Tác giả Huỳnh Viết Tư

Nhà thơ Huỳnh Viết Tư

HUỲNH VIẾT TƯ

Bút danh: Thuận Tình
Quê quán: Cẩm Nam, Hội An, Quảng Nam
Cựu học sinh trường THPT Trần Quý Cáp – Hội An
Tốt nghiệp trường ĐHBK Đà Nẵng
Mobile: 0905 870 877
Email: [email protected]
Địa chỉ: 164 nguyễn Phước Nguyên, p. An Khê, q. Thanh Khê, Đà Nẵng

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

        1. Biển, Em và Dòng sông (thơ), NXB ĐÀ NẴNG 1995
        2. Mật Đời (thơ), NXB HỘI NHÀ VĂN 2009
        3. Nơi Ấy, Tôi Gởi Lại Một Tình Yêu (tập Truyện ngắn) NXB ĐÀ NẴNG 2013
        4. CD Nhạc Giai điệu Thuận Tình (Youtube)
        5. Sông Vẫn Chảy Trong Tôi (tập Tùy bút), NXB QĐND 2016
        6. Không Như Giọt Sương (tập Truyện ngắn), NXB QĐND 2018
        7. Phù sa Thu Bồn (tập truyện ngắn & Tùy bút), NXB HNV 2019
        8. Con đường đi tới (tập truyện ngắn), Sách sẽ xuất bản

Đã in chung nhiều tác phẩm và có nhiều bài viết trên các báo và tạp chí trong nước và nước ngoài.

 

Hội An canh cánh trong lòng tôi

Huỳnh Viết Tư

Chiều cuối năm, những bông hoa dại phối với màu xanh rong rêu trùm trên các mái nhà dãy phố, nhấn chìm lớp ngói nâu sầm xuống bên dưới, cây cỏ và rong rêu úp chụp trên những bức tường bên hông nhà hay trong những con hẻm nhỏ và sâu hun hút, dường như thời gian vừa mới qua đây, nhưng dẫu có nhanh tay ta vẫn không bao giờ chụp bắt được. Trong cuộc hành trình mải miết, thời gian cứ âm thầm gọi mùa qua…

Các dân tộc trên thế giới đều có nhiều cách đo đếm thời gian và nhận biết thời gian đi qua nhưng không bao giờ thấy được, nắm bắt được. Còn ở phố cổ Hội An thời gian đã làm cho lớp rêu xanh dày hơn lên trên mái nhà, trên những bức tường rêu, có khi bị lớp tường già nua cũ kỹ bóc ra từng mảng rơi vương vãi bởi mùa hạ nóng bức hay mùa đông ngấm nước vào bên trong lớp tường vôi sũng nước.

Trong hành trình cuộc đời, Hội An đến với tôi như là nghiệp duyên tốt lành, là định mệnh tự nhiên và không chọn lựa được, bởi ai có thể chọn được hai nơi để sinh thành: Mẹ và Quê hương! Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người. Tôi vẫn mãi đi về mà vẫn cứ lạ lẫm với cái ngày hôm qua và hôm nay, xa hơn là giữa xưa và nay, giữa thế giới hiện thực và ảo ảnh, giữa thần thánh và con người…

Hội An phát triển từ rất sớm, hơn 2000 năm trước, ở đây đã tồn tại và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh muộn. Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học di tích mộ táng tại bốn nơi: An Bàng, Hậu Xá I, Hậu Xá II, Xuân Lâm và năm điểm cư trú: Hậu Xá I, Trảng Sỏi, Ðồng Nà, Thanh Chiêm, Bàu Ðà, có nhiều loại hình mộ chum đặc trưng, các công cụ sản xuất, công cụ sinh hoạt, đồ trang sức bằng đá, gốm, thủy tinh, kim loại… đã khẳng định sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh. Ðặc biệt sự phát hiện hai loại tiền đồng Trung Hoa thời Hán là Ngũ Thù và Vương Mãng, những hiện vật sắt kiểu Tây Hán, dáng dấp Ðông Sơn, Óc Eo, hoặc đồ trang sức với công nghệ chế tác tinh luyện trong các hố khai quật đã chứng minh một điều thú vị, ngay từ đầu Công nguyên, đã có nền ngoại thương manh nha hình thành tại Hội An.

Dưới thời vương quốc Chămpa, khoảng thế kỷ IX đến thế kỷ thứ X, với tên gọi Lâm Ấp phố, Hội An đã từng là cảng thị phát triển, thu hút nhiều thương thuyền Ả Rập, Ba Tư, Trung Hoa… đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Thư tịch cổ ghi nhận, trong một thời gian khá dài, cảng Chiêm – Lâm Ấp đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hưng thịnh cho kinh thành Trà Kiệu và khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Những phế tích móng tháp Chăm, giếng nước Chăm và những pho tượng Chăm: tượng vũ công Thiên tiên Gandhara, tượng nam thần tài lộc Kubera, tượng voi thần, tượng Linga biểu thị cho dương vật của thần Shiva và Yoni biểu thị cho âm hộ của nữ thần Shakti. Linga và Yoni đại diện cho tính âm-dương kết hợp, tạo ra sự hủy diệt và tái sinh của vũ trụ, biểu hiện một nền văn hóa phồn thực, sự truyền lưu mãi mãi muôn loài…

Qua những cuộc khai quật khảo cổ từ lòng đất, người ta đã tìm được các mảnh gốm sứ Trung Hoa, Đại Việt, Trung Ðông thế kỷ II đến thế kỷ XIV, chứng tỏ từng có một Lâm Ấp Phố thời Chămpa, một Chiêm cảng phát triển trước cả Hội An thời Ðại Việt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Với hấp lực của cảng thị Hội An, con đường tơ lụa, con đường gốm sứ trên biển đã hình thành từ trước, nên nhiều thương thuyền đã tấp nập đến đây buôn bán như: Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Xiêm La, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…

Hội An có nhiều di tích nhưng gần gũi và thân thương nhất đối với con người là giếng Bá Lễ. Đây là giếng do người Chăm xây dựng. từ trước thế kỷ X, có độ sâu khoảng 12 mét. Giống như thánh địa Mỹ Sơn, chất kết dính các viên gạch lại với nhau được làm từ chất liệu mà ngày nay khoa học vẫn chưa giải thích được. Người Chăm giỏi về kỹ thuật tìm mạch nước và đào giếng,  họ đã để lại những chiếc giếng Chăm cổ có miệng giếng tròn nhưng đáy lại là một khung gỗ hay đá xếp theo hình vuông, nắng cháy khô hạn đến đâu cũng không bao giờ cạn nước, trải qua bao thế kỷ vẫn trong vắt, ngọt lịm. Giếng Bá Lễ là nguồn cung cấp nước cho cư dân bao đời nay. Nghe nói sau này, một phụ nữ giàu có trong làng đã trùng tu lại giếng như ngày nay, để nhớ ơn, người dân Hội An đã lấy tên người phụ nữ này đặt cho giếng. Nhờ nước giếng tốt nên các quán ăn ở Hội An dùng nước này nấu nướng món ăn thêm đậm đà, hấp dẫn, nhất là các món đặc sản. Cũng có những người Hội An như cụ Đường, cả đời chỉ đi gánh nước thuê giếng Bá Lễ cho cư dân và các hàng quán ăn trong khu phố cổ.

Chùa Cầu là hình ảnh thân quen nhất. Hàng ngày người người qua lại, đến độ mòn vẹt những đôi guốc và những mảnh ván lát cầu phải thay nhiều lần. Hội An chọn chùa Cầu làm biểu tượng. Đây là một công trình kiến trúc do các nhà buôn Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVI. Do ảnh hưởng thiên tai địch hoạ, chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu đã làm biến dạng phong cách kiến trúc ban đầu. Chùa Cầu có dáng hình cong cong, hầu hết được làm bằng gỗ, độ cong vồng lên chính giữa, bắc qua con lạch nối thông từ sông Đế Võng chảy ra sông Hoài, rồi đổ ra sông Thu Bồn. Chiếc cầu có mái che uốn cong mềm mại và được chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo. Trên cửa chính chùa Cầu có chạm nổi ba chữ Hán: “Lai Viễn kiều” do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719. Trong lề cầu có một ngôi miếu nhỏ nhìn ra sông Hoài, thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt.

Ở hai đầu cầu có đặt mỗi bên hai con khỉ và hai con chó bằng gỗ ngồi chò hỏ hai bên lề cầu nhìn ra đường. Chẳng biết tại sao người ta không ví “như chó chùa Cầu” mà lại ví “như khỉ chùa Cầu”? Phải chăng con khỉ ở rừng mà bị bắt mang về phố thị nên nhìn dáng khỉ ngồi trông rất sầu não vì nhớ rừng nên người ta hay gán những người đang buồn chán, ngơ ngẩn là “như khỉ chùa Cầu”. Lai lịch chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù – một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và phần đuôi ở Nhật Bản. Khi con Cù nằm yên thì bình an vô sự, nó mà nổi khùng điên lên là cựa quậy gây ra lũ lụt, động đất. Nên ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn trấn yểm loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình, nghe đâu có một thanh gươm ngọc cắm sâu xuống đáy lòng con lạch dưới gầm cầu ở đoạn giữa thân con cù, yểm không cho nó rục rịch gây ra thiên tai.

Ngày xưa, để ám chỉ chiều dài phố cổ Hội An rất ngắn, người ta thường nói “thượng chùa Cầu, hạ Âm Bổn”, chùa Âm Bổn là hội quán Triều Châu. Nơi các thương nhân thường xuyên đến ký kết vay nợ, trong việc buôn bán, làm ăn. Chùa Ông nằm khoảng giữa chùa Phúc Kiến và hội quán Triều Châu, nhìn ra giếng nước và chợ Hội An, được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Chùa Ông có kiến trúc uy nghi, hoành tráng, tại đây thờ vị tướng Tàu là Quan Vân Trường, như một biểu tượng về trung – tín – tiết – nghĩa nên còn có tên gọi là Quan Công miếu. Chùa Ông là trung tâm tín ngưỡng của người Quảng Nam xưa và nay. Hằng năm vào ngày Mười sáu tháng Giêng âm lịch, du khách đến đây xin xăm cầu may mắn và an lành.

Tương truyền khi xưa Hội quán Phúc Kiến chỉ là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu của Hoa kiều bang Phúc Kiến, hội quán trở nên khang trang, bề thế, góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Hàng năm, vào các ngày Rằm Nguyên tiêu – tháng Giêng âm lịch, ngày Mười sáu tháng Hai âm lịch vía Lục Tánh, ngày Hai mươi ba tháng Ba âm lịch vía Thiên Hậu… diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều người dân và du khách.

Các ngôi nhà cổ có kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Bước chân vào phố cổ, ta có cảm giác như lạc vào một không gian khác, trút bỏ những lo toan, suy tính đời thường trôi ngược về cổ tích, nhẹ nhàng thả mình trong không gian yên bình, lắng đọng. Trên đường Nguyễn Huệ, có Quan âm Phật tự Minh Hương ở nhà số 07. Đây là ngôi chùa thờ Phật duy nhất còn lại giữa khu phố cổ. Nơi đây có kiến trúc hài hòa và cảnh quan xinh đẹp, còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các tác phẩm điêu khắc gỗ do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Chùa thờ Phật Quan Thế Âm Bồ Tát và một số chư vị Phật, Bồ Tát khác. Trong những ngày lễ lớn của đạo Phật, ngày Mồng một, ngày Rằm âm lịch hàng tháng, gia đình Phật tử và du khách đến hành lễ rất nhộn nhịp.

Nhà thờ tộc Trần ở nhà số 21 Lê Lợi, do một vị quan họ Trần xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, thờ tự theo truyền thống người Trung Hoa và người Việt. Nhà số 77 đường Trần Phú là nhà cổ Quân Thắng Sạn đẹp nhất Hội An hiện nay, đã trải qua hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ – Trung Hoa. Nhà cổ Tấn Ký ở số 101 Nguyễn Thái Học, đã xây dựng cách nay trên 200 năm, một kiểu kiến trúc đặc trưng của loại nhà cổ Hội An, với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông ra bến sông Hoài, lối xuất-nhập hàng hoá.

Vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà chủ yếu là các loại gỗ quý và được chạm trổ, điêu khắc rất tinh xảo các hình: giao long, hoa quả, bát bửu, dải lụa… Nhà cổ có nhiều tính chất độc đáo là nhà Phùng Hưng ở số 04 Nguyễn Thị Minh Khai, đã hơn 100 năm, có kết cấu chắc chắn, thiết kế hài hòa, phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trước đây.

Hội An được mệnh danh là nơi “hội nhân, hội thủy, hội văn” làm nên hồn phách một di sản văn hóa thế giới. Chuyện cũ kể về mối tình của nàng công nữ về làm dâu ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ XVII. Mãi đến đầu năm 2014, tên bà được chọn đặt cho một con đường ở phố cổ. Thành phố Nagasaki (Nhật), nơi diễn ra lễ hội Okunchi đặc sắc tôn vinh các thương nhân Nhật Bản, có tấm bia ghi lại một số chi tiết liên quan đến cô dâu người Việt và chồng là Araki Sotaro người Nhật Bản.

Giáo sư Iwao Seiichi từng giới thiệu nội dung tấm bia trong tác phẩm Nghiên cứu phố Nhật ở Nam Dương: Năm 1619, tại một nơi mà hiện nay gọi là Huế, ông Araki Sotaro gặp gỡ và kết hôn với một người con gái thuộc dòng bên ngoại vua An Nam và được chúa nhận làm con nuôi. Sotaro trở về nước với cô dâu mới, gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui – Machi ở Nagasaki. Có lẽ ông là người Nhật Bản đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và trở về Nhật với một “công chúa” Việt Nam. Araki Sotaro đứng đầu các doanh nhân xứ Phù Tang sang làm ăn buôn bán nhiều năm tại Hội An từ đầu thế kỷ XVII. Khi trở về nước, mối tình xuyên biên giới của vợ chồng ông khơi nguồn cho nhiều giai thoại và cô dâu Việt về sau mang tên Nhật là Wakaku.

Nhưng nàng Wakaku là ai và có mối liên hệ gì với cái tên Ngọc Hoa mà Hội An vừa chọn đặt cho tuyến đường nơi phố cổ? Con đường giai thoại bắt đầu từ quảng trường sông Hoài chạy sát bờ bắc rồi dừng ở chùa Cầu, nơi có con lạch Ồ Ồ đổ ra sông Hoài. Đường chỉ dài ba trăm mét, được Hội An gắn biển tên hồi đầu năm 2014, gợi nhớ về một người con gái Đàng Trong của Việt Nam, rời xa xứ sở gần bốn thế kỷ trước. Năm 1620, bà theo chồng về Nagasaki và mất năm 1645, mộ bà được chôn cất trong khuôn viên chùa Daionji, gần mộ chồng.

Tuy giới chuyên môn vẫn do dự vì danh tính bốn công nữ của chúa Sãi mà Nguyễn Phúc tộc thế phả công bố năm 1995, không hề có tên Ngọc Hoa mà là Ngọc Khoa, nhưng cái tên Ngọc Hoa đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng. Thế nên nó mới là con đường giai thoại. Ở Nagasaki, lễ hội truyền thống Okunchi diễn ra từ ngày Bảy đến ngày Chín tháng Mười hàng năm. Tại Hội An trong tuần lễ Việt-Nhật đã thể hiện chuyện tình Việt-Nhật và lễ hội mùa Thu xứ Hoa Anh Đào cũng chỉ là một.

Từ cuối thế kỷ XIX, những yếu tố “Thiên thời, địa lợi” trở nên “bất lợi”, cảng Hội An suy thoái dần, chuyển giao sứ mạng lịch sử lại cho cảng Ðà Nẵng. Người xưa nói, trong cái lợi có cái hại và ngược lại, nhờ vậy Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng, dưới tác động đô thị hóa hiện đại, để bảo tồn hầu như nguyên vẹn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo. Loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia và nghiêng dần về phía sông Hoài vẫn ngơ ngác nhìn dòng sông một cách tĩnh lặng, dẫu thế sự thăng trầm…

2.

Điều rất lạ lùng, trong chiến tranh mọi điều đều có thể xảy ra, nhưng trong suốt 117 năm  từ năm 1858 đến năm 1975, những dãy phố cổ gần như nguyên vẹn, trong khi vùng ngoại ô có nơi bị bom đạn băm nát. Ngoài yếu tố tâm linh của dân gian, tôi nghĩ có lẽ cả hai phía đều có sự đánh giá và thừa nhận vai trò rất quan trọng của Hội An về văn hóa và hoạt động kinh tế. Nơi đây là nguồn sống của đồng bào trong và ngoài phố. Ban ngày bên ngoài vào cùng buôn bán, làm ăn sinh sống với đồng bào trong phố; ban đêm trở về ngoại ô, cung cấp cho kháng chiến từ cây kim, sợi chỉ, thuốc men, lương thực, thực phẩm. Ngay cả nhiều hiệu buôn lớn, nhiều cơ sở sản xuất bên trong cũng là những cơ sở hoạt động liên tỉnh, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trường kỳ…

Chiến tranh đã làm cho con người và xã hội Việt Nam đảo lộn và đổ vỡ. Hội An cũng không nằm ngoài cái vòng lẩn quẩn đó. Đêm về, hình ảnh những ánh hỏa châu rơi, tiếng súng đại bác xa xa vọng về, những tiếng nổ rền vang ở thôn Nam Ngạn, các xã Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm Hải, Cẩm Hà, Cẩm Thanh,… Xuân Mậu Thân 1968 bị bom đạn cày xới nát bét. Lúc bấy giờ tôi đang ngồi trong hầm chìm, bom nổ chỉ cách hai mươi mét, cái hầm chữ A tuy rất chắc chắn nhưng cứ lay qua, lắc lại rồi rung rinh rất kinh hồn. Tiếng cầu kinh của người già xen tiếng khóc ré của trẻ con như chờ đợi tử thần gọi tên. Sau tết Mậu Thân rất nhiều người chết, xóm làng, nhà cửa bị bom đạn cày xới, bao nhiêu tang thương đến với người dân vô tội.

Chiến tranh gây ra bao tang tóc, bao tàn phá và mất mát. Nhưng cho đến bây giờ sự tàn phá tai hại nhất của chiến tranh không chỉ giá trị vật chất mà là con người. Bao nhiêu lớp người đã chết, bao nhiêu thế hệ đã ra đi và sẽ không bao giờ được trở lại trên quê hương mình. Những mất mát không bù đắp được, những vết thương trên da thịt có thể sẽ lành, dẫu còn để lại những vết sẹo nhưng vết thương trong tâm hồn khó mà phai nhạt, trong một gia đình, anh bên này, em bên kia, người vợ có chồng ở cả hai phía…. Anh em ruột thịt cả hai phía đều bị chết, vợ chồng phân ly, con cái chia lìa… Đối với những người còn lại, họ vẫn là thân nhân cùng huyết thống, làm sao phân biệt bên này, bên kia; làm sao có thể chia cắt nhau được, nên không ngạc nhiên trong một bàn thờ chỉ một bát hương mà thờ người chết cả hai bên.

Ngày thống nhất đất nước, người ta thường chỉ nghĩ đến miếng cơm manh áo, hồi phục lại ruộng đồng… Kế đó là tái thiết, xây dựng nhà cửa, đường sá, cầu cống… Nhưng cái cần tái thiết và xây dựng chính là tình người. Cái tình người Việt Nam rất là quan trọng, mất đi là mất tất cả, dân tộc này sẽ bị diệt vong. Nhưng muốn nối lại, xây đắp lại, dẫu khó khăn từ trong mỗi con người, từ trong mỗi gia đình nhưng chúng ta sẽ có một Việt Nam thống nhất thật sự và mãi mãi. Sự chia rẽ sâu sắc từ hai phía, từ những điều vớ vẩn được mệnh danh là “ý thức hệ”, là “đấu tranh giai cấp”… cũng chỉ là nhất thời.

Hội An trong những ngày tôi đã và đang sống. Trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trong chiến tranh Hội An buồn và vắng vẻ, những năm tháng đầu ngày hòa bình về Hội An còn tệ hơn. Thành phố buồn đến nỗi người ta đã gọi Hội An là “Thành phố chết!”. Không những con người chẳng ai ngó ngàng đến Hội An mà cả chiến tranh cũng bỏ sót Hội An luôn. Thật vậy, ngoại trừ xuân Mậu Thân 1968, xuân Kỷ Dậu 1969 và những lần pháo kích, đột kích vào Hội An, trong suốt mấy mươi năm của cuộc chiến, thành phố của tôi như rơi vào quên lãng.

Điều rất lạ, ngay cả Mỹ, trong thời cao điểm với cả trăm ngàn quân đóng ở Đà Nẵng, cách đó ba chục cây số, không có đơn vị nào lớn đóng ở Hội An. Các đơn vị Đại Hàn thuộc sư đoàn Thanh Long (khét tiếng là bọn lính đánh thuê hung dữ nhất) đóng ở Cẩm Hà, Lai Nghi chứ không đóng ở Hội An, ổ đại liên thường nổ xối xả qua sông Hoài đến Cẩm Nam đặt ở Tây Hồ – Cẩm Châu… Hội An không còn giữ một ví trí kinh tế chiến lược như ba thế kỷ trước nhưng vẫn còn là nơi làm ăn sinh sống chung của người dân trong và ngoại thành. Dù sao, nhờ tất cả điều đó mà ngày nay Hội An may mắn vẫn còn nguyên vẹn.

Sau ngày hòa bình lập lại là những tháng ngày buồn tênh, dẫu tiếng khung dệt sáng chiều có kêu xành xạch vang cả con phố… Những cô gái với nghề mành trúc, dệt thảm, thêu ren đi bộ ngoài đường mỗi lần tan ca, khua tiếng guốc nhịp nhàng như gõ vào tim ai. Còn đám trai tráng thì chạy tứ chiếng giang hồ: về quê cuốc ruộng, đi làm các nghề thủ công, đứa thì theo gia đình vượt biên, có đứa được qua Mỹ và các trại tị nạn khác, số còn lại không lọt thì vào trại giam hay bị “thủy lĩnh” làm mồi cho cá. Đứa vào đại học thì đi Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, còn lại là vào lính. Bởi bây giờ chiến trường Tây Nam Việt Nam, Campuchia và biên giới phía Bắc gọi phải lên đường cầm súng. Đất nước trở lại thời chiến. Những năm chiến tranh, Hội An đã rất buồn và nghèo vì nằm trong một giới tuyến mong manh giữa hai phía, khi hòa bình lại còn nghèo và buồn hơn. Một số gia đình khá giả chuyển vào các tỉnh miền Nam, vào Sài Gòn, đi ra Đà Nẵng tìm kế sinh nhai.

Còn cái thằng tôi đành tự “thắp đuốc lên mà đi”, như ông, cha tôi đã từng, nên ảnh hưởng đến tôi về cái nhìn thời cuộc. Tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, nhà đông con, đất nước trong thời ly loạn, ở ngay trong vùng mà người ta gọi là “xôi, đậu”. Lúc thì đậu nhiều hơn xôi, khi thì ngược lại! Là con đầu nên tôi phải trưởng thành trước tuổi, trước thách thức cuộc sống và không thể để vận mệnh kéo xểnh lôi đi. Con người ai cũng có dăm ba lần bị té ngã nhưng phải biết bình tâm đứng dậy và tiếp tục đi. Tôi đã không những té ngã nhiều lần mà còn lên bờ, xuống ruộng… Và ngay sau đó phải đứng dậy tiếp tục đi, đã sống sót qua nhiều thách thức cuộc đời, vì không còn sự lựa chọn nào khác…

Cha mẹ tôi lầm lũi tháng ngày nhưng vẫn không đủ cái ăn, nếu cứ tiếp tục bước theo con đường đó chẳng khác nào bước theo vết xe đổ, mặc dầu con đường đó cũng là con đường lương thiện. Phải học tập mở mang đầu óc và chỉ còn con đường đó mới có thể tránh nghèo và góp phần tốt hơn cho xã hội phát triển. Nhưng cũng nói thật, có người “Dùng rựa bửa cái đầu ra mà bỏ kiến thức vào cũng không xong!”. Nên tôi xin cám ơn các bậc tiền nhân đã cho tôi hình hài với cái đầu biết nghĩ suy để tiến về phía trước. Vượt qua những gian khó khi còn học tiểu học cộng đồng, tôi đã thi đỗ vào lớp đệ Thất trung học công lập Trần Quý Cáp, tiếp tục học thi vào cấp ba cũng trường này, đây là ngôi trường danh tiếng trong tỉnh, là khát vọng của bao bậc làm cha, làm mẹ và học sinh bấy giờ.

Nếu thi rớt thì chẳng còn có cơ hội để được đi học tiếp, bởi làm gì có tiền để theo học trường tư, mà phải theo chân ba tôi đi làm thợ, còn làm thợ thì tôi đã chán lắm rồi, vì ngay khi còn học tiểu học đến trung học tôi đã làm nông, theo ba tôi đi làm thợ mộc và lúc rỗi việc thì phụ nề, tập xây, làm thợ điện… Tôi muốn làm một nghề có đầu tư suy nghĩ để cho năng suất lao động cao hơn cái nghề kéo cưa đợi, cưa gỗ cho ba tôi. Và quả thật trời không phụ lòng người… Tôi chọn chuyên ban khoa học tự nhiên: toán, lý, hóa để học, với mong muốn được làm một cái nghề ổn định và lâu dài, và cũng vì cả dòng họ nhà tôi đều không thích làm chính trị, với tính khí ngay thật, thẳng thắn nên cũng không có khả năng làm chính trị, dẫu cả ba đời đều thể hiện lòng yêu nước bằng hành động.

Và bây giờ, khi đã qua phía kia nửa cuộc đời, tôi lại viết văn, chẳng qua là cái nghiệp hắn bu bám trong tâm hồn tôi, mà xua đuổi hoài hắn cũng không chịu buông tha! Tôi ảnh hưởng ba má tôi Trăm cái lý không bằng tí cái tình, vì ba má tôi sống trong môi trường, trong những thế hệ con người chưa bị vẫn đục trầm trọng khi sống với nhau ở đời và tôi đã lấy bút danh Thuận Tình, nhưng cuộc sống hiện tại cũng không buông ta, nhiều lúc đó là lựa chọn bị người ta bắt nạt, nếu không phùng mang, trợn mắt, xù lông nhím để cứu mình và cứu người thân cô, thế cô, mặc dù đó không phải là bản chất…

3.

Tôi như đứng trước tảng đá, nơi có thể Đức Phật đã ngồi giảng bài pháp đầu tiên bên vườn Lộc Uyển và xúc động và cảm thấy mình như chiếc lá từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước vừa rơi về cội, chiếc lá bồ đề ở vườn Lộc Uyển Sarnath hay giọt nước sông Hằng Varanasi chỉ là một, một tâm hồn, còn và mất, ra đi và trở về. Có người hỏi tôi bấy giờ Hội An sống bằng gì? Tôi trả lời như đùa, như thật: Hội An sống bằng thơ! Một nơi không ruộng đất nhiều, không nhà máy, không còn là trung tâm thương mại và dịch vụ như các thế kỷ khác, cũng không có du khách như bây giờ. Vậy thì chỉ có sống bằng thơ chứ bằng thứ chi nữa đây? Ở một nơi mà trong phố cổ, mỗi nhà, đều có một vườn thơ ngăn cách giữa hoạt động kiếm tiền và nơi sinh hoạt trong nhà.

Nơi đó đón ánh mặt trời và cả trăng sao, tuy gió không nhiều đủ để vành nón chao nghiêng như đang hóng gió trước bờ sông dòng Thu Bồn nhưng đủ để trí tưởng tượng bay bổng mà… quên ăn! Hội An là một phần xương thịt của tôi trong vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng quật cường và kiên cường, nên bài thơ Về thôi em của Dương Quang Anh đã cho niềm riêng tư quanh quẩn bên tôi, dẫu ở phương nào tôi vẫn nao nao: …Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo,/ Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm… Dù mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi/ Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi…/ Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải/ Cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng…

Về thơ

Hội An đã hun đúc ra hàng trăm nhà thơ, nhà văn trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ danh tiếng, nhưng theo tôi, tiêu biểu nhất, chắc không ai so bì với Bùi Giáng, dù ông quê Duy Xuyên nhưng học trường Minh Viên ở Hội An. Ông cưới vợ và làm rể ở Hội An, bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bạo bệnh, sinh non và cả hai mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là một trong những lý do chủ yếu và khởi đầu khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ. Đó là lý do để trong thơ của ông sau này thường xuyên nhắc đến sự mất mát, sự chia ly vĩnh viễn, quặn thắt nỗi đau, một hình bóng thân thương xưa cũ: Có hàng cây đứng ngóng thu/ Em đi mất hút như mù sa bay và những dòng thơ trên bia mộ Bùi Giáng: Đùa với gió, rỡn với vân /Một mình nhớ mãi gái trần gian xa/ Sương buổi sớm, nắng chiều tà/ Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu.

Ông sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bố của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền thuộc dòng họ Huỳnh nhà tôi. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em cùng cha khác mẹ. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi của người miền Nam và cả miền Trung như ở xứ Quảng Nam là Sáu Giáng. 

Bùi Giáng đã rời Hội An từ rất lâu, nhưng để lại những câu lục bát nuôi sống tâm hồn và linh hồn con người xứ Quảng Nam qua nhiều thế hệ. Cái tên Bùi Giáng ở xứ Quảng quen thuộc đến nỗi, nhiều khi người ta cứ tưởng ông chưa bao giờ rời khỏi mảnh đất Quảng Nam. Ông đã đưa văn nói vào thơ ca, người ta khen Bùi Giáng là một tài hoa thi ca, nhưng ông vẫn viết: Thơ hay thiên hạ làm rồi/ Chỉ còn thơ dở cuộc đời cho tôi./ Dụm dành dở ẹc rã rời/ Dồn trăm năm lệ điệu cười vu vơ. Những tập thơ: Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn cho đến những tác phẩm về sau này, ông vẫn dùng ngôn ngữ dân dã quê nhà. Một âm vang cố quận trong thơ Bùi Giáng, dù chỉ về hình thức diễn đạt. Thơ của ông phong phú những phương ngữ đất Quảng Nam: Dở òm, dở ẹc, dở om/ Dở bùng ra dở sớm hôm sụt sùi./ … Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi,/ Đi lên đi xuống đã đời du côn.

Nhiều tư liệu trích từ tập sách Bùi Giáng trong cõi người ta, cuốn sách tập hợp các bài viết về Đười ươi thi sĩ của các nhà nghiên cứu, do dịch giả Đoàn Tử Huyến chủ biên, đã dựng lên một chân dung Bùi Giáng rõ ràng hơn so với những gì người ta đã biết về ông. Bên cạnh những cây bút miền Nam: Bùi Văn Nam Sơn, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thu Bồn, Thanh Tâm Tuyền… còn có Đỗ Lai Thúy là cây bút miền Bắc hiếm hoi có bài viết.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, họ hàng Bùi Giáng, từng viết: Viết đôi lời về Bùi Giáng không bằng đọc thơ Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giang thì thật vui mà thật khó vậy. Đó là nhận định rất chính xác, đến nỗi, về sau hầu như không ai nói về Đười ươi thi sĩ mà không trích dẫn. Thôi thì cứ đọc, bình thơ Bùi Giáng in ít đi, nghe kể chuyện Bùi Giáng hồi còn sống, còn rong chơi thì thật không ai bì. Ông đã sinh ra trong một gia đình giàu và có học ở Quảng Nam, một “trang công tử phong lưu”. Ông tự bỏ tiền ra mua đàn dê 100 con. Thích chăn dê vì yêu dê, không phải để làm kinh tế.

Phạm Văn Nga, trong bài viết Bùi Giáng trong đời tôi, kể lại kỷ niệm hồi trẻ gặp mặt nhà thơ: Năm 1972 tại Sài Gòn, thấy Bùi Giáng mang một tập sách đến “chào hàng” tại hiệu sách nhưng bị chủ cửa hàng từ chối đây đẩy. Thấy trong tay ông có hai cuốn Cõi người taHoàng tử bé của Saint Exupéry còn mới, lại do chính Bùi Giáng dịch, ông Nga rụt rè xin được mua. Bùi Giáng chỉ bán nửa giá, bán xong xuôi còn hỏi: “Ê, sao mày không để tiền bao gái, mua sách làm chi?”. Ông Nga: “Dạ, tại con thích đọc”. Thích chí, thi sĩ rủ cậu học trò đi uống rượu, xong còn tặng anh thêm 4 cuốn sách khác của ông với lời đề tặng: “Kính tặng Ngài Văn Nga”. Ông giải thích: “Tao viết hoa chữ Ngài cho mày bằng Thượng đế vì những thằng mê sách đều xứng đáng là Thượng đế”!

Trong một lần tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tại Đà Nẵng nhân buổi ra mắt tờ báo điện tử Vietnam Europa tại Đà Nẵng, khi biết tôi là dân Quảng Nam, anh kể với tôi về Bùi Giáng: “Một lần khi ông ra đường chơi thì gặp một đám cưới, thấy cô dâu trang điểm rất xinh đẹp, ông liền đuổi theo, sợ quá, chú rể kéo cô dâu chạy xịt khói, làm đám cưới trở nên hỗn loạn”. Ý anh ám chỉ tôi cũng là những thằng Quảng Nam, cũng mê gái như Bùi tiên sinh? Khi đã mê rồi thì coi: Trời cũng bằng vung! Tôi thật lòng: “Một thằng đàn ông không mê gái – một tuyệt tác của tạo hóa thì mê cái chi hơn? Tôi nghĩ Bùi tiên sinh là người thông minh trong những người thông minh nhất trần gian!”

Về chuyện tình yêu của ông, ông yêu đơn phương rất nhiều người đẹp, nhưng nữ nghệ sĩ Kim Cương và diễn viên điện ảnh Mỹ Marilyn Monroe chiếm một vị trí đặc biệt. Bùi Giáng thành thật, chân tình trút gởi trọn tấm lòng mà không hề e ngại bất cứ điều gì, trước hiện thân cái đẹp trần gian, không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu tới! Có rất nhiều giai thoại về chuyện Bùi Giáng yêu, như chuyện ông mê nghệ sĩ Kim Cương, Marilyn Monroe – một người ở tận bên kia đại dương mà vẫn nhập vào hồn ông, huống chi Kim Cương tài sắc lại gần gũi.

Bóng dáng người đẹp này thường lưu trú trong vô thức, Bùi Giáng đã dùng cách biểu đạt kỳ quái nhất, bài thơ Cô Kim Cương ơi, in trong tập Sa mạc phát tiết: Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không thể dỏ cho một giọt nước mắt/ Thì cô có thể dỏ cho một giọt nước đái cũng được/ (Nhớ dỏ ngay trên nấm mồ)/ Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận/ (Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây). Mọi trí tưởng tượng dẫu có vô cùng phong phú trong một con người bình thường đều vô nghĩa. Phải chăng, đây là sự ứng xử vô thức đối với từng khái niệm? Sự ứng xử với cái đẹp nữ tính trong trạng thái thần kinh không bình thường hay thăng hoa đến tột cùng?

Đến Marilyn Monroe ở phương trời mù xa, cũng được Bùi Giáng cuồng si. Ông đã sáng tác một số bài thơ về người đẹp này. Như bài Trời khóc Marilyn, bài thơ ông in trong tập Hoa lá cồn, xuất bản năm 1963: Trời xanh úp mặt nghe tin/ Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi/ Từ đây ta bỏ ngai trời/ Thu thời gian đập tơi bời càn khôn/ Giữa hư vô nếu em còn/ Nhớ ta em gửi cái hồn (?!) cho ta (Tôi nghĩ câu này đã bị biên tập lại) / Úp môi ôm mặt khóc òa/ Cồn lê  lên miệng là ba bốn lần (Tôi nghĩ những chữ trong câu này được ông nói lái theo cách Quảng Nam). Đây là cái cách mà Bùi Giáng trình bày về cái đẹp trần tục rất “tục trần” theo cảm hứng ông. Vậy mà qua bài thơ Quốc sắc Việt Nam, ông tự cho phép mình làm “chánh giám khảo để đánh giá người đẹp”, với cái nhìn rất tinh ý về nhan sắc: Nam Phương hoàng hậu đẹp một cách thong dong/ Kim Cương nương tử đẹp một cách thoải mái/ Hà Thanh công chúa đẹp một cách cởi mở/ Trí Hải ni cô đẹp một cách không lời…

Bùi Giáng, không chỉ là nhà thơ, nhìn rộng hơn, ông chính là hiện thân của một “đạo thơ”, một “thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây và sẽ chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn”… Sự nghiệp Bùi Giáng tỏa rộng qua nhiều lĩnh vực: thơ, nghiên cứu phê bình, bình giảng, làm báo, dịch thuật… Nhưng có thể kết luận là thi ca đã xuyên suốt và thẩm thấu qua hết mọi lãnh vực ông quan tâm và sáng tác. Nếu dùng thuật ngữ khoa học, xung quanh nhiều lĩnh vực, bên trong là cái “lõi” thơ. Bùi Giáng dịch hay như làm thơ (Ngộ nhận, Hòa âm của điền dã, Hoàng tử bé…), khi ông viết nghiên cứu cũng dào dạt mê cuồng như làm thơ (Tư tưởng hiện đại…). Ông lấy “thi hứng” để “quán” hết mọi lẽ trong sáng tác. Nên nhà thơ Thanh Tâm Tuyền nhận định: “ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ”.

Và, càng về già, Bùi Giáng đã đưa thơ vượt qua những rào cản ngôn ngữ và những quy ước thông thường trong văn chương. Nỗi nhớ quê nhà của ông vẫn da diết trong tâm hồn nhưng cũng thật lạ lùng: Người hỏi tôi: Từ đâu ông đến đây?/ Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về/ Ủa phải anh Sáu Giáng đó không?/ Và cô có phải là cô Bông năm nào?/ Anh còn nhớ rõ ôi chao!... Nhà thơ Bùi Kiến Quốc chép lại một bài thơ trước khi ông mất: Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam/ Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàn/ Duy Xuyên, Tiên Phước, Hòa Vang, Thăng Bình/ Tìm người bạn cũ không ra/ Còn phong cảnh cũ khác xa những ngày/ Xóm làng, đồng ruộng lạ thay!/ Chỉ còn dáng núi chạy dài xa xa/ Giữ nguyên hình ảnh đậm đà/ Còn trong kỷ niệm bao la tuổi nào/ Ngắm nhìn, tim máu xôn xao/ Tôi rời đất Quảng trở vào miền Nam/ Tâm hồn bao xiết hoang mang/ Bài thơ viết vội, dở dang lạ lùng

Bùi Giáng trước sau vẫn thủy chung với tình cảm quê nhà, ông gửi lời ước hẹn không chỉ người ở cõi này, mà còn cho cả hôm qua và mai sau: Ta đi còn gửi đôi dòng/ Lá rơi có dội ở trong sương mù. Ông cũng là người chồng “chung thủy cái con khỉ”, vì cuộc đời ông nhiều chông chênh mà ông sống với trái tim nhạy cảm, chân thật với mình và với người, nhưng trong cả hành trình cuộc đời, những câu thơ chân chất đầy nhân văn, về một nỗi đau sâu thẳm trong lòng ông, làm chúng ta liên tưởng đến người vợ và đứa con đầu lòng của ông cùng qua đời khi tuổi còn xuân. Chắc chắn biến cố ấy đã làm ông đau xót hẹn hò, với vợ con ông, với tất cả chúng ta: Mai sau còn dự hội nào/ Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông… Trong cõi đi về đầy mộng tưởng và vô thường này, hôm nay và mai sau, tôi nghĩ duy nhất chúng ta chỉ có một “Đười ươi thi sĩ!”.

4.

Về âm nhạc

Hội An cũng đã hun đúc nên nhiều nhạc sĩ tiếng tăm, nhiều bản nhạc “để đời” nhưng tôi thích nhất là nhạc sĩ La Hối với một bản nhạc đỉnh là Xuân và tuổi trẻ. Ở đây, có nêu lên lời dịch của nhà thơ Thế Lữ và của Diệp Truyền Hoa để mọi người có thể so sánh và đối chứng. Hội An nổi tiếng một phần bởi chính những cư dân trên vùng đất này đã góp phần làm nổi tiếng. Từ bao đời nay, cư dân Hội An đã xây dựng nên truyền thống văn hóa tốt đẹp được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi giao tiếp với những không gian văn hóa bên ngoài đầy những khác biệt, Hội An vẫn tiếp thu nhanh chóng những cái hay, cái mới, tiếp biến để làm giàu có cho cái vốn đã được chắt lọc thành “vùng lõi tinh hoa văn hóa”.

Từ trước đó cho đến thập niên 40 thế kỷ XX, âm nhạc dân tộc cổ truyền, dân ca Quảng Nam, đàn ca tài tử, hát bội, cải lương… vẫn đang rất thịnh hành và có nhiều nhóm biểu diễn được hình thành từ những người dân Hội An. Họ hoạt động tại tư gia hoặc để phục vụ các lễ hội, mà lễ hội ở Hội An thì nhiều. Theo hồi tưởng của nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Trương Đình Quang, nay đã ngoài 90 tuổi: “Ở đây hầu như ít có gia đình nào không có nhạc cụ dân tộc”. Điều này đã thể hiện tinh thần yêu âm nhạc của người dân Hội An. Thời điểm này, giới thanh niên theo Tây học đã bắt đầu mày mò sử dụng các nhạc cụ từ phương Tây du nhập vào Hội An và hình thành những nhóm hòa tấu các tác phẩm âm nhạc phương Tây. Tuy nhiên, phong trào vẫn chưa rình rang cho đến khi La Hối từ Sài Gòn trở về.

La Hối tên thật là La Doãn Chánh sinh năm 1920. Là con thứ 10 của gia đình La Thiên Thái, một hiệu buôn nổi tiếng tại Hội An thời bấy giờ. Vào thời điểm tân nhạc bắt đầu phát triển tại Việt Nam, La Hối đang học tại Sài Gòn. Là người có năng khiếu về âm nhạc, ông học về lý thuyết nhạc cổ điển phương Tây đang thịnh hành. Sau khi trở về Hội An, với ý tưởng muốn phát triển tân nhạc, La Hối đã chiêu mộ những người bạn thân yêu thích và có khả năng trình tấu âm nhạc thành lập Hội Ái hữu Âm nhạc Faifo (Societe philharmonique de FaiFoo) tại Hội An năm 1942 và thuê ngôi nhà của một người tên Sấn hành nghề thợ vàng, tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt ngày nay để làm trụ sở.

Theo họa sĩ Trương Nguyên Ngã, thoạt đầu là nơi những thành viên ban nhạc trao đổi, bổ sung lý thuyết âm nhạc phương Tây và biểu diễn hòa tấu những nhạc phẩm Tây phương đang thịnh hành, bao gồm các thành viên: La Hối sử dụng piano; Vương Quốc Mỹ, Vương Quang, La Gin, Trần Can sử dụng violon, Lâm Cự sử dụng bangio alto hoặc accordion; La Xuân, Thái Chí Hải sử dụng bagnio, Ghibou sử dụng saxophone alto hoặc trompet, Lê Văn Miêng, La Thiều sử dụng trống, Duy Liễu sử dụng saxophone tenor. Tại đây, nhạc sĩ La Hối cũng mở lớp dạy ký âm, hướng dẫn lý thuyết và thực hành cho thanh niên yêu âm nhạc tham gia vào hội: Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Lê Trọng Nguyễn, Lê Khuê, Hoàng Tú Mỹ, Trương Đình Quang… hầu hết sau này họ đều trở thành nhạc sĩ. Trụ sở hội Hội ái Hữu Âm nhạc Faifo là lớp dạy tân nhạc đầu tiên tại Hội An.

Năm 1944 La Hối sáng tác bản nhạc Le Printemps et la Jeunesse, một bản nhạc hòa tấu, thời gian sau, bạn của ông là Diệp Truyền Hoa mới viết lời Hoa với tựa đề Thanh niên dữ xuân thiên. Năm 1946, khi Đoàn kịch nói Anh Vũ vào Nam biểu diễn, Thế Lữ rất thích bản nhạc này nên đặt lời Việt cho bản nhạc với tựa Xuân và tuổi trẻ. Chính lời Việt đã chắp cánh cho bản nhạc này lan tỏa cả nước đến ngày nay. Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối là một tác phẩm khá đặc biệt trên nhiều phương diện.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, người đã phổ sáu bản nhạc cùng lúc cho sáu bài thơ của tôi (Thuận Tình). Ông hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc từ hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, là bạn thân của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng: Phạm Duy, Trương Đình Quang, Trần Hồng, Lưu Hữu Phước, Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu,… nên quán cà-phê mái lá Lạc Viên, nằm trong khuôn vườn nhà nhạc sĩ thường vang lên những giai điệu của các nhạc sĩ tiền chiến lẫn hiện đại là bạn của ông. Nhiều người yêu dòng nhạc này chọn Lạc Viên là điểm hẹn để nhâm nhi cà-phê, nghe nhạc và đàm đạo… Trong quán Lạc Viên, từ trong ký ức của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, tôi nghe ông kể: “nhạc sĩ Phạm Duy đã từng đến tá túc tại Hội An và đã từng ghé ngôi nhà hội Ái hữu Âm nhạc Faifo”. Trong hồi ký, Phạm Duy không nhắc đến điều này nhưng ông nói: “Khi gánh hát vào Faifo tôi còn thấy thanh niên ở đây yêu âm nhạc hơn tất cả thanh niên ở những nơi tôi đã đi qua”.

Theo ký ức của nhiều người, tại những đại hội văn hóa – văn nghệ hoặc những chương trình nghệ thuật hàng năm tổ chức ở Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định) nòng cốt của ban nhạc phần lớn là những nghệ sĩ phố Hội. Từ các ban nhạc gia đình, những nghệ sĩ phố Hội đã tạo nên một nếp văn hóa mới, hòa chung vào dòng phát triển văn hóa Hội An một cách có chọn lọc. Họ đã đặt nền móng nhạc thuật tân nhạc khá vững vàng, đồng thời những hoạt động của họ cũng đã làm tiền đề cho sự phát triển tân nhạc tại Hội An cho đến mãi về sau này. Sau này, La Hối và 9 đồng chí của ông bị phát xít Nhật bắt giữ, ngày 19 tháng 4 năm Ất Dậu – tức ngày 30 tháng 5 năm 1945, bọn Nhật đem bắn tất cả các ông tại chân núi Phước Tường thuộc thành phố Đà Nẵng.

Có giai thoại là hầu hết những tác phẩm của nhạc sĩ La Hối đều được ông gửi cho người  yêu lưu giữ. Đó là một thiếu nữ Hội An xinh đẹp, làm nghề dạy đàn piano. Sau khi nhạc sĩ hy sinh, không còn thấy thiếu nữ này ở Hội An nữa. Cuộc đời nhạc sĩ La Hối đẹp như một huyền thoại. Xuân và tuổi trẻ vẫn mãi mãi xuân và tuổi trẻ dẫu thời gian cứ như một dòng sông!

 

XUÂN VÀ TUỔI TRẺ
Lời của nhà thơ Thế Lữ

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới / Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng / Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới / Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng / Ta muốn luôn luôn cười với hoa

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời / Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo 
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi 
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời / Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo 
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi 

Vui sướng đi cho đời tươi sáng / Vui sướng đi cho lòng thêm tươi
Ta hát ca đón mừng xuân mới / Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái 
Hát vang lên đời ta thắm tươi / Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa 
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca / Hát vang hòa lòng thêm hăng hái 
Hát vang lên đời ta thắm tươi / Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa 
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca / Xuân tưng bừng …

 

THANH NIÊN DỮ XUÂN THIÊN
Lời của Diệp Truyền Hoa

Tuổi trẻ chảy trong cơ thể bạn / Hy vọng tỏa sáng trong mắt bạn / Nào ngại khổ đau và bệnh tật
Nào ngại bao khó khăn trùng trùng / Tuổi trẻ chảy trong cơ thể bạn
Hy vọng tỏa sáng trong mắt bạn / Tình yêu lý tưởng của thanh niên
Tuổi trẻ luôn hướng về phía trước / Gió xuân thổi nhẹ qua mặt đất
Bao hoa đua nở trên cành cây / Bạn ơi! Lẽ nào chẳng thấy vui sao?
Nghe tiếng chim tranh nhau hót bài hát mùa xuân, bài hát của tuổi trẻ
Các cô gái hãy đến cùng múa nào! / Các chàng trai hãy đến chạy đua nào
Nhảy nhót chạy đua cùng nhau / Cười ha ha, gọi cùng nhau xuân!
Mang lại tiếng cười và những lời hoan ca / Mang lại sức mạnh và hy vọng
Đôi khi có phiền não mông lung / Hãy để chúng ta cùng hát lên
Xuân! Để ta vui cười và ca hát / Nắm bắt thực tế và lý tưởng
Phá tan phiền não đón nhận ánh sáng rực rỡ

(Dịch giả Hoàng Thu An chuyển ngữ)

 

Về văn học

Tôi chỉ nêu góc nhìn cá nhân về sự nghiệp văn học nổi trội của anh em nhà Nhất Linh. Bắt đầu từ cụ Nguyễn Tường Phổ – Tiến sĩ khoa Nhâm Dần năm Thiệu Trị thứ hai (1842) được triều đình điều chuyển từ làng Cẩm Phô – Hội An ra làm tri phủ huyện Cẩm Giàng. Từ đó đã khai nguyên ra nhánh Nguyễn Tường nơi đất Bắc. Nhà thờ tộc Nguyễn Tường xây năm 1806 tại Hội An, trùng tu năm 1909 và 2005, đến nay có tuổi đời đã hơn 200 năm, ở số 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An. Đây là tư dinh cụ Nguyễn Tường Vân làm quan Cai bạ Quảng Nam, Dinh quan Binh bộ Thượng thư  – Nhuận trạch hầu Nguyễn Tường Vân, người có tên ghi trong Đại Nam Liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn. Cụ Nguyễn Tường Vân là thân sinh Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ. Nguyên gốc họ Nguyễn Tường là Nguyễn Văn, được vua Gia Long ngự ban đổi thành “Nguyễn Tường”.

Trong các anh em ruột, Thạch Lam mất sớm, còn lại các anh em họ Nguyễn Tường ở huyện Cẩm Giàng đều đã có dịp về thăm quê nội ở làng Cẩm Phô – Hội An. Huyện Cẩm Giàng là nơi chôn nhau cắt rốn, thành phố Hội An hiện nay là cội nguồn hồn cốt tinh hoa. Nhiều người nhận xét, con người xứ Quảng Nam tính khí cương trực, thẳng thắn, nhưng người ở Hội An lại chứa đựng thêm nét tinh tế và tao nhã. Trong hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách – em út trong số bảy anh em, thì mẹ của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam cũng từ dòng họ Lê ở Duy Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Tự Lực văn đoàn gồm bảy thành viên: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) là nhóm trưởng, Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thế Lữ (Nguyễn Đình Lễ), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu). Các thành viên này cùng với nhiều người khác hoạt động trên hai tờ tuần báo Phong Hóa (1932-1936), Ngày Nay (1935; 1936-1940), và nhà xuất bản Đời Nay (1934-1945).

Tác phẩm của Tự Lực văn đoàn được đánh giá cao và đưa vào chương trình giáo dục của Việt Nam cộng hòa, học sinh trung học ở Hội An hầu hết đã đọc các tác phẩm Tự Lực văn đoàn, được nghiên cứu và thuyết trình văn học. Tuy nhiên các học sinh trung học từ ngoài Bắc về cho hay, họ không hề biết. Trong một thời gian dài sau khi nước nhà thống nhất, với những lập luận chống Tự Lực văn đoàn: khủng hoảng tư tưởng, vô luân, chống lại nhân dân, đề cao chủ nghĩa cá nhân tư sản, cực đoan, ích kỷ, bệnh hoạn, cải lương, phù phiếm, giả dối, trưởng giả, phản động, sa đọa, trụy lạc, phi luân, độc ác… nên không được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người thuộc thế hệ thứ hai các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Ông đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề và làm việc tại Viện Văn học: Tự Lực văn đoàn là tổ chức văn học đầu tiên của nước ta, mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại. Tự Lực văn đoàn chính thức tuyên bố thành lập vào tháng Ba năm 1934, với tôn chỉ gồm mười điều, thể hiện bốn phương diện nhận thức liên quan khăng khít, tự thân chúng có ý nghĩa đối trọng ngay lập tức với hiện tình sáng tác và thực trạng xã hội đương thời:

Về văn học, tôn chỉ nhắm tới ba mục tiêu lớn: dấy lên một phong trào sáng tác làm cho văn học Việt Nam có thời cơ hưng thịnh; xây dựng một nền văn chương tiếng Việt đại chúng; tiếp thu phương pháp sáng tác của châu Âu hiện đại để hiện đại hóa văn học dân tộc. Về xã hội, đề cao chủ nghĩa bình dân và bồi đắp lòng yêu nước, trên cơ sở lấy tầng lớp bình dân làm nền tảng. Về tư tưởng, vạch trần tính chất lỗi thời của những tàn dư Nho giáo đang ngự trị trong xã hội. Về con người, lấy việc giải phóng cá nhân làm trung tâm điểm của mọi sáng tác.

Cây bút tiểu thuyết tài danh của Khái Hưng, giọng thơ trào phúng kế sau Tú Xương là Tú Mỡ, Thế Lữ là chủ soái làng “thơ Mới”, Thạch Lam với những kiệt tác truyện ngắn trữ tình và Xuân Diệu, người tiếp bước Thế Lữ cho “thơ Mới”, phổ vào thơ cái ma lực của những cảm xúc đắm say quyến rũ. Riêng Nhất Linh không những về tiểu thuyết, ông còn là nhà văn luôn luôn tìm tòi và không ngừng sáng tạo. Tự Lực văn đoàn đã mang tư tưởng tự do trong sáng tạo, tác động từ trong nội tại, tác động lẫn nhau, tác động liên hoàn giữa khát vọng dân chủ tạo nên sự bùng nổ sức sáng tạo và đổi mới phương pháp sáng tác. Là một tổ chức văn học và báo chí có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, tinh thần dân chủ nhen nhóm trong văn đoàn Tự lực cũng đã lan tỏa trong xã hội lúc bấy giờ.

Ta cũng không quên cuộc cách tân văn xuôi to lớn của Tự Lực văn đoàn, về một thứ ngôn ngữ văn chương trong trẻo, chuẩn mực, giàu sức biểu cảm, và một cấu trúc thể loại mới mẻ về văn học, trong đó quy luật tâm lý thay cho trục diễn tiến theo trình tự thời gian và cái nhìn đa chiều trong soi chiếu nhân vật thay cho lối trần thuật. Tự Lực văn đoàn đã chấm dứt hoạt động thực tế kể từ sau năm 1940, tính đến năm 2019 đã 79 năm, Nhưng có điều rất lạ: càng lùi xa thì độ sáng của hiện tượng văn học mà ta đang xem xét dường như lại sáng hơn lên, diện mạo của những nhân vật nòng cốt trong nhóm Tự lực lại càng hiện ra nơi tâm trí chúng ta.

Hội An nhỏ bé về kích chiều hình học, nhưng lại thăm thẳm về không gian và thời gian… Phố Hội giới hạn bởi hai đầu “thượng chùa Cầu, hạ Âm Bổn” ngắn ngủi, chật hẹp mà đi hoài không hết. Phố cứ xoay vòng trôn ốc, xen kẽ giữa những con kiệt, thường không phải ngõ cụt, mà nối hai đầu phố. Để người đi đường ngơ ngác vì mới thoáng đã gặp lại nhau, cứ như là cổ tích, như là thần thoại… Những con kiệt là đường liền đường, những con đường ngắn nhất để người đến với nhau, nhà đến với nhau. Kiệt Hội An thường chật, hai người cùng đi nếu không nhường nhau chắc chạm vào nhau, phải một người nép qua bên, nhường người kia đi, đã có những chuyện tình nên vợ nên chồng vì chộ nhau… trong kiệt Hội An!

Phải chăng những con kiệt kia cũng góp phần làm cho tình người kẻ ở, người đến thân thiện? Bởi kiệt Hội An nhiều lắm, con đường nào dù ngắn nhất cũng dăm ba con kiệt. Những con đường chính Phan Châu Trinh, Trần Phú, Bạch Đằng… có khi gặp cả trăm lần, vẫn cái gật đầu thôi cũng mỏi cổ bởi chào nhau, nở một nụ cười thân thiện, mà nụ cười Hội An trở thành biểu tượng “Ra ngõ gặp nụ cười, biết là người Hội An”. Rứa mà người trong kiệt ăn ở với nhau cả đời không bao giờ to tiếng, gần gũi như trong một nhà, nếu to tiếng còn ai chịu nổi? Cho nên cứ đi trong ngõ nhỏ cho lành, có khi lại thấy nhẹ người, cho dù ngoài kia là những dãy phố ồn ào.

Hai cuộc giao thoa văn hoá lớn trong lịch sử dân tộc Việt: Lần thứ nhất cách đây hơn 5 thế kỷ, khi nước Đại Việt tiến về phương Nam mở mang bờ cõi; lần thứ hai cách đây hơn hai thế kỷ, khi người phương Tây theo các thương thuyền và cả chiến thuyền đặt chân lên đây. Cả hai sự kiện lớn đó đều kéo theo sự tương tác văn hoá lớn lao và nền văn hóa Việt đã vượt qua thử thách đồng hoá để tự cải biến và tồn tại. Giờ đây, du khách xa gần tới Hội An, ngoài việc khám phá sự bình dị và chân thật trong tâm hồn người Hội An, sẽ dành nhiều thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của kiến trúc cổ trên từng mái ngói rêu xanh, trên những nét chạm trổ tài hoa, tinh vi mà bay bướm trong những căn nhà gỗ xa xưa do chính các nghệ nhân làng mộc cổ Kim Bồng tại đây thực hiện.

Ngoài những giá trị văn hoá kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, các hoạt động nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đậm đặc chất liệu dân dã… làm cho Hội An trong tôi ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại, gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, một cây cầu – chùa Cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích. Các kiến trúc vừa mang sắc thái nghệ thuật truyền thống Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.

Hội An còn có một môi trường thiên nhiên thơ mộng và trong lành, yên ả và hữu tình với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn vây quanh, có nhiều nghề thủ công truyền thống được du khách càng ưa chuông hơn, khi chất liệu công nghệ mới bền đẹp và đôi bàn tay người thợ Hội An càng tinh xảo. Kiến trúc nhà ở đây toàn bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà chạm trổ hoa văn rất cầu kỳ… Hội An là một bảo tàng sống, các khu phố cổ còn nguyên vẹn sau hàng trăm năm vật đổi sao dời, nên tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến 4/12/1999 ở Marrakesh (Maroc). Tổ chức Văn hoá – Khoa học-Giáo dục Liên hiệp quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization – UNESCO) đã ghi tên Hội An vào danh mục các Di sản Văn hoá Thế giới. Người Hội An sống và cảm nhận mùa này đến mùa khác đi qua trên mái ngói, trên bức tường rêu bên hè hay trong các con kiệt…

Đặt biệt là mùa xuân hoa cỏ cười tươi, trong công viên, ngoài đường và vào tận từng ngôi nhà, tạo nên niềm vui tươi mới khởi đầu cho một năm. Mùa hè cây trơ cành khô và bạc màu oằn xuống trên các mái nhà nhưng các loài phượng đỏ, bằng lăng tím vẫn là những màu sắt chính làm nên không gian thắm màu. Khi ve gọi mùa inh ỏi không chỉ trong sân trường mà còn trên những con đường xuống cửa Đợi, dọc bờ sông Bạch Đằng, đường Hai Bà Trưng…

Mùa thu, cây cỏ và rong rêu lốm đốm nhuộm úa vàng trên các nóc nhà cổ nhưng trên những con đường không có cây ngô đồng như ở ngoài đảo Cù Lao Chàm để sắc thu thêm lãng mạn, cũng không có cây liễu rủ ven hồ, mặc dầu ở Hội An cũng lắm hồ vây quanh, nên mùa thu ở Hội An, nửa thời gian trước còn vương vấn hạ, nửa thời gian sau là bước chuyển cho mùa đông đến, để những đám rêu mọc lên xanh rì và những chiếc lá bàng bạc màu cuốn theo những cơn gió heo may lành lạnh… Con người và cỏ cây bốn mùa tìm về nơi đây để khơi gợi sắc màu, tự làm mới mình, góp một chút để Hội An thêm dịu dàng, tĩnh lặng và buồn buồn với cái lạnh sầu đông. Một nơi mà khái niệm mùa cũng riêng biệt, không giống nơi nào!

Các nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc cổ ở Hội An hầu hết được làm lại mới từ đầu thế kỷ XIX, mặc dù năm khởi dựng có thể xưa hơn rất nhiều, thể hiện rõ nhất ở khu phố cổ. Nằm trọn trong địa bàn của phường Minh An, Khu phố cổ có diện tích khoảng 2km², tập trung phần lớn các di tích nổi tiếng ở Hội An. Đường phố ở khu phố cổ ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ, nối nhau là những con kiệt nhỏ và sâu hun hút đi vào giữa phố hay ra tận bờ sông Hoài. Địa hình khu phố cổ có dạng như mái nhà, nghiêng dần từ trong ra ngoài bờ sông. Các công trình kiến trúc cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu gạch, ngói truyền thống tại làng gốm cổ Thanh Hà, gỗ được lấy từ thượng nguồn sông Thu Bồn xuôi về, được các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, đẽo, gọt, chạm, trổ, khắc… tạo nên, các ngôi nhà không quá hai tầng nên không gian bên trên thoáng lộng, bên dưới mặt đất liên kết nhau cả dãy phố.

Chúng ta dễ nhận ra dấu vết thời gian trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu phong và cây cỏ; những mảng tường xám mốc, xưa cũ mà một vài nơi đã bóc mặt, lòi ra những mảng gạch nâu sẫm; những hình dáng được chạm khắc ở cổng tam quan, trên bờ tường ngăn cách hay trên mái chùa về một con vật lạ, diễn tả một sự tích, một câu chuyện cổ… Những công trình kiến trúc, xây dựng có bàn tay của các nghệ nhân tài hoa về nghề mộc, nề, gốm sứ mà đa số là người Việt, sau đó người Hoa, người Nhật, người Chăm thể hiện. Mỗi công trình còn tồn tại cho đến hôm nay còn in dấu ấn văn hoá rất đa dạng và phong phú của nhiều dân tộc đã đến buôn bán, ở lại đây và xây dựng.

Qua các tài liệu nghiên cứu có được, Hội An trước đây là vùng đất Chămpa, từ rất xa xưa, đây là một xóm chài. Con sông Thu Bồn ngày ấy như một con trăn khổng lồ, cường tráng, nước đổ xuống từ đỉnh núi Ngok Linh cao ngất, tuôn ra biển Đông ở Cửa Đại sâu và rộng, chuyển tải phù sa vươn ra xa hơn đến cụm đảo Cù Lao Chàm chắn phía trước đón gió. Trong nhiều thế kỷ, Hội An đã từng là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều nền văn hoá, văn minh khác nhau trên thế giới, đã hình thành nên một đặc tính biết chọn lọc để giữ lại cái tinh hoa nhưng cũng biết tiếp thu cái mới, tiếp biến và sáng tạo nên cái độc đáo, riêng biệt Hội An.

Ngoài những phong tục tập quán bản địa người Việt còn có thêm những tập tục của cộng đồng cư dân nước ngoài đến định cư như tục thờ thần đá, thờ Cá Ông của cư dân ven biển, tục thờ cúng đa thần, thờ các hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm, sét hay loài vật thiêng, cây cổ thụ,… Hội An cũng là nơi duy nhất ở nước ta từng có các cụm cư dân tự quản, mang các quốc tịch khác nhau. Như thời các chúa Nguyễn, có phố Nhật, phố Tàu,… sớm hơn Hong Kong và Macao đến vài thế kỷ. Văn hóa Hội An là sự Việt hóa, hoà vào nhau, thật tự nhiên các nền văn hóa mà các dân tộc khác đến cư ngụ mang lại. Hội An đã chủ động hội nhập và chắt lọc được các tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác đến ở lại, buôn bán làm ăn và làm giàu kho tàng văn hóa Việt.

Một kiểu kiến trúc tiêu biểu ở Hội An là Hội quán Phước Kiến.

Sử Trung Hoa kể, vào thế kỷ XVII, năm 1649, ở Trung Quốc, nhà Thanh diệt nhà Minh, lập ra triều Mãn Thanh. Các tướng lĩnh triều Minh không thuần phục, nổi dậy phản Thanh phục Minh và đã bị thất bại. Nhiều người trong số họ đã đưa gia đình lên tàu vượt biển đến xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có Hội An. Họ đã xin chúa Nguyễn cho phép ở lại Hội An, và thành lập ở đây làng Minh Hương, đó là những người đến từ 5 bang chính: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Haka hay còn gọi là Hẹ. Vì người Hoa cũng như người Việt, sống mang tính cộng đồng rất cao, đoàn kết cùng nhau buôn bán, tương trợ lẫn nhau khi hoạn nạn, mỗi bang đã lập nên một hội quán. Hội quán Phúc Kiến nổi tiếng bởi vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, uy nghiêm trong một không gian rộng lớn, kiến trúc đặc sắc kiểu Trung Hoa thể hiện sự linh thiêng.

Hội quán Phúc Kiến là nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái, các vị tổ tiên, nơi họp đồng hương và giúp đỡ lẫn nhau của người Phúc Kiến, những người đến Hội An sớm nhất và đông nhất. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu tại Hội An được xây dựng vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp của Hoa kiều, hội quán Phúc Kiến càng trở nên hoành tráng, khang trang, góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Trước kia nó được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ nhưng đến năm 1757, hội quán này được xây dựng lại bằng gạch và mái ngói âm dương. So với các hội quán khác như Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam… Phúc Kiến có không gian rộng và sâu nhất, lối kiến trúc xưa với kiểu “Nội công ngoại quốc”, và bộ vì kèo tiền điện theo kiểu “Chồng rường giả thủ”, cùng với nhiều bức chạm lộng, chạm nổi hoa lá, chim, thú rất sinh động. Hội quán được công nhận là di tích loại 1 vào ngày 19/3/1985.

Lối vào là cổng tam quan, một công trình không thể thiếu trong kiến trúc đình, chùa truyền thống. Công trình này được trùng tu vào năm 1975, toàn bộ công trình được khảm bằng sành sứ, phía trên được lợp ngói âm dương với mái cong vút. Ngói dương giống như hình cái ống tách đôi, một đầu có chuôi thu nhỏ để luồn vào bên trong viên ngói khác khi lợp, nên thường gọi là ngói ống, mặt hướng ra ngoài được phủ men xanh hoặc vàng. Viên dưới cùng dùng để khóa bộ mái, được đúc thêm một cái nắp hình tròn, thường được trang trí hoa văn chữ thọ tròn, theo lối triện, gọi là câu đầu. Ngói âm có hình chữ nhật uốn cong, trong lòng phủ men một mặt. Khi lợp lớp tráng men hướng lên phía trên, cứ hai viên ngói âm thì có một viên ngói dương phủ lên hoặc ngược lại, cứ hai viên ngói dương thì có một viên ngói âm phủ lên. Viên ngói âm dưới cùng của bộ mái có gắn với một cái yếm, thường trang trí mắt hổ phù, gọi là trích thủy, liên kết với hai viên ngói câu đầu, cùng có chức năng trang trí diềm mái và dùng để định hướng giọt nước mưa.

Nhìn các đầu đao, chúng được bài trí hình con rồng đang uốn lượn, đây là biểu tượng của uy quyền. Trên nóc có tích lưỡng long chầu bình hồ lô, bình này tích sinh khí của trời và đất để làm tăng sức mạnh cho con người. Nhìn lên ở giữa cổng tam quan là bốn chữ Hán màu đỏ “ Hội quán Phúc Kiến”. Còn 3 chữ trên là Kim Sơn Tự, vì trước kia Hội quán này còn có tên gọi là Kim Sơn tự. Hai vòng tròn hai bên là thờ ông Nhật và bà Nguyệt – tượng trưng cho trời và đất, là sự hài hòa âm dương trong vũ trụ. Có ba lối đi vào theo kiểu “nam tả, nữ hữu”, ba lối đi còn có ý nghĩa là “Thiên, Địa, Nhân” cánh cửa ở giữa rất ít khi được mở ra, nó chỉ được mở vào những ngày lễ lớn, ma chay, cưới hỏi… Bởi vì theo quan niệm người xưa, nếu cổng chính giữa mở ra thì những khí xấu sẽ đi vào bên trong.

Phía trước là hòn non bộ với hình tượng cá chép hóa rồng hay còn gọi là cá chép vượt vũ môn. Người Trung Hoa có truyền thuyết về cá chép hóa rồng hay cá chép vượt vũ môn: có một năm trời hạn hán vì số rồng quá ít, không đủ làm mưa điều hòa khắp nơi, ông trời mới đặt ra một kỳ thi kén các vật lên làm rồng. Khi chiếu trời ban xuống, vua Thủy Tề loan báo cho các cư dân dưới nước tham gia vào cuộc thi. Cuộc thi có ba kỳ, mỗi kỳ vượt qua một đợt sóng. Con vật nào đủ sức, đủ tài vượt được cả ba đợt thì được hóa thành rồng. Trong một tháng trời, không con nào vượt được cả ba đợt sóng. Tôm nhảy qua được hai đợt, nên ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi đã gần hóa thành rồng, nhưng đến lượt thứ ba thì đuối sức, ngã bổ xuống nên lưng còng lại. Đến lượt con cá chép vào thi thì gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Cá chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng và lọt vào cửa Vũ Môn. Cá chép đã hóa thành rồng phun nước làm mưa được, đưa sự sống đã hồi sinh. Nên ở Trung Quốc, cá chép thường xuất hiện ở các câu chúc tết như “Niên niên hữu dư” nghĩa là hy vọng năm nào cũng dư thừa ấm no. Cá chép còn là biểu tượng của sự kiên trì và bền chí.

Ở giữa là phiên bản Vạn Lý trường thành, phía bên kia là hình tích của bốn con vật thiêng long, lân, quy, phụng. Rồng là kiệt tác sáng tạo của con người, có lịch sử lâu đời ở phương Đông. Người ta tưởng tượng rồng với hình dạng kỳ lạ, đầu giống đầu đà, sừng giống sừng nai, cổ giống cổ rắn, bụng giống bụng con giao, mắt giống mắt thỏ, tai giống tai bò, chân giống chân cọp, móng giống móng chim ưng, vảy rồng giống vảy cá ly. Rồng là biểu tượng của uy quyền.

Con lân cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng, nó có hình như con hươu nhưng lại lớn hơn, mình có vảy, đuôi giống đuôi trâu, chân giống chân ngựa, miệng rộng, mũi to, đầu có một cái sừng, lông trên lưng có năm màu, lông dưới bụng chỉ có màu vàng, tính rất hiền lành, không đạp lên cỏ tươi, không làm hại các sinh vật khác, nên được gọi là con thú có lòng nhân từ, nó biểu hiện cho sự may mắn. Con rùa tượng trưng cho sự tồn tại và bất diệt. Cuối cùng là hình con chim phượng, đây là linh vật được biểu hiện cho tầng lớp thượng lưu, Phượng thường có mỏ vẹt, chân chim, cổ ngắn. Người ta quan niệm bốn con vật này đều rất linh thiêng, khi có một trong bốn con xuất hiện thì nơi ấy ắt có điều lành xảy đến hoặc có thánh nhân ra đời.

Trước đây người ta xem một bức ảnh nhưng không hiểu hết ý nghĩa, chỉ thấy con mèo nhìn cái đuôi rắn thò ra từ một cái lỗ bé. Chú mèo cứ nghĩ đó là đuôi chuột, lấy chân vờn định kéo ra. Đây là một tác phẩm nổi tiếng của họa sỹ người Ý Marco Melgrati, dưới bức ảnh có chú thích: “Bạn sẽ không bao giờ biết được bạn đang chơi với ai, vì vậy xin hãy luôn tôn trọng mỗi người trong suốt cuộc đời bạn”. Trong cuộc sống, những gì mà chúng ta nhìn thấy chỉ là một phần rất nhỏ, những gì chưa nhìn thấy như phần chìm của tảng băng trôi! Đôi khi chúng ta nghĩ không ai biết mình đang làm gì, nhưng kỳ thực họ đã nhìn thấu bạn là ai từ lâu rồi, nên bạn hãy cẩn trọng trong lời nói và việc làm, bởi chúng ta không biết điều gì xảy ra khi làm tổn thương họ. Hãy luôn làm đầy ngân hàng cảm xúc, dùng sự chân thành, hoà hiếu, yêu thương để đối đãi với nhau.

Cộng đồng người Hoa ở Hội An có tục thờ các vị thần bảo trợ con người như Thiên Hậu, Quan Công, Bảo Sinh Đại Đế, Quan Âm Bồ Tát… Ở đây thường xuyên tổ chức các kỳ lễ hội hay sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng trong các ngày vía thần, như ba ngày tết, ngày 16 tháng Giêng âm lịch, tết Nguyên tiêu, tháng Ba âm lịch là tháng Thanh Minh lo chuyện mả mồ cho người thân trong dòng họ và gia đình, ngày mồng Năm tháng Năm tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu vào ngày Rằm tháng Tám cho trẻ em, ngày Trùng Cửu nhằm vào mồng Chín tháng Chín âm lịch, ngày Rằm tháng Mười âm lịch là tết Hạ Nguyên. Những yếu tố về mặt xã hội cũng như văn hoá đa dạng này tạo nên nét riêng biệt và độc đáo cho cộng đồng cư dân Hội An.

Do những yếu tố đặc thù nên người Hội An vốn giàu truyền thống văn hoá lại sớm giao lưu với thế giới bên ngoài, không biết tự bao giờ đã hình thành một bản sắc văn hoá độc đáo riêng biệt, hòa hợp mà không hòa tan, giữ gìn, bảo tồn được bản sắc qua bao thế hệ cho đến ngày nay. Cuộc sống con người thiên về nội tâm, phảng phất nét trầm lắng nhưng không vô cảm, mà lại yêu mến thật lòng, thật dạ, dẫu cho là người xa xứ mới đến với tư cách họ là con người. Điều này là một vốn quý vô hình để thu hút du khách.

Phố cổ Hội An là một ngôi nhà mẹ, chứa những ngôi nhà con cổ kính đan xen nhau, đông đúc con cháu hiền hoà và gần gũi, hiếu khách và thân thiện. Đặc biệt là những phụ nữ Hội An dịu dàng, khéo tay và nhân hậu. Họ biết đối nhân, xử thế và nuôi dạy những đứa con bằng sự làm gương, lễ độ, ngoan ngoãn, hướng đến sự thiện lành, sáng tạo… Tất cả điều đó tạo nên một cộng đồng cư dân qua bao thế hệ nối tiếp nhau, tạo nên bản chất “nhân tình thuần hậu”. Sống với nhau hoà thuận và bình dị, biết đặt chữ tín và niềm tin trong quan hệ. Người nước ngoài từng đến Hội An để buôn bán, lập nghiệp, lấy vợ, sinh con đẻ cái, sống và cả chết ở đây… mỗi dân tộc góp một phần công sức, một phần tâm hồn, cả linh hồn, cả máu xương âm thầm trong huyết quản để làm nên Hội An bây giờ.

6.

Những tấm bảng hiệu buôn ở Hội An đã chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Việc đặt tên bảng hiệu buôn cũng thể hiện lịch sử vùng đất mở Hội An. Bảng hiệu gắn liền với chủ nhân ngôi nhà, hàm chứa cả một đời sống sinh hoạt của nhiều thế hệ trong một gia đình, một dòng họ, từ tập quán đến quá trình hình thành một gia sản, trở thành một thương hiệu, rồi mới được trưng lên phía trước nhà. Gia đình gắn liền với sự hưng thịnh đô thị Hội An từ quá khứ đến hiện tại. Những bảng hiệu kinh doanh này có từ thế kỷ XVIII đến bây giờ vẫn còn gắn trước các ngôi nhà cổ, như những mảnh nhỏ sử ký, đóng góp vào lịch sử hình thành và phát triển Hội An.

Trong khu phố cổ, những bảng hiệu buôn cổ trước ngôi nhà, có đôi mắt cửa – tạo cho mỗi ngôi nhà cổ một dấu ấn riêng biệt. Những bảng hiệu rất đa dạng và trang trọng được treo lên để chứng tỏ thương hiệu nhà mình, gia tộc mình, dòng họ nhà mình, nên cứ ngời ngời ra khắp phố. Các đường phố chính có rất nhiều bảng hiệu, gắn liền với tên các hiệu buôn mà phần nhiều là người Việt và người Hoa. Có tới cả trăm bảng hiệu buôn tồn tại từ 50 năm đến 200 năm và xa hơn. Nhiều tên hiệu buôn đến giờ vẫn còn được nhiều người nhắc đến, vốn nổi tiếng một thời xa xưa như hiệu buôn La Thiên Thái, Đức Hưng, Xán Thạnh, Vạn Bửu, Tấn Ký, Tường Lan, Chấn Nam Hưng, Thuận An đường, Quân Thắng Sạn, Phi Anh, Phi Yến, Triều Phát, Hòa Xuân đường, Thái Vĩnh Xương, Nam Phát, Cẩm Thạch, hiệu ảnh Huỳnh Sau, hiệu ảnh Vĩnh Tân, nhà sách Trùng Dương, nhà sách Nhất Tiếu…

Bảng hiệu Quân Thắng Sạn bằng tiếng Hoa, treo trước cửa ra vào vốn đã tồn tại hơn 200 năm được chủ nhà giữ gìn như một dấu tích của nếp nhà, hồn cốt tổ tiên, truyền thống ông cha được lưu truyền cho con cháu. Ngày nay nhìn vào mới hiểu về nguồn gốc của ngôi nhà và tìm về ngày xưa. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo trong di sản Hội An, tiêu biểu cho lối kiến trúc vùng Hoa Hạ – Trung Hoa. Chủ nhân hiện tại là ông Diệp Bảo Hùng, thuộc thế hệ thứ bảy, chắt ngoại của một thuyền trưởng người Hoa tên là Thái Kế Trinh, chuyên buôn thuốc Bắc từ Trung Hoa sang các nước châu Á.

Khi tìm hiểu các chủ nhà có bảng hiệu, ta mới biết kích thước bảng hiệu không phải ai thích kiểu chi là làm theo kiểu nớ, mà phải chọn kích thước phù hợp với cung mạng chủ nhà, nằm trong cung tốt trên thước Lỗ Ban như các cung tấn tài, trường mạng, đăng khoa,… Các tên bảng hiệu buôn cũng mang theo những ý nghĩa tốt lành, kết hợp giữa tên chủ nhân với tên chữ, thể hiện sự mong cầu gia chủ Phúc, Lộc, Thọ; sự nghiệp hưng thịnh, phát đạt dài lâu. Nên có hàng trăm bảng hiệu buôn mà mỗi bảng hiệu mỗi khác, không chỉ kích cỡ mà còn màu sắc và cách trang trí…

Nhiều bảng hiệu chủ nhân đã nghỉ kinh doanh từ lâu mà bảng vẫn còn treo như bảng hiệu Minh Đức ở nhà số 120, đường Nguyễn Thái Học vẫn giữ nguyên từ thời Pháp thuộc đến nay. Lại có nhiều tên hiệu đặt theo tên Hội An kết hợp với tên chữ riêng như Hòa An đường, Bảo An Long, An Thái… vì người Hoa các bang Phúc Kiến, Triều Châu, Gia Ứng, Hải Nam, Quảng Đông ở Hội An thể hiện ý nguyện muốn an cư lập nghiệp ở vùng đất này và cầu mong mọi việc phát triển, thịnh vượng.

Thường là cuối năm, chủ nhà có các bảng hiệu buôn được lau sạch cứ như là rửa mặt người, như đối với tượng, ảnh thờ, họ trân trọng dùng khăn thấm rượu hay khăn sạch, chứ không dùng chổi quét hay phủi lớp bụi một cách đại khái và ít thấy nhà nào sơn phết lại. Họ trang trí hoa vải đỏ, bên dưới dán tờ chúc xuân với nội dung mong cầu gia đình hạnh phúc – cát tường – như ý – mọi điều tốt đẹp! Hai bên cửa thường dán câu đối xuân mang ý nghĩa cầu chúc buôn bán phát đạt, chúc mừng năm mới.

Nghi thức treo một bảng hiệu cũng cầu kỳ, chủ nhân thực hiện đủ các lễ nghi như xem ngày, giờ và chọn cả người chủ tế. Lễ vật bao giờ cũng có hương, hoa, quả, phẩm: trầu, cau, rượu, xôi, gà, thịt, vàng bạc, hương trầm và tờ khai trương hồng phát. Hiệu buôn người Hoa có thêm tô mì ống và miếng giấy đỏ đặt trên con gà và đĩa xôi nhằm hướng đến sự trường tồn và may mắn. Khi cúng khai trương có người mua hàng thì tiền bán hàng sẽ được cất cẩn thận để dành năm sau mới được tiêu dùng. Các hiệu thuốc Bắc, ngày khai trương bán được cam thảo, họ quan niệm sẽ mua may bán đắt, hàng ngày tuyệt đối không được phá cốt giã và bàn tán thuốc Bắc (chày, cối). Nếu tiệm thuốc nào chuyển nghề thì cốt giã và bàn tán vẫn giữ lại, vì nó mang ý nghĩa phồn vinh nên rất được quý trọng. Khi nhà thuốc bắc Thuận An đường nghỉ làm, họ đã gửi cốt giã và bàn tán về bản quán Trung Hoa.

Từ xưa đến nay, buôn bán là nghề chủ yếu ở Hội An, nên chủ hiệu buôn rất coi trọng bảng hiệu. Bảng hiệu chính luôn được giữ nguyên vị trí ban đầu đã đặt, đây là nơi đặt theo hướng nhà ở vị trí trang trọng, trung tâm sự chú ý của khách hàng. Mỗi hiệu buôn thường có từ 2 đến 4 bảng hiệu, một treo giữa căn giữa xoay theo hướng nhà, một bảng ở gian tiếp khách xoay vào bàn thờ, còn lại treo ngoài hiên hoặc hai bên cửa hiệu. Khi chuyển đổi nghề, bảng hiệu vẫn luôn được giữ nguyên khi chủ hiệu chết, người ta cũng bịt băng tang bảng hiệu, thể hiện sự tôn kính truyền thống.

Quản lý, bảo tồn các di sản tại Hội An, trong đó quản lý và bảo tồn các bảng hiệu, nhất là các bảng hiệu cổ, để giới thiệu một cách hệ thống văn hoá từ sự hình thành các bảng hiệu, gắn các thương hiệu nổi tiếng hàng thế kỷ ở Hội An với quá trình phát triển một thương cảng từ xa xưa rất độc đáo này đến du khách, như một sản phẩm văn hoá du lịch.

7.

Sự phong phú, đa dạng về tâm hồn giàu bản sắc văn hoá của người Hội An còn được biểu hiện ở các món ăn truyền thống như cao lầu, hoành thánh, bánh tổ, bánh ít gai, bánh bao, bánh vạc, bánh in, bánh tào xá… được bảo tồn để thực khách bốn phương thưởng thức. Có những món ăn mọi người đều biết, khi thấy một ông cụ đầu đội chiếc nón rộng vành ngồi múc từng chén xíu mà bán cho người dân và du khách. Ông già Ngô Thiểu đã gắn cả đời mình với món xíu mà ở Hội An, giờ đây đã trở thành thương hiệu “Xíu mà Ngô Thiểu”. Về đêm khi mọi người đã ngơi đi dạo, tiếng guốc vẫn gõ đều trên đường phố, xen lẫn tiếng rao đêm như gõ vào tâm thức mọi người cũng là đặc trưng làm nên hồn phố.

Dẫu cuộc sống có đổi thay theo thời gian nhưng người Hội An không đánh mất nền tảng văn hóa, văn chương, nghệ thuật mà còn bồi đắp, làm giàu thêm kho tàng văn học – nghệ thuật bằng chính sự sáng tạo của những con người được sinh ra và lớn lên ở đây. Phải chăng chính môi trường sống với kiến trúc nhiều chùa, nhiều đình, nhiều miếu nên trong cảm thức dân gian tiên, phật, thần, thánh, ma quỷ đang sống chung với con người trong một thế giới lẫn lộn hư thực, tràn trề hiện tại nhưng cũng sâu đậm quá khứ huyền ảo, đã góp phần làm cho người Hội An có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân và tài tử…

Những làn điệu dân ca, những điệu hò, điệu ví quen thuộc trong những buổi sinh hoạt, lễ hội văn hoá từ ngàn xưa đều được trân trọng giữ gìn… Nó đã ngấm vào máu thịt con người, đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về quá khứ. Ðặc biệt, khu phố cổ mang một vẻ lãng mạn, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm mười Bốn âm lịch hàng tháng. Xưa kia, nếu như người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, thì người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen thắp đèn cầy đặt vào lồng đèn.

Vào mỗi đêm mười Bốn âm lịch, mọi sinh hoạt Hội An bình yên này được quay trở về với tập quán của hơn 300 năm trước, và khu phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đều tắt đèn và treo trước hiên nhà những cái đèn lồng với ánh sáng huyền ảo. Người ta đã thay thế đèn cầy bằng những bóng điện thông thường, nhưng nhờ lồng đèn bao bên ngoài nên ánh sáng mờ dịu và phảng phất dấu ấn thời gian xưa cũ. Những chiếc lồng đèn tròn, lồng đèn lục lăng… theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào, lồng đèn quả trám to nhỏ hoặc ống dài kiểu Nhật Bản phất giấy trắng, lơ lửng dọc theo hàng cột đèn trụ vuông.

Tất cả đã tạo lên một thế giới lung linh, huyền ảo. Trong đêm người ta thả hoa đăng xuống sông Hoài, lúc đó, người dân phố cổ đã ngừng sử dụng các thiết bị điện trong nhà và đèn điện đường làm du khách nhiều nơi đổ về rất thích thú nhưng để gìn giữ môi trường, thay vì thả hoa đăng sẽ xả rác nhựa xuống dòng sông, Hội An nên thay thế bằng hình thức khác.

Những đêm trăng sáng, phố cổ lung linh, huyền diệu, thổi vào lòng người đi qua phố cảm giác miên man đất trời hàng thế kỷ trước. Trong ngôi nhà cổ rêu phong, bóng người phụ nữ áo dài cổ đang cặm cụi làm việc, dưới ánh đèn lồng được tạo thành từ chiếc nơm cá giản dị. Bên vỉa hè, hai người già râu tóc bạc phơ đang chìm đắm vào suy nghĩ với ván cờ tướng, nơi khác các cụ đang chơi nhạc cổ điển dưới ánh sáng lung linh của ngọn nến… Dường như con người đang được sống với dĩ vãng, quên đi những phiền toái trong cuộc sống đời thường đang diễn ra.

Trên phố có các cửa hàng bầy bán các loại đèn lồng, tập trung nhất là chỗ chợ đêm, bên kia sông Hoài. Tuỳ theo chất liệu và màu sắc vải bọc bên ngoài mà ngọn đèn cho những ánh sáng có màu khác nhau. Có thể là màu đỏ may mắn, màu vàng vui tươi, mầu gấm huyết kiêu sa hay sắc xanh lạnh lẽo. Nhưng làm sao có thể so sánh được với những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ, đang được các gia đình sinh sống lâu đời ở đây gìn giữ và chưng ra trong đêm hội. Những khung ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội họa tinh tế, về các tích truyện cổ nổi tiếng được nghệ nhân xưa vẽ trên kính, sinh động và hoàn hảo như một bức tranh. Loại đèn kéo quân tự quay mỗi khi ngọn nến bên trong toả sáng, cảnh mây trắng, trời xanh, nước biếc sẽ liên tục quay tròn, các hình ảnh trên mặt kính đuổi bắt nhau, hắt ra một bên ngoài như kể về một câu chuyện cổ tích.

Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan, hò giã gạo… vẳng lên từ con thuyền rồng dưới bến sông, dưới mái hiên, bên dòng sông Hoài nơi đầu phố gần chùa Cầu… tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách. Không quá trang nghiêm như cố đô Huế, không quá sôi động và đông người như lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn lãng mạn, khi nghĩ về những ngày xa xưa. Ai đã từng đặt chân đến Hội An một lần, trong lòng muốn quay lại để khám phá bao điều còn bí ẩn.

HUỲNH VIẾT TƯ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây