Giới thiệu khái quát huyện Lăk

Giới thiệu khái quát huyện Lăk

Giới thiệu khái quát huyện Lăk

I. Vị trí địa lý

Huyện Lăk là một huyện miền núi, nằm phía nam dãy trường sơn, phía Đông Nam của Tỉnh Đắk Lắk, cách Thành phố Buôn Ma Thuột 54 km theo quốc lộ 27, tổng diện tích tự nhiên là 1.256 km2 dân số 61.599 người, mật độ dân số 49 người/1km2 (tính đến năm 2011) bao gồm 11 đơn vị hành chính xã (gồm: thị trấn Liên Sơn, các xã: Yang Tao, Bông Krang, Đăk Liêng, Đăk Phơi, Đăk Nuê, Buôn Tría, Buôn Triêk, Krông Knô, Nam Ka và Ea Rbin; ranh giới hành chính như sau:
– Phía Bắc giáp huyện Krông Ana và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
– Phía Tây giáp huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông
– Phía Nam giáp huyện Đam Rông và Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng 
– Phía Đông giáp huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
II. Địa hình, địa mạo
a) Địa hình: Trên địa bàn huyện Lắk có núi, cao nguyên thung lũng, sông suối và các đầm hồ. 
+  Núi cao: Hình thành do dãy Chư Yang Sin chạy dài từ Đông Bắc xuống Tây Nam bao bọc, độ cao trung bình từ 800 – 1.000m so với mặt nước biển, độ dốc trung bình 20 – 250, thấp dần từ Đông sang Tây, những đỉnh núi cao trên 1.000m tập trung hầu hết ở phía Đông như đỉnh Chư Pan Phan cao 1.928 m, đỉnh Chư Drung Yang cao 1.802 m. Loại địa hình này phân bố ở hầu hết các xã tạo nên mái nhà ngang qua huyện dốc về phía Bắc (lưu vực sông Krông Ana) và phía Nam (lưu vực sông Krông Knô). Địa hình này chủ yếu là rừng. Khó bố trí tưới tự chảy nhưng dễ bố trí hồ chứa tạo nguồn cung cấp nước cho vùng.
+ Vùng trũng ven sông: Được tạo bởi phù sa trên núi và phù sa sông Krông Knô, Krông Ana. Địa hình vùng trũng phân bố chủ yếu phía Tây Bắc ở các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đăk Liêng, Ea Rbin, vùng có độ dốc trung bình từ 3 – 80, độ cao trung bình 400 – 500 m, tương đối bằng phẳng, chủ yếu trồng lúa và thường bị ngập vào mùa lũ. Đây là vùng lúa chủ lực của huyện cũng như của tỉnh Đắk Lắk.
+ Vùng trũng ven suối: Do phù sa các suối tạo thành, tập trung chủ yếu ở phần hạ lưu ven các suối Đăk Phơi, Đăk Păk. Phân bố ở các xã Yang Tao, Bông Krang, TT. Liên Sơn, Đăk Phơi, Đăk Nuê. 
+ Vùng bình nguyên đồi thấp: Phân bố rải rác trên các xã và ven sông Krông Knô ở các xã Nam Ka, Krông Knô.
b) Khí hậu:
Huyện Lăk nằm phía đông Trường Sơn, giữa Cao nguyên Buôn Ma Thuột và vùng núi Chư Jang Sin, chịu ảnh hưởng chế độ khí hậu gió mùa Tây Nam và mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm và đặc thù của thung lũng, mỗi năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 10 tập trung trên 94% lượng mưa hàng năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, lượng mưa không đáng kể, trong đó tháng 2 hầu như không mưa, lượng mưa trung bình thấp hơn so với các vùng xung quanh với lượng mưa từ 1.800-1.900mm, do bị che khuất bởi khối núi Chư Jang Sin ở phía Đông Nam. Riêng chế độ mưa ở các xã phía Tây Nam huyện có lượng mưa từ 1.900mm – 2.100mm, cao hơn so với các địa bàn khác trên huyện. Với đặc điểm khí hậu mang đậm đặc điểm của khí hậu Tây Trường Sơn rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.
c) Tài nguyên:
+ Tài nguyên đất  
 Theo kết quả phân loại đất năm 2005 (FAO-UNESCO), huyện Lắk có các nhóm đất chính sau:
– Nhóm đất đỏ (Ferrasols) Được hình thành trên đá mẹ basalt và phiến sét. Nhóm đất này có các loại đất sau:
– Đất nâu đỏ trên đá Basalt (Fk) và Đất nâu vàng trên đá Basalt (Fu): Diện tích 1.571 ha chiếm 1,26% diện tích tự nhiên; độ dốc 3 – 50, tầng dày > 70 cm, đất tơi xốp giàu dinh dưỡng thích hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Phân bổ chủ yếu ở xã Đắk Phơi và rải rác ở thị trấn Liên Sơn.
– Đất đỏ vàng trên đá phiến sét (Fs): tổng diện tích 44.425ha chiếm 35,37%. Đất thịt nặng đến cát pha, khả năng thấm, giữ nước kém; về mùa khô bị chai rắn, chia cắt mạnh, độ dốc 3 – 200 nghèo chất dinh dưỡng và tầng mỏng. Phân bổ ở các xã Buôn Tría, Buôn Triếk Đăk Phơi, Nam Ka, Ea Rbin.
– Đất đỏ vàng trên đá Granite (Fa): tổng diện tích 51.799ha chiếm 41,24%. Đất thịt nặng đến cát pha, tỷ lệ sét tương đối, chia cắt mạnh, độ dốc 8 – 300 nghèo chất dinh dưỡng và tầng mỏng. Phân bổ ở vùng Chư Yang Sin, Bông Krang, Krông Knô, Nam Ka, Ea Rbin.
– Nhóm đất xám (Acrisols) Phát triển trên đá mẹ Granite và các trầm tích hỗn hợp Mezozoi, phân bố tại vùng địa hình đồi thấp, độ dày tầng đất trung bình và không giàu dinh dưỡng lắm, một số bị xói mòn tầng mặt, thoái hoá và lẫn đá mẹ, tổng diện tích 5.195ha chiếm 4,13% diện tích tự nhiên. Phân bổ chủ yếu ở xã Đắk Liêng.
– Nhóm đất Gley (Gleysols) nhóm đất dốc tụ, gley hóa với 3.369 ha, chiếm 2,68% diện tích tự nhiên. Phân bố rải rác ven sông suối, được hình thành bởi quá trình bào mòn vận chuyển vật chất từ cao xuống thấp, bị ngập nước nên gley hoá, đất bị kết von. Đất khá giàu mùn hữu cơ, đất thịt nhẹ có độ phì cao, ít dốc, ít thoát nước thích hợp cho phát triển lúa nước, trồng cây lương thực. Phân bố vùng ngập nước thị trấn Liên Sơn, xã Yang Tao.
– Nhóm đất Phù sa hình thành do quá trình bồi lắng phù sa sông suối ven sông Krông Ana và Krông Nô, giàu dinh dưỡng, thành phần cơ giới từ trung bình đến thịt nặng, tầng dày, cho ưu thế phát triển lúa nước, mía và rau quả, diện tích 19.245ha, chiếm 15,32% diện tích tự nhiên. Phân bố rải rác ven sông các xã Đắk Liêng; Yang Tao; Đắk Phơi; Ea Rbin, Nam Ka; Tây hồ Lắk.
– Đặc điểm tự nhiên của huyện Lắk có núi cao, sông lớn và đặc biệt là hồ Lắk là hồ tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp đặc biệt là phát triển du lịch.
+ Tài nguyên rừng
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi huyện Lắk có hệ tài nguyên rừng và động thực vật phong phú. Rừng huyện Lăk phong phú và đa dạng, có tác dụng phòng hộ cao; có nhiều loại cây đặc hữu vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị khoa học; phân bố trong điều kiện lập địa thuận lợi, nên rừng tái sinh có mật độ khá lớn. Do đó rừng ngoài vai trò quan trọng trong phòng chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước và hạn chế thiên tai…lại là nơi mang nhiều bí ẩn cho khám phá, nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Tiêu biểu là Vườn Quốc gia Chư Yang Sin thuộc hệ sinh thái núi cao, trải dài sang tận tỉnh Lâm Đồng rộng 58.947 ha là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, có tính đa dạng sinh học cao bao gồm 876 loài thực vật bậc cao có mao mạch (trong đó 54 loài ghi trong sách đỏ, 143 loài đặc hữu), 203 loài chim (có 9 loại trong sách đỏ thế giới và Việt Nam), 46 loài thú lớn (có 12 loài sách đỏ), 29 loài bò sát lưỡng cư (trong đó 11 loài ghi trong sách đỏ)… ngoài ra còn có trữ lượng lâm sản rất lớn. 
+ Tài nguyên nước
Nguồn nước của huyện Lăk khá dồi dào, lượng mưa trung bình hàng năm đạt từ 1.800-1.900mm đã được tiếp nhận và dự trữ từ các sông suối và nhiều hồ chứa. Hai nhánh sông chính Krông Nô, Krông Ana cùng hệ thống sông suối khe nhỏ dày đặc đổ về dòng Sêrêpôk góp phần lớn vào tổng lượng dòng chảy của các con sông này trên 8 tỷ m3/năm. Ngoài ra, nguồn nước mặt còn được dự trữ ở hệ thống các hồ chứa như hồ Lăk, hồ Buôn Triêk, Hồ Buôn Triă, và hồ Buôn Tua Srah, các hồ này có diện tích bề mặt lớn giữ nước quanh năm.
Với đặc điểm tự nhiên, hệ thống sông ngòi rầy đặc kết hợp với địa hình địa mạo thuận lợi huyện Lắk có rất nhiều tiềm năng phát triển thủy điện kết hợp với tích chứa nước vào mùa khô đảm bảo đủ nước sản xuất nông nghiệp vào mùa khô và phòng chống lũ lụt vào mùa mưa, đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế bền vững.
+ Tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn huyện có lượng tài nguyên khoáng sản lớn và phong phú. Tuy nhiên để khai thác sử dụng hiệu quả kết hợp với bảo vệ hệ sinh thái đòi hỏi huyện Lắk cần đầu tư quản lý, giám sát việc khai thác chặt chẽ và hợp lý. Trên địa bàn huyện có một số tài nguyên khoáng sản chính như sau: 
– Khoáng Thiếc: Thiếc gốc (khoáng hóa thiếc gốc) tại khe suối thuộc suối lớn Đăk Mray – Tây Bắc dãy núi Youk Mao Yang Ho. Vành phân tán khoáng vật cassiterit: Ở Đăk Phơi có vành phân tán thiếc có triển vọng nhưng diện tích của vành chỉ chiếm 1 – 2 km2, hàm lượng cassiterit (SnO2) đạt 33 – 165 g/m3. Tại thượng nguồn Đăk Phơi, phát hiện vành phân tán bậc I của thiếc rộng 5 km, dài gần 20 km, trùm lên thung lũng suối Ya Hieo, Ea Poi, thượng nguồn Đăk Phơi. Sự có mặt của vành phân tán là dấu hiệu gián tiếp để tìm kiếm quặng thiếc gốc. 
– Biểu hiện vàng gốc: Kết quả phát hiện 6 vị trí lấy mẫu có khoáng hoá vàng tại xã Krông Knô và Đăk Phơi, hầu hết là các mạch thạch anh có sulfur chứa vàng, hàm lượng vàng chưa đạt được 1g/tấn; không có giá trị công nghiệp. 
– Sét gạch ngói: Hiện nay trên địa bàn có 2 điểm sản xuất gạch ngói:
+ Điểm sét Buôn Đông Yang – xã Yang Tao thuộc trầm tích Đệ tứ, xung quanh thung lũng là đá Granit. Chất lượng sét có chứa kaolin. Thung lũng chứa sét rộng khoảng 4 km, chiều dày khai thác trung bình 1 m, trữ lượng dự báo 4 triệu m3, là vùng trồng lúa nước do đó việc khai thác sét rất khó khăn.
+ Điểm sét Buôn Triêk, sét màu nâu, chiều dày khai thác 1,5 m. Sét ở đây do đá bột kết, phiến sét phong hóa đưa xuống trầm tích ở thung lũng.
Về tiềm năng huyện Lăk có bồn sét lớn dọc sông Krông Ana, sét trầm tích Holosen (aQIV2-3) có chất lượng loại tốt để sản xuất gạch ngói. Chiều dài bồn sét 15 km, rộng trung bình 2 km, chiều dày khai thác ít nhất 2m. Dự đoán trữ lượng sét cấp P (sét có điều kiện khai thác tốt) là 60 triệu m3. Sau khai thác vẫn có thể xây dựng đồng ruộng canh tác lúa nước.
– Đá granit: Đá granodiorit, granit cấu thành các khối núi Chư Ya Trang, Chư Yang Reh. Thành phần chủ yếu là hạt lớn dạng khối. Trữ lượng dự báo cấp P khoảng 5 – 7 km2 ; chiều dày khai thác 10m, ước tính trữ lượng 50 – 70 triệu m3.
Tóm lại, tiềm năng khoáng sản lớn nhất của huyện Lăk là sét gạch ngói và đá xây dựng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây