Giới thiệu khái quát huyện Hòa An

Giới thiệu khái quát huyện Hòa An

Giới thiệu khái quát huyện Hòa An

Hòa An là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống như Di tích lịch sử Nặm Lìn thuộc thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An- là nơi làm lễ Thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng và huyện Hòa An ngày 1/4/1930; Hang Tốc Rù ở xã Hồng Việt, là địa điểm in báo Cờ Đỏ, cơ quan tuyên truyền Đảng bộ Cao Bằng; Hang Ngườm Slưa thuộc thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, là nơi hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Đình Giong, Lê Mới; Hang Bó Hoài ở xã Hồng Việt, là nơi in báo Việt Nam độc lập, đồng thời là cơ quan của Liên Tỉnh uỷ Cao – Bắc – Lạng và là nơi đồng chí Vũ Anh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng ta lúc bấy giờ. Vách núi Lũng Sa thuộc xã Hồng Việt, là nơi diễn ra Hội nghị Cao – Bắc – Lạng ngày 13/8/1944, bàn về chủ trương phát động khởi nghĩa vũ trang tại liên tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn.  Hang Ngườm Hoài ở xã Nam Tuấn, là nơi thành lập Mặt trận Việt Minh xã tháng 7/1942. Tháng 8/1942, tại đây đã diễn ra cuộc triển lãm tranh ảnh với mục đích tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng. Xưởng quân giới Lê Tổ ở Ngườm Bốc – Lam Sơn, xã Hồng Việt, là nơi sản xuất vũ khí của Liên Tỉnh uỷ Cao – Bắc – Lạng thành lập tháng 3/1949…. Tự hào với truyền thống quê hương, trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Hoà An ra sức thi đua phát triển KT – XH, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Từ năm 2010 – 2015, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài, phát huy các tiềm năng lợi thế của huyện, đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền…, đem lại hiệu quả thiết thực. 

          Thu ngân sách của huyện hằng năm đều tăng, đạt và vượt dự toán giao. Năm 2011, đạt 43 tỷ đồng; năm 2014 tăng lên 91 tỷ đồng; năm 2015 phấn đấu đạt 104 tỷ đồng. Nông, lâm nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển biến rõ nét ở vùng đồng, vùng thấp, đại đa số nhân dân thực hiện tốt thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, đa dạng hoá các loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây thuốc lá nguyên liệu tiếp tục ổn định ở hầu hết các xã, sản lượng năm 2014 đạt trên 3.900 tấn (vượt kế hoạch); đã có nhiều cánh đồng đạt 80 – 100 triệu đồng/ha, đặc biệt, có những cánh đồng đạt trên 150 triệu đồng/ha. Bà con chú trọng đầu tư mở rộng diện tích, thâm canh cây táo; phục tráng cây cam Trưng Vương, quýt Hà Trì bước đầu thành công; chăn nuôi cũng được phát triển, các sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt ngày càng phong phú. Giá trị trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp tăng 14 triệu đồng/ha so với năm 2010. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trung bình trên dưới 30.000 tấn. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người trên 550 kg/ người/năm. Tỷ lệ cơ giới hoá trong làm đất nông nghiệp tăng từ 57% năm 2010, lên 92% năm 2014; có 7.530 máy nông nghiệp các loại; 2.520 máy xay xát, máy nghiền, thái thức ăn cho gia súc, gia cầm, tỷ lệ cơ giới hoá tính theo công việc đạt 40%.

          Bộ mặt nông thôn cơ bản có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ, trong đó kiên cố hóa và bán kiên cố 55 hệ thống, đầu mối thủy lợi chủ động tưới chắc 2 vụ được 2.300 ha tập trung ở các xã vùng đồng. Các trụ sở, cơ sở trường, trạm đại đa số được kiên cố hóa, trang thiết bị đáp nhu cầu làm việc, học tập, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giao thông cơ bản thông suốt, thuận lợi đến các trung tâm các xã, nhiều xã vùng đồng cơ bản được bê tông hóa đường liên thôn, liên xóm. Tỷ lệ các xóm có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trên 90%; tỷ lệ người dân có điện sinh hoạt, nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 80%. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thành quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới 20/20 xã; cải tạo nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, bê tông hóa đường làng ngõ xóm đã cứng hóa được 125,3/403,6km đường trục xã và xóm; bê tông hóa kênh mương nội đồng, đầu tư được 05 công trình thủy lợi; mở được 60 lớp đào tạo nghề nông thôn cho 2.288 học viên tham gia để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; hệ thống điện lưới quốc gia đã đến 100% số xã. Đến nay, đã có 4 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 4 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí; 12 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 còn 22,58%, năm 2014 giảm xuống còn 7,75%.

            Các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố vững chắc.   Công tác tổ chức Đảng, công tác cán bộ luôn được củng cố kiện toàn; đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên đạt kết quả tốt. Toàn Đảng bộ huyện hiện có 64 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 23 đảng bộ và 41 chi bộ; 354 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với trên 5.000 đảng viên. Công tác phát triển đảng viên mới được Huyện ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chú trọng đến các đối tượng là cán bộ trẻ có trình độ năng lực, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, các thành phần cốt cán trong các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Nhờ những giải pháp quyết liệt và sát với thực tiễn, công tác phát triển đảng viên trong năm 2014 của huyện đạt được kết quả quan trọng. 19/21 đảng bộ xã, thị trấn (trừ Hồng Việt và Đức Xuân) kết nạp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao; 07 chi bộ cơ quan hành chính, 5 chi bộ đơn vị sự nghiệp, 3 chi bộ khối doanh nghiệp và Đảng bộ Công an huyện hoàn thành chỉ tiêu kết nạp Đảng năm 2014. Chất lượng đảng viên mới kết nạp từng bước được nâng cao. ..

          Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT – XH đã đề ra, trong thời gian tới, huyện Hòa An tiếp tục tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Huy động mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; phát huy, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm nghèo nhanh và bền vững; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.  

Hòa An là huyện lớn của tỉnh, có tổng diện tích 60.952,08ha, Diện tích đất canh tác có trên 6.200ha, trong đó có 5.000ha là đất ruộng. Cánh đồng trung tâm huyện trải dài trên 20 km. Dọc theo sông bằng và các nhánh sông, suối là những cánh đồng bằng phẳng. Nhiều cánh đồng được phù sa từ các thượng nguồn đổ về bồi đắp đất đai màu mỡ, quanh năm gieo trồng 2 vụ lúa, đó là: Cánh đồng Tổng Lài, Tổng Nuống, (xã Nam Tuấn), Vỏ Héc, Vỏ Má (xã Đại Tiến), Nà Pẳng, Cốc Lùng (xã Đức Long), Pác Cam, Ảng Giàng (xã Bình Long), Sam Luồng (xã Trương Lương), Nà Mè (xã Hồng Việt), Bản Vạn, Bản Sẩy, Vò Đáo, Đà Lạn, An Phú (xã Bế Triều), Nà Lữ (xã Hoàng Tung),… là những cánh đồng tương đối lớn, đất đai phì nhiêu.

Ngoài ra, ven khe suối còn có những vùng ruộng bậc thang gồm các xã phía nam của huyện như Ngũ Lão, Nguyễn Huệ, Trưng Vương, Hồng Nam, Bạch Đằng…

Phần diện tích còn lại là núi đồi. Núi đồi chiếm 2/3 diện tích huyện, bao gồm núi đá và núi đất. Độ cao trung bình là 300m so với mặt biển, thấp dần từ tây sang đông. Các ngọn núi cao của huyện đáng kể là: Khau Mjà (xã Đức Long) cao 508m, Khau Hân (xã Bình Long) cao 524m, Khau Sầm (xã Vĩnh Quang) cao 618m, Khau Luôn (xã Lê Chung) cao 769m, Nà Mấn (xã Ngũ Lão) cao 1.011, Pá Diển (xã Quang Trung) cao 1.000m, Lũng Xen (xã Công Trừng) cao 854m. Dãy núi đá vôi Lam Sơn (còn gọi là dãy Phja Ngả) nằm án ngữ phía tây huyện, địa hình khá hiểm trở, có nhiều hang sâu.

Huyện có nhiều sông suối chảy qua, đáng kể nhất là sông Bằng (đoạn chảy qua Đề Thám gọi là sông Mãng). Sông Bằng bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy từ hướng tây bắc xuống Hà Quảng, nhập lưu với các nhánh sông Nặm Thoong tại Nà Niền (xã Đức Long), Dẻ Rào từ Thông Nông chảy xuống và sông Tả Sla từ Nguyên Bình  ra gặp sông Bằng tại Nước Hai; một nhánh từ Đại Tiến ra gặp sông Bằng tại Bản Sẩy xã Bế Triều, chảy qua các xã Hồng Việt, Hoàng Tung, Hưng Đạo, Vĩnh Quang, Đề Thám, thành phố Cao Bằng, Quang Trung, Hà Trì, Chu Trinh, Hồng Nam, sang huyện Phục Hòa rồi chảy qua Trung Quốc. Sông Bằng có lòng rộng và sâu, thuận tiện cho giao thông vận tải. Hệ thống sông Bằng và các nhánh đã bồi đắp nên những cánh đồng tương đối bằng phẳng và phì nhiêu vào loại nhất tỉnh. Các sông, suối còn là nguồn cung cấp tôm cá cho con người, nguồn dự trữ thủy điện khá dồi dào.

Huyện có một số hồ nhân tạo, lớn nhất là hồ Khuổi Lái ở xã Bạch Đằng, hồ Nà Tấu ở xã Bế Triều. Khoáng sản có: Mỏ sắt ở Dân Chủ, Hoàng Tung có vàng sa khoáng, đồng, ăngtimoan, phốt phát (Hồng Việt) …Thực vật, động vật phong phú; trên các ngọn núi xưa kia là những khu rừng cổ thụ xanh tốt, có nhiều gỗ quý như nghiến, lim, lát, sao, dẻ … mọc tự nhiên trên núi đá. Ở những nơi được bảo vệ tốt, các loại cây phát triển tốt, điều hòa mạch nước quanh năm. Các loại cây dược liệu quý hiểm đều mọc ở trên núi đá, núi đất như hồng slí sẻn, địa liền, kê huyết đằng, hà thủ ô, kim anh, thất diệp nhất chi hoa … Hệ cây lương thực, thực phẩm, công nghiệp đa dạng bao gồm lúa, ngô, khoai, sắn, mía, lạc, rau xanh, thuốc lá, bông.

So với toàn tỉnh Cao Bằng, Hòa An là nơi có điều kiện thiên nhiên thuận lợi, được coi là vựa lúa của tỉnh.

Là địa phương có truyền thống lịch sử lâu đời. Trải qua một quá trình hợp lưu lâu dài, hiện nay huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống; dân tộc Tày sống ở đây lâu đời nhất và có dân số nhiều nhất, có trình độ, tổ chức xã hội khá cao và sống tập trung ở vùng đồng; dân tộc Nùng đông thứ hai sống tương đối tập trung ở các xã phía đông huyện; dân tộc Mông, Dao sống rải rác ở các xã vùng cao; dân tộc Kinh và dân tộc Hoa sống chủ yếu ở phố Nước Hai, phố Cao Bình. Thành phần cư dân có nhiều nguồn gốc khác nhau trong đó có một số đồng bào Kinh ở vùng xuôi lên sinh sống lâu đời và đại bộ phận đã trở thành người dân tộc địa phương. Với thành phần dân cư như thế, Hòa An là nơi hợp lưu các dòng văn hóa của các dân tộc đưa lại. Dân số của huyện hiện có 55.730 người, trong đó dân tộc tày chiếm tỷ lệ 63.33%, Nùng 24,73%, Mông 6,58%, Dao 2,36%, Kinh 2,87%, dân tộc khác 0,14%.

Các dân tộc ở Hòa An có truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn thờ các danh nhân có công với dân. Đền thờ Pú Lương Quân thờ cha Báo Luông, mẹ Slao Cải tương truyền đã sinh ra con cháu người Tày ngày nay được lập ở bờ sông Tả Sẩy xã Bế Triều. Thành Bản Phủ của Thục Phán – An Dương Vương, chùa Đống Lân, chùa Đà Quận (xã Hưng Đạo – nay thuộc thành phố Cao Bằng), đền Kỳ Sầm (xã Vĩnh Quang – nay thuộc thành phố Cao Bằng),  đền Vua Lê (xã Hoàng Tung). Các dân tộc đã sớm có ý thức thống nhất dân tộc nên sự khác biệt không lớn lắm, tuy nhiên mỗi dân tộc vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Ngôn ngữ phổ biến ở huyện là tiếng Tày.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây