Giới thiệu khái quát huyện Đà Bắc

Giới thiệu khái quát huyện Đà Bắc

Giới thiệu khái quát huyện Đà Bắc

Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, có những điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù. Huyện Đà Bắc phía bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía tây giáp tỉnh Sơn La, phía đông tiếp giáp thị xã Hòa Bình và phía nam giáp các huyện Tân Lạc, Mai Châu. Huyện Đà Bắc có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Hoà Bình nhưng diện tích đất nông nghiệp lại chiếm tỷ lệ rất ít. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 820 km2 (chiếm 17,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh), dân số trung bình là 50.960 người (chiếm 6,4% dân số cả tỉnh), mật độ dân số 62 người/km2(bằng 0,4 lần mật độ dân số toàn tỉnh).

Nằm ở độ cao trung bình 560 m, có nhiều ngọn núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển, Đà Bắc có địa hình núi, đồi, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dải hẹp, độ chia cắt lớn, độ dốc bình quân 35o. Địa hình nơi đây mang đặc trưng kiểu địa hình núi cao trung bình, chủ yếu là núi đá vôi, trong đó có những núi cao trên 1.000 m như: Phu Canh (1.373 m), Phu Xúc (1.373 m), Đức Nhân (1.320 m), Biều (1.162 m)…

Huyện Đà Bắc nằm trong vùng khí hậu á nhiệt đới gió mùa, mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa khô lạnh kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình là 23,5oC, nhiệt độ cao nhất khoảng 38 – 39oC, nhiệt độ thấp nhất là 12oC. Lượng mưa trung bình 1.570 mm/năm, nhưng tập trung chủ yếu vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 (chiếm 79% lượng mưa cả năm).

Hầu hết các xã trong huyện đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của gió tây khô nóng, xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 9, có kỳ xảy ra 2 – 3 ngày, bình quân 5 – 10 ngày trong 1 năm. Vào mùa mưa, ở huyện thường xảy ra những đợt lũ quét phá hoại đường sá, hoa màu và diện tích ruộng lúa nước.

Đà Bắc có nhiều loại đất rất phù hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp và dược liệu.

Quá trình hình thành đất đai ở đây chịu tác động của các kiến tạo địa hình Phanxiphăng và Sầm Nưa. Do quá trình cacxtơ và trầm tích mạnh, phần lớn đất đai của huyện được hình thành từ các đá mẹ có nguồn gốc đá vôi, đá mẹ sa thạch, phiến thạch, diệp thạch… Đất có tầng dày trung bình 50 – 80 cm, riêng ở các thung lũng, đất có tầng dày trên 1 m, thành phần cơ giới từ trung bình đến nhẹ. Rải rác có những cao nguyên rộng lớn, khá bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, thích hợp cho việc quy hoạch các vùng sản xuất lớn các loại cây luồng, quế, hồng, chè tuyết, chăn nuôi bò sữa…

Đà Bắc nằm trọn trong lưu vực sông Đà (chiều dài sông Đà chảy qua địa phận huyện là 70 km), nên chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ thủy văn của sông Đà. Lưu lượng bình quân cả năm 1.602 m3/s của sông Đà là nguồn nước phong phú, đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt của toàn huyện.

Nguồn nước ngầm chưa được điều tra đánh giá đầy đủ, nhưng qua khảo sát một số điểm cho thấy mực nước ngầm về mùa khô có độ sâu dưới 5m. Với lợi thế gần nguồn nước sông Đà, Đà Bắc có thể tận dụng để phát triển giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản và du lịch lòng hồ.

Diện tích đất lâm nghiệp của Đà Bắc lớn thứ hai toàn tỉnh Hoà Bình với 30.522 ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm 84,25% (25.715 ha), rừng trồng chiếm 15,75%.

Ở Đà Bắc, nguồn tài nguyên khoáng sản không được phong phú lắm: có nguồn đá vôi, đá granít là nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, qua khảo sát bước đầu, đã phát hiện được quặng bôxít và phốtphorít.

Là nơi tiếp giáp giữa các vùng Tây Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc, Đà Bắc có sự giao thoa của nhiều luồng văn hoá khác nhau, tạo nên sự đặc sắc, quyến rũ cho mảnh đất này. Hơn nữa, Đà Bắc còn có những danh lam thắng cảnh như hồ sông Đà, động Thác Bờ… là địa điểm du lịch sinh thái có sức thu hút du khách cả trong và ngoài nước.

Lịch sử

Các di chỉ khảo cổ được tìm thấy đã chứng minh sự tồn tại từ rất lâu của con người ở Đà Bắc. Cuộc sống săn bắn, hái lượm và đấu tranh với thiên nhiên đã tạo cho con người ở đây lòng quả cảm và tinh thần yêu nước. Cũng như nhân dân các dân tộc Hòa Bình nói chung, nhân dân Đà Bắc đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. 

 Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã hội người Mường vận hành theo chế độ nhà lang, cha truyền con nối. Lang cun là người có quyền lực tối cao ở một vùng, còn lang đạo thì cai trị ở những vùng nhỏ hẹp hơn. Những người cai quản ruộng đất, trông coi công việc của nhà lang được gọi là ậu. Hầu hết ruộng đất đều nằm trong quyền quản lý của lang. Đa số nông dân nghèo đều không có ruộng đất, suốt đời phải đi cày cấy cho lang để kiếm sống. Ngoài ra, chế độ lang đạo hà khắc còn quy định người dân phải cày xâu, cấy nõ, phục dịch, hầu hạ cho nhà lang. Khi lang có việc ma chay, cưới hỏi… thì tất thảy mọi người phải có nghĩa vụ phục dịch và đóng góp theo đầu ruộng. Trung bình một năm người dân phải đóng cho lang cun, lang đạo hơn 100 ngày công, 180 cân thóc… và nhiều thứ thuế khác.

Khi thực dân Pháp đặt nền móng đô hộ nước ta, chúng ra sức mua chuộc bọn lang đạo, cấp cho họ nhiều đặc quyền, đặc lợi để xây dựng bộ máy tay sai nhằm áp bức, bóc lột người dân. Trong cảnh tối tăm lạc hậu, chịu sự áp bức dã man của thực dân, phong kiến, ý thức dân tộc và lòng yêu nước của nhân dân lao động dâng lên mạnh mẽ, chờ dịp phản kháng. Lòng yêu nước của nhân dân Đà Bắc là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Được sự giúp đỡ của đồng chí Đinh Công Sắc, đồng chí Vũ Thơ đã tổ chức tuyên truyền cách mạng đến người dân các vùng Tu Lý, Hiền Lương, Bản Thôn, làm tiền đề cho sự phát triển phong trào cách mạng.

Từ khi chiến khu Hòa – Ninh – Thanh được thành lập, phong trào cách mạng ở Hòa Bình càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Ở Đà Bắc, do vận động được nhiều chánh tổng, lý trưởng ủng hộ cách mạng nên việc xây dựng cơ sở, tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số tương đối thuận lợi. Các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ cứu quốc được thành lập tại nhiều xóm ở các xã Hiền Lương, Tu Lý.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Đến ngày 12-3-1945, chúng chiếm thị xã Hòa Bình, rải quân chốt giữ ở các vị trí trọng yếu. Trước tình hình đó, các tổ chức cách mạng ở Đà Bắc gấp rút xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 15-4-1945, chiến khu Quang Trung được thành lập trên cơ sở chiến khu Hòa – Ninh – Thanh. Ngay trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5-1945, phong trào Việt Minh lan rộng ở địa bàn 2 xã Tu Lý, Hiền Lương và động Dao Toàn Sơn. Ở Mường Diềm, đồng chí Phan Lang và đồng chí Hoàng Ba mở rộng tuyên truyền cách mạng trong đồng bào các dân tộc thiểu số (Mường, Tày, Thái), xây dựng lực lượng vũ trang, hình thành khu căn cứ Mường Diềm trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng toàn vùng. 

Ngày 17-8-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa. Chiều ngày 25-8-1945, lực lượng vũ trang của khu căn cứ Tu Lý – Hiền Lương, động Dao Toàn Sơn do đồng chí Hoàng Ba chỉ huy theo đường sông Đà tới Chợ Bờ. Được sự hỗ trợ của quần chúng cứu quốc và nhân dân thị trấn Chợ Bờ, lực lượng vũ trang đã vận động quan Nhật và Tri châu Đinh Công Quyền đầu hàng. Thay mặt đoàn quân khởi nghĩa, đồng chí Bình Huấn tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời.

Ngày 26-8-1945, lực lượng vũ trang của hai khu căn cứ Tu Lý – Hiền Lương và Mường Diềm phối hợp giành chính quyền ở Suối Rút và ngày hôm sau lên tiếp quản Phố Vãng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, chứng tỏ uy thế cách mạng, uy lực của quần chúng nhân dân, mở ra một trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng. Sau khi đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, chính quyền non trẻ của Nhà nước ta lại phải đương đầu với vô vàn khó khăn. Ở Đà Bắc, quần chúng nhân dân nhiệt tình tham gia các tổ chức cứu quốc, thi hành các chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh tăng gia sản xuất ngô, khoai, sắn với khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”. Bên cạnh đó, các lớp bình dân học vụ được mở rộng ở khắp nơi, người biết chữ dạy người chưa biết chữ.

Ngày 1-4-1947, bằng ba cánh quân phối hợp, thực dân Pháp tấn công đánh chiếm tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất. Đầu tháng 5-1947, thực dân Pháp chiếm đóng Chợ Bờ và Suối Rút. Thu đông năm 1949, Bộ Tư lệnh Liên khu III quyếtđịnh mở Chiến dịch Lê Lợi với hướng tấn công chính là Hòa Bình. Ngày 25-11-1949, Chiến dịch Lê Lợi mở màn đánh đồn Mó Hém, Suối Rút, buộc quân địch rút chạy về Chợ Bờ. Đến hết tháng 11-1949, huyện Đà Bắc cơ bản được giải phóng, chỉ còn lại 3 xã: Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông còn nằm trong tầm kiểm soát của địch.

Ngày 18-11-1951, Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình. Nhân dân Đà Bắc tích cực đóng góp sức người, sức của, huy động hàng ngàn dân công vận chuyển lương thực. Chiến dịch Hoà Bình tháng 2 năm 1952 thắng lợi, tỉnh Hòa Bình hoàn toàn được giải phóng vào năm 1954. Sau đó, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Cùng với nhân dân toàn miền Bắc, nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc bắt tay vào xây dựng kinh tế, bảo vệ thành quả cách mạng, chống thù trong giặc ngoài.

Từ năm 1964, do bị thất bại liên tiếp và nặng nề trên các chiến trường, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang ném bom ra miền Bắc. Máy bay địch đã nhiều lần bay lượn trên vùng trời Đà Bắc, thả truyền đơn… Tính đến năm 1965, có 10 xã trong huyện trực tiếp tham gia 45 trận đánh máy bay phá hoại của đế quốc Mỹ. Lực lượng dân quân được huấn luyện kỹ càng, có khả năng đối phó với các tình huống xấu. Mỗi xã đều có một trung đội dùng súng bộ binh bắn máy bay tầm thấp, lập các vọng gác để quan sát. Dân quân Đà Bắc đã lập được nhiều chiến công vang dội trong chiến đấu, bắn rơi máy bay địch, bắt sống giặc lái.

Với khẩu hiệu “Vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến”, mặc dù đời sống còn vô vàn khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Đà Bắc vẫn quyết tâm dốc toàn lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong công tác tuyển quân năm 1979, huyện đã lựa chọn được 200 thanh niên nam, nữ ra tiền tuyến, dành 10.000 ngày công phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu tại địa phương, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống anh dũng trong chiến đấu, tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, với khẩu hiệu “Miền ngược tiến kịp miền xuôi”, trong thời kỳ xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân Đà Bắc đã cố gắng phấn đấu giành được những thành tích to lớn trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững thế trận an ninh quốc phòng.

Thực hiện các mục tiêu đề ra, huyện đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, đưa tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 21.574 tấn. Các công trình trường học, trạm xá khang trang, sạch sẽ được xây dựng mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Văn hoá, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển khá về số lượng và chất lượng, xoá nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Các phòng học được ngói hoá, không còn tình trạng học ba ca. Hoạt động văn nghệ, thể dục – thể thao được duy trì đều đặn, các đội văn nghệ quần chúng thường xuyên biểu diễn, tham gia hội thi toàn tỉnh.

Với những thành tích trên, toàn huyện có 7 mẹ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 4 xã được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Bùi Xuân Tiếp được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Văn hóa, thể thao

Hoạt động thể dục – thể thao rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực ngày càng được mở rộng trong toàn dân. Phong trào chơi bóng chuyền, bóng đá, cầu lông diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo mọi người tham gia.

Tại các xã, nhiều sân vận động đã được đầu tư xây dựng và hình thành, tuy còn sơ sài nhưng đã kích thích sự phát triển của phong trào thể dục – thể thao ở cơ sở. Toàn huyện có tới 8.151 người thường xuyên luyện tập thể dục, 3.603 người đạt chế độ rèn luyện theo tiêu chuẩn.

Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện thường xuyên đến tận từng hộ dân thông qua làn sóng phát thanh, truyền hình. Các nhiệm vụ chính trị, thông tin kinh tế – văn hóa bổ ích được truyền tải kịp thời đến nhân dân. Toàn huyện có 3 trạm thu phát và tiếp sóng truyền hình, nâng diện tích phủ sóng lên trên 50% toàn huyện.

Các hoạt động tuyên truyền văn hóa, văn minh, nếp sống tốt đẹp, phục hồi và phát huy bản sắc dân tộc ngày càng được đề cao. Các chuẩn mực truyền thống văn hóa, đạo đức được trân trọng. Nhiều phong tục lạc hậu trong lao động sản xuất, cưới xin, ma chay… dần bị xóa bỏ khỏi cuộc sống cộng đồng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây