Giới thiệu khái quát huyện Quảng Hòa

Giới thiệu khái quát huyện Quảng Hòa - Tỉnh Cao Bằng

Giới thiệu khái quát huyện Quảng Hòa

Điều kiện tự nhiên

Huyện Quảng Hòa nằm ở phía đông tỉnh Cao Bằng, có vị trí địa lý:
· Phía đông giáp Quảng Tây, Trung Quốc và huyện Hạ Lang
· Phía tây giáp huyện Hòa An
· Phía nam giáp huyện Thạch An
· Phía bắc giáp huyện Trùng Khánh

Huyện Quảng Hòa có diện tích 668,95 km², dân số năm 2019 là 66.620 người, mật độ dân số khoảng 100 người/km². Huyện lỵ là thị trấn Quảng Uyên, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 37 km, cách thành phố Hà Nội 286 km theo Quốc lộ 3. Huyện có cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng thông thương với Trung Quốc.

Hành chính

Huyện Quảng Hòa có 19 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 3 thị trấn: thị trấn Quảng Uyên, thị trấn Hòa Thuận, thị trấn Tà Lùng và 16 xã gồm : Bế Văn Đàn, Cai Bộ, Cách Linh, Chí Thảo, Đại Sơn, Độc Lập, Hạnh Phúc, Hồng Quang, Mỹ Hưng, Ngọc Động, Phi Hải, Phúc Sen, Quảng Hưng, Quốc Toản, Tiên Thành, Tự Do.

Qúa trình phát triển

Huyện được thành lập từ ngày 8 tháng 3 năm 1967 trên cơ sở hợp nhất huyện Quảng Uyên và huyện Phục Hòa.

Khi hợp nhất, huyện Quảng Hòa có thị trấn Quảng Uyên và 26 xã: Bình Lăng, Cách Linh, Cai Bộ, Chí Thảo, Đà Sơn, Đại Tiến, Đoài Khôn, Độc Lập, Hạnh Phúc, Hoàng Hải, Hồng Đại, Hồng Định, Hồng Quang, Lương Thiện, Mỹ Hưng, Ngọc Động, Phi Hải, Phúc Sen, Quảng Hưng, Quốc Dân, Quốc Phong, Quốc Toản, Quy Thuận, Tiên Thành, Triệu Ẩu, Tự Do.

Ngày 15 tháng 9 năm 1969, huyện Hạ Lang vừa giải thể huyện tiếp nhận thêm 8 xã: Thanh Nhật, Thái Đức, Việt Chu, Quang Long, An Lạc, Thị Hoa, Cô Ngân, Vinh Quý từ huyện Từ đó, huyện Quảng Hòa có 1 thị trấn và 34 xã.

Ngày 10 tháng 6 năm 1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 245-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã thuộc huyện Quảng Hòa.

·Điều chỉnh địa giới hành chính hai xã Mỹ Hưng và Quy Thuận, đổi tên xã Quy Thuận thành xã Tà Lùng.
·Hợp nhất xã Đại Tiến và xã Đà Sơn thành một xã lấy tên là xã Đại Sơn.
·Chuyển xã Quốc Toản sang huyện Trà Lĩnh quản lý.

Ngày 1 tháng 9 năm 1981 huyện Hạ Lang vừa tái lập, chuyển 8 xã: Thanh Nhật, Thái Đức, Việt Chu, Quang Long, An Lạc, Thị Hoa, Cô Ngân, Vinh Quý về huyện Hạ Lang.

Huyện Quảng Hòa còn lại 24 xã và thị trấn Quảng Uyên: Bình Lăng, Cách Linh, Cai Bộ, Chí Thảo, Đại Sơn, Đoài Khôn, Độc Lập, Hạnh Phúc, Hoàng Hải, Hồng Đại, Hồng Định, Hồng Quang, Lương Thiện, Ngọc Động, Phi Hải, Phúc Sen, Quảng Hưng, Quốc Dân, Quốc Phong, Mỹ Hưng, Tà Lùng, Tiên Thành, Triệu Ẩu, Tự Do.

Ngày 11 tháng 8 năm 1999, chia xã Tà Lùng thành thị trấn Tà Lùng và xã Hòa Thuận.

Đầu năm 2001, huyện Quảng Hòa có 2 thị trấn: Thị trấn Quảng Uyên, thị trấn Tà Lùng và 24 xã: Bình Lăng, Cách Linh, Cai Bộ, Chí Thảo, Đại Sơn, Đoài Khôn, Độc Lập, Hạnh Phúc, Hòa Thuận, Hoàng Hải, Hồng Đại, Hồng Định, Hồng Quang, Lương Thiện, Ngọc Động, Phi Hải, Phúc Sen, Quảng Hưng, Quốc Dân, Quốc Phong, Mỹ Hưng, Tiên Thành, Triệu Ẩu, Tự Do.

Ngày 13tháng 12 năm 2001, huyện Quảng Hòa được tách thành 2 huyện Quảng Uyên và Phục Hòa:

·Huyện Phục Hòa có thị trấn Tà Lùng và 8 xã: Cách Linh, Đại Sơn, Hòa Thuận, Hồng Đại, Lương Thiện, Mỹ Hưng, Tiên Thành, Triệu Ẩu. Ngày 13 tháng 12 năm 2007, thành lập thị trấn Hòa Thuận trên cơ sở toàn bộ 2.204 ha diện tích tự nhiên và 4.356 người của xã Hòa Thuận.

·Huyện Quảng Uyên có thị trấn Quảng Uyên và 16 xã: Bình Lăng, Cai Bộ, Chí Thảo, Đoài Khôn, Độc Lập, Hạnh Phúc, Hoàng Hải, Hồng Định, Hồng Quang, Ngọc Động, Phi Hải, Phúc Sen, Quảng Hưng, Quốc Dân, Quốc Phong, Tự Do.

Đến đầu tháng 2 năm 2020:

·Huyện Phục Hòa có 2 thị trấn: Hòa Thuận, Tà Lùng và 5 xã: Bế Văn Đàn, Cách Linh, Đại Sơn, Mỹ Hưng, Tiên Thành.

·Huyện Quảng Uyên có thị trấn Quảng Uyên và 10 xã: Cai Bộ, Chí Thảo, Độc Lập, Hạnh Phúc, Hồng Quang, Ngọc Động, Phi Hải, Phúc Sen, Quảng Hưng, Tự Do.

Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 897/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2020). Theo đó, tái lập huyện Quảng Hòa trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 251,67 km² diện tích tự nhiên và 23.625 người của huyện Phục Hòa; toàn bộ 385,73 km² diện tích tự nhiên và 40.898 người của huyện Quảng Uyên và toàn bộ 31,55 km² diện tích tự nhiên, 2.097 người của xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh vừa giải thể.

Huyện Quảng Hòa nay có 3 thị trấn và 16 xã.

Điều kiện kinh tế xã hội

Đảng bộ huyện Quảng Hòa được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ huyện Phục Hòa, Đảng bộ huyện Quảng Uyên, Đảng bộ xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) với 67 tổ chức cơ sở đảng, 6.392 đảng viên. Ngay sau khi sáp nhập, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khẩn trương chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ. Hiện nay, toàn Đảng bộ huyện có 47 chi, đảng bộ trực thuộc với 6.249 đảng viên.

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 đúng tiến độ và chuẩn bị chu đáo nội dung, các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển KT – XH, củng cố quốc phòng – an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng khá. Diện tích, sản lượng các cây trồng chính hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch; tiềm năng, lợi thế của địa phương được phát huy; một số vùng sản xuất hàng hóa và các mô hình chăn nuôi quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ bước đầu được hình thành, như: mía, sắn nguyên liệu, lạc, chanh leo, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, lợn thương phẩm… Tỷ lệ cơ giới hóa trong trong các khâu sản xuất, thu hoạch đạt trên 85%; giá trị sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt trên 52 triệu đồng/ha.

Năm 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 545,6 tỷ đồng, tăng 67,4% so với năm 2015, toàn huyện có 332 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ngoài Nhà máy Thủy điện Nà Lòa, Thủy điện Nà Tẩư, có thêm 3 dự án thủy điện hoàn thành, đưa tổng công suất sản xuất điện toàn huyện lên 42,8 MW, giá trị sản xuất đạt trên 200 tỷ đồng/năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng mở rộng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa bình quân đạt 204,5 tỷ đồng, tăng 18,1% so với đầu nhiệm kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn bình quân đạt trên 2 tỷ USD/năm.

Thu ngân sách bình quân giai đoạn 2015 – 2019 đạt 116 tỷ đồng, trong đó, thu cân đối hằng năm đều tăng và vượt cao so với kế hoạch tỉnh giao. Phong trào xây dựng nông thôn mới phát huy tích cực vai trò chủ thể của người dân, tạo sức lan tỏa và huy động toàn xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Có 2/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã còn lại đạt 13/19 tiêu chí.

Huyện tích cực phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu kinh tế cửa khẩu; thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hướng tới xuất khẩu; duy trì các cuộc hội đàm, trao đổi, ký kết hợp tác thúc đẩy thông thương hàng hóa qua cửa khẩu; luân phiên tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế Tà Lùng – Thủy Khẩu; tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương… tạo điều kiện phát triển xuất nhập khẩu. Huy động các nguồn lực trên 646 tỷ đồng thực hiện được 387 dự án đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Hệ thống hạ tầng cơ sở cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển, hạ tầng đô thị, nông thôn đã có nhiều khởi sắc.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt gần 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tham gia giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Đã hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng nhiều công trình trọng điểm, như: các nhà máy thủy điện, Quốc lộ 4A, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH True Milk… tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án phục vụ phát triển KT – XH.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục có nhiều tiến bộ, có 22 trường đạt chuẩn quốc gia; 90% trường, lớp được kiên cố hóa; 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn, trong đó, trên 50% đạt trên chuẩn. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được hoàn thiện. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống được phục dựng, bảo tồn.

Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành và nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, góp phần trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương. Công tác y tế được thực hiện hiệu quả; lao động, việc làm, an sinh xã hội luôn được quan tâm đẩy mạnh. Quốc phòng – an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đã kết nạp 1.260 đảng viên mới, vượt 48,2% chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015 – 2020. Chọn cử 94 cán bộ diện cấp ủy quản lý và nguồn quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, mở 5 lớp Trung cấp lý luận chính trị – hành chính tại huyện cho 353 học viên.

Lãnh đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong đó, hoàn thành sắp xếp 21 đơn vị sự nghiệp công lập, sáp nhập 358 xóm, tổ dân phố còn 183 xóm, tổ dân phố, giảm 175 xóm, tổ dân phố; tổng số đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp 27 đơn vị (24 xã, 3 thị trấn), sau sắp xếp, sáp nhập còn có 19 đơn vị hành chính (16 xã, 3 thị trấn), giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã; tinh giản biên chế 159 người.

Công tác nội chính, kiểm tra, giám sát được tăng cường, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Công tác dân vận từng bước được đổi mới, phát triển cả về nội dung, phương thức hoạt động.

Nổi bật trong nhiệm kỳ là công tác dân vận chính quyền được chú trọng triển khai gắn với thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tiếp công dân, vận động xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị… Phát huy tốt vai trò của cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu chấp hành các chủ trương, chính sách có tác động lớn đến lợi ích nhiều người làm nhân tố nòng cốt để quần chúng nhân dân tin tưởng, đồng thuận và hưởng ứng tích cực. Công tác đoàn kết, tập hợp quần chúng có nhiều tiến bộ. Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn, luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành.

Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, Quảng Hòa tập trung thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI đề ra. Trong đó, tiếp tục hoàn thành các quy hoạch quan trọng tạo tiền đề cho việc xây dựng định hướng phát triển và thu hút đầu tư. Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế bền vững với phát triển văn hóa, xã hội, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đoàn kết toàn dân; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững. Quyết tâm xây dựng huyện Quảng Hòa trở thành trung tâm KT – XH của khu vực miền Đông tỉnh Cao Bằng, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây