Giới thiệu khái quát huyện Kim Bôi

Giới thiệu khái quát huyện Kim Bôi

Giới thiệu khái quát huyện Kim Bôi

Trước năm 1945, tỉnh Hòa Bình là nơi cứ trú chủ yếu của người Mường. Khi đó, dân cư phân bố theo 4 thung lũng lớn, gọi là 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Theo lịch sử phát triển và quy mô phân bố dân cư, người ta sắp xếp: Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Ở đây chúng ta hiểu mường là một khái niệm chỉ một cùng cư trúcủa người Mường (trong tiếng Mường, mường còn có nghĩa là một đơn vị quần cư nhỏ, tương đương với làng trong tiếng Việt).

        Mường động gốc là xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi. Đây là một trong những cái nôi văn hóa của cả vùng, đồng thời là nơi tập trung dân cư Mường với kinh tế phát triển sớm.

        Cũng như một số nơi khác của tỉnh Hòa Bình, ở huyện Kim Bôi xưa tồn tại thiết chế xã hội lang đạo với các dòng họ quý tộc làm lang thống trị lâu đời như: Đinh, Quách, Bạnh, Hà.

        Sống dưới chế độ lang đạo, người dân bị bần cùng hóa do các thế lực phong kiến bóc lột nặng nề, Nhà lang tự đặt ra nhiều luật lệ quy định hà khắc hình thành một cơ chế thống trị toàn diện, từ bóc lột sức lao động của thường dân cho đến việc chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt các thành quả lao động và áp chế về mặt tinh thần đối với thường dân. Chẳng hạn, tồn tại lệ (gọi là lệ mường) khi nhà dân có việc hiếu, hỷ, làm nhà mới … đều phải biếu lang một vai trâu, vai bò, xôi, thịt; góp công lao động khi nhà lang có việc. Gia phả họ Quách ở Hạ Bì có ghi 11 lệ, trong đó lệ 11 ghi: Dân trong Mường phải đóng góp không công cho nhà lang bình quân mỗi năm là 169 ngày công, phải đóng góp hiện vật cho lang 182 đấu thóc (một đấu gần bằng một kg).

        Năm 1886, thực dân Pháp lập ra tỉnh Mường Hòa Bình, câu kết với bọn lang đạo địa phương hình thành bộ máy tay sai phục vụ đắc lực cho sự thống trị và bóc lột đối với nhân dân. Dưới các lang là một hệ các loại Ậu: Ậu cai xã, ậu cai cả, ậu cai chung, ậu cai giáp …

        Về chính trị, thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn thâm độc hòng chia rẽ các dân tộc, thực hiện âm mưu “dùng thổ lang trị thổ dân”. Thời kỳ đó, Kim Bôi chia làm 2 tổng: Tổng Bôi trên từ Hạ Bì trở lên do họ Đinh ở Mường Động cai quản, tổng Bôi dưới do họ Quách cai quản (Chánh tổng họ Quách ở xã Kim Sơn).

        Chính sách thuế của chế độ thực dân phong kiến khiến người dân điêu đứng, hàng trăm gia đìng vì không nộp đủ thuế phải bỏ làng vào rừng sống chui lủi,hoặc tha phương cầu thực.

        Về văn hóa, thực dân Pháp thu hành chính sách “ngu dân” nên khi ấy, cả vùng Mường chỉ có một trường Sơ học ở phố Sào, Hạ Bì cho con em nhà Lang, Tổng lý, Kỳ hào đi học; các gia đình bình dân không được phép nuôi thầy dạy học trong nhà , nếu bắt được sẽ bị phạt vạ. Từ năm 1940 – 1944, ở xã Nật Sơn có một trường Hương Sơ, thầy dạy học phải thường xuyên thay đổi nguyên nhân là do các thầy không chịu phục vụ cho nhà Lang nên bị thay luôn. Các tệ nạn xã hội (hút thuốc phiện, cờ bạc, mê tín dị đoan … ) được thực dân Pháp khuyến khích (ở các phố: Gò Chè, phố Sào, phố Rạnh tuy rất nhỏ bé nhưng đều có đại lý công khai bán thuốc phiện.
Kể từ năm 1944, phong trào cách mạng được nhen nhóm. Tổng số hội viên hội cứu quốc ở Kim Bôi lúc này có 42 người, phong trào cách mạng phát triển, ảnh hưởng lan rộng từ xã Nật Sơn tới các xã Tú Sơn, Hạ Bì, Kim Bôi, Kim truy, Vĩnh Đồng …

        Đầu năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương. Ở Lương Sơn nói chung và tổng Kim Bôi nói riêng, phát xít Nhật phá lúa, hoa màu để trồng đay, gai và thầu dầu. Trước sự đàn áp dã man của địch, đầu tháng 6 – 1945, đội tự vệ chiến đấu xã Nật Sơn được thành lập, gồm 42 chiến sĩ. Tại Cao Dương, mỗi xóm thành lập 1 tổ Việt Minh. Ở xã Hạ Bì tổ Việt Minh được thành lập.

        Tháng 8 năm 1945, khi thời cơ cách mạng đến, công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Kim Bôi được tiến hành khẩn trương. Ngày 19 – 08 – 1945, các tổ Việt Minh ở xã Nật Sơn đã tổ chức cho quần chúng nổi dậy, sai đó một cuộc mít tinh được tổ chức ngay tại sân đình xóm Chỉ Trong xã Nật Sơn. Đại diện Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời xã Nật Sơn. Từ đó lực lượng cách mạng xã Nật Sơn tiến xuống nhiều xóm trong vùng tổ chức mít tinh tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến.

        Tại xã Hạ Bì, sáng 23 – 08  –  1945, lực lượng cách mạng xã Nật Sơn kết hợp với tổ Việt Minh và quần chúng thành lập Chính quyền cách mạng lâm thời xã Hạ Bì.

        Tại xã Cao Dương, hàng trăm quần chúng kéo ra huyện đường Mỹ Đức cùng với các lực lượng cách mạng khác giành chính quyền. Đến tháng 09 – 1945 các xã còn lại trong huyện cũng lần lượt thành lập chính quyền cách mạng lâm thời.

        Sau Cách mạng, nhân dân bắt tay vào lao động sản xuất khắc phục hậu quả do chế độ cũ để lại, tích cực thực hiển chủ trương: “Diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”. Theo đó, phong trào bình dân học vụ phát triển mạnh mẽ được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, linh hoạt nên thu hút được đông đảo mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Lực lượng vũ trang nhân dân địa phương kịp thời trấn áp bọn phản động ngóc đầu dậy quấy phá chính quyền cách mạng còn non trẻ. Nạn đói ở hầy hết các xã trong huyện Kim Bôi dần được đẩy lùi.

        Ngày 15 tháng 4 năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên Hòa Bình. Hòa chung phong trào chống giặc ngoại xâm của tỉnh Hòa Bình, du kích các xã Hạ Bì, Tú Sơn tổ chức phá hỏng đoạn đường đi từ Dốc Cun đến xã Kim Bôi, đồng thời cắm chông, gài bẫy khắp các cánh đồng, bưa bãi. Ở các xã Thanh Nông và Thanh Lương, lực lượng vũ trang và nhân dân tổ chức đào hài, hố sâu để cản trở bước tiến của địch.

        Tinh thần kháng chiến của nhân dân rất sôi nổi, thực hiện triệt để tinh thần “bất hợp tác hoàn toàn với giặc”. Trước yêu cầu do cách mạng đặt ra, 6 xã: Nật Sơn, Kim Bôi, Hạ Bì Tú Sơn, Vĩnh Đồng và Kim Truy được cấp trên quyết định xây dựng thành an toàn khu (ATK) vì đây là địa điểm có nhiều thuận lợi về vị trí và địa hình, dễ phòng thủ và tiến công địch. Từ đây có thể chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình.

        Năm 1949, trên địa bàn huyện Kim Bôi đã có hàng trăm thanh niên các địa phương xung phong lên đường tham gia lực lượng bộ đội chủ lực. Cuối năm 1949, Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu quyết định mở chiến dịch Lê Lợi với Hướng tấn công chủ yếu là Hòa Bình. Các xã: Hạ Bì, Kim Bôi, Nật Sơn đã cử hàng trăm dân công vận chuyển vũ khí từ Thanh Hóa về Hòa Bình, chuẩn bị cáng thương, lương thực, thực phẩm ủng hộ bộ đội, góp phần làm nên tháng lợi rực rõ của chiến dịch Lê Lợi.

        Tuy buộc phải rút khỏi Hòa Bình nhưng thực dân Pháp vẫn âm mưu tái chiếm các địa điểm: Hòa Bình, Sơn Tây, Xuân Mai hòng cắt đứt hành lang đông tây, cô lập Việt Bắc nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, đồng thời chặn đứng sự tiếp tế của ta lên Việt Bắc. Tháng 11 – 1951, quân Pháp do tướng Sa – lăng chỉ huy đánh chiếm Hòa Bình. Trong 1 tuần, chúng đã chiếm được hàng trăm vị trí, đốt phá nhiều làng xóm, bắn giết lợn, gà của nhân dân.

        Ngày 18 – 11 – 1951, ta mở chiến dịch Hòa Bình, du kích các xã của huyện Kim Bôi đã phối hợi với bộ đội chủ lực, tổ chức đánh địch trên phạm vi rộng, tiêu diệt sinh lực và thu nhiều vũ khí của địch.

        Là một địa bàn chiến lược quan trọng của Hòa Bình, trong suốt cuộc kháng chiến, Kim Bôi luôn đóng vai trò là một căn cứ cách mạng quan trọng. Nhân dân huyện Kim Bôi đã tích cực đóng góp sức người, sức của góp phần làm nên thắng lợi của các chiến dịch: Tây Bắc, Điện Biên Phủ, đánh đuổi thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

        Ngày 17 tháng 4 năm 1959, theo nghị định số 153 ngày 15 – 04 – 1959 của Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định tách Lương Sơn thành 2 huyện: Kim Bôi và Lương Sơn.

        Từ đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Bôi luôn tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và thi đua lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

        Trong thời kỳ đổi mới, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, quân và dân huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, khắc phục mọi khó khăn thử thách, phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kim Bôi đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phỉ về thăm và làm việc:

        Ngày 19 – 09 – 1964, Bác Hồ về thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân huyện Kim Bôi.

        Ngày 17 – 03 – 1969, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng thăm và làm việc với các bộ và nhân dân của huyện Kim Bôi.

        Năm 1992, đòng chí Vũ Oanh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng về thăm và lảm việc với cán bộ và nhân dân huyện Kim Bôi, thăm mô hình phát triển kinh tế VAC ở xã Sơn Thủy.

        Năm 1995, Bộ trưởng Bộ Y tế, Đỗ Nguyên Phương, thăm và làm việc với lãnh đạo huyện Kim Bôi.

        Ngày 13 – 02 -1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, về thăm và làm việc với huyện Kim Bôi.

        Ngày 30 – 08 – 2003, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm và làm việc với Đảng bộ, nhân dân huyện Kim Bôi và xã Vĩnh Đồng.

        Ngày 13 – 11 – 2012, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại xóm Cầu, xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi

        Ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Bôi, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều huân huy chương: Năm 2001 huyện Kim Bôi được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Tháng 12 năm 2004 huyện Kim Bôi được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong thời kỳ đổi mới. Ngày 17 – 04 – 2009, kỷ niệm 50 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Kim Bôi vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Có 5 xã của huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là: Lập Chiệng, Nật Sơn, Kim Bôi, Cao Thắng và Vĩnh Đồng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây