Giới thiệu khái quát huyện Bình Sơn

huyện Bình Sơn - Tỉnh Quảng Ngãi

Giới thiệu khái quát huyện Bình Sơn

Huyện Bình Sơn là một huyện đồng bằng ven biển, cửa ngõ phía bắc tỉnh Quảng Ngãi. Phía đông giáp biển Đông; phía tây giáp huyện Trà Bồng; phía nam giáp huyện Sơn Tịnh; phía bắc giáp huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam); có Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất chạy qua. Diện tích: 466,77km2(1). Dân số: 180.045 người(2). Mật độ dân số: 386 người/km2(3). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 1 thị trấn (Châu Ổ huyện lị; thành lập 4.1986), 24 xã (Bình Thới, Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Nguyên, Bình Khương, Bình An, Bình Trị, Bình Hải, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bình Trung, Bình Hòa, Bình Long, Bình Minh, Bình Phú,  Bình Chương, Bình Thanh Đông, Bình Thanh Tây, Bình Hiệp, Bình Mỹ, Bình Tân, Bình Châu) với 99 thôn, tổ dân phố; trong đó:

Thị trấn Châu Ổ có 4 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 4;

Xã Bình Thới có 2 thôn: An Châu, Giao Thuỷ;

Xã Bình Đông có 3 thôn: Sơn Trà, Tân Hy, Thuận Hòa;

Xã Bình Thạnh có 4 thôn: Vĩnh An, Hải Ninh, Trung An, Vĩnh Trà;

Xã Bình Chánh có 3 thôn: Mỹ Tân, Đông Bình, Bình An Nội;

Xã Bình Nguyên có 5 thôn: Trì Bình, Châu Tử, Phước Bình, Nam Bình 1, Nam Bình 2;

Xã Bình Khương có 5 thôn: Thanh Trà, Phước An, Trà Lăm, Bình Yên, Tây Phước;

Xã Bình An có 6 thôn: Tây Phước, Tây Phước 2, An Lộc, Thọ An, An Khương, Phúc Lâm;

Xã Bình Trị có 3 thôn: An Lộc, Phước Hòa, Lệ Thuỷ;

Xã Bình Hải có 4 thôn: Vạn Tường, Thanh Thuỷ, An Cường, Phước Thiện;

Xã Bình Thuận có 5 thôn: Thuận Phước, Đông Lỗ, Tuyết Diêm 1, Tuyết Diêm 2, Tuyết Diêm 3;

Xã Bình Dương có 2 thôn: Đông Yên, Mỹ Huệ;

Xã Bình Phước có 4 thôn: Phú Lâm 1, Phú Lâm 2, Phước Thọ 1, Phước Thọ 2;

Xã Bình Trung có 6 thôn: Tiên Đào, Đông Thuận, Tây Thuận, Phú Lễ 1, Phú Lễ 2, Phú Lộc;

Xã Bình Hòa có 4 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 4;

Xã Bình Long có 6 thôn: Long Xuân, Long Bình, Long Mỹ, Long Hội, Long Yên, Long Vĩnh;

Xã Bình Minh có 4 thôn: Tân Phước, Lộc Thinh, Phước An, Mỹ Long;

Xã Bình Phú có 2 thôn: An Thạnh, Phú Nhiêu;

Xã Bình Chương có 4 thôn: An Điềm 1, An Điềm 2, Ngọc Trì, Nam Thuận;

Xã Bình Thanh Đông có 3 thôn: Tham Hội 1, Tham Hội 2, Tham Hội 3;

Xã Bình Thanh Tây có 3 thôn: Thanh Thiện, Phước Hòa, An Quang;

Xã Bình Hiệp có 2 thôn: Xuân Yên, Liên Trì;

Xã Bình Mỹ có 3 thôn: Phước Tích, An Phong, Thạch An;

Xã Bình Tân có 4 thôn: Liêm Quang, Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2, Diên Lộc;

Xã Bình Châu có 8 thôn: Tân Đức, Châu Me, Châu Bình, Thuận Biển, Thuận Nông, Định Tân, Phú Quý, An Hải.

Bình Sơn có chiến thắng Vạn Tường nổi tiếng vào tháng 8.1965, trận đánh phủ đầu đầu tiên của quân dân ta vào đội quân viễn chinh Mỹ xâm lược, mở ra khả năng Việt Nam có thể đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày nay, Bình Sơn có Khu Kinh tế Dung Quất với nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tình hình kinh tế – xã hội đã và đang có nhiều bước tiến nhanh chóng.

*
*          *

Về hành chính: Đời nhà Hồ đất Bình Sơn mang tên là huyện Trì Bình trong châu Tư, thuộc lộ Thăng Hoa. Đến đời nhà Lê, huyện Bình Sơn mang tên là huyện Bình Dương, sau đổi thành huyện Bình Sơn thuộc phủ Tư Nghĩa. Đến đời vua Đồng Khánh huyện Bình Sơn có 6 tổng với 158 xã, thôn, trại, phường, ấp, vạn, ty.

Đến năm 1890, các làng, xã, ấp phía nam tách ra thành lập châu Sơn Tịnh, huyện Bình Sơn đổi gọi là phủ Bình Sơn. Phủ Bình Sơn có 5 tổng Bình Điền, Bình Hà, Bình Thượng, Bình Trung, Lý Sơn, với 84 làng.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, phủ Bình Sơn lấy tên là phủ Nguyễn Tự Tân, một thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp, hy sinh vì nước năm 1885. Đến tháng 6.1946, phủ Nguyễn Tự Tân đổi gọi là huyện Bình Sơn. Sau khi cắt phần đất phía tây giao cho huyện Trà Bồng, huyện Bình Sơn hợp nhất các làng xã nhỏ thành 19 xã lớn đều lấy chữ Bình làm đầu: Bình Khương, Bình Lâm, Bình Chương, Bình Minh, Bình Trung, Bình Thới, Bình Lập, Bình Dương, Bình Tân, Bình Phú, Bình Thạnh, Bình Hiệp, Bình Thanh, Bình Hòa, Bình Châu, Bình Trị, Bình Hải, Bình Đông, và xã hải đảo Lý Sơn.

Năm 1952, xã Bình Lâm nhập về huyện Trà Bồng. Sau mấy lần nhập xã, chia xã, đến năm 1954, huyện Bình Sơn có 25 xã.

Thời chính quyền Sài Gòn kiểm soát, đổi tên huyện Bình Sơn thành quận Bình Sơn và đặt lại tên cho 25 xã cũng lấy chữ Bình làm đầu: xã Bình Khương đổi thành xã Bình Phiên, xã Bình An đổi là xã Bình Thượng, xã Bình Minh đổi là xã Bình Tuy, xã Bình Mỹ đổi là xã Bình Tuyến, xã Bình Nguyên đổi là xã Bình Thắng, xã Bình Trung đổi là xã Bình Thành, xã Bình Chương đổi là xã Bình Khánh, xã Bình Thạnh đổi là xã Bình Sa, xã Bình Chánh đổi là xã Bình Nghĩa, xã Bình Dương đổi là xã Bình Thủy, xã Bình Thới đổi là xã Bình Vân, xã Bình Long đổi là xã Bình Phương, xã Bình Hiệp đổi là xã Bình Liên, xã Bình Thuận, Bình Đông nhập chung và đổi là xã Bình Giang, xã Bình Trị đổi là xã Bình Thông, xã Bình Phước đổi là xã Bình Lãnh, xã Bình Thanh đổi là xã Bình Hoàng, xã Bình Hải đổi là xã Bình Thiện, xã Bình Hòa đổi là xã Bình Kỳ, xã Bình Phú đổi là xã Bình Ân, xã Bình Tân đổi là xã Bình Nam, xã Bình Châu đổi là xã Bình Đức, xã Bình Vĩnh đổi là xã Lý Vĩnh, xã Bình Yến đổi là xã Lý Hải.

Các cấp bộ Đảng và từ 1964 có chính quyền cách mạng, ta vẫn gọi là huyện Bình Sơn và tên các xã có từ thời kháng chiến chống Pháp.

Để tiện việc chỉ đạo tổ chức kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong những năm 1961 – 1965 và 1970 – 1975, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định nhập các xã phía đông Quốc lộ 1 của huyện Bình Sơn cùng các xã phía đông huyện Sơn Tịnh lập thành huyện Đông Sơn trực thuộc tỉnh, các xã phía tây vẫn gọi là huyện Bình Sơn.

Sau ngày giải phóng 1975 đất nước thống nhất, huyện Bình Sơn và các xã chính thức trở về tên cũ đã có trong kháng chiến chống Pháp.

Đến năm 1993, hai xã đảo Bình Vĩnh, Bình Yến tách khỏi huyện Bình Sơn lập thành huyện Lý Sơn trực thuộc tỉnh. Từ đó đến năm 2004, một số xã chia thành hai đơn vị. Huyện Bình Sơn hiện có 1 thị trấn và 24 xã với 99 thôn, tổ dân phố.

Về tự nhiên: Bình Sơn có một địa hình đa dạng có thể phân chia làm ba vùng, mỗi vùng có đặc điểm thổ nhưỡng khác nhau: 1) Vùng trung du bán sơn địa gồm các xã phía tây giáp Trà Bồng, có nhiều núi đá, đất bazan; 2) Vùng châu thổ dọc hai bên bờ sông Trà Bồng, gần sông, được phù sa bồi đắp hằng năm, xa sông là đất pha cát; 3) Vùng đồi thấp nhấp nhô và những trảng cát rộng giáp với tỉnh Quảng Nam, nối với bờ biển phía đông. Vùng này cũng có đất bazan xen lẫn với sa khoáng.

Núi đồi: Bình Sơn có nhiều núi cao thấp trải dài từ phía đông huyện Trà Bồng ra đến bờ biển Đông: núi Đồng Tranh ở Thọ An cao 785m, các núi Chớp Vung, Thình Thình (Sâm Hội), Ba Bì, núi Đất, núi Răm, núi Sơn, núi Lớn, núi Cổ Ngựa, núi Trì Bình (tục gọi là núi Cấm), Xuân An, An Lộc, Tam Thao, An Hải, Kiền Kiền, núi Gió, Nam Châm, Cà Ty… cao trên dưới 100m; hầu như xã nào cũng có đồi gò.

Sông suối: Sông Trà Bồng là một trong bốn con sông lớn của Quảng Ngãi, phát nguyên từ vùng núi cao Trà Bồng chảy xuyên qua huyện Bình Sơn khoảng 25km theo hướng đông – tây, đến thôn Giao Thủy (xã Bình Thới) chảy theo hướng đông bắc rồi đổ ra cửa Sa Cần. Sông Trà Bồng từ xưa là đường thủy quan trọng trong việc giao lưu xuôi – ngược; là một trong những nguồn nước quan trọng nhất cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Thác Vực Bà ở Bình Minh, vừa là một cảnh đẹp, vừa là nơi nhân dân thường dùng giỏ bắt cá nhảy.

Suối Ngọc Trì từ Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh) chảy ra Bình Chương đổ vào sông Trà Bồng, là một nguồn nước quan trọng đối với một số xã phía tây huyện.

Bờ biển: Bình Sơn có bờ biển dài 54km và chính là đoạn bờ biển khúc khuỷu nhất trong tỉnh Quảng Ngãi với nhiều mũi đất và vũng vịnh, có các cửa biển Sa Cần, vũng Quýt (Dung Quất), cửa Sa Kỳ (giáp với huyện Sơn Tịnh), các vịnh Việt Thanh, Nho Na. Các cửa biển và vịnh này, từ xưa đã phát triển nghề đánh bắt, chế biến hải sản, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Từ đầu thế kỷ XXI, Dung Quất được xây dựng thành cảng biển nước sâu, trong vùng nội địa thì xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất.

Đồng bằng: Hai bên bờ sông Trà Bồng là vùng đồng bằng tươi tốt nhất. Các vùng xa sông đất đai thường cằn cỗi, thiếu nước. Đất canh tác ở Bình Sơn thích hợp cho việc trồng lúa nước, khoai, sắn, mía, dâu, dưa hấu…

Về tình hình sử dụng đất năm 2005 như sau: 1) Đất nông nghiệp 21.729,895ha (46,55%); 2) Đất lâm nghiệp 9.876,39ha (21,16%); 3) Đất khu dân cư 1.493,21ha (3,21%); 4) Đất chuyên dùng 4.278,96ha(9,16%); 5) Đất chưa sử dụng 9.298,54ha (19,92%).

Rừng núi: Trước kia vùng núi cao phía tây Bình Sơn có nhiều gỗ quý thuộc nhóm I, có voi, hổ, nai, khỉ, trăn. Ngày nay chỉ còn một ít gỗ quý, không còn voi, hổ. Từ sau ngày hoàn toàn giải phóng đến nay, Bình Sơn đã trồng mới hàng vạn hécta rừng (nhiều nhất là bạch đàn, chè, cao su, điều) và khoanh nuôi tái sinh hàng vạn hécta rừng khác; mỗi năm khai thác khoảng 10.000m3 gỗ các loại (nhiều nhất là bạch đàn), trên 10 vạn cây tre, lồ ô, trên 26 vạn ster củi và một số trầm hương, sa nhân, mật ong… Dưới lòng đất vùng rừng núi phía tây huyện có quặng sắt, từ thế kỷ XVIII, XIX đã được khai thác dùng rèn công cụ sản xuất, vũ khí, đã có địa danh Lò Thổi.

Biển: Biển và ven biển Bình Sơn chứa nhiều tài nguyên, nhất là các loại hải sản. Cát ven biển có thể phục vụ công nghệ chế biến thủy tinh. Vùng biển Bình Sơn có nhiều tiềm năng về du lịch.

Khí hậu: Nhìn chung, tình hình khí hậu Bình Sơn thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, cứ vài ba năm thường có một trận lũ lụt lớn hoặc một trận bão biển và mấy năm gần đây thường xảy ra hạn hán gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhiều thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân vùng biển.

Dân cư: Ở Bình Sơn xưa kia từng có các cộng đồng dân cư cổ. Thời Tiền Sa Huỳnh và thời Văn hóa Sa Huỳnh, qua các di chỉ khảo cổ phát hiện ở Bình Châu, Gò Quê(4). Kế đó là cư dân Chămpa. Về cư dân bản địa, có tộc người Cor ở các xã phía tây. Từ đầu thế kỷ XV, người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ di cư đến khai phá vùng đất này, lập ấp, dựng làng, mở mang bờ cõi. Rồi người Hoa ở Trung Quốc cũng vào buôn bán làm ăn sinh sống ở đây, chủ yếu là ở Châu Ổ.

Đến năm 2005, Bình Sơn có dân số 180.045 người (tính dân số trung bình trong năm), gồm: 179.545 người Việt, 435 người Cor, 65 người Hoa hoặc người Việt gốc Hoa và người các dân tộc khác.

Cư dân Bình Sơn chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và đánh bắt chế biến hải sản; một số ít có nghề làm đồ gốm, đồ gỗ, nghề rèn, đan lát dụng cụ mây tre, nghề buôn bán nhỏ. Gần đây có thêm nghề nuôi tôm, sửa chữa cơ khí nhỏ.

*
*          *

Huyện Bình Sơn có truyền thống yêu nước từ khá sớm. Thế kỷ XVIII, nhân dân Bình Sơn tham gia phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Tuyền Tung ở phía tây huyện từng được xây dựng thành căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn.

Đến thời thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, nhân dân Bình Sơn luôn có mặt trong các phong trào yêu nước, chống Pháp: phong trào Cần vương (1885 – 1896) do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Hà Trung Hậu chỉ huy; phong trào Duy tân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, khất thuế – cự sưu (1904 – 1908) do Lê Ngung và Trần Kỳ Phong tham gia lãnh đạo; phong trào Việt Nam Quang phục Hội (1912 – 1916) do Lê Ngung, Võ Quán, Võ Thị Đệ, Trần Thêm tham gia. Đầu năm 1921, cụ Trần Kỳ Phong từ ngục tù Côn Đảo trở về đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, Cách mạng tháng Mười Nga và con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong trí thức, thanh niên và những người yêu nước ở Bình Sơn – Quảng Ngãi. Năm 1927, quần chúng yêu nước Bình Sơn hướng theo con đường cách mạng dân tộc dân chủ, con đường cách mạng vô sản do tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi hướng dẫn và lãnh đạo. Các ông Trương Quang Trọng, Huỳnh Tấu là những người trực tiếp chỉ đạo.

Sau khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi ra đời, ở Bình Sơn đã nổ ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy của đông đảo quần chúng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, đòi độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày; hưởng ứng phong trào cách mạng của công nông Nghệ – Tĩnh, ủng hộ Liên bang Xô viết… Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh vào các ngày 01.5.1930, 14.7.1930, 01.8.1930… Cuối năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bình Sơn được thành lập, kiêm nhiệm nhiệm vụ Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Bình Sơn, do đồng chí Phạm Quang Lãng làm Bí thư. Sau đó, Bình Sơn phát triển thêm nhiều đảng viên mới, toàn huyện thành lập được ba chi bộ. Đảng bộ đã trực tiếp lãnh đạo đẩy phong trào cách mạng trong huyện dâng cao từ đầu năm 1931. Sau cao trào 1930 – 1931, vượt qua tổn thất hy sinh do địch đàn áp khủng bố, Đảng bộ Bình Sơn tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong huyện đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình (1936 – 1939), chống chiến tranh đế quốc, chống phát xít (1939 – 1940), xây dựng Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, tham gia sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc (1941 – 1945). Trong cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Đảng bộ Bình Sơn lãnh đạo nhân dân địa phương nổi dậy lật đổ chính quyền tay sai của Pháp, Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân từ các xã miền núi đến hải đảo Lý Sơn trong các ngày 15 – 18.8.1945.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng được củng cố, Mặt trận Việt Minh, Liên Việt, các đoàn thể cứu quốc đã tập hợp hầu hết quần chúng vào các tổ chức cách mạng.

Trong tuần lễ “quyên vàng xây nền độc lập”, nhân dân Bình Sơn đã đóng góp 5kg vàng, 700 đồng bạc trắng, 1.240kg đồng.

Trong kháng chiến chống Pháp, huyện Bình Sơn có nhiều thành tựu.

Sản xuất được đẩy mạnh và tích cực đóng góp nuôi quân đánh giặc. Giáo dục nâng cao dân trí đạt nhiều kết quả, nhất là xóa nạn mù chữ, mở nhiều lớp Bổ túc văn hóa, nhiều trường Tiểu học ở xã và trường Trung học ở huyện. Lực lượng dân quân du kích và làng chiến đấu được xây dựng, đánh bại các cuộc đổ bộ càn quét của địch vào vùng ven biển.

Trong chi viện cho tiền tuyến, Bình Sơn đã đưa nhiều cán bộ tham gia chiến đấu và công tác ở các chiến trường cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Miên, Hạ Lào; đưa hàng ngàn dân công phục vụ Chiến dịch đông xuân 1953 – 1954 góp phần giải phóng tỉnh Kon Tum, bảo vệ vùng tự do Liên khu V; đã đóng góp hàng vạn tấn thóc thuế nông nghiệp phục vụ kháng chiến. Đảo Lý Sơn bị địch chiếm từ ngày 30.8.1950, nhưng cơ sở cách mạng, cán bộ ta vẫn bám địa bàn, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch đến thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyện Bình Sơn cũng có những đóng góp nổi bật. Giữa tháng 12.1958, Huyện ủy rút một số thanh niên lên căn cứ, tổ chức các trại sản xuất, vừa sản xuất tự túc lương thực, vừa học tập chính trị, huấn luyện quân sự, tiến tới thành lập đội vũ trang tuyên truyền của huyện. Bình Sơn hưởng ứng cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vào cuối tháng 8 đầu tháng 9.1959, tấn công địch, phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ một số nơi như Vĩnh An, Hải Ninh, Trung An…

Đến cuối năm 1964, hệ thống ấp chiến lược và bộ máy chính quyền địch ở các xã thôn khu tây và đông Bình Sơn bị xóa sổ. Vùng giải phóng và vùng ta làm chủ mở rộng gần sát Quốc lộ 1.

Khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Bình Sơn là địa bàn quân Mỹ xâm lược và quân chư hầu Nam Triều Tiên tràn vào đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi. Chúng gây nên nhiều tội ác trên mảnh đất này, trong đó có 2 vụ thảm sát lớn ở địa đạo Đám Toái (Bình Châu) và ở Bình Hòa(5)

Cũng chính trên mảnh đất này, quân dân ta vẫn giữ vững thế chủ động tiến công, nên đã có trận đánh Mỹ đầu tiên ở Bến Lăng, đặc biệt là chiến thắng Vạn Tường, mở ra khả năng ta có thể đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược(6).

Các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Nguyên, Bình Trung… trở thành lũy thép trong vành đai diệt Mỹ ở phía nam căn cứ Chu Lai của chúng. Nhiều trận đánh thắng vang dội đã diễn ra, nổi bật nhất là trận ta tiêu diệt một tiểu đoàn Mỹ trong cứ điểm Gò Sỏi (14.7.1966), các trận tiêu diệt từ một tiểu đội đến một trung đội Mỹ ở Phước Hòa, Gò Chè, An Lộc… cuối năm 1966.

Trong thời kỳ địch thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Đảng bộ và quân dân Bình Sơn vẫn kiên trì trụ bám, kiên định phương châm hai chân ba mũi giáp công, liên tục tấn công tiêu diệt địch, giữ vững vùng giải phóng. Chỉ tính các trận đánh trong năm 1972 ở Bình Phước, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phú, Bình Khương ta đã tiêu diệt tiểu đoàn Mãng xà vương 103, một đại đội bảo an, bốn trung đội dân vệ của địch; diệt 276 tên, bắt sống 100 tên; phá rã khu đồn Tiên Đào, Vĩnh Thất (ở Bình Trung)… Các xã tây Bình Sơn được xây dựng thành địa bàn vững chắc của huyện và là một trong những địa bàn đứng chân của các lực lượng của tỉnh và Khu V.

Sau Hiệp định Pari 1973, quân dân Bình Sơn nắm vững thời cơ, ra sức củng cố, bổ sung lực lượng, liên tục tấn công quân đội Sài Gòn, tiến lên tổng tấn công và nổi dậy vào mùa Xuân 1975 giải phóng toàn huyện.

Đến năm 2005, huyện Bình Sơn có 23 đơn vị và 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân(7); 523 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Từ năm 1975, huyện Bình Sơn khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong cơ chế bao cấp, từng bước cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân. Bình Sơn đã đưa hàng vạn thanh niên tòng quân nhập ngũ, tham gia bảo vệ quê hương đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế.

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Bình Sơn từng bước thoát dần cảnh nghèo đói, lạc hậu, kinh tế xã hội phát triển tương đối nhanh và toàn diện. Khu Kinh tế Dung Quất đã và đang được xây dựng là vận hội lớn vừa giúp Bình Sơn xóa đói giảm nghèo, vừa tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Tình hình chính trị tư tưởng ngày càng ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững.

*
*          *

Bình Sơn vốn có một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh. Từ năm 1975 đến nay, huyện đã từng bước khôi phục, xây dựng cơ cấu phát triển nông nghiệp toàn diện, khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Từ năm 1998, Khu Kinh tế Dung Quất nằm trên địa hạt huyện ra đời, tạo thuận lợi cho kinh tế Bình Sơn phát triển nhanh.

Nông nghiệp: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2005 có 21.730ha. Trừ phần ruộng đất nằm dọc hai bên sông Trà Bồng, phần lớn đất đai trong huyện Bình Sơn khô cằn, bạc màu, xưa kia nông dân đa phần làm lúa gieo mỗi năm một vụ và trồng các loại cây màu chịu hạn. Người dân Bình Sơn tập trung vào thủy lợi, chủ yếu là đào ao, vét giếng, dùng cần vọt, gàu giai, gàu sòng, guồng đạp nước để lấy nước tưới cho hoa màu cây trái. Thời kháng chiến chống Pháp, nhân dân đắp đập Đá Giăng, đập Gia Hội để dẫn nước sông suối vào ruộng. Từ những năm 60, 70 thế kỷ XX, nhân dân dùng máy bơm chạy bằng dầu mazut, bằng xăng, nay phổ biến dùng bơm điện, để đưa nước vào đồng ruộng. Từ năm 1993, hệ thống kênh mương thủy lợi Thạch Nham đã vươn dài, đưa nước sông Trà Khúc đến đồng ruộng Bình Sơn, biến hàng ngàn hécta ruộng gieo một vụ thành ruộng cấy hai vụ. Ngày nay, nhiều địa phương đã dùng phương tiện cơ giới trong làm đất, gặt, đập lúa.

Cây lương thực ở Bình Sơn, trước kia đa phần là lúa gieo, ngô, sắn, khoai, chủ yếu là lúa. Cây thực phẩm có các loại đậu. Sau ngày giải phóng, Bình Sơn trồng khá nhiều dưa hấu. Dưa hấu Bình Sơn đã xuất đi cả nước và sang cả Trung Quốc. Cây công nghiệp truyền thống có cây mía, dâu tằm, lạc, vừng, vài chục năm gần đây thêm cây chè, cây bạch đàn, cây điều, cây bông, cây cao su cho thu hoạch khá. Diện tích gieo trồng cây lương thực ở huyện Bình Sơn năm 2005 là 11.270ha, sản lượng lương thực 51.993 tấn, bình quân lương thực đầu người cùng năm trong toàn huyện là 289kg, thuộc hạng thấp nhất trong các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, xét trong địa hạt huyện thì có xã vượt rất cao như xã Bình Thanh Đông bình quân lương thực đầu người lên đến 772kg, xã Bình Chương 581kg, xã Bình Thới 556kg, xã Bình Tân 516kg, xã Bình Khương 501kg; ngược lại, các xã ven biển chuyên nghề cá hay trồng các loại cây khác thường có bình quân lương thực rất thấp (dưới 100kg) như Bình Đông (63kg), Bình Thạnh (39kg), Bình Hải (46kg) và thị trấn Châu Ổ chuyên buôn bán (33kg), do vậy có sự chênh lệnh cao giữa các xã về bình quân lương thực đầu người. Trong thành phần lương thực có hạt thì ngô chiếm khoảng 1/10 về diện tích và sản lượng (1.375ha, 5.129 tấn).

Trong số cây công nghiệp ở Bình Sơn thì đáng kể nhất là cây mía, cây sắn. Năm 2004, mía có diện tích 874ha, sản lượng 43.294 tấn. Mía trồng nhiều nhất ở các xã Bình Mỹ, Bình Tân, Bình Khương. Sắn năm 2005 có 1.990ha, sản lượng 36.417 tấn, được trồng nhiều nhất ở các xã Bình Minh, Bình Khương, Bình An, Bình Trung. Đậu phụng cũng là cây trồng đáng kể với diện tích 1.195ha, sản lượng 2.120 tấn, nhiều nhất ở các xã Bình Trung, Bình Hòa, Bình Minh, Bình Thạnh.

Về chăn nuôi: Trước năm 1975, Bình Sơn có đàn bò ta, heo cỏ, gà nhà, vịt. Từ năm 1980 đến năm 2005, đàn gia súc gia cầm Bình Sơn phát triển gần gấp đôi. Đàn trâu ở Bình Sơn tương đối ít, đàn bò khá lớn với tổng số 50.402 con. Hầu hết các xã đều có từ 1.000 con bò trở lên, trừ thị trấn Châu Ổ và xã Bình Đông. Các xã chăn nuôi bò nhiều nhất là Bình Minh (3.753 con), Bình Trung (3.452 con), Bình Chương (3.374 con), Bình Khương (3.254 con), Bình Long (3.150 con), Bình Nguyên (3.067 con). Đàn lợn cũng khá cao với 74.438 con, hầu hết các xã đều có từ 1.500 con trở lên, cao nhất là các xã Bình Châu (6.250 con), Bình Dương (5.150 con), Bình Nguyên (4.875 con), Bình Trung (4.807 con).

Lâm nghiệp: Trước kia người dân Bình Sơn chỉ khai thác rừng tự nhiên (gỗ, củi, đốt than). Trong chiến tranh, rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Từ năm 1975 đến nay, thực hiện dự án PAM, Bình Sơn đã trồng mới hàng vạn hécta rừng, nhất là cây bạch đàn, cây thông; khoanh nuôi, bảo vệ khôi phục hàng vạn hécta rừng cũ. Trong hai năm 2004 – 2005, toàn huyện đã trồng 1.819ha rừng mới, khoanh nuôi tái sinh 4.308ha rừng cũ. Rừng Bình Sơn đã cung ứng cho nhân dân gỗ, củi, tre, mây. Bình Sơn đã cung cấp gỗ bạch đàn cho Nhà máy chế biến dăm bạch đàn ở Dung Quất để xuất khẩu.

Đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản: Trước kia, ngư dân Bình Sơn chỉ đánh bắt hải sản trong lộng với ghe thuyền nhỏ. Từ sau năm 1975, Bình Sơn ngày càng có thêm tàu thuyền lớn đánh bắt hải sản xa bờ. Năm 1980, toàn huyện có 5 chiếc tàu có công suất trên 50CV. Đến năm 2005, Bình Sơn có 950 tàu đánh cá với tổng công suất 39.734CV, ngoài ra còn có 34 thuyền không động cơ. Bình Sơn là huyện có năng lực đánh bắt hải sản lớn nhất trong tỉnh Quảng Ngãi. Sản lượng khai thác hải sản năm 2005 là 23.451,6 tấn. Không chỉ các xã có đường bờ biển, mà các xã có đường sông, con lạch cũng có đội tàu thuyền tham gia đánh bắt, thậm chí lại là xã có năng lực đánh bắt cao nhất: xã Bình Chánh có đội tàu lớn nhất với 149 tàu, tổng công suất 13.240CV, khai thác được 10.561 tấn; xã Bình Châu có 256 tàu, tổng công suất 11.453CV, đánh bắt được 4.210,6 tấn; xã Bình Đông có 141 tàu, công suất 5.150CV, đánh bắt được 1.648,1 tấn; xã Bình Hải có 182 tàu, tổng công suất 4.517CV, đánh bắt được 3.863,3 tấn; xã Bình Thuận có 113 tàu, tổng công suất 2.726CV, đánh bắt được 1.328,5 tấn; xã Bình Thạnh có 74 tàu, tổng công suất 1.751CV, đánh bắt được 1.501,5 tấn. Từ số liệu trên cho thấy, số tàu thuyền và tổng công suất tuy quan trọng nhưng không phải bao giờ cũng tương ứng với sản lượng đánh bắt, bởi nó còn tùy thuộc vào kinh nghiệm, sự may rủi. Tuy vậy, các xã kể trên là những xã có khả năng khai thác hải sản lớn nhất ở huyện Bình Sơn. Bên cạnh đó còn có các xã tham gia khai thác hải sản đáng kể là Bình Trị, Bình Dương, Bình Phước, Bình Phú. Tổng số hộ sống bằng nghề đánh bắt hải sản toàn huyện là 5.032 hộ, với số lao động 9.244 người, trong đó xã Bình Hải có 1.060 hộ với 1.678 lao động, xã Bình Chánh 985 hộ với 2.548 lao động, xã Bình Đông có 765 hộ với 1.130 lao động, xã Bình Thuận 705 hộ với 1.273 lao động, xã Bình Châu có 795 hộ với 1.350 lao động. Ngư dân xã Bình Hải có kinh nghiệm dùng cái bóng bắt cá mú khá hiệu quả. Ngoài khai thác sản vật biển, người dân vùng biển Bình Sơn còn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tổng số hộ chuyên về nuôi trồng thủy sản năm 2005 là 604 hộ với 760 lao động, trong đó nhiều nhất là ở các xã Bình Châu, Bình Dương, Bình Đông. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2005 là 174,4ha (trong đó nuôi tôm 162,4ha), sản lượng đạt 241,32 tấn (trong đó tôm 222,77 tấn).

Tiểu thủ công nghiệp – công nghiệp: Cư dân Bình Sơn có nhiều nghề thủ công truyền thống: ép mía nấu đường thủ công ở nhiều làng xã, nghề gốm ở Mỹ Thiện, nghề đúc ở Long Giang, nghề muối, nghề làm mắm ở Diêm Điền, Định Tân, nghề dệt, nghề rèn ở một số làng xã khác… Từ năm 1975 đến nay, các nghề ép mía nấu đường thủ công, nghề gốm, nghề đúc dần dần bị mai một, nhưng lại xuất hiện một số ngành nghề khác: làm gạch ngói, khai thác đá cát sỏi phục vụ xây dựng, đan lát mây tre, sản xuất đồ gỗ, sửa chữa cơ khí nhỏ… Đến năm 2005, có 1.550 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp cá thể với 2.700 lao động, nhiều nhất ở thị trấn Châu Ổ và xã Bình Chánh. Giá trị sản xuất công nghiệp cá thể năm 2005 là 92.447 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện Bình Sơn có Khu Kinh tế Dung Quất đang hình thành và phát triển, sẽ là động lực quan trọng để huyện phát triển mạnh về công – thương nghiệp và dịch vụ.

Về điện, từ năm 1980 Bình Sơn có máy phát điện nhỏ, chủ yếu phục vụ cho thị trấn Châu Ổ. Từ năm 1990 đến nay, điện lưới quốc gia đã đưa điện về khắp các xã, thôn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Đến năm 2005, đã có trên 95% hộ gia đình dùng điện.

Trong tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp còn phải kể đến hoạt động xây dựng cơ bản và giao thông – vận tải đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo kinh tế, văn hóa của Bình Sơn.

Thương mại – dịch vụ: Ngày xưa, nghề buôn ở Bình Sơn đã sớm phát triển, nhất là trên dọc Quốc lộ 1, dọc sông Trà Bồng và từ cảng Sa Cần, Sa Kỳ đi các nơi bằng đường biển. Hàng hóa tập trung và buôn bán tấp nập nhất là ở Châu Ổ. Các chợ: Châu Ổ, Thạch An, Nước Mặn, Gò Quán, Định Tân là những trung tâm giao dịch buôn bán của cả huyện và các tiểu vùng.

Trong những năm kháng chiến (1945 – 1975), nghề buôn có bị hạn chế. Thời kỳ bao cấp (1975 – 1986), hầu hết hoạt động thương mại – dịch vụ do kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể quản lý, nên không phát triển được mấy. Từ năm 1987 đến nay, cơ chế kinh tế thị trường ra đời, hoạt động thương mại – dịch vụ ở Bình Sơn sôi động hẳn lên. Thị trấn Châu Ổ và chợ Châu Ổ trở thành trung tâm buôn bán của toàn huyện. Từ đây hàng hóa lưu thông đến các chợ Thạch An, Thanh Trà (phía tây), chợ Nước Mặn (phía bắc), các chợ Bình Dương, Hàng Xoài, Gò Quán, Định Tân (phía đông), chợ Liên Trì (phía nam) rồi tỏa đến khắp làng quê Bình Sơn. Năm 2005, huyện Bình Sơn có 5.450 cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ cá thể với 7.224 lao động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 173.465 triệu đồng.

Dịch vụ giao thông – vận tải ở Bình Sơn trước kia chỉ có một ít ghe thuyền vận tải đường thủy. Đến năm 2005, có 97 đầu xe ô tô vận tải hành khách và hàng hóa (cỡ nhỏ) hoạt động trong phạm vi phía bắc tỉnh; mỗi năm có hàng trăm lượt tàu vận tải đường biển qua cảng Dung Quất, cảng Sa Kỳ.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, mạng lưới bưu điện phát triển tương đối hoàn chỉnh. Đến năm 2005, toàn huyện có 18/25 xã có bưu điện văn hóa xã, có 8.412 máy điện thoại cố định (cứ 100 người có 4,6 máy), 502 máy điện thoại di động (cứ 22 người dân có một máy).

Bình Sơn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có nhiều danh lam thắng cảnh có tiềm năng thu hút khách tham quan, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái biển.

Các thống kê cơ bản về kinh tế 1980 – 2005
Chỉ tiêu Đơn vị tính 1980(8) 2005(9)
Diện tích lúa cả năm ha 11.428 9.895
Diện tích màu cả năm ha 5.673 3.895
Sản lượng lương thực quy thóc tấn 24.323 51.993
Lương thực bình quân/người kg 165 289
Diện tích cây công nghiệp:
     – Mía ha 745 874
     – Lạc ha 129 1.195
     – Vừng (mè) ha không nắm được 231
Sản lượng cây công nghiệp
     – Mía tấn 26.177 43.294
     – Lạc tấn 127 2.120
     – Vừng (mè) tấn không nắm được 71,32
Đàn trâu con 490 1.231
Đàn bò con 25.399 53.402
Đàn lợn con 34.079 74.438
Đàn gia cầm con 232.919 556.446
Diện tích rừng mới trồng ha 400 1.187
Khai thác gỗ m3 1.200 38.526
Sản lượng hải sản đánh bắt tấn 4.500 23.452
Tổng giá trị sản xuất kinh tế tỷ đồng 32 1.029(10)
– Nông, lâm, ngư tỷ đồng 26 762,6
– Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tỷ đồng 2,5 92,9
– Thương mại dịch vụ tỷ đồng 3,5 173,5
Tỷ trọng các ngành kinh tế
    – Nông, lâm, ngư % 81,2 74,1
    – Tiểu thủ công nghiệp – Công nghiệp % 7,8 9
    – Thương mại – dịch vụ % 11 16,8
Thu nhập bình quân đầu người 1000 đồng 222 5.700

Về đường sá, đường sắt xuyên Việt qua Bình Sơn dài 13,5km, có các ga Bình Sơn, Trì Bình; Quốc lộ 1 qua Bình Sơn 15km; đường tỉnh có 4 tuyến với tổng chiều dài 77,82km; đường huyện có 19 tuyến với tổng chiều dài 113km; đường xã có 153 tuyến với tổng chiều dài 304,4km (trong đó có 143km đã được trải nhựa hoặc bêtông); đường phục vụ Khu Kinh tế Dung Quất: Bình Long đi Dung Quất 6,5km, Bình Hiệp đi Dung Quất 24km, đường nội bộ Khu Kinh tế Dung Quất và thành phố Vạn Tường gần 50km, tất cả đều có mặt đường rộng trên 10m và đã được tráng nhựa.

*
*          *

Ở địa hạt huyện Bình Sơn, di sản văn hóa khá phong phú. Từ đầu thế kỷ XX, những nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện được di tích Văn hóa Sa Huỳnh của cư dân cổ ở ven biển miền Trung. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học tiếp tục khai quật và nghiên cứu kỹ hơn về văn hóa Sa Huỳnh trên đất Quảng Ngãi, trong đó có nhóm di chỉ Bình Châu ở giai đoạn trung kỳ đồng thau. Tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy một số mộ chum chôn úp miệng, một phong cách táng thức cổ truyền; một số công cụ sản xuất bằng đá, hoặc bằng đồng thau (cuốc, rìu, dao, liềm, đục, lao…)(11).

Về Văn hóa Chămpa, ở Bình Sơn có phế tích tháp Chăm ở Gò Sỏi.

Trong văn hóa Việt ở Bình Sơn thì vùng sông biển có hội đua thuyền, hát bả trạo, có tục thờ cá Ông. Ở các làng xã Bình Sơn đã từng có những ngôi nhà lá mái mát mùa hè, ấm mùa đông, những ngôi đình, chùa xây dựng đẹp.

Người Cor ở Bình Sơn số lượng rất ít, có chung nét văn hóa của dân tộc Cor ở Trà BồngTây Trà.

Ở Bình Sơn có An Hải sa bàn, Vu Sơn lộc trường; có đèn biển Batângân, bãi tắm Khe Hai, chùa Thình Thình và nhiều di tích lịch sử – văn hóa có giá trị khác.

Hoạt động văn hóa thông tin ở huyện Bình Sơn ngày nay có một số điểm đáng chú ý: Các di tích lịch sử – văn hóa ở địa bàn huyện được tôn tạo, bảo vệ khá tốt, các thiết chế văn hóa như trung tâm văn hoá – thể thao huyện, thư viện huyện, hiệu sách… hoạt động khá tốt; huyện có đài truyền thanh huyện và 20 đài truyền thanh xã, phong trào xây dựng nếp sống văn minh – gia đình văn hóa, phong trào luyện tập thể thao ngày càng phát triển.

Huyện Bình Sơn là quê hương của những nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng trong nước như nhà thơ Tế Hanh, Giáo sư Nguyễn Lộc, Giáo sư Thế Bảo, Tiến sĩ Hoàng Lãi, Tiến sĩ Lê Minh Triết.

Giáo dục – đào tạo: Thời kỳ Nho học, từ năm 1840 đến năm 1906 toàn huyện Bình Sơn có 15 người đậu Cử nhân tại các trường thi Hương ở Thừa Thiên, Bình Định. Người đỗ sớm nhất (năm 1840) là ông Đặng Công Tuấn (quê Châu Me, xã Bình Châu). Người đỗ sau cùng (năm 1906) là ông Huỳnh Ngọc Trác (ở Thạch An, xã Bình Mỹ)(12). Huyện Bình Sơn cũng có khá nhiều người đậu Tú tài.

Thời kỳ Tân học, toàn huyện chỉ có một trường Tiểu học. Số người có bằng Tiểu học, bằng Thành chung (tương đương tốt nghiệp Trung học cơ sở ngày nay) rất ít, chỉ có một người đậu Bác sĩ y khoa (Huỳnh Tấn Đối) và hai người đậu Tú tài (tương đương tốt nghiệp Trung học phổ thông ngày nay).

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ở Bình Sơn có phong trào xóa nạn mù chữ cho nhân dân đạt kết quả khá cao. Năm 1948, xã Bình Chánh được công nhận xóa nạn mù chữ đầu tiên ở Liên khu V.

Trong kháng chiến chống Pháp, Bình Sơn có Trường cấp II Nguyễn Tự Tân; trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Sơn cũng có trường cấp II đã đào tạo hàng trăm người đạt trình độ cấp II (ngang lớp 7 hệ 10 năm trung học lúc bấy giờ), tạo nguồn cán bộ có học vấn cho huyện. Các xã hầu hết đã có trường Tiểu học.

Từ năm 1975 đến nay, sự nghiệp giáo dục – đào tạo Bình Sơn phát triển khá nhanh. Đến năm 1990, về cơ bản xóa xong nạn mù chữ. Công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ, công chức và thanh niên được đẩy mạnh. Các cấp học Mầm non, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đã định hình và phát triển tốt.

Thống kê cơ bản về giáo dục – đào tạo ở Bình Sơn năm 1980 và năm 2004(13)
Cấp học Năm Trường Lớp Giáo viên Học sinh
Mầm non
Mẫu giáo
1980(14) 133 133 5.900
2005 17 184 202 4.189
Tiểu học và 
Trung học cơ sở
1980 26 1.096 1.182 39.650
2005 57 1.066 1.434 35.207
Trung học 
phổ thông
1980 1 19 45 1.014
2005 4 153 257 7.551

Ngoài ra, Bình Sơn có khá nhiều học sinh, sinh viên đã và đang học tại các trường Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học trong tỉnh và trong nước; hàng trăm thanh niên đang học tại trường dạy nghề Dung Quất.

Chăm sóc sức khỏeTrước Cách mạng tháng Tám 1945, ở các làng quê Bình Sơn có một số thầy thuốc Bắc, thuốc Nam dùng y học cổ truyền chữa bệnh cho nhân dân. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, ở Châu Ổ đã xuất hiện một vài hiệu thuốc tân dược và trong huyện đã có một số thầy thuốc Tây y lo việc chữa bệnh cho nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều thôn, xã hình thành vườn thuốc Nam, có những thầy thuốc Đông y chế biến Đông dược và chữa bệnh cho nhân dân. Thầy thuốc và các cơ sở y tế của cách mạng chữa bệnh cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ bằng tân dược. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Bình Sơn có trạm xá dân y huyện liên tục di chuyển ở vùng căn cứ; có A100 – cơ sở khám, chữa bệnh cho bộ đội, thương binh đặt ở các xã Bình Tân, Bình Phú, Bình Châu, sau đổi gọi là Bệnh xá Đông Sơn (đông Bình Sơn – Sơn Tịnh) với hàng chục bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý.

Từ sau năm 1975, Bình Sơn tổ chức được phòng khám Đông y và một số cửa hàng dược Đông y ở các khu vực trong huyện. Bệnh viện huyện được xây dựng và phát triển. Tất cả các xã và thị trấn đều có trạm y tế. Các cơ sở này đã tích cực phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2005, huyện Bình Sơn có 227 cán bộ y tế, trong đó có 30 bác sĩ, có 16 bác sĩ tại các trạm y tế xã. Bình Sơn thực hiện việc xây dựng ba công trình vệ sinh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình có hiệu quả.

Một vài số liệu về ngành y tế Bình Sơn(15)
Chỉ tiêu Đơn vị tính 1980 2005
Cơ sở khám chữa bệnh Cơ sở 25 26
Cán bộ y tế Cán bộ 156 227
Trong đó có bác sĩ Người 4 30
Y sĩ, Y tá, hộ lý, hộ sinh Người 152 189
Dược sĩ Người 0 8
Giường bệnh Giường 120 155
Tỷ lệ sinh tự nhiên % 2,8 1,28

 

Nhân lực và các vấn đề xã hội (tính đến năm 2005)

Nguồn lao động: 97.591 người. Trong đó, lao động được phân bổ theo các ngành như sau: 1) Nông – lâm – ngư nghiệp 79.176 người; 2) Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 3.903 người; 
3) Thương mại – dịch vụ 7.532 người; 4) Các ngành không sản xuất vật chất 3.141 người. Lực lượng lao động thiếu việc làm là 3.839 người.

Các vấn đề xã hội

Bình Sơn đã và đang thực hiện các chính sách xã hội cho 1.500 cán bộ hưu trí, 523 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 7.248 gia đình liệt sĩ, 1.800 thương binh.

Huy động sức đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài huyện xây dựng được 566 ngôi nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách và 101 ngôi nhà tình thương cho người nghèo.

Phát triển các trang trại, làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp, huy động nhân lực tham gia xây dựng và phục vụ Khu Kinh tế Dung Quất, đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.

Tỷ lệ hộ đói nghèo toàn huyện năm 1980 là gần 40%, đến năm 2005 chỉ còn là 12% hộ nghèo (theo chuẩn cũ).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây