Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm – Tác giả: Nhà thơ Khương Thị Mến

Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm - Tác giả: Nhà thơ Khương Thị Mến

Nhà thơ Khương Thị Mến.

Phùng Văn Khai là nhà văn, nhà thơ, nhà báo trưởng thành trong quân ngũ. Hiện anh đang công tác tại Nhà số 4, giữ cương vị Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Sau hơn hai mươi năm cầm bút, đến nay, anh đã có trong tay một sự nghiệp văn chương khá đồ sộ với nhiều giải thưởng: 5 tập truyện ngắn, 8 tiểu thuyết, 4 tập bút ký, 2 tập thơ và nhiều kịch bản phim truyền hình, phóng sự. So với bạn bè văn chương thuộc thế hệ 7X, Phùng Văn Khai đến với thơ khá sớm. Bẵng đi một thời gian dài dồn sức cho tiểu thuyết, năm 2022 anh trở lại bến sông thơ với tập Mùa màng (sau hai tập Lửa và Hoa (2002) và Khúc rong chơi (2016)).

Tap tho Phung Van Khai - Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm - Tác giả: Nhà thơ Khương Thị MếnTập thơ Phùng Văn Khai.

Đọc Mùa màng, tôi quên mất ý niệm anh là một nhà văn bởi tập thơ cuốn tôi từ bài đầu tiên đến bài cuối cùng. Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong các thi phẩm là những chiêm nghiệm của nhà thơ trong chuyến hành trình tìm về nguồn thấm đẫm giá trị văn hóa, lịch sử. Mỗi bài thơ là một câu chuyện, một lời thủ thỉ giãi bày, những triết lý nhân sinh gửi vào câu thơ giản dị mà sâu lắng. Thơ Phùng Văn Khai đọng lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi cách kết hợp từ ngữ ngẫu nhiên, cách nói trừu tượng giàu sức gợi, mạnh ở cấu tứ chặt chẽ, cảm xúc chừng mực, ý tứ sâu sa, tư duy mạch lạc, minh triết.

Người đọc dễ dàng nhận ra hai mảng đề tài được khai thác trong Mùa màng: một là những bài thơ viết cho mùa màng, dòng sông quê, cho gia đình, bạn bè. Hai là những bài thơ tự cảm viết cho riêng mình.

Ở mảng đề tài thứ nhất, nhà thơ cảm nhận hơi thở mùa màng, lắng nghe thanh âm hạt mầm thức giấc một cách tinh tế, bằng nhiều giác quan, với hình ảnh đẹp:

Hạt mẩy cựa mình thơm giếng cổ

Chồi non tí tách bóng trăng loang

(Mùa màng I)

Vẻ đẹp đồng chiều “xanh màu phù sa” lúa thì con gái trinh nguyên, thoảng hương cỏ mật ngọt ấm, thấp thoáng cánh cò ướt áo sang sông… hiện lên một cách sinh động, đẹp bình yên và thân thương quá đỗi. Nhà thơ thỏa thích đắm mình, tận hưởng vẻ đẹp đó:

Mặt trăng gửi hương lúa đồng chiếu trải

Gió cuốn tò vò rúc rích thơm

(Mùa màng II)

Khác với những nhà thơ khi viết về mùa màng, câu thơ Phùng Văn Khai được khai thác từ theo dòng chảy của ngàn năm lịch sử dựng nước nên khoác màu huyền thoại. Viết về những điều giản dị mà thành thiêng liêng nên thấm lắng, gợi và sâu vô cùng.

Vò vại Sài Sơn chật căng ngô thóc

Nghìn năm tổ tiên ủ lửa

Trời sao chi chít Thần Nông

Vịt lội đồng chiều

Chim cu gáy Cổ Loa ngân mặt trời xa vắng

Luống cày trắng vệt muối loang

(Mùa màng)

Là người có kiến văn sâu, lại được đi nhiều, hiểu biết xã hội rộng, nên anh triệt để khai thác đối tượng thẩm mỹ một cách đa chiều, thấm đẫm giá trị văn hóa. Những câu thơ viết về mùa màng của anh bao giờ cũng là những câu thơ hay nhất, lấp lánh nhất vì nó không chỉ có sức gợi mà còn thấm đượm chất chứa bao suy tư chiêm nghiệm trong chiều sâu lịch sử, chất chứa cả tình yêu, thái độ thành kính dành cho mùa màng, đất đai quê hương: Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm/ Thơm sông Hồng đang vẫy gọi ngoài xa.

Nha tho Khuong Thi Men va nha tho Nguyen Quang Thieu - Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm - Tác giả: Nhà thơ Khương Thị MếnNhà thơ Khương Thị Mến (bìa trái) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Mạch chảy của những con sông tạo nên sức sống sinh sôi cho mùa màng. Con sông Hồng mang không gian văn hóa của vùng đồng bằng Bắc bộ, đi vào thơ Phùng Văn Khai như con sông Mẹ linh thiêng, miệt mài chở phù sa, nặng tình đắp bồi bờ xôi ruộng mật từ dòng chảy triệu năm còn in dấu chân tiền nhân mở nước. Có phải vì thế mà nhà thơ đã trừu xuất hình ảnh “phù sa” nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một tín hiệu nghệ thuật.

Sông òa vỡ năm cửa ô người về như thác

Bờ vai em nghiêng sóng sánh trăng lên

Không phải bốn nghìn năm mà vạn năm sau còn mãi

Máu tổ tiên ta máu đỏ sông Hồng…

Phù sa đẫm mặt Khuê Văn Các

Lưng rùa cong chuông ngân vọng hoa văn.

(Khúc sông Hồng)

Nhúm nhau ta hòa sắc phù sa đỏ

(Mùa màng)

Ngẩng đầu mây trắng Tản viên

Cúi nâng phù sa sông Hồng ứa đỏ

(Trước lăng cụ Trạng)

Con sông với những vạt lau trắng đi vào trận đánh, làm nên chiến công oanh liệt của cha ông trong suốt cuộc hành trình giữ nước:

Thân gục trong đêm buổi mất Cổ Loa thành

Vạn mũi tên lao vang tiếng hô sát Thát

Sạm chiến bào Tây Sơn đốt cháy quân cướp nước

Trắng khăn tang Hoàng Diệu tử chiến thành

(Lau sông Hồng)

Con sông ấy cũng đi vào thơ anh để thấu cảm tận cùng mất mát

Em hẹn lời sông chín năm thắt ruột.

Ta bạc đầu trầm mặc sông trôi

(Khúc sông Hồng)

Câu thơ được chắt ra từ gan ruột của nhà thơ, có độ nén về cảm xúc, mở ra nhiều trường liên tưởng về thời gian, không gian: ta, em và dòng sông như một nhân chứng ngày về. Đời người như đời sông chùng chình, quanh co, dài ngắn, nông sâu, lở bồi, đầy vơi, trong đục. Sông vẫn chảy bên đời như yêu thương hồn nhiên bình dị. Chỉ có ta và em là khác. Đọc câu thơ, ta gặp lại mảnh hồn mình neo đậu bến sông ngày ấy. Thi ảnh đầy tính ẩn dụ tạo chiều sâu hun hút, đong đầy hoài niệm về thời thanh xuân, xen nỗi nuối tiếc ngậm ngùi:

Tôi về thăm lại dòng sông

Con thuyền xưa đã theo dòng về đâu

Tìm em chốn cũ nương dâu

Dưới chân nước chảy, trên đầu mây trôi

(Tự khúc)

Trở về nơi mình sinh ra cuối dòng Lăng, bến đò Lăng yêu dấu, dòng sông Lăng yêu dấu đã đi vào tiểu thuyết và truyện ngắn của anh một lần nữa đã trở lại trong thơ Phùng Văn Khai. Qua bao dâu bể thăng trầm, dòng sông ấy luôn thức trong tim tác giả có háo hức, bâng khuâng, đau đáu ngày trở về. Một đời người, mấy đời sông. Đây cũng là tâm trạng của người đã nếm trải đủ mặn ngọt, cay đắng của cuộc đời khi đứng trước con sông “lấm láp tuổi thơ anh”:

Sông Lăng đổ vào sông mẹ

Sông quặn mình chở che khuất khúc

Sông thức bao mùa đi qua…

Ta đi mấy chục năm dài

Im lặng trước sông

(Sông Lăng)

Dòng sông Lăng là biểu tượng của quê hương. Dòng sông như đời mẹ nhân hậu, tảo tần, lặng lẽ. Dòng sông ấy vẫn luôn trong tâm tưởng, cứ miên man se sắt, cồn cào, đắm đuối yêu thương trong trái tim tác giả. Sông vẫn chảy như một điểm tựa cho con người trở về sau mỗi cuộc hành trình, sau những lo toan bộn bề mưu sinh của cuộc sống. Thái độ im lặng như một lời hối lỗi, một lời tri ân với sông quê, với cội nguồn sinh dưỡng của nhà thơ.

Nha tho Khuong Thi Men va cac ban van Hung Yen - Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm - Tác giả: Nhà thơ Khương Thị MếnNhà thơ Khương Thị Mến (bìa phải) và các bạn văn Hưng Yên.

Mẹ là nguồn cảm hứng gắn với quê hương, thơ Phùng Văn Khai viết về mẹ là những vần thơ xúc động nhất: Mẹ mây ấm đồng xa bát cơm còn vương ấm; Mẹ già như lá trầu không/ Nhìn con chiếc bóng lặng câm trước thềm; Mẹ về trời câu hát vẫn ru ta…

Phùng Văn Khai sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, hai người chú anh là liệt sĩ, theo gót cha anh, nhà thơ vào quân ngũ. Anh viết về mẹ với tất cả tình yêu sự biết ơn. Một người mẹ gánh nhiều đau thương nhưng luôn hy sinh, kiên cường, lớn lao:

Khói bom lòa nhòa ngấn nắng

Lũ gà con liếp nhiếp

Bên cây rơm con đứng đợi mẹ về…

Cha không về

Mùa đông mẹ dài cho mùa đông con ngắn

Mẹ tiễn con sông đổ nắng tơi bời

(Thơ tặng mẹ)

Còn những câu thơ viết về vợ của anh quả thật cũng không giống ai. Chân dung người vợ qua giọng thơ tếu táo, giễu nhại, hài hước. Những từ ăn gian, mặn, chua, mau, thưa… chân dung người vợ hiện lên một cách chân thật, tháo vát, giỏi giang, mạnh mẽ và cũng thật đáo để. Điệp từ “vợ mình” khẳng định sự sở hữu của người vợ với những nét riêng của nhà thơ, cách xưng hô nghe thật gần gũi, vừa bày tỏ tình cảm yêu quý và trân trọng với người vợ của mình.

Nha tho Khuong Thi Men - Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm - Tác giả: Nhà thơ Khương Thị MếnNhà thơ Khương Thị Mến.

Vợ mình từng đã ăn gian

Mấy lần rút tuổi để toan thịt mình…

Vợ mình đẹp, vợ mình xinh

Vợ mình đỏng đảnh, vợ mình đong đưa

Vợ mình vừa mặn vừa chua

Vợ mình mau, vợ mình thưa bìm bìm

(Thơ tặng vợ)

Sinh ra ở thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, nhưng sống và làm việc tại Hà Nội, tình yêu Hà Nội đã thôi thúc anh cầm bút. Thơ anh viết về Hà Nội không nhiều nhưng mang phong vị riêng, đọc ngay ra chất Hà Nội nên gây thương nhớ. Hà Nội ngõ nhỏ, loang lổ cột đèn, rêu phong phố cổ, sen Tây Hồ vương cốm thơm, thu nồng nàn hoa sữa. Hà Nội về đâu cậu bé đánh giày, Hà Nội một thời mưa bom bão đạn. Hà Nội của tôi là một bài thơ tôi thích nhất trong tập Mùa màng.

Hà Nội của tôi

đêm đông sông Hồng thẫm sáng

Long Biên chạng vạng

ông lão già lăn lóc cửa ô say

Hà Nội của tôi

về đâu bé đánh giày?

chị hàng rong cuối chiều lưng muối trắng

phố khuya lá bàng rơi lặng lặng

sóng Tây Hồ dìu dịu hương sen

Hà Nội của tôi ngõ nhỏ không tên

gốc sấu già sần sùi khô khốc

cỏ sông Hồng thơm mát

vai em mềm như một tiếng chuông đêm

(Hà Nội của tôi)

Vai em mềm như một tiếng chuông đêm là liên tưởng, so sánh độc đáo tạo sự bất ngờ, thú vị cho bạn đọc. Cốt cách lãng tử, hào hoa không giấu nổi trong câu thơ rất Phùng Văn Khai.

Nha tho Khuong Thi Men thu hai ben trai tai buoi trao tang sach - Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm - Tác giả: Nhà thơ Khương Thị MếnNhà thơ Khương Thị Mến (thứ hai bên trái) tại buổi trao tặng sách.

Về nguồn là thông điệp của nhà thơ trong Mùa màng. Tìm về xứ Đông để nghe thơ Hoàng Cầm: Một lạy Hoàng Cầm/ Đếm mưa Kinh Bắc/ Ta nghe xứ Đông/ Giọt buồn lắc thắc. Tìm về xứ Bắc Yêu nhau thì lên Hòa Bình/ Trở về ngọn nguồn câu hát của cô gái Thái để đắm mình trong không gian văn hóa vùng núi phía Bắc. Về Đồng Tháp Mười để cảm sen lặn trong mạch nguồn văn hóa dân gian, từ ca dao cổ tích, hướng đến giá trị chân thiện mỹ muôn đời: Thơm vào tượng, thơm vào bia/ Thơm từ cổ tích nong nia giần sàng. Mỗi đóa sen đều thấm máu xương của người chiến sĩ, sen thắm sắc cờ Tổ Quốc: Mái dầm thơm từ mỗi gốc sen. Ngọn gió Tháp Mười thơm sắc cờ Tổ Quốc. Về Trường Sa thấy mặt trời mọc chân cột mốc: Chim hạc tượng hình rợp trống đồng linh hiển/ Vẳng tiếng Thơ Thần những ngày động biển... để thấy yêu hơn con người, sông núi trên mảnh đất hình chữ S này.

Ở mảng đề tài thứ hai, là tiếng nói của cái tôi cá nhân mang nỗi niềm thân phận nhà thơ giàu chữ nghĩa, thấm bụi đường, trải nghiệm. Người ta nói văn là người. Điều đó quả thật không sai. Thơ Phùng Văn Khai cũng như con người anh vậy: minh triết, khoáng đạt, phong trần, lãng tử và chân thành. Thơ anh như rượu Lạc Đạo – Văn Lâm thấm mà say, như tương Bần ngọt và thơm thảo vị quê, đậm đà như cá mòi sông Hồng khiến người ta thưởng thức một lần nhớ mãi.

Bằng chính những trải nghiệm của người cầm bút, bằng những vần thơ đang vào độ chín nhất, nhà thơ Phùng Văn khai đã dẫn dắt độc giả vào những vần thơ tự bạch chân thành của người bước sang tuổi ngũ tuần đã trải qua những hỉ, nộ, ái, ố trải lòng vào con chữ:

Đã từng ghét, đã từng yêu

Đã từng thẳng thắn nói điều nghịch tai

Đã từng bữa sắn bữa khoai

Đã từng áo mỏng đêm dài thấu xương

Đã từng vịn hạt mưa rơi

Từng sa giếng thẳm từng ngồi chiếu trên.

(Chân dung tự họa)

Đã có lúc nhà thơ hoài nghi về con đường mình đã qua, một cái tôi cô đơn đầy chênh chao vừa thương cảm vừa mêng mông phận đời, vừa thấu trọn tình quê mong lối về da diết.

Tôi về tìm lại hồn tôi

Bơ vơ tự buổi theo người trốn quê

Tiền vàng tưởng mãi đam mê

Đủ đầy mới thấy lối về chông chênh

(Tự khúc)

Ta hãy nghe lời tự vấn của anh xót lòng trước sông quê: Tôi ở đâu trong hút hắt sông Hồng. Sau khi đã va thấm bụi đời, sau những hư danh hão huyền trôi như nước chảy, buồn vui, được mất như phù vân, giờ đây con người ta lại mong mỏi những phút giây an nhiên, bình lặng bên dòng sông quê, bên mùa màng… yêu dấu.

Bây giờ ai đã chán

những vinh quang hão huyền

bây giờ ai mới biết

thèm một chiều bình yên.

(Ngẫu khúc)

Thơ suy cho cùng là khoảng lặng tiếng lòng của người viết đi tìm sự đồng cảm nơi người đọc. Nhưng chao ôi, tri âm thơ được mấy người? Nên người thơ càng cô đơn trong chính thế giới của mình. Thơ Phùng Văn Khai cũng không nằm ngoài lằn ranh đó. Anh trầm tư về nỗi đau của người phụ nữ sau chiến tranh “chị như phận đá bên thềm nghe mưa”:

Chiến tranh hai đận xa rồi

Xô nghiêng chiều chậm rối lời cỏ xưa

Năm nao giáp Tết giao thừa

Chị tôi cũng thức nghe mưa một mình.

(Mưa)

Nhà thơ trăn trở khi chợ quê bán cau trầu thưa thớt, hắt hiu:

Người đi ván chẳng đóng thuyền

Bao nhiêu người ở nghẹn duyên cuối mùa.

(Chợ chiều)

Nha van Phung Van Khai giao luu voi cac ban van Hung Yen - Ta phủ phục trước mùa màng vạn dặm - Tác giả: Nhà thơ Khương Thị MếnNhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục) giao lưu với các bạn văn Hưng Yên.

Theo tôi từ “nghẹn duyên” là một từ đắt giá, có gì vừa rưng rưng, thổn thức, vừa nghẹn ngào trùng lòng thương cảm cho mối duyên không tròn vẹn. Câu thơ lục bát khá nhuần nhuyễn, mang chất liệu dân gian thấm nỗi buồn sâu thẳm. Câu thơ dung dị, nhẹ nhàng mà sao cứ đau đáu, nhoi nhói đơn giản vì câu thơ giấu tình và lửa ở bên trong.

Thề ước chỉ là hứa hẹn, vàng đá cũng tan trước cuộc đời biến động, nỗi thương thân ngân câu chữ viết lên từ tâm thức nhà thơ:

Ta về ngậm hạt mưa ngâu

Ái ân vạt áo qua cầu gió bay

(Khúc rong chơi)

Để gửi lòng vào Mùa màng, Phùng Văn Khai sử dụng đa dạng hóa các thể thơ: mượt mà, tha thiết trong thể lục bát; tung hoành trong thể tự do; nhẹ nhàng, thủ thỉ thể thơ năm chữ… Dù viết ở thể loại nào: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký hay thơ, những sáng tác của Phùng văn khai luôn hòa trộn chất trí tuệ sâu sắc và trữ tình đằm thắm. Ta nhận ra một tấm chân tình gắn bó máu thịt với đồng đất quê hương, với nguồn cội. Đó cũng là thái độ sống nhà thơ muốn nhắn gửi đến mỗi chúng ta. Bởi chính đồng đất, đình đền, mái rạ, con sông quê hương… đã nuôi ta thành người. Mỹ cảm của nhà thơ lăn tròn trong Mùa màng đơm hoa thắm.

K.T.M

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây