên) 5 cầu to, 5 tràn
2 ĐT.188 38,7 3,5 7,5 Từ đầu xã Thổ Bình đến trung tâm xã Xuân Lập 2 tràn
III Đường huyện
1 Thượng Lâm đến Bến thủy ĐH.01 4 3,5 7,5 Ngã ba giao với ĐT.185 – Bến thủy xã Thượng Lâm 1 tràn
2 Thượng Lâm- Phúc Yên ĐH.02 8 6 3,5 Xã Thượng Lâm – xã Phúc Yên
3 Nà Nghè – Thượng Minh, xã Hồng Quang ĐH.04 12 6 3,5 Thôn Nà Nghè – thôn Thượng Minh 1 tràn
4 Thôn Tát Ngà, xã Phúc Yên – xã Thúy Loa (cũ) ĐH.03 12 6 3,5 xã Phúc Yên – xã Thúy Loa (cũ)
IV Đường đô thị
1 Nà Mèn – Tràn Nặm Đíp ĐT.01 6 (3 km trùng với ĐT 185) 3 3 Thôn Nà Mèn – thôn Nặm Đíp
2 Tràn UBND xã Lăng Can – Sân vận động Bản Kè 4 (01 km trùng với ĐT 188, 02 km trùng với ĐT 185) 6 6 Tràn UBND xã Lăng Can – Sân vận động Bản Kè
3 Sân vận động Bản Kè – Bản Khiển ĐT.03 2 6 3 Sân vận động Bản Kè – Bản Khiển 2 tràn

Tổng số phương tiện hoạt động đón, trả khách tại bến xe có 06 xe khách, trong đó: Vận tải khách các tuyến liên tỉnh 06 xe; vận tải khách các tuyến liên tỉnh liền kề 01 xe; vận tải khách các tuyến nội tỉnh, nội huyện 06 xe; tổng số xe xuất bến bình quân 07 chuyến/ngày, lượng khách xuất bến trung bình 200  khách/ngày.

– Đường thuỷ: Có 02 tuyến.

+ Tuyến 1: Bến Thủy (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình) đi huyện Na Hang

+ Tuyến 2: Bến Thủy ( xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình) đi huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Bưu chính viễn thông

Huyện có 02 Bưu cục cấp III: Bưu cục Lăng Can phụ trách quản lý mạng bưu chính  trên toàn huyện và Bưu cục Thượng Lâm; 05 điểm bưu điện văn hoá xã gồm: Khuôn Hà, Xuân Lập, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang.

Đường thư vận chuyển đi Tỉnh lỵ mỗi ngày 01 chuyến. Duy trì phát công văn, thư báo đến 100% các xã, các cơ quan, đơn vị trong huyện hàng ngày.

Huyện có 1 Đài truyền thanh – Truyền hình; 01 trạm thu phát sóng truyền hình ở xã Thượng Lâm. Đã lắp đặt và đưa vào sử dụng các trạm truyền thanh không dây ở 8/8 xã.

  Điện khí hoá nông thôn

Năm 1996, mạng lưới điện quốc gia được đưa vào sử dụng và hoạt động ổn định. Đến nay, đường điện đã đến 100% xã với 100 km đường dây 35 kv; 108 km đường dây 0,4 kv và có 44 trạm biến áp.

  1. VĂN HÓA
  2. Di tích, danh thắng

Có 07 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia: Chùa Phúc Lâm, xưởng Quân khí H52, hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me, thắng cảnh Thượng Lâm; Đền Pú Bảo.

* Chùa Phúc Lâm, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm: Nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong khu vực, được xây dựng từ thời Trần.

* Danh thắng Thượng Lâm, xã Thượng Lâm: Cảnh đẹp tự nhiên với 99 ngọn núi cao, đứng xen kẽ nhau, bao quanh xã Thượng Lâm, tạo thành quần thể núi đá rất ngoạn mục gắn với huyền thoại 100 con Phượng hoàng.

* Thắng cảnh thác Nặm Me, thuộc khu vực Hát Nghiền xã Khuôn Hà: Còn có tên thường gọi trong nhân dân là thác Nước Mẹ là con thác lớn bắt nguồn từ rừng đại ngàn Sinh Long. Nước được dồn từ nhiều khe nhỏ chảy ngầm qua những dãy núi trong khu bảo tồn Tát Kẻ-Bản Bung đến dãy núi Hát Nghiền, dòng nước lộ ra ngoài và đỏ xuống thành dòng thác lớn, thác Nạm Me được phân cấp thành 15 tầng thác lớn nhỏ xen lẫn nhau thành một dòng thác đổ xuống như một dải lụa trắng.

* Thắng cảnh động Song Long thuộc xã Khuôn Hà, động nằm lưng chững núi đá vôi, trải qua hàng triệu năm thiên nhiên đã dày công gọt giũa tạo thành một tuyệt tác điêu khắc bằng đá với nhiều thạch nhũ mang đủ màu sắc lấp lánh như hoa cương được ban tặng bởi bàn tay hào phóng của tạo hóa.

* Hang Phia Vài, xã Khuôn Hà: Di tích khảo cổ điển hình, tìm thấy bộ di cốt người nguyên thủy bán hóa thạch và hàng nghìn công cụ lao động có niên đại cùng thời văn hóa Hòa Bình.

* Động Song Long, xã Khuôn Hà: Một hang động đẹp, có quy mô khá lớn trong vùng, cách mặt nước hồ thủy điện trên 200m, lòng hang có chiều cao khoảng 40m, rộng khoảng 50m, sâu trên 200m, nhiều cột thạch nhũ với các hình kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, lòng hang được chia thành nhiều ngách, ngăn nối tiếp, nhau hấp dẫn khách thăm quan du lịch.

* Di tích xưởng Quân khí H52, xã Thượng Lâm do đồng chí Ngô Gia Khảm làm giám đốc, là nơi sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1950 – 1954.

* Đền Pú Bảo, thôn Bản Kè (B), xã Lăng Can là nơi thờ Siêu nhạc bá Nguyễn Thế Quần, người có nhiều công tích trong việc cầm quân dẹp giặc, chăm lo cuộc sống của nhân dân.

  1. Thư viện, nhà văn hoá

– Toàn huyện có 08/08 nhà văn hoá xã; 47/75 nhà văn hoá thôn, bản.

VII.  GIÁO DỤC

– Năm học 2013-2014: Toàn huyện có 26 trường học, trong đó: Mầm non: 8 trường, tiểu học: 8 trường, THCS: 8 trường, THPT: 02 trường.

– Số lớp học của từng cấp học: Mầm non: 120 nhóm lớp với 2.280 học sinh; Tiểu học178 lớp với 2.548 học sinh; Trung học cơ sở 62 lớp với 1.790 học sinh; THPT: 21 lớp, với 837 học sinh.

–  Giáo viên: Mầm non: 199 (cán bộ quản lý: 21, giáo viên:170, nhan viên: 08); Tiểu học: 251(cán bộ quản lý:22, giáo viên: 220, nhân viên: 09); THCS: 155 (cán bộ quản lý: 16, giáo viên: 128, nhân viên: 11); THPT: 53 (cán bộ quản lý: 04, giáo viên: 47, nhân viên: 02).

 VIII. Y TẾ

Năm 2014, huyện có 1 bệnh viện đa khoa, với 50 giường bệnh và 8 trạm y tế xã với 40 giường bệnh

 Huyện có 12  bác sỹ;  52 Y sĩ ; 23 điều dưỡng, nữ hộ sinh;  5 dược sỹ.

[1] Phần này sử dụng số liệu đến hết năm 2011

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí tập IV, Nxb Khoa học xã hội, 1971.

[3] Phủ Yên Ninh: Lập năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), gồm các châu huyện tách từ  phủ cũ Yên Bình, gồm hai huyện Vĩnh Điện, Để Định (do tách châu Bảo Lạc), huyện Vị Xuyên (do tách châu Vị Xuyên) và châu Chiêm Hóa. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đổi gọi là phủ Tương Yên.

[4] Đạo quan binh 3 gồm 3 Tiểu quân khu: Tuyên Quang, Bắc Quang, Hà Giang. Tiểu quân khu Tuyên Quang bao gồm:  Châu Chiêm Hóa, châu Lục Yên, phủ Yên Bình, huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên và tổng Phú Loan tách ra từ huyện Vị Xuyên sáp nhập vào huyện Hàm Yên.

[5] Tỉnh Tuyên Quang  được tái lập ngày 11/4/1900, gồm phủ Yên Bình và các châu Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa rút từ Tiểu quân khu Tuyên Quang ra.

[6] Quyết định số 200-NV ngày 21/4/1969 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Hợp nhất hai xã Thổ Bình và Trung Thành, lấy tên là xã Thổ Bình.

[7] Quyết định số 269 -NV ngày 22/5/1969 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Hợp nhất hai xã Lang Can và Thượng Yên, lấy tên là Lang Can.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây