Giới thiệu khái quát thành phố Vĩnh Long

thành phố Vĩnh Long - Tỉnh Vĩnh Long

Giới thiệu khái quát thành phố Vĩnh Long

Nằm ở khu vực trung tâm của đồng bằng Sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất mới phương Nam trước khi chế độ phong kiến thiết lập cai trị. Qua một thời gian dài, phạm vi và diện mạo của địa bàn khai phá được mở rộng hơn và ngày càng có những thay đổi đáng kể. Năm 1689, khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, toàn bộ vùng đất mới phương Nam chính thức trở thành một đơn vị hành chính mang tên Gia Định phủ. Năm 1714, đời chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Chu), Vĩnh Long là trung tâm của châu Định Viễn (bao gồm 1 phần của Bên Tre ở mạn trên và Trà Vinh ở mạn dưới) thuộc Long Hồ Dinh. Đến đời chúa Võ Vương Nguyễn phúc Khoát vùng đất mới Phương Nam này đuợc đặt thành 3 dinhvà 1 trấn, gồm: Trấn Biên dinh, Phiên trấn dinh, Long Hồ Vinh, Hà Tiên trấn; Vĩnh Long ngày nay là một phần của Long Hồ dinh – bao gồm các tỉnh Bến tre, Trà Vinh và một phần của Cần Thơ Năm Nhăm Tuất 1802 chúa Nguyễn lên ngôi – tức Vua Gia Long, vùng đất phương Nam được gọi là Gia Định thành. Từ năm Quý Hợi 1803, Gia định thành gồm có 4 dinh: Phiên trấn dinh, Trấn biên dinh, Trấn Định dinh, Hoằng Trấn dinh (tức Long Hồ dinh cũ). Năm 1804, Hoằng Trấn dinh đổi lại là Vĩnh Trấn dinh như đã đặt từ năm 1788. Đến năm 1808 lại đổi thành Vĩnh Thanh trấn là một trong 5 trấn của miền Nam bấy giờ. Sau đó, Vĩnh Thanh trấn được đổi lại là Vĩnh Long trấn,phân hạt gọi là Vĩnh Long tỉnh. Tên gọi Vĩnh Long bắt đầu có từ đây, gồm 4 phủ, 8 huyện, 47 tổng, 408 xã thôn. Năm 1832, sau khi tổng trấn Gia định Lê Văn Duyệt mất, vua Minh mạng đổi trấn thành tỉnh, chia đất miền Nam làm 6 tỉnh gọi là Nam kỳ lục tỉnh, gồm Gia định, Biên hòa, Định tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Năm 185, Tỉnh Vĩnh Long có 3 phủ là Định Viễn, Hoằng Trị, Lạc Hòa, tới năm 1859 bỏ Phủ Định Viễn để lập thêm 2 phủ Định Tường và Hoàng An. Thời kỳ này Thị xã Vĩnh Long là tỉnh lỵ của Tỉnh cho đến ngày nay. Vị trí địa lý, khí hậu thủy văn, dân số và lao động Thành phố Vĩnh Long nằm phía Bắc Tỉnh Vĩnh Long, tại ngã ba sông Tiền và sông Cổ chiên; phía Bắc giáp huyện Cái Bè – tỉnh Tiền Giang và huyện Chợ Lách – tỉnh Bến Tre, phía Đông và phía Nam giáp huyện Long Hồ; phía Tây giáp huyện Châu Thành – tỉnh Đồng Tháp. Thành phố Vĩnh Long có 11 đơn vị hành chính, gồm có 07 phường (Phường 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9) và 04 xã (xã Trường An, xã Tân Ngãi, xã Tân Hòa và xã Tân Hội). Tổng diện tích đất tự nhiên 4,793 km2, trong đó diện tích nội thị 2,071 km2, diện tích ngoại thị 27,22 km2. Địa hình Thành phố Vĩnh Long phần lớn thấp trũng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và bị chia cắt bởi các sông rạch chằng chịt. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc điểm khí hậu của Thành phố Vĩnh Long mang những nét đặc trưng sau: – Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng 27,70C – 280C; tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 4,5 (34,5 – 37,60C), tháng 12 và tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất (19,2 – 24,30C), biên độ nhiệt dao động trong tháng khoảng 8,7 – 140C vào mùa khô và từ 10 – 14,10C vào mùa mưa. – Tổng số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 2700 – 2800 giờ; tổng lượng mưa trung binh hàng na78m 1186 – 1193 mm; độ ẩm tương đối trung bình cả năm 80 – 81 %. * Tại thời điểm năm 2009, tổng số dân là 147.039 người, số dân thường trú trong khu vực nội thị Thành phố Vĩnh Long là 93.813 người, tổng số lao động tham gia trong các ngành kinh tế là 45.534 người, trong đó lao động phi nông nghiệp là 43.829 người, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 96,3 %.

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ THÀNH PHỐ VĨNH LONG

Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ/TU ngày 27/05/2003 của Ban thường vụ Tỉnh Ủy Vĩnh Long và kế hoạch số 1800/UB ngày 28/09/2004 của UBND Tỉnh Vĩnh Long về xây dựng Thị xã Vĩnh Long đến năm 2010 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; Được sự chỉ đạo và tập trung đầu tư của Tỉnh Ủy, HĐND, UBND Tỉnh, sự hỗ trợ tích cực, có hiệu quả của các ngành Tỉnh, cơ quan Trung ương trên địa bàn và sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu liên tục của toàn thể Đảng bộ, quân và dân Thị xã Vĩnh Long. Sau gần 4 năm xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng – kỹ thuật đô thị, nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thị xã Vĩnh Long; ngày 17/07/2007 Thị xã Vĩnh Long đã được Bộ trưởng Bộ xây dựng ban hành quyết định số 1010/QĐ-BXD công nhận là đô thị loại 3; Đây là một tin vui, một sự kiện quan trọng trong tiến trình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh Ủy, kế hoạch của UBND Tỉnh đã đề ra; khích lệ, động viên tinh thần của các cấp lãnh đạo Tỉnh trong việc lãnh chỉ đạo, đầu tư phát triển Thị xã. Quyết định đó cũng tăng thêm gấp bội ý chí quyết tâm, tinh thần phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân Thị xã xây dựng Thị xã Vĩnh Long chậm nhất đến năm 2010 trở thành thành phố trực thuộc Tỉnh và đến ngày 10/04/2009, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 16/NĐ-CP thành lập Thành phố Vĩnh Long, thuộc Tỉnh Vĩnh Long và tên gọi chính thức là Thành phố Vĩnh Long được sử dụng từ ngày 30/04/2009 sau khi tổ chức lễ công bố Nghị định của Chính Phủ; Thị xã Vĩnh Long trước đây và Thành phố Vĩnh Long trẻ ngày nay so với các tỉnh miền Tây Nam bộ là vùng đất có quần thể dân cư hình thành rất sớm, là vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, cách đây hơn 300 năm được lấy tên là Long Hồ Dinh – nơi đây đã hình thành khu mua bán tấp nập trên bến, dưới thuyền, hàng hóa chủ yếu là nông sản, hoa quả và các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ năm 1732, dưới thời nhà Nguyễn nền kinh tế phồn thịnh và chiếm ưu thế so với các nơi trong khu vực. Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng mở rộng quy mô khai thác thuộc địa để phục vụ cho chiến tranh, nhà cầm quyền Pháp chuyển khu vực trung tâm hành chánh, kinh tế, chính trị và quân sự từ đây về Cần Thơ nhằm thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển hàng hóa. Đến thời kỳ Mỹ Diệm, Thị xã Vĩnh Long trở thành trọng điểm thứ 2 sau Cần Thơ về vị trí kinh tế, chính trị và quân sự, từng bước địch biến Thị xã Vĩnh Long thành một đô thị ăn chơi, xa rời lao động sản xuất, nền kinh tế phụ thuộc nước ngoài. Đối với Cách mạng, Thị xã Vĩnh Long là một đơn vị hành chánh được chính thức thành lập từ tháng 8/1948. Từ đó theo từng thời kỳ của cuộc kháng chiến cứu nước, để tạo địa bàn thuận lợi cho việc chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng cũng như nhằm đối phó với âm mưu thủ đoạn của địch nên Thị xã Vĩnh Long có lúc thu hẹp, có lúc mở rộng địa bàn cho phù hợp với việc lãnh đạo chung của Tỉnh Ủy. Trong đó năm 1967 đến giữa năm 1971, địa bàn Thị xã mở rộng thêm gồm có 7 phường và 9 xã ven như Tân Hòa Bắc, Tân Ngãi, Tân Hạnh, Phước Hậu, Long Mỹ, Long Đức và 3 xã cù lao. Từ giữa năm 1971 đến 1975, Thị xã Vĩnh Long thu hẹp lại trong phạm vi chỉ còn lại 7 phường. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến 1991 Thị xã Vĩnh Long lại mở rộng thêm đến các xã Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Ngãi, Thanh Đức và 3 xã cù lao. Năm 1992 đến năm 1994, Thị xã còn lại 7 phường 2 xã và từ năm 1994, xã Tân Hòa Bắc được tách thành xã Tân Hòa và xã Tân Hội, xã Tân Ngãi được tách thành xã Tân Ngãi và xã Trường An. Hiện nay Thành phố Vĩnh Long có 11 đơn vị hành chính gồm 7 phường và 4 xã. Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Vĩnh Long do Hội Đồng Nhân Dân bầu, là cơ quan chấp hành của Hội Đồng Nhân Dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, Luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ và Hội Đồng Nhân Dân Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố Vĩnh Long giải quyết công việc theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Ủy ban nhân dân Thành phố Vĩnh Long thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các vấn đề được quy định tại Điều 124 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 và những vấn đề quan trọng khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Vĩnh Long./.

Lịch sử văn hóa

ĐÌNH TÂN HOA – XÃ TÂN HÒA 

Đình Tân Hoa thuộc huyện Vĩnh Bình, Phủ Định Viễn, nay ở tại ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long. Đình Tân Hoa nằm bên bờ sông Tiền, ngó mặt ra vàm rạch Cái Đôi nên dân thường gọi là đình Cái Đôi. Ngày nay, ngôi đình này đối diện với cầu Mỹ Thuận, là một vị trí thích hợp cho khách du lịch nhìn ngắm danh lam thắng cảnh.

Theo các bô lão ở địa phương kể lại thì khoảng giữa thế kỷ XVIII có ông Nguyễn Tự Tôn – một quan chức – đã đứng ra chiêu mộ dân nghèo thành lập một thôn nằm cạnh sông Tiền. Do thôn này sinh sau đẻ muộn so với các thôn khác như Vĩnh Tòng, Trường Xuân… nên đầu thế kỷ XIX, khi Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí đã chú thích hai chữ “thỉ lập” (mới lập) bên cạnh tên làng này. Đình Tân Hoa được xây cất sau khi việc khai phá cơ bản hoàn thành. Ngày nay, chúng ta chưa có tài liệu chứng minh niên đại xây dựng đầu tiên của ngôi đìnhl, nhưng hiện nay, đình Tân Hoa còn lưu nhiều hiện vật như bài văn tế thần Thành Hoàng Đại Vương – dấu ấn tín ngưỡng có từ thế kỷ XVIII… Đặc biệt nhất, đình còn một biển hiệu cổ khắc ba chữ Tân Hoa Đình theo lối triện làm trong năm Mậu Ngọ (1798), kích thước to lớn, chứng tỏ lúc đó, quy mô đình Tân Hoa không nhỏ.

Sau khi ông Nguyễn Tự Tôn mất, con ông là Nguyễn Văn Niệm cùng dân làng tiếp tục khai khẩn đất hoang và đến đời cháu là Nguyễn Bửu, đất đai đã phì nhiêu, làng xóm giàu có no đủ. Ông Nguyễn Văn Bửu đã vận động dân làng trùng tu tôn tạo đình Tân Hoa. Do những công lao đặc biệt ấy, triều đình đã tặng ông Nguyễn Văn Bửu hàm Bá hộ, khi mất được dân làng tôn Hậu hiền. Còn ông của ông là Nguyễn Tự Tôn cũng được tôn Tiền hiền. Cả hai được tòng tự bên cạnh thần Thành Hoàng Bổn Cảnh.

Vào khoảng đời Thiệu Trị (1841 – 1847), tên làng Tân Hoa do trùng tên húy bà Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị) nên bị đổi thành Tân Hóa. Đến ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (08/01/1853), làng Tân Hóa cũng như bao làng khác ở trong vùng đều đồng loạt được sắc phong Bổn cảnh Thành Hoàng chi thần. Thế nhưng, văn bản quý giá này không tồn tại lâu dài. Năm 1862 quân viễn chinh Pháp đã nã súng thôn tính các tỉnh miền Đông Nam bộ và tỉnh Vĩnh Long thì sắc thần Tân Hoa đã bị thiêu hủy. Do đó, khi thực hiện Hiệp ước năm 1862, tỉnh Vĩnh Long được trả lại cho triều đình Huế thì chính quyền đương thời đã nhanh chóng báo cáo và Bộ Lễ đã cấp tốc tái cấp cho làng Tân Hoa một bản sao sắc thần này. Bản sao thần sắc là một tờ giấy trắng, loại giấy lệnh, viết nguyên văn đạo sắc thần, dưới có dòng chữ “Lễ Bộ cung lục, Tân Hoa xã tuân chiếu phụng tự”. Bên dưới chỉ đóng dấu “Lễ Bộ chi ấn”, chớ không giống các đạo sắc thần thường thấy. Đây là một việc làm nhằm mục đích tạo điều kiện bảo tồn văn hóa, mang tính chất đặc biệt.

Vào giai đoạn đầu của thời Pháp thuộc, làng Tân Hóa nhập với làng Tân Hội, Tân Nhơn, lấy tên mới là Tân Hòa. Do đó vào năm Canh Tuất (1910), đình Tân Hóa được trùng tu và lấy tên là “Tân Hoà linh miếu”. Hiện nay, quy mô đình Tân Hòa là quy mô của đợt tái thiết này. Tất cả gồm có sáu nóc làm theo kiểu xếp đọi, mang dáng dấp chung đình làng Nam bộ nhưng cũng có những nét riêng. Chánh điện là một ngôi nhà tứ trụ, được nới rộng ra bốn phía bằng kèo đấm và tám kèo quyết. Còn các ngôi nhà khác như võ ca, võ quy, hậu điện… đều làm theo kiểu ba gian hai chái. Nền đình xây bằng đá chẻ, lần trùng tu sau này đã xây tường gạch bao quanh và cũng không giấu được dấu ấn mỹ thuật của thời gian này là các hoa văn Pháp trên đầu cột ngoài hàng hiên phía trước. Mái đình được lợp bằng ngói âm dương, nối liền nhau bằng hệ thống máng xối. Các bờ nóc, bờ mái được xây cao và gắn nhiều hình trang trí bằng sành như liễn long tranh châu, cá hóa long, phượng hàm thư, rồng khoanh, bát tiên, ông Mặt trời và bà Mặt trăng. Đây là những hình gốm sản xuất tại Chợ Lớn vào những năm đầu thế kỷ này và đã làm cho nóc đình Tân Hoa khác với những nóc đình khác. Đáng chú ý nhất là bộ giàn trò bằng gỗ quý, cột đình to, một người ôm không xuể. Lòng căn đình rất rộng, từ ba đến bốn thước. Các bộ phận chịu lực như xuyên, trính, kèo… đều làm theo kiểu lục lăng, võ đậu, đùi ếch… nên cứng cáp. Đặc biệt, các bộ phận vừa kể ở tại võ qui, nơi tập trung đông người thường xuyên được chạm khắc theo những họa tiết mỹ thuật. Thí dụ như bốn cây kèo đùi ếch võ đậu thông thường thì được đục đẽo thành hình những con rồng. Thân kèo là thân rồng. Những lá dung đỡ cây đòn tay cuối tầng mái biến thành những đầu rồng. Có thể nói, đây là nét lạ về kỹ thuật, đẹp về thẩm mỹ mà khả năng chịu lực không hề suy giảm.

Trong đình Tân Hoa còn giữ được hàng chục bộ bao lam, hàng chục hoành phi, câu đối, rất nhiều tự khí như lỗ bộ, lư, đỉnh, hương án, khánh thờ… Đặc biệt, những tác phẩm chạm trổ đều do thợ Tân Nhơn (thợ ở địa phương) thực hiện.

Đình Tân Hoa còn có điểm rất lạ nữa là giữa sân đình không có đàn Thần Nông, mà chỉ có một tấm bình phong đắp hình “long mã phụ đồ” như một ngôi đình Thừa Thiên. Còn Thần Nông lại được thờ trong một ngôi miếu con ở góc bên. Tục lệ này cũng khác lạ với những ngôi đình khác ở Nam Bộ.

Mỗi năm, tại đình Tân Hoa có các ngày lễ :

– Lễ Thượng Điền vào ngày 11 và 12 tháng 9 âm lịch.

– Đặc biệt, đình Tân Hoa còn giữ lệ vía Thần Thành Hoàng, tức ngày Kỳ yên (cũ) khi mới thành lập đình, trước khi được nhà Nguyễn chuẩn mực hóa.

– Nhưng ngày lễ lớn nhất của ngôi đình này là ngày Hạ Điền – Kỳ yên, từ ngày 11 – 13 tháng ba âm lịch hàng năm.

Đình Tân Hoa là một công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử khá dài. Trải bao thăng trầm từ khi cha ông chúng ta bắt đầu khai hoang lập ấp, thành lập xóm làng, thế nhưng, mặc dù trong hoàn cảnh nào, cha ông chúng ta vẫn cố gắng bảo tồn di sản văn hóa. Do đó, đình Tân Hoa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa năm 1998.

MIẾU CÔNG THẦN 

Nhiều sách báo trước đây đã nói đến miếu Công thần Vĩnh Long, nhưng tất cả đều bị bao phủ bởi các huyền thoại. Có người nói, ngôi miếu này xây dựng vào thời Gia Long, thờ 85 vị Trung Hưng Công thần. Rồi có tác giả chọn 85 vị Công thần triều Gia Long thờ ở miếu Hiển Trung(Gia Định) gán ghép vào.

Sự thật, miếu Công thần Vĩnh Long là hậu thân của miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long. Theo Đại Nam nhất thống chí, miếu Hội Đồng Vĩnh Long xây dựng năm Minh Mạng thứ 17 (1837) tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình. Dân gian thường gọi ngôi miếu này là Đình Khao do tương truyền các quan cựu trào thường chọn nơi này để yến ẩm, khao thưởng. Miếu Hội Đồng là thiết chế cấp tỉnh thời nhà Nguyễn. Các vị thần được thờ tại miếu Hội Đồng được triều đình nhìn nhận bằng sắc phong. Hàng năm, các quan đầu tỉnh thay mặt triều đình đến tế, theo điển lễ.

Thời cực thịnh của miếu Hội Đồng Vĩnh Long chỉ kéo dài được 30 năm thì thực dân Pháp đã thôn tính và đô hộ. Trong kế hoạch bình định, chúng lấy cớ thiếu gỗ xây dựng dinh Tham Biện nên đã phá hủy ngôi miếu này. Tuy không may mắn như Văn Thánh Miếu, nhưng lúc đó, có người gom được tất cả đồ thờ tự, đặc biệt là 85 đạo sắc phong của miếu Hội Đồng đem về gởi tại đình làng Thiềng Đức.

Khoảng năm 1918, tức là sau Đại chiến Thứ nhất, nhờ sự vận động cùa bà Trương Thị Loan (bà Phủ Y) và bà Lê Thị Danh, chính quyền đô hộ thời bấy giờ đã cho phép khôi phục lại miếu Hội Đồng Vĩnh Long. Ông Nguyễn Văn Kỷ đã hiến một mẫu đất, bà Trương Thị Loan đã hiến 3.000 đồng, số tiền khổng lồ thời bấy giờ, để xây dựng ngôi miếu mới. Miếu mới cách vị trí cũ khoảng một cây số nhưng gần thành phố hơn.

Để chính quyền đô hộ chấp nhận, giới thân hào nhân sĩ thời bấy giờ đã thờ thêm danh sách những thanh niên ở Vĩnh Long bị bắt đi lính tham gia Đại chiến bỏ mạng bên trời Tây. Đồng thời, bà Trương Thị Loan cũng đã gởi của hương hoả thờ cha chồng bà là ông Nguyễn Văn Phong, người Vĩnh Long, nguyên là Tổng đốc Thuận Khánh thời Thành Thái. Do đó, ngôi miếu mới này được gọi là miếu Công thần. Từ đó có nhiều huyền thoại : miếu Công thần là ngôi miếu có từ thời Gia Long, thờ 85 vị công thần triều Gia Long… Chúng ta hiểu những huyền thoại này được tung ra để chính quyền đô hộ yên tâm chấp nhận vì thời bấy giờ, thực dân đề cao thuyết “Pháp – Việt nhất gia”. Do những huyền thoại này mà trong miếu Công thần Vĩnh Long có câu đối đầy khí phách hào hùng :

Phù Lê Nguyễn bát thập ngũ nguyên huân, tráng khí Tượng Châu thiên dĩ bắc 
Bình Chiêm Lạp bách thiên dư chiến trận, danh phiêu Lân các hải nhi nam.

(Phò Lê Nguyễn, tám mươi lăm vị nguyên huân, khí mạnh Tượng Châu cũng như trời phía bắc

Bình Chiêm Lạp hơn ngàn trận, danh nêu ở gác Lân mặc dù chỉ ở vùng biển phía Nam).

Từ khi tái thiết, miếu Hội Đồng Vĩnh Long có tên chính thức là “Công thần Linh miếu”, trở thành nơi thờ phượng dân gian, không còn mang tính chính thống của nhà Nguyễn nữa.

Miếu Công thần Vĩnh Long còn giữ được 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức, trong đó có sắc của Thiệu Trị, có sắc của Tự Đức thay lời Thiệu Trị, cũng có sắc của Tự Đức. Thế nhưng, đây là phó bản thay thế bản chính đã mất vào năm 1843. Đặc biệt, có sắc viết đầu năm Thiệu Trị thứ bảy, nhưng ghi ngày tháng cuối năm, lúc ấy Thiệu Trị đã băng hà, Tự Đức đã lên ngôi nhưng vẫn còn sử dụng niên hiệu Thiệu Trị. Có sắc viết và ghi cuối năm Thiệu Trị thứ bảy. Lúc ấy, Thiệu Trị đã băng hà nên tuy vẫn dùng niên hiệu Thiệu Trị mà lời lẽ thì của Tự Đức, thay mặt vua cha mình.

85 đạo sắc ấy phong cho 34 thần hiệu. Có thần hiệu phong cho một vị thần nhưng cũng có thần hiệu phong cho hai hoặc ba vị thần :

– 4 đạo sắc gia phong cho 4 Nhiên thần Thượng Đẳng.

– 4 đạo sắc gia phong cho 4 Nhiên thần Trung Đẳng.

– 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhiên thần Hạ Đẳng.

– 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhân thần Thượng Đẳng

– 11 đạo sắc gia phong cho 11 Nhân thần Trung Đẳng.

– 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhân thần Hạ Đẳng.

Đây là hệ thống thần linh ở địa phương, gồm có những biểu tượng văn hóa, những biểu tượng khí thiêng sông núi. Nếu là nhân thần thì cũng là những danh nhân sinh tiền có công với dân tộc, có công với địa phương. Nếu danh nhân xa xưa nhất thì phải kể đến Phi Vận Tướng quân Nguyễn Phục, gốc là thầy dạy học và cũng là một công thần triều vua Lê Thánh Tông. Ông được xem là một vị thần phù hộ người đi biển đã đưa đám lưu dân vào Nam lập nghiệp. Ông được phong Trung Đẳng thần. Kế đến là Đô đốc Bùi Tá Hán (Nghệ An) -người khai phá vùng đất Thừa Thiên, đời Lê Anh Tông. Tham tướng Lê Văn Chính, người khai phá vùng Phú Yên, đời chúa Nguyễn Hoàng… đều được phong Thượng Đẳng thần. Những danh nhân có công lớn với Nam bộ như Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, Chính thống Nguyễn Cửu Vân, Phụ quốc Đô đốc Trần Thắng Tài… cũng được phong Thượng Đẳng thần. Các danh nhân có công với vùng đất Vĩnh Long như Điều khiển Nguyễn Cư Trinh, Chưởng cơ Nguyễn Khoa Kiên, Hữu phủ Tống Phước Hiệp, Thống suất Trương Phước Du cũng được phong Trung Đẳng hay Hạ Đẳng thần. Còn các biểu tượng văn hóa (Nhiên thần) cũng được chia ba bậc : Thượng, Trung và Hạ. Các biểu tượng này đủ màu sắc : Việt, Hoa, Chăm. Nhìn chung, dù Nhân thần hay Nhiên thần cao thấp khác nhau là do công trạng lúc sinh tiền hay mức độ ảnh hưởng trong dân gian.

Miếu Công thần Vĩnh Long hiện nay ở tại phường 5 – thành phốVĩnh Long, bên bờ sông Cổ Chiên. Ngôi miếu gồm có bốn nóc : chính tấm, võ qui, võ ca và nhà khách. Tuy nhiên, võ qui, võ ca và chính tấm đều làm theo kiểu “tứ trụ”. Bộ giàn trò bằng danh mộc, kiên cố nhưng đơn giản. Ngôi miếu có tường gạch bao quanh, nền lót gạch, mái lợp ngói âm dương . Bên trong miếu Công thần có rất nhiều hoành phi, câu đối từ các địa phương tiến cúng, có các nhân vật ở miền Trung, miền Bắc. Riêng về cách bày trí thờ phượng không khác một ngôi đình làng.

Mỗi năm tại miếu Công Thần Vĩnh Long có các ngày lễ :

  1. Lễ Thượng Nguyên và lễ Bầu Ông (rằm và 16 tháng giêng).
  2. Lễ Hạ Điền (rằm và 16 tháng năm).
  3. Lễ Trung Nguyên (rằm và 16 tháng bảy)
  4. Lễ Thu tế và Trung Thu (rằm và 16 tháng tám)
  5. Lễ Thượng Điền và Hạ Nguyên (rằm và 16 tháng mườI)
  6. Lễ Chạp miếu (rằm và 16 tháng chạp) phải
  7. Lễ Tất niên và Dựng nêu (25 tháng chạp).

Nhìn chung, nguồn gốc nghi lễ tại miếu Công thần rất phức tạp. Lễ Hạ Điền và lễ Thượng Điền là nghi lễ của một đình làng. Ngày ấy, dân làng tế Thần Nông, vũ sư, phong bá và các vị thần linh khác để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bộI thu. Còn lễ Bầu Ông là nghi lễ thời khai hoang phá rừng còn lưu truyền. Theo lời người xưa kể lại, thời đó, con người không ai dám làm chức Trùm Cả, tức là chức vụ đứng đầu làng, chức vụ này phải dành cho cọp. Nếu ai bạo gan, trái điều kiêng kỵ thì cọp sẽ về móc họng giết chết. Do vậy hàng năm, Hương chức phải làm lễ tế “ông Trùm Cả” và dâng cho “Ông” một tờ cử hương chức. Tối hôm đó, ông sẽ về nhận lễ vật và trả tờ cử nhiệm kỳ qua. Tục lệ này có vẻ dị đoan,, nhưng mục đích nhằm trấn an dân làng bám trụ phá rừng. Đặc biệt, trong một năm chỉ có lễ Xuân tế là ngày lễ quan trọng nhất tại miếu Công thần. Ngày lễ này kéo dài 4 ngày : 14, rằm, 16, 17 tháng hai, có hàng ngàn bà con trong thành phố và các nơi khác về dự. Lễ Xuân tế là dịp bà con đến lễ bái các vị thần linh cầu quốc thái dân an, là dịp bà con lễ bái các vị tiền nhân với ý niệm uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là dịp cầu an làng xóm nên ngoài các nghi lễ truyền thống còn có các nghi lễ dân gian mang màu sắc Phật giáo, Lão giáo. Lễ Xuân tế là dịp bà con họp mặt vui chơi đàm đạo, xem hát bội.

Có thể nói, miếu Công Thần Vĩnh Long là một “tượng đài” kỷ niệm 300 năm văn hóa vùng đất này. Do đó, ngày 31 tháng 8 năm 1998, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 1811-QĐ công nhận miếu Công thần là di tích văn hóa cấp quốc gia.

THẤT PHỦ MIẾU (CHÙA ÔNG) 

Thất Phủ miếu là bảy phủ : Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) của các tỉnh Trực Lệ, Phước Kiến và Quảng Đông. Vào đời Thanh, có rất nhiều người Hoa ở các các địa phương vừa kể sang nước ta lập nghiệp nên nhà Nguyễn cho phép họ lập Hội Thất Phủ, tượng tự như Hội Hoa kiều ngày nay.

Căn cứ vào tên gọi, chúng ta biết miếu Thất Phủ tại Vĩnh Long có từ thời Nguyễn. Thời đó, chợ Vĩnh Long phố xá tấp nập. Theo Đại Nam nhất thống chí, hai mặt chợ Vĩnh Long đều giáp sông, phố xá liên tiếp, trăm mốI hàng hóa tấp nập đủ cả, chạy dài năm dặm, ghe thuyền đậu đầy bến sông. Có đình miếu thờ thần rực rỡ, đờn ca náo nhiệt, là chỗ phố phường lớn. Như thế, vàm sông Long Hồ, trước mặt miếu Thất Phủ hoặc miếu Minh Hương là bến thuyền, nên họ chọn nơi này đặt Hội quán giao tiếp.

Đến thời Pháp thuộc, số người Hoa đến Vĩnh Long làm ăn ngày một đông. Do yêu cầu lúc đó, những người Quảng Đông, Triều Châu tách ra lập bang hội riêng nên những người Phúc Kiến còn lại vào năm 1872 đã tái thiết miếu Thất Phủ, đổi lại là “Vĩnh An cung”, để làm Hội quán của bang mình.

Thất Phủ hội quán (Vĩnh An cung) ở địa chỉ Khu A, phường 5, thành phố Vĩnh Long ngày nay. Đây là công trình kiến trúc của nhóm thợ tài hoa gồm mười người từ Phúc Kiến sang, đứng đầu là công trình sư Hà Tạo. Tất nhiên, suốt giai đoạn xây dựng (từ năm 1892 đến 1909), họ phải có sự giúp sức của nhiều thợ khác như thợ mộc xây dựng, thợ đá, thợ hồ, trang trí, thợ sơn thiếp, họa sĩ, thợ cắt sành và thợ mộc trang trí.

Miếu Thất Phủ làm theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Phía sau là chính điện, phía trước là tiền đường, hai bên là Đông sương và Tây sương (nhà Đông và nhà Tây, người Việt thường gọi là Đông lang và Tây lang). Diện tích xây dựng khoảng 800 mét vuông, xung quanh được bao kín bởi những vách gạch kiên cố. Để một khoảng diện tích to rộng như thế ấy có đầy đủ ánh sáng, các công trình sư đã cho chừa những khoảng sân trống. Tuy các khu vực chính nằm xa nhau nhưng có thể thông hành qua lại nhờ các nhà nối, gọi là “hà cầu” (hà kiều), tức xem những sân trống đó là ao sen và những nhà nối ấy là những cây cầu bắc qua ao sen.

Theo truyền thống xây dựng của Trung Quốc, mái Thất Phủ miếu lợp ngói âm dương, được phong tô kỹ lưỡng. Chân mái ngói được viền một loại ngói đặt biệt có tráng men màu xanh. Đứng trước sân nhìn vào, nét đặc biệt nhất của nghệ thuật kiến trúc vùng Phúc Kiến cũng như nghệ thuật kiến trúc của miếu Thất Phủ là mái ngói cong vút và tầng mái gian giữa cao hơn tầng mái của hai gian bên. Một điểm đặc biệt nữa là miếu Thất Phủ xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái. Hai ô cửa tượng trưng mặt trời, mặt trăng; trong miếu có nhiều hình ảnh cố sử.

Bộ giàn trò miếu Thất Phủ bằng gỗ quý. So với các công trình kiến trúc của người Việt (Nam bộ) thì bộ giàn trò này rất mỹ thuật và kiên cố. Tất cả các bộ phận trong chịu lực trong ngôi miếu như : vì, xuyên, trính, các con kê hoặc con đội đều chạm hình voi, sư, lân, chậu hoa, chùm trái… Các bộ phận này chạm trổ tinh vi, vừa mang tính hiện thực, vừa cách điệu, lại được sơn ngũ sắc hoặc thiếp vàng. Thỉnh thoảng một vài nơi giữa những bộ phận chạm trổ tinh tế ấy cũng có những khoảng trống, là chỗ để các họa sĩ đặt lên những bức tranh nhân vật cố sử. Do đó, khu vực này cầu kỳ nhưng không nhàm chán. Có thể nói, đây là công trình mỹ thuật xuất sắc chẳng những đối với các công trình của người Việt, mà còn của người Hoa nữa.

Trong miếu có ba bàn thờ chính, bàn thờ giữa là khánh thờ Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình Thái Tử, Châu Xương Tướng quân. Khánh thờ bên tả thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Khánh thờ bên hữu thờ Phước Đức Chánh Thần. Phước Đức Thánh Thần có hai vị Chiêu Tài Đệ Tử, Thiên Hậu Thánh Mẫu có hai thần vị Thiên Lý Nhãn (thấy ngàn dặm) và Thuận Phong Nhĩ (nghe ngàn dặm) hầu cận. Trong vách hông có tượng ngựa xích thố và Mã đầu Tướng quân của Quan Công. Ngoài ra còn có bàn thờ Phật Quan Âm, Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Di Lặc, Hộ pháp Long Thần… nhưng mang tính chất tín ngưỡng dân gian nhiều hơn tôn giáo.

Các tượng thờ kể trên đa số bằng gỗ, có một số bằng đồng, gốm sứ. Mặc dù bằng chất liệu gì thì các hiện vật này cũng đều tạo hình chân phương và sinh động, mô tả được cái nộI tâm của nhân vật ấy. Các tượng thờ này được sơn màu hoặc thếp vàng theo quy ước.

Nội cung Vĩnh An cung trang trí tuyệt đẹp. Có thể nói, không đâu có đến mấy chục bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế, sơn son thiếp vàng chói lọi như ở đây. Theo ký hiệu khắc trên các tác phẩm, đa số các hiện vật đều do các lò thợ ở Tân Giai, Tân Nhơn thực hiện. Các dạng hoành phi, câu đối ở miếu Thất Phủ đều có nét chữ rất đẹp. Một bức hoành khắc bốn chữ “Quan Thánh Phu Tử” được đem đi triển lãm ở hội chợ các nước thuộc địa tại Marseille (Pháp) năm 1922, được Huy chương đồng.

Hàng năm, tại miếu Thất Phủ có các ngày vía như ngày vía bà, vía Phước Đức Chánh Thần, tam Nguyên, Tứ Quý; đặt biệt nhất là ngày vía Ông (13 tháng giêng và 13 tháng năm), ngày Tất niên (15 tháng 12), có hàng ngàn người đến chiêm bái, chẳng những đã thu hút bà con người Hoa, mà còn người Việt ở địa phương nữa. Người ta đến chiêm bái Quan Thánh Đế Quân, một biểu tượng trọng nghĩa tuyệt vờI, một biểu tượng nhân dũng, tiết nghĩa, thuỷ chung… Bên cạnh đó, Thiên Hậu Thánh Mẫu và Phước Đức Chánh Thần là những vị thần phù hộ họ đi ra nước ngoài, những vị thần phù hộ họ làm ăn sinh sống. Quan Âm Bồ Tát cũng là Thiên Hậu Thánh Mẫu, với tấm lòng từ bi thường hiện ra cứu giúp người lương thiện tai qua nạn khỏi, phù hộ phụ nữ và trẻ con. Đặt biệt người Phúc Kiến thường thờ Quan Âm Bồ Tát vì truyền thuyết ngài đã xuất hiện tại Phổ Đà sơn, một ngọn núi ở hải đảo, ngoài khơi tỉnh này.

Thất Phủ miếu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa (Quyết định số 152 QĐ/BT, ngày 25/1/1994).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây