Giới thiệu khái quát huyện Trà Ôn

huyện Trà Ôn - Tỉnh Vĩnh Long

Giới thiệu khái quát huyện Trà Ôn

 Trà Ôn nằm ở phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Long, cách Thị xã Vĩnh Long khoảng 35 km và cách Thành Phố Cần Thơ chưa đầy 17 km theo đường chim bay, được giới hạn từ 905240’’ đến 1000530’’ độ vĩ Bắc và từ 10505030’’ đến 10600600’’ độ kinh Đông.

            Phía Bắc giáp huyện Tam Bình và Vũng Liêm.

            Phía Nam giáp huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

            Phía Đông giáp huyện Vũng Liêm và huyện Cầu Kè (Trà VInh).

            Phía Tây giáp huyện Tam Bình, Bình Minh và Châu Thành (Cần Thơ).

            Trà Ôn có mạng lưới giao thông thuỷ bộ thuận lợi, nối liền huyện với Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Cần Thơ và các tỉnh miền. Quốc Lộ 54, tỉnh lộ 901, 904, 906, 907 đi ngang qua huyện nối Trà Ôn với các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp. Sông Hậu nằm cặp bờ Tây của huyện, sông Mang Thít nằm ở bờ Tây Bắc của huyện nối liền sông Tiền với sông Hậu và sông Trà Ngoa nối từ sông Măng Thít xuyên ngang qua giữa huyện đến giáp tỉnh Trà Vinh.

Đất đai- thổ nhưỡng:

            Diện tích tự nhiên là 26.714,43 ha – chiếm 17,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh: Đất sản xuất nông nghiệp 22.026 ha chiếm 82,44% diện tích tự nhiên, trong đó: đất trồng cây hàng năm 12.691,89 ha – chiếm 57,81% đất nông nghiệp. Đất phi nông nghiệp 4.684,89 ha, chiếm 17,54%, đất ở 802,81 ha, chiếm 17,14% và đất chưa sử dụng 2,9 ha, chiếm hơn 0,06% diện tích đất tự nhiên.

Địa hình tương đối bằng phẳng, địa hình cao từ sông Hậu, sông Trà Ôn và sông Mang Thít thấp dần về phía đông bắc, cao trình biến thiên từ 1,25 – 0,5 m : Vùng có cao trình từ 1 – 1,25 m gồm các xã ven sông Hậu và sông Trà Ôn – Mang Thít như Tích Thiện, Thiện Mỹ, Thị trấn Trà Ôn và Tân Mỹ; Vùng có cao trình từ 0,75 – 1 m gồm các xã Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Hựu Thành, Trà Côn;Vùng có cao trình từ 0,5 – 0,75 m gồm các xã Hòa Bình, Xuân Hiệp, Nhơn Bình, Thới Hòa.

            Về tính chất cơ hóa, đất đai của huyện được chia thành 03 nhóm chính : Nhóm đất phèn 8.512 ha chiếm 33,33 % diện tíchtự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã vùng trũng như Hòa Bình, Xuân Hiệp, Nhơn Bình, Thới Hòa và 1 phần của Thuận Thới, Hựu Thành, tuy là đất phèn nhưng tầng sinh phèn ở rất sâu (đất phèn nông chỉ chiếm 34%), được cải tạo và canh tác khá thuần thục, bố trí 2 – 3 vụ lúa trong năm cho năng suất khá cao; Nhóm đất phù sa 17.140 ha chiếm 67,11% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các xã ven tuyến sông Hậu và sông Mang Thít, là vùng đất phì nhiêu thuận tiện cho trồng cây ăn quả; Nhóm đất cát giồng : 185 ha chiếm 0,72% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở 3 giồng cát : giồng Thanh Bạch (xã Thiện Mỹ), giồng La Ghì (xã Vĩnh Xuân) và giồng Gòn (xã Thuận Thới), chủ yếu là đất thổ cư, trồng cây lâu năm và rau màu. 

Tài nguyên tự nhiên:

          Hệ thống sông rạch ngang dọc chằng chịt phủ khắp địa bàn, là nguồn cung cấp nước ngọt thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt. Có 2 nguồn khoáng sản chủ yếu là cát sông trên sông Hậu với trữ lượng khá lớn và có 13 thân sét diện tích 6.168,18 ha với trữ lượng sét 57,82 triệu m3 tập trung ở các xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn, Vĩnh Xuân, Tích Thiện, Thuận Thới, Hựu Thành, Nhơn Bình, Thới Hoà.

