Giới thiệu khái quát huyện Tân Lạc

Giới thiệu khái quát huyện Tân Lạc

Giới thiệu khái quát huyện Tân Lạc

Tân Lạc là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hoà Bình, có đường giao thông nối với quốc lộ 1A. Tân Lạc như cửa ngõ nối liền giữa miền Tây Bắc và thủ đô Hà Nội. Địa thế của Tân Lạc đã tạo thành một địa bàn chiến lược quan trọng về quân sự.

Với diện tích tự nhiên khoảng 52,3 km2, trong đó hơn 80% là rừng núi. Phía Đông giáp huyện Cao Phong, phía bắc giáp huyện Đà Bắc, phía tây giáp huyện Mai Châu, phía nam và tây nam giáp huyện Lạc Sơn và tỉnh Thanh Hoá. Trước Cách mạng tháng tám năm 1945, chủ yếu là người Mường sinh sống, từ sau cách mạng tháng tám đến nay có thêm đồng bào Kinh lên xây dựng kinh tế mới. Tân Lạc hiện nay chủ yếu có có hai dân tộc anh em chung sống là dân tộc Mường và dân tộc Kinh.

Tân Lạc được biết đến là một trong những cái nôi của người Mường, với nền văn hoá Hoà Bình nổi tiếng mà Mường Bi là địa danh tiêu biểu.

Ngày 15 tháng 10 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ quyết định chia huyện Lạc Sơn thành 2 huyện: Lạc Sơn và Tân Lạc, huyện có 23 xã và 1 thị trấn.

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Tân Lạc có nhiều lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp. Rừng Tân Lạc chiếm 58,7% diện tích đất tự nhiên. Riêng ở Tân Lạc có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu, lát nghiến… cùng các loại tre vứa vầu và các loại cây có giá trị như sa nhân, mây.

Nhân dân Tân Lạc chủ yếu sống bằng nghề nông mặc dù đất nông nghiệp chỉ chiếm 14,2% diện tích đất tự nhiên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Tân Lạc với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá, dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đời sống sản xuất của bà con nhân dân, đưa những mặt hàng nông sản được coi là thế mạnh của vùng như susu Quyết Chiến, mía tím Trung Hoà, Mỹ Hoà, tỏi tía, quýt ngọt ở Nam Sơn, bưởi đỏ, bưởi da xanh.

Tân Lạc có tiềm du lịch lớn được biết đến là núi Khụ Dọi hay còn gọi là núi Cột Cờ, làng Mường, Phong Phú, Khụ Khạng, Khụ Khiến ở Quy Hậu, Mãn Đức… đã đi vào cổ tích đất Mường từ thời “đẻ đất, để nước” còn có nhiều hang động như hang Ma – Địch Giáo, hang Muối – Mường Khến… tạo cho Tân Lạc một cảnh quan tự nhiên kỳ thú. Những sản phẩm thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu cần..) những nét sinh hoạt văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc như hát ru, hát đúm, xéc, bùa… của người Mường ngày càng góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, mang hương vị của quê hương Tân Lạc.

Trải qua lịch sử lao động, đấu tranh sinh tồn và phát triển, người Tân Lạc đã xây dựng được cho mình một nền văn hoá truyền thống mang đậm đà bản sắc người Mường.

Bước vào công cuộc xây dựng và phát triển hiện nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn cố gắng phấn đấu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy tối đa nội lực và tinh thần đoàn kết tập thể; đồng thời chủ động tạo các điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài huyện, với mục tiêu đưa huyện Tân Lạc ngày càng phát triển, cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây