Đà Lạt trăm năm: Màu của tiếng vó ngựa – Bút ký Nguyễn Hàng Tình

Tôi vẫn đang ở Đà Lạt. Thế mà có lần tôi giật mình nhớ ‘Đà Lạt’. Có cái gì đó đang ‘gõ’ vào tôi thế này, gõ êm lắm, thân thiết ở một đoạn đời đi mây về gió…

Buổi đó tôi ở giữa hai ngả sống, phong trần mơ mộng hoặc thực dụng hiện sinh. Bấm nút hiện sinh. Từ đó tôi tần tảo. Buổi đó tôi thường cuốc bộ.

Buổi đó Đà Lạt không cần tưng bừng.

Buổi đó, bạn vong niên phố lạnh này sống bằng nghề lâm nghiệp, Phạm Ngọc Lai, đã lặng lẽ viết bản tango cho chính mình hát với sắc thái câu nhạc: “Một chiều nhạc ngựa về buông vó mềm…”.

Vó ngựa đi trong chiều đã liêu trai, nhưng đi trong mưa thì thành huyền ảnh. Thì ra đâu đó người nơi này từ lâu đã xem tiếng vó ngựa là hơi thở rồi. “Lộc cộc, lộc cộc, lộc cộc” cứ thế gõ xuống mặt đường lạnh câm. Bởi phố quá yên, người quá thưa, nhà cửa quá rời, xe cộ quá hiếm. Xứ sở như thường hằng thinh lặng, ngậm đầy một nốt si giáng. Phố chỉ chờ đợi tiếng vó ngựa. Những thanh âm mỏng tanh đó chia sớt lên cho những tàng cây n’ho (thông) thân mật. Xe ngựa lững thững qua phố, qua rừng, qua dinh thự, qua chợ rau, chợ cá lớn bé gần xa, và còn thấy băng qua cả đồi Cù, “trái tim” của phố xứ.

Từng chuỗi tiếng vó ngựa lướt qua thảng hoặc, rồi hàng phố lại trở về lặng lờ như cũ. Ngày qua ngày nó thế. Năm qua năm nó thế. Vó ngựa rải vào đâu tuyệt hơn bằng rải xuống núi đồi. Lơ thơ, mơ mộng.

Vó ngựa nhả ra “Đà Lạt”. Tiếng vó ngựa uốn cong những con đường. Đồi núi mê hoang. Đồi núi ngạo nghễ và kiêu hùng. Đồi núi khiêm nhường và bản lĩnh.

Vó ngựa xô những thung sâu xuống sâu hơn. Trôi bạt những phồn hoa bắt chước, học đòi. Khinh bạc văn minh cơ khí. Giễu nhại xã hội công nghiệp ở các miền xứ xa. Đến làn sương như còn hoài cổ ngay khi nó tắm trong tiếng vó ngựa thồ. Kiến trúc gọi tên. Hàng phố mơ màng. Cái gì chạm tới thuần khiết mà không hòa vào trời xanh. Mà không tan vỡ tim tôi. Rằng nơi đây là miền thanh cảnh, xứ du lịch. Phố lạ, như “giai nhân” chứa không đủ nhân tình.

Người Đà Lạt ăn không nhanh, đi không vội, nói không hét, đâu đó nó tựa thần thái thong dong của tiếng vó ngựa thồ. Đà Lạt chỉ là Đà Lạt thôi. Vó ngựa chỉ là vó ngựa thôi. Vó ngựa và giai nhân. Vó ngựa và thời gian.

Tôi thương tiếng vó ngựa.

*

Là một kẻ nhập cư, tôi hòa vào nhịp đời thế đó của Đà Lạt. Một Đà Lạt của nghiêm chỉnh, của cần lao, của cỏ cây, của hàn lâm, của nông nghiệp, của tu viện, của học viện, của giáo đường, của thiền đường, của phúc âm, của chánh pháp, của khoa học, của nghệ thuật, của bán buôn, mà hoạt động nghỉ dưỡng du lịch chỉ là một phần rất nhỏ bé trong tích hợp ấy. Buổi sáng của những ngày cuối tuần, tôi bước lên những chuyến xe ngựa như thế để đến những khu du lịch mà chụp hình dạo cho du khách. Du khách lưa thưa, khách du không có ùn ùn. Xe thổ mộ chở mọi người, từ kẻ chợ búa đến cô cậu học trò, lữ khách; từ cô bác nông dân luôn mang ủng đến mấy anh chàng công chức mặc veston; còn dụng cụ lao động, giỏ cần xé bằng tre thì người xà ích bố trí lủng lẳng hai bên hông nó. Chẳng có ai “trên” – “dưới”, chẳng có ai “sang” – “hèn”…

Thổ mộ lộc cộc vào ban mai, lộc cộc trong nắng vàng, lộc cộc trong giá lạnh, lộc cộc trong hoàng hôn, ngày chói chang lẫn ngày âm u. Thứ thanh âm “nam tính”, trượng phu cho một xứ sở mang “tính” nữ. Tiếng gõ lộc cộc sao nó gợi giống âm: “đời vô thường”, “đời vô thường”, “đời vô thường” quá. Nghe như lời kinh cầu, nhắc nhở. Mà nó cũng rất giống âm: “Mày một cuốc. Tao một cắc. Mày một cuốc. Tao một cắc”, ở chuyện mưu sinh nơi người đời. Mà không chỉ gõ trên đường phố, gõ ở khu Hòa Bình, ven hồ Xuân Hương, nó rải về ngoại ô Đa Thiện, Tùng Lâm, Nam Hồ, Sở Lăng, Cầu Đất, Vạn Thành, Thái Phiên, Chi Lăng, Trại Hầm, Trại Mát…

Bước chân ngựa nhẹ êm trong những vườn lơ ghim. Nó chở những bao phân xác mắm vào tít những vạt rau ẩn trong rừng n’ho mà các cô bác nông dân đang đợi. Chỉ xe ngựa mới len lỏi được vào hốc núi mang những cần xé rau củ ra ngoài. Buổi này người ta coi rừng núi quý lắm, không dễ để cả gan muốn là mở đường băng qua rừng cho xe hơi tung hoành. Nó cứ như muốn khắc hằn vào những chỗ đó, cái chỗ làm nên hồn vía Đà Lạt chứ không phải mấy cái khách sạn hay khu điểm xem – chơi – xả xú páp – chụp hình của du khách.

Khó mà xóa nhòa được ở tâm trí này hình ảnh những con ngựa hết lòng kéo cho được những cần xé chất đầy rau củ ra khỏi những vườn đất đỏ feralit giúp người. Có cái gì đó vừa riêng biệt vừa gần gũi, vừa xa hoa vừa tần tảo, vừa thân thiện môi trường vừa thân thiện cuộc sống tự nhiên. Phường nào cũng có đôi mảnh đất hoang dành cho xe ngựa đỗ. Trường học, rạp phim, bệnh viện nào bên hông chẳng có những chiếc xe ngựa đứng đợi người. Những bến xe ngựa be bé phía trước hoặc phía sau các chợ. Điểm du lịch nào cũng không thể thiếu bãi xe ngựa ở phía ngoài.

Tranh hoa si Dinh Cuong min - Đà Lạt trăm năm: Màu của tiếng vó ngựa - Bút ký Nguyễn Hàng TìnhTranh Đinh Cường.

Người ta có thể đón xe ngựa ở bất cứ điểm nào trên lộ trình chuyến xe thổ mộ ấy đi qua. Ai lên xe trước thì được ngồi giữa xe, ai lên sau thì rắp mình vào chỗ tự thấy hợp lý còn lại, và bác xà ích cũng không cần phải làm cái việc sắp xếp. Luật bất thành văn, cứ mỗi khi xe lên một con dốc thì đàn ông trên xe tạm nhảy xuống để con ngựa được bớt tải trọng… Thứ nền nã thuận hòa, lành mạnh, văn minh tự nhiên, không lý trí. Dùng trái tim, tâm hồn, sự tinh tế để sống.

Vượt trên một phương tiện vận chuyển, hình như những chiếc thổ mộ kia đã thành văn hóa của một vùng đất.

*

Tiếng vó ngựa thương người Đà Lạt. Nó thương cả tôi, kẻ ngụ cư.

Những cuối ngày, giao cho xong những tấm hình tới tay du khách rồi mà vẫn còn nghe vó ngựa nào đó ngang qua chỗ trọ. Ở đây là thế, như hòa thượng Thích Viên Như trong một ca khúc của ngài “Phố xá nằm nghe khúc giao mùa”. Tiếng vó ngựa trong đêm khuya càng thăm thẳm. Gió khuya đứng lặng, nhường ngai cho vó ngựa lên ngôi. Nghe như một gã say quên thời gian, ngày tháng. Nghe như những lâu đài nát tan. Nghe như cỏ rêu đang mọc trên những dinh cơ hoàng triều cương thổ. Nghe như ông Năm Yersin ở Suối Dầu đang nhớ cao nguyên lạnh. Nghe như dư vang người đẹp Nam Phương đang oằn lòng vì bị bội tình bởi lời thề nhất mực thủy chung của quân vương.

Nhiều lúc chả hiểu tiếng vó ngựa đó sao nó lại sinh thành.

Đà Lạt như một đô thị hóa thân.

Hóa thân để nối kiến trúc vào trời xanh, nối người đời vào thiên nhiên, nối cỏ cây vào trí tuệ, nối lịch sử vào lịch sử và băng trên lịch sử. Nó không có bóng dáng của thắng thua, trách móc, hận thù. Hòa cả tiếng vó ngựa vào gạch gỗ, đất đai.
Đà Lạt cứ thế, như thể thành phố cuối cùng còn dung chứa cho xe thổ mộ, cho tiếng vó ngựa…

*

Rồi nào ngờ những tiếng vó ngựa cũng xa tôi. Nó đẩy tôi vuột mất thứ nhạc đời. Nó bị “trảm”. Xóa sạch. Chắc là xóa đi “quê mùa”, lỡ thời, “lạc hậu”. Chắc là để Đà Lạt “văn minh”, “tân tiến”. Nhường chỗ cho cơ khí, tiện lợi và sự bộn bề đang chờ phía trước. Xóa đi cái chuỗi xoắn kép, nhiễm sắc thể, cái “ADN” của xứ sở. Lịch sử vận tải trên mặt đất đã sang trang, xe ngựa đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của nó, thế mà có kẻ vẫn còn hoài niệm nó thế này!

Bữa tiệc nào tàn mà chẳng còn dư vị. Thôi, cứ để nó lộc cộc lên ký ức. Tôi vượt qua, nhưng không biết những cung đường chập chùng mênh mông kia có mơ dấu ngựa. Mà đâu chỉ nó xa tôi, nó xa hết thảy mọi người. Nó còn trong bản nhạc của anh bạn nhạc sĩ nghèo người Đà Lạt, Lê Huy Cầm: “Chú ngựa già leo lên dốc đá. Chuyến hàng xa bây giờ có nặng”. Nó còn ở đâu đó trong tranh của Đinh Cường, danh họa vẽ nhiều về Đà Lạt và tự xem mình là đứa con danh dự của Đà Lạt.

Tiếng vó câu đã tắt, đâu đó từ sau năm 2000. Tắt một sắc màu riêng biệt cao nguyên. Tắt một thuở thanh bình…

Bút ký Nguyễn Hàng Tình

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây