Để mo Mường ở Hòa Bình xứng tầm di sản

Để mo Mường ở Hòa Bình xứng tầm di sản
Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của dân tộc Mường. Ảnh: Khánh Linh

Để mo Mường ở Hòa Bình xứng tầm di sản

Mo Mường luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mường, đây là nét văn hóa đang được bảo tồn và phát triển. 

Những nốt trầm của “bản nhạc” mo Mường

Những ngày đầu năm 2022, tìm về xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, nơi đây là trung tâm của vùng mường Bi xưa, mường lớn nhất trong bốn mường của tỉnh Hoà Bình. Sau khi hỏi thăm, PV đã  gặp được thầy mo Bùi Hồng Bào, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) mo Mường xã Phong Phú.

Ông Bào là truyền nhân đời thứ 5 của một gia đình có nổ (dòng dõi) mo từ xa xưa. Ông Bào kể, có một khoảng thời gian dài, mo bị xem là mê tín nên các cụ chỉ truyền lại cho con cháu trong nhà những bài mo thông thường để dùng những dịp lễ, Tết.

“Năm 2006, sau khi nghỉ hưu, tôi mới bắt đầu ghi chép, sưu tầm lại những róong mo cổ để truyền dạy lại cho con cháu. Không phải ai cũng có thể học được mo. Người muốn học mo phải là người có tâm, có đức, am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc Mường, phải có tính kiên trì, nhẫn nại”, ông Bào cho biết. 

Với tình yêu đặc biệt với mo Mường, với những giá trị văn hóa của ông cha để lại, thầy mo Bùi Hồng Bào đã thành lập ban vận động, đi khắp các làng trên, xóm dưới của xã Địch Giáo cũ (nay là xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) để vận động những thầy mo giỏi cùng những người nhiệt tình với mo Mường. 

21 min 12 - Để mo Mường ở Hòa Bình xứng tầm di sảnThầy mo Bùi Văn Xiên, xóm Sơn Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình thực hiện nghi lễ mo thanh minh đầu năm

Cuối năm 2017, CLB mo Mường xã Địch Giáo được thành lập với 17 thành viên. Sau khi xã Địch Giáo nhập vào xã Phong Phú, số lượng thành viên CLB mo Mường tăng lên.

Tính đến nay, trên toàn xã Phong Phú có trên 50 nghệ nhân mo, trong đó có nhiều thầy mo đã được công nhận nghệ nhân ưu tú như các ông: Bùi Văn Lựng, Bùi Văn Khẩn, Bùi Văn Nợi.

Để Mo Mường xứng tầm di sản 

Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống với những đổi thay và sự du nhập của các nền văn hóa trên thế giới, đến nay, mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ qua năm tháng.

Qua thời gian, làn điệu mo đã góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ người con đất Mường. Hiện nay, để mo Mường được sống mãi cùng thời gian, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn tỉnh Hòa Bình chung tay thực hiện nhiều kế hoạch trước mắt và dài hạn để ghi danh mo Mường vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể thế giới. 

22 min 10 - Để mo Mường ở Hòa Bình xứng tầm di sảnĐồ đá và sừng các con thú trong rừng là những thứ có trong túi khót của thầy mo được truyền từ đời này sang đời khác.

Để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường trên địa bàn tỉnh, các cấp ban ngành tỉnh Hòa Bình thực hiện nghiêm công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến di sản văn hóa mo Mường.

Trao đổi với PV, ông Lưu Huy Linh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình cho biết: “Trong năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, tuy nhiên các Câu lạc bộ Mo Mường vẫn duy trì việc tổ chức các lớp truyền dạy trực tiếp cho những nghệ nhân trẻ và người yêu văn hóa Mường Hoà Bình”.

Hiện nay, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của mo Mường; đưa nội dung trình diễn văn hóa mo Mường vào các chương trình, sự kiện của tỉnh, ngày hội giao lưu văn hóa để giới thiệu, quảng bá sâu rộng về di sản văn hóa mo Mường.

Bên cạnh đó, địa phương tích cực phối hợp với Sở VHTTDL một số tỉnh có người Mường sinh sống, giúp việc nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường. Không gian diễn xướng của Mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó.

Chủ thể thực hành Mo Mường là ông Mo, thầy Mo (hoặc Ông Tlượng) – những người nắm giữ tri thức Mo, họ không những thuộc lòng hàng vạn câu Mo mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán.

Mo Mường chính là thể hiện nhân sinh quan, quá trình nhận thức thế giới, phản ánh thế giới quan, vũ trụ quan… của người Mường.


     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây