Đi tìm thời vàng son của gốm Biên Hòa

Đi tìm thời vàng son của gốm Biên Hòa
Di tích Đình Tân Lân tọa lạc ở P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: Lâm Viên

Nhắc đến vùng đất Đồng Nai – Biên Hòa với hơn 320 năm hình thành và phát triển, không thể không nhắc đến đồ gốm mỹ nghệ Biên Hòa – đẹp và độc đáo, như lời giới thiệu ngọt ngào trong câu ca dao:

Đồng Nai có gốm Biên Hòa
Đẹp, bền, duyên dáng ai mà lãng quên

Gốm Biên Hòa – “Một thời vang bóng”

Ngành gốm Biên Hòa trải qua nhiều thời kỳ phát triển, khẳng định tính đặc trưng và vị thế của mình, góp phần tôn vinh làng nghề truyền thống của Đồng Nai.

Tại hội thảo Gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận, từ truyền thống đến hiện đại diễn ra tại Đồng Nai, TS Nguyễn Thị Nguyệt và ThS Phan Đình Dũng (Trường đại học Văn hóa TP.HCM, những nhà khoa học gắn bó và có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Biên Hòa – Đồng Nai) có nhận định như sau: “Dòng gốm Biên Hòa – Đồng Nai hình thành trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XVIII, đến giữa thế kỷ XIX, phát triển mạnh từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX”.

Gốm Biên Hòa vừa có tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, vừa có giá trị sử dụng với các sản phẩm phong phú về kiểu dáng, đa dạng về chủng loại, từ các sản phẩm gia dụng như: chén, ấm, đĩa, đôn, chậu hoa… cho đến các phù điêu tranh lịch sử, lễ hội dân gian; các loại tượng gốm…

Theo đó, dọc theo hai bên sông Đồng Nai, từ nhiều thế kỷ trước đã có nhiều lớp cư dân bản địa sinh sống, đặc biệt là vùng đất Cù lao Phố (nay là P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), các dân tộc bản địa đã sinh sống và lập lò sản xuất gốm ở đây.

Thế kỷ XVII, những lưu dân người Việt và người Hoa vào khai khẩn đất Đồng Nai và những thợ gốm định cư ở Cù lao Phố đã lập nên các lò gốm sản xuất các sản phẩm chủ yếu là: lu, khạp, ghè ống, tiểu sành…Một số địa danh như: bến Miểng Sành, rạch Lò Gốm ở Cù lao Phố cho thấy nghề làm gốm đã có ở nơi đây. Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy dấu vết của xỉ lò, vô số mảnh gốm có nguồn gốc từ Trung bộ và gốm Trung Hoa có niên đại từ thế kỷ XVII-XVIII. Thời kỳ thương cảng Nông Nại đại phố phát triển, đã có rất nhiều hàng hóa buôn bán, trong đó có các sản phẩm từ gốm được sản xuất ở vùng đất này, được đem đi buôn bán, trao đổi khắp nơi.

Đến thế kỷ XVIII, sau khi Cù lao Phố bị tàn phá, một số người thợ Hoa chạy về lập lò ở Phú Lâm (Chợ Lớn) sản xuất gốm Cây Mai sau này, một số khác lại chuyển qua bên kia sông lập nên làng gốm gia dụng Tân Vạn với các lò gốm tiêu biểu như: lò Tú Hiệp Thái, lò Năm Lủng, lò Ba Thơ…

Đầu thế kỷ XX, nghề gốm đã phát triển khá mạnh ở Biên Hòa. Nhưng mãi đến năm 1903, khi Trường dạy nghề Biên Hòa, nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, được người Pháp thành lập thì nghề gốm Biên Hòa bước sang một bước ngoặt mới quan trọng trong quá trình phát triển của gốm Biên Hòa – ghi dấu ấn bởi yếu tố mỹ thuật.

Trong bài viết Trường dạy nghề Biên Hòa thời pháp thuộc (1903-1945) đăng trong Tạp chí khoa học Đại học Đồng Nai số 15-2019, tác giả Trần Thị Thùy Dung có viết: “Năm 1923, Chính phủ Pháp bổ nhiệm hai chuyên viên: ông Ba-lick tốt nghiệp Trường Mỹ thuật trang trí Paris làm hiệu trưởng và bà Ma-ri-ette tốt nghiệp Trường gốm Limoges làm phụ tá… Có thể nói từ năm 1923, trường bước vào một giai đoạn mới, được coi làm bước ngoặt, từ đây, với sự chung sức của ông bà Ba-lick và thầy thợ của trường trong việc tìm ra công thức pha chế men chính xác… Với sự cố gắng của thầy và trò Trường dạy nghề Biên Hòa, các sản phẩm đạt chất lượng tốt và mang tính thẩm mỹ cao, hằng năm trường đều có sản phẩm trưng bày ở Hội Mỹ thuật Sài Gòn, tham dự triển lãm Hà Nội và các nơi trong và ngoài nước”.

Những giá trị còn mãi

Theo các chuyên gia, gốm Biên Hòa được thị trường quốc tế ưa chuộng là do sản phẩm có sự giao thoa giữa 3 dòng gốm người Việt, người Hoa và người Chăm.

Mai tien dinh voi hang tram tuong gom dac sac min - Đi tìm thời vàng son của gốm Biên HòaMái tiền đình với hàng trăm tượng gốm đặc sắc. Ảnh: Lâm Viên

Làm nên các sản phẩm gốm chính là nhờ vào bàn tay, khối óc của các nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm, tư duy sáng tạo, tay nghề hoàn hảo. Tài nghệ của họ chính là đã tiếp thu, dung hòa những nét tinh hoa của các nền văn hóa trong các sản phẩm của mình, kết hợp khéo léo giữa cái cũ và cái mới, giữa Đông và Tây, cụ thể là sự kết tinh của kinh nghiệm điêu luyện của làm gốm thủ công cổ truyền với kỹ thuật, công nghệ hiện đại của Pháp.

Để tạo ra một dòng sản phẩm của riêng địa phương, không lẫn với dòng sản phẩm của các nơi khác trong nước và thế giới, theo nhận định của 2 tác giả Phan Đình Dũng – Nguyễn Thanh Lợi, trong cuốn Hỏi đáp về Biên Hòa – Đồng Nai: “Cái cốt lõi, cái hồn vẫn ở nguyên liệu đất Biên Hòa và men thực vật truyền thống do nghệ nhân Biên Hòa tạo nên… Gốm Biên Hòa ngày xưa đẹp về kiểu dáng, họa tiết và cả chất men.  Gốm Biên Hòa có chất men độc đáo riêng. Chính điều này đã làm cho nó khác với gốm của các địa phương khác. “Độ lửa” đã làm cho gốm xưa có được sự hấp dẫn kỳ lạ của chất men. Đặc điểm gốm Đồng Nai và gốm Nam bộ là kỹ thuật khắc, chấm men và lộng. Các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và xanh đổng trổ ở Biên Hòa xưa rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ. Loại men này đang có nguy cơ bị mai một”.

Sau đây là một số công trình nghệ thuật sử dụng chất liệu gốm Biên Hòa lưu dấu thời gian như:

Một trong những dấu ấn nghệ thuật của công trình kiến trúc Đình Tân Lân tọa lạc ở P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa là mái tiền đình. Đó là những mảng trang gốm với nhiều cảnh trí, hàng trăm tượng người, vật, bằng gốm sứ men xanh thể hiện các điển tích của văn hóa Á Đông như: Lưỡng long tranh châu, Lý ngư hóa long, Bát tiên quá hải, Quan Công phò thị tẩu, Múa hát cung đình, Nhật, Nguyệt… Các tượng được các nghệ nhân tài hoa thể hiện một cách sống động, qua bao thời gian vẫn vẹn nguyên sắc màu, đường nét.

Di tích Đài kỷ niệm, còn gọi là Đài Chiến sĩ, ở P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa là công trình kiến trúc đặc sắc mô phỏng theo kiểu ngọ môn Huế thời nhà Nguyễn. Công trình có hai trụ đá  với những mảng trang trí tinh tế. Trên thân trụ đá có câu đối chữ Hán được thực hiện công phu bằng màu sắc hài hòa. Bên chân hai trụ có hình tượng lân chầu bằng gốm. Bốn góc chân đài có hình ảnh của tượng rồng làm bằng gốm men xanh Biên Hòa tỏa xuất ra bốn hướng.

Di tích Nhà hội Bình Trước ở P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa có kiến trúc khá độc đáo, được xây dựng bởi những nghệ nhân về nghề xây dựng, gốm Biên Hòa. Một trong những nét nổi bật của di tích này là những mảng trang trí bằng gốm nghệ thuật, những bức phù điêu gồm với đề tài truyền thống xã hội Việt Nam được thực hiện công phu, sắc sảo…

Danh xưng quốc tế: Vert de Bienhoa

Tại hội thảo khoa học Gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận, từ truyền thống đến hiện đại, cố Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du có tham luận Cần nghiên cứu và phục hồi màu men xanh đồng trổ bông truyền thống – di sản độc đáo của gốm Biên Hòa. Qua đó, ông nhận định: “Men xanh đồng trổ bông” hay “xanh đồng trổ bông” là nét đặc trưng và niềm tự hào của gốm Biên Hòa. Trong nền gốm Việt Nam ngàn năm tuổi, chỉ có Biên Hòa có màu men mang tên mình với danh xưng quốc tế: Vert de Bienhoa.  Có người cho rằng tên này chỉ chung “các màu men xanh tạo màu do đồng” được làm tại Biên Hòa, có người cho rằng tên này chỉ riêng màu men xanh đồng trổ bông”.

Lâm Viên

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây