“Con tàu và những bông hoa” trong truyện ngắn Vũ Hải – Tác giả: Trần Anh Phương Thảo

Nhà văn Vũ Hải tên thật là Võ Thị Hải. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió – Đà Nẵng. Cả một cuộc đời chị nặng lòng với văn chương. Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Khoa học Tổng hợp Huế, sau thời gian này chị làm báo, viết sách và dạy học Daklak và Đà Nẵng, tham gia trại viết văn Tây Nguyên. Năm 2010, chị định cư tại Hoa Kỳ, nhưng văn chương vẫn là một người bạn đồng hành, là một mối duyên không dứt, chị tiếp tục gắn bó với nghề dạy văn trên mảnh đất xứ người. Đã từng có một thời gian chị rời xa văn chương, rời xa những con chữ, để học ngành Thực phẩm và Thức ăn dinh dưỡng, làm việc tại một bệnh viện. Giống như một định mệnh, ngỡ rằng với một dấu mốc rẽ hướng ấy, chị sẽ không còn theo đuổi nghiệp văn nữa, thế nhưng năm 2018 chị tham gia lớp học bồi dưỡng sáng tác văn chương do Hội đoàn Write Around Portland tổ chức và tài trợ tại Hoa Kỳ. Sự nghiệp văn chương lại được tiếp nối. Nhìn nhận một cách khách quan, so với nhiều nhà văn khác, sức viết của chị không quá dồi dào. Số lượng tác phẩm đã được công bố, in ấn khá khiêm tốn. Trong suốt sự nghiệp viết của mình, chị mới chỉ cho ra đời một truyện ngắn là Người đưa thư và cô gái, được in năm 1986. Truyện ngắn này đã nhận được giải thưởng Truyện ngắn hay nhất trong năm của Tạp chí Sông Hương. Và khảo luận và phê bình Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử năm 1996. Từ đó đến cuối năm 2022, chị không ra mắt một sáng nào khác. Đến đầu năm 2023, chị ra mắt Tập truyện ngắn Những bông hồng vẫn nở quanh tôi.

Những bông hồng vẫn nở quanh tôi là một tập truyện ngắn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tác phẩm là tập hợp của 15 truyện ngắn. Toàn bộ các truyện của nhà văn Vũ Hải đều là những câu chuyện cuộc sống thường ngày, là những điều rất đỗi bình thường mà bất kỳ ai cũng từng gặp phải. Không tiếp cận đề tài to tát, lớn lao, không sử dụng những câu chữ quá đỗi phức tạp, kĩ thuật viết không đạt đến khuôn mẫu của thể loại nhưng nó đủ để người đọc lắng động, suy nghĩ, và cảm thấy có chủ gì đó “lấn cấn” trong lòng. Có lẽ, sau tất cả, cái mà nhà văn quan tâm nhất mình sẽ gửi gắm gì đến với người đọc, để người đọc cùng suy nghĩ, và thấu hiểu cho những con người, những nhân vật trong câu chuyện, dụng ý mà nhà văn đã gửi gắm, ở một mức độ nào đó đã gọi là thành công. Truyện ngắn Những bông hồng vẫn nở quanh tôi, đơn thuần là câu chuyện của cô giáo Trang với người học trò, chuyện chị Thắm với biết bao nhiêu biến cố, tật nguyền nhưng vẫn không ngừng lao động rồi trở thành nhà văn chuyên viết về những hoàn cảnh, con người mà chị từng gắn bó, từng lăn lộn,.. Đó là câu chuyện của y tá trong bệnh viện Mỹ, chuyện ông lão hoang tưởng, luôn suy nghĩ con cháu sẽ đến thăm ông lúc 12 giờ trưa, phận đời bất hạnh, nghèo khổ nhưng có ước mơ, có hoài bão,..là tâm tình của người mẹ luôn khát khao trở về với nơi chôn rau cắt rốn,… Những con người ấy, dù ở bất kì nơi đâu, dù trong hoàn cảnh nào họ luôn có một sự bình dị từ trong chính tâm hồn của mình, dù có những nỗi khổ, những ẩn ức trong lòng nhưng chưa bao giờ họ bỏ cuộc. Khi gấp lại cuốn sách, độc giả lờ mờ nhận ra rằng từng nhân vật trong tập truyện ngắn, từng câu chuyện được kể có gắn bó mật thiết với tác giả, và đằng sau đó là một tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương, nhưng luôn chất chứa sức mạnh của nội tại, luôn có niềm tin, luôn có ý chí để kiên cường vượt lên, tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Và một trong những điều gây ấn tượng nhất đó là hình sân ga, con tàu.

Gioi thieu sach min - “Con tàu và những bông hoa” trong truyện ngắn Vũ Hải - Tác giả: Trần Anh Phương ThảoNhà văn Vũ Hải. 

Hình ảnh con tàu, sân ga đã đi vào văn chương nghệ thuật tự bao giờ. Xuất phát điểm khi vào văn chương, có lẽ nằm ở địa hạt thơ ca. Trong thơ ca, con tàu, sân ga gắn với sự chia ly, buồn bã. Đi vào văn xuôi, con tàu, sân ga cũng vẫn mang một nét buồn u uất, những buổi phân ly, và hơn nữa còn chất chứa những khát khao, hy vọng, một niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn. Là một người con xa xứ, có lẽ trong kí ức của nhà văn Vũ Hải là hình ảnh sân ga, con tàu nơi quê cha mà từ nhỏ chị đã chứng kiến và gắn bó, trở thành một kỷ niệm tuổi thơ. Thế nên, không khó để lý giải tại sao hình ảnh này trở đi trở lại trong tập truyện ngắn của chị, tiêu biểu là trong truyện Chiến hữu, Con tàu và những bông hoa, Đại ca Quảng và anh trai tôi.

Không gian sân ga trong truyện ngắn của Vũ Hải là sự lạc hậu, tối tăm. Là một không gian đượm nỗi buồn, chứa nhiều xót xa cho những thân phận hẩm hiu, cho thân kiếp con người. Bàng bạc trong những tác phẩm ấy là một hình ảnh sân ga nghèo nàn, cũ kỹ, có phần lạc hậu. Nó đối lập hoàn toàn với sự hiện đại mà vốn dĩ nó đại diện. Sân ga lầy lội trong những ngày mưa, ẩm thấp trong những ngày nắng ấm. Được miêu tả là không quá quá dơ bẩn, cũng không quá tồi tệ, nhưng trong mắt của những người con xa xứ khi trở về với quê hương là sân ga còn nghèo, cái nghèo rất giống với miêu tả trong những trang văn. Rất khó để tìm những gang màu tươi sáng về khung cảnh, về vật chất của sân ga trong trang giấy của chủ thể sáng tạo. Sân ga được miêu tả theo dòng thời gian từ sáng đến tối. Càng về đêm, sân ga càng trở nên leo lắt, lờ mờ ẩn hiện “Không gian sân ga cứ mờ nhạt dần đi trong cái ánh sáng vàng vàng lơ mơ khó chịu của ngọn đèn duy nhất ở trung tâm được đặt từ trên cao, ngay chính giữa sân ga, làm nền, toả xuống cho tất cả các khu vực chung quanh. Đây là nơi phát sáng duy nhất và cũng là trung tâm chính của nhà ga. Nó càng lúc càng như không đủ năng lượng để chiếu sáng”. Không gian sân ga ấy là những cái có thật, nó đã từng tồn tại. Nghệ thuật là hình ảnh của cuộc sống được khắc hoạ qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Bằng tư duy nghệ thuật, quan miệm, và cả tình cảm của mình nhà văn đã tái tạo sự vật khách quan xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Và bất kì hình tượng nào cũng có sự hoà quyện giữa yếu tố chủ quan- khách quan. Nhà văn Vũ Hải, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật đã đặt tình cảm của mình vào trong chính hình tượng sân ga, con tàu. Bởi thế nên tác giả mới có những quan sát, có trải nghiệm, chiêm nghiệm để chuyển tải nó vào trong trang văn. Điều này được minh chứng trong cách mà nhà văn xây dựng hình tượng ấy. Nó cho thấy nhà văn đã có những quan sát rất kĩ. Và phải yêu quê hương, dành tình cảm trọn vẹn cho nó như thế nào mới viết lên được những điều ấy. Đọc những dòng văn, người đọc của các thể 6x,7x sẽ như được sống lại trong thời kì khó khăn mọi mặt, và các bạn trẻ những thế hệ may mắn sống trong hoà bình, với sự phát triển đầy đủ của khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng thêm trân trọng và hiểu hơn về một thời gian khó của cha anh.

Một nhà văn thành công và được đánh giá là thành công khi có thể mang hơi thở của cuộc sống vào trong tác phẩm của mình. Điều này, trong truyện ngắn của Vũ Hải là một điểm cộng. Cái không gian sân ga, con tàu ấy gắn liền với cuộc sống của người dân phố thị. Sự mưu sinh vất vả khốn khó ở nơi sân ga ấy. Công việc ở sân ga là nơi làm cho cuộc sống của người dân có phần khả quan hơn so với những nơi khác. Vì thế mà khi miêu tả đời sống của những con người phố thị, tác giả Vũ Hải đã miêu tả hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế của các gia đình có phần tươi sáng hơn. Từ người già đến trẻ, thiếu nhi hay người lớn, đàn ông hay phụ nữ đều có thể tìm được việc làm ở sân ga. Sân ga đã nuôi sống họ. Trong truyện Chiến hữu, Vũ Hải viết “Rất nhiều người, rất nhiều gia đình phổ thông đã nhờ nó mà tồn tại. Cánh thanh niên có thu nhập nhờ vào sức người, nhờ vào cái nghề gọi là bóc vác hàng thuê. Bọn trẻ con trong nhà nghèo thì bán hàng rong, bánh ngọt, khoai lang, đậu phụng luộc, nước trà đá,… cùng lúc các lều quán tạm cũng bắt đầu mọc lên rải rác,.. Họ bán đủ thứ để mưu sinh. Cơm, bún, phở, cà phê và các thứ nước giải khát, nước chèm trà Bắc,..”. Họ miệt mài lao động để tìm kế sinh nhai. Những công việc ở sân ga tuy có khó khăn, vất vả, thậm chí là khiến cho con người ta “thân tàn ma dại”, như nhân vật người anh- Đan trong truyện ngắn Đại ca Quảng và anh trai tôi, đã trở nên ốm yếu, xanh xao, trở nên ít nói, lầm lì với em gái, với gia đình khi làm bóc vác hàng hoá ở ga tàu quá sức trong một thời gian dài. Cũng đã có không ít những cảnh đau lòng, có những sự tha hoá, băng hoại đạo đức, lâm vào bước đường cùng chỉ vì kế sinh nhai tại sân ga. Sự tranh giành, bảo kê của những bọn “giang hồ” vì chiếm địa bàn hoạt động, chém giết lẫn nhau,… Nhưng bên cạnh đó, ta còn thấy sự ám áp của tình người nơi sân ga ấy, nơi cái nghèo còn vây bọc lấy họ. Đó là sự hiếu khách, tình yêu thương giữa người với người của chú Dũng xe ôm đối với Huy trong truyện Con tàu và những bông hoa. Sự ân cần, thăm hỏi, những cử chỉ ấm áp, những lời chia sẻ chân thành từ trái tim. Vẻ hiền lành, chất phác, đôn hậu khi nói chuyện với thanh niên trẻ, nhiệt tình giúp đỡ mà không màng lợi ích đã khiến trái tim của Huy- người lần đầu trở về với quê hương Việt Nam cảm thấy ấm áp, cảm động. Hay cô Thoa trong truyện Chiến hữu dù buôn bán không được bao nhiêu, chí phí mua nguyên vật liệu rất nhiều, nhưng luôn dành cho Tường những bát bún có đầy đủ thịt chỉ với giá một đồng. Có lẽ, cô Thoa cũng hiểu và đồng cảm cho những con người cùng phận nghèo mưu sinh như mình, thậm chí là có phần khó khăn hơn. Đôi khi, chỉ là người qua đường, chỉ là những vị khách ghé trạm dừng chân nhưng họ được sẻ chia, họ được trải lòng, có người lắng nghe câu chuyện của họ, những người buôn bán, chủ những tiệm nước, tiệm trà nhỏ xíu, họ không có gì lớn lao đặc biệt nhưng luôn lắng nghe câu chuyện của những vị khách,… Công việc nơi sân ga, cảnh buôn bán, chờ tàu đã từng có lúc khiến cho con người cảm thấy tủi hổ, như Tường trong truyện ngắn Chiến hữu. Cô xấu hổ với bạn bè trong lớp khi mình đang làm một công việc hạ đẳng, chung đụng với con người hèn mọn,.. nhưng sau tất cả cô đã yêu nó, và cảm thấy tự hào. Những người lao động nơi sân ga ấy họ dễ thương, đáng yêu. Sự giúp đỡ, vui vẻ của họ đã cản hoá cô gái trẻ vốn ban đầu có nhiều định kiến. Sân ga đã đem lại cho Tường những bài học, những trải nghiệm thời niên thiếu, tiếp xúc với nhiều mảnh đời, nhiều con người. Giữa vòng xoáy mưu sinh, của cơm áo gạo tiền vẫn còn đó tình yêu thương, sự san sẻ giữa người với người.

Khảo sát truyện ngắn của Vũ Hải, lần lượt là truyện ngắn Chiễn hữu, Con tàu và những bông hoa hay Đại ca Quảng và anh trai tôi, những chuyến tàu hay con tàu không được dụng công miêu tả tỉ mĩ, sâu sắc nhưng thông qua những câu chuyện được kể, hình ảnh của những chuyến tàu ấy hiện lên đan xen vào những câu chuyện bên lề. Những chuyến tàu ấy hết sức quen thuộc với mỗi người dân nơi phố ấy, nhưng nó luôn mang đến những bồi hồi, những mong chờ. Trước khi những chuyến tàu đến, quang cảnh xung quanh chứa đầy “bóng tối”. Đó là bóng tối của cái nghèo, của cái tối tăm, lạc hậu. Các hoạt động sống vẫn cứ diễn ra nhưng mang theo một nỗi u uất. Khi tàu cập bến, mọi thứ trở nên tấp nập. Và mỗi một con người sinh sống quanh sân ga, luôn chờ đợi những chuyến tàu, cũng là chờ những hy vọng của họ. Những chuyến tàu càng trễ họ làng cảm thấy vui. Tàu đến họ có thể bán thêm, bán những vật dụng cần thiết cho những vị khách trên tàu kia. Cho dù đã rất khuya, cho dù không có giờ giấc cụ thể, dù cho sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, họ vẫn đợi tàu với mục đích bán hàng kiếm tiền mưu sinh dù đó chỉ là bao thuốc lá, cái bật lửa,.. Và con tàu còn mang biểu tượng của niềm tin và hy vọng. Đó là hình ảnh đoàn tàu xuất hiện trong tranh và con tàu xuất hiện cuối cùng trong truyện ngắn Con tàu và những bông hoa. Đó là con tàu mang theo niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước. Đến đây, độc giả nhận thấy con tàu này có sự tương đồng với chuyến tàu đêm trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ như một ánh sáng của vì sao vụt qua phát sáng rực rỡ trong màn đêm u tôi. Nó đã làm cho cả phố huyện bừng sáng, thắp lên ánh sáng của kì niệm, của niềm tin và hy vọng.

Tac gia Tran Anh Phuong Thao min - “Con tàu và những bông hoa” trong truyện ngắn Vũ Hải - Tác giả: Trần Anh Phương ThảoTác giả Trần Anh Phương Thảo.

Không sao chép y nguyên những hiện thực có thật, chủ thể sáng tạo đã tái hiện hiện thực một cách có chọn lọc. Cộng với tài năng, trí tưởng tượng của mình, sự khéo léo và tinh tế, Vũ Hải đã biến hình ảnh sân ga, con tàu- những sự vật rất bình thường trở thành một hình tượng nghệ thuật có sức truyền cảm, để lại những ấn tượng sâu sắc. Tác giả đã xây dựng một sân ga, con tàu gắn với sự khó khăn, nghèo túng, lạc hậu, nhưng ấm áp tình người, cùng với đó là niềm hi vọng trong bối cảnh xã hội phố thị những năm bảy mươi. Dù đây không phải là một hình tượng điển hình nhưng nó đủ khả năng tái hiện lại cuộc sống hoàn chỉnh, trọn vẹn, là sự khúc xạ của cuộc sống thực. Khi tiếp xúc với tác phẩm, với hình tượng này người đọc như được tậm mắt chứng kiến, tham gia vào câu chuyện. Hay chỉ đơn giản được biết, được hiểu hơn về câu chuyện mà nhà văn đã truyền tải, gửi gắm, bởi khả năng tác động của văn học là vô biên.

Thật vậy, đằng sau vỏ hình tượng luôn mang một tầng ý nghĩa sâu sắc. Đó là những quan điểm, quan niệm nhân sinh về cuộc đời của nhà văn, mà cụ thể ở đây là của Vũ Hải. Thông qua lớp hình tượng, cùng nhiều câu chuyện xoay quanh độc giả nhận ra được những chân giá trị của cuộc sống, để thêm yêu thêm trân trọng cuộc sống thực tại. Đó còn là cách đối nhân xử thế, tình người với nhau,..Văn học thì luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng, theo thời gian hình tượng sân ga, con tàu có thể sẽ cũ, nhưng lớp ý nghĩa mà nó truyền tải sẽ luôn vận động và phát triển, sẽ trở nên phong phú và vẫn tồn tại cùng với thời gian mà không đánh mất đi những giá trị của mình. Cũng giống như ý nghĩa hình tượng, con tàu sân ga trong thơ Tế Hanh, dù đã qua rất lâu nhưng đến nay nó vẫn vẹn nguyên giá trị :

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

(Tế Hanh)

T.A.P.T
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây