Giới thiệu khái quát huyện Mường Khương

Giới thiệu khái quát huyện Mường Khương

Giới thiệu khái quát huyện Mường Khương

Trên không gian trải rộng 55.614,53 ha của huyện Mường Khương có tới 3 tiểu vùng khí hậu: nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Đất trời đã phú cho huyện khả năng phát triển một nền nông nghiệp háng hoá đa dạng về sản phẩm. Những đặc sản nông nghiệp nổi tiếng nhất của Mường Khương là: gạo Séng Cù, đậu tương vàng và lợn ỷ Mường Khương, dứa Bản Lầu, chè tuyết shan Thanh Bình, mận hậu Cao Sơn, lê Pha Long, tương ớt, thảo quả, tam thất… Với hướng phát triển bền vững, phần lớn những sản phẩm trên  đang được xây dựng thương hiệu, gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến. Mường Khương là huyện sở hữu nhiều thương hiệu nông sản nhất của tỉnh Lào Cai.

Huyện Mường Khương có 14 dân tộc anh em chung sống hòa thuận, có đặc trưng tộc người độc đáo. Dân số toàn huyện theo số liệu điều tra dân số và nhà ở, đến 1/4/2009 có 52.030 người/11.098 hộ. Trong đó Nam là: 25.554 người chiếm 49,58%, Nữ 25.989 = 50,42%. mật độ dân số 93 người/ km2, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,82%. Trong đó Dân tộc Mông chiếm 41,78%. Dân tộc Nùng chiếm 26,8%, dân tộc Dao chiếm 5,75%, Dân tộc dáy chiếm 3,74%, Dân tộc Bố Y (Tu Dí) chiếm 2,59%, Dân tộc Kinh (Việt) chiếm 11,98%. Ngoài ra còn một số dân tộc khác có dân số ít như dân tộc Phù Lá, Ha, Mường, Lô Lô… chiếm 6,8% dân số toàn huyện tạo thành một không gian folklo (truyền thống dân gian) nguyên bản và đậm đặc, với những làng cổ của người Nùng, người Mông, những lễ hội rải rác quanh năm như: Lễ hội Gầu tào (Say sán) Lễ Cấm rừng, Lễ mừng chiến thắng….  Trong bức họa đồ biên giới Mường Khương bốn mùa xanh tươi và kỳ vĩ, những dải sơn nguyên đá vôi có nhiều hang động và thác nước đẹp như hang Hàm Rồng, thác Tà Lâm, thác Páo Tủng, núi trống đồng Lũng Pâu, hang Na Măng – Tỉn Thàng, hang Tiên Nấm Oọc, cầu đá thiên tạo trên dòng suối Văng Leng dào dạt. Mường Khương hợp cùng Bắc Hà và Si Ma Cai thành vùng du lịch phía đông, đang được tỉnh Lào Cai kêu gọi các doanh nghiệp cùng bắt tay vào khai phát.

Có đường Quốc lộ 4D được nâng cấp đã nối gần khoảng cách từ Mường Khương về thành phố Lào Cai. Huyện còn có cửa khẩu quốc gia, thông thương với các huyện Hà Khẩu và Mã Quan của nước bạn. Những năm gần đây, cửa khẩu quốc gia Mường Khương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến kinh doanh.

Theo truyền khẩu, Mường Khương từ xưa có tên gọi là Mưng Khảng theo tiến địa phương dịch sang tiếng phổ thông là Mường Gang.  Quá trình biến đổi của thời gian tên gọi được biến âm đọc chệch đi là Mường Khương; đến thời Pháp thuộc danh xưng Mường Khương được gọi một cách thông dụng. Mường Khương không chỉ là đất thép kiên cường trong những tháng năm khói lửa, mà còn là là mảnh đất của ý chí sắt thép vượt lên cái nghèo và lạc hậu, biến những tiềm năng trở thành hiện thực.

Mường Khương cùng với địa bàn Tỉnh Lào Cai, thời Vua Hùng dựng nước thuộc bộ Tân Hưng; thời Bắc thuộc đời nhà Đường thuộc đất của Châu Chu Quý và Châu Đan Đường; đến đời nhà Lý thuộc đất Đăng Châu; đời nhà Trần tiếp đến đời Nhà Nguyễn thuộc Châu Thuỷ Vĩ. Sau Thực dân Pháp đánh chiếm Lào Cai ngày 30/3/1886 Mường Khương và các đơn vị của tỉnh Lào Cai thuộc đạo quan binh IV. Vùng đất Mường Khương khi đó gọi là Động Sơn Yên. Động Yên Sơn sau này được gọi là Mường Khương. 

  Năm 1959, ở Pha Long – Mường Khương, đã phát hiện Trống đồng có niên đại cách ngày nay 4.000 năm.

            Tháng 11/1946 tỉnh Lào Cai được giải phóng khỏi ách Việt Nam Quốc dân Đảng, chính quyền của ta đổi tên từ Châu sang huyện, chia tỉnh Lào Cai thành 8 huyện, trong đó có huyện Mường Khương.Vùng đất Mường Khương được chia thành 24 xã, tên của các xã đó là: Thống Nhất, Đoàn Kết, Kiến Thiết, Quang Vinh, Hoà Bình, Chính Nghĩa, Ái Quốc, Nỗ Lực, Tiến Bộ, Dân Chủ, Cộng Hoà, Tiên Tiến, Thanh Bình, Phú Cường, Cứu Quốc, Chiến Thắng, Trung Thành, Đồng Tâm, Quyết Định, Tự Do, Hạnh Phúc,Độc Lập, Thắng Lợi, Thành Công.

          Năm 1976 Quốc hội quyết định sát nhập 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, Mường Khương thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.

          Đến tháng 4/1980 Hội đồng Bộ trưởng quyết định chuyển 02 xã Bản Phiệt và Bản Cầm về huyện Bảo Thắng. Đồng thời sáp nhập và đổi tên một số xã thành 16 xã cho đến ngày nay. Được chia làm 4 khu vực: Khu vực vùng thấp gồm 03 xã: Bản Lầu, Bản Xen, Lùng Vai; khu vực vùng trung huyện gồm 5 xã: Mường Khương, Tung Chung Phố, Thanh Bình, Nấm Lư, Nậm Chảy; khu vực vùng cao gồm 4 xã: Cao Sơn, La Pán Tẩn, Tả Thàng, Lùng Khấu Nhin. Khu Pha Long gồm 4 xã: Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Tả Ngài Chồ.

          Mường Khương là huyện vùng cao biên giới có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh. Nhân dân các dân tộc có truyền thống đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ khi có Đảng lãnh đạo, mà trực tiếp là Đảng bộ huyện Mường Khương (thành lập ngày 1/3/1950), truyền thống quý báu đó lại được nhân lên. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tiễu Phỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương anh dũng, kiên cường chiến đấu giải phóng  huyện Mường Khương vào ngày 11/11/1950. Đồng thời đóng góp sức người, sức của cho 02 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ từng tấc đất Biên cương của Tổ Quốc Việt Nam XHCN, xây dựng quê hương ngày một giầu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh. Với những thành tích đó huyện Mường Khương được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý “ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN” và Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba.

* Địa hình:

Địa hình có nhiều vực sâu chia cắt xem kẽ các dải thung lũng hẹp. Độ cao trung bình so với mực nước biển tại thị trấn là 900 m, đỉnh cao nhất trên 1.600 m (La Pán Tẩn). Mạng lưới sông suối phân bố rải rác chiếm 1,46% tổng diện tích tự nhiên.

*  Đặc điểm khí hậu:

Khí hậu Mường Khương mang tính chất á nhiệt đới một năm có hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 15-160C; mùa Đông rét đậm, nhiệt độ có thể xuống dưới 00C, mùa hè mát nhiệt độ cao nhất là 350C.

* Thổ nhưỡng, đất đai: Trên địa bàn huyện Mường Khương chủ yếu là loại đất feralít phát triển trên đá biến chất. Tổng diện tích tự nhiên của huyện 55.614,53ha, diện tích đất canh tác đất nông nghiệp thấp, có 9.824,92 ha (chiếm 17,66%); đất lâm nghiệp có 21.393,4 ha chiếm 38,46 %; còn lại chủ yếu đất có độ dốc cao chưa sử dụng là 21.827,16 ha chiếm 43,88%.

* Nguồn khoáng sản: Theo kết quả khảo sát trên địa bàn huyện có mỏ sắt khu vực Na Lốc – xã Bản Lầu. Mỏ Chì, Kẽm ở khu Cao Sơn, La Pan Tẩn.Mỏ Atimon ở xã Nậm Chảy chạy dọc biên giới Việt – Trung.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây