Giới thiệu khái quát tỉnh Cà Mau

Cà Mau

Giới thiệu khái quát tỉnh Cà Mau

Cà Mau là tỉnh cực nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, được tái lập ngày 01/01/1997. Lãnh thổ gồm 2 phần: phần đất liền và vùng biển chủ quyền.

I. Điều kiện tự nhiên
 1.1. Vị trí địa lý
 Phần đất liền: Diện tích 5.294,87 km2, xếp thứ 2 và bằng 12,97% diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bằng 1,58% diện tích cả nước. Trong đó, diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên 266.735 ha, đất trồng lúa 129.204 ha, đất lâm nghiệp 103.723 ha.
Nằm ở 8034’ đến 9033’ vĩ độ Bắc và 104043’ đến 105025 kinh độ Đông, cách thành phố Hồ Chí Minh 370 km, cách thành phố Cần Thơ 180 km về phía nam. Theo đường chim bay, từ bắc tới nam dài 100 km.
Phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông và đông nam giáp biển Đông và phía tây giáp Vịnh Thái Lan. Cà Mau nằm trên bán đảo, có vị trí địa lý khá đặc biệt, với ba mặt tiếp giáp biển. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều. Cà Mau nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên rất thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực.
– Vùng biển: Vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam do tỉnh Cà Mau quản lý có diện tích 71.000 km2. Trong đó, có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc.
 1.2. Đặc điểm địa hình
Cà Mau là vùng đồng bằng, có nhiều sông rạch, có địa hình thấp, bằng phẳng và thường xuyên bị ngập nước. Độ cao bình quân 0,5m đến 1,5m so với mặt nước biển. Hướng địa hình nghiêng dần từ bắc xuống nam, từ đông bắc xuống tây nam. Những vùng trũng cục bộ Thới Bình, Cà Mau nối với Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai (Bạc Liêu) thuộc vùng trũng trung tâm Bán đảo Cà Mau có quan hệ địa hình lòng sông cổ. Những ô trũng U Minh, Trần Văn Thời là những vùng “trũng treo” nội địa được giới hạn bởi đê tự nhiên của hệ thống các con sông Ông Đốc, Cái Tàu, sông Trẹm và gờ đất cao ven biển Tây. Vùng trũng treo này quanh năm đọng nước và trở thành đầm lầy. Phần lớn đất đai ở Cà Mau là vùng đất trẻ do phù sa bồi lắng, tích tụ qua nhiều năm tạo thành, rất màu mỡ và thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, trồng rừng ngập mặn, ngập lợ…
Bờ biển phía đông từ cửa sông Gành Hào (huyện Đầm Dơi) đến vùng cửa sông Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) bị xói lở, có nơi mỗi năm bị xói lở trên 20 mét. Ngược lại, vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau hàng năm được phù sa bồi đắp từ 50 đến 80 mét.
 1.3. Khí hậu
Cà Mau là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm trong khu vực nội chí tuyến bắc bán cầu, cận xích đạo, đồng thời nằm trong khu vực gió mùa châu Á nên khí hậu Cà Mau ôn hoà thuộc vùng cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, có 2  mùa mưa nắng rõ rệt.
Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, trung bình từ 170 đến 200 ngày/ năm. Vùng biển phía tây và khu vực tây nam của tỉnh, mùa mưa mưa thường bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn các khu vực khác. Lượng mưa trung bình giữa các tháng vào mùa mưa chênh lệch nhau không nhiều và nằm trong khoảng từ 200mm đến 400mm/ tháng.
Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm dao động từ 26,60C đến 27,70C; nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm là vào tháng 4 và tháng 5, khoảng 28,60C. Riêng từ năm 2001 đến 2005 nhiệt độ trung bình tháng 4 dao động từ 29,20C đến 29,70C. Nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1, khoảng 25,60C. Như vậy, chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất khoảng 3,00C.
Giờ nắng trung bình cả năm 2.269 giờ. Lượng bốc hơi trung bình hàng năm khoảng 1.000 mm; mùa khô (tháng 3 – tháng 4) có lượng bốc hơi gần 130 mm/tháng. Độ ẩm trung bình năm là 83%, mùa khô độ ẩm thấp, đặc biệt vào tháng 3, độ ẩm thường đạt khoảng 50%.
Chế độ gió vừa chịu ảnh hưởng của đặc trưng cho vùng nhiệt đới lại vừa chịu ảnh hưởng của các cơ chế gió mùa khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, có 2 mùa gió chủ yếu: gió mùa đông (gió mùa đông bắc) từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và gió mùa hạ (gió mùa tây nam), bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô hướng gió thịnh hành theo hướng đông bắc và đông. Mùa mưa gió thịnh hành theo hướng tây nam hoặc tây. Tốc độ gió trung bình hàng năm ở Cà Mau nhỏ, trong đất liền chỉ từ 1,0 đến 2,0m/giây, ngoài khơi gió mạnh hơn cũng chỉ đạt 2,5 đến 3,5m/giây. Vào mùa mưa, thỉnh thoảng có dông hay lốc xoáy tới cấp 7, cấp 8. Bão tuy có nhưng không nhiều và không lớn. Thời tiết, khí hậu ở Cà Mau thuận lợi cho phát triển ngư – nông – lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.
 1.4. Tài nguyên đất
Cà Mau có các nhóm đất chính:
Nhóm đất mặn có diện tích 208.496 ha, hiếm 40% diện tích tự nhiên. Đất mặn phân bố chủ yếu ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bìnhthành phố Cà Mau.
Nhóm đất phèn có diện tích 271.926 ha, chiếm 52,18% diện tích tự nhiên; phân bố chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.
Nhóm đất phèn nhiễm mặn phân bố ở những vùng ven biển. Đối với diện tích đất phèn không ngập mặn có thể trồng lúa trong mùa mưa, trồng các cây công nghiệp chịu phèn như: mía, khóm, chuối, tràm… Đối với diện tích phèn bị ngập mặn có thể trồng rừng ngập mặn, nuôi thuỷ sản.
Ngoài ra , còn có nhóm đất than bùn, với diện tích khoảng 8.000 ha, phân bố ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời và nhóm đất bãi bồi với diện tích 15.488 ha, phân bố ở các huyện Ngọc Hiển và Cái Nước.
Diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 351.355 ha, chiếm 67,63%; đất lâm nghiệp có rừng là 104.805 ha, chiếm 20,18%; đất chuyên dùng có 17.072 ha, chiếm 3,29%; đất ở có 5.502 ha, chiếm 1,06%; đất chưa sử dụng và sông suối có 40.773 ha, chiếm 7,85%.
 1.5. Tài nguyên rừng
Rừng Cà Mau là loại hình sinh thái đặc thù, rừng sinh thái ven biển ngập mặn được phân bố dọc ven biển với chiều dài 254 km. Bên cạnh đó, Cà Mau còn có hệ sinh thái rừng tràm nằm sâu trong lục địa ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình quy mô 35.000 ha. Diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau chiếm 77% rừng ngập mặn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng trữ lượng rừng Cà Mau là 2.205.701 m3, trong đó rừng tràm là 1.435.757 m3 và rừng ngập mặn là 769.994 m3 (kết quả điều tra tài nguyên rừng năm 1999). Ngoài ra, trên các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối có 538 ha rừng, trữ lượng 50.520 m3.
 1.6. Tài nguyên khoáng sản
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, trong vùng biển Cà Mau đã phát hiện có trữ lượng dầu khí khá lớn, nhiều triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí. Theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển khí Tây Nam và nghiên cứu khả thi đường ống dẫn khí Tây Nam của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, tại vùng bồn trũng Malay – Thổ Chu phía Tây Nam đã có các phát hiện về khí có giá trị tại khu vực PM – 3 – CAA. Chỉ riêng các khu vực đang thăm dò – khai thác và một số lô có tài liệu khảo sát đã cho trữ lượng tiềm năng khoảng 172 tỷ m3, trong đó đã phát hiện 30 tỷ m3. Khả năng phát triển và khai thác tối đa các mỏ khí dự báo có thể đạt sản lượng khai thác đỉnh là 8,25 tỷ m3/năm.
Theo các số liệu điều tra, ở rừng U Minh Hạ còn có trữ lượng than bùn khá lớn. Nhưng do rừng bị cháy nhiều lần, hiện nay dự tính lượng than bùn còn khoảng 5000 ha. Than bùn U Minh có thể sử dụng làm chất đốt, phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm khác.
 II. Tiềm năng kinh tế
 2.1 Dân số
Dân số Cà Mau có 1.216.000 người (niên giám thống kê 2014), phân bố tương đối đều, mật độ trung bình 230 người/km2, người Kinh chiếm 97% dân số, còn lại là người Khơmer, người Hoa và một số dân tộc ít người khác. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 60%, đa số là lao động trẻ, cần cù, có thể đáp ứng nhu cầu cho nhiều lĩnh vực. Địa giới hành chính được chia thành 8 huyện và 1 thành phố, có 89 xã, phường, thị trấn. Thành phố Cà Mau là trung tâm tỉnh lỵ nằm trên trục quốc lộ IA và quốc lộ 63 có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, quốc phòng. Nhịp độ phát triển đô thị của Cà Mau khá nhanh; mấy chục năm trước từ là thị xã bé nhỏ, nay Cà Mau là thành phố; thị trấn Năm Căn, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, cửa biển Khánh Hội, ông Trang, Rạch gốc, Gành Hào… cũng đang hình thành dáng dấp đô thị sầm uất của dải hành lang đô thị ven biển.
 2.2 Tiềm năng du lịch
Qua lịch sử lâu dài, con người và thiên nhiên Cà Mau đã tạo nên những nguồn lực khá phong phú, chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch với các tuyến, điểm và hình thức đa dạng.
Tổng chiều dài của hệ thống kênh rạch tỉnh Cà Mau lên tới 7000 km, chiếm 4% diện tích tự nhiên của tỉnh, xen vào đó là các dải vườn cây, các sân chim tự nhiên, nhân tạo với nhiều loại chim quý hiếm, các rừng tràm bát ngát… tạo nên các tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Hòn Buông… là những nơi còn giữ được vẻ đẹp nguyên thuỷ của tự nhiên, những điểm du lịch hấp dẫn.
Ngoài ra, Cà Mau còn có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng, những lễ hội truyền thống chung và riêng của các dân tộc sống trên địa bàn tỉnh mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và văn hoá vùng đồng bằng Nam Bộ.
 2..3 Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Kinh tế thuỷ sản phát triển ngày càng nhanh, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế Cà Mau. Diện tích nuôi thuỷ sản ngày càng được mở rộng. Tỉnh đã quy hoạch phương án chuyển đổi một số diện tích trồng lúa nhiễm phèn mặn không có hiệu quả sang nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Từ đó, dịch vụ kinh tế thuỷ sản phát triển khá, nhất là lĩnh vực cung ứng tôm giống; công nghiệp chế biến thuỷ sản cũng có tốc độ tăng nhanh. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý có 3 mặt giáp biển, tỉnh cũng có rất nhiều lợi thế trong quá trình phát triển, trong đó có khai thác dầu khí.
 III. Các thành phố, thị xã, huyện miền núi và hải đảo tỉnh Cà Mau
Theo quyết định 964/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Cà Mau có 6 huyện nằm trong danh sách địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, bao gồm: Huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh và Phú Tân.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây