Đối thoại với di sản Khảo cổ học: Nghiên cứu phức hệ di tích Vườn Chuối

Đối thoại với di sản Khảo cổ học: Nghiên cứu phức hệ di tích Vườn Chuối
Ảnh phức hệ di tích Vườn Chuối
ĐỐI THOẠI VỚI DI SẢN KHẢO CỔ HỌC
NGHIÊN CỨU PHỨC HỆ DI TÍCH VƯỜN CHUỐI
BÙI HỮU TIẾN*
  • Đối thoại với di sản khảo cổ học
Cuộc đối thoại trong im lặng !
Di sản khảo cổ học gồm các loại di tích, di vật – là những dấu vết, vết tích về con người trong quá khứ. Các di tích khảo cổ học rất phong phú, đa dạng về loại hình như: các di tích cư trú, công xưởng, khu mộ táng, thành quách, đình, chùa, đền, tháp, lăng tẩm… Một đặc điểm nổi bật của di sản khảo cổ học, đó là chủ thể của di sản không còn tồn tại nên không thể tương tác trực tiếp bằng ngôn ngữ, các giác quan và cũng không thể biểu lộ xúc cảm khi có sự tác động từ bên ngoài (môi trường tự nhiên hoặc con người/xã hội). Đặc điểm này khác biệt so với một số loại hình của di sản văn hóa phi vật thể (ví dụ như quan họ, chầu văn, nhã nhạc cung đình huế, hát xoan…) khi chủ nhân của những di sản này vẫn còn đang tồn tại (Tham khảo thêm trong Lê Thị Minh Lý 2014), và có thể trực tiếp đối thoại với chúng ta. Thông điệp đối thoại của những chủ thể di sản, của cha ông từ quá khứ xa xưa được truyền tải, thông qua những di tích, di vật khảo cổ, mà có thể xem chúng như  những ngôn ngữ, tín hiệu đối thoại cổ xưa (như một dạng ngôn ngữ cổ). Trong sự tương tác trực diện với xã hội hiện tại, thì chủ thể di sản khảo cổ học có thể được hình dung như một khách thể yên lặng. Chính vì vậy, so với di sản phi vật thể hiện tồn, thì di sản khảo cổ học sẽ dễ bị “tổn thương” hơn rất nhiều, hay nói chính xác là chúng dễ bị đe dọa, xâm hại, phá hủy nhất, dễ bị biến đổi, cưỡng bức nhất và tốc độ xâm phá cũng là mạnh mẽ nhất, nhanh nhất, đặc biệt trong bối cảnh, những di tích khảo cổ học đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực, mạnh mẽ từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang “bùng nổ” cũng như trong bối cảnh sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra với cường độ ngày càng nhanh và mức độ tác động ngày càng lớn và nặng nề hơn, hơn nữa, nhận thức, trách nhiệm của xã hội còn chưa cao, hay nói cách khác là có một bộ phận không nhỏ con người còn “thờ ơ”, “vô cảm” trước sự cưỡng bức, phá hủy di sản, thêm vào đó là, sự quan tâm chưa đúng mức của các cơ quan quản lý và năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém. Theo nghiên cứu của Tống Trung Tín, Trịnh Sinh, ở khu vực Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã có hơn 90% di tích Tiền Sơ Sử đã bị “xóa sổ” (Tống Trung Tín 2018), đây chính là một “báo động đỏ”, một hồi chuông thống thiết cảnh báo về nguy cơ nhiều di tích khảo cổ học, đặc biệt là các di tích thuộc thời đại Kim khí có thể bị biến mất vĩnh viến nếu không được các cơ quan quản lý và xã hội quan tâm.
Đối thoại với di sản như thế nào ?
Capture12 min - Đối thoại với di sản Khảo cổ học: Nghiên cứu phức hệ di tích Vườn Chuối
Đối thoại với di sản chính là giải mã những di tích, di vật – tín hiệu, ngôn ngữ cổ xưa để hiểu được những thông điệp, thông tin về xã hội, con người trong quá khứ mà chúng hàm chứa cũng như phải quản lý, gìn giữ, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của di sản mà “cha ông” để lại một cách bền vững phục vụ cho sự phát triển của đất nước và nhân loại, đặc biệt là cần nhân lên các giá trị di sản, kiến tạo thêm các giá trị mới từ di sản (bên cạnh giá trị khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, là các giá trị giáo dục, giá trị biểu tượng…) (Hình 1).
Khám phá khảo cổ học hay nói khác là bằng việc tìm hiểu, nghiên cứu diễn giải các di tích, di vật khảo cổ một cách toàn diện (được soi chiếu dưới nhiều góc độ, khía cạnh bằng các lý thuyết, cách tiếp cận, và ở các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau), thấu đáo, kỹ lưỡng bằng nhiều phương pháp chuyên sâu, với  một tinh thần khách quan, trung thực và trách nhiệm để nhận diện những giá trị của chúng sẽ có ý nghĩa tiên quyết và tối quan trọng trong cuộc hành trình đối thoại với di sản.
Ai tham gia đối thoại với di sản ?
Di tích, di vật khảo cổ học là di sản quý báu của cha ông để lại nên con người ở xã hội hiện tại chính là những CHỦ THỂ MỚI CỦA DI SẢN. Do đó, cuộc đối thoại với di sản thực chất là cuộc đối thoại gián tiếp giữa “cha ông” và chúng ta, và nó đỏi hỏi sự tham gia không chỉ của nhà nghiên cứu, những người làm khảo cổ học; các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp; các tổ chức về văn hóa, di sản trong nước và quốc tế, chính chủ và phi chính phủ, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học là sự nghiệp chung, trong đó có vai trò rất quan trọng của cộng đồng địa phương – những người “nắm giữ” di sản, cộng đồng các nhà khoa học – những người có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận diện các giá trị di sản, cộng đồng báo chí truyền thông – những người có “quyền lực mềm” rất lớn để đấu tranh bảo vệ cũng như quảng bá giá trị di sản.
Nghịch lý và lối thoát trong tiếp cận vấn đề di sản ở Việt Nam
Có nhiều nghịch lý lớn trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam hiện nay, chẳng hạn như có luật di sản nhưng không được thực hiện nghiêm túc; đôi khi “chủ thể” di sản lại là người tham gia trực tiếp, hoặc gián tiếp phá hoại di sản, và không ít trường hợp trùng tu di sản nhưng thực chất lại là “làm mới” di sản…, nhưng nghịch lý lớn nhất là: CỘNG ĐỒNG LÀ CHỦ THỂ nhưng lại bị hạn chế, hoặc “tước” mất QUYỀN CỦA CHỦ THỂ: quyền được tham gia tìm hiểu, nghiên cứu, quyền được tiếp cận và chia sẻ thông tin (kết quả nghiên cứu khảo cổ…), quyền được hưởng lợi ích (lợi ích kinh tế, văn hóa, giáo dục; lợi ích vật chất và tinh thần), quyền được kiểm tra, giám sát di sản, quyền được tham gia vào quy hoạch di sản…
Capture13 min - Đối thoại với di sản Khảo cổ học: Nghiên cứu phức hệ di tích Vườn Chuối
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, chẳng hạn như hoàn thiện về luật di sản, đào tạo cán bộ làm trong lĩnh vực di sản có đủ năng lực (quản lý, chuyên môn nghiệp vụ…) và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong tìm hiểu, nghiên cứu, quản lý và bảo tồn di sản; phân cấp, phân quyền đồng thời cũng phân trách nhiệm rõ ràng cho cán bộ quản lý với bảo tồn di sản (khi di sản bị xâm phạm, ai phải chịu trách nhiệm, không thể quy trách nhiệm chung chung)…. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là, GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG NHẤT, hay nói cách khác là triết lý để giải quyết vấn đề quản lý và bảo tồn di tích là LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM, LẤY GIẢI PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN CON NGƯỜI LÀM NÒNG CỐT.
Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học nói riêng và di sản nói chung theo mô hình tăng quyền cho cộng đồng, hay còn gọi là cách tiếp cận từ dưới lên, nghĩa là lấy CỘNG ĐỒNG (CHỦ THỂ CỦA DI SẢN) LÀM TRUNG TÂM (Hình 2). Việc đảm bảo đầy đủ “quyền” của chủ thể với di sản sẽ có ý nghĩa mang tính sống còn trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách lâu dài và bền vững. Di sản chỉ còn sống khi cộng đồng muốn giữ, đó là triết lý căn bản của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Theo Nguyễn Thị Hậu (2018), hiện nay, chúng ta đang bảo tồn di tích bằng một tư duy từ trên xuống (tiếp cận top – down), chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy lợi ích của mình, lợi ích kinh tế hoặc lợi ích chính trị mà không thấy lợi ích và những vấn đề của người dân. Nếu nhìn theo chiều ngược lại, từ dưới lên (tiếp cận bottton – top), thì lại khác, khi đó chính quyền sẽ hiểu người dân ở đâu, còn người dân cũng sẽ hiểu được mình cần làm gì để bảo tồn và phát triển du lịch, và được hưởng lợi gì (Dẫn theo Thu Quỳnh 2018). Tôi cho rằng, bảo tồn di sản không chỉ dựa vào cơ quan quản lý, mà căn bản phải dựa chủ đạo vào cộng đồng, bởi vì, “chỉ có cộng đồng/cá nhân và tổ chức xã hội mới có đủ nguồn lực để bảo tồn được di sản cũng như giúp cho di sản sống cùng cộng đồng” (Nguyễn Thị Hậu 2018: 46). Cần nói thêm rằng, không ai có thể phủ nhận vai trò của nhà nước trong quản lý di sản, tuy nhiên, sẽ là hợp lý nếu sự tham gia của nhà nước chủ yếu  là gián tiếp và hướng dẫn (Lê Thị Minh Lý 2014).
Tăng cường vai trò của cộng đồng như thế nào ?
– Nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng địa phương về di sản, về quyền lợi, trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản: tuyên truyền, trang bị cho cộng đồng những kiến thức cơ bản về Luật di sản, về nguyên tắc, quy trình trùng tu, bảo quản, bảo tồn di tích, di vật khảo cổ; cách thức đấu tranh với những tiêu cực nhằm bảo vệ di tích, di vật khảo cổ; giám sát việc trùng tu di sản để chống tham ô, tham nhũng, tham gia thảo luận về quy hoạch di sản… (Về vai trò của cộng đồng: tham khảo thêm Trần Đức Nguyên 2013, Bùi Văn Liêm 2018, Nguyễn Giang Hải, Trịnh Hoàng Hiệp 2018).
– Khi khai thác giá trị kinh tế của di sản, cần đảm bảo lợi ích của cộng đồng địa phương, bên cạnh lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp, bởi đây chính là một trong những “quyền” chính đáng của chủ thể di sản: quyền được hưởng lợi ích. Điều này cần được quy định trong Luật di sản và được thể hiện bằng những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể như nghị định, thông tư, hoặc những quy định của chính quyền cấp tỉnh, thành phố. Cần nhấn mạnh rằng, lợi ích kinh tế chính là một động lực quan trọng nhất để cộng đồng tham gia một cách chủ động, tự giác, tự nguyện và sáng tạo vào việc gìn giữ và bảo tồn di sản.
– Xây dựng lòng tin cho cộng đồng: các cơ quan công quyền cần công khai các chính sách, dự án, chương trình phát triển di sản; sử dụng hợp lý, hiệu quả, minh bạch các nguồn lực đóng góp từ cộng đồng và xã hội (hiện vật hiến tặng, tiền quyên góp…) vào gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời có những hình thức tôn vinh, khuyến khích, khen thưởng kịp thời và xứng đáng tới những cá nhân trong cộng đồng có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào lĩnh vực di sản.
– Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng địa phương. Thực tế đã cho thấy, trong rất nhiều trường hợp thì cộng đồng địa phương chính là “con mắt”/“tai mắt” của các cơ quan quản lý, cán bộ làm di sản và lực lượng chủ đạo trong việc ngăn ngừa trực tiếp các mối đe dọa, xâm phá với di sản (chẳng hạn như khi phát hiện di tích bị xâm hại thì thông tin cho chính quyền, hay tổ chức tuyên truyền, đấu tranh chống nạn đào trộm cổ vật).
Capture14 min - Đối thoại với di sản Khảo cổ học: Nghiên cứu phức hệ di tích Vườn Chuối
– Kiến lập, duy trì mối liên kết cộng đồng với 3 trụ cột chính là cộng đồng địa phương, cộng đồng các nhà khoa học về di sản và cộng đồng báo chí – truyền thông nhằm khai thác, phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, cộng đồng những người yêu di sản cũng có vai trò quan trọng như “móng nền” của sự nghiệp bảo tồn di sản. Họ là các cá nhân, tổ chức xã hội (chính phủ hoặc phi chính phủ, trong nước và quốc tế) hoặc doanh nghiệp có cùng chung nhận thức về giá trị di sản cũng như về ý nghĩa của việc bảo tồn chúng. Họ tham gia tài trợ kinh phí hoặc đóng góp công sức (nhân công tình nguyện), ủng hộ về vật chất (hỗ trợ nguyên vật liệu), tinh thần và cả trí tuệ (kiến thức, các giải pháp kỹ thuật) cho các dự án, chương trình hay phong trào bảo tồn và phát huy giá trị di sản (Hình 3) (Có thể tham khảo thêm về khái niệm, phân loại và cách tiếp cận cộng đồng của Phạm Hồng Tung 2009). Liên kết cộng đồng theo mô hình này khi ứng dụng ở trường hợp phức hệ di tích Vườn Chuối đã cho thấy tính hiệu quả cao khi đã góp phần ngăn chặn thành công nhiều lần xâm phá di tích.
Một số giải pháp cụ thể:
– Xây dựng các dự án khảo cổ học cộng đồng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản: giúp cộng đồng nhận diện chức năng, giá trị của di sản cũng như những thách thức di sản phải đối mặt; thành lập Hội khảo cổ học cộng đồng địa phương, tổ chức hội thảo và các cuộc họp khảo cổ học cộng đồng để người dân tham gia thảo luận về cách thức bảo vệ cũng như khai thác các lợi thế di sản khảo cổ, phát triển du lịch di sản; hướng dẫn cộng đồng gây quỹ bảo tồn di sản, cách thức vận động tài trợ, phát triển các chương trình hành động; trợ giúp, chỉ dẫn để cộng đồng trực tiếp tham gia tìm hiểu, nghiên cứu di tích (tham gia khảo sát, thám sát, khai quật) và di vật, sưu tầm hiện vật và tư liệu, tổ chức trưng bày, bảo quản sơ bộ hiện vật, giới thiệu di sản…
– Tổ chức các dự án, chương trình, khóa học tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức vể di sản cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, bởi họ chính là lực lượng đại diện cho cơ quan nhà nước phối hợp trực tiếp với cộng đồng để quản lý, gìn giữ, và bảo tồn các di tích khảo cổ học. Lai Xá chính là một ví dụ điển hình của việc thông qua công tác tuyên truyền thường xuyên và liên tục của các nhà khảo cổ, mà một cán bộ phó thôn kiêm trưởng an ninh thôn đã có những hiểu biết sâu sắc về các di tích khảo cổ ở trên địa bàn, về ý nghĩa giá trị khoa học của các loại hình di vật khảo cổ phát hiện được cũng như về Luật di sản. Nhờ đó mà, người cán bộ này trong nhiều năm từ 2008 – 2014, đã nhiều lần chủ động vận động người dân địa phương cùng tham gia đấu tranh ngăn chặn “cổ tặc” (người đào trộm đồ cổ), bảo vệ di tích.
– Đối với các dự án khai quật khảo cổ: Tổ chức giới thiệu cho cộng đồng về giá trị, ý nghĩa của di tích, mục đích của công việc khai quật; Tổ chức cho cộng đồng thăm quan hiện trường khai quật và giới thiệu kết quả khai quật ngay tại hiện trường; Tổ chức trưng bày (trưng bày chuyên đề: tổ chức trưng bày một cách chuyên nghiệp, được thực hiện bởi những chuyên gia bảo tàng kết hợp với các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu), giới thiệu kết quả nghiên cứu (sau khai quật) ở địa phương và bảo tàng để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của công chúng. Điều này sẽ giúp nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về di sản, và có thể làm nảy sinh và nhân lên tình yêu, lòng say mê với di sản. Đây chính là một hình thức xã hội hóa kết quả nghiên cứu, một hướng đi đúng và mới trong nỗ lực nâng cao vai trò di sản cũng như nâng cao nhận thức của xã hội về di sản. Cách tiếp cận này tới nay ở Việt Nam còn chưa phổ biến, chủ yếu được thực hiện ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, ngay cả bảo tàng này cũng chưa chú ý đến đối tượng là cộng đồng địa phương, nên những cuộc trưng bày hầu hết cũng chỉ được tổ chức tại chính bảo tàng, mà không trưng bày tại địa phương, nơi di tích hiện tồn. 
– Công bố kết quả khai quật, nghiên cứu một cách rộng rãi để cộng đồng có thể tiếp cận. Cần đấu tranh, lên án với những trường hợp chiếm giữ, “o bế” tư liệu (báo cáo khai quật không được công bố, hoặc công bố không đầy đủ, hoặc cất giữ, ngăn cản không cho người khác tiếp cận hiện vật, tài liệu), bởi di tích khảo cổ là di sản chung của cha ông, và là sở hữu chung của cộng đồng xã hội, hơn nữa kinh phí điều tra, thám sát, khai quật chính là do nhân dân/cộng đồng đóng góp thông qua các hình thức như thuế, tài trợ mà nhà nước là đại diện quản lý. Việc không công bố tư liệu khai quật một cách có chủ ý và “coi đó là tài sản khoa học của mình” (Colin Renfrew, Paul Bahn 2007: 713) chính là một hình thức “đánh cắp” hay “tham nhũng” di sản. Điều này còn ít được nhắc tới ở Việt Nam, mặc dù trên thế giới, khảo cổ học mới đã đề cập từ rất lâu và rộng rãi dưới nhiều hình thức. Thậm chí, việc cố tình che giấu không công bố dữ liệu đã bị lên án như là một dạng “tội ác nghiêm trọng”, và những nhà khảo cổ học như vậy bị coi là một dạng trộm cắp – thật ra gấp đôi một tên trộm bình thường” (Colin Renfrew, Paul Bahn 2007: 713).
2. Đối thoại với di sản phức hệ di tích khảo cổ học Vườn Chuối
2.1. Nhận diện những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ nổi bật của phức hệ di tích Vườn Chuối
Trải qua gần 50 năm nghiên cứu đã cho thấy, Vườn Chuối không phải là một di tích mà là một phức hệ với 6 di tích khác nhau gồm Vườn Chuối, Gò Chùa Gio, Gò Mỏ Phượng, Gò Dền Rắn, Gò Cây Muỗi (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) và Gò Chiền Vậy (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội) (Bùi Hữu Tiến 2011, Lâm Mỹ Dung và nnk 2011, 2015, Nguyễn Thị Thanh Dịu 2012, Nguyễn Kỳ Nam 2010, Cao Trí Thành 2002, Nguyễn Thắng 2011). Sự phân bố mật đặc những dấu tích của người Việt cổ trong phạm vi bán kính chưa tới 1km đã phản ánh một cách chân thực, sinh động quá trình người Việt cổ khai phá, định cư, quần tụ, kiến tạo xóm làng ở vùng đồng bằng Hà Nội (Hình 4). “Trong bối cảnh lịch sử dựng nước và giữ nước đầu tiên, có thể xem phức hợp di tích này là dấu tích của một trung tâm quần cư, trung tâm văn hóa ở khu vực phía Tây Hà Nội” (Tống Trung Tín 2018). Cần nhấn mạnh rằng, ngoài cụm di tích ở Cổ Loa, thì đây là phức hệ di tích thứ hai thuộc giai đoạn Tiền Đông Sơn và Đông Sơn trên mảnh đất thủ đô nghìn năm văn hiến: Thăng Long – Hà Nội. Trong bản đồ khảo cổ học Tiền Sơ Sử ở miền Bắc Việt Nam, cũng hiếm có một cụm di tích như vậy, do đó có thể khẳng định rằng, phát hiện khảo cổ học này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu không chỉ lịch sử Thăng Long – Hà Nội, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu lịch sử dựng nước của dân tộc.
Qua nhiều lần thám sát, khai quật ở phức hệ di tích Vườn Chuối đã cho thấy, đây là khu vực cư trú và mộ táng của cư dân Việt cổ với tầng văn hóa khá dày, gồm nhiều lớp: lớp văn hóa Phùng Nguyên muộn, lớp văn hóa Đồng Đậu, lớp văn hóa Gò Mun và lớp văn hóa Đông Sơn, có niên đại kéo dài từ khoảng 3.500 đến 2.000 năm cách nay (Xem thêm trong Lâm Mỹ Dung, Bùi Hữu Tiến 2014). Đây là một trong số rất ít di tích, phức hệ di tích thuộc giai đoạn Kim khí có chứa nhiều lớp văn hóa nối tiếp nhau. Cùng với di tích Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) (Hoàng Xuân Chinh, Bùi Hữu Tiến 2010), Đình Tràng (Cổ Loa, Hà Nội) (Lại Văn Tới 2000, 2003), tư liệu ở phức hệ Vườn Chuối đã phản ánh rõ nét nguồn gốc bản địa của cư dân Đông Sơn, chủ nhân của văn hóa văn minh Việt cổ/ văn minh Sông Hồng.
Tư liệu di tích (mộ táng, lò nấu đồng, vết tích nền nhà, bếp lửa…) và di vật thu được qua các lần thám sát, khai quật rất đồ sộ, đa dạng gồm nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như đá, đồng, gốm, tre gỗ, xương… trong đó có nhiều hiện vật thuộc quý hiếm, chẳng hạn như vòng gỗ, hiện vật hình “sinh thực khí” bằng gỗ, khuyên tai bằng đá ngọc hình đầu trâu, bình gốm hình con tiện, có trang trí hoa văn chữ S (kiểu hình học), tiêu biểu của văn hóa Gò Mun, khuôn đúc đá có hoa văn (văn hóa Gò Mun), mũi tên ba cạnh (hình tam giác, kiểu Cổ Loa) bằng đá, đồng (văn hóa Đông Sơn)…  đã cho thấy sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần phong phú của cư dân Việt cổ cũng như các mối quan hệ văn hóa, giao lưu trao đổi xa gần, nội vùng, liên vùng… Qua khối tư liệu này, chúng ta cũng thấy được một sự chuyển biến mạnh mẽ trong cấu trúc kinh tế và xã hội của cư dân Việt cổ, từ xã hội ít phân tầng sang xã hội phân tầng cao hơn (qua dữ liệu mộ táng), đó cũng là sự chuyển biến từ làng (một di tích) tới liên làng – siêu làng (nhiều di tích), từ bộ lạc tới liên minh bộ lạc, và hình thành các thủ lĩnh địa cấp vùng/ thủ lĩnh liên minh bộ lạc (Bùi Hữu Tiến 2015, 2016). Xét trong bối cảnh rộng hơn, đã có những chứng cứ cho thấy, có sự xuất hiện của những siêu thủ lĩnh/thủ lĩnh liên vùng/liên khu vực trong giai đoạn Đông Sơn muộn. Đây là một trong những tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Nhà nước sơ khai ở miền Bắc Việt Nam – nhà nước Văn Lang, Âu Lạc.
Những bằng chứng phong phú của hoạt động trồng lúa như vết tích lúa gạo hóa than, vỏ trấu, lưỡi cày đồng (lưỡi cày đồng hình tim kiểu Cổ Loa, lưỡi cày hình tam giác), xương trâu bò đã thuần hóa… cùng những chứng tích của các nghề thủ công khác nhau (làm gốm, dệt vải, đan lát, mộc…), đặc biệt là luyện kim như lò nấu đồng, khuôn đúc đồng, xỉ đồng… đã phản ánh một cấu trúc kinh tế đa thành phần dựa trên nền tảng vững chắc của nông nghiệp trồng lúa nước và luyện kim đã định hình ổn định trong khoảng thời gian từ 3500 – 2000 năm cách nay. Cần nhấn mạnh rằng, chính “cách mạng nông nghiệp”, “cách mạng luyện kim” trong giai đoạn này đã đưa cư dân Việt cổ tiến bước vững chắc vào ngưỡng cửa của nền văn minh nhân loại. Sự phát triển liên tục, và hết sức mạnh mẽ của nghề nông nghiệp và luyện kim trong giai đoạn Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn đã thúc đẩy sự tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế, góp phần tạo ra một xã hội “thịnh vượng” ở lưu vực sông Hồng (Bùi Hữu Tiến 2015, 2016).
Cụm di tích Vườn Chuối tọa lạc ở vùng đất cổ giàu truyền thống, có nhiều di sản, tài nguyên văn hóa quan trọng, trong đó di sản nổi tiếng nhất, đặc biệt nhất mà chúng ta không thể không nhắc tới, đó là nghề ảnh – một “đặc sản” văn hóa của riêng “làng Lai”. Đây chính là cái nôi đầu tiên của nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam, chính vì vậy, Lai Xá còn được biết đến là làng nhiếp ảnh. Với sự đóng góp từ cộng đồng và sự giúp đỡ nhiệt tâm của chuyên gia bảo tàng – PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, cách đây vài năm, Bảo tàng Lai Xá – Bảo tàng nhiếp ảnh đã được xây dựng và bước đầu mở cửa đón khách thăm quan. Ngoài ra, ở Lai Xá còn có đình cổ với lịch sử hàng trăm năm đã được xếp hạng cấp quốc gia, cùng với những lễ hội giàu bản sắc văn hóa, có bảo tàng của vị danh nhân, bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Việt Nam – Nguyễn Văn Huyên. Lai Xá có trữ lượng tài nguyên văn hóa rất giàu có, thuộc loại “rất hiếm” ở xứ Đoài nói riêng và Bắc Bộ nói chung, bởi thật sự khó tìm một làng cổ trong khu vực miền Bắc lại hội tụ, kết tinh được tinh hoa văn hóa Việt Nam với nhiều di sản văn hóa tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử như Lai Xá, đây chính là một nguồn lực quan trọng để khai thác phục vụ phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục nói chung. Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của cụm di tích thuộc loại quý hiếm này có ý nghĩa vô cùng cấp thiết và quan trọng không chỉ ở khía cạnh lịch sử văn hóa khảo cổ, mà cả lĩnh vực kinh tế của địa phương và Hà Nội. Việc khai thác và phát huy nguồn lực tài nguyên văn hóa này để có thể làm giàu cho địa phương, nâng cao đời sống cho cộng đồng thiết nghĩ rất cần một tầm nhìn/quy hoạch chiến lược phát triển dài hạn cũng như sự quan tâm thích đáng của các cơ quan quản lý.
2.2. Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị phức hệ di tích Vườn Chuối trong bối cảnh đô thị hóa
Capture15 min - Đối thoại với di sản Khảo cổ học: Nghiên cứu phức hệ di tích Vườn Chuối
Phức hợp các di tích khảo cổ học Vườn Chuối hiện nằm trọn trong khu vực xây dựng đô thị của dự án Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) do Tổng công ty Cô phần Thương mại xây dựng VietTrancimex làm chủ đầu tư, có diện tích 140ha. Trong quá trình di chuyển mộ để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường, hệ thống thoát nước của khu đô thị vào những năm 2007 – 2014, dự án đã san ủi, xâm phá một phần của 4 di tích khảo cổ là Vườn Chuối, Gò Mỏ Phượng, Gò Dền Rắn, Gò Chùa Gio và làm xuất lộ nhiều di vật như xương, rìu đồng, dao găm, giáo, mũi tên, lưỡi cày đồng… và nhiều mảnh gốm vỡ (Hình 5). Qua nghiên cứu những di vật cùng bối cảnh phát hiện, chúng tôi cho rằng, đó là dấu tích của những ngôi mộ thuộc văn hóa Đông Sơn, trong đó có cả mộ của những thủ lĩnh giàu có và quyền lực được chôn theo nhiều đồ tùy táng quý như hộ tâm phiến, dao găm hình chữ T, rìu gót vuông có trang trí hoa văn “chó săn hươu”… Đây là một sự mất mát rất lớn với khảo cổ học, bởi những ngôi mộ thủ lĩnh như vậy là tài liệu rất quan trọng để nghiên cứu về cấu trúc xã hội, sự phân tầng xã hội và nhiều khía cạnh khác về kinh tế, xã hội, nguồn gốc dân cư, mà tới nay vẫn chưa phát hiện được trong khai quật ở khu vực này. Số phận “ngàn cân treo sợi tóc” của một phức hệ di tích khảo cổ hiếm quý – một trung tâm văn hóa cổ của Thăng Long – Hà Nội vẫn đang đứng trước nguy cơ bị “bức tử” nếu các cơ quan quản lý không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tác giả cho rằng, để cứu vãn di sản phức hệ các di tích Vườn Chuối cũng như khai thác giá trị của chúng, đóng góp vào sự nghiêp phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo sự kết hợp hài hòa và phát huy tối đa vai trò của các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng, đặc biệt cần chú ý các giải pháp để “tăng” quyền cho cộng đồng địa phương, bên cạnh các giải pháp tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước.
1. Những cuộc khai quật trước đây hầu hết mới chỉ tập trung ở di tích trung tâm – di tích Vườn Chuối, và mới chỉ thám sát, khai quật với diện tích rất nhỏ ở một di tích như Gò Chùa Gio, Gò Dền Rắn, Gò Mỏ Phượng, Gò Cây Muỗm, do đó, nhiệm vụ cấp thiết nhất là xây dựng dự án để tiến hành thám sát, khai quật nhằm xác định rõ qui mô, phạm vi cũng như đánh giá trữ lượng và giá trị của từng di tích cũng như của cả phức hệ di tích. Tiếp đó là, tiến hành tập hợp, hệ thống hóa toàn bộ tư liệu kết quả điều tra, khảo sát, thám sát, khai quật cũng như kết quả chỉnh lý, phân tích trong phòng (nghiên cứu di tích, di vật sau khai quật), trên cơ sở nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khách quan, khoa học những tư liệu đó, sẽ đánh giá, tổng kết một cách toàn diện về giá trị, tiềm năng của di tích (thông qua hội thảo chuyên sâu, xuất bản ấn phẩm) cũng như xác định phương án bảo tồn nhằm đảo bảo sự hài hòa giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, đó là bảo tồn toàn bộ (xác định rõ vùng lõi, vùng đệm, vùng phụ cận của di tích), hay bảo tồn một phần (bảo tồn phần di tích quan trọng, còn lại khai quật di dời), hay khai quật toàn bộ. Đây chính là cơ sở khoa học và thực tiễn để Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành xem xét điều chỉnh quy hoạch của dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch. Trước khi có sự điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chính thức, các cấp chính quyền cần đề nghị Ban quản lý dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch giữ nguyên trạng, dừng các hoạt động xâm phá, bức hại các di tích khảo cổ.
2. Xây dựng dự án khảo cổ học cộng đồng (có thể là tiểu dự án/một hợp phần trong dự án nghiên cứu về phức hệ di tích Vườn Chuối) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về giá trị của cụm di tích này cũng như việc tham gia gìn giữ, bảo tồn di sản: thành lập Hội khảo cổ học cộng đồng Lai Xá và Quỹ bảo tồn di sản Lai Xá do đại diện cộng đồng điều hành, tổ chức giới thiệu kết quả khai quật, nghiên cứu di tích; thăm quan, giới thiệu giá trị và ý nghĩa các sưu tập hiện vật mà cộng đồng sưu tầm, tổ chức bảo quản phòng ngừa sưu tập này cũng như hướng dẫn cộng đồng các kỹ thuật bảo quản sơ bộ hiện vật…). Tại cộng đồng Lai Xá đã có một vài cá nhân có những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả vào công tác sưu tầm di vật, tư liệu (đây là di vật do người dân phát hiện khi cải táng mộ, hoặc canh tác; di vật xuất lộ khi các máy xúc máy ủi của dự án xây dựng làm đường, xâm phá vào di tích), gìn giữ di tích, tổ chức đấu tranh chống lại nạn đào trộm đồ cổ cũng như việc xâm hại di tích của dự án xây dựng. Cần nhấn mạnh rằng, nếu không có những người dân tâm huyết với di sản, thì Vườn Chuối đã bị xâm hại, phá hủy nặng nề từ những năm 2009 đến 2014. Do đó, việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân cũng như lan tỏa tinh thần yêu di sản, bảo vệ di sản trong cộng đồng Lai Xá, đặc biệt là thế hệ trẻ là rất cần thiết. Dự án khảo cổ học cộng đồng này nếu được tổ chức cùng với việc thám sát, khai quật thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.
Capture16 min - Đối thoại với di sản Khảo cổ học: Nghiên cứu phức hệ di tích Vườn Chuối
3. Tổ chức trưng bày chuyên đề về kết quả nghiên cứu phức hệ di tích Vườn Chuối tại địa phương. Dự án trưng bày này có sự tham gia của cộng đồng địa phương và cần chú ý khai thác, phát huy những sưu tập hiện vật, tư liệu về Vườn Chuối mà cộng đồng đang lưu giữ. Việc kết hợp giữa kết quả khai quật và những tư liệu di vật của cộng đồng có ý nghĩa quan trọng, bởi nó sẽ giúp chúng ta phục dựng, hình dung lại bức tranh về xã hội Việt cổ ở khu vực Vườn Chuối toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Cần nhấn mạnh rằng, trong sưu tập di vật của cộng đồng ở Lai Xá có nhiều di vật quý hiếm chưa phát hiện được trong các đợt thám sát, khai quật, chẳng hạn như hộ tâm phiến, dao găm hình chữ T, lưỡi cày đồng, rìu gót vuông có trang trí hoa văn…(Hình 6). Hơn nữa, trong quá trình tổ chức trưng bày, việc trao đổi giữa chuyên gia bảo tàng, nhà nghiên cứu và cộng đồng, sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản, đó vừa là sự chia sẻ lợi ích từ di sản (lợi ích tinh thần, sự hiểu biết), vừa là quá trình đào tạo cộng đồng về nghiệp vụ trưng bày, bảo tàng (cộng đồng đã có bảo tàng nhiếp ảnh). Toàn bộ tư liệu của trưng bày chuyên đề này sẽ là cơ sở quan trọng để hình thành Bảo tàng khảo cổ học Vườn Chuối. Đây sẽ là xương sống của trưng bày nếu bảo tàng được hình thành trong tương lai. Với chức năng là nơi sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản, Bảo tàng chính một cầu nối giữa di sản và cộng đồng. Thông qua trưng bày và các phương tiện truyền thông xã hội như đài phát thanh, truyền hình, báo chí, internet, mạng xã hội (face, zalo…), di sản sẽ được quảng bá rộng rãi hơn nữa tới cộng đồng. Cần khẳng định rằng, quảng bá di sản chính là một khâu, một mắt xích rất quan trọng để phát triển các chương trình, dự án du lịch di sản.
4. Nghiên cứu xây dựng dự án Bảo tàng khảo cổ học về Vườn Chuối tại làng Lai Xá (làng Lai). Việc xây dựng Bảo tàng nhằm trưng bày, phát huy giá trị nhiều mặt những tư liệu, kết quả nghiên cứu phong phú, đồ sộ về Vườn Chuối có thể mang lại giá trị kinh tế và giáo dục rất to lớn, không chỉ thu hút khách du lịch với tua (tour) thăm quan độc đáo, hấp dẫn “Hành trình khám phá di sản Lai Xá” được hình thành trên cơ sở kết nối các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương, góp phần chuyển đổi sinh kế, cải thiện đời sống kinh tế của cộng đồng làng Lai, mà còn góp phần nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho cộng đồng (Hình 7). Khi các lợi thế di sản văn hóa Lai Xá được đánh thức, khai thác hiệu quả và mang lại các lợi ích thiết thân cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là lợi ích kinh tế, thì cộng đồng sẽ có ý thức tự giác cao hơn trong việc bảo tồn các di sản, bởi trong trường hợp này, trách nhiệm “tự thân” và quyền lợi “thiết thân” sẽ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau như “hình với bóng”, và thêm vào đó, niềm tự hào với di sản của cha ông được nâng lên cũng sẽ là động lực để cộng đồng tự gìn giữ di sản của chính mình. Chuyển hóa những giá trị phi vật thể của di sản thành các lợi ích bền vững của cộng đồng (giáo dục, giải trí…), đặc biệt là lợi ích kinh tế chính là cách để cộng đồng sống với di sản.
5. Các cơ quan quản lý cần có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời tới những cá nhân trong cộng đồng cư dân Lai Xá đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong công tác gìn giữ, bảo tồn di sản Vườn Chuối. Họ là những người đã dũng cảm, bất chấp sự an nguy của bản thân và vượt lên sự cám dỗ, mua chuộc của những người đào trộm đồ cổ, để đấu tranh với nạn “cổ tặc” (người đào trộm đồ cổ), giành giật sự “sống” (cố gắng bảo vệ sự toàn vẹn) cho di tích. Họ là người kỳ công kiếm tìm, sưu tầm hiện vật trong những đống đất vương vãi do máy súc, máy ủi để lại, hay vận động người dân hiến tặng hiện vật tìm được cho đoàn nghiên cứu… Nhờ có họ, mà nhiều di vật quý may mắn vẫn còn được lưu giữ tại làng Lai Xá, hoặc trong các bảo tàng công lập để những nhà khoa học còn có thể tìm hiểu, nghiên cứu, bổ sung cho những nhận thức còn thiếu khuyết về cụm di tích Vườn Chuối, và chúng ta còn có cơ hội để chiêm ngưỡng những di vật của cha ông. Tinh thần yêu di sản thiết tha, tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi, không quản ngày đêm, mưa nắng của họ đã khiến chúng tôi – những người làm di sản phải hết sức kính phục và biết ơn. Họ cũng là người đã kịp thời thông tin, phản ánh tới các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu chuyên môn, tới giới truyền thông, giúp cho cuộc đấu tranh với việc xâm hại di tích từ dự án xây dựng được ngăn chặn kịp thời, để chúng ta vẫn còn giữ được Vườn Chuối với một hình hài, diện mạo, hiện trạng như ngày nay (Hình 8). Việc khen thưởng thiết nghĩ rất đỗi cần thiết, dù có phần hơi muộn, bởi đó như là sự ghi nhận, “tôn vinh” của xã hội với những người yêu di sản, có cống hiến đóng góp cho di sản, mà có lẽ với họ, đó chỉ là một món quà tinh thần mà thôi (quyền hưởng lợi ích tinh thần).
6. Mời cộng đồng tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến di sản Vườn Chuối. Tới nay, các cấp chính quyền đã tổ chức 2 buổi tọa đàm khoa học về “Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn các di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội”, tuy nhiên, ở cả 2 hội nghị khoa học này, cộng đồng địa phương hoàn toàn đứng “bên lề” di sản (họ không được mời tham gia). Tôi cho rằng, việc mời cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người tâm huyết với di sản tham gia các buổi thảo luận là rất cần thiết, bởi điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng với “tiếng nói” của cộng đồng cũng như để phát huy sự sáng tạo của họ, mà còn đảm bảo quyền của họ với tư cách là chủ thể di sản: quyền được phát ngôn, quyền tham gia các quyết sách có tác động lớn đến di sản, quyền được tham gia vào việc quyết định mục tiêu, phương hướng và giải pháp cho việc bảo tồn và khai thác các di sản.
7. Nghiên cứu xây dựng hồ sơ xếp hạng cho di tích. Với những giá trị tiêu biểu như đã đề cập ở phần trên, và so sánh với các di tích khảo cổ học đã được xếp hạng, tiêu biểu là di tích Đồng Đậu (được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2000), Cổ Loa (được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012), tôi cho rằng, phức hệ di tích Vườn Chuối xứng đáng được xếp hạng di tích cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt. Việc xếp hạng di tích là rất cần thiết không chỉ để tôn vinh những giá trị di sản của ông cha, mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc gìn giữ, bảo tồn, và phát huy giá trị di tích. Mặt khác, việc tôn vinh di sản cũng làm cho cộng đồng tự hào hơn về di sản mà mình đang nắm giữ, do đó, việc xếp hạng di tích cũng sẽ có tác dụng lâu dài trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng địa phương với di sản.
8. Giải tỏa những xâm phạm tại di tích Vườn Chuối. Từ năm 2014 tới nay, một số người dân địa phương đã xây nhà, trồng các loại cây lưu niên, cây ăn quả như cây trứng cá, bưởi, na, ổi… tại di tích Vườn Chuối. Cần khẳng định rằng, việc đào hố trồng cây, đặc biệt làm móng nhà đã phá hủy trực tiếp tầng văn hóa của di tích. Cần nhận thức rằng, thời gian càng lâu và cây càng phát triển bao nhiêu thì rễ cây sẽ càng ăn sâu, lan rộng bấy nhiêu, vì vậy mà mức độ của sự phá hủy tầng văn hóa sẽ ngày càng lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, cây cối rậm rạp hơn, chính là điều kiện lý tưởng để những người đào trộm cổ vật ẩn nấp, và việc tuần tra của các cán bộ an ninh thực thi công vụ và người dân cũng khó khăn và phức tạp hơn.
9. Có các biện pháp về nghiệp vụ an ninh, cùng phối hợp với người dân để bảo vệ di tích. Tại Vườn Chuối tiềm ẩn nguy cơ xâm phá từ việc đào trộm đồ cổ là rất lớn. Mặc dù, nạn săn tìm cổ vật trái phép tại đây đã tạm thời lắng xuống, tuy nhiên, vấn nạn này vẫn luôn rình rập, đe dọa di tích (Xem thêm trong Huffer, Damien, Ducan Chappell, Lâm Thị Mỹ Dzung and Hoàng Long Nguyễn 2015). Những người đào trộm đồ cổ thường hoạt động về đêm hoặc ban trưa và rất manh động (sẵn sàng sử dụng vũ lực để chống lại khi bị phát hiện và truy đuổi), với nhiều thủ đoạn tinh vi, làm cho công tác đấu tranh ngày càng phức tạp và khó khăn, trong đó có cả việc họ dùng tiền để mua chuộc, hay đưa ra thỏa thuận “ăn chia” (chia đồ cổ hoặc chia tiền sau khi bán) với người dân hoặc cán bộ (việc này đã từng xảy ra, vào thời điểm nạn đào trộm đồ cổ hoàng hành tại Vườn Chuối (những năm 2009 – 2014), họ sẵn sàng chi ra số tiền: 10.000.000 triệu đồng để được đào trong 3 ngày), thậm chí còn giả danh nhà nghiên cứu di sản để lừa người dân địa phương bằng việc đưa ra thẻ hội viên của các câu lạc bộ cổ vật hoặc di sản tư nhân. Rất may, trong khoảng thời gian những năm 2009 – 2014, do thường xuyên tổ chức khai quật tại khu vực Vườn Chuối, vì vậy, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với một số người dân địa phương, cũng như luôn duy trì mối liên hệ mật thiết với họ nên đã kịp thời giải thích và cảnh tỉnh người dân về các hình thức lừa đảo tinh vi của “cổ tặc”, cũng như tuyên truyền về luật di sản, pháp luật. Trên cơ sở đó, cộng đồng địa phương đã đấu tranh và ngăn chặn thành công nhiều lần cổ tặc xâm phá, giảm thiểu được thiệt hại cho di tích. Trong thời gian gần đây, tình hình chính trị địa phương có nhiều thay đổi (một số người tâm huyết với di sản làm cán bộ thôn đã nghỉ quản lý), công tác bảo vệ di tích có phần bị xao nhãng hơn, thêm vào đó, khi các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều về các di tích khảo cổ học này, đã bắt đầu xuất hiện trở lại của nhiều nhóm người đào trộm đồ cổ từ các nơi đổ về Vườn Chuối để săn tìm cổ vật, nên nguy cơ di tích bị xâm hại với qui mô lớn từ nạn “cổ tặc” đang bùng phát trở lại, thật sự rất đáng lo ngại, vì vậy, việc bảo vệ cụm di tích Vườn Chuối rất cần sự chỉ đạo và quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp huyện, xã và thôn.
10. Cộng đồng, nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ngoài lợi thế về các di sản văn hóa đặc sắc như đã trình bày ở trên, Lai Xá có vị trí “đắc địa” khi nằm ở trung tâm của một đô thị lớn, sầm uất (đặc biệt, trong tương lai không xa, khi dự án Kim Chung – Di Trạch hoàn thành), lại ở gần trung tâm thủ đô, và nằm trên tuyến du lịch Hà Nội – Ba Vì, do đó, có thể vận động, kêu gọi Tổng công ty Cô phần Thương mại xây dựng VietTrancimex (Chủ dự án đô thị Kim Chung – Di Trạch) hoặc các doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật tư nhân cùng tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa (bảo tàng khảo cổ học, khu trưng bày ngoài trời, công viên văn hóa khảo cổ, không gian trải nghiệm di sản, đầu tư nâng cấp hiện đại hóa bảo tàng nhiếp ảnh…) theo mô hình Cộng đồng – Nhà nước – Doanh nghiệp cùng làm, nhằm khai thác tiềm năng du lịch ở đây, phát triển Lai Xá trở thành trung tâm “giải trí”, du lịch văn hóa ở khu vực phía Tây Hà Nội. Dự án nghệ thuật Tinh hóa Bắc bộ ở chùa Thầy (Thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) là một ví dụ điển hình của mô hình này, và cũng là một minh chứng tiêu biểu của việc kết hợp thành công giữa nghệ thuật giải trí hiện đại với bảo tồn, khai thác các lợi thế di sản văn hóa.
Gìn giữ cho muôn đời !
Nếu các khoáng sản thiên nhiên như than đá, hay dầu mỏ… khi bị khai thác tận kiệt, còn có thể tái tạo lại sau khoảng hàng triệu năm khi có các điều kiện tự nhiên thuận lợi, thì di sản khảo cổ học là tài nguyên văn hóa không thể tái tạo một khi đã bị phá hủy. Do đó, công tác gìn giữ và bảo tồn những di sản này cần phải được đặt ra cấp thiết như một nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta, và di sản khảo cổ học đang bị đe dọa nghiêm trọng hơn bao giờ hết, nhiều di tích đang có nguy cơ bị xóa sổ, biến mất vĩnh viễn, trong đó có phức hệ di tích Vườn Chuối, một di sản văn hóa thuộc loại “quý hiếm” của Thăng Long – Hà Nội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhắc nhở chúng ta: “Đất nước ta có thể tàng trữ những di vật cực kỳ quý báu không những đối với nước nhà, mà còn đối với nhiều nước trên thế giới…. Những di vật ở dưới đất là một kho tàng rất quý báu, vô giá. Nếu để mất đi thì không có cách gì bù lại được nữa… Nếu không gìn giữ nó, có thể nó mất đi, mất thì hết…” (Trích trong Hùng Vương dựng nước tập I, Nxb Khoa học Xã hội, năm 1969; tham khảo thêm trong Tống Trung Tín 2018). Lời căn dặn đó vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và cả mai sau, bởi việc bảo tồn các di tích, di vật khảo cổ học chính là sự nghiệp gìn giữ di sản cho muôn đời. Tái cấu trúc mô hình và hệ thống quản lý di sản, trong đó cần tăng quyền cho cộng đồng để họ trở thành lực lượng chủ đạo sẽ có ý nghĩa mang tính quyết định để sự nghiệp gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị di sản được thực hiện thành công, hiệu quả và bền vững.

TÀI LIỆU DẪN
  • Lê Thị Minh Lý 2014, Vai trò của chủ thể và cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. www.vanhoanghean.com.vn/
  • Tống Trung Tín 2008, Vài nét về giá trị di tích khảo cổ học Vườn Chuối và bước đầu đề xuất một vài giải pháp nghiên cứu bảo tồn, Bài viết tham gia Tọa đàm khoa học “Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn các di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội”, Hà Nội.
  • Nguyễn Thị Hậu 2018, Bảo tôn di sản từ chính sách quy hoạch ở địa phương, Tia sáng, Số 12: 45-46,
  • Thu Quỳnh 2018, Cần một tư duy ngược, Tia sáng, Số 12: 42- 46,
  • Phạm Hồng Tung 2009, Cộng đồng: Khái niệm, cách tiếp cận và phân loại trong nghiên cứu, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, Số 12, tr. 21 – 29.
  • Trần Đức Nguyên 2013, Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích lịch sử văn hóa (qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh), Nghiên cứu Văn hóa, số 6, tr.55-61.
  • Bùi Văn Liêm 2018, Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Hà Nội): thực trạng, những giá trị nổi bật và các phương pháp bảo tồn, Bài viết tham gia Tọa đàm khoa học “Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn các di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội”, Hà Nội.
  • Nguyễn Giang Hải, Trịnh Hoàng Hiệp 2018, Khảo cổ học cộng đồng giải pháp hữu hiệu hướng tới bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa: trường hợp di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, Bài viết tham gia Tọa đàm khoa học “Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn các di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội”, Hà Nội.
  • Hoàng Xuân Chinh, Bùi Hữu Tiến 2010, Đồng Đậu di tích tiêu biểu thời Tiền Sơ sử, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc.
  • Colin Renfrew, Paul Bahn 2007, Khảo cổ học Lý thuyết, phương pháp và thực hành, Nxb Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.
  • Nguyễn Thị Thanh Dịu 2012, Báo cáo khai quật lần thứ V di tích Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội), Khóa luân tốt nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.
  • Nguyễn Thị Thanh Dịu, Bùi Hữu Tiến, Lâm Mỹ Dung 2012, Khai quật lần thứ V di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội), Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.159 – 160.
  • Lâm Mỹ Dung, Bùi Hữu Tiến, Nguyễn Kỳ Nam 2011, Kết quả khai quật Vườn Chuối (Hà Nội) lần thứ ba (2009), Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2010, Hà Nội, tr.154 – 156.
  • Lâm Mỹ Dung, Bùi Hữu Tiến 2014, Những dấu tích cư trú và mộ táng văn hóa Đông Sơn ở địa điểm Vườn Chuối, Văn hóa Đông Sơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu (1924 – 2014), Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà nội, tr.206 – 216.
  • Lâm Mỹ Dung, Bùi Hữu Tiến, Nguyễn Thị Bích Hường, Bùi Văn Hùng, Đào Mai Huyên 2015, Kết quả khai quật di tích Vườn Chuối xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội lần thứ 7, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2014, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.148 – 152.
  • Huffer, Damien, Ducan Chappell, Lâm Thị Mỹ Dzung and Hoàng Long Nguyễn 2015, From the Ground, Up: The Looting of Vươn Chuối within the Vietnamese and Southeast Asian Antiquites Trade. Journal of Public Archaeology 14(4): 224-239.
  • Nguyễn Kỳ Nam 2010, Báo cáo khai quật di chỉ Vườn Chuối lần thứ 3, Khóa luân tốt nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.
  • Cao Trí Thành 2002, Báo cáo khai quật di chỉ Khảo cổ học Vườn Chuối lần 2, Khoá luận tốt nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Tư liệu Khoa Lịch sử.
  • Nguyễn Thắng 2011, Báo cáo khai quật di chỉ Gò Mỏ Phượng và Gò Dền Rắn lần thứ nhất, Khoá luận tốt nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.
  •  Bùi Hữu Tiến 2011, Phát hiện và đào thám sát một số di tích Tiền Đông Sơn ở thôn Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội), Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2010, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.204 – 206.
  • Bùi Hữu Tiến 2015, Nghề luyện kim văn hóa Đồng Đậu, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  •  Bùi Hữu Tiến 2016, Văn hóa Đồng Đậu và vị trí của nó trong thời đại kim khí ở lưu vực sông Hồng, Luận án Tiến sĩ, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.
  • Lại Văn Tới 2000, Các di tích đồng thau và sắt sớm khu vực Cổ Loa trong bối cảnh thời đại kim khí ở Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ. Tư liệu Viện khảo cổ học.
  •  Lại Văn Tới 2003, Các di tích khảo cổ học Đồng Đậu ở khu vực Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Kỷ yếu hội thảo Văn hoá Đồng Đậu 40 năm nghiên cứu và phát hiện (1962 – 2002), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.226 – 241.
  • Hùng Vường dựng nước tập I , Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1969.
* Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
Bài đã đăng trên tạp chí Khảo cổ học số 4, 2018, tr. 87-100.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây