Tác giả Nguyễn Nhã Tiên

Tác giả Nguyễn Nhã Tiên

NGUYỄN NHÃ TIÊN 

20221011 101851 min - Tác giả Nguyễn Nhã Tiên

 Dharamsala- xứ sở bình yên

Bút ký: Nguyễn Nhã Tiên

Trải dài dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, cao nguyên Dharamsala là một thành phố nhỏ thanh bình, trong xanh ẩn mình trong những cánh rừng thông  cao vút bạt ngàn. Người Ấn Độ bản địa ở  vùng núi non nơi đây gọi tên loại thông này là: Tuyết tùng hy. Tôi đoán chừng, đây là giống tùng trên núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn mọc trải dài xuống tận chân núi. Thế nhưng thấy trong một vài sách hướng dẫn thì ghi tên loài thông này là: Himalayan cedar. Cao nguyên Dharamsala  nằm trong hệ thống chân núi Hy Mã Lạp Sơn trên độ cao 1600 mét thuộc bang Himachal Pradesh . Đâylà một trong những trung tâm Phật học lâu đời nhất, nghe đâu thắng tích này từng lưu lại dấu chân của ngài Huyền Trang trên đường thỉnh kinh Tây Trúc. Dù là  miền cao nguyên ở vùng cực bắc của Ấn Độ và đang thời gian mùa xuân chuyển dần sang hạ  , nhưng khí hậu ở nơi đây khá mát mẻ, không oi bức  nắng nóng và hừng hực những cơn gió sa mạc thổi  ngày đêm như ở New Delhi. Có những đêm trời trở lạnh, sa mù giăng kín khắp núi đồi thị trấn, tôi một mình đi dạo trên những con đường phố nhỏ. Ánh đèn đường vàng úa soi mờ huyền ảo nhấp nhô đồi dốc, mặc sức cho trí tưởng lang thang trên xứ sở núi tuyết thuộc vào hàng khai thiên lập địa của đất nước Ấn Độ.

20220326 175939 min - Tác giả Nguyễn Nhã Tiên

Người ta chia Dharamsala ra làm ba vùng: Vùng cao nhất có tên gọi là Meleod Ganj, vùng chính giữa là Kotwali Baza và vùng thấp nhất giáp với đồng bằng là Kacheri. Vì những lí do lịch sử nên chính phủ Ấn Độ từ lâu, đã cho phép người Tây Tạng tha phương dưới sự chăn dắt tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma được định cư trên cao nguyên này. Hầu hết người Tây Tạng tại đây sinh sống trên vùng núi cao nhất Meleod Ganj, vì thế người ta còn gọi thị trấn này là “tiểu Lhasa”, tức là thủ đô nhỏ Lhasa của dân tộc Tây Tạng.  Những ngày trên đất nước Ấn Độ, tôi có thời gian dài ở trong một khách sạn trên cái vùng núi non chênh vênh – “tiểu Lhasa” ấy. Cũng vì thế, không dưng mà  tôi được làm người “láng giềng” đến những hai xứ sở: Ấn Độ và Tây Tạng, nơi mà sự huyền nhiệm của đất đai thổ nhưỡng và con người, tưởng như cứ mãi là niềm bí mật bất tận, luôn kích thích mọi nỗi ham hố của con người từ khắp các châu lục đổ về khám phá.

Có thể đấy là đoàn người mộ đạo hành hương về đất Phật với phát nguyện được chiêm bái các thắng tích vang danh nghìn năm: Những Bồ Đề Đạo tràng( Bodhgaya), vườn Lộc Uyển( Sarnath), rừng Sa La( Kusinara). Và, kể cả quá cảnh Nepal viếng vườn Lâm Tỳ Ni ( Lumbini) nơi Đức Thích ca chào đời những hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Có thể đấy là những người muốn được một lần khám phá “thánh tẩy” trên con sông Hằng. Được thỏa mãn cái nhãn quan đầy ắp lãng mạn, ngắm nhìn cảnh huyền bí nhất tại Varanasi nằm kề bên bờ sông,  nơi các tín đồ Ấn Giáo tập trung hành Lễ cầu nguyện và gội rửa hết mọi bụi bặm tội lỗi. Bạn là người say mê những di sản nổi tiếng thế giới hay là nghệ thuật kiến trúc cổ thuộc vào hàng xa xưa nhất? Đất nước Ấn Độ giàu có tất cả những di sản ấy, đến nỗi gọi đấy là những con đường vô tận cũng được, bởi tôi tin rằng, khó có thể cho bất cứ ai khám phá được hết tất cả chiều kích cái đẹp và lớp lớp tầng vỉa văn hóa trên đất nước bao la này. Từ hang động Ajanta, khu di tích vùng Ellora miền tây Ấn với những kiệt tác mĩ thuật trong các ngôi chùa hang cho đến những đền đài cổ Vishvanatha miền trung Ấn ở Khajuraho. Từ những bảo tháp Phật giáo Sanchi đến pháo đài cổ Agra. Và, như Tagore – người con của Ấn Độ, thi sĩ mà cả dân tộc Ấn Độ tụng xưng là bậc Thánh sư, là “Gurudev”, chính cái thị lực siêu việt của Tagore khi đứng trước lăng Taj Mahal đã phải thốt lên : “ Đây là một bài thơ tình yêu bằng đá cẩm thạch”. Dường như bất cứ ai đã từng đến Ấn Độ, từng chiêm ngưỡng sự kì vĩ của lăng tẩm Taj Mahal, đều hiểu rằng đấy là biểu tượng về cái đẹp, không chỉ của một dân tộc, mà còn là di sản văn hóa nhân loại,một công trình kiến trúc lịch sử mang tầm vóc thế giới. Còn người dân Ấn thì lúc nào cũng giàu có sự lãng mạn, họ nói theo tinh thần Tagore, rằng đấy là bài thơ tình yêu vĩnh hằng!

Screenshot 20220420 223239 Photos min - Tác giả Nguyễn Nhã TiênNhà văn Nguyễn Nhã Tiên

Trên đường tới Dharamsala, tôi chỉ có hơn hai đêm dừng lại tại New Delhi. Ngần ấy thời gian thì thấy được gì, hiểu được gì về thủ đô rộng lớn của một đất nước mênh mông như Ấn Độ. Ngồi trên ô tô mà quan sát thì quả chỉ là lướt qua như một cơn gió thoảng, nó còn tệ hại hơn cả sự ví von  “cưỡi ngựa xem hoa”. Những con đường phố rộng thênh thang chạy dài như thẳng tới chân trời, lại tầng trên tầng dưới, và hình như dưới nữa, trong lòng đất là cả mạng lưới metro hiện đại ngang dọc. Tất cả tấp nập người và xe lướt qua ô cửa kính. Người tài xế chừng như hiểu được sự khát khao ngắm nhìn xứ lạ của những vị khách trên xe, và cũng có thể như muốn giới thiệu cho những người khách nước ngoài biết về thủ đô xinh đẹp của mình, anh cho xe chạy lòng vòng qua các công trình kiến trúc đồ sộ như phủ tổng thống, tòa nhà quốc hội, hay cổng Ấn Độ – một công trình cao vút ửng màu đá đỏ dưới nền trời xanh, nơi tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh qua các cuộc chiến tranh. Vâng, quả là một New Delhi tầm vóc vô cùng hiện đại. Nhưng, những tòa nhà, cao ốc, biệt thự to lớn lộng lẫy kia, những hệ thống giao thông xa lộ, đường cao tốc tầng tầng lớp lớp kia, tất cả không làm tôi choáng ngợp bằng những thành phố cổ kính lâu đời. Chính từng tác phẩm kiến trúc có tuổi tác trăm năm, ngàn năm, từ Delhi cho đến Khajuraho, từ Orchha cho đến Jaipur, hay là Vanares, Calcutta…, những “vị thần” thời gian tuyệt tác ấy minh chứng cho chúng ta về một sức sống vĩnh cửu: “Nghệ thuật thì trường tồn còn thời gian chỉ là thoáng qua”.

Đi giữa một Delhi cổ xưa nằm bên hai bờ dòng Yamuna, đây là thành phố mà người Ấn Độ kiêu hãnh bảo rằng: Xứ sở có cư dân lâu đời nhất của nhân loại. Tôi cũng chẳng rõ thành phố cổ xưa nhất hay là thứ nhì, thứ ba…, nhưng có điều này thì dứt khoát tôi tin xếp vào vị thế thứ nhất, nói chính xác hơn là độc nhất vô nhị. Bạn thử tưởng tượng bên cạnh những lầu đài cao ốc nguy nga đồ sộ giữa một đô thị hiện đại là những túp lều vải rách nát tạm bợ, Bên những dòng xe ô tô các loại bóng lộng vi vút trên đường phố là một đàn bò thủng thỉnh thản nhiên đi giữa đường phố như nhẩn nha tìm cỏ  giữa đồi hoang. Những chiếc xe lôi nặng nề ì ạch của thời xưa nào xa lơ xa lắc, người đạp xe còng lưng kéo theo sau hàng núi đồ cồng kềnh như thi thố ngược chiều với những chiếc mô tô phân khối lớn. Cho dù thời tiết Delhi hầm hập hơi nắng nóng, những cô gái Ấn vẫn sari truyền thống mặc choàng kín từ đầu đến chân. Và còn gì nữa, những chiếc xe tuk tuk ba bánh máy nổ chát chua phì khói trên đường , bác thợ cắt tóc dạo hành nghề dưới bóng râm cổ thụ bên lề đường, mấy kẻ ăn xin nằm ngủ trên vỉa hè…Cái giàu có và cái nghèo đói đến tả tơi cùng phơi bày ra trước nhật nguyệt. Cái cổ xưa và cả cái lạc hậu cùng với sự hiện đại tột cùng ngược chiều nhau, nhưng lại cùng tồn tại phơi mở ra chung một thời gian,một không gian. Và đấy mới là một đặc điểm lạ nhất của Delhi, của nhiều thành phố khác ở Ấn Độ. Bỗng dưng tôi nhớ đến những câu thơ của Tagore: Bạn ơi, đến đây đừng nao lòng. Hãy bước đi trên trái đất cằn khô !

20221011 102345 min 667x1024 - Tác giả Nguyễn Nhã TiênNhà văn Nguyễn Nhã Tiên

Dharamsala không như bất cứ một thành phố nào trên đất nước Ấn Độ, nó có vẻ còn mang dáng dấp một thị trấn phố núi nhỏ nhoi và cách biệt như ẩn mình trong cổ tích trong xanh và bình yên đến lặng lẽ. Những con đường phố nhỏ hẹp và dốc ngược, hai bên đường chen kín những hàng quán và kiốt nhỏ bày bán hàng hóa lưu niệm cho khách du lịch. Những cái chợ xép nhỏ đến không thể còn nhỏ hơn ở đầu phố này, cuối phố kia, lô nhô ra cả mặt đường. Tất cả chuyện buôn bán trên xứ sở này hầu như đều giao cho cánh trai tráng đàn ông lo toan từ vặt vãnh đến buôn bán lớn, từ mớ rau xanh, thúng củ quả đến nhà hàng ăn uống khách sạn…Tất tần tật đàn ông con trai lo liệu, ít nơi nào thấy bóng dáng của người phụ nữ Ấn trong các công việc đó. Nhưng tất cả mọi sinh hoạt thường nhật đó không phải là gương mặt sức sống của Dharamsala, mà chính là những tu viện lớn đầy nghiêm mật thoáng ẩn thoáng hiện dưới bóng núi xanh biếc tuyết tùng hy.

Nha van Nguyen Nha Tien va cac sinh vien Tu vien Gyuto Tangric Monastic University - Tác giả Nguyễn Nhã TiênNhà văn Nguyễn Nhã Tiên và các sinh viên Tu viện Gyuto Tangric Monastic University ( Dhramsala)

Hóa ra sức sống tâm linh không hề có sức vang dội mà sự chuyển hóa đến vô bờ. Những ngày ở Dharamsala, có những chiều lang thang dưới chân núi, hoặc ngồi hàng giờ trên sân thượng khách sạn ngước nhìn thưởng ngoạn núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng có lẽ nơi tâm hồn tưới tắm sự bình yên chính là những lúc tôi có dịp vào viếng các tu viện: Namgyal, Monatery, Gyuto Tantric Monastic University. Mà nào phải riêng gì tôi, hàng ngàn hàng vạn người đủ các màu da, đủ các sắc tộc châu Âu châu Phi…Tất cả lũ lượt hành hương kéo về, đường phố đan kín người và người. Cứ thế, ngày nọ ngày kia, họ đến cho kịp một ngày pháp hội, hay họ đến cũng như tôi, giũ bỏ bụi bặm đường xa, thân tâm nhẹ tênh đi giữa đất trời, lắng nghe sự huyền nhiệm của Dharamsala, tưởng như vô vàn tiếng gió ngàn nơi đây cũng thành lời diệu pháp!

 

Mây Mỹ Sơn

Bút ký: Nguyễn Nhã Tiên

Vẽ một cõi chân mây lô nhô những đỉnh tháp và thấp thoáng áo chàm bay, tôi nhìn ra từ bức tranh ấy một thế giới huyền hoặc mơ hồ. Những cô gái Chăm xõa tóc, những vũ nữ Apsara ửng gam màu ráng chàm như kí gửi vào vô tận một hoàng hôn vĩnh cửu.  Người hoạ sĩ khắc hoạ nên cái đẹp vừa như ưu du, lại vừa thăm thẳm một chân trời, hàm ý như muốn tạo dựng một quê quán siêu hình – nơi sinh thành những tưởng vọng về một “nước non Hời “ lấp lánh đầy ngấn tích và huyền thoại. Vẽ vời ra như thế, và rồi hoạ sĩ nói với tôi :” Mây Mỹ Sơn là thế đấy !“. Bức tranh ấy đến nay đã gần tròn ba chục năm rồi, còn hoạ sĩ cũng đã là người xưa từ hơn mười năm nay. “ Mây Mỹ Sơn “ – chốn ấy bây giờ có lẽ còn có cả cái bóng dáng gầy gò cô đơn của anh – cố hoạ sĩ Lê Khắc Duyệt, như lẫn vào đâu đó, tan vào đâu đó giữa cái màu mây chàm mông mênh in trên nền trời xa vắng.

20221011 103246 min - Tác giả Nguyễn Nhã Tiên

Tôi lại nhớ về một Hoàng Tư Thiện một lần đến Mỹ Sơn, không biết nhìn những cổ tháp kia, những dòng chữ sancrit lẫn cùng rêu xanh trên những bi ký bằng đá kia, thi sĩ đọc ra từ đó những gì mà thơ anh lại lồ lộ nhan sắc phơi bày giữa nguyệt nhật : “Đứng trước tôi một cô gái Chiêm Thành. Đôi mắt nhìn qua lớp đá thời gian. Thẳm sâu đêm nhiệt đới. “ Và, bây giờ thì thi sĩ chẳng còn phải đối diện với “ cô gái Chiêm Thành” nào hết, mà cũng như Lê Khắc Duyệt, một mảnh linh hồn anh có thể đang rong chơi giữa rêu cỏ hoang vu này. Và rồi còn biết bao nhiêu người đã từng có những khoảnh khắc lãng du qua đây – cái xứ sở “nước non Hời “đầy trắc ẩn trong thơ Chế Lan Viên, chừng như bao giờ cũng hàm chứa sự bí ẩn và biết khơi gợi trí tưởng con người như một thách thức đi tìm lời giải đáp của vô tận.

Đi dưới chân những ngọn đồi dốc thoải dọc theo triền núi Chúa xanh thăm thẳm vào một buổi chiều ửng tím màu mây chàm. Từ đây nhìn về hướng Sông Thu Bồn, khu đền tháp Mỹ Sơn mờ tỏ trong những vòm cây như biết trôi đi cùng mây bay. Không biết có phải từ vọng tưởng mà ra, hay là gió Mỹ Sơn là thứ gió chất chứa đầy những tiếng vọng, bỗng dưng, chẳng can cớ gì đến thơ Quang Dũng, tôi lại ngâm tràn thơ ông như thi thố cùng âm vang gió núi “Một chút linh hồn nhỏ. Đi về chân núi xanh. Chiều tím về chầm chậm. Hoàng hôn nghe một mình.” Quả là tôi đang một mình nghe hoàng hôn Mỹ Sơn chầm chậm gieo vãi nên một thứ âm thanh xốn xang có sức vang hưởng đánh thức từng quá khứ. Chẳng phải quá khứ là nói đến bề dày của lớp lớp tầng vỉa văn hoá qua những dòng bia ký, với tên tuổi của những vì vua như Bhadravarman, Rudravarman cho đến Jaya  Paramesvaravarman hay là Jaya Simhavarman, – những vương triều Chămpa đã tạo dựng và trùng tu gìn giữ Mỹ Sơn trải qua nhiều thế kỉ. Cũng chẳng phải quá khứ là tôi hồi tưởng lại dấu chân của những nhà khoa học, những nhà khảo cổ học như L. Finot, H. Parmentier… đã có công phát lộ và nghiên cứu về Mỹ Sơn – một công trình kiến trúc của vương quốc cổ Chămpa. Ngay cả tiếng thơ Aryan cho đến lời kinh Veda sương khói thì cũng xa xăm và tràng giang như âm vang dòng sông Hằng truyền thuyết, dường như với tôi, có nghe đâu đó cũng chỉ để mà nghe, như trẻ thơ ngồi nghe cổ tích về một thế giới bí nhiệm và đầy ắp những vị thần :Thần sáng tạo, thần nhan sắc, thần hủy diệt… Có lẽ chính sức sống của niềm tin thơ ngây và trong trẻo là xứ sở, là non tiên – nơi những vị thần Shiva, Visnu… cứ thỏa sức mà lung linh trong trí tưởng của những tín đồ. Vậy thì còn có những gì vang hưởng, những gì biết đánh thức từng quá khứ trên những lối đi mòn trong thung lũng Mỹ Sơn này?

Nha van Nguyen Nha Tien 2 min - Tác giả Nguyễn Nhã TiênNhà văn Nguyễn Nhã Tiên

Có vẻ như mỗi người qua đây tự biết đối thoại với gạch đá rong rêu của cổ tháp này để tìm lời giải đáp. Có những vị khách du lịch mà tôi đã thấy, đã nghe họ trò chuyện với nhau sau khi đã lòng vòng khắp tất cả đền tháp. Rồi lại đem Mỹ Sơn so sánh với Hội An, với Huế. Tôi muốn nói với những người khách đó rằng : Nếu nơi đây mà phồn hoa tấp nập như Hội An hay Huế thì làm gì vang bóng “Điêu tàn “ – một trong những quê xứ từng xây nên cõi thơ đẹp mê hồn của Chế Lan Viên. Thế có nghĩa là, ở một ý nghĩa nào đó, cái đẹp của Mỹ Sơn chính là ở chỗ sự phai tàn. Rằng đến đây chiêm bái, con người ta có cảm giác sẽ nghe được tiếng thời gian đi qua trên từng rạn vỡ mà hiểu ra cái lẽ vĩnh hằng của biến dịch, của non dời bể lấp.

Kazimier Kwiatkowsky – có lẽ là người am tường hết thảy mọi thanh âm Mỹ Sơn. Từ kinh nghiệm đó, người kiến trúc sư có gốc gác quê hương ở cái thành cổ Lublin vạn dặm trời Âu đã nợ duyên cùng đền đài tháp cổ xứ này. Chính ông là người đã sáng tạo ra cái thuyết trùng tu Kazik, tức là không làm theo nguyên mẫu theo kiểu sao chép, mà phải thể hiện dấu thời gian đi qua, thời đại đi qua. Và đấy mới chính là ý nghĩa, là cái triện son của mỗi thời in trên hình hài Mỹ Sơn . Kazik đã ăn ở suốt nhiều năm tháng với Mỹ Sơn, từ buổi khu thánh địa này còn ẩn khuất trong lau lách hoang vu. Giờ đây Kazik cũng đã là phần hồn của Mỹ Sơn, nơi ngày đêm những vị thần Kala canh gác giữ gìn, từ những Kalan cho đến chim muông, hoa lá, những kiệt tác điêu khắc, những linga và yoni… và đến cả hoa hoang cỏ dại. Bất cứ nơi đâu ở lòng thung lũng này, bây giờ người ta cũng đều có thể nghe được hơi hướm của Kazik, thấy được dấu vân tay của ông còn lưu lại trên từng viên gạch. Kết nối tất thảy mọi dấu vết đó lại, của một người, của nhiều người, của một thời, của nhiều thời, của cả những hữu thể và vô thể… thành ra Mỹ Sơn bát ngát thanh âm giữa lòng vạn thuở !

Nhưng thật khó mà đủ sức để thẩm thấu hết mọi âm thanh nơi đây. Nói gì đến Mỹ Sơn nghìn tuổi thăm thẳm con đường thời gian, mới chừng ba mươi năm trở lại đây thôi, con đường dẫn về Mỹ Sơn đã hun hút nhớ quên trong tôi một cõi “điêu tàn” rồi. Điêu tàn –  là cái thói quen tôi vin vào thơ Chế Lan Viên để nghe đá sỏi gọi câm dưới chân mình mà nhớ mà quên!

Chúng tôi đến Mỹ Sơn lần đầu không phải là những chuyến rong chơi cổ ngoạn gì, mà là do một sự tình cờ. Khu Tây – Duy Xuyên thời cỏ còn chưa đủ sức xanh trên cánh đồng hoà bình,thời ấy cũng như bao vùng quê khác vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh được vài ba năm. Những ngọn đồi trơ trọi nối liền Duy Hoà – Duy Tân còn ẩn chứa đầy những hiểm hoạ chết chóc, nơi đâu cũng gặp bom mìn. Thời buổi lo cái ăn còn hoa cả mắt, chẳng hơi sức đâu mà nói đến chuyện tìm kiếm phát lộ những công trình văn hoá, lịch sử bỏ hoang trong rừng rậm. Nhưng Duy Xuyên hồi ấy quyết xây dựng khu Tây thành một trung tâm, một thị tứ nhằm xoá đi bớt cái nghèo ảm đạm của một vùng đất chịu nhiều gian khổ mất mát trong chiến tranh. Theo chân các đoàn khảo sát kĩ thuật, chúng tôi lội khắp các vùng đồi núi khu Tây . Một buổi trưa từ nông trường Duy Xuyên về, xe hỏng máy tại khu vực gần cầu Khe Thẻ, vậy là trọn một buổi chiều chờ đợi sửa xe, chúng tôi có dịp băng rừng lội suối “chinh phục” Mỹ Sơn. Từ đó đến nhiều năm tháng về sau này, tôi không còn nhớ rõ mình đã đến đây bao lần. Khi thì với anh em bạn bè phương Nam, phương Bắc, lúc thì ngẫu hứng một mình, nhưng có lẽ cái lần đầu tiên khám phá Mỹ Sơn ấy là lần nhớ đời, nhớ thủa nhiều nhất.

Mỹ Sơn bây giờ mỗi ngày chừng như du khách mười phương tấp nập hơn, nhất là vào những dịp lễ hội. Ngay như tôi đang có mặt, hoàng hôn đang giăng tím khắp núi đồi Mỹ Sơn, vậy mà còn có du lịch Tây, du lịch ta dùng dằng chưa chịu ra về. Cả tôi nữa, hình như lúc Mỹ Sơn càng thanh vắng, cái đẹp lặng im của từng tháp cổ, của từng pho tượng đá bỗng khơi vơi trắc ẩn giữa lòng người, gieo vào lòng người một niềm xao xuyến như một chất liệu kết dính mơ hồ giữa thế giới này với lòng ta vậy! Cũng có thể bầu không khí Mỹ Sơn không mặn mà cho lắm với sự khua vang ồn ã, sự diêm dúa kiểu sức, một thứ khả nghiệm đám đông chạy theo những thú vui xa hoa ào ạt. Nếu hiểu rằng sự hoang vu và phai tàn là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn Mỹ Sơn trường cửu chứ không phải những ồn ã, hào nhoáng xúng xính trong những chiếc áo lễ hội thời thượng thì việc trùng tu phục chế tôn tạo khu thánh địa này, tức là làm thế nào để nguyên vẹn một Mỹ Sơn rõ nét dấu thời gian đi qua.

Nha van Nguyen Nha Tien 1 min - Tác giả Nguyễn Nhã TiênNhà văn Nguyễn Nhã Tiên

Nhớ một lần tôi làm “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ cho những vị khách quí ở Hà Nội,trong một ngày hăm hở cổ ngoạn Mỹ Sơn. Khách là những nhà thơ Võ Văn Trực, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa tiếng tăm thơ văn bát ngát, thành ra chẳng có gì phải gọi là …hướng dẫn. Đi cho vui, đi để học hỏi thêm, để thấm tháp thêm những điều mình chưa biết. Kết quả ngày đường hôm ấy tôi rút ra bài học, không phải chuyện…làm thơ, mà là chuyện xây dựng trùng tu Mỹ Sơn. Nói chính xác hơn là những niềm ưu tư, rằng nếu muốn xây dựng theo kiểu phục chế một Mỹ Sơn hoàn chỉnh, thì nên chăng khoanh một vùng riêng xây dựng giống như bản sao nguyên bản. Tại nơi mới mẻ đó có thể tuỳ thích mọc lên khách sạn, nhà hàng, khu giải trí để phục vụ khách du lịch. Riêng Mỹ Sơn nghìn tuổi, thì bằng cách trùng tu nào cũng không thể thay đổi hoặc thêm thắt bất cứ một thứ gì, lại càng không thể làm mới lại. Cái đẹp toàn bích của công trình kiến trúc cổ Mỹ Sơn là cần phải tôn trọng cảnh quang và hiện trạng, ở đó có cả đổ vỡ mất mát hao mòn, in đầy dấu mưa nắng và thời gian đi qua, chiến tranh và thiên tai địch họa đi qua. Tất cả sự hưng phế, tàn phai thể hiện trên thân thể Mỹ Sơn luôn thường hằng một thứ mật ngôn có sức vang dội, một tiếng gọi câm lặng mà lại có sức âm ỉ dội vào ngực người thưởng ngoạn như lớp lớp triều âm tuyên ngôn cho sự sống vĩnh hằng!

Tôi hiểu ra Mỹ Sơn có một thứ mật ngôn theo cách hiểu của mình. Mật ngôn của rêu, của tháp, của cả những tượng thần. Đi giữa một hoàng hôn thanh vắng, nói rõ hơn là nơi mà mọi âm thanh của gió ngàn và chim chóc trong thung lũng này, càng làm tăng thêm cho sự thanh vắng hun hút và thăm thẳm. Thoáng chốc cái màu mây chàm như biết ửng lên soi rọi xa xăm vào sự vật quanh đây. Sự vật có khi là viên gạch nung nghìn tuổi, có khi là những trụ đá, những Kalan ngửa nghiêng, nhưng dưới ánh rọi của sắc ráng chàm pha bỗng dưng tất cả biết cựa mình thức giấc. Thế giới của những vị thần sinh ra từ đấy chăng? Không hiểu sao cái trí nhớ cũng rất hoang vu của tôi lại liên tưởng đến các vị thần Apollon và Dionysos xuất hiện ở chân trời cũ càng Hy Lạp. Nếu Apollon là ngôn từ của thi ca thì Dionysos là sức sống và hành động. Cả hai vị thần này đã chi phối tâm hồn toàn Hy Lạp cổ để sinh thành bất tử thiên trường ca Homère lộng lẫy chân trời Hy Lạp. Mỹ Sơn cũng đã chứng tỏ sức thẩm mỹ của mình, không chỉ là chuyện nghìn năm, chuyện quá khứ, mà còn là sức sống lấp lánh từ cái chứng chỉ di sản văn hoá nhân loại đã mười mấy năm nay. Có điều tôi muốn nói đến một sự sống lặng lẽ hơn, nó chuyển hoá vô hồi vô hạn đến mọi tâm hồn khi đối thoại với Mỹ Sơn. Từ những bức tranh, những bài thơ bài hát, tất cả bồi đắp ngày ngày lên Mỹ Sơn, cho đến giờ đây chẳng làm sao nhớ nổi hết. Và đấy cũng là minh chứng về một sự sống, một sức sống trên nền một cảm xúc cộng đồng có thực mà Mỹ Sơn biết ban phát cho mọi người.

Hoàng hôn đã sẫm rồi mà cái màu mây chàm như chưa chịu lặng yên với tháp. Có vẻ như trên những lối mòn tịch nhiên giữa mây khói la đà kia đang có những bước chân xưa trở về. Tiếng thơ mơ hồ trong gió, tranh vẽ mơ hồ trong mây bay, phút giây ấy tôi ngẫu hứng diễn dịch ra : “ Hoàng hôn nhuộm rồi, Mỹ Sơn lẫn vào sương khói. Áo chàm bay mây thấp thoáng la đà. Tôi lẫn vào em, em lẫn vào hoang vắng. Cây cỏ và người muôn điệu Apsara” !

N.N.T

20221011 093555 min - Tác giả Nguyễn Nhã Tiên

NGUYỄN NHÃ TIÊN với DẠ KHÚC BÊN BỜ SÔNG LẤP (*)

Hai mươi năm “thương hải biến vi tang điền” (biển xanh biến làm ruộng dâu) kể từ sau những  hiện diện Giọt thơ ( 1972), Cõi về ( 1996), Khúc hồi âm của lá (2002),  thi sĩ Nguyễn Nhã Tiên mới trở lại thi đàn,  ra mắt Những thanh âm bên bờ sông lấp (vừa in xong cuối tháng 6/2022). Hai mươi năm với bao biến thiên của thời gian và cuộc đời nhưng thơ Nguyễn Nhã Tiên vẫn tươi tốt phù sa xanh biếc những linh hồn. Hơn 70 bài thơ được thi sĩ chọn in chung trong một tập sách dày 220 trang, quả một cánh đồng bội thu chữ nghĩa, dù ông khiêm tốn nhận Thơ tôi gieo cấy mười năm cả cánh đồng thóc lép/ không nên nổi mùa vàng giờ xin  cát hạt vui (Ngày ở với hồn nhiên). Đến với Những thanh âm bên bờ sông lấp, ta nhận ra tấc lòng Nguyễn Nhã Tiên trong mối tình tiền kiếp lót ở ngoài chân mây của một thi sĩ tha thiết với thơ ca, làng quê và với chính cuộc đời này.

Nhung thanh am ben bo song lap Nha tho Nguyen Nha Tien - Tác giả Nguyễn Nhã Tiên

Lạc vào rừng thơ Nguyễn Nhã Tiên, ta chú ý nhiều đến những khúc đêm xuất hiện đậm dày trong thi phẩm bởi khoảng không, thời gian ấy là thời khắc ông tự vấn để suy tư, chiêm nghiệm về sự đổi dời dâu bể. Xưa Trần Tế Xương đã từng thở dài khi con sông Vị Hoàng của quê hương ông bị san lấp, hay nói rộng hơn là nỗi đau xót trước sự đổi thay của xã hội thành thị nửa Tây, nửa Ta: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Sông Lấp- Trần Tế Xương). Còn với nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, ông tìm đến với thơ như tìm đến sự cứu rỗi linh hồn và sông lấp của thơ ông là những cảm thức tiếc nuối, cô đơn, trở trăn trước sự chảy trôi của thời gian và kiếp người: Đời thực quá, may câu thơ cứu rỗi/ em lụa là nhân ảnh bước rong chơi (Lãng mạn với sông Hương). Cảm thức đêm vốn là nguồn cảm hứng muôn đời của thi sĩ bởi không có bóng tối, chúng ta không thể thấy sao trời. Và với Nguyễn Nhã Tiên, đêm thắp cho ông ngàn ánh lửa để nhà thơ soi rọi mình, đối diện với nỗi đơn côi và kết đúc nên những vần thơ giàu nội lực. Những thanh âm bên bờ sông giữa đêm khuya vắng lặng xuất hiện khá thường xuyên trong thơ Nguyễn Nhã Tiên. Đó có thể là tiếng còi tàu văng vẳng cứa vào ngực tôi ngọt xớt tựa dao mềm, tiếng sóng chạm vào phiến nguyệt, tiếng gàu va vào thành giếng khuya bật lên thanh âm vô tận, tiếng người ngày xưa với nỗi khuya khuắt chạm vào tôi, những ngọn nồm rì rào kể chuyện, tiếng đêm rơi gọi cát trở mình…Những âm thanh ấy gợi tôi liên tưởng đến tiếng ếch bên bờ sông Lấp của Trần Tế Xương, tiếng cuốc kêu trong thơ Nguyễn Khuyến (Cuốc kêu cảm hứng). Dẫu mỗi nhà thơ một hoàn cảnh, một tâm trạng khác nhau nhưng lại gặp nhau ở cảm thức về âm vọng đêm. Những đêm không ngủ, người thơ lắng nghe được mọi âm thanh vang lên giữa không gian tĩnh mịch, những âm vọng ấy gợi niềm hoài cổ đến mênh mang. Và với thi sĩ Nguyễn Nhã Tiên, âm khúc quê mùa mãi vang vọng trong thơ, bởi ở đó chất chứa bao niềm trở trăn trước sự đổi thay chóng mặt của nông thôn trước làn sóng đô thị hóa: Quê gần mà xa lắc quê/ gàu rơi giếng cổ vẳng nghe bồn chồn (Ngọn gió siêu hình). Cụm từ  xa lắc quê vẳng lên, nghe thân thương đến lạ cho thấy cái hồn cốt Quảng Nam không xa rời bước chân người thi sĩ dù ông có đi đến đâu. Ta đã từng gặp một tiếng gàu va vào thành giếng đêm ba mươi Tết trong thơ Nguyễn Nhã Tiên làm nên một khúc quê xao xuyến lòng người: Có tiếng gàu ai bỏ quên ngoài giếng/chạm vào tôi ngân mãi khúc quê mùa…và giờ đây, âm thanh ấy vọng về đêm thành thị, ngân lên nỗi bồn chồn vì nhớ thương, nuối tiếc đến sững người.

20221011 095814 min - Tác giả Nguyễn Nhã Tiên

Đọc thơ Nguyễn Nhã Tiên, ta bắt gặp sự chống chếnh đơn côi- một nỗi niềm không hề bất-bình-thường trong cuộc đời đầy thăng trầm, chứng kiến nhiều mất mát như thi sĩ Nguyễn: Một đêm chim hạc về trời/ bỏ mùa xuân ở với tôi một mình (Đường thanh minh). Chính về thế, sông đã trở thành người bạn tâm tình cùng ông trong đêm vắng: Những lúc cô đơn vịn vào sông/ bước. Sông hiểu những phơi trải của lòng người; là nơi ông trút hết những bận bịu lo toan, những khổ đau trên cõi đời: Chừ còn tôi với sông/ sóng vỗ tràn thương nhớ …; là chỗ dựa tinh thần, khoảng lặng để người thơ suy tư trong đêm vắng: Đời thực qúa, may còn sông hư ảo/ áo sương mù xin cứ khoác cho nhau/ để đêm xuống với vầng trăng cổ sử/ xoa xít dỗ dành mỗi lúc tôi đau. Sông đêm với nỗi hoài nhớ về một thời tấp nập hay sông lấp với bến không người luôn gợi niềm thổn thức trong ông. Và bài thơ mang tên của chính tập sách hàm chứa mọi nỗi xốn xang, luyến tiếc về một thuở vàng son của tuổi trẻ, tình yêu trong lòng thi sĩ:

Chỉ còn mỗi ngọn nồm rì rào kể chuyện
mộ cát nhấp nhô
sông lấp tự bao giờ
trăng non gieo ngọc khoáng đầy cổ tích
ngọn gió lang thang vọng thức bến không người
                   (Những thanh âm bên bờ sông lấp)

Để gửi lòng mình trong đêm vắng vào thi ca, Nguyễn Nhã Tiên đã đa dạng hóa các thể loại thơ. Ngòi bút ông tung hoành trong thể tự do, kiệm lời trong thơ lục bát, riêng tôi lại thích giai điệu thơ ông ở thể lục ngôn. Hàng loạt các bài thơ sáu chữ  trong Những thanh âm bên bờ sông lấp ngân vang trong tôi những xôn xao của khúc nhạc lòng: Tiếng chiều, Những âm sắc vườn tôi, Gió gọi, Thổi đi từng cơn gió bấc, Khoảnh khắc với hoàng thành…Nguyễn Nhã Tiên không chỉ làm mới thơ ở việc tạo tính nhạc mà còn ở cách kết hợp ngôn từ khá lạ; trong từng bài thơ, bạn đọc đều có thể lọc đãi ra vài câu “rất Nguyễn Nhã Tiên”: Tàu đến tàu đi dốc vào tôi kỷ vật/ mỗi tro than tôi tạc một hình hài (Tiếng khuya); Rêu xanh một mái hiên gầy/ cỏ thơm lót chỗ mây bay đắp mình (Ngọn gió siêu hình); Phía ánh lửa chiều hôm mơ hồ nhưng rất thực/ may còn chút tàn tro nhận mặt nỗi buồn (Phía mơ hồ); Những cát bụi không còn nơi ẩn trốn/ hạnh phúc từ ngực người nhuộm thắm hương hoa (Khúc quê); Đừng trôi đi hết/ đừng trôi/ trả tôi sông cất tiếng cười giòn tan/ áp tai vào nước nghe non/ ơ hay/ sông có linh hồn em ơi (Gió hồi âm). Những thi ảnh trong thơ Nguyễn Nhã Tiên gần gũi, thân thuộc với mọi người nhưng được nhà thơ khoác lên một tấm áo mới bằng cái tài của người vận chữ, cái tình quê hương mặn nồng và chất lửa đối với thơ ca. Các từ địa phương “đặc sệt Quảng Nam”như: ngọt xớt, chừ, xa lắc, mô, cũ càng… được ông vận vào thơ hài hòa và nhuần nhuyễn vừa tạo nét cá tính thơ, vừa đậm chất hồn quê cổ xứ. Về điểm này, tôi đồng điệu với nhận xét của Chu Thụy, người bạn văn nghệ của ông: Đọc thơ Nguyễn Nhã Tiên, thấy rành rẽ một ngôn ngữ nói sắc lẻm, tự nhiên như không, nhưng đó quyết phải là thứ ngôn ngữ sang trọng và đầy sức hút.

Lang thang cùng khúc tâm tình trong đêm vắng qua Những thanh âm bên bờ sông lấp để hiểu thêm ngòi bút đa thanh Nguyễn Nhã Tiên. Dù viết ở bất kì thể loại nào thơ, bút kí, tản văn; trang sách của ông đều thể hiện sự hài hòa giữa chất trí tuệ lấp lánh từ sự am hiểu khá tinh tường về nguồn cội xứ sở cùng chất trữ tình lắng đọng bởi những cảm xúc và sự gắn bó máu thịt với làng nước yêu thương. Những thanh âm bên bờ sông lấp chắc chắn sẽ rung ngân trong lòng độc giả bởi đó là quãng lặng để ai đó tìm về, dù rằng thơ ca và cuộc đời đều có quy luật: Rồi ngày qua/ rồi đời qua/ bụi rơi xuống đất hương hoa lên trời/ em còn buồn nữa hay thôi/ núi cao là biết phận đời chon von (Nghĩ về thơ- Nguyễn Nhã Tiên).

Nguyễn Thị Thu Thủy

—————-

(*) Đọc Những thanh âm bên bờ sông lấp, thơ Nguyễn Nhã Tiên

                                                                                    

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây