Còn một Nguyễn Ngọc Oánh khác trong thơ

Còn một Nguyễn Ngọc Oánh khác trong thơ

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh (1937-2023).

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh sinh 1937, Quê quán xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là Phó Giáo sư – Tiến sĩ Kinh tế, Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyên Tổng thư ký hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ nhiệm khoa KT-TC-NH Trường Đại học Thành Tây, Hà Nội.

Xuất thân là một nhà làm kinh tế, song Nguyễn Ngọc Oánh lại “bén duyên” với văn chương. Tuy nhiên, không như một số tác giả sau sau một thời gian chuyển hẳn sang lĩnh vực hoạt động văn học, Nguyễn Ngọc Oánh là một trong số các tác giả vẫn trụ lại ở lĩnh vực chuyên môn của mình, vừa làm khoa học, làm quản lý, vừa làm thơ. Ông tâm sự về điều này trong cuốn Nhà văn Việt Nam Hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 2007): “Tôi làm nghề ngân hàng, một nghề đòi hỏi phải nhạy cảm, quyết đoán và giàu ước mơ… Hằng ngày sống với những con số, những tư duy chính xác, có bản lĩnh trong quản lý và kinh doanh, càng cần đến thơ… Thơ như của nhặt được, nhiều khi tự dưng mà có…”.

Nguyễn Ngọc Oánh trở thành nhà thơ, là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, rồi Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, với “gia tài” văn chương gồm gần 20 tập thơ, trong đó có lẽ tác phẩm được ông đầu tư nhiều công sức, tâm huyết nhất, kể cả ở việc sáng tác lẫn tổ chức bản thảo, tư liệu, là cuốn NGUYỄN NGỌC OÁNH – THƠ – TÁC PHẨM & DƯ LUẬN, do Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội xuất bản tháng 12 năm 2009, dày gần ngàn trang khổ 14,5×20,5cm. Trong bài Bạt của tập sách này, nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu viết: “Giữa ngổn ngang những dữ kiện, con số, tiền nong, ngành Ngân hàng Việt vẫn hào hiệp tặng cho thi đàn ta một nhà thơ tinh tế: Nguyễn Ngọc Oánh…”. Đánh giá của nhà phê bình Thái Doãn Hiểu quả là đã chấm phá nên những nét khái quát lớn bức chân dung của một Nhà khoa học – nhà thơ mang tên Nguyễn Ngọc Oánh. Song tách biệt từng lĩnh vực, cũng không khó để nhận ra những lấp lánh từ con người và tâm hồn ông:

Trong Điếu văn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại lễ truy điệu Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Oánh có đoạn viết: “… Hơn 45 năm công tác, dù ở bất cứ hoàn cảnh, cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Ngọc Oánh cũng luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước của dân tộc. Trong ngành Ngân hàng, với tài năng và đức độ của mình, Đồng chí Nguyễn Ngọc Oánh đã được giao nhiều trọng trách trong công việc và lần lượt giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng các cấp, trong đó có 10 năm giữ vị trí Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Qua những trọng trách được giao, Đồng chí Nguyễn Ngọc Oánh đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và và phát triển của ngành Ngân hàng, luôn là người lãnh đạo cấp cao mẫu mực, cần kiệm, liêm chính để đồng chí, đồng nghiệp trong ngành luôn tin tưởng phấn đấu, noi theo…

Với những công lao to lớn của mình, Đồng chí Nguyễn Ngọc Oánh đã  được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngân hàng”, danh hiệu Chiến sĩ thi đua Ngành Ngân hàng nhiều năm và nhiều Bằng khen, Giấy khen cao quý khác…

Và kết luận: “… Những hình ảnh của đồng chí, một con người tài năng, đức độ, sống giản dị, thân ái với mọi người, chí tình chí nghĩa với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp sẽ luôn được ghi sâu trong tâm trí của mỗi chúng tôi, của cán bộ Ngành Ngân hàng các thế hệ…”

Còn trong lĩnh vực văn chương, cũng có thể kể ra không ít những trân trọng của bạn bè dành cho nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh: “… Phạm Tiến Duật có lý khi anh gọi Nguyễn Ngọc Oánh là người làm thơ “cả nghĩ”, Bằng Việt thì trầm trồ “Tài hoa và phóng túng”. Tôi thêm: “đa tình” nữa! Nguyễn Ngọc Oánh thuộc nòi tình. Cặp mắt thi sĩ của anh hễ liếc vào chỗ nào thì chỗ đó lung linh lên, chới với…” (Thái Doãn Hiểu)… Còn nhà thơ Võ Văn Trực thì đánh giá: “… Dẫu ở núi rừng, ở đồng bằng, hay thành phố, tâm hồn nhà thơ tràn ngập hương hoa. Thiên nhiên luôn luôn ấp iu và làm nảy nở trong hồn những ý thơ tươi non: Cái đuôi của chú chìa vôi/ Quệt vào nỗi nhớ của tôi, suốt chiều… Và không thể không gợi nhớ hình ảnh lầm lũi và vất vả của người mẹ: Gót chân nứt nẻ đông hè/ Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân…

*

Nguyễn Ngọc Oánh sở trường về thơ ngắn. Những bài tứ tuyệt, thơ hai câu và thơ lục bát của ông viết nhiều và khá thành công. Thơ ông không cầu kỳ khó hiểu mà vẫn sâu đậm chất triết lý dân dã trong trẻo, chất tình tứ của hội làng; đằm thắm nét truyền thống và bộn bề cốt cách hiện đại. Nhiều bài đạt đến độ toàn bích, có nhiều câu, đoạn gây xúc động, tạo được cái vỡ òa về cảm xúc và thẩm mỹ đối với người đọc… Là người làm thơ “tay ngang”, song so với nhiều nhà thơ “chuyên nghiệp” khác, mật độ những bài hay, câu hay trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Oánh khá dày, thậm chí còn vượt trội bởi sự độc đáo. Cái độc đáo không nằm ở sự cầu kỳ câu chữ, hay trong những ý tưởng tìm tòi bí hiểm, mà nằm ở chính những rung động trong cuộc sống thường ngày: “Vòm trời se lạnh rộng thênh/ Để ai mượn cớ nép mình vào ai” (Sapa mùa trăng); Hay “Niềm vui đi gặp nỗi buồn/ Vầng trăng côi cút tủi luồn chân mây” (Chợ tình Khau Vai). Những câu thơ tạo được sự duyên dáng trong đời thực, song cũng lại nhuần nhuyễn, mờ ảo trong những tiếng ngân mà nó tạo nên… Có lẽ bởi đặc điểm này mà có người đã ví thơ ông giống như những châm ngôn lịch lãm được đúc kết từ những trải nghiệm, và được trau chuốt bằng sự từng trải của một người có cả một quá trình tư duy dầy dặn: “Nước mắt tuôn trong veo/ Hỏi rằng nguồn có sạch?”; “Sao nỡ đập vỡ kính/ Để nhận về muôn gươm!”; “Dẫu là đỡ kịp hoa rơi/ Thì làn hương vẫn chơi vơi cuối cành”; “Hoa rơi trên đất vẫn hoa/ Hoa thơm lạc tận xó nhà vẫn thơm”; “Núi cao không phải nhiều lời/ Nụ cười chẳng phải phiên dịch”; “Đầu nguồn nước mặn tiếng chim/ Cuối sông nước mặn nỗi niềm phù sa”… là những câu thơ như vậy.

*

Nguyễn Ngọc Oánh đã đi từ một “Chàng trẻ Oánh” cho đến “Ông lão Oánh” theo cách nói của Thái Doãn Hiểu: “Trong thi sĩ Nguyễn Ngọc Oánh có hai con người: một trẻ và một già!”. Cả hai con người này, trong thơ, đều da diết một tình yêu nồng nhiệt. Trẻ thì: “… Em như tai vạ khó ngừa/ Bỗng đâu giáng xuống không chừa anh ra/ Em như chuông vẳng mây xa/ Lòng anh khắc khoải thánh ca không lời” (Một thoáng Tây Hồ). Đển tuổi già: “Nhỡ nhàng từ thuở giêng hai/ Cái tình vẫn trẻ, cái vai đã gù”… Câu thơ như chạm tới tận tâm can mỗi người. Cứ tưởng là hạnh phúc mà đầy truân trải. Cười đấy mà đau đến tận cùng.

Thế nhưng tuổi già không khiến cho Nguyễn Ngọc Oánh bớt sự đam mê yêu thương, mà ngược lại, chính tình yêu đã vun vén, đã truyền lửa cho nhà thơ vượt lên trên khỏi tuổi già. Chỉ có điều…

Tháng năm xanh ai đốt

Tàn tro bay trắng đầu

Về quê thăm bạn cũ

Mây bồng bềnh mắt nhau…”

(Thăm bạn)

Bài thơ chỉ có bốn câu, 20 chữ, nhưng thật ám ảnh bởi sự tài hoa khi nhà thơ lấy khoảng thời gian một sợi tóc từ xanh hóa bạc rồi biến nó thành mảy may, thế mà vẫn gói ghém được cái ngắn ngủi phù du đến mỏng tang của cả một kiếp người…

Và rồi, chính nhà thơ cũng không vượt khỏi được cái quy luật nghiệt ngã ấy. Đến một ngày, ông cũng trở thành mỏng tang trong cõi phù du… Nhà thơ đã thanh thản đi vào cõi vô cùng vào hồi 12 giờ 40 phút ngày 24 tháng 5 năm 2023 (tức ngày 06 tháng 4 năm Quý Mão) tại nhà riêng, nơi có “Thi Viên Các” thanh cao mà dân dã của ông, hưởng thọ 87 tuổi. Lễ tang nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh được tổ chức ngày 29/5/2023, tức ngày 11 tháng 4 năm Quý Mão, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội,

Mặc dù ông quan niệm “Thơ như của nhặt được, nhiều khi tự dưng mà có”, song cho đến lúc ra đi, nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh cũng đã kịp để lại cho cuộc đời một gia tài thi ca đầy đam mê và chiêm nghiệm đáng để mỉm cười. Ngoài 16 tập thơ đã được thống kê, cùng nhiều câu thơ, bài thơ được bạn đọc ghi nhớ, Nguyễn Ngọc Oánh còn sở hữu nhiều giải thưởng văn học chính thức và trong lòng người đọc: Giải thưởng báo Người Hà Nội (1994); Giải thưởng Văn học thiếu nhi – Hội Nhà văn Việt Nam (1994); Giải thưởng báo Phụ nữ Việt Nam (1994); Giải thưởng cuộc thi Thơ Tuổi hoa do Hội đồng Văn học thiếu nhi – Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (1994); Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ (1995); Giải thưởng cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội (1996); Giải thưởng cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức (2021-2022)… Ngoài ra, bài thơ Mẹ của ông cũng được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX…

Vâng. “Thơ – với Nguyễn Ngọc Oánh tất cả đang phía trước”. Khi ông in tập sách cuối cùng cách đây gần 15 năm trước khi ngã bệnh, có nhà phê bình đã đánh giá như vậy. Còn bây giờ, thơ với ông đã trở thành người bạn tình chung thủy đi bên ông suốt cả cuộc đời. Bởi vì bây giờ nhắc đến Nguyễn Ngọc Oánh, người ta không thể không nhắc đến những câu thơ

Và tất nhiên là cả tình người…

Văn nghệ

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây