Giới thiệu khái quát huyện Chi Lăng

Giới thiệu khái quát huyện Chi Lăng

Giới thiệu khái quát huyện Chi Lăng

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1.   Vị trí địa lý

Huyện Chi Lăng là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, nằm ở độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 240m. Toạ độ địa lý 21032’- 21048’ vĩ độ Bắc và 106025’- 106050” kinh độ Đông.

Ranh giới của huyện:

–       Phía Bắc giáp với huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn; 

–       Phía Đông giáp huyện Lộc Bình;

–       Phía Tây giáp huyện Văn Quan;

–       Phía Nam giáp huyện Hữu Lũng và huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.

Đơn vị hành chính:

Huyện Chi Lăng có 21 xã, thị trấn đó là các xã: Bắc Thủy, Bằng Hữu, Bằng Mạc, Chi Lăng,Chiến Thắng, Gia Lộc, Hòa Bình, Hữu Kiên, Lâm Sơn, Liên Sơn, Mai Sao, Nhân Lý, Quan Sơn, Quang Lang, Thượng Cường, Vân An, Vạn Linh, Vân Thủy, Y Tịch và 2 thị trấn: Đồng Mỏ, Chi Lăng. Trung tâm huyện đặt tại thị trấn Đồng Mỏ.

2.    Địa hình

 Huyện Chi Lăng thuộc vùng đồi núi thấp của tỉnh Lạng Sơn, có địa hình khá phức tạp, trong đó núi đá và rừng chiếm khoảng 83,3% diện tích toàn huyện. Địa hình có thể chia làm ba vùng khác nhau: Vùng thứ nhất là vùng cacxtơ với những dãy núi đá vôi thuộc các xã phía Tây của huyện; Vùng thứ hai là vùng thung lũng thềm đất thấp bao gồm các xã, thị trấn chạy dọc theo Quốc lộ 1A; Vùng thứ ba là vùng sa phiến, núi cao trung bình sắp xếp thành dải, thuộc các xã phía Đông Bắc của huyện, độ cao trung bình từ 300-400m.

3.    Khí hậu

Huyện Chi Lăng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng khí hậu ẩm và mưa nhiều ở phía tây, tiểu vùng lạnh và mưa ít ở phía đông, chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng núi phía bắc. Nhiệt độ trung bình năm 22,7°C lượng mưa trung bình năm 1.379 mm. Mùa mưa tập trung vào các tháng mùa hè. [1]

4.    Tài nguyên thiên nhiên

4.1. Tài nguyên đất

Huyện Chi Lăng có tổng diện tích tự nhiên là 70.421,9 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 76,52 %, đất phi nông nghiệp chiếm 4,71 %, đất chưa sử dụng chiếm 18,77 %.

Thổ nhưỡng gồm 3 loại đất chính: đất feralit vùng đồi và núi thấp, đất feralit mùn trên núi đá vôi và đất phù sa ven sông Thương.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có 13.848,81 ha, chiếm 19,67 % diện tích toàn huyện, phù hợp với nhiều loại cây trồng như: cây lương thực; cây công nghiệp như: cây Hồi, cây thuốc lá, …; cây dược liệu; cây ăn quả như: nhãn, xoài, bưởi, … đặc biệt là thích hợp trồng cây Na dai, với chất lượng và giá trị kinh tế cao, vốn được coi là cây trồng “xóa đói, giảm nghèo” của huyện (Theo Trung tâm sách Kỷ lục và Trung tâm sách Top Việt Nam đã công bố năm 2012, Na dai Chi Lăng được bình chọn vào danh sách 50 đặc sản trái cây ngon nhất Việt Nam).

Diện tích đất rừng sản xuất có 32.536,47 ha, chiếm 46,20 % diện tích toàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc.[2]

4.2. Tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản của huyện Chi Lăng khá đa dạng như: đá vôi, quặng sắt, chì, kẽm, nhôm, đá sét, angtimon … phân bố rộng trên địa bàn huyện.

Với tài nguyên khoáng sản phong phú, Chi Lăng có điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng.

4.3. Tài nguyên nước

Huyện Chi Lăng với hệ thống khe, rạch, suối là đầu nguồn của sông Thương, tạo nên diện tích mặt nước là 790,64 ha, chiếm 1,12% diện tích toàn huyện, thuận lợi cho tưới tiêu chủ động, phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

II.     ĐIỀU KIỆN KINH TẾ – XÃ HỘI

1. Dân số

Tổng dân số huyện Chi Lăng là 76.110 người, sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn (chiếm 67,45 %), mật độ trung bình là 108 người/1 km2 (Theo Niên giám thống kê 2015 huyện Chi Lăng). Chi Lăng là một địa bàn chung sống hòa thuận của 03 dân tộc chủ yếu là Nùng, Tày, Kinh và một số dân tộc khác. Trong đó: dân tộc Nùng chiếm 48,9 %, dân tộc Tày chiếm 34%, dân tộc Kinh chiếm 16% và các dân tộc khác chiếm 1,1%.[3]

2. Kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 13,06%. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 5,7%; công nghiệp – xây dựng tăng 32,67%; thương mại – dịch vụ tăng 18,57%. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế: nông – lâm nghiệp chiếm 34%, công nghiệp và xây dựng 36%, thương mại – dịch vụ 30%.[4]

3. Di tích lịch sử

 Huyện Chi Lăng là vùng đất có lịch sử truyền thống lâu đời, có tiềm năng lớn về du lịch, với gần 120 điểm di tích lịch sử, di tích khảo cổ và danh thắng, trong đó có 52 điểm di tích thuộc quần thể di tích lịch sử Chi Lăng, đã được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962.

4. Giao thông

Huyện Chi Lăng có hệ thống giao thông thuận tiện, có trục đường quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn đi qua thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, và 5/19 xã; có 21/21 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngoài ra huyện còn có Quốc lộ 279 đi qua xã Thượng Cường, Gia Lộc, Quan Sơn phục vụ thiết thực cho vận chuyện hàng hóa, vật tư cho sản xuất và đi lại của nhân dân trong huyện và các vùng lân cận.

III.  TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

Huyện Chi Lăng là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, với một vị trí đặc biệt quan trọng, là con đường huyết mạch ngoại giao duy nhất giữa hai nước Việt – Trung. Là cửa ngõ chính ở phía Bắc tổ quốc, là yết hầu của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược phương Bắc.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngay từ buổi đầu lập nước, Chi Lăng đã gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.

 Thế kỉ X và thế kỷ thứ XI, quân Tống  sang xâm lược nước ta hai lần nhưng đều bị thất bại tại Cửa Ải Chi Lăng.

Thế kỉ XIII, Chi Lăng là nơi ghi dấu ba lần thất bại nặng nề của quân xâm lược Nguyên – Mông.

Bước sang thế kỉ thứ XV, nước ta bước vào thời kì mới, đó là thời kì kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Vào năm Đinh Mùi 1427, tại Cửa Ải Chi Lăng đã ghi dấu một mốc son chói lọi, đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đó chính là chiến thắng Chi Lăng vào ngày 10 tháng 10 năm 1427.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Chi Lăng trở thành địa phương tiêu biểu cho ý chí kiên cường chống quân xâm lược. Nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của nhân dân các dân tộc Chi Lăng và các vùng lân cận do Hoàng Đình Kinh lãnh đạo.

Trong cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc Chi Lăng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân (ở Bằng Mạc ngày 11 – 5 – 1945  và ở Ôn Châu ngày 23 – 8 – 1945).

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chi Lăng là một trong những đầu mối giao thông quan trọng, một trọng điểm bắn phá của giặc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Chi Lăng vẫn kiên cường bám trụ, tổ chức chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chỗ.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, Chi Lăng trở thành một trong những hậu cứ quan trọng của tỉnh, các cơ quan của tỉnh chuyển về làm việc tại Chi Lăng.

Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chi Lăng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Từ mạch nguồn lịch sử truyền thống đó, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Chi Lăng sẽ phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, vượt qua khó khăn, quyết tâm phấn đấu, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh Lạng Sơn từng bước đưa sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện đi tới thắng lợi.

.


Chi Lăng – truyền thống lịch sử hào hùng

Thực hiện Quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cuối năm 1964, 8 xã thuộc huyện Bằng Mạc đã sáp nhập với huyện Ôn Châu thành huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Thời phong kiến, Chi Lăng được nói đến như một tấm cửa lim vững chắc ở cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc, mồ chôn kẻ thù từ phương Bắc tràn xuống xâm lược nước ta. Tháng 10-1427, chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang của đội dân binh do người anh hùng Đại Huề chỉ huy cùng với nghĩa quân Lam Sơn đã góp phần làm nên chiến công hiển hách của quân dân cả nước quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Lịch sử đã đi qua nhiều thế kỷ, song những tên đất, tên làng ở Chi Lăng như: làng Đăng, làng Cóc, làng Lìu, Ba Đàn, Quán Bầu,… vẫn như lay động âm hưởng của niềm tự hào lớn lao ấy.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Chi Lăng một lần nữa trở thành địa phương tiêu biểu cho ý chí kiên cường chống quân xâm lược. Nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của nhân dân các dân tộc Chi Lăng và các vùng lân cận do Hoàng Đình Kinh lãnh đạo. Trong cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc Chi Lăng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân (ở Bằng Mạc ngày 11-5-1945 và ở Ôn Châu ngày 23-8-1945). Những ngày tháng 4-1946, Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã kết nạp các đồng chí Hồ Đức Tường, Bích và Minh (hai người này không rõ họ) vào Đảng. Đến tháng 6-1946, Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bằng Mạc đã được thành lập. Ngày 5-6-1946, ở Ôn Châu, các đồng chí Vi Quốc Hùng, Vi Văn Sẳn đã được kết nạp vào Đảng. Đến tháng 8-1946, Chi bộ Đảng đầu tiên ở Ôn Châu đã được thành lập.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chi Lăng là một trong những đầu mối giao thông quan trọng, một trọng điểm bắn phá của giặc Mỹ. Chi Lăng là huyện duy nhất trong tỉnh bị máy bay B-52 tàn phá. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Chi Lăng vẫn kiên cường bám trụ, tổ chức chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chỗ.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, Chi Lăng trở thành một trong những hậu cứ quan trọng của tỉnh, các cơ quan của tỉnh đều chuyển về làm việc tại Chi Lăng.

Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chi Lăng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Trong đó có:

1) Cá nhân: 2 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Hoàng Văn Quyết (xã Y Tịch) và La Văn Tiến (xã Chiến Thắng); danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho Hoàng Quế Huệ; bảy Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Vi Thị Dong, Lê Thị Vượng, Nông Thị ý, Nguyễn Thị Dung, La Thị Hiệu, Chu Thị Nghiêm, Giáp Thị ón; Huân chương cá nhân các loại có 3.805 chiếc.

2) Tập thể: Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Chi Lăng, Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng; Đảng bộ, quân và dân xã Quang Lang vinh dự nhận nhiều huân, huy chương các loại,…

Từ mạch nguồn lịch sử truyền thống đó, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân trên quê hương Chi Lăng kiên cường sẽ phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, vượt qua khó khăn, quyết tâm phấn đấu, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lạng Sơn từng bước đưa sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện đi tới thắng lợi.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây