Giới thiệu khái quát huyện Đình Lập
Huyện Đình Lập nằm trên trục đường nối giữa thành phố Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh, nối vùng biên giới Việt – Trung với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh Đông Bắc Bộ của Việt Nam.
Đình Lập trước kia là huyện của tỉnh Quảng Ninh, tháng 12/1978, Đình Lập được sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn.
Phía Tây Đình Lập giáp huyện Lộc Bình; phía Bắc giáp Trung Quốc; phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang.
Địa hình Đình Lập là đồi núi dốc theo hướng từ Đông Bắc xuống Tây Nam, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất và các khe suối tạo thành các dải đất bằng hẹp.
Đình Lập là nơi bắt nguồn của 2 con sông lớn, sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ xã Bắc Xa, chảy theo hướng Đông Bắc qua Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn, Thất Khê tới biên giới Trung Quốc, chiều dài chảy qua địa bàn Đình Lập khoảng 40 km; sông Lục Nam bắt nguồn từ xã Đình Lập, chảy về phía Nam tỉnh Bắc Giang, chiều dài chảy sông chảy qua huyện là 50 km. Ngoài 2 con sông lớn kể trên, Đình Lập còn có 2 sông ngắn là Đông Khuy và sông Tiên Yên cùng các con sông, khe suối nhỏ nằm rải rác trên địa bàn.
Đình Lập có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm là 21,4oC, lượng mưa trung bình 1,448mm; độ ẩm trung bình là 62%.
Ở Đình Lập đã phát hiện có Barit.
Với trên 20.000 ha rừng, Đình Lập là nơi sản xuất, chế biến gỗ thông lớn nhất tỉnh Lạng Sơn. Đình Lập có tiểu vùng khí hậu thích hợp cho phát triển các loại cây lâm nghiệp như: thông, chè, hoa hồi, đinh, lim… và nhiều cây dược liệu quý như: mộc nhĩ, nấm hương, sở… Đình Lập có mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng, vườn chè ở các xã Lâm Ca, Thái Bình; cây hồi ở các xã Bắc Xa, Kiên Mộc, Bính Xá, Đình Lập. Ngòai ra, Đình Lập còn có diện tích đồng cỏ khá lớn, mật độ cỏ che phủ đạt 70%, thích hợp cho phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) và gia cầm.
Trên địa bàn huyện Đình Lập có 4 loại đất, chủ yếu là đất mùn vàng nhạt trên đá cát (Fq): 28.849 ha, đất đỏ vàng trên đá sét (Fs): 86.380 ha, đất phù sa ngòi suối (Py): 120 ha, đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D): 1.333 ha.
Đình Lập có quốc lộ 4B chạy qua địa bàn huyện dài 42 km nối Quảng Ninh xuyên qua Lạng Sơn lên Cao Bằng, đường số 31 dài 62 km chạy từ Bắc Giang qua trung tâm huyện Đình Lập nối với cửa khẩu Bản Chắt và hệ thống đường liên huyện và đường liên thôn.
Diện tích: 1.182,7km2
Dân số: 26.600 (2004)
Mật độ dân số: 22 người/km2
Đình Lập có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn Đình Lập, Nông Trường Thái Bình và 10 xã: Bình Xá, Bắc Xa, Kiên Mộc, Đình Lập, Thái Bình, Cường Lợi, Châu Sơn, Đồng Thắng, Bắc Lãng và Lâm Ca.
Đình Lập là địa bàn sinh sống của các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chỉ…
Người Tày sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, họ biết thâm canh và đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng. Người Tày thường đập lúa ở ngoài đồng trên những máng gỗ (loỏng) rồi mới dùng dậu gánh thóc về nhà. Ngoài lúa nước, người Tày còn trồng lúa nương, hoa màu, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm (chủ yếu là nuôi thả rông chứ không nuôi nhốt như người Kinh). Ngoài ra, người Tày còn có nghề thủ công là dệt thổ cẩm.
Y phục truyền thống của người Tày chủ yếu được làm từ vải tự dệt, nhuộm chàm và rất ít thêu thùa, trang trí. Phụ nữ Tày thường mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài
Người Tày rất thích hát lượn (lượn cọi, lượn slương, lượn then, lượn nàng ới), phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng… là lối hát giao duyên được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng. Người Tày thường lượn trong hội lồng tồng, trong đám cưới, mừng nhà mới hay khi có khách đến thăm bản. Ngoài lượn, trong các dịp lễ hội, người Tày thường tham dự những trò chơi như: ném còn, đánh cầu lông, kéo co, múa sư tử, đánh cờ tướng…