Gió mạnh, sóng lớn gây nguy hiểm cho tàu, thuyền vùng biển Nam Bộ

Trong 24 giờ tới, áp cao lạnh lục địa tăng cường mạnh xuống phía Nam. Gió Đông Bắc trên vùng biển ngoài khơi Bà Rịa Vũng Tàu – Cà Mau mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 7 – 8, sóng cao từ 2 – 3,5m, biển động nhẹ đến động.

Ngày 13/3, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đã có thông tin dự báo gió mạnh, sóng lớn ở khu vực biển Nam Bộ.

Theo đó, lúc 1h ngày 13/3, gió quan trắc tại hầu hết các trạm ven bờ biển Nam Bộ đều ở cấp 1 – 2, trạm DK1-7 đạt cấp 5 (9,8m/s), giật cấp 6 (12,5m/s), trạm Tư Chính cấp 3 (4,6m/s), giật cấp 4 (6,4m/s).

Trong 24 giờ tới, áp cao lạnh lục địa tăng cường mạnh xuống phía Nam. Gió Đông Bắc trên vùng biển ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu – Cà Mau mạnh cấp 6-7, giật cấp 7 – 8, sóng cao từ 2 – 3,5m, biển động nhẹ đến động.

Gio manh song lon min - Gió mạnh, sóng lớn gây nguy hiểm cho tàu, thuyền vùng biển Nam BộẢnh minh họa.

Theo dự báo, trong 24 – 48 giờ tới, vùng biển ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu – Cà Mau gió Đông Bắc mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 7 – 8, sóng cao 2 – 3,5m, biển động nhẹ đến động. Từ chiều 14/3, cường độ gió giảm dần, sóng cao từ 1,5 – 3 m.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo gió mạnh, sóng lớn gây nguy hiểm cho tàu, thuyền hoạt động trên vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu – Cà Mau. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên vùng biển ngoài khơi ở mức cấp 2.

Trước đó, ngày 10/3, để chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.

Theo đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Đồng thời, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Cần trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hữu Huy

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây