Giới thiệu khái quát huyện Hưng Hà
Huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình được thành lập từ 1969 trên cơ sở sáp nhập 2 huyện Duyên Hà – Hưng Nhân và 5 xã của huyện Tiên Hưng cũ. Huyện nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Thái Bình, cách Thành phố Thái Bình khoảng 27 km. Tọa độ địa lý nằm trong khoảng 20o30’37’ đến 20o40’37’ vĩ độ Bắc và từ 106o06’00’ đến 106o19’22’ kinh độ Đông. Phía Bắc tiếp giáp huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam, phía Nam giáp huyện Vũ Thư, phía Đông giáp huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng. Tổng diện tích đất tự nhiên là 20.041,9 ha, dân số là 252.891 người được phân bố ở 33 xã và 2 thị trấn.
Hưng Hà là vùng đất cổ của tỉnh Thái Bình, năm 2000 tại xã Minh Tân đã tìm thấy 2 trống đồng loại lớn thuộc nền văn hoá Đông Sơn, các nhà khoa học đã khẳng định trống đồng này đã có cách đây trên 2500 năm và được chế tác bởi cư dân nơi đây. Ngoài ra các nhà khảo cổ còn tìm thấy các ngôi mộ Hán được chôn cất rải rác ở trong huyện, điều đó khẳng định rằng nơi đây có dân cư sinh sống khoảng trên 2500 năm trước.
Trong suốt chiều dài lịch sử trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” này đã sinh ra những danh nhân, danh tướng làm rạng danh quê hương, đất nước. Từ những năm 40 của thế kỷ thứ nhất, Đông Nhung Đại Tướng Vũ Thị Thục đã về vùng Đa Cương Hương nay là xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến chiêu tập binh mã dựng cờ khởi nghĩa cùng Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán giành lại độc lập cho dân tộc. Vào thế kỷ thứ 13 con cháu họ Trần đã mang phần mộ cụ tổ về an táng tại Tam Đường xã Tiến Đức và từ mảnh đất này khởi nghiệp tạo dựng lên vương triều Trần với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Nơi đây 4 đời Vua, các Hoàng hậu, Công chúa đầu triều Trần đã yên nghỉ, nên Tam Đường chính là nơi Tôn miếu của nhà Trần. Trong mỗi lần xuất quân hay chiến thắng trở về, Vua tôi nhà Trần đều về đây làm lễ tế tổ. Vùng đất Hưng Hà còn là nơi sinh ra nhiều danh nhân, tuấn kiệt, tiêu biểu là: Thái Sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung – những người có công tạo dựng và đưa nhà Trần phát triển rực rỡ trở thành một trong những vương triều cường thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đó là Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ ở xã Tân Lễ, Tiến sỹ Nhà văn hoá Nguyễn Tông Quai ở xã Hoà Tiến; Tam nguyên bảng nhãn Lê Quý Đôn – Nhà bác học lỗi lạc nhất của Việt Nam thế kỷ 18 ở làng Phú Hiếu xã Độc Lập. Đó là những thủ lĩnh yêu nước trong phong trào chống Pháp như: Đốc Nhưỡng, Bang Tốn, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm. Cũng chính nơi đây năm 1929 chi bộ Thần Duyên – một trong những chi bộ đầu tiên của tỉnh Thái Bình được thành lập đã lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những truyền thống tốt đẹp, những người con ưu tú của quê hương đã tạo nên Hưng Hà là vùng “địa linh”. Hiện nay toàn huyện còn lưu giữ được 552 di tích chiếm trên 1/4 tổng số di tích của toàn tỉnh, trong đó có 22 điểm di tích cấp quốc gia và 56 di tích cấp tỉnh. Điều đó chứng tỏ Hưng Hà vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa văn hiến hiếm nơi nào có được.
Hưng Hà không chỉ là vùng địa linh sinh người tài mà còn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá và cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ Tổ Quốc, Hưng Hà đã lần lượt tiễn đưa hàng vạn người con ra mặt trận, và đã có gần 6.000 người con ưu tú của quê hương ra đi mãi mãi không về, 3.484 thương, bệnh binh, 252 bà mẹ Việt Nam được tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng.
I. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ:
Hưng Hà một vùng quê được bồi đắp bởi 3 con sông lớn: sông Hồng, sông Luộc, sông Trà, vì thế đã tạo lên những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, hệ thống giao thông nông thôn khá hoàn thiện, 3 trục đường lớn đang được xây dựng và nâng cấp, đường 39A và đường 223 nối liền thị trấn Hưng Hà qua Tịnh Xuyên sang Vũ Thư về Thành phố. Và đặc biệt là đường cao tốc nối từ Pháp Vân, Cầu Rẽ đi Hải Phòng sắp được xây dựng. Điều kiện về địa lý, giao thông thuận tiện với những tiềm năng sẵn có, con người và truyền thống lao động sản xuất sẽ là cơ sở là điều kiện cho sự phát triển kinh tế ở Hưng Hà.
1. Về sản xuất nông nghiệp.
Đã hàng chục năm qua, Hưng Hà luôn đạt năng suất bình quân 13 tấn/ha, luôn là huyện có năng suất lúa dẫn đầu toàn tỉnh. Năm 2008 năng suất lúa đạt 134,15 tạ/ha. Người dân Hưng Hà tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào gieo cấy, chăm sóc bảo vệ lúa, đưa nhanh các giống lúa có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của từng địa phương vào sản xuất. Vì vậy huyện Hưng Hà trong hàng chục năm qua năng suất lúa đạt cao và luôn ổn định.
Điều quan trọng sản xuất nông nghiệp ở Hưng Hà không chỉ là năng suất lúa cao mà còn là việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng giá trị thu nhập. Trong nhiều năm qua người dân Hưng Hà đều hiểu rằng nếu chỉ độc canh cây lúa thì không thể vươn lên làm giàu được, vì vậy đã tích cực, mạnh dạn chuyển đổi một bộ phận diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây, nuôi con có hiệu quả hơn, hàng ngàn ha được chuyển sang chăn nuôi: lợn, cá, sản xuất rau màu có hiệu quả cao.
Cùng với hai vụ lúa, màu trong năm, Hưng Hà vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh của mình là sản xuất vụ đông, là địa phương luôn luôn dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích, giá trị sản xuất. Hàng năm diện tích vụ đông đều tăng, năm 2007-2008 diện tích gieo trồng đạt 6.390 ha chiếm 52% diện tích canh tác, vụ đông 2008-2009 diện tích là 7.437,9 ha chiếm 62% diện tích canh tác, điều đáng nói là cơ cấu cây trồng trong sản xuất vụ đông ngày càng phát triển đa dạng theo chiều hướng tích cực. Nhiều loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được đưa vào gieo trồng như: Bí đao, dưa quả các loại, cà chua Mỹ, cải xanh xuất khẩu, và đặc biệt là diện tích cây đậu tương tăng mạnh ở tất cả các xã, thị trấn.
Về chăn nuôi, ở Hưng Hà đã được khai thác có hiệu quả. Đàn gia súc, gia cầm phát triển mạnh, một số vật nuôi có giá trị hàng hoá cao được đưa nhanh vào chăn nuôi như bò lai Sin, tổng đàn bò năm 2008 có 15.110 con, chủ yếu là bò lai Sin; tổng đàn lợn 155.610 con ( không kể lợn sữa ). Toàn huyện hiện có trên 1.371 trang trại, gia trại. Tận dụng thế mạnh người dân Hưng Hà đã đẩy mạnh việc nuôi trồng thuỷ sản, mạnh dạn thả nuôi các loại giống mới như cá chép lai 3 dòng, cá Rô phi đơn tính… Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2008 là 1.400 ha giá trị sản xuất đạt gần 50 tỷ đồng.
2. Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Trong nhiều năm qua Hưng Hà đã tập trung vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Vì thế luôn là huyện dẫn đầu khối huyện của tỉnh, về giá trị thu nhập trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mạnh mẽ nên cơ cấu kinh tế đã bước phát triển theo hướng tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng nhanh, thu hút được nhiều lao động vào làm việc. Hiện nay toàn huyện có 165 doanh nghiệp các loại, có 42 làng, 2 xã được tỉnh công nhận là làng nghề, xã nghề.
Nhiều xã trong huyện tiếp tục phát triển những nghề truyền thống cho giá trị thu nhập cao. Nghề dệt bông vải từ làng Phương La nay đã phát triển ra 12 xã trong huyện với 4.670 máy dệt. Nghề dệt chiếu cũng là nghề truyền thống của huyện: “ăn cơm hom, nằm giường hòm đắp chiếu Hới” xưa từ làng Hới nay đã phát triển ra toàn xã Tân Lễ, và các xã lân cận, hàng năm sản xuất trên 10 triệu lá chiếu các loại, sản phẩm chiếu được đưa đi khắp các miền tổ quốc.
Hưng Hà còn có nhiều nghề khác phát triển với quy mô khá lớn. Toàn huyện có 44 nghề các loại, hàng năm tạo ra nhiều sản phẩm và cho thu nhập cao như: Nghề mộc, nghề mây tre đan, làm lưới ni lông, nghề làm nón, nghề cơ khí nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, nghề làm thảm đệm, nghề sản xuất hạt nhựa…. Hiện nay toàn huyện đã có 3 cụm công nghiệp đang hoạt động và ngày càng được mở rộng: Cụm công nghiệp Phương La, cụm công nghiệp Đồng Tu – Phúc Khánh, cụm công nghiệp thị trấn Hưng Nhân và đang tiếp tục quy hoạch một số điểm công nghiệp: xã Minh Tân, xã Điệp Nông….
Nhờ có hệ thống làng nghề và hàng vạn lao động sản xuất trong các làng nghề và doanh nghiệp, nên năm 2008 giá trị thu từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản đạt 1.047,4 tỷ đồng tăng 25,15% so với 2007 chiếm 48,23% giá trị kinh tế toàn huyện, dự kiến năm 2009 là 1.250 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 51,98%.
II. LĨNH VỰC VĂN HOÁ-THÔNG TIN VÀ THỂ THAO
Hưng Hà là huyện có bề dày truyền thống văn hoá, văn hiến, yêu nước và cách mạng, trong nhiều năm qua những truyền thống đó luôn được khai thác và phát huy. Hệ thống các thiết chế văn hoá trong toàn huyện được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân: Toàn huyện có 34/35 nhà văn hoá xã, 234 nhà văn hoá thôn làng, trên 400 câu lạc bộ các loại, gần 300 tổ nhóm văn nghệ, lưu giữ được 552 di tích trong đó có 22 di tích quốc gia, nhiều di tích không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn nổi tiếng trên toàn quốc. Xã Hồng Minh có 2 di tích quốc gia: Đình Thọ Phú, đình, đền Xuân Lôi thờ Vua Lý và Triệu Quang Phục. Từ đường nhà bác học Lê Quý Đôn, lăng cụ Lê Trọng Thứ, tới đây huyện Hưng Hà sẽ xây dựng khu lưu niệm Lê Quý Đôn diện tích 10 ha; Đền thờ Bác Hồ tại xã Hồng An nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm 2 lần, cũng đang được nâng cấp. Quần thể di tích nhà Trần tại thôn Tam Đường xã Tiến Đức với tổng diện tích 22 ha đang được xây dựng và hoàn thiện, tại nơi đây còn lưu giữ được lăng mộ của cụ tổ, 4 đời vua và hoàng hậu ,công chúa đầu triều Trần. Đền thờ Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ tại làng Hải Triều xã Tân Lễ, khu đền, lăng Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung tại xã Liên Hiệp nay đang được hoàn thiện. Đền, chùa, miếu làng Diệc xã Tân Hoà; di tích nghệ thuật cấp Quốc gia thể hiện bàn tại trạm trổ tài hoa của những nghệ nhân nghề mộc làng Diệc; quần thể di tích thờ Đông Nhung đại tướng quân nằm dọc bờ sông Tiên Hưng thuộc xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến. Đó là những điểm đến hấp dẫn với du khách, hàng năm thu hút hàng chục vạn người tới thăm quan và thưởng ngoạn.
Trong truyền thống văn hoá của quê hương, không chỉ có bề dày văn hoá vật thể mà văn hoá phi vật thể khá đậm đặc: chèo Hà Xá một trong 3 chiếu chèo nổi tiếng của Thái Bình nay đang được phát huy; Hội Long Vân trước kia chỉ có ở xã Độc Lập nay đã phát triển ra nhiều xã; Hội thi cỗ cá đang được phục hồi tại xã Tiến Đức; pháo đất tại xã Chi Lăng, Hoà Bình; múa tứ linh, đi cầu kiều, chọi gà, cờ tướng, vật và hàng chục trò chơi khác đang được phục hồi và phát triển.
Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở Hưng Hà phát triển khá vững chắc. được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, trở thành phong trào sâu rộng trong huyện. Hết 2008 toàn huyện có 78 thôn làng, 64 cơ quan đơn vị với 253 lượt được công nhận đơn vị văn hoá. Hàng năm có từ 65-70% số hộ trong huyện đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, hàng trăm dòng họ có từ đường, xây dựng được quy ước và công nhận là dòng họ văn hoá.
Hệ thống thư viện hoạt động khá tốt nhiều năm là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Hiện nay Hưng Hà có một thư viện huyện với 11.000 đầu sách, 28 loại báo và tạp chí, 73 thư viện trường học. 35 tủ sách pháp luật, 8 trạm sách và 2 thư viện xã đang hoạt động có hiệu quả.
Hệ thống thông tin, bưu chính, viễn thông ở Hưng Hà cũng khá phát triển, hiện nay toàn huyện có 35 đài truyền thanh các xã, thị trấn trong đó có 14 đài truyền thanh không dây đã và đang xây dựng, có 50 trạm BTS, 29 điểm bưu điện văn hoá và 5 bưu cục, việc nối mạng internet tới tất cả cơ quan trường học đang được tiến hành.
Hoạt động thể thao đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày với các tầng lớp nhân dân trong huyện. Năm 2008 toàn huyện có trên 24% dân số, 14% số gia đình thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao, hàng năm huyện tổ chức từ 15-18 giải thể thao, ở cấp xã từ 130-150 giải. Nhiều năm qua thể thao thành tích cao đã được quan tâm và là một trong huyện có thành tích cao trong các kỳ thi tại tỉnh, đặc biệt là một số môn: môn bơi 11 năm liên tục dẫn đầu tỉnh, các môn điền kinh, bóng đá thiếu niên, nhi đồng, bóng chuyền nữ liên tục đứng ở tốp đầu và nhiều năm xếp thứ nhất, hàng năm nhiều câu lạc bộ thể thao lần lượt được thành lập. Vì vậy trong 7 năm qua liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh, được Ủy ban thể dục thể thao nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc.
III. NGÀNH Y TẾ
Hưng Hà là huyện có mạng lưới cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và phát triển. Về tổ chức gồm: phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, 2 bệnh viện đa khoa, 35 trạm Y tế xã, thị trấn, với tổng số 365 giường bệnh, trong đó ở tuyến huyện là 190 giường bệnh đạt tỷ lệ 14,5 giường/1000 dân. Tổng biên chế của toàn ngành là 402 người, tuyến huyện là 211, tuyến xã 191, trong dó có 84 bác sỹ, công tác tại huyện là 62( trong số 84 bác sỹ có 2 thạc sỹ, 25 bác sỹ chuyên khoa I, 19 bác sỹ chuyên khoa sơ bộ, đạt tỷ lệ 3.2 bác sỹ/1000 dân), dược sỹ đại học có 3 người. Hệ thống cán bộ Y tế cơ sở được củng cố hoàn thiện, hiện nay có 262 cộng tác viên ở các thôn, làng đã và đang được đào tạo chuyên môn có trình độ sơ cấp trở lên.
Về cơ sở vật chất: Bệnh viện đa khoa Hưng Hà và bệnh viện đa khoa Hưng Nhân đang được xây dựng và hoàn thiện, chỉ tính riêng năm 2009, 2 bệnh viện đã được nhà nước đầu xây dựng 17,6 tỷ đồng. Trang thiết bị trong 2 bệnh viện được nâng cấp, 2 bệnh viện đều có siêu âm màu phục vụ nhân dân: tháng 8 đầu năm 2009 đầu tư gần 3 tỷ đồng cho trang thiết bị. Ở khối xã hiện nay có 19/35 trạm xá xã đạt Chuẩn Quốc gia về y tế.
Trong nhiều năm qua cùng với việc xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, thì các hoạt động y tế dự phòng được thực hiện tốt, từ huyện đến cơ sở luôn chủ động tham mưu và thực hiện kế hoạch phòng bệnh, giám sát và phát hiện kịp thời. Vì vậy trên địa bàn không có dịch lớn xẩy ra, các hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống HIV/AIDS, công tác y tế học đường và quản lý các bệnh xã hội thực hiện khá tốt từng bức đưa các hoạt động này vào nề nếp.
Công tác khám chữa bệnh được các cấp ủy Đảng chính quyền chăm lo, toàn huyện có 42% số dân có thẻ bảo hiểm y tế, hàng năm 2 bệnh viện khám cho trên 200.000 lượt bệnh nhân, điều trị gần 19.000 lượt người, công suất sử dụng giường bệnh của 2 bệnh viện đạt 150%. Ở tuyến xã hàng năm khám cho trên 250.000 lượt và tổ chức điều trị tại trạm y tế 10.000 lượt bệnh nhân. Ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của y bác sỹ ngày càng được nâng cao từng bước thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”.
III. NGÀNH GIÁO DỤC ĐÀO ĐẠO
Hưng Hà là địa phương có nền giáo dục khá phát triển, nơi đây có truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học. Thời phong kiến trong tổng số 111 vị đại khoa của Thái Bình thì Hưng Hà có 21 người chiếm 18,91% của tỉnh. Đặc biệt trong đó có 2 người đỗ đầu 3 kỳ thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình) thì đều ở Hưng Hà đó là Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ quê ở làng Hải Triều xã Tân Lễ, Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn quê ở làng Phú Hiếu xã Độc Lập. Truyền thống hiếu học của người dân Hưng Hà xưa thể hiện khá rõ nét không chỉ ở việc học hành khoa cử mà còn ở việc quan tâm của xã hội tới việc học, nhiều người nhờ có học mà thành danh.
Ngày nay Hưng Hà đã, đang phấn đấu đưa giáo dục phát triển cả bề rộng, chiều sâu, để người người học tập, nhà nhà học tập, học trong trường và học ngoài nhà trường, vì thế giáo dục Hưng Hà đã có những bước phát triển mới.
Về cơ sở vật chất: Hiện nay toàn huyện có 36 trường mầm non, 36 trường tiểu học, 34 trường THCS, 5 trường PTTH, một trung tâm giáo dục thường xuyên và 1 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề; hệ thống các trường học đã và đang được cao tầng hóa, 6/36 trường mầm non, 36/36 trường tiểu học, 12/34 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia ở mức độ 1 và 2. Năm 2001 Hưng Hà là 1 trong những huyện đầu tiên của tỉnh phổ cập THCS.
Về đội ngũ giáo viên: Hiện nay 3 ngành học (Mầm non, Tiểu học, THCS) có 3.056 giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ngày càng tăng. Tiểu học có 97.7% đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm 84,6%. THCS có 99,6% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 30,5 đạt trên chuẩn: Năm 2007-2008 với khối tiểu học có 217 giáo viên giỏi cấp huyện, 6 giáo viên giỏi cấp tỉnh, năm học 2008-2009 giáo viên giỏi cấp huyện có 180, cấp tỉnh có 6. Khối THCS năm 2007-2008 có 197 giáo viên giỏi cấp huyện và 13 giáo viên giỏi cấp tỉnh, năm học 2008-2009 có 130 giáo viên giỏi cấp huyện và 15 giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Về chất lượng học tập của học sinh, năm 2008 toàn huyện 3 ngành học có 48.015 học sinh. Hàng năm tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khá cao, việc học tập dần đi vào thực chất hóa, chất lượng đại trà có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng học sinh giỏi ngày càng được khẳng định. Với khối tiểu học năm 2007-2008 có 726 em đạt giỏi cấp huyện, 10 em giỏi cấp tỉnh, năm học 2008-2009 có 848 em giỏi cấp huyện, 10 em giỏi cấp tỉnh. Khối THCS năm học 2007-2008 học sinh giỏi cấp huyện có 2.015 em và 48 em giỏi cấp tỉnh. Năm học 2008-2009 có 1.756 em giỏi cấp huyện trong đó có 43 em giỏi cấp tỉnh.
Cùng với việc học tập trong các ngành học phổ thông, Hưng Hà tổ chức thực hiện việc toàn xã hội học tập, thông qua các trung tâm học tập cộng đồng. Hiện nay toàn huyện có 35 trung tâm học tập cộng đồng thường xuyên tổ chức các lớp học phổ biến khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, dạy và phát triển nghề mới, chăm sóc sức khỏe, kiến thức phòng chữa bệnh, nuôi dạy con, vệ sinh môi trường, đường lối chính sách pháp luật và những thông tin khác, góp phần đem đến cơ hội học tập cho mọi người, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân. Ngoài việc học tập về kiến thức văn hóa, ở Hưng Hà rất quan tâm chú trọng đến dạy nghề, hàng năm trung tâm hướng nghiệp dạy nghề tổ chức đào tạo nghề mới cho hàng trăm lao động, tổ chức hướng dẫn cho hàng ngàn học sinh các trường THPT…
Tuy còn nhiều khó khăn song sự nghiệp giáo dục Hưng Hà đang cố gắng nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để đưa được sự nghiệp giáo dục của huyện ngày càng phát triển xứng đáng là quê hương Nhà bác học với câu nói nổi tiếng: ”Phi trí bất hưng”./.