Chín chín nhịp – Thơ Vạn Lộc

Chín chín nhịp

Thơ tứ tuyệt của Vạn Lộc

Tôi đọc thơ chị Vạn Lộc từ lâu, có những bài thích lắm như bài Chợ Cồn trong tập thơ: Gió thổi từ Đông Yên. Nhưng có lẽ thơ tứ tuyệt của chị tôi vẫn thích hơn. Chị Vạn Lộc làm thơ tứ tuyệt khoảng hơn chục năm nay. Thơ chị chín dần, xuất hiện những tứ mới, giọng điệu mới hơn, câu chữ nhuần nhị hơn. Tôi rất thích bài Lắng:

Chim ríu ran ngoài giậu
Người trầm ngâm trong nhà
Người và chim đâu biết
Xuân hồn nhiên reo ca.

Bài thơ đâu chỉ nói chuyện chim với người mà sâu xa hơn nữa đấy. Một tứ thơ thật bất ngờ. Bài Soi cũng là bài thơ có tứ hay và sâu sắc:

         Trước gương mình lại gặp mình
         Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi
         Nếu mai gương vỡ mất rồi
         Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình.

Tôi tham lam muốn giới thiệu thêm với các bạn thêm bài Trả mà câu tôi thích là “Anh cho em mượn tấm lòng” “Mượn tấm lòng” là ý mới chưa thấy ai viết bao giờ:

Anh cho em mượn tấm lòng
Em gom trả nỗi nhớ mong tháng ngày
Qua rồi một thuở đắm say
Còn chăng kỷ niệm vơi đầy trang thơ.

Còn có thể nhắc đến một số bài thích nữa như: Xuân về, Hỏi, Bóng hư vô, Nghịch lý… các bạn sẽ thấy cái hay của nó.

Thơ bốn câu là thể loại ngắn nhưng lại nói được những vấn đề sâu xa. Chị Vạn Lộc đã lớn tuổi, đã trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, suy nghĩ và cảm xúc đã lắng lại… nên chọn thể thơ bốn câu để giãi bày nỗi lòng mình là rất hợp. Chị có thế bình tĩnh, cân nhắc cấu tứ, chọn hình ảnh, câu chữ, làm cho bài thơ thật cô đọng. Vì thế mang đến cho chị những thành công đáng trân trọng.

Với tập thơ Chín chín nhịp, Vạn Lộc đã khéo léo né tránh được những sở đoản để vươn đến những sở trường của thể thơ tứ tuyệt… Lại đọc thơ chị, thơ như gừng càng già càng cay.

                                Thanh Quế

(Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam)

 

BIẾT SÁT NA LÀ VÔ THƯỜNG 
  PHÚT GIÂY HIỆN HỮU 
     YÊU THƯƠNG CÕI NGƯỜI 

 
  ĐÓA TỪ TÂM NỞ TRÊN MÔI 
                             GIEO MÙA 
 CỎ NGỌT GIỮA ĐỜI AN VUI 

 

 

Chín chín nhịp

Chiều gió lộng mây trời ửng tím
Giọt thơ bay, ngọt phía sương ngàn,
Gieo tứ tuyệt, đơm mùa chín chín
Nhịp đa mang, réo rắt cung đàn.

 

Bên bàn thờ cha

Cha mất, con còn hôi sữa
Mẹ nơi đất khách quê người
Nuôi con, một đời rong ruổi
Trần gian khổ lắm cha ơi!

 

Mẹ

Là biển rộng, là trời cao
Là dòng suối mát, ngọt ngào đời con
Là vầng trăng, rọi tâm hồn
Dõi chân con bước, mẹ còn bước theo.

 

Lắng mình

Ngẫm ngợi viết vài ý
Làm kiếp tằm nhả tơ
Nghĩa tình và đạo lý
Lắng thơm từng câu thơ.

 

Tơ lòng

Con tằm mài miệt dâng tơ
Đủm dâu bén rễ, mầm thơ tượng tình
Vắn dài, thấm giọt ba sinh
Lan từ sâu thẳm tim mình lan ra.

 

Hư vô

Ngày xưa bụi cuốn tung trời
Chiều nay ai đó buông lời lãng quên
Vội vàng lục sách tìm tên
Mới hay chiếc bóng bên đèn hư vô.

 

Bên đèn

Đem bao nhiêu thương nhớ
Rót tình vào đêm thâu
Năm canh hoài trăn trở
Đèn thức cạn niềm đau.

 

Chân trời tím

Anh chưa thoát niềm ân hận
Em còn nửa giấc mơ đời
Ta vụn vỡ thời lận đận
Câu thơ rớt phía chân trời.

 

Dủ dẻ

Cánh hoa vàng, con dốc quen
Tặng ai buổi ấy, ủ men tình đầy
Hương nồng đườm đượm trên tay
Mà thơm suốt, những tháng ngày chia xa.

 

Hồn quê

Phù sa bồi đắp bãi bờ
Vàng mơ lúa chín, xanh mờ dâu non
Chiều xưa mẹ nhặt hoàng hôn
Dặm xa lưu luyến mãi còn hương cau.

 

Cam

Hè qua lủng lẳng quả tròn
Vàng Thu nhạt nắng nên còn vị chua
Xuân thì chưa gội gió mưa
Để em sẫm chín trước mùa gió Đông.

 

Bến chiều

Ngỡ là thôi chuyến ngậm ngùi
Ngỡ là con nước đã xuôi theo dòng
Tháng Ba, mưa chạm cơn giông
Lòng mênh mông tựa khúc sông vắng đò.

 

Thắp sương

Ta thẩn thơ với ngàn thông
Nắng thêu triền gió, hương lồng phố mây
Hoàng hôn, trời thắp sương đầy
Tình xưa bỗng hoá một ngày trong veo.

 

Một thoáng ngàn thông

Thông xanh dạo khúc đại ngàn
Người xưa, phố cũ bàng hoàng nước mây
Cạn chiều, ấm lạnh đan tay
Chưa xa, mà đã hao gầy dáng thông.

 

Hoa xoan

Hoa xoan tím, rắc đôi bờ
Ai gieo câu hát để thơ chạnh dòng
Giật mình, sương vấp mông lung
Vạc kêu chậm tiếng, não nùng chiều rơi!

 

Nỗi niềm

Một buổi ta về, xanh thảm lá
Đồi thông lành lạnh nắng vàng phơi
Sợi buồn, ai cứa xuyên lòng đá
Buốt khói sương phai. Tóc bạc rồi.

 

Giọt tím Huế

Hương giang lặng lẽ cuốn ngày trôi
Phượng trĩu hoàng hôn níu mắt trời
Ai thả bóng thuyền thơ lãng đãng
Ướt lòng chiều lạnh, tím Huế ơi.

 

Đợi mùa

Xuân thì, lo cơm áo
Chừ, em sắc Hạ tàn
Con, ngày Thu khôn lớn
Lập Đông thôi nồng nàn.

 

Cuối thu

Thu tiễn người đi, mùa luyến tiếc
Vầng trăng đơn lẻ đợi ai về
Chao thầm chiếc lá sầu ly biệt
Sương lạnh hồ như buốt bến mê.

 

Tây Giang

Buổi sớm mặt trời lên sáng núi
Hoang vu trưa nắng ngút truông ngàn
Chiều e ấp nhịp sương giăng lối
Đêm bập bùng thơ, thánh thót đàn.

 

IMG 6021 min - Chín chín nhịp - Thơ Vạn Lộc

 

Ngóng xuân

Hồn xuân thầm đợi hương mai
Gió xuân khoe sắc nắng lay vườn nhà
Cúc vàng gội nỗi thiết tha
Người xưa đâu? Gió xót xa biệt mù…

 

Bà Nà

Cho ta gói sương khuya vào vạt áo
Gói chút trăng mờ trên đỉnh non cao
Với tay chạm muôn vì sao xanh biếc
Ôm Bà Nà về giữa phố xôn xao.

 

Núi Nhạn

Hẹn về núi Nhạn và em
Cõi thơ huyền nhiệm yêu thêm cõi đời
Hồn ta xanh gió trùng khơi
Thơm câu muối mặn, ngọt lời gừng cay.

 

Lặng

Mây lạc bơ vơ trời xứ lạ
Tre ươm bóng nắng rợp quê nhà
Ai người trở lại vườn dâu nhỉ?
Lặng lẽ con tằm nhả xót xa.

 

Lắng

Chim ríu ran ngoài giậu
Người trầm ngâm trong nhà
Người và chim đâu biết
Xuân hồn nhiên reo ca.

 

Nếu

Hoa kia rồi sẽ phai tàn
Cho đời thơm nức muôn ngàn quả tươi
Nếu ta chỉ có nụ cười
Làm sao biết được rối bời lòng ai.

 

Độc thoại

Thắp lên ngọn nến nhỏ
Ảo ảnh soi trên tường
Lung linh và mờ tỏ
Tìm đâu bóng người thương.

 

Lẽ đời

Dẫu rạng rỡ vườn xuân mộng
Giàu sang, danh vọng bao nhiêu?
Xem như chưa từng được sống
Khi đời chẳng một lần yêu.

 

Gót thương

Nào ai trăng gió bên đời
Ngày riêng em, rả rích trời mưa tuôn
Tuổi xuân đau đáu nỗi buồn
Đường chiều gót lạnh chạm hồn thương đau.

 

Dõi mắt

Ngày đi âm thầm tiễn biệt
Phương trời chẳng chút hồi âm
Ai ngồi lặng câm, gió rét
Chiều mòn con mắt xa xăm.

 

Giấu

Ngoài kia trời bão giông
Hồn ta – cơn gió nồng
Ngọn đèn khuya thắc thỏm
Giọt lệ giấu vào trong.

 

Dỗ lòng

Bóng ai đứng đợi
Bên thềm tịch liêu
Phải hương sắc mới?
Dỗ lòng quạnh hiu.

 

Mắt xưa

Này đôi mắt biếc ngày xưa
Cùng ai tắm nắng gội mưa một thời
Bềnh bồng năm tháng rong chơi
Mắt xưa, nay đã đầy trời sương giăng.

 

Phận mỏng

Mai tôi về, tận xa khơi
Nước ngăn ngắt lạnh, nghẹn lời gió đưa
Lá mong manh, sóng lật lừa
Xốn dòng nước mắt bao mùa thương mong.

 

Nỗi buồn

Tháng năm phai dấu, tình chưa cũ
Lòng hẹn mùa Xuân, nắng mới hoe
Vẳng tiếng đàn ngân, chiều xuống chậm
Một mình, nỗi nhớ cũng so le.

 

Yêu

Yêu thơ, nguyện chết cùng thơ
Yêu trăng, yêu bóng hững hờ bên song
Yêu chồng, ôm cả mùa Đông
Yêu con, gom hết tấc lòng cho con.

 

Tự hỏi

Rộn ràng con sóng dội
Có phải nhịp tim mình
Cao vời vời như núi
Có phải em nhớ anh?

 

Tự ví

Anh tựa hòn Non Nước
Em như dãy Sơn Trà
Giận mây chiều che khuất
Càng vọng hoài càng xa.

 

Chới với

Em qua dòng sông
Tuổi xuân ở lại
Nẻo đời mênh mông
Cuộc tình xa ngái.

 

Con sóng lòng

Dòng thương nhớ chảy
Lòng thêm rối bời
Tim này tê tái
Đau hoài khôn thôi!

 

 

 

Ảo vọng

Quá chiều rồi sẽ mất
Khuôn mặt một ngày qua
Khóc cười hay ảo vọng
Ai nhớ mùa trăng xa.

 

mh 7 min - Chín chín nhịp - Thơ Vạn Lộc

 

Khuyết

Lòng không hẹn mà mùa Xuân lại đến
Mây vương mang theo gió tự ngàn xưa
Xuân hao khuyết từ khi mùa lỡ hẹn
Để em chờ, rơm rớm mắt hiên mưa.

 

Người đi

Ai vẫn chân trời chênh nửa bước
Đường xa tóc rối gió quê người
Con đò trên bến sông cô lẻ
Mưa rớt hay là nước mắt rơi?!

 

Dùng dằng

Sao người chẳng chịu buông tay
Dùng dằng, buộc thế gian này mà chi
Thà rằng quay mặt bước đi
Còn lưu luyến nữa làm gì thêm đau.

 

Thao thức

Tình vội lỡ, trăng không tròn nữa
Xuân vội tàn, mùa mới Giêng Hai
Chẳng biết mất hay còn thương nhớ
Đêm dài khắc khoải, mộng chia hai.

 

Phố lạnh

Tình yêu ấy như cung đàn lỡ nhịp
Trăng chao nghiêng khuyết mộng đêm rằm
Người đi, bão nổi, rung hồn phố
Nghe điếng trong tim một dấu dằm.

 

Lối về

Trái tim dù trăm ngả
Tình chỉ một ngõ hồn
Đất trời cao rộng quá
Lối em về, hoàng hôn.

 

Lỗi nhịp

Trách ai làm gãy nhịp cầu
Mênh mông sóng nước, nông sâu khó dò
Vì anh, em phải lụy đò
Tê lòng buốt lạnh câu hò sông trăng.

 

Chốn về

Tàu đi đâu, tàu về đâu
Để em thương nhớ u sầu nào vơi
Qua bao ga lẻ đón mời
Ai ơi có nhớ một nơi quay về.

 

Ơn đời

Còn bao nhiêu nắng trong hồn
Em đem sưởi ấm cô đơn tháng ngày
Ơn đời còn lại phút giây
Vịn thơ vượt những đọa đày nhân gian.

 

Ngõ úa

Thơ vẫn đợi, người không về nữa?
Tình đã xa tít tắp chân trời
Con ngõ nhỏ nhạt nhòa sương khói
Một nhành hoa úa với trăng vơi.

 

Phó mặc

Tơ duyên chừng sai mối
Đàn đã lạnh lùng dây
Đục, trong ai thấu nổi…
Tình bây chừ, rủi may.

 

Phôi pha

Tình ta vừa chớm rạng
Lời hẹn thề gấm hoa
Hương thanh trà còn thoảng
Lòng ai đã phai nhòa.

 

Lỗi phận

Đôi giày cũ nằm rêu phong trong góc
Đã bao ngày ôm ấp chân son
Khi còn mới, người nâng niu chăm sóc
Chừ ai thương mode lỗi thân mòn.

 

Tắt nắng

Tắt nắng, đò qua sông hờ hững
Một dòng man mác lạnh vô biên
Nhịp chèo chao chát, đau triền sóng
Chuông vọng xa xa, vợi nỗi niềm.

 

Sao khuya

Mai mốt trở về cùng cát bụi
Chút tình còm cõi mấy câu thơ
Nắng hè chói loá, ta mô dám?
Thao thiết bên lòng một giấc mơ.

 

Lẻ loi

Còn ai mô mà đợi?
Mưa khuya chừ xót xa
Nỗi niềm chi ướt gối
Trăng khuyết đầy mình ta.

 

Duyên xưa

Chiều nao một thuở yên bình
Tơ hồng mấy sợi chúng mình thương nhau
Trăng xưa nào đổi thay màu
Nay tình ai cũng vàng thau mất rồi.

 

Lạc

Dẫu cố tìm quên em vẫn nhớ
Phổng tay từ thuở mới gieo cầu
Gió trái mùa duyên, thuyền lỡ bến
Tình trôi, sông vắng, lạc đời nhau.

 

Gặp

Ngày ấy em mười sáu
Ngoan hiền dáng nữ sinh
Nửa đời giờ gặp lại
Mắt còn xao xuyến tình.

 

Trả

Anh cho em mượn tấm lòng
Em gom trả nỗi nhớ mong tháng ngày
Qua rồi một thuở đắm say
Còn chăng kỷ niệm vơi đầy trang thơ.

 

Chỉ vì

Hoa xoan thắp tím lưng trời
Chiều ngõ vắng, gió nói lời biệt ly
Mùa trôi ươn ướt xuân thì
Vắng nhau từ độ, cũng tuỳ duyên thôi.

 

 

 

Ngại

Ai thề non hẹn biển
Trăng rằm sẽ về chơi
Ngại gì rồi không đến
Treo nỗi niềm đầy vơi.

 

mh2 min - Chín chín nhịp - Thơ Vạn Lộc

 

Quặn

Đưa tay hái triệu giọt buồn
Chiều buông bóng nắng cho hồn tàn phai
Còn ai say mộng đêm dài
Chiêm bao nhưng nhức thương hoài nỗi đau.

 

Tiễn

Người đi buổi ấy sương vừa xuống
Ngõ nhỏ hoàng hôn lá rụng đầy
Sao Hôm, nhân chứng tình ta muộn
Bịn rịn chân cầu sương khói vây.

 

Nghịch lý

Anh không về, em vẫn hoài chờ đợi
Trong lặng thầm, gác vắng chẳng còn ai
Lòng cứ nhủ, thôi giận hờn trách móc
Em quen rồi, tình ấy đã nhạt phai.

 

Dấu chân

Lâu lắm rồi em mới trở về
Ngập ngừng chân nhỏ dạo ven đê
Lao xao sóng xõa hôn bờ cát
Còn dấu chân xưa buổi hẹn thề.

 

Lỗi nhịp

Hai bước chân không theo về một hướng
Thì làm sao cùng vượt nẻo mưa sa
Hai thế giới, có chung lòng cao thượng?
Con chúng mình, đâu khỏi nỗi xót xa!

 

Mong

Điểm cuối dòng sông là biển
Điểm cuối tình em là anh
Hãy là biển rộng anh nhé
Ru em bao giấc an lành.

 

Cõi nhớ

Anh đến thăm em mà chẳng gặp
Vừa nghe nuối tiếc dạ khôn cùng
Cả đời rong ruổi chân xuôi ngược
Một nẻo cố hương mà mênh mông

 

Hoa hồng

Một đoá hồng nhung vừa chớm nở
Nhẹ tay khẽ chạm tuổi đôi mươi
Từ trong tâm cảm lời chưa ngỏ
Mà tiếng yêu thương xót phận người.

 

Riêng em

Anh là núi lớn, sông dài
Em, loài hoa dại lẻ loi bên đường
Mong cầu góp một chút hương
Chút nhân ái quyện trong vườn từ tâm.

 

Ý xuân

Ban mai rộn ràng cánh én
Mây xanh một dải lụa mềm
Thềm xuân nắng hồng lúng liếng
Hoa đời thơm ngát môi em.

 

Phận tình

Một lần và mãi mãi
Tình yêu là tình yêu
Dẫu đi không trở lại
Ánh mắt sầu bao nhiêu.

 

Nhớ

Cõi tình cong một vầng trăng
Phòng khuya ngột thở, giá băng cửa ngoài
Sương khuya sầu lạnh riêng ai
Tưởng rằng quên, mà cứ hoài nhớ mong.

 

Cõi mơ

Rồi bất chợt tình rơi đâu mất
Thời gian chưa khoả lấp nỗi buồn
Em mãi đợi, sóng vờn lên mắt
Người có về lay động chiều buông?

 

Nhóm lửa

Anh cứ đến, vầng trăng khuyết bóng
Trăm năm, thương nhớ chẳng già nua
Nhóm lửa bên bếp hồng hữu hạn
Sưởi lòng, ấm lại chút tình xưa.

 

Chung thuỷ

Ôi có buồn thương chi ngày cũ
Tìm đâu thấy lại chuỗi ngày qua
Dấu yêu đầu có bao giờ mục rữa
Phút yếu lòng, xin người hãy thứ tha.

 

Bến lạnh

Chỉ còn lại một ngày thôi, em biết
Một phút giây, cũng không thể đợi chờ
Sông cứ chảy mặc bến bờ sạt lở
Anh đi rồi, bến lặng đứng trơ vơ.

 

Tâm

Bởi lòng còn vướng si mê
Cõi tình dắt díu đi, về đa đoan
Trái tim rối nhịp muộn màng
Ngộ câu vô ngã, thắm tràn sắc không.

 

 

 

Cùng trăng

Trước sân, trăng hé nửa vành môi
Một cánh quỳnh hoa cũng rã rời
Ước được cùng trăng hòa mạch sống
Thơ đàn réo rắt cõi rong chơi.

 

mh 5 min - Chín chín nhịp - Thơ Vạn Lộc

 

Thầm ước

Khó mà đắc đạo đường tu
Làm sao thoát tục cho dù quy y
Chỉ mong nhẹ mỗi bước đi
Cõi trần lánh được vết tì bùn đen!

 

Nỗi niềm

Núi sông hai cõi nước mây
Hồn thơ thoả chí tháng ngày rong chơi
Nắng lên xanh biếc mây trời
Nỗi niềm tương cảm gửi người tri âm.

 

Soi

Trước gương mình lại gặp mình
Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi
Nếu mai gương vỡ mất rồi
Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình.

 

Cội xưa

Ta xin quẳng gánh tham sân
Lắng nghe con suối thì thầm gần xa
Trời xanh hiện thể Phật Đà
Lòng thanh tịnh, dưới cội già nghe kinh.

 

Phận người

Xác thân trôi dạt thác ghềnh
Khổ đau cam chịu, nghĩa tình đãi bôi
Ước chi, được nói một lời
Như con chim hót cuối trời rồi quên.

 

Xôn xao

Biển và trăng trùng trùng xa cách
Ánh vàng gieo, cho biển xôn xao
Đá ôm nỗi khôn cùng hóa thạch
Nước chập chờn sóng cuộn nôn nao.

 

Sám hối

Ta về thả gánh ưu phiền
Ướp hồn ta, chút hương sen dịu dàng
Kinh chiều nhẹ rót nhân gian
Tiếng chuông chùa vọng đã tràn trong tâm.

 

Gió lùa

Tham sân si cõi trần hoàn
Trút bao phiền muộn, lo toan quét chùa
An lòng với tiếng mõ khua
Trăm năm nhẹ gót gió lùa bóng trăng.

 

Cõi trần

Ô hay một cõi vô thường
Lẽ đời nhân quả, vui buồn ai hay?
Tử sinh muôn thuở đặt bày
Nụ cười thiện nguyện, chuỗi ngày chân như.

 

Nghiêng chiều

Chiều vùi với cát và em
Nỗi buồn trong vắt bên triền sóng xanh
Sóng lòng sao vội tắt nhanh
Nghiêng nghiêng chiều muộn một nhành mây xa.

 

Ngẫm

Chưa đầy một nửa giấc mơ
Còn nguyên ký ức ban sơ gọi người
Cuộc tình như áng mây thôi
Chiều nao gió thổi rối bời chân tâm.

 

Hỏi

Tóc xanh trót vướng bụi trần
Rơi thương rớt nhớ bao lần lãng quên
Hỏi tình, tình cứ chông chênh
Hỏi mình, mình lại gập ghềnh lối đi.

 

Vấp

Trên đồi ký ức, mây vương gió
Đau đáu cõi buồn, sương khói giăng
Hư thực bên dốc đời lặng lẽ
Tiếng kinh huyền nhiệm chạm vầng trăng.

 

Đà Lạt cuối Đông

Nghe hồn đá vọng rừng thông
Vàng hoa thắp sáng một vùng nước mây
Gió ngàn năm, lạnh vai gầy
Tiếng kinh rụng xuống tràn đầy từ tâm.

 

Trước đồi thông hai mộ

Còn đây bảng lảng mây ngàn
Cỏ cây ủ mộng phủ tràn sắc không
Thôi về ngủ với ngàn thông
Giữa trời cô quạnh, bềnh bồng vô thanh.

 

Khuya

Giọt khuya rỏ xuống bên trời
Trăng chênh chếch bóng, gió rời rã thân
Dế kêu dưới cỏ mấy lần
Hồn nghe tê dại muôn phần đêm ơi!

 

Nép bóng

Từ nay cởi áo xa hoa
Tắm sông Bát Nhã, trọ nhà Hương Lam
Buông danh vọng, xả sân tham
Từ bi nép bóng, địa đàng dấn thân.

 

Sớm xuân

Thắp nén nhang lạy Phật
Ban mai thơm hương thiền
Nguyện cầu xa tục lụy
Giữ tâm mình an nhiên.

 

 

mh 4 min - Chín chín nhịp - Thơ Vạn Lộc

 

Ký thác qua những câu thơ

Vạn Lộc là người hay làm thơ, thậm chí có thể nói là người rất mê làm thơ. Hai năm trước, trong một trại sáng tác ở Đà Lạt do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức, chị đã kịp hoàn thành bản thảo tập thơ gần một trăm bài thơ bốn câu, trong đó có bài Chín chín nhịp được chọn làm tựa đề chung cho cả tập – Gieo tứ tuyệt đơm mùa chín chín/ Nhịp đa mang, réo rắt cung đàn.

Vạn Lộc thường ấn tượng về các câu thơ, ấn tượng tới mức từng nghĩ phải lắng thơm từng câu thơ (Lắng mình), và ước rằng rồi mai mốt  trở về cùng cát bụi/ Chút tình còm cõi mấy câu thơ (Sao khuya). Câu thơ Vạn Lộc cũng đầy cảm giác như người làm thơ: Hoa xoan tím, rắc đôi bờ/ Ai gieo câu hát để  thơ chạnh dòng (Hoa xoan). Ngoài câu thơ rớt phía chân trời (Chân trời tím), còn có Vắn dài, thấm giọt ba sinh/ Lan từ sâu thẳm tim mình, lan ra (Tơ lòng), hay  giữa trời cô quạnh bềnh bồng vô thanh (Trước đồi thông hai mộ)…

Vạn Lộc cũng thường ấn tượng về phía chân trời. Đấy không chỉ là nơi vướng câu thơ mà còn là nơi vướng vầng trăng: Trăng chao nghiêng mộng đêm rằm (Phố lạnh), Trăng khuya lặn phía cuối trời (Thẫn thờ); cũng là nơi vướng nỗi buồn: Nắng lên xanh biếc mây trời/ Nỗi niềm tương cảm gửi người tri âm (Nỗi niềm); cũng là nơi vướng nỗi nhớ thương: Anh vẫn chân trời chênh nửa bước/ Đường xa tóc rối gió quê người (Người đi)…

Vạn Lộc muốn ký thác thông điệp qua những câu thơ của mình, và muốn vậy trước hết chị phải có những câu thơ đủ sức vướng mãi phía chân trời. Đọc gần một trăm bài thơ bốn câu trong tập Chín chín nhịp, người đọc có thể cảm nhận được không ít câu thơ như thế, chẳng hạn: Con ngõ nhỏ nhạt nhòa sương khói/ Một nhành hoa úa với trăng rơi (Ngõ úa), Vồi vội lục sách tìm tên/ Mới hay chiếc bóng bên đèn hư vô (Hư vô), Giật mình, sương vấp mông lung/ Vạc kêu chậm tiếng, não nùng chiều rơi (Hoa xoan), Sương khuya buốt tiếng thở dài/ Tưởng rằng quên, mà cứ hoài nhớ mong (Nhớ), Ai người trở lại vườn dâu nhỉ?/ Lặng lẽ con tằm nhả xót xa (Lặng)…

Vạn Lộc từng xuất bản nhiều tập thơ và cũng từng đoạt giải thưởng về thơ. Là người hay làm thơ, mê làm thơ, chị vẫn tiếp tục sáng tác, vẫn không ngừng hướng về những câu thơ và về phía chân trời…

                    ThS. Bùi Văn Tiếng

(Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố Đà Nẵng)

 

Qua chiếc cầu thơ Chín chín nhịp

Ngẫm ngợi viết vài ý

Làm kiếp tằm nhả tơ

Nghĩa tình và đạo lý

Lắng thơm từng câu thơ.

             (Lắng mình)

Từ lời “Lắng mình” của nhà thơ Vạn Lộc, tôi đi tìm những điều lắng đọng, tìm khoảnh khắc tĩnh tâm trong thơ chị qua “Chín chín nhịp” thơ.

“Chín chín nhịp” – cái tên nghe rất lạ khi dành riêng cho một tập thơ 99 bài. Mỗi bài thơ chỉ có bốn câu dù được viết theo nhiều thể loại khác nhau (Ngũ ngôn, Lục bát, thất tuyệt …) và khá tự do trong ngôn ngữ, nhịp, vần…

Trong “Chín chín nhịp”, nhiều lần chị nhắc đến “Câu thơ”. Và mỗi lần như thế ta lại hiểu cái “lắng mình” trong câu thơ của nữ sĩ trước cuộc đời này. Đó là sự lắng lòng để suy gẫm, để sẻ chia và thậm chí là để tìm được chút an ủi, chở che bởi thơ ca hoặc tiếng thơ của chính mình. Có lẽ vì thế mà:

Vắn dài, thấm giọt ba sinh

Lan từ sâu thẳm tim mình, lan ra

                                (Tơ lòng)

Tiếng thơ như chất chứa nỗi nghẹn ngào, nỗi đau của một con người, nhưng cũng từ đó hiểu thêm về cuộc đời và khát khao tìm kiếm những trái tim đồng điệu nhằm gửi trao những ước mơ tốt đẹp. Nhưng vốn dĩ trong đời, đâu dễ tìm được tri kỷ, tri âm?

Nhà thơ hiểu, có người phải một đời cô đơn, lận đận vì hai chữ tình duyên khá trớ trêu, khiến họ lạc mất nhau từ buổi xuân thì:

Dẫu cố tìm quên em vẫn nhớ

Phổng tay từ thuở mới gieo cầu

Gió trái mùa duyên, thuyền lỡ bến

Tình trôi, sông vắng, lạc đời nhau

                         (Lạc)

Anh tựa hòn Non Nước

Em như dãy Sơn Trà

Giận mây chiều che khuất

Càng vọng hoài càng xa

                        (Tự ví)

Hoặc xót xa:

Tơ duyên chừng sai mối

Đàn đã lạnh lùng dây

                 (Phó mặc)

Tất cả bởi lỗi phận, lỗi duyên, lỗi nhịp trong tình yêu. “Câu thơ rớt phía chân trời” của Vạn Lộc chợt trở thành niềm đau, thành nỗi rụng rơi phía trước:

Ta vụn vỡ thời lận đận

Câu thơ rớt phía chân trời

Để rồi khi dừng chân “Trước đồi thông hai mộ” của xứ sở ngàn thông Đà Lạt, chợt nhận ra cái hữu hạn của đời người, hiểu ra “Ngộ câu vô ngã, thắm tràn sắc không” (Tâm) và câu thơ cũng trở thành xa vắng, vô định:

Thôi về ngủ với ngàn thông

Giữa trời cô quạnh bềnh bồng vô thanh.

                    (Trước đồi thông hai mộ)

Thế nhưng triết lý sống tích cực lại luôn bàng bạc trong thơ Vạn Lộc. Mà cái nguồn của sức mạnh ấy là Thơ. Nhà thơ Phùng Quán từng tâm sự:

Có những phút ngã lòng

Tôi vịn câu thơ và đứng dậy…

Chị Vạn Lộc cũng thế. Chị đã nhận ra rằng:

Cả đời rong ruỗi chân xuôi ngược

Một nẻo cố hương mà mênh mông

                                             (Cõi nhớ)

Nên chị đã:

“Lắng trong từng câu thơ”.

Nên từ chỗ hiểu mình, hiểu người, hiểu đời, hiểu cuộc sống, hiểu giá trị tối cao của cõi thơ: “Cõi thơ huyền nhiệm yêu thêm cõi đời” (Núi Nhạn), thì Vạn Lộc làm thơ không chỉ để tỏ bày tâm sự, để giải tỏa phiền não riêng tư, mà chị còn muốn sẻ chia với người đời về chuyện đời, chuyện tình, chuyện đạo lý với tình thương yêu thấu cảm. Thế nên, thơ chị có những đúc kết, những triết luận nhẹ nhàng mà sâu sắc ý nghĩa về nhân sinh:

Nếu ta chỉ có nụ cười

Làm sao biết được rối bời lòng ai

                                   (Nếu)

Bởi lòng còn vướng si mê

Cõi tình dắt díu đi, về đa đoan.

                                 (Tâm)

Và cuối cùng là khát khao hạnh phúc đời thường:

Điểm cuối dòng sông là biển

Điểm cuối tình em là anh

Hãy là biển rộng anh nhé

Ru em bao giấc an lành

                              (Mong)

Nhưng đó vẫn chỉ là lời cầu mong thôi! Người phụ nữ trong “Chín chín nhịp” có số phận long đong lắm, vò võ hoài với nỗi cô đơn:

Trước gương mình lại gặp mình

Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi

Nếu mai gương vỡ mất rồi

Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình.

                               (Soi)

Tứ thơ gợi nhớ hai câu thơ của Nguyễn Gia Thiều:

Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng

Xếp manh áo lại để dành hơi.

Người phụ nữ trong thơ Nguyễn Gia Thiều vô cùng hạnh phúc vì được yêu, được nhớ. Người phụ nữ tìm mình trong gương ở đây thì đứng trước thực tế quá phũ phàng. Mình có thật đấy “mình có thật” cớ sao như có như không! Sẽ hiểu thêm nỗi thất vọng của nhà thơ khi thấy mình như có như không giữa cuộc đời này:

Đôi mắt biếc ngày xưa

Cùng ai tắm nắng gội mưa một thời

Bềnh bồng năm tháng rong chơi

Mắt xưa, nay đã đầy trời sương mây.

                             (Bồng bềnh)

Tưởng thoát tục được, nhưng không, người vẫn mơ về tuổi đời bình yên sau bao tục lụy:

Ước được cùng trăng hòa mạch sống

Thơ, đàn réo rắt cõi rong chơi.

                            (Cùng trăng)

“Cùng trăng” cũng là khoảnh khắc thao thức của một trái tim yêu đời, hiểu đời, hiểu sự vần xoay của tạo hóa, hiểu rằng “Bể dâu còn lại chút duyên thơ” (Xôn xao). Và trong tâm thức, dường như chị vừa nhận ra độ chín của đời mình, của cả những trang thơ được viết bằng tơ lòng của chị đang đến với lòng người muôn phương…

Chiều gió lộng, mây trời ửng tím

Giọt thơ bay, ngọt phía sương ngàn

                         (Chín chín nhịp)

Và đây là ước mơ, là hạnh phúc của một nhà thơ “Làm kiếp tằm nhả tơ”:

mai mốt trở về cùng cát bụi

Chút tình còm cõi mấy câu thơ

                         (Sao khuya)

Đâu phải dễ để có thơ làm quà gửi cho đời. Bởi có thể thơ là tiếng nhạc lòng được chắt ra từ những phút giây tĩnh lặng của tâm hồn, và tiếng nhạc lòng ấy phải bước được vào cõi thơ – Cõi thơ lai láng chung riêng cõi đời – với những “Câu thơ đau giọt bình sinh”.

Tôi đã đi qua chín chín nhịp thơ trong tập thơ “Chín chín nhịp” của nhà thơ Vạn Lộc, thấy mình như một lữ khách đi qua chín chín nhịp cầu trên một chiếc cầu thơ. Mỗi nhịp cầu như một không gian thơ, một tâm tình gởi gắm một sự giãi bày chân tình. Mỗi nhịp cầu ấy như một cung bậc làm cho ta xốn xang về niềm vui, nỗi buồn nhân thế, cho tôi hiểu hơn về cuộc đời này. Có lẽ bởi cái tứ thơ, cái tình thơ, và hơn nữa là cái “duyên thơ” của nhà thơ Vạn Lộc; vì chị đã chọn thơ như một tình yêu “Yêu thơ lận đận cùng thơ” và chọn Thơ làm quà gửi cho đời.

Nhà giáo Nguyễn Thị Phú

(Nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo

quận Hải Châu.thành Phố Đà Nẵng)

 

Nỗi đau đời chín cùng

sắc tím của thơ

Có những cảm nhận thơ dễ đọc và có những cảm nhận thơ không dễ đem phô bày ra trước mọi người. Tôi nghĩ thơ của tác giả Vạn Lộc, nhất là các sáng tác những năm gần đây, đặc biệt là ở tập Chín chín nhịp, có hướng thiên về dạng thứ hai, lặng lẽ rơi vào đó và ổn định nằm lại đó, như một định mệnh vô ngã của Thiền. Mà đâu chỉ muốn phô ra trước mọi người, ngay cả trước chính mình, nhà thơ cũng có phút lặng lẽ tự hoài nghi, tự nhủ thầm, không biết mình có hay là không, “tồn tại hay không tồn tại”, ngay với cả những nỗi buồn đau, những cảm nhận nhân tình, thế thái đã in hằn sâu trong khóe mắt:

Trước gương mình lại gặp mình

Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi

Nếu mai gương vỡ mất rồi

Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình.

                                         (Soi)

Càng khám phá sâu vào thơ của Vạn Lộc, tôi càng đồng cảm với những chiêm nghiệm và từng trải, mà phải ở một người vào tuổi của chị mới dần dần vỡ ra, vỡ ra như một nỗi đau đời đã đến thời chín tới, như một bọc tâm tư kín bưng, đoán chừng chỉ chứa đầy bản ngã vô vi, sẽ tới lúc cũng được bung ra cùng với vị đắng ngọt siêu thoát; hoặc cũng còn có thể ví như một loại quả rừng, lúc chưa chín thường chua, nhưng càng chín thì màu quả càng tím sẫm lại, để kết tụ vào thành một vị ngọt dịu thật lạ lùng, vị ngọt lắng đọng lại rất lâu, không dễ đã có vị ngọt nào sánh nổi.

Vạn Lộc tự ý thức được điều sâu thẳm đó khi chị viết:

Vắn dài, thấm giọt ba sinh,

Lan từ sâu thẳm tim mình, lan ra.

                                  (Tơ lòng)

Ngay cả khi tự ví mình như một trái cam trải qua các trạng thái từ chua đến ngọt, chị cũng thấy chất chứa trong mình nỗi khát khao dâng hiến cho Đời:

Hè qua lủng lẳng quả tròn

Vàng Thu nhạt nắng nên còn vị chua,

Xuân thì chưa gội gió mưa

Để em sẫm chín trước mùa giá Đông!

                                  (Cam)

Nhưng thế chưa phải là tất cả. Vạn Lộc đã dám vượt qua tâm trạng ấy rất xa, xa nữa, để thấm sâu vào tới cõi sắc không, tới nơi vô ngã, mà ở đó, mọi sự vật, mọi tâm thế vui buồn hầu như chỉ còn bóng dáng phù du, đến mức trái tim dâng hiến của chị cũng chẳng cần đem theo nữa làm gì, chỉ còn như một di ảnh của hư vô, thản nhiên và kiêu bạc gửi lại lay lứt bên đàng – trên con đường bước về “cõi Ngộ”:

Bởi lòng còn vướng si mê

Cõi tình dắt díu đi, về đa đoan,

Trái tim rối nhịp muộn màng

Ngộ lần vô ngã, thắm tràn sắc không .

                               (Tâm)

Ở cõi nhân gian bé tí này, có nhiều cái tưởng chừng luôn ồn ã, day dứt, làm khổ con người gớm ghê, nhưng khi đứng trước nỗi giao hòa rộng lớn với thiên nhiên, với vũ trụ, với cái tĩnh tại đến vô biên – tưởng vô thanh trong cái mình vô ngã, con người sẽ trở nên thanh thoát biết bao, hầu như dễ chừng tan biến vào với sự tĩnh lặng của Vô Cùng:

Còn đây bảng lảng mây ngàn

Cỏ cây ủ mộng  phủ tràn sắc không

Thôi về ngủ với ngàn thông

Giữa trời cô quạnh bềnh bồng vô thanh.

                      (Trước đồi thông hai mộ)

Với những câu thơ như thế, có phút ta tưởng như Vạn Lộc đã đắm mình vào cõi hư vô, quên hẳn những vui buồn trần thế, bỏ qua những hoài niệm dù trong trẻo vô tư đến mấy đi nữa của cõi đời thường cát bụi này. Nhưng không! Ta lại phải thật sự bất ngờ, vì ngay sau cái phút bềnh bồng giữa cõi Mộng, cõi Ảo kia, cũng trong khung cảnh những đồi thông ma mị của Đà Lạt ấy, một câu thơ bỗng rực sáng lên vì vẻ đẹp hồn nhiên trong trẻo của nó, vẻ đẹp vô tội và quyến rũ, khiến mỗi chúng ta đều nhói đau khi nhớ lại từng tháng ngày trong vắt, đẹp mà cũng chưa biết là mình đẹp vì cái gì, tự thuở hoa niên còn “chanh cốm” xa xưa:

Ta thẩn thơ với ngàn thông

Nắng thêu triền gió, chiều lồng phố mây

Hoàng hôn, trời thắp sương đầy,

Tình xưa bỗng hoá một ngày trong veo!

                                    (Thắp sương)

Chính cái chỗ “lòng xưa bỗng hoá” ấy làm chị cho dù có tự thấy mình vất vả, chịu va đập trong cõi trần biết bao lần đi chăng nữa, hay ngóng lên phía trước có còn đi mãi tới cõi “Ngộ” tận bên“ dốc đời tỉnh thức” đi chăng nữa, thì quay trở lại, vẫn còn có được niềm vui, khi biết vẫn có thể hy vọng tìm ra được những người tri kỷ, những tấm lòng đồng điệu, tri âm, ở đâu đó trong đời:

Trên đồi ký ức mây vương gió

Đau đáu cõi buồn sương khói giăng

Hư thực bên dốc đời lặng lẽ

Tiếng kinh huyền nhiệm chạm vầng trăng.

                                               (Vấp)

Tìm được tấm lòng ai đây, từ “đau đáu nỗi buồn” khi phải ngồi độc ẩm? Nỗi buồn cô đơn với mảnh trăng thơ và với đáy cốc cạn trơ của đời thật đau đớn. Nhưng nhà thơ không né tránh, mà dám bình thản nhìn thẳng vào nỗi buồn mà mình đã lựa chọn ấy, như số kiếp thiên mệnh của mình:

Nào ai trăng gió bên đời

Ngày riêng em, rả rích trời mưa tuôn

Tuổi xuân đau đáu nỗi buồn

Đường chiều gót lạnh chạm hồn thương đau.

                                          (Gót thương)

Chính vì đã ý thức được như vậy từ quan điểm triết luận, nên dù có phải thốt lên những lời rất đắng đót khi nói về thân phận bị quăng quật lên thác, xuống ghềnh của những người sáng tạo chân chính, không phút nào chịu thỏa mãn với mình, Vạn Lộc vẫn tạo nên một hình ảnh đáng ngưỡng mộ, khi ví tiếng thơ mình như một tiếng chim da diết, biết trong trẻo bay lượn qua suốt cả một thời lãng du, lăn lóc, sống chết với đời:

Xác thân trôi dạt thác ghềnh

Khổ đau cam chịu, nghĩa tình đãi bôi

Ước chi được nói một lời

Như con chim hót một thời lãng quên…

                   Phận người)

Để cho tiếng hót ấy còn lại mãi, người thơ từ chỗ chịu bị va đập như những câu thơ vừa dẫn, rồi lại chịu quăng quật vô hồi khi bị những khổ đau không dứt xô xuống ngọn thác, chân ghềnh ở nơi đây, rồi cuối cùng, còn có cơ bị vỡ vụn ra tan tành trước mọi trở ngại trần tục bất khả kháng ở đời; thế nhưng, câu thơ thì vẫn không thể bị mất, không thể bị tiêu hủy, mà cùng lắm, nó chỉ bị đày đọa đến mức chỉ bị buông trôi “rớt lại” ở bên trời mà thôi:

Ta vụn vỡ  thời lận đận

Câu thơ rớt phía chân trời.

                 (Chân trời tím)

Ở trên có một lần tôi dùng từ “kiêu bạc” để chỉ trái tim của người thơ bỏ lại bên đàng trong cõi người vô ngã, mà Niết Bàn thì “sắc sắc không không”. Ở đây, tôi lại muốn lặp lại từ “kiêu bạc” để chỉ thái độ của nhà thơ đối với giá trị tinh thần của mình, khi chính mình có thể vụn vỡ ra thành cát bụi, nhưng câu thơ thì vẫn phải gắng sức ném nó về tận phía chân trời, nơi mãi xa tít tắp, dù có thể suốt cả đời mình chưa có cách gì với tới. Khẩu khí đáng nể trọng đó chỉ có thể có ở một người biết say mê thơ hết mình, dám sống với thơ hết mình và cũng có thể dám chết với thơ hết mình!

Trong tập thơ “Chín chín nhịp” này có nhiều bài thơ tình yêu chân thành và da diết, thứ tình yêu không biết đến tuổi tác và không vơi cạn cùng năm tháng:

Anh hãy đến vầng trăng khuyết bóng

Trăm năm thương nhớ chẳng già nua.

                                   (Nhóm lửa)

Nhưng còn bất ngờ hơn là ở chỗ, cảm quan về sự vô thủy, vô chung ấy còn gắn luôn tình yêu vào làm một với vũ trụ và tự nhiên, nó nối dài tình yêu từ một kiếp người hữu hạn lan tỏa vào với sự bất tử và vô hạn của thiên nhiên, đất trời, mây nước, từ chỗ coi cõi trần là cõi tạm, cần phải vượt qua nhanh mà tìm cách hòa đồng vào với những giá trị bền vững của Vĩnh Cửu:

Này đôi mắt biếc ngày xưa

Cùng ai tắm nắng gội mưa một thời,

Bềnh bồng năm tháng rong chơi

Mắt xưa nay đã đầy trời sương mây.

                                 (Mắt xưa)

Với những câu thơ này, có thể nói, trong thơ tình yêu cũng như thơ chiêm nghiệm về thân phận con người và thế sự, nhà thơ Vạn Lộc đã đạt đến sự đồng bộ và nhất thể hóa giữa cái hữu hạn và vô hạn trong nhận thức và nói rộng ra là cả trong thế giới quan, nhân sinh quan. Chị có tâm trạng song song và luôn sẵn sàng của một người vừa xuất thế vừa nhập thế, không mong đắc đạo hay thoát tục, mà mong sao ngay trong dặm đường trần này, mình luôn luôn giữ được mình, tránh khỏi mọi cám dỗ tầm thường, để tâm hồn không bị hoen ố vì bất cứ tì vết xấu xa nào, để thoát tục theo cách tự nhiên như của một cánh sen, dù có phải ngâm lâu trong bùn thì vẫn cứ là cánh sen nở hoa, tỏa hương thơm ngát:

Khó mà  đắc đạo đường tu

Làm sao thoát tục cho dù quy y

Chỉ mong nhẹ mỗi bước đi

Cõi trần lánh được vết tì bùn đen!

                            (Thầm ước)

Mỗi chúng ta, quả thực trong cuộc đời này, khi đã nguyện làm con người có tâm, biết hướng tới mọi giá trị phổ quát vì lý tưởng “Chân – Thiện – Mỹ”, thì quả thực, dù có thêm bao điều ước gì lớn lao hơn thế nữa, cũng không thể không bắt đầu ngay, như từ chính mong ước giản dị này thôi của tác giả Vạn Lộc. Và cùng với việc giữ cho mình luôn trong trẻo, không bị “ô nhiễm” vì những vết bùn đen, thì “cô đơn” cũng là một kẻ thù không đội trời chung nữa của người làm thơ – vốn cứ phải tháng tháng ngày ngày lận đận cày xới một mình trên trang giấy mà không hề ai chia sẻ. Sau giây phút muốn tìm ra bản ngã của mình, tưởng muốn đập vỡ gương ra mà phía sau cũng không thấy được mình, nhà thơ bèn thắp lên một ước nguyện thật tội nghiệp mà cũng thật giản dị:

Còn bao nhiêu nắng trong hồn

Em đem thắp ấm cô đơn tháng ngày!

                                   (Ơn đời)

Thơ Vạn Lộc, đôi khi tưởng rất giản dị, nhưng soi kỹ, vẫn có một mạch tư duy – cảm xúc bàng bạc, mong manh xuyên suốt của triết luận và Phật pháp nối dài theo, dù tiềm ẩn rất sâu. Chị chỉ có một khát vọng muốn cho mình tĩnh tâm lại, bỏ qua hết thảy mọi gian truân, cực nhọc của đời. Và cứu cánh của chị, chính là Thơ! Chị đã nhiều lần tự thú về điều đó, điều mà ai đọc thơ chị cũng vô cùng dễ dàng đồng cảm:

Lữ hành rong ruổi chân xuôi ngược

Dẫu chút tình hờ vẫn thủy chung”

                                        (Tiếc)

Hay:

Mai mốt trở về cùng cát bụi

Chút tình còm cõi mấy câu thơ

                          (Sao khuya)

Chín chín nhịp thơ của chị – chín mươi chín khúc ngâm – ngắn gọn, hàm súc, uyển chuyển, mang dáng vóc hình thái thơ kim cổ mà lại có rất nhiều suy nghĩ táo bạo, mới mẻ, riêng tư của tác giả Vạn Lộc, thể hiện một tâm hồn đã chín trong cảm xúc, trong chiêm nghiệm và là kết quả sáng tạo xứng đáng của một người làm thơ đã biết hội tụ đủ các yếu tố thời gian và thử thách, để đã đủ ngộ ra tinh tường với cái “nghề – chơi nghiên bút”, lại tiếp tục tu dưỡng, để đủ độ tỉnh thức chín muồi trong cả cái nghiệp“văn dĩ tải đạo” của mình.

Chín chín nhịp là đóng góp mới trong thơ của tác giả Vạn Lộc, là giỏ quả chín tím mọng cuối thu của một hồn thơ yêu đời trong nỗi đau đời, năng động ngay trong các suy nghĩ đậm chất Thiền, đầy kinh lịch và đầy chiêm nghiệm trong những cảm xúc thơ, tuy có dáng vẻ hồn nhiên, nhưng lại luôn đậm đà sắc thái “ý tại ngôn ngoại” của thể loại Thơ mang hồn cốt cổ kim giao hòa

Chiều gió lộng, mây trời ửng  tím,

Giọt thơ bay ngọt phía sương ngàn,

Gieo tứ tuyệt đơm mùa chín chín

Nhịp đa mang réo rắt cung đàn.

                       (Chín chín nhịp)

Xin cảm ơn tác giả vì “chút tình” thơ tuy khiêm tốn nhưng giàu ý nghĩa này, trong buổi trời thu cùng đang ngả sang màu chín tím với một hồn thơ đang chín, nhưng lại còn rất nhiều nội lực mạnh mẽ và tinh tế, dào dạt cảm xúc trữ tình, quyện chặt với những suy tư triết luận đậm màu Thiền.

 Nhà thơ Bằng Việt

(Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam)

 

Thơ Vạn Lộc – ba bước chuyển trong quá trình sáng tạo

Điều đầu tiên và cũng là điều rực rỡ nhất tôi nhìn thấy ở chị Vạn Lộc, đó là một người mẹ tuyệt vời của 10 người con, mà với sự tần tảo sớm hôm, mưa nắng dãi dầu, đã nuôi nấng, dạy dỗ tất cả nên người, và đến hôm nay, những người con của chị đều thành danh, có vị trí xứng đáng trong xã hội.

Riêng chị, trong cuộc sống an lành hiện tại, tôi vẫn thấy chìm khuất đâu đó nét khổ hạnh muôn đời của người mẹ trên gương mặt trắng trẻo, rạng ngời của chị – một người mẹ một đời tận tụy, thương con.

Đối với Thơ, chị có ba bước chuyển trong quá trình sáng tạo của mình. Bước thứ nhất, với các tác phẩm đầu tay là Chút riêng tư, Vòng tay mẹ, thơ Vạn Lộc lấy chất liệu từ cuộc đời thường; lời thơ mộc mạc, chân thành nhưng đọc nó, ta thấy cuộc sống xôn xao, sinh động. Bước thứ hai, với các tác phẩm Nắng chiều, Hạt bụi, Gió thổi từ Đông Yên là giai đoạn chị ngẫm ngợi nhiều về nguồn cội và tình người. Tiếng thơ đằm xuống, bâng khuâng, êm dịu, không nhiều khắc khoải, dằn vặt như giai đoạn trước đó. Bước thứ ba, với hai tập thơ Lá thức và Chín chín nhịp, chị nương dựa vào kinh Phật và kinh nghiệm sống của bản thân để viết ra những câu thơ có chất Thiền; nó giống như ta bào một khúc gỗ để lấy cái ròng ở bên trong.

  Nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân

       (Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng)

 

aa min - Chín chín nhịp - Thơ Vạn Lộc

Tác phẩm đã xuất bản:

* Chút riêng tư  – Thơ NXB Đà Nẵng 1997

* Chút riêng tư –Thơ (tài bản lần 1) NXB Đà Nẵng 2000

* Vòng tay mẹ  – Thơ NXB Đà Nẵng 2000

* Nắng chiều  –  Thơ NXB Đà Nẵng 2002

* Hạt bụi – Thơ NXB Hội nhà văn 2004

* Gió thổi từ Đông Yên – Thơ NXB Văn học 2011

* Gió thổi từ Đông Yên – (tái bản lần thứ nhất)

NXB Văn học, 2011

* Lá thức – Thơ NXB Hội Nhà Văn, 2012

* Lá thức – Tái bản lần 1, NXB Thanh Niên, 2018

* Chín chín nhịp – Xuất bản Hội Nhà Văn, 2019

* VCD Album Nhạc “Hoài Tưởng”
NXB Âm nhạc VN Dihavina phát hành, 2005.
(Do các nhạc  sĩ  trong nước phổ thơ Vạn Lộc).

* VCD Album chương trình thơ “Mây gió theo nhau”
Sai Gòn Audio, Hãng phim Bông Sen.
Tp HCM-phát hành, 2006.

* Album VCD Tiếng thơ Vạn Lộc
do Đài truyền hình TRT Huế thực hiện năm 2013
*DCD Mùa Thu Huế, Bến Thành Audio
phát hành năm 2017, VTV8 phát sóng.

* 5 CD trong các tập thơ đã xuất bản nhiều nơi

các nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh thể hiện, 1999-2000.

Giải thưởng: 

* Giải thưởng thơ “Đà Nẵng vươn cao trên con đường mới”

do Hội VHNT & Sở VHTTDL 2008.

* Giải thưởng thơ VHNT 1999, 2000 Tp. Đà Nẵng.

* Tác phẩm – Hoa ơi, Phút chạnh lòng

* Tác phẩm Gởi anh, giải thưởng thơ Gió thổi từ Đông Yên,

Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng 2011.

* Giải thưởng cuộc thi Thơ tình CLB  Hà Giang 2008.

* Giải thưởng sáng tác nhanh tại chỗ thơ lục bát
chủ đề sách và pháo hoa. Do Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng –
Thư viện Đà Nẵng. Công ty truyền thông Nguyên Hoàng
tổ chức nhân ngày 30.4.2012

* Được bằng khen xuất sắc thơ họa mừng thọ

Giáo sư Vũ Khiêu 97 tuổi do Unesco Việt Nam tổ chức 2012.

* Được thưởng xuất sắc thơ tứ tuyệt

của Hội UNESCO,Văn chương Việt nam

* Giấy khen tác giả Vạn Lộc Hội viên Liên hiệp

các Hội UNESCO Việt Nam. Đóng góp vào sự phát triển
của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn chương Việt Nam
2013 – 2016.
* Đài VCT4 đã phát hành chương trình thơ, văn học
nước ngoài 08.03.2010.
Thơ  được đăng trong nhiều tuyển tập thơ, sách báo
tạp chí trong cả nước

Mục lục :

1. Chín chín nhịp 11
2.Bên bàn thờ cha 12
3.Mẹ 13
4.Lắng mình 14
5.Tơ lòng 15
6.Hư vô 16
7.Bên đèn 17
8.Chân trời tím 18
9.Dủ dẻ 19
10.Hồn quê 20
11.Cam 21
12.Bến chiều 22
13.Thắp sương 23
14.Một thoáng ngàn thông 24
15.Hoa xoan 25
16. Nỗi niềm 26
17. Giọt tím Huế 27
18. Đợi mùa 28
19. Cuối thu 29
20. Tây Giang 30
21. Ngóng xuân 33
22.Bà Nà 34
23.Núi Nhạn 35
24.Lặng 36
25.Lắng 37
26.Nếu 38
27. Độc thoại 39
28. Lẽ đời 40
29. Gót thương 41
30. Dõi mắt 42
31. Giấu 43
32. Dỗ lòng 44
33. Mắt xưa 45
34.Phận mỏng 46
35. Nỗi buồn 47
36. Yêu 48
37. Tự hỏi 49
38. Tự ví 50
39. Chới với 51
40. Con sóng lòng 52
41. Ảo vọng 55
42. Khuyết 56
43. Người đi 57
44. Dùng dằng 58
45. Thao thức 60
46. Phố lạnh 61
47. Lối về 62
48. Lỗi nhịp 63
49. Chốn về 64
50. Ơn đời 65
51. Ngõ úa 66
52. Phó mặc 67
53. Phôi pha 68
54. Lỗi phận 69
55. Tắt nắng 70
56. Sao khuya 71
57. Lẻ loi 72
58. Duyên xưa 73
59. Lạc 74
60. Gặp 75
61. Trả 76
62. Chỉ vì 77
63. Ngại 79
64. Quặn 80
65. Tiễn 81
66. Nghịch lý 82
67. Dấu chân 83
68. Lỗi nhịp 84
69. Mong 85
70. Cõi nhớ 86
71. Hoa hồng 87
72. Riêng em 88
73. Ý xuân 89
74. Phận tình 90
75. Nhớ
76. Cõi mơ 92
77. Nhóm lửa 93
78. Chung thuỷ 94
79. Bến lạnh 95
80. Tâm 96
81. Cùng trăng 99
82. Thầm ước 100
83.Nỗi niềm 101
84. Soi 102
85. Cội xưa 103
86. Phận người 104
87. Xôn xao 105
88. Sám hối 106
89. Gió lùa 107
90. Cõi trần 108
91. Nghiêng chiều 109
92. Ngẫm 110
93. Hỏi 111
94. Vấp 112
95. Đà Lạt cuối đông 113
96. Trước đồi thông hai mộ 114
97. Khuya 115
98. Nép bóng 116
99.Sớm xuân 117
*Ký thác qua những câu thơ 121
*Qua chiếc cầu thơ Chín chín nhịp 123
*Nỗi đau đời chín cùng sắc tím của thơ 127
*Thơ Vạn Lộc – ba bước chuyển bước
trong quá trình sáng tạo 135

NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
65 Nguyễn Du – Hà Nội
Tel & Fax: 024. 38222 135
Email: nxbhoinhavan@yahoo.com.vn
Web: http: // nxbhoinhavan.com
Chi Nhánh miền Nam
371/ 16 Hai Bà Trưng – Quận 3 – TP.HCM
Tel & Fax: 028. 382915
Email: nxnhnv.saigon@gmail.com
Chi Nhánh miền Trung & Tây Nguyên
277 Trần Hưng Đạo – Quận Sơn Trà – Đà Nẵng
Tel: 0236. 3849 516
Email: nxnhnv.mientrungtaynguyen@gmail.com
Chi Nhánh miền Tây Nam Bộ
314CHoàng Lam – TP Bến Tre
Tel: 075. 3812736 / 016.998.083.68
Email: nxnhnvmekong@gmail.com
Chi Nhánh khu vực Đông Bắc
114 phố Hải Phúc – Phường Hồng Hải
TP Hạ Long – Quảng Ninh
Tel: 090.3409142 / 0901.4660592

Chịu trách nhiệm xuất bản
Giám đốc – Tổng biên tập
Nguyễn Quang Thiều
Biên tập
Hồ Sĩ Bình
sửa bản in
Bích Tuyết
Vẽ bìa & Trình bày
Huỳnh Lê Nhật Tấn
Phụ bản
Nhattanhl

In lần thứ nhất. Số lượng 1000 cuốn, khổ 13 x 19 cm
Tại Trung tâm Xuất bản GTVT miền Trung
Địa chỉ: 132 Nguyễn Thị Minh Khai. Tp Đà Nẵng
Số xác nhận ĐKXB: 901-2019 /CXBIPH/48-28/HNV
Số quyết định xuất bản: 350 /QĐ – NXBHNV, ngày 28.3.2019
In xong và nộp lưu chiểu tháng 5 năm 2019.
Mã ISBN (dạng số): 978-604-9819- 43-8.

– Hết-

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây