Giới thiệu khái quát huyện Quảng Xương

huyện Quảng Xương - Tỉnh Thanh Hóa

Giới thiệu khái quát huyện Quảng Xương

Là một huyện đồng bằng ven biển có diện tích đất tự nhiên 227,63 km2, Quảng Xương đã từ lâu được coi là trọng điểm lúa của tỉnh. Với chiều dài bờ biển gần 18km, Quảng Xương là một trong những huyện có tiềm năng về thuỷ, hải sản. Hơn nữa, nằm trên các trục quốc lộ 1A, quốc lộ 45, 47, tỉnh lộ số 4, phía bắc là thành phố Thanh Hoá với khu công nghiệp Lễ Môn, phía nam là Khu công nghiệp động lực Nghi Sơn – Tĩnh Gia, đồng thời là huyện có vị trí trọng yếu về an ninh – quốc phòng của tỉnh. Ðây là lợi thế đặc biệt quan trọng để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng.

Kinh tế tăng trưởng nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Với 41 xã, thị trấn, huyện Quảng Xương chia thành hai vùng rõ rệt: đồng bằng và ven biển. Song phần lớn số dân vẫn sống bằng sản xuất nông nghiệp là chính, nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn không chỉ là sự quan tâm của các cấp uỷ Ðảng, mà còn là nỗi trăn trở của bà con nông dân. Bởi vậy, các cấp uỷ Ðảng và chính quyền xã, huyện cùng lo với dân, cán bộ huyện thường xuyên xuống xã để điều tra, xem xét từng vùng đất để từ đó vận động khuyến khích dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho hợp lý.

         Với chủ trương, sách lược phát triển hợp lý, đến nay, nhiều xã trong huyện đã lựa chọn cho mình hướng đi đúng. Trong đó có những xã đã chuyển hàng chục ha đất cấy lúa bị thoái hoá sang trồng cói, phục vụ nhu cầu phát triển thủ công nghiệp. Ðiển hình là xã Quảng Khê, từ một xã trong nhiều năm thuộc diện đói nghèo, đất thoái hoá đã chuyển 100 ha lúa năng suất thấp sang trồng cói, giá trị thu nhập từ một sào trồng cói gấp 4 lần giá trị thu nhập từ 1 sào trồng lúa. Các xã Quảng Hợp, Quảng Ninh… cũng chuyển sang trồng hàng trăm ha dâu nuôi tằm. Nhờ vậy, hiện nay, giá trị thu từ những ha trồng cói, dâu được nâng lên, qua đó tạo nguồn nguyên liệu góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiêp – tiểu thủ công nghiệp. Nếu năm 2001 tốc độ phát triển chỉ đạt 15% thì sang năm 2002 đã tăng lên 17%, năm 2003 đạt khoảng 18,5%. Ðối với các xã đất ruộng màu mỡ, Uỷ ban nhân dân xã đã chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, coi trọng cả ba vụ trong năm, tăng nhanh diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa, đồng thời đưa vào triển khai canh tác những giống lúa cho năng suất cao. Trong đó, giống lúa lai F1 được đưa vào canh tác đã cho năng suất ban đầu khá cao, giống lúa Bác Ưu 903 đạt 22 tạ/ha. Do đó, dù nhiều xã đã chuyển sang trồng cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhưng sản lượng lúa của huyện Quảng Xương vẫn khá cao. Huyện Quảng Xương vẫn được coi là huyện trọng điểm lúa của tỉnh.

         Vùng đất chua ven biển chi chít hố bom ở phía bắc sông Yên một thời để cỏ, lau mọc um tùm, giờ đây đã được cải tạo thành đồng nuôi trồng thủy sản nước lợ. Từ Quảng Trung, Quảng Chính… qua vùng bãi ngang, cát trắng đến các xã Quảng Phú ở hạ lưu sông Mã, diện tích trồng triều cứ thế nhân rộng mãi, kéo dài đến hút tầm mắt. Vẫn đất cũ, người cũ (dân xứ Quảng), nhưng tư duy kinh tế, phương thức sản xuất mới đang được nhân rộng, đánh thức tiềm năng vùng triều. Cùng với chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, các địa phương đã quy hoạch lại diện tích vùng triều, mở rộng đồng nuôi, mạnh dạn chuyển nhiều ha đất trồng lúa và cói cho năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản nước lợ. Theo số liệu thống kê, năm 2002, sản lượng thu hoạch thủy sản nước lợ ở Quảng Xương đạt 849 tấn trong đó có 450 tấn tôm sú, nâng sản lượng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản ở Quảng Xương lên 6.700 tấn, tăng 15% so với năm 2001.

         Không những tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Quảng Xương tăng lên qua các năm, mà tỷ trọng dịch vụ thương mại cũng theo một hướng đi mới. Nếu năm 2001 tốc độ tăng trưởng là 11,97%, chiếm 28,14% GDP, thì đến năm 2002 đạt 13,7% chiếm 19,09%. Trong đó, công nghiêp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại tăng cả về tốc độ lẫn tỷ trọng trong GDP, tạo nên sự phát triển bền vững lâu dài cho Quảng Xương.

Kết cấu hạ tầng, giao thông phát triển mạnh

         Cùng với sự tăng trưởng cao của kinh tế, các vấn đề xã hội và kết cấu hạ tầng của Quảng Xương ngày càng được củng cố và cải thiện. Là huyện có số dân đông nhất nhì trong tỉnh, năm 2002, toàn huyện có 110.850 lao động, thường xuyên có 9 -10% lao động thiếu việc làm. Lượng lao động dồi dào, tạo nên lợi thế về nhân lực, nhưng hiện nay vẫn chưa phù hợp với sự phát triển của kinh tế, hàng năm huyện vẫn phải tổ chức làm đầu mối để đưa dân đi phát triển kinh tế ở nhiều tỉnh. Năm 2002, bằng nhiều hình thức khác nhau như tạo việc làm tại chỗ, tham gia xuất khẩu lao động, huyện đã giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động, góp phần giảm số hộ đói nghèo xuống còn 16,5%.

         Ðến nay, hệ thống giao thông thuỷ lợi cơ bản đã được hoàn thiện. Hiện nay, 100% số xã đã có đường ôtô đến xã, toàn huyện có 60 km đường rải nhựa, hệ thống cầu cống trên các trục đường giao thông đảm bảo thông tuyến, không những tạo nên thuận lợi cho việc đi lại, mà còn là một trong những tiền đề cơ bản để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Ðối với hệ thống thuỷ lợi, hiện có 65% diện tích sản xuất được tưới bằng nguồn nước tự chảy (8.000 ha), 35% diện tích còn lại được tưới bằng nguồn nước tạo nguồn với hình thức chủ yếu là bơm điện và bơm dầu (4.000 ha), kênh mương tưới phần lớn đã được xây dựng và kiên cố, tạo thuận lợi lớn cho nông nghiệp phát triển. Mạng lưới điện, nước không ngừng được củng cố, đến nay, hiện có 85% số dân được dùng nước hợp vệ sinh, 99% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia.

         Mạng lưới thông tin liên lạc được phát triển nhanh và từng bước được hiện đại hoá, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ cho việc trao đổi thông tin trong sản xuất cũng như nhu cầu tình cảm. Hiện nay, toàn huyện có 37 trạm bưu điện văn hoá xã.

         Giáo dục và y tế là hai vấn đề luôn được quan tâm ở Quảng Xương, kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc giảng dạy và học tập ngày càng được xây dựng và hoàn thiện. Hầu hết các xã đều có cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng được sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ của người dân. Văn hoá xã hội phát triển, an ninh chính trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư.

Giải pháp phát triển các ngành sản xuất chính Về nông nghiệp – ngư nghiệp:

         Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, coi trọng cả ba vụ mùa trong năm, tăng nhanh diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa, đưa hệ số sử dụng ruộng đất lên 2,45 – 2,5 lần vào năm 2005. Ðảm bảo vững chắc về an toàn lương thực, gắn tăng năng suất cây trồng với giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.

         Mở rộng quy hoạch vùng sản xuất cây công nghiệp và cây xuất khẩu đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp – thủ công nghiệp (cói, đay, dâu tằm…) và sản phẩm cho xuất khẩu (tơ, tằm, lạc…).

         Quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản ở phía nam, phía bắc huyện và vùng ven biển. Phấn đấu đến năm 2005 nuôi trồng được 1.500 ha tôm, cua xuất khẩu. Trước mắt bố trí nuôi tôm công nghiệp ở các xã ven biển và các xã vùng phía nam huyện trên 300 ha.

Về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

         Tập trung phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh với tốc độ tăng GDP năm 2005 là 20%.

         Quy hoạch cụm công nghiệp du lịch Tiên Trang trên 300 ha (hiện nay, Công ty SOTO đã sử dụng 40 ha, thu hút gần 1.000 lao động dệt len xuất khẩu), dành quỹ đất tạo điều kiện cho các đối tác vào sản xuất công nghiệp, du lịch sinh thái.

Phát triển các ngành dịch vụ và du lịch:

         Xúc tiến triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch nam Sầm Sơn, quy hoạch 512 ha giai đoạn I: quy hoạch chi tiết 270 ha, hướng bố trí xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sức và tắm biển, vui chơi giải trí, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục lập các dự án để đầu tư kết cấu hạ tầng để sớm khai thác tiềm năng vùng biển.

         Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các cơ sở dịch vụ tạo ra nhiều loại hình dịch vụ có quan hệ mật thiết với nhau trên địa bàn như: dịch vụ tư nhân, tổ hợp tác dịch vụ…

         Ðể có thể đạt được mục tiêu đã đề ra đến năm 2005, thu hút được các nhà đầu tư vào các dự án nhằm phát triển kinh tế – xã hội của huyện, Quảng Xương ngoài việc thực thi tốt những chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước và tỉnh Thanh Hoá còn có những chính sách riêng của huyện như: mặt bằng sản xuất và điều kiện thuê khá thuận lợi; chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng mức giá thấp nhất trong khung giá Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định; liên doanh cùng địa phương để tổ chức sản xuất; tạo một hành lang pháp lý bảo vệ an ninh – trật tự và môi trường trong sạch; giải quyết nhanh gọn về thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Tất cả những chính sách đó đã và đang phát huy tác dụng trong những năm qua, nó được minh chứng bằng sự phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Xương, thể hiện được sự đổi mới tư duy của một huyện với truyền thống sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, giờ đây đã nhận thức được cần thiết phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển.

Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư

         1) Xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp 300 ha (ở xã Quảng Trung, Quảng Chính) và các xã vùng ven biển có khả năng nuôi trồng thuỷ, hải sản.

         2. Ðầu tư vào Khu du lịch nam Sầm Sơn giai đoạn I: 270 ha. Xây dựng khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.

         3) Xây dựng cụm công nghiệp – du lịch Tiên Trang với quy mô 300 ha, tập trung vào các hạng mục: đầu tư mới các hoạt động sản xuất công nghiệp; khu du lịch tắm biển, vui chơi giải trí; xây dựng cảng cá Quảng Nham; xây dựng các cơ sở chế biến hải sản biển.

         4) Thực hiện quy hoạch mở rộng thị trấn, là trung tâm của huyện lỵ. Trong đó, xây dựng khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng khu vui chơi giải trí, thể thao; xây dựng khu giới thiệu quảng bá sản phẩm trong huyện.

         5) Xây dựng cơ sở chế biến súc sản, hải sản đông lạnh tại xã Quảng Lĩnh công suất 2.000 tấn/năm, vốn đầu tư 5 tỷ đồng.

         6) Cần đầu tư cho các tuyến đường giao thông chính và cơ sở vật chất trường học cao đẳng.

Quảng Xương (Thanh hóa) giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống

Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ hội nhập, huyện Quảng Xương đã huy động được sức mạnh tổng hợp trong công tác giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền có những giải pháp cụ thể để tạo sự chuyển biến trong công tác gìn giữ, phát huy các  giá trị văn hóa truyền thống. Hằng năm, phòng tập trung chỉ đạo và hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nhiều cộng tác viên, diễn viên quần chúng đã tham gia các chương trình hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh đạt thành tích cao. Các diễn viên quần chúng từ cơ sở đến huyện có nhiều cơ hội giao lưu văn hóa, văn nghệ với các đơn vị trường học, các ngành trong huyện và các huyện trong tỉnh. Qua đó, giới thiệu và tuyên truyền một số nét văn hóa đặc sắc của huyện, đồng thời tăng cường đoàn kết gắn bó, trao đổi học tập kinh nghiệm trong hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thông qua những làn điệu dân ca, những câu hò, bài chòi đặc sắc và các trò chơi dân gian mang đậm hơi thở của ngư dân vùng biển đã góp phần khơi dậy, gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp, cổ vũ, vận động bà con quý trọng và phát huy vốn văn hóa truyền thống trong xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trên cơ sở Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa 23, nhiệm kỳ 2006-2010, UBND huyện đã ban hành một số văn  bản chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để các ban, ngành chức năng thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, qua đó nâng cao nhận thức và chuyển biến thành hành động của nhân dân trong việc xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của địa phương… Trong hơn 4 năm qua, huyện đã thành lập được hàng chục câu lạc bộ (CLB) văn nghệ truyền thống, có hàng trăm ca khúc viết về quê hương, đất nước, con người Quảng Xương và bộ đĩa VCD “Quảng Xương với những làn điệu dân ca truyền thống”… Trong quá trình bảo tồn, huyện từng bước khôi phục thể loại hát chèo, đặc biệt thành lập các CLB hát chèo ở các xã Quảng Bình, Quảng Lưu, Quảng Châu – được xem là cái nôi của hát chèo để bồi dưỡng, nâng cao nhân ra diện rộng. Khôi phục, xây dựng các CLB hát tuồng (Quảng Bình), đây là loại hình “thiếu vắng bóng dáng” nghệ nhân, rất khó khăn cho việc khôi phục, tuy nhiên khi CLB đã thành lập, có dòng họ tất cả con cháu đã tích cực tham gia vừa là diễn viên, vừa viết lại kịch bản những vở tuồng cổ, như vở Sơn Hậu, Lưu Bình Dương Lễ… Đáng chú ý là CLB “Hát Nhà trò Văn Trinh”, toàn bộ hội viên, diễn viên chưa hiểu biết về thể loại hát này, đều mới “làm quen” khi được UBND huyện mời nghệ nhân ca trù về dạy, đến nay đã biểu diễn được các làn điệu như hát dâng hương, hát nói, hát lót… và đoạt được nhiều giải cao trong các kỳ hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Hát giao duyên cửa đình – thể loại này tồn tại ở các địa phương có đình, đền, miếu, nghè, nhưng hiện tại trên địa bàn huyện chỉ còn lưu giữ duy nhất tại đền Phúc (Quảng Nham), được biểu diễn hằng năm vào lễ hội mùa xuân cũng đã được những nghệ nhân nơi đây lưu giữ lại bằng sách, vở và đĩa VCD… Hay trò diễn Tú Huần – một trong  những sinh hoạt văn hóa dân gian và trong lễ thiết triều hằng năm, được các nghệ nhân, nhân dân xã Quảng Yên lưu giữ đến ngày nay.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong năm 2009 và những năm tiếp theo, huyện xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể sát với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương; trong đó, tập trung vào việc duy trì các lễ hội truyền thống đúng hướng, lành mạnh; trùng tu, tôn tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện, từng bước cải thiện, nâng cao mức hưởng thụ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân

Quảng Xương – Thanh Hóa: Điểm du lịch lý tưởng cần đầu tư khai thác

Nằm trong vùng phụ cận các trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa, Quảng Xương có gần 20km bờ biển và có nguồn nước ngầm nóng bổ trợ cho ngành du lịch Thanh Hóa phát triển không chỉ vào mùa hè

Biển Quảng Xương được tính từ Nam núi Trường Lệ về phía Bắc huyện Tĩnh Gia, bao gồm 7 xã, gần 20km là bãi biển có độ thoải, nước trong xanh, sóng biển vỗ mạnh, môi trường trong sạch, hải sản tươi sống, giá cả hợp lý…

Từ tiềm năng du lịch sinh thái của biển Quảng Xương, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 xã Quảng Vinh, Quảng Hùng (Quảng Xương) được nằm trong tầm ngắm quy hoạch phát triển du lịch Nam Sầm Sơn, song thời gian này cơ sở hạ tầng thấp kém, một số thủ tục hành chính chưa thu hút được đầu tư, dự án này ngủ dài trong nuối tiếc của các nhà kinh doanh du lịch. Không để lãng phí những gì mà thiên nhiên ban tặng, mấy năm trở lại đây các địa phương có biển đã hình thành tụ điểm du lịch. Ví như: xã Quảng Vinh bờ biển hình cánh cung dài chừng 2km đậm nét từ rừng phi lao xanh tốt, vùng đất này khá yên tĩnh do một phần dành nuôi ngao, chỉ khi chiều đến mới tấp nập tàu, thuyền về bến đậu thu hút nhiều du khách từ Sầm Sơn tràn sang thưởng ngoạn. Hay biển Quảng Đại, Quảng Thái,… đều có quán ăn, bãi tắm. Đặc biệt là Quảng Nham có cảng cá – bến đậu và là nơi giao lưu hàng hóa của hàng trăm tàu khai thác hải sản của ngư dân địa phương và các tỉnh trong nước.

Biển Quảng Xương hấp dẫn bởi chưa mảy may bị ảnh hưởng văn hóa chụp giật của các dịch vụ, du khách có thể cùng tham gia kéo lưới với ngư dân, sản phẩm là những con cua, tôm, cá sống và du khách được chọn theo sở thích. Sau chén rượi “nút lá chuối” khách và chủ có thể say giấc nồng trên từng chiếc võng cói dưới hàng phi lao trong mát của gió biển mà quên đi những ngày hè oi bức.

Cùng với thế mạnh của bãi biển, nước trong xanh không bị ảnh hưởng của sông ngoài, du khách có thể thưởng thức tắm nước nóng tại thôn Chín Cảnh, xã Quảng Yên (cách TP. Thanh Hóa chừng 8km về phía Tây), trong khoảng diện tích 10ha có 7 hộ đang kinh doanh tắm nước nóng. Theo anh Nguyễn Văn Tính, người có 20 phòng tắm: năm 2000 gia đình anh khoan giếng ở độ sâu chừng 50m đã gặp mạch nước nóng trên 40 oC. Từ đó đến nay các hộ trong thôn đã khai thác nguồn nước nóng ngầm để dịch vụ tắm mùa đông với hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Sở dĩ nguồn nước nóng này hấp dẫn du khách, vì năm 2001 Công ty đo lường chất lượng nước Trung ương đã lấy mẫu xét nghiệm và kết luận: “nước ngầm tại thôn 9 xã Quảng Yên, Quảng Xương sử dụng tốt cho sức khoẻ”. Cũng vì nước nóng tự nhiên một số người dân thành phố đã về đây mua đất làm nhà với mục đích nghĩ dưỡng tuổi già.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Chính cho rằng: Ngoài thế mạnh du lịch biển và nguồn nước nóng tại xã Quảng Yên thì Quảng Xương còn có hàng chục di tích lịch sử văn hóa chưa được giới thiệu nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay Quảng Xương đang lập dự án khai thác du lịch tắm nước nóng mùa đông để bổ trợ cho du lịch Thanh Hóa nói chung, du lịch biển Sầm Sơn và du lịch sinh thái biển Quảng Xương nói riêng. Tuy nhiên vấn đề vĩ mô này một mình Quảng Xương có thể phải mất một thời gian dài mới thực hiện được. Chỉ tính riêng khu vực có nguồn mạch nước nóng nếu khai thác hết tiềm năng bước đầu phải đầu tư nhiều tỷ đồng. Hiện Quảng Xương đang trải thảm kêu gọi nhà đầu tư, bên cạnh đó rất cần các ngành, cấp quan tâm đến lĩnh vực này để du lịch xứ Thanh hấp dẫn cả bốn mùa.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây