Giới thiệu khái quát huyện Ngọc Hồi
- Về địa lý, tự nhiên.
Nằm ở ngã ba đông dương, là trung tâm tam giác phát triển của 3 nước Việt Nam – Lào –Cam Phuchia, có cột mốc ba biên và cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Ngọc Hồi được mệnh danh là vùng đất một con gà gáy cả 3 nước cùng nghe. Cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60 km phía Bắc, Ngọc Hồi được thành lập ngày 15/10/1991, với diện tích 83.936 hecta, có đường biên giới trên bộ dài 47 km tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia, là nơi hội tụ của 17 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn 7 xã, thị trấn, 76 thôn, tổ dân phố với dân số khoảng 58.000 người.
– Ngọc Hồi là nơi giao nhau của các tuyến đường:
+ Hồ Chí Minh nối Đà Nẵng với các tỉnh Tây Nguyên; Quốc lộ 14C nối Ngọc Hồi với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh; Quốc lộ 40 nối Ngọc Hồi với cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
+ Đồng thời, là trung tâm nối các tuyến đường từ Tây Nguyên, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi với các nước ASEAN.
– Năm 2015, Thị trấn Pleikần mở rộng đã được Bộ xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV miền núi, hiện nay huyện đang hoàn chỉnh các tiêu chí để được công nhận huyện đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV tiến tới thành lập thị xã Ngọc Hồi.
- Tiềm năng, thế mạnh:
Ngọc Hồi được xác định là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, có lợi thế từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; năm 2012, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã chính thức được Chính phủ nước Việt Nam xác định là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước; diện tích của Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y là 70.438 ha chiếm 84% diện tích toàn huyện; hiện nay khu kinh tế cửa khẩu có 40 doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh với tổng số vốn hơn 1.000 tỷ đồng.
– Cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ:
+ 100% số xã đều có đường ô tô vào trung tâm xã; 100% số thôn, làng có điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
+ Đang đầu tư xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng khu vực phía Nam thị trấn Plei Kần, Khu trung tâm hành chính mới; đường vành đai trục chính Tây Nam; Nhà máy cấp nước sinh hoạt với công suất 5.000m3/ngày/đêm, các công trình khác như công viên trung tâm, thư viện, chợ …Hiện tại trên địa bàn Ngọc Hồi đã xây dựng và đưa vào hoạt động 4 nhà máy chế biến mủ cao su với công suất gần 3.740 tấn/năm, 01 nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất 150 tấn sản phẩm/ngày đêm và 01 nhà máy sản xuất gạch không nung…
– Huyện Ngọc Hồi có nguồn lao động dồi dào; số người trong độ tuổi lao động khoảng 37.000 người, chiếm 65% dân số toàn huyện.
– Hằng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, năm 2018 tổng giá trị sản xuất cả năm ướcđạt 6.217 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế huyện tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng Ngành nông –lâm-thủy sản 17,1%;ngành Công nghiệp – Xây dựng 26,2% ,Thương mại – Dịch vụ 56,7%.
– Hiện nay huyện đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển, thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (diện tích đất đai lớn, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với việc phát triển nhiều loại cây Công nghiệp, cây ăn quả, các loại rau và phát triển chăn nuôi đại gia súc); các ngành tiểu thủ công nghiệp như chế biến nông, lâm sản theo chuỗi giá trị; thương mại, dịch vụ như hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, du lịch cộng đồng…; một số dự án kêu gọi, khuyến khích đầu tư gồm:
+ Dự án trồng rừng nguyên liệu sản xuất gắn với chế biến (nhu cầu vốn 500 tỷ đồng).
+ Xây dựng mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, tạo một khu công nghiệp tập trung, hiệu đại và đồng bộ tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (nhu cầu vốn 7.900 tỷ đồng).
+ Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics, kho bãi, dịch vụ cửa khẩu quốc tế Bờ Y (nhu cầu vốn 360 tỷ đồng).
+ Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị Bắc Bờ Y và hạ tầng Khu đô thị Nam Bờ Y ( để từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới (nhu cầu vốn 8.000 tỷ đồng).
+ Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỷ thuật, trực tiếp sản xuất hoặc cho thuê lại đất, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhu cầu vốn 100 tỷ đồng).
+ Dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn gia công tập trung (nhu cầu vốn 100 tỷ đồng).
+ Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Ngọc Hồi (nhu cầu vốn 100 tỷ đồng).
+ Dự án siêu thị trung tâm huyện Ngọc Hồi (nhu cầu vốn 30 tỷ đồng).
+ Khu du lịch cột mốc quốc giới chung 03 nước Việt Nam- lào- campuchia (nhu cầu vốn 550 tỷ đồng).
+ Dự án rạp chiếu phim huyện Ngọc Hồi (nhu cầu vốn 10 tỷ đồng).
+ Dự án đầu tư và phát triển du lịch cộng đồng tại làng Đắk Mế, Đắk Răng (nhu cầu vốn 08 tỷ đồng).
+ Dự án khu văn hóa, thể thao, thương mại và dịch vụ huyện Ngọc Hồi (16 tỷ đồng).
+ Dự án Khu dân mới Đắk Tráp (20 tỷ đồng).
Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, tài nguyên khoáng sản, cơ sở hạ tầng đồng bộ…Ngọc Hồi còn được xem là nơi sản sinh và lưu giữ những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà nổi bật nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như lễ hội mừng nhà rông mới của đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng; lễ hội mừng lúa mới của người Brâu, Xơ Đăng, trình diễn Chiêng tha của người Brâu. Bên cạnh những nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa còn có các lễ hội, các làn điệu chèo, điệu múa xòe, nhảy sạp của nhân dân các làng di cư xây dựng kinh tế mới trên địa bàn…Việc hội tụ những tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa ẩm thực: đó là món cơm lam truyền thống, món thịt dúi nướng ống lồ ô, cá suối làm chua hòa quyện với hương thơm của men rượu cần say đắm.
Những điểm đến thu hút khách du lịch trong hành trình khám phá vùng đất nơi ngã ba biên giới như: Di tích lịch sử chiến thắng Pleikần; Di tích chiến thắng Đắk Siêng – Đắk Dục, Cửa khẩu quốc tế Pờ Y, Cột mốc ba biên gắn với Đền tưởng niệm (các) anh hùng liệt sĩ Trường Sơn; Cột mốc ba biên được xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m là vị trí giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Từ Cột mốc ba biên, có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương thơ mộng.
Trên cung đường Hồ Chí Minh, Ngọc Hồi là một điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch “Hành trình Xanh Việt Nam”; tuyến du lịch xuyên suốt trong các tỉnh Tây Nguyên; tuyến du lịch sinh thái từ Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến Sài Gòn đến Champasắc (Lào), đến Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y…
Cùng với việc quan tâm đầu tư , xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, trong những năm qua công tác chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm thực hiện. Từ ngày đầu mới thành lập toàn huyện mới có 10 tổ chức cơ sở đảng với 292 đảng viên, đến nay toàn huyện có 56 tổ chức cơ sở đảng với 2.303 đảng viên; vai trò trong quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trên tất cả các lĩnh vực được nâng cao; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức hướng đến tất cả phụ vụ vì người dân và doanh nghiệp.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Đảng bộ huyện, các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển KT-XH đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; công tác giáo dục – đào tạo; y tế – chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm; các vấn đề xã hội đang từng bước được giải quyết, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,88%; toàn huyện có 2/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững, ổn định là môi trường thuận lợi để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư.
BBT