            Hệ động vật, thực vật rất phong phú đa dạng : Về thực vật có đủ các loại cây nhiệt đới, chủ yếu là cây lúa nước và có hầu hết các loại rau màu, cây lương thực, cây công nghiệp, cây thuốc; cây ăn trái. Về động vật gần như nuôi được hầu hết các loại gia súc, gia cầm như heo, bò. trâu, gà, vịt, dê,…và có đủ các loại cá, tôm nước ngọt; động vật hoang dã có cả những loại quý hiếm như tôm càng xanh, rùa, rắn, cu đất, le le, cúm núm, dơi sen,…

            d/- Khí hậu- thời tiết:

            Trà Ôn, cũng như các vùng Nam Bộ, mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 26 – 27 0C (tháng 4 nóng nhất: 36 0C, tháng giêng nhiệt độ thấp nhất: 290C), bình quân hàng năm có 2.600 giờ nắng, ẩm độ trung bình 80 – 83 % (độ ẩm tối đa khoảng 92 % và tối thiểu khoảng 62 %).

            Hàng năm có 2 mùa rõ rệt : Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, đây là mùa nắng gay gắt ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11, trung bình có khoảng 115 ngày mưa, với lượng mưa khoảng 1400 – 1500 mm.

đ/- Dân số- lao động:

            Dân số 136.914 người, nữ 69.228 người chiếm 50,56%, mật độ 529 người/km2 và phân bổ chủ yếu ở nông thôn với 92,55 % dân số toàn huyện. Có 3 dân tộc sinh sống đan xen với nhau, trong đó dân tộc Kinh chiếm số đông với 93,83 %; dân tộc Khmer chiếm 5,57 % và dân tộc Hoa chiếm 0,6 % dân số toàn huyện.

            Lao động rất dồi dào, tỷ lệ lao động trẻ khá cao, có trên 62 % dân số trong độ tuổi lao động và làm việc chủ yếu trong khu vực nông nghiệp – thuỷ sản: chiếm 77,6 %; lao động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm 3,8 % và lao động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm 19,6% số lao động trong độ tuổi. Chất lượng lao động còn thấp : có 97,73 %  lao động phổ thông, lao động có chuyên môn hoặc được đào tạo nghề chỉ có 13,09 %.

     Từ thượng nguồn sông MêKông xuôi theo dòng Hậu Giang đổ ra biển Đông, giữa bốn bề mênh mông sông nước những dãy cù lao xanh ngát với ngút ngàn vườn cây ăn trái cứ nối tiếp nhau trãi dài xa tít tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của vùng đồng bằng thắm ngọt hương vị phù sa. Qua khỏi bến Ninh Kiều – Thành Phố Cần Thơ chưa đầy 5 km, Cù Lao Mây xuất hiện như một nét chấm phá trong bức tranh thủy mạc thật nên thơ, xinh đẹp hữu tình và tiếp tục đi về phía hạ lưu thêm 12 km là đến Thị trấn Trà Ôn, đây chính là trung tâm kinh tế – hành chính của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

            Theo lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, đến năm 1757 miền Tây Nam Bộ chính thức thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên vùng đất Nam Bộ, chúa Nguyễn đã thi hành chính sách khuyến khích đặc biệt đối với việc khai phá đất hoang, cho phép người dân biến ruộng đất khai hoang được thành sở hữu tư nhân. Từ đầu thế kỷ XVII, những người Việt ở miền Trung, miền Bắc đã vào Đồng Nai, Gia Định khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp, cùng với người Khmer và những cư dân đã có mặt ở vùng đất Nam Bộ trước đó, họ đã nhanh chóng thích nghi, hoà nhập trở thành bộ phận cư dân chủ đạo trong công cuộc chinh phục vùng đất này.

Trà Ôn được khai phá khoảng hơn 300 năm về trước, những cư dân khai hoang đoàn kết đấu tranh, thích nghi với thiên nhiên để sinh tồn. Lúc đầu họ chọn chỗ ở những nơi thuận lợi dọc theo sông Hậu như Cù Lao Mây, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Hòa Bình, Xuân Hiệp… rồi dần dần theo hệ thống sông rạch tiến sâu vào các khu vực lân cân khác thuộc huyện Trà Ôn hiện nay. Họ xây nhà, lập vườn theo tuyến sông rạch tạo thành “đời sống kinh rạch” có hình thể “trước vườn sau ruộng”.

 Từ  năm 1784 Trà Ôn là một làng thuộc Tổng Bình Lễ, dinh Long Hồ. Ngày 30/4/1872 Thống đốc Nam kỳ ra Nghị định sáp nhập Phong Phú với vùng Bắc Tràng (trước đây là phủ Lạc Hoá, tỉnh Vĩnh Long) lập thành hạt Cần Thơ đặt tại Trà Ôn và cho xây dựng “Toà bố” (cơ quan hành chính) tại chợ Trà Ôn để cai quản hạt Cần Thơ lúc bấy giờ (Hiện nay là trụ sở Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam huyện Trà Ôn).

            Ngày 23/2/1876 tái lập hạt Cần Thơ với chợ Cần Thơ là tỉnh lỵ, Trà Ôn chỉ còn vai  trò quận lỵ nhưng là quận lỵ quan trọng nhứt nhì của tỉnh. Quận Trà Ôn gồm 02 tổng: Tổng Bình Lễ và Định An có các xã: Hậu Thạnh, Phú Mỹ, Long Hưng, Thiện Mỹ, Hoà Bình, Hoà Thuận và Tường Thạnh.

            Năm 1950  tỉnh Vĩnh Trà tổ chức ra Quận Ba gồm 06 xã cũ của Trà Ôn là Lục Sĩ Thành, Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ, nhận thêm 03 xã của Tam Bình là Hoà Bình, Xuân Hiệp, Thới Hoà và 05 xã của Cầu Kè là Trà Côn, Hựu Thành,  Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Tích Thiện. Năm 1955 Quận Ba giải thể, Quận Trà Ôn được lập lại thuộc tỉnh Trà Vinh.

            Ngày 09/02/1956 chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh 16/NV thành lập tỉnh Tam Cần gồm các quận Trà Ôn, Tam Bình, Cầu Kè, Tiểu Cần và lấy chợ Trà Ôn làm Tỉnh Lỵ. Ngày 22/10/1956, tỉnh Tam Cần hợp nhất với tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình, lúc này quận Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Bình.

            Ngày 14/01/1967 theo sắc lệnh số 06/SL/ĐVHC chính quyền Đệ Nhị Cộng hoà đã tách hai quận Vũng Liêm và Trà Ôn ra khỏi tỉnh Vĩnh Bình nhập vào tỉnh Vĩnh Long.

            Từ tháng 02/1976 huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Cửu Long

            Nghị Quyết của Quốc Hội khoá VIII, kỳ họp thứ 10 ngày 26/12/1991 chia tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh và huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long từ năm 1992 cho đến nay.

            Mặc dù nhập tách tỉnh – huyện – xã nhiều lần, nhưng từ năm 1955 huyện Trà Ôn gồm 11 xã và thị trấn, đến ngày 09/8/1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 85/NĐ-CP chấp thuận chia tách xã Hoà Bình thành 02 xã Hoà Bình, Nhơn Bình và tách xã Lục Sĩ Thành thành 02 xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành.

            Hiện nay huyện Trà Ôn có 13 xã và 01 thị trấn, đó là: Lục Sĩ Thành, Phú Thành, Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn, Xuân Hiệp, Hòa Bình, Nhơn Bình, Thới Hoà, Hựu Thành, Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Tích Thiện và Thị trấn Trà Ôn.

Lịch sử văn hóa

    Con người Trà Ôn có truyền thống đoàn kết, yêu quê hương đất nước, cần cù lao động, giàu lòng nhân ái, hiếu khách và trọng nhân nghĩa. Đặc trưng này trở thành nét đẹp văn hoá được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sống đan xen, đoàn kết chan hoà, tương thân tương ái, có truyền thống chống áp bức bất công, chung sức chung lòng gìn giữ và xây dựng phát triển quê hương.

            Dân tộc Kinh lập cư ở các vùng đất phù sa ven sông, ven kênh rạch, hoặc tuyến đường giao thông, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một số ít làm nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.

            Dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng đất cao, đất giồng vùng nông thôn, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Tân Mỹ, Trà Côn, một số ít ở 2 ấp Trà Sơn, Vĩnh Hoà xã Hựu Thành và ấp Mỹ Trung xã Thiện Mỹ; người Khmer rất chất phác thật thà, siêng năng lao động, thường sống tập trung thành phum sóc dưới sự lãnh đạo tinh thần của các vị sư cả, chịu ảnh hưởng rất lớn văn hoá Phật giáo Nam tông, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. 

            Dân tộc Hoa sống rải rác xen với cộng đồng người Kinh, tập trung nhiều ở Thị trấn, các trung tâm xã, chủ yếu làm nghề dịch vụ buôn bán, tiểu thủ công nghiệp, y dược.

            Người Kinh hàng năm có 03 Tết chính là Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu được tổ chức theo phong tục; người Khmer ba lễ lớn là Chol chnam thmây, Sen Đônta và Ốc Ombốc; người Hoa còn tổ chức Thanh Minh. Thời gian gần đây ở các bãi cồn mới nổi xã Lục Sĩ Thành xuất hiện một nét văn hoá mới là nhân Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âl) rất nhiều bà con trong vùng, du khách gần xa đến tắm cồn cát và tham quan chợ nổi Trà Ôn, các vườn cây ăn trái đặc sản ở xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành.

            Sinh hoạt văn hoá truyền thống của nhân dân Trà Ôn mang đậm bản sắc văn hoá sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả các xã – thị trấn đều có câu lạc bộ đờn ca tài tử vì đây là bộ môn nghệ thuật được ưa thích. Nơi đây cũng sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài danh như nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn,.…      

Đại bộ phận cư dân Trà Ôn có tập tục thờ cúng tổ tiên để thể hiện lòng biết ơn các bậc sinh thành, hầu như nhà nào cũng cúng giỗ ông bà, cha mẹ, bà con thân thuộc. Tại các đình làng đều có tập tục thờ Thành hoàng bổn cảnh, thờ Thần Nông và các vị khai quốc công thần,… với các sinh hoạt lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian để tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công khai phá tạo dựng hoặc cầu quốc thái dân an, cầu cho nông nghiệp trúng mùa. Các đình làng mỗi năm đều có 3 ngày Lễ lớn là Lễ Kỳ Yên, Lễ Hạ Điền và Lễ Thượng Điền. Các tín ngưỡng dân gian này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây của nhân dân Việt Nam.

            Phật Giáo truyền bá đến huyện rất sớm theo con đường những người di dân đến khai phá vùng đất này từ thế kỷ 17 – 18, Chùa Phước Hậu được xây dựng quy mô từ năm 1710 ( còn gọi là chùa Cả Gồng, tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ trước đây thuộc Quận Trà Ôn – nay thuộc huyện Tam Bình); chùa cổ Long An được xây dựng năm 1860 (Chùa còn có tên Đồng Đế, hiện tọa lạc tại ấp Mỹ Trung, xã Thiện Mỹ). Các chùa Phật Giáo phân bổ khắp các xã trong huyện, tín đồ Phật giáo đông nhất với gần 1/3 dân số toàn huyện, hầu hết người Kinh theo Phật Giáo Bắc tông – còn người Khmer theo Phật Giáo Nam tông.

            Công Giáo được các linh mục người Pháp truyền bá đến huyện từ thế kỷ 18, Nhà thờ Trà Ôn được xây dựng kiên cố năm 1858 và Nhà thờ Xuân Hiệp xây dựng năm 1888. Các họ đạo Công Giáo tập trung ở các khu vực trung tâm hoặc ven các trục giao thông trọng yếu như Thị trấn Trà Ôn, Tân Mỹ, Vĩnh Xuân, Tân Dinh, Xuân Hiệp, Hựu Thành, giáo dân chiếm khoảng 3% dân số toàn huyện.

            Đạo Cao Đài truyền bá tới huyện khoảng năm 1926 – 1927 từ đạo gốc Tây Ninh, thuộc phái Tiên Thiên. Về sau đạo này phân hoá thành Cao Đài Tây Ninh – Cao Đài Bến Tre và có tín đồ chiếm gần 2% dân số toàn huyện.                                                                                                                             

            Hiện nay có hơn 80 cơ sở thờ tự và tín ngưỡng dân gian gồm: Chùa Phật 29 (có 06 chùa phật giáo nam tông khmer), Nhà thờ Công giáo 07, Tin Lành 01, Cao Đài Bến Tre 07, Cao Đài Tây Ninh 03, Lăng Ông 01 và 18 Đình Làng, 15 am miếu,…trong đó có 01 cơ sở được công nhận công trình văn hóa cấp quốc gia là Lăng Ông Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (xã Thiện Mỹ) và 05 cơ sở văn hóa cấp tỉnh là Chùa Gia Kiết – Chùa Gò Xoài (xã Tân Mỹ), Đình Hậu Thạnh (xã Lục Sĩ Thành), Đình làng Thiện Mỹ (Thị trấn Trà Ôn), Đình Vĩnh Thuận (xã Thuận Thới) thường xuyên sinh hoạt tôn giáo, lễ hội đúng nghi thức.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây