Giới thiệu khái quát thị xã Ngã Bảy

Giới thiệu khái quát thị xã Ngã Bảy

Giới thiệu khái quát thị xã Ngã Bảy

Thị xã Ngã Bảy là một thị xã thuộc tỉnh Hậu Giang, đổi tên từ thị xã Tân Hiệp (trước đây nằm trong huyện Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ và sau đó là thuộc tỉnh Hậu Giang). Ngã Bảy là nơi gặp nhau của bảy dòng kênh, đồng thời là đầu mối giao thông thủy quan trọng trong vùng. Thị xã nằm giữa các trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, Quản lộ – Phụng Hiệp, đường tỉnh 927, đường nối thị xã Ngã Bảy với đường Nam Sông Hậu …  là điều kiện để phát triển kinh tế cho địa phương.

Thị xã Ngã Bảy ngày nay trước năm 2005 bao gồm thị trấn Phụng Hiệp, một phần xã Phụng Hiệp và các xã lân cận như Đại Thành, Tân Thành. Từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1915, làng Phụng Hiệp và sau năm 1956 là xã Phụng Hiệp liên tục giữ vai trò là quận lỵ quận Phụng Hiệp, Sau năm 1975, quận Phụng Hiệp đổi thành huyện Phụng Hiệp, đồng thời tách đất xã Phụng Hiệp để thành lập thị trấn Phụng Hiệp và xã Đại Thành, về sau lại tách đất xã Đại Thành để thành lập xã Tân Thành. Từ đó, thị trấn Phụng Hiệp tiếp tục giữ vai trò là huyện lỵ huyện Phụng Hiệp. Từ năm 2005, huyện lỵ được dời về thị trấn Cây Dương, do khu vực này đã được nâng cấp trở thành thị xã tồn tại ngang hàng với huyện Phụng Hiệp.

Vị trí:

Thị xã Ngã Bảy phía đông giáp tỉnh Sóc Trăng, phía tây và nam giáp huyện Phụng Hiệp, phía bắc giáp huyện Châu Thành.

Ngã Bảy cách thành phố Vị Thanh – tỉnh lỵ Hậu Giang – khoảng 60 km (đường Quốc lộ), nhưng lại có những đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lí và điều kiện phát triển giao thông, giao thương: nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, giữa trung tâm thành phố Cần Thơ và tỉnh lỵ Sóc Trăng (mỗi địa điểm cách Ngã Bảy khoảng 30 km).

Các đơn vị hành chính:

Thị xã Ngã Bảy có diện tích 7.894,93 ha, dân số 61.024 người (năm 2005), gồm 3 phường (Ngã Bảy, Lái Hiếu, Hiệp Thành) và 3 xã (Hiệp Lợi, Đại Thành, Tân Thành).

Lịch sử

Trước khi thành lập, địa bàn thị xã Ngã Bảy ngày nay nằm trong địa giới hành chánh của huyện Phụng Hiệp. Phần trung tâm của thị xã Ngã Bảy trước đây là thị trấn Phụng Hiệp, huyện lỵ của huyện Phụng Hiệp. Ngày 26-07-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số: 98/2005/NĐ-CP về việc mở rộng và nâng cấp thị trấn Phụng Hiệp thành thị xã Tân Hiệp, trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Cụ thể như sau:

– Thành lập thị xã Tân Hiệp trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Phụng Hiệp, xã Đại Thành, xã Tân Thành, 1.932,76 ha diện tích tự nhiên và 11.482 nhân khẩu của xã Phụng Hiệp, 220 ha diện tích tự nhiên và 1.170 nhân khẩu của xã Tân Phước Hưng thuộc huyện Phụng Hiệp. Thị xã Tân Hiệp có 7.894,93 ha diện tích tự nhiên và 61.024 nhân khẩu.

– Thành lập phường, xã thuộc thị xã Tân Hiệp:

+ Thành lập phường Ngã Bảy trên cơ sở 217,61 ha diện tích tự nhiên và 8.964 nhân khẩu của thị trấn Phụng Hiệp, 78,65 ha diện tích tự nhiên và 1.500 nhân khẩu của xã Phụng Hiệp, 176,69 ha diện tích tự nhiên và 3.100 nhân khẩu của xã Đại Thành.

+ Thành lập phường Lái Hiếu trên cơ sở 357,99 ha diện tích tự nhiên và 7.160 nhân khẩu của thị trấn Phụng Hiệp, 338,38 ha diện tích tự nhiên và 1.996 nhân khẩu của xã Phụng Hiệp, 120 ha diện tích tự nhiên và 670 nhân khẩu của xã Tân Phước Hưng.

+ Thành lập phường Hiệp Thành trên cơ sở 828,57 ha diện tích tự nhiên và 8.632 nhân khẩu của thị trấn Phụng Hiệp, 296,61 ha diện tích tự nhiên và 1.917 nhân khẩu của xã Đại Thành, 100 ha diện tích tự nhiên và 500 nhân khẩu của xã Tân Phước Hưng.

+ Thành lập xã Hiệp Lợi trên cơ sở 1.515,73 ha diện tích tự nhiên và 7.986 nhân khẩu của xã Phụng Hiệp.

Khi mới thành lập, thị xã Tân Hiệp có 6 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường Ngã Bảy, Lái Hiếu, Hiệp Thành và các xã Hiệp Lợi, Đại Thành, Tân Thành

Ngày 27-10-2006, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 124/2006/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập xã, thị trấn thuộc thị xã Vị Thanh, huyện Long Mỹ; đổi tên thị xã Tân Hiệp thành thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Theo đó, thị xã Tân Hiệp được đổi thành thị xã Ngã Bảy cho đến ngày nay.

Kinh tế

Năm 1915, chợ nổi Ngã Bảy ra đời sau 10 năm đào kinh xáng, 7 ngã sông hình thành. Vùng trung tâm bảy sông dồn nước lập tức trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam Kỳ, song hành với trung tâm giao thương hàng hoá lớn của miền Nam, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. Nền nông nghiệp hàng hoá nơi đây đã sớm bắt nhịp cùng nhu cầu giao thương, vượt khỏi quy mô làng xã của cư dân đồng bằng. Ngã Bảy là chợ tổng hợp, có thể mua sỉ, bán lẻ; phong phú đa dạng đủ loại hàng hóa mang đặc trưng sắc màu cuộc sống Nam Bộ. Thời mở cửa, sản phẩm đồng bằng theo dòng nước lớn qua Ngã Bảy, ra tận đất Bắc, vượt biên giới đến với bạn bè năm châu.

Năm 2007, kinh tế thị xã tăng trưởng 14,07%, trong đó, khu vực I: 1,76%, khu vực II: 22,74%, khu vực III: 19,64%. Giá trị sản xuất đạt 757,75 tỷ đồng, tăng 16,69% so với năm 2006. Mục tiêu quy hoạch tổng thể đến năm 2020 của thị xã Ngã Bảy là phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, tạo chuyển biến rõ nét bộ mặt đô thị, nâng cao đời sống nhân dân.

Lĩnh vực thương mại – dịch vụ trở thành mũi nhọn phát triển nhanh và mạnh nhất của thị xã. Chỉ tính năm 2007, đã có 500 cơ sở kinh doanh mới được thành lập, nâng tổng số cơ sở kinh doanh lên 3.000. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt 797,1 tỷ đồng. Riêng ngành dịch vụ đã đóng góp cho ngân sách 518 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Thị xã Ngã Bảy rất quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ. Đặc biệt các chợ mới xây dựng ở các xã vùng ven đã đáp ứng nhu cầu kinh doanh buôn bán của bà con nhân dân. Hiện nay, chợ Ngã Bảy là chợ trung tâm của thị xã nên tập trung rất đông người dân kinh doanh buôn bán. Trong đó, nhà lồng chợ có 123 lô, sạp; khu thương mại có 56 kiốt và khoảng hơn 200 hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, lẻ ở các con đường nội ô nên thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Sắp tới, chợ Ngã Bảy sẽ được nâng cấp khu nhà lồng chợ đã quá tải, đồng thời chuẩn bị xây dựng siêu thị Co.opMart để đáp ứng nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân.

Thị xã đang tiếp tục quy hoạch các cụm công nghiệp dọc sông Cái Côn và kinh Quản Lộ – Phụng Hiệp, đồng thời, quy hoạch hệ thống chợ vệ tinh tại các xã, phường. Trước mắt, khẩn trương xây dựng cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại phường Hiệp Thành với quy mô trên 25 ha. Dù lựa chọn thương mại, dịch vụ là hướng phát triển chính, nhưng trên lĩnh vực nông nghiệp, Ngã Bảy cũng đạt được kết quả đáng khích lệ, nhất là khi đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành từ cây lúa sang nuôi trồng thủy sản. Năm 2007, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 567 ha, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2006, sản lượng đạt 10.400 tấn; đã hình thành các khu nuôi cá tra (55 ha), sản lượng gần 9.000 tấn, trở thành huyện có diện tích nuôi cá tra lớn nhất Hậu Giang..

Xã hội

Với vai trò trung tâm kinh tế phía Đông Bắc của Hậu Giang, Ngã Bảy đang đứng trước yêu cầu phát triển đột phá, tăng tốc theo hướng công nghiệp và dịch vụ, trở thành đô thị lớn, văn minh, hiện đại, người dân có mức sống cao. Chính vì vậy, thị xã đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở. Thị xã hiện đang có đề án về đầu tư nâng cấp hạ tầng, khai thác quỹ đất tạo vốn, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu dân cư với hạ tầng đồng bộ, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, chỉnh trang và phát triển đô thị hiện đại. Đề án này đang được gấp rút thực hiện với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Năm 2007, thị xã đã hoàn thành 21 công trình giao thông với tổng kinh phí 5.761 triệu đồng. Trong đó, có 18.650 m đường giao thông, 6 cây cầu bê tông cốt thép, 13.150 m công trình thủy lợi, tổng khối lượng hoàn thành là 75.215 m3. Thị xã Ngã Bảy được xem là một trong hai trung tâm lớn, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang. Trên cơ sở đó, nếu Ngã Bảy được quan tâm đầu tư đúng mức, xây dựng hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trật tự đô thị, sẽ tạo đà cho sự phát triển mạnh hơn, xa hơn, xứng tầm là đô thị hiện đại trong tương lai không xa.

Năm 2009, thị xã được phân bổ khoảng 100 tỷ đồng phục vụ cho đầu tư xây dựng cơ bản. Chín tháng đầu năm 2009, thị xã đã đầu tư 3,6 tỷ đồng để nâng cấp, sữa chữa các tuyến giao thông xuống cấp trong nội ô. Tháng 09-2009, thị xã tiếp tục thi công nâng cấp đường Triệu Ẩu, các tuyến đường nội thị với tổng kinh phí khoảng 24 tỷ đồng. Sắp tới sẽ tiếp tục nâng cấp các tuyến đường còn lại. Do thị xã chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị nên nước thải sinh hoạt thoát trực tiếp ra sông, khả năng gây ô nhiễm nguồn nước mặt rất lớn. Trước tình hình này, UBND thị xã đã phối hợp Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hậu Giang khảo sát, lập dự án đầu tư tại 6 điểm xử lý nước thải, tập trung chủ yếu ở phường Ngã Bảy và phường Hiệp Thành của thị xã.

Về giáo dục, từ khi thành lập, ngành giáo dục thị xã đã có những bước tiến vững chắc, góp phần quan trọng làm chuyển biến chất lượng giáo dục. Mạng lưới trường lớp được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được đầu tư ngày càng nhiều, trường lớp đầy đủ hơn, khang trang hơn, môi trường học tập tốt hơn. Vì vậy, chất lượng giáo dục được nâng lên. Hàng năm, địa phương huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt trên 98%, trong đó nhiều học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, hỗ trợ điều kiện vật chất, tinh thần để các em được đến trường. Đội ngũ cán bộ giáo viên đầy đủ và có chất lượng, được chuẩn hoá về trình độ chuyên môn trên 90%, trong đó có trên 15% được đào tạo trên chuẩn. Năm học 2008 – 2009, tỷ lệ xét tốt nghiệp bậc tiểu học, trung học cơ sở của thị xã đạt trên 98%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 70%, tăng hơn năm học trước 5%.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